LỜI CHÚA THỨ TƯ LỄ TRO

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

THỨ TƯ LỄ TRO A.B.C.  06.03.2019

Ge 2,12-18 ; 2 Cr 5,20-6,2 ; Mt 6,1-6.16-18

XỨC TRO VÀ ĂN CHAY VỀ TINH THẦN  

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 6,1-6.16-18

(1) Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời ban thưởng. (2) Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (3) Còn anh khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, (4) để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh. (5) Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: Chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: Chúng đã được phần thưởng rồi. (6) Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.

(16) Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: Chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (17) Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, (18) để không ai thấy là anh ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.

2. Ý CHÍNH:

Đức Giê-su đòi môn đệ phải làm các việc đạo đức phù hợp với tinh thần mới của Người:

– Đối với tha thân: Phải quảng đại chia sẻ cơm bánh vật chất.-

– Đối với Thiên Chúa: Phải chuyên cần cầu nguyện.

– Đối với bản thân: Phải năng ăn chay hãm mình đền tội.

Điều cốt yếu khi làm các việc ấy là phải làm trong tinh thần khiêm tốn: Tránh khua chiêng đánh trống khi bố thí để tìm tiếng khen; Tránh cầu nguyện ở chỗ đông người để được ca tụng; Tránh làm bộ mặt rầu rĩ khi ăn chay để cho người ta biết mình đang ăn chay.

3. CHÚ THÍCH:

C 2-4: + Bố thí: Thời Đức Giê-su, bố thí là việc công chính bậc nhất (x. Hc 7,10). Hình như người ta ưa làm việc bố thí công khai, nên dễ đưa tới thái độ phô trương bề ngoài, nhằm để được người khác ca tụng. + Đừng có khua chiêng đánh trống: Rất có thể những người Pharisêu thời bấy giờ dùng chiêng trống để loan báo cho người ăn xin nghèo khó tập trung lại nhận quà. Tuy nhiên, không thấy bản văn nào nói đến việc này. Do đó ta có thể coi đây chỉ là một ví dụ có tính phóng đại để khuyến cáo môn đệ phải khiêm tốn khi làm các việc đạo đức. + Chúng đã được phần thưởng rồi: Lời khen của người đời chính là phần thưởng dành cho những ai làm việc bố thí chỉ nhằm khoe khoang. Do đó, họ sẽ không được công phúc thiêng liêng trước mặt Thiên Chúa sau này. + Đừng “cho tay trái biết việc tay phải làm”: Là một kiểu nói có nghĩa là cần phải giữ kín, không cho người khác biết việc tốt mình đang làm.

C 5-6: + Cầu nguyện: Chính Đức Giê-su đã làm gương và dạy các môn đệ về sự cầu nguyện (x. Mt 14,23). Theo Người thì lời cầu nguyện phải có những đặc tính sau: Phải khiêm tốn trước Thiên Chúa và người đời (x. Lc 18,10-14;Mt 6,5-6); Phải chân thành, phát xuất tự đáy lòng (x. Mt 6,7); Phải tin tưởng vào lòng nhân từ của Thiên Chúa (x. Mt 6,8 ; 7,7-11) và phải kiên trì nài xin (x. Lc 11,5-8 ; 18,1-8). Lời cầu nguyện sẽ chỉ được nhận lời khi cầu xin với lòng tin mạnh (x. Mt 21,22), cầu xin nhân danh Đức Giê-su (x. Mt 18,19-20), và cầu xin những ơn thực sự ích lợi cho phần rỗi đời đời (x. Mt 7,11).+ Chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư cho người ta thấy: Ở đây Đức Giê-su không đả kích việc cầu nguyện công khai và cộng đồng (x. Mt 18,19-20), nhưng Người chỉ trích ý đồ của người cầu nguyện là muốn phô trương công đức để được người đời ca tụng. + Hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu nguyện cùng Cha của anh: Đức Giê-su gợi lại cách thức của ngôn sứ Êlia cầu nguyện khi làm phép lạ (x. 2V 4,33).

– C 16-18: + Ăn chay: Đã từ rất lâu, dân Ítraen có tục ăn chay mỗi khi có tang chế (x. 2 Sm 3,35), khi cầu xin Chúa một ơn đặc biệt (2Sm 12,16). Ăn chay theo luật Môsê là nhịn ăn uống vào ban ngày. Trong thời gian ăn chay, người ta không được tắm rửa, phải để râu tóc mọc dài, và mặc một loại quần áo bằng vải thô đặc biệt. Thời Đức Giê-su, dân Do thái chỉ buộc phải ăn chay trong ngày lễ Xá tội (x. Lv 16,29-31; Cv 27,9), và trong ngày kỷ niệm Đền thờ bị tàn phá hoặc trong những lúc gặp thiên tai. Riêng các người Pharisêu còn tự nguyện ăn chay thêm mỗi tuần hai lần (x. Lc 18,12). + Còn anh, khi ăn chay…: Đức Giê-su muốn cho các môn đệ của Người phải ăn chay trong sự khiêm tốn: thay vì rắc tro lên đầu, để râu tóc bù xù, quần áo dơ bẩn…như người Biệt phái thường làm, thì họ cứ rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm như mọi ngày khác, để cho người ta không biết mình đang ăn chay.

4. CÂU HỎI: 

1) Hãy cho biết ba việc đạo đức người Do thái đạo đức quen làm là những việc gì? 2) Theo Đức Giê-su: cầu nguyện đúng đắn phải có những đặc tính nào? Muốn đạt được hiệu quả thì lời cầu nguyện phải có những điều kiện nào? 3) Luật Môsê dạy dân Do thái ăn chay như thế nào? 4) Thời Đức Giê-su, dân Do thái buộc ăn chay những ngày nào? Và người Pharisêu thì ăn chay những ngày nào? 5) Đức Giê-su dạy môn đệ phải ăn chay cách nào để làm đẹp lòng Thiên Chúa?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Còn anh khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6,4).

2. CÂU CHUYỆN: NƠI NÀO TRONG NHÀ THỜ LŨ CHUỘT ÍT BỊ QUẤY RẦY NHẤT?

Có một con chuột cống sống trong một ngôi nhà thờ cổ ở miền quê. Một hôm nó đi lang thang trong nhà thờ để kiếm cái gì ăn cho đỡ đói. Bỗng nó gặp một con chuột khác cũng đang đi tìm thức ăn như nó. Thế là hai con chuột liền làm quen với nhau và hỏi thăm chỗ ở của nhau. Con thứ nhất tâm sự: “Tớ đang sống chui rúc dưới gầm tòa giải tội trong ngôi nhà thờ này, nhưng chẳng mấy khi được yên thân. Vì lúc nào cũng có người đến xưng tội làm mất giấc ngủ của tớ!”. Nghe vậy, chuột thứ hai tỏ ra thông cảm với bạn và nói: “Vậy thì bồ hãy dọn đến ở chung với tớ. Chỗ tớ đang ở vừa ấm áp sạch sẽ, lại vừa yên tĩnh và ít bị người ta quấy rầy!” Chuột thứ nhất ngạc nhiên hỏi: “Có một chỗ ở như thế thật ư? Vậy bạn hãy cho tớ biết đó là chỗ nào vậy? “. Chuột thứ hai liền đáp: “Đó là cái thùng quyên góp tiền bạc giúp đỡ người nghèo. Nó nằm ngay tại cuối nhà thờ này đấy!”.

2) BÁC ÁI CHIA SẺ LÀ CÁCH ĂN CHAY ĐẸP LÒNG CHÚA HƠN CẢ:

Một vị ẩn tu sống đơn độc trên ngọn núi cao. Ngày đêm ông ăn chay cầu nguyện. Ông ăn chay rất nghiêm ngặt và cầu nguyện rất tha thiết. Ðể thưởng công, Chúa cho xuất hiện một ngôi sao trên đầu núi. Khi nào ông ít ăn chay và không cầu nguyện thì ngôi sao bị lu mờ đi. Khi ông gia tăng ăn chay cầu nguyện thì ngôi sao lại rực sáng lên.

Một hôm ông muốn leo lên đỉnh cao nhất của ngọn núi. Khi ông chuẩn bị lên đường thì một bé gái trong làng đến thăm và ngỏ ý muốn đi cùng với ông lên núi. Thày trò hăng hái lên đường. Đường càng lên cao thì càng dốc và khó đi. Mặt trời mỗi lúc càng nắng gắt. Hai thày trò đều bị ướt đẫm mồ hôi và khát nước, nhưng theo luật ăn chay nghiêm ngặt nên không ai dám uống nước. Vị ẩn tu không dám uống vì sợ phá chay mất công phúc trước mặt Chúa. Nhưng khi thấy em bé mỗi lúc mệt thêm, vị ẩn tu thương hại em nên mở chai nước ra uống. Lúc ấy em bé mới dám mở chai của mình ra uống. Uống nước xong, em cảm thấy khỏe hơn và mỉm cười rất tươi để tỏ lòng cám ơn thày. Thày ẩn tu ngước mắt nhìn lên ngôi sao trên đỉnh núi vì sợ ngôi sao kia biến mất vì mình đã không hãm mình. Nhưng lạ thay, trên đầu núi thày thấy không phải một mà lại có đến hai ngôi sao sáng cùng xuất hiện. Thì ra, để thưởng công lòng bác ái yêu thương người khác của thày, Chúa đã cho thêm một ngôi sao nữa.  

3. THẢO LUẬN:

1) Trong kinh “cải tội bảy mối có bảy đức”, bạn thấy mình thường hay sai phạm mối tội đầu nào nhất ? 2) Bạn quyết tâm sẽ làm gì cụ thể để chừa bỏ được thói xấu ấy trong những ngày Mùa Chay này?

4. SUY NIỆM:

1) BA VIỆC CẦN LÀM TRONG MÙA CHAY LÀ XỨC TRO, ĂN CHAY VÀ BỐ THÍ:

a) Ý nghĩa của việc xức tro lên đầu:

Hội thánh cử hành nghi thức làm phép và xức tro để khai mạc Mùa Chay Thánh. Trong nghi lễ xức tro, Hội Thánh nhắc nhở mọi tín hữu chúng ta: “Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro. Một mai người sẽ trở về bụi tro”.

Khi lãnh tro lên đầu là chúng ta nhận mình chỉ là tro bụi như tổ phụ  Áp-ra-ham xưa đã thưa với Đức Chúa: “Con chỉ là thân tro bụi” (St 18, 27), đồng thời chúng ta cũng bày tỏ lòng sám hối và tin vào Đức Giê-su như Người đã kêu gọi khi khởi đầu công cuộc rao giảng Tin Mừng: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 14).

Thời ngôn sứ Gio-na, Đức Chúa truyền cho ông loan báo cho dân thành Ni-ni-vê tội lỗi về tai ương mà Người sẽ giáng xuống trên thành nếu họ không chịu hồi tâm sám hối. Lúc đầu Gio-na chạy trốn Đức Chúa và con thuyền gặp bão và Gio-na bị ném xuống biển bão mới yên. Ông đã nằm trong bụng cá và ba ngày sau, cá đã há miệng nhả ông nằm trên bãi biển thuộc thành Ni-ni-vê. Ông đã chịu khuất phục ý Chúa và bắt đầu thi hành sứ mạng kêu gọi dân Ni-ni-vê sám hối. Nghe ông rao giảng và chứng kiến phép lạ nằm trong bụng cá của ông, từ vua đến dân đều ăn năn sám hối: “Vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro” (Gn 3, 6). Nhờ đó thành Ni-ni-vê đã được Đức Chúa thương xá tội và tha không hành phạt nữa.

Sang thời Tân Ước, giá trị và ý nghĩa của việc xức tro vẫn được Đức Giê-su công nhận như phương thế bày tỏ lòng ăn năn sám hối khi chê trách dân hai thành phố Do thái là Kho-ra-din và Bét-xai-đa như sau: “Khốn cho các ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bét-sai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đon, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xi-đon còn được xử khoan hồng hơn các ngươi” (Mt 11, 21 – 22; x. Lc 10, 13).

Như vậy, khi chịu tro lên đầu, ngoài việc công khai nhận mình là người tội lỗi và tỏ lòng sám hối xin Thiên Chúa dủ lòng thương tha thứ, chúng ta còn thể hiện sự quyết tâm trở về với Chúa, đổi mới tâm hồn để xứng đáng trở nên con cái Thiên Chúa.

b) Ăn Chay đền tội:

Ngay từ thời các vua, dân Ít-ra-en đã có thói quen ăn chay mỗi khi có tang chế (x. 2 Sm 3,35), khi cầu xin Chúa một ơn đặc biệt (2 Sm 12,16), trong ngày kỷ niệm Đền thờ bị tàn phá hoặc trong những lúc gặp thiên tai. Đến thời Chúa Giê-su, các người Pha-ri-sêu còn tự nguyện ăn chay thêm mỗi tuần hai lần (x. Lc 18,12).

Về cách thức ăn chay: Luật Mô-sê quy định ăn chay là sự tự nguyện nhịn ăn uống vào ban ngày. Trong thời gian ăn chay, người ta không được tắm rửa, phải để râu tóc mọc dài, và mặc một loại quần áo bằng vải thô đặc biệt. Luật buộc ăn chay trong ngày lễ Xá tội (x. Lv 16,29-31; Cv 27,9),

Ăn chay thể hiện tinh thần thờ phượng Thiên Chúa và là hành vi đẹp lòng Người (x. Ds 29,7). Ăn chay còn có ý nghĩa thể hiện lòng thành tín để xứng đáng được Thiên Chúa nhận lời cầu xin (x. 2Sm 12,16-22); để thể hiện tinh thần sám hối đền tội, xứng đáng được Chúa tha thứ (x. Lv 23,27); Ăn chay hỗ trợ hiệu quả cho việc trừ Quỉ… (x. Mt 17,21). Ăn chay còn nói lên tính vị tha là thực hiện công lý và tình thương (x. Is 58,6-7). Ăn chay là phương thế thánh hóa bản thân, siêu thoát tinh thần để được hưởng sự sống đời đời. Ăn chay giúp chúng ta không còn bám víu vào của cải vật chất đời này, không cậy dựa vào sức riêng mình cách thái quá mà biết cậy dựa vào Lời Chúa như Chúa dạy: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4,4).

Tuy nhiên, việc ăn chay chỉ có giá trị trước mặt Chúa và nhận được ơn Chúa ban nếu được thực hiện trong tinh thần khiêm hạ như lời Đức Giê-su: “Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ mặt rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh” (Mt 6,16-18).

c) Làm phúc bố thí bới lòng mến Chúa:

– Các việc đạo đức như ăn chay cầu nguyện cần thể hiện lòng mến Chúa yêu người mới có giá trị như thánh Phao-lô dạy: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3).

– Tiếp đến một việc đạo đức thiết thực cần được thực hiện trong mùa Chay là bố thí chia sẻ cơm bánh vật chất cho những người nghèo đói. Đây là việc khó thực hiện nếu thiếu lòng quảng đại, nhưng nó sẽ mang lại ích lợi lớn lao và còn là phương thế hữu hiệu giúp chúng ta hồi tâm sám hối và làm việc đền tội cân xứng, như sứ thần Ra-pha-en đã khuyên hai cha con Tô-bi-a như sau: “Bố thí mà đi đôi với đời sống công chính, thì tốt hơn giàu có mà ăn ở bất công. Làm phúc bố thí thì tốt hơn là việc tích trữ vàng bạc. Việc bố thí làm cho chúng ta khỏi chết và giúp tẩy sạch mọi tội lỗi, đồng thời còn giúp người bố thí sống lâu” (x Tb 12,8-9).

Sở dĩ bố thí khó thực hiện vì “Đồng tiền liền khúc ruột”, nhưng bù lại, bố thí sẽ làm phát sinh ích lợi lớn lao, giúp chúng ta ý thức về giá trị tương đối của tiền bạc, như Đức Giê-su đã khuyên chàng thanh niên giàu có: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10,21).

2) CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ TRONG MÙA CHAY NÀY:

a) Phải tránh thói ăn chay hình thức vụ luật và phô trương của người Biệt Phái:

– Có những người ăn chay vì vụ luật hoặc vì sợ bị Chúa phạt : Những người này ăn chay để khỏi mắc tội. Do đó nếu trong ngày chay lỡ quên ăn vặt, ăn không đúng giờ… thì đâm ra lo lắng áy náy. Cũng có những người ăn chay cách tính toán để vừa giữ luật lại vừa thỏa mãn thói mê ăn của mình: Ngày mai ăn chay thì hôm nay sẽ tổ chức ăn uống no say để ngày mai đỡ thèm như thói tục “Thứ Ba Béo” của một số nước Âu châu. Có người cố nhịn ăn cho đến 24g tức là cuối ngày Thứ Tư, ngay sau đó họ nhậu nhẹt hả hê suốt đêm. Họ làm như thế để an tâm là mình đã giữ trọn ngày chay theo giáo luật.

– Cũng có người trong ngày chay buộc kiêng thịt để tỏ lòng sám hối thì lại mua những thứ đắt tiền như: hải sản, tôm hùm, cá hồi…. Ăn chay như vậy không khác gì cách ăn chay của người Pha-ri-sêu và dân Do thái xưa đã bị Đức Chúa quở trách: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7,6).

b) Phải ăn chay trong tinh thần chay tịnh kết hiệp với việc bác ái:

Ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm lời Đức Chúa: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi. Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: "Có Ta đây!" Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ. Đức Chúa sẽ không ngừng dẫn dắt ngươi, giữa đồng khô cỏ cháy, Người sẽ cho ngươi được no lòng; xương cốt ngươi, Người sẽ làm cho cứng cáp. Ngươi sẽ như thửa vườn được tưới đẫm như mạch suối không cạn nước bao giờ” (Is 58,6-11).

c) Làm gì cụ thể trong Mùa Chay này ?

Mục đích của Mùa Chay là giúp ta trở về với Chúa và với anh em bằng cách ăn năn sám hối tội lỗi vằng việc xức tro, ăn chay, cầu nguyện, làm việc lành.

** Ngày nay Hội Thánh chỉ xức một chút tro trên đầu các tín hữu để khẳng định: Xức tro nhiều ít không quan trọng bằng việc phải xức tro trong tâm hồn. Để thấy tâm hồn mình đang bị ô uế vì tội lỗi. Để thấy rõ ta đã bôi tro trát trấu vào khuôn mặt vô cùng thánh thiện của Thiên Chúa, đã làm lem luốc khuôn mặt khả ái của Hội Thánh, đã làm ố danh cho đạo thánh Chúa. Xức tro vào tâm hồn để mối quan hệ giữa chúng ta với tha nhân đang bị vẩn đục vì thói  ích kỷ nhỏ nhen của ta để lòng ta cảm thấy đau đớn, hối hận và quyết tâm cải tà quy chánh.

– Ăn chay không phải chỉ là nhịn ăn một hai bữa cơm nà nhằm nhắc nhớ ta hãy hãm dẹp các đam mê bất chính, các thói hư tật xấu, hãm dẹp những gì làm mất lòng Chúa và làm buồn lòng anh em. Khi giản lược việc ăn chay chỉ vào hai ngày trong một năm, không phải vì Hội Thánh coi nhẹ việc ăn chay, nhưng vì muốn tránh sự ăn chay hình thức bề ngoài, để giúp các tín hữu tập trung vào việc ăn chay trong tinh thần: Nhịn ăn một chén cơm không bằng nhịn nói một lời xúc phạm người khác. Nhịn ăn một miếng thịt không bằng nhịn một cử chỉ khinh thường anh em. Nhịn ăn một bữa cơm ngon không bằng nhường nhịn, tha thứ, sẵn sàng làm hòa với nhau. Kiềm chế cơn đói không bằng kiềm chế cơn nghiện rượu, nghiện ma túy, nghiện cờ bạc. Kiềm chế cơn khát không bằng kiềm chế các dục vọng, loại bỏ thói tham lam và tính hay tự ái kiêu ngạo.

** Ngôn Sứ Giô-en trong phụng vụ lễ Tro kêu gọi dân Do thái: “Hãy xé lòng chứ đừng xé áo”. Người Do-thái có tục lệ khi ăn chay, thống hối thì xé áo ra. Đó là một hình thức biểu lộ sự thống hối. Điều quan trọng là tâm hồn phải thực sự sám hối. Xé áo không bằng xé lòng khỏi các tham lam, ăn ở bất công. Xé áo không bằng xé lòng ra khỏi sự lười biếng, khô khan, nguội lạnh. Xé áo không bằng xé lòng khỏi những dính bén danh lợi thú trần gian. Xé áo không bằng xé lòng ra khỏi thói gian dối, đạo đức giả như người Biệt Phái..

Chỉ khi thực sự xé lòng ra như thế, ta mới gạt bỏ được những chướng ngại ngăn cản ta đến với Chúa. Chỉ khi thực sự xé lòng ra như thế, ta mới đến gần Chúa, sống thân mật với Chúa, hưởng được tình thương bao dung của Chúa.

Để ăn chay trong tinh thần và để hướng lòng về tha nhân, chúng ta hãy biến việc ăn chay thành những hành động bác ái cụ thể. Mỗi ngày trong Mùa Chay, bớt chi tiêu một chút, để gửi tiền giúp những nơi nghèo khổ, bị thiên tai, những đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa… Nhờ thế, việc ăn chay của ta sẽ không chỉ là hình thức, nhưng là những hy sinh thực sự và trở nên những việc làm thiết thực đầy tình bác ái huynh đệ.

TÓM LẠI: bản chất của việc ăn chay là sự hãm mình đền tội, là kiêng ăn bớt tiêu để lấy tiền dư ra chia sẻ bác ái giúp đỡ người nghèo đói, tích cực góp phần vào công cuộc truyền giáo và cộng tác giúp cho Hội Thánh ngày một phát triển cả về vật chất cũng như tinh thần!

5. NGUYỆN CẦU

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Cùng với toàn thể Hội thánh, chúng con đã bước vào Mùa Chay. Chúng con xin tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con một thời kỳ thuận tiện để duyệt xét cuộc đời chúng con, hầu bù đắp những thiếu sót, sửa chữa những lệch lạc nơi con người chúng con. Xin Chúa hãy chiếu ánh sáng của Chúa trên chúng con, để chúng con nhận ra con người thật của mình và quyết tâm đổi mới để trở thành môn đệ của Chúa.

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH- HHTM