Luân lý – Bài 3: Lương tâm
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
A. TRÁCH NHIỆM LUÂN LÝ
"Xét theo phẩm giá, mọi người vì là những nhân vị, nghĩa là người có lý trí và ý chí tự do, nên phải chịu trách nhiệm về cá nhân mình" (Tuyên ngôn về tự do tôn giáo 2)… Vậy trước tòa án Thiên Chúa, mỗi người sẽ phải trả lẽ về đời sống của mình tùy theo chính họ đã làm điều thiện hay điều ác" (MV 17).
I. CHỦ TẾ LUÂN LÝ VÀ HÀNH VI NHÂN LINH
Mỗi người là một nhân vị, nghĩa là có những đặc thù là họ khác biệt với các hữu thể khác, và làm nên phẩm giá cũng như quyền hạn của họ. Nhân vị có đặc tính nổi bật nhất là chủ thể tính, nghĩa là làm chủ nhân duy nhất của các hành vi cũng như của việc thực hiện bản thân mình. Mỗi người là một nhân vị, nên là một chủ thể, nhưng họ phải làm chủ mình và các quyền hạn của mình, sao cho nhân vị mình được triển nở phù hợp với phẩm giá; và họ còn nghĩa vụ phải tôn trọng chủ thể và quyền hạn của các nhân vị khác trong xã hội. Làm chủ như thế con người trở thành một chủ thể luân lý. Và khi con người hành xử quyền làm chủ và các nghĩa vụ của mình thì những hành vi nào phát xuất từ ý chí tự do đều được gọi là hành vi nhân linh.
Như vậy khi hành xử tự do theo lý trí thì con người trở thành một chủ thể luân lý. Và hành vi phát xuất từ phán đoán và tự do chọn lựa ấy, xét về mặt luân lý, là hành vi nhân linh, hành vi có thể tốt hay xấu, có tính luân lý.
II. TÍNH LUÂN LÝ (TỐT XẤU) CỦA HÀNH VI NHÂN LINH
Tính luân lý của hành vi nhân linh tùy thuộc vào ba nguồn là: đối tượng được chọn, mục đích nhắm tới hay ý tưởng, và hoàn cảnh của hành vi. Ba nguồn nầy là những yếu tố làm cho hành vi nhân linh có tính luân lý.
Đối tượng được chọn là: Tiêu chuẩn đầu tiên để xét xem một hành vi tốt hay xấu. Đối tượng được chọn sẽ định loại hành vi là tốt xấu, tùy theo lý trí nhận xét và phán đoán nó có phù hợp hay không với sự thiện đích thực. Chọn một đối tượng tự bản tính là xấu thì toàn bộ hành vi là xấu, dầu ta có nhắm tới mục đích nào hoặc làm trong hoàn cảnh nào. Chẳng hạn chọn đối tượng là tà dâm, một điều tự bản chất là xấu thì dầu có nhắm tới mục đích hay ở trong hoàn cảnh nào cũng vẫn là hành vi xấu.
Mục đích nhắm tới hay ý hướng đây là yếu tố chủ chốt để đánh giá tính luân lý của hành vi, chúng có thể làm thay đổi hoàn toàn bản chất luân lý của đối tượng và khiến đối tượng tốt có thể thành xấu. Bởi vì cũng một đối tượng nhưng mục đích nhắm tới và ý hướng thúc đẩy lại khác nhau. Chẳng hạn phục vụ hay bố thí có thể vì yêu mến Chúa, vì muốn giúp đỡ tha nhân, cũng có thể để mong nhận lại một ân huệ, hoặc để khoe mình lấy tiếng… Nhưng mục đích không thể biện minh cho phương tiện.
Hoàn cảnh của hành vi, bao gồm cả các hậu quả của nó, là những yếu tố phụ thuộc vào hành vi luân lý, chúng có thể làm hành vi tốt hơn hay xấu hơn, hoặc làm cho chủ thể hành vi thêm hoặc bớt trách nhiệm. Các hoàn cảnh tự chúng không thể biến đổi tính luân lý của hành vi.
III. ĐAM MÊ VÀ ĐỜI SỐNG LUÂN LÝ
Con người tự điều hành mình tới hạnh phúc nhờ các hành vi nhân linh, trong đó các đam mê có phần đóng góp quan trọng. Theo truyền thống Kitô giáo, đam mê là những cảm xúc hoặc những chuyển động mạnh mẽ của tình cảm, hướng con người đến hành động hoặc không hành động, tùy theo họ cảm thấy hoặc tưởng là tốt hay xấu. Đam mê là chỗ giao lưu giữa sinh hoạt cảm giác và sinh hoạt của tinh thần. Nó gồm nhiều thứ, nhưng căn bản nhất là yêu thương. Từ đam mê căn bản nầy phát xuất ra các đam mê khác: yêu thương được thỏa mãn thì vui mừng, chưa được thì ham muốn, được nhưng chưa chắc thì sợ mất, muốn mà không được thì buồn, bị phản bội thì giận ghét… Xét về mặt luân lý, đam mê tự bản chất thì không xấu cũng không tốt.
Đam mê là những cảm xúc sôi nổi làm chuyển biến cơ thể con người (khóc, cười, đỏ mặt, tái xanh, run…) và có vai trò quan trọng trong đời sống luân lý. Đam mê được đánh giá tốt hay xấu tùy theo chúng thực sự bị chi phối bởi lý trí và ý chí, và khi chúng góp phần vào một hành vi tốt hay xấu. Vì thế con người phải làm chủ để sử dụng các đam mê, không tiêu diệt chúng cũng không để chúng tung hoành phóng túng. Những đam mê được sử dụng tốt có thể trở thành nhân đức (yêu thương biến thành bác ái…) trái lại, nếu để chúng phóng túng có thể biến thành tính xấu (buồn biến thành thất vọng…). Kitô hữu còn được Chúa Thánh Thần trợ giúp để sử dụng và quy hướng đam mê tới các nhân đức Tin, Cậy, Mến để có thể hiệp thông với Thiên Chúa, với nhau và với vũ trụ vạn vật, đảm bảo cho hạnh phúc cả đời nầy lẫn đời sau.
IV. LÝ TRÍ VÀ CON TIM
"Muốn đạt được sự thiện luân lý tới mức toàn hảo, con người cần được động viên không những chỉ bởi ý chí mà còn bởi cả con tim nữa" (Sách Giáo lý 1775) Thiên Chúa đã ban cho con người phẩm giá cao cả là vừa có lý trí vừa có con tim, con người phải sử dụng mọi năng lực của mình trong việc theo đuổi ơn gọi hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Nhưng con người đã bị thương tổn vì nguyên tội, nên càng phải tự mình cố gắng và cậy nhờ ân sủng Chúa Thánh Thần trợ giúp mới làm chủ các năng lực đó cách hài hòa và kiên trì được. Đó chính là trách nhiệm của Kitô hữu đối với ơn gọi của mình.
Kitô giáo nói đến đam mê, còn người Á Đông chúng ta gọi là "thất tình" (bảy tình) đó là: vui (hỉ), giận (nộ), buồn (ai), sợ (cụ), yêu (ái), ghét (ố), ham muốn (dục). Kitô giáo cũng như các nhà hiền triết Á Đông chúng ta không chủ trương diệt các đam mê, nhưng mời gọi ta làm chủ và quy hướng chúng về mục đích tốt, về "chí thiện" (Sự thiện toàn hảo), chẳng hạn không ham muốn giàu sang nhưng ham muốn làm vinh danh Thiên Chúa; hoặc mời gọi ta giữ cho chúng không thái quá, không bất cập, giữ sự "trung dung" đúng nghĩa, chẳng hạn buồn mà không thất vọng, giận mà không phạm tội…
Dùng lý trí để làm chủ đam mê và hướng chúng tới "chí thiện" thì trí năng được kích thích và dễ thăng tiến, ý chí được tăng cường và dễ kiên quyết. Khi lý trí và con tim cùng chung sức và nhờ ân sủng Chúa Thánh Thần trợ giúp, con người chắc chắn đạt tới chí thiện.
B. LƯƠNG TÂM
“Dân ngoại là những người không có luật Môsê, nhưng mỗi khi họ theo lẽ tự nhiên mà làm những gì luật dạy thì họ là luật cho chính mình, mặc dù họ không có luật Môsê. Họ cho thấy là điều gì luật đòi hỏi thì đã được khắc ghi trong lòng họ, lương tâm họ cũng chứng thực điều đó, vì họ tự phán đoán trong lòng, khi thì cho mình là trái, khi thì cho mình là phải" (Rm 2,14-16).
I. LƯƠNG TÂM LÀ GÌ?
Dù có niềm tin tôn giáo hay không, mỗi người đều khám phá ra tận đáy lòng mình có một tiếng nói, một lề luật mà chính mình không đặt ra, nhưng vẫn luôn nhắc nhở mình phải tuân theo. Tiếng nói ấy vang lên rất đúng lúc, kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác (x.MV 16). Ta gọi tiếng nói ấy là lương tâm, và bởi vì tất cả mọi người đều nhìn nhận sự có mặt của lương tâm, nên lương tâm trở thành nền tảng để tất cả mọi người cùng tìm kiếm và giải quyết những vấn đề luân lý trong cuộc sống cá nhân cũng như trong cuộc sống xã hội.
Đối với người Kitô hữu, lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là nơi Thiên Chúa hiện diện trong lòng người. Ở đó "con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ" (MV 16). Chính vì thế, khi nghe theo tiếng lương tâm, ta có thể cảm nhận được Thiên Chúa đang nói với mình, và nhờ phán quyết của lương tâm, ta ý thức và nhận ra những quy luật của Thiên Chúa.
Để có thể nghe được và tuân theo tiếng lương tâm, cần phải lắng đọng tâm hồn và nhìn vào phía bên trong. Cuộc sống hôm nay quá ồn ào và vội vã, con người hôm nay có khuynh hướng trốn tránh suy nghĩ, hồi tâm và kiểm điểm. Càng sống trong thời đại như thế, ta càng cần phải tập thói quen trở về với chính mình trong thinh lặng và suy niệm; nhờ đó có thể gặp gỡ Chúa là Đấng ở trong ta còn sâu hơn chính ta (Âu tinh).
II. HUẤN LUYỆN LƯƠNG TÂM
Lương tâm đã được Thiên Chúa đặt để nơi lòng người chứ không do con người tạo nên, tuy nhiên lương tâm ấy có thể bị biến chất do những điều kiện sống chung quanh. Vì thế, cần phải huấn luyện lương tâm, để có thể phán đoán ngay thẳng và chân thật.
Lương tâm ngay thẳng bao gồm ba yếu tố:
– Nhận biết các nguyên tắc luân lý.
– Ứng dụng những nguyên tắc ấy vào những hoàn cảnh cụ thể.
– Phán quyết về các hành vi cụ thể đã làm hay sắp làm.
Huấn luyện lương tâm là nhiệm vụ phải thực hiện suốt đời. Công việc ấy phải được bắt đầu từ thuở ấu thơ, vì đây là giai đoạn rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách. Được huấn luyện tốt, lương tâm sẽ trở thành tấm bảng chỉ đường quý giá, dẫn con người đến tự do đích thực, và mang lại sự bình an cho tâm hồn.
Trong việc huấn luyện lương tâm, Lời Chúa đóng vai trò rất quan trọng. Vì "lương tâm là vị đại diện thứ nhất trong các đại diện của Chúa Kitô" (Newman), nghĩa là lương tâm chính là Lời của Chúa Kitô ở mức độ khởi đầu; cho nên nhờ ánh sáng Lời Chúa, lương tâm sẽ đạt đến sự phát triển trọn vẹn.
III. ĐỂ CÓ THỂ CHỌN LỰA ĐÚNG ĐẮN THEO LƯƠNG TÂM
Kinh nghiệm cho thấy khi phải đứng trước một chọn lựa, lương tâm có thể phán đoán đúng, theo lý trí và luật Thiên Chúa, nhưng cũng có thể phán đoán sai.
1. Phán đoán sai:
Những lệch lạc trong phán đoán luân lý có thể xuất phát từ nhiều lý do: thiếu hiểu biết về Chúa Kitô và Tin Mừng, gương xấu của người khác, nô lệ các đam mê, quan niệm sai lầm về tự do lương tâm, khước từ quyền bính và giáo huấn của Hội Thánh, thiếu hoán cải và bác ái.
Thông thường, mỗi người phải chịu trách nhiệm về sự thiếu hiểu biết của mình, nhất là khi họ "không lo lắng tìm kiếm chân lý và điều thiện, hoặc vì thói quen phạm tội mà lương tâm dần dần trở nên mù quáng" (x.MV 16).
Tuy nhiên nếu không thể khắc phục tình trạng thiếu hiểu biết hoặc phán đoán sai lầm không phải do bản thân mình, thì người đó không phải chịu trách nhiệm về điều xấu đã làm.
2. Chọn lựa đúng:
Để có thể chọn lựa đúng đắn theo lương tâm ngay thẳng, ta phải dựa vào đức khôn ngoan, lời khuyên bảo của những người hiểu biết cũng như sự trợ lực của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên có một vài nguyên tắc có thể áp dụng trong mọi hoàn cảnh:
– Không được lấy mục đích tốt biện minh cho phương tiện xấu.
– Khuôn vàng thước ngọc "tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta" (Mt 7,12).
– Đức Ái Kitô giáo đòi hỏi ta phải tôn trọng tha nhân và lương tâm của họ. Vì thế không được xúc phạm đến tha nhân hoặc làm gương xấu cho người khác.
Xét cho cùng, lương tâm chính là tiếng nói của Thiên Chúa trong cung lòng con người. Thánh Bonaventura so sánh lương tâm với một người sứ giả của Thiên Chúa. Người sứ giả không loan báo sứ điệp của riêng mình, mà chỉ nói những gì Thiên Chúa truyền cho phải nói (x. Thánh Augustinô, thư Ga 8, 9). Chính vì thế con người phải tuân phục tiếng nói của lương tâm một cách tuyệt đối. Tuyên ngôn về tự do tôn giáo của Công Đồng Vaticanô II viết rằng : " […] con người phải trung thành tuân theo lương tâm trong mọi hành động để đạt tới cùng đích đời mình là chính Thiên Chúa. Vì thế, không ai bị cưỡng bách hành động trái với lương tâm, cũng như không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm, nhất là trong lãnh vực tôn giáo" (Dignitatis humanae, 3).