LỜI CHÚA CHÚA NHẬT III MÙA CHAY C

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY C  24.03.2019

Xh 3,1-8a.13-15 ; 1 Cr 10,1-6.10-12 ; Lc 13,1-9.

THỜI KỲ SÁM HỐI VÀ LÀM VIỆC THIỆN

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 13,1-9

(1) Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng. (2) Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê đó tội lỗi hơn hết mọi người Ga-li-lê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao ? (3) Tôi nói cho các ông biết: “Không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy”. (4) Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-a đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? (5) Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”. (6) Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, (7) nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? (8) Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. (9) May ra sang năm nó có trái. Nếu không thì ông sẽ chặt nó đi”.

2. Ý CHÍNH: Bài Tin mừng hôm nay gồm hai ý chính như sau:

– NẾU KHÔNG CẤP THỜI SÁM HỐI THÌ SẼ PHẢI CHẾT: Khi ấy có một số người Ga-li-lê đã bị quân Rô-ma giết chết khi đang dâng lễ trong Đền thờ, và mười tám người khác ở Giê-ru-sa-lem đã bị tháp Si-lô-a đổ sập đè chết. Nhiều người cho rằng những kẻ đó là người xấu nên đã bị Chúa phạt. Còn Đức Giê-su lại quả quyết: Không phải như vậy! Nhưng nếu người ta không cấp thời sám hối thì mọi người cũng đều phải chết như thế !

– SÁM HỐI LÀ SỰ PHÁT SINH HOA TRÁI: Tội của cây vả ám chỉ dân Ít-ra-en không phải đã sinh trái chua độc hại, nhưng là tình trạng già cỗi không sinh ra hoa trái. Sở dĩ cây chưa bị chặt là nhờ người làm vườn đã xin chủ vườn gia hạn thêm thời gian một năm. Nếu vẫn không ra trái thì bấy giờ cây đó sẽ bị chặt đi. Cũng vậy, mỗi chúng ta nếu không muốn bị tiêu diệt thì ngay từ bây giờ phải thực thi bác ái là quan tâm phục vụ tha nhân.

3. CHÚ THÍCH:

C 1-3: + Người Ga-li-lê: Là những người Do thái sống tại miền Bắc có lòng yêu nước, đã nổi lên chống lại với quân Rô-ma đang cai trị. + Khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng: Câu chuyện xảy ra ngay trong Đền thờ Giê-ru-sa-lem, nơi người ta giết chiên bò làm lễ vật dâng tiến Đức Chúa. Có lẽ những người Ga-li-lê này đi hành hương về Giê-ru-sa-lem đã lợi dụng nơi tôn nghiêm để khích động dân chúng chống lại nhà cầm quyền Rô-ma. Nhưng họ đã bị Tổng trấn Phi-la-tô phát hiện, sai quân đến vây bắt và giết chết ngay trong Đền thờ, làm cho máu họ đổ ra hòa lẫn với máu các con vật mà họ vừa sát tế. + Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê đó tội lỗi hơn hết mọi người Ga-li-lê khác, bởi lẽ họ chịu đau khổ như vậy sao?: Có lẽ người thuật lại câu chuyện muốn biết quan điểm của Đức Giê-su để coi Người có phải là Đấng Thiên Sai mà họ đang mong đợi hay không. Nhưng sứ vụ của Đức Giê-su không phải để làm Vua Mê-si-a theo nghĩa trần tục. Nên Người đã không lộ ra quan điểm chính trị, mà cố tình lái vấn đề sang phạm vi tôn giáo. + “Không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy”: Người ta thường cho rằng: đau khổ, bệnh tật và sự chết là hậu quả của tội lỗi đã phạm. Nhưng Đức Giê-su lại phủ nhận điều ấy. Theo Người những người bị giết kia không phạm tội nhiều hơn những người khác ở Ga-li-lê, nhưng đây là dịp để mỗi người suy nghĩ và hồi tâm sám hối, hầu tránh cho mình khỏi bị tiêu diệt như vậy (x. Ga 9,2-3).

C 4-5: + Tháp Si-lô-a: Là ngọn tháp cao được xây trên đỉnh đồi ở phía Tây Nam thành Giê-ru-sa-lem. + Mười tám người kia bị tháp Si-lô-a đổ xuống đè chết…”: Đau khổ và chết chóc không phải luôn là sự trừng phạt riêng tội nhân, nhưng là cơ hội để mọi người duyệt xét lại bản thân và hồi tâm sám hối hầu tránh khỏi bị tiêu diệt. Chính vì thế mà Đức Giê-su đã tuyên bố: “Nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”.

C 6-9: + Một cây vả trồng trong vườn nho: Theo Cựu ước, cây vả tượng trưng cho dân Ít-ra-en (x. Gr 24,2-10), và vườn nho cũng ám chỉ dân này (x. Is 5,1-7). + Đã ba năm nay tôi ra cây vả tìm trái mà không thấy: Ba năm tương ứng với thời gian giảng đạo của Đức Giê-su. Dân Ít-ra-en được Người ưu tiên rao giảng Tin mừng Nước Trời, nhưng họ lại từ chối tiếp nhận vì không tin Người là Đấng Thiên Sai Mê-si-a. + Người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái. Nếu không thì ông sẽ chặt nó đi”: Khác với Tin mừng Mát-thêu (x. Mt 21,19) và Mác-cô (x. Mc 11,21), trong Tin mừng Lu-ca số phận của cây vả được xử khoan dung hơn. Do lòng kiên nhẫn của chủ vườn là Thiên Chúa, và nhờ lời cầu bầu của người làm vườn là Đức Giê-su, mà cây nho không sinh trái là các tội nhân, có thêm thời gian sám hối. Sau đó nếu họ vẫn cứng lòng không chịu hoán cải thì họ sẽ bị tiêu diệt.

4. CÂU HỎI: 1) Người Ga-li-lê trong Tin Mừng là những ai ? 2) Tại sao mấy người Ga-li-lê lại bị quân Rô-ma giết chết trong Đền thờ ? Tại sao Thiên Chúa quyền năng lại không can thiệp để cứu họ thóat khỏi bàn tay của quân thù ? 3) Theo Đức Giê-su thì các tai ương họan nạn người ta gặp phải trong cuộc đời, phải chăng đều là hình phạt nhãn tiền của Thiên Chúa về các tội lỗi của họ ? 4) So sánh Tin mừng Luca hôm nay với hai Tin mừng Mát-thêu và Mác-cô thì số phận của cây vả trong Tin mừng nào được đối xử khoan dung hơn ? Tại sao ? 5) Phải chăng tội nhân có thể lợi dụng sự khoan dung của Thiên Chúa để không sám hối mà cứ tiếp tục phạm tội ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Nếu các ông không sám hối thì các ông cũng sẽ chết như vậy” (Lc 13,3).

2. CÂU CHUYỆN:

1) GIÁ TRỊ THỰC SỰ CỦA CÂY VĨ CẦM:

Trong một buổi bán đấu giá, người điều khiển chương trình cầm một cây vĩ cầm xấu xí đã bị nhiều vết nứt nẻ. Ông ta nghĩ cây vĩ cầm không mấy giá trị nên chẳng cần phí thời giờ sửa sọan cho cây đàn này làm chi. Ông giơ cây vĩ cầm cổ lên cho mọi người xem và rao bán: “Thưa quý vị, ai sẽ bắt đầu trả giá cho cây đàn này đây ? Một đồng, hai đồng… Ai sẽ trả giá 3 đồng ? À, một người đã trả ba đồng, rồi hai người trả ba đồng. Không còn ai nữa ư ?”. Bỗng từ cuối phòng, một người đàn ông tóc hoa râm từ từ bước tới gần bục và cầm lấy cây đàn đang rao bán. Ông ta lau sơ bụi bặm bám trên chiếc đàn cũ kỹ và siết chặt lại các sợi dây đàn đã bị lỏng. Sau đó, ông tấu lên một khúc nhạc thật êm dịu và ngọt ngào. Tiếng đàn nghe du dương thánh thót giống như bài ca của các thiên thần trên trời. Sau khi ngưng đàn, mọi người hiện diện đều nồng nhiệt vỗ tay tán thưởng. Sau đó, người bán đấu giá tiếp tục hỏi: “Bây giờ tôi phải định giá lại cây vĩ cầm có âm thanh rất tuyệt vời này trị giá bao nhiêu cho xứng đây? Một ngàn… hai ngàn… Có ai chịu tăng lên ba ngàn không? À, một người chịu giá ba ngàn rồi. Hai người chịu giá ba ngàn. Và còn ai nữa không? Thôi, như vậy cây đàn dứt giá là ba ngàn đô-la! Lúc đó một bé gái ghé sát bên tai mẹ và hỏi: “Sao lạ vậy hả mẹ ? Tại sao cây đàn kia lại đột nhiên tăng giá lên gấp cả ngàn lần như thế hả mẹ ?” Bấy giờ bà mẹ mới ôn tồn giải thích cho con gái cưng như sau: “Chính nhờ đôi tay tài hoa của ông nhạc sĩ kia mà cây đàn đã tăng giá trị lên gấp cả ngàn lần đấy con ạ!”.

2) PHƯƠNG CÁCH CÁM DỖ KHÔN NGOAN NHẤT? :

Ngày nọ trong hỏa ngục ba con quỷ nhỏ cùng đến chào tướng quỷ là Xa-tan trước khi lên trần gian tập sự việc cám dỗ loài người phạm tội. Chúng lần lượt trình bày cho tướng quỷ về mưu chước cám dỗ của mình.

Quỷ nhỏ thứ nhất nói: “Em sẽ bảo với con cái loài người rằng: Ngoài loài người ra không còn Chúa nào khác, nên loài người cứ yên tâm sống thoải mái và không mất thời giờ vào việc đọc kinh thờ phượng Chúa”. Xa-tan liền trả lời rằng: “Nói như thế sẽ chẳng lừa được mấy người tin theo đâu, vì họ dư biết phải có ông Trời tạo dựng vạn vật muôn loài, sẽ ban thưởng cho kẻ lành và trừng phạt kẻ gian ác”.

Quỷ nhỏ thứ hai liền tiến lên trình bày về sách lược cám dỗ của mình: “Em sẽ rỉ tai người ta là không có hoả ngục đâu. Thiên Chúa là Đấng nhân hậu đầy tình yêu thương con cái loài người, nên Ngài không tạo dựng nên hoả ngục để trừng phạt loài người !”. Nghe thế Xa-tan nói: “Khá khen cho nhà ngươi đã nghĩ ra một kế hoach tốt. Tuy nhiên, cách này cũng chỉ lừa được một ít người nhẹ dạ mà thôi, vì ai ai cũng đều biết rõ Thiên Chúa còn là Đấng Công minh vô cùng, sẽ ban thưởng người ăn ngay ở lành, và trừng phạt kẻ gian ác tùy theo công phúc họ đã làm nơi trần gian.

Quỷ nhỏ thứ ba tiến lại tâu với thủ lãnh Xa-tan: “Em sẽ nói với loài người rằng: Có Thiên Chúa, cũng có thiên đàng để thưởng kẻ lành và có hỏa ngục để phạt kẻ dữ. Tuy nhiên các ngươi không cần phải lo, vì còn lâu các người mới chết. Lúc còn sống hãy cứ ăn chơi thỏa thích đi, đợi đến khi sắp chết sẽ ăn năn sám hối cũng không muộn”. Nghe xong kế sách này, tướng quỷ Xa-tan liền đứng lên vỗ tay khen ngợi: “Hay lắm, với phương kế này thì chắc chắn nước hỏa ngục của chúng ta sẽ ngày càng lớn mạnh và sẽ có thêm rất nhiều thần dân mới !!!”

3) GIÁ TRỊ CỦA VIỆC TĨNH TÂM:

Một hôm vị đạo sĩ già tập trung các học trò của ông trong một cái sân rộng trước nhà mình để dạy đạo. Ông ra lệnh cho gia nhân đặt một cái chậu đầy nước ở giữa sân. Khi mọi người đã tập trung, Ông đạo sĩ liền quậy nước trong chậu rồi yêu cầu học trò lần lượt đến nhìn mặt mình trong chậu nước. Sau đó, ông hỏi họ đã thấy gì trong chậu nước ? Học trò liền đáp: “Thưa thầy, chúng con chỉ thấy một khuôn mặt không rõ ràng trong đó”. Chờ một lát đến khi thau nước phẳng lặng, ông lại yêu cầu họ đến nhìn mặt mình trong chậu nước lần thứ hai và hỏi lại cũng một câu hỏi như trước. Học trò thi nhau trả lời: “Tất cả chúng con đều đã nhìn thấy rõ mặt mình ở trong chậu nước”. Vị đạo sĩ liền giải thích cho học trò như sau: “Chỉ khi nào nội tâm chúng con thật sự tĩnh lặng, thì chúng con mới nhìn thấy rõ con người thật của mình”. 

Tĩnh tâm là đi vào sự thinh lặng nội tâm, là đặt mình trước mặt Chúa hầu có thể thấy rõ mình. Chúng ta không thể nhận ra con người thật của chúng ta khi tâm hồn đang bị giao động do những tiếng ồn ào bên ngoài, do sự lôi cuốn của lối sống hưởng thụ khoái lạc, những lo toan về cơm áo gạo tiền, những tính toán tham lam quyết tâm làm giàu bằng bất cứ giá nào… nên chúng ta không thể biết rõ về con người thật của mình.

4) PHẢI SÁM HỐI TỪ BẢN THÂN TRƯỚC HẾT:

Một triết gia Ấn Độ khi về già đã chia sẻ kinh nghiệm sống với học trò như sau:

– Lúc còn trẻ, tôi là một người có đầu óc cách mạng. Lời cầu nguyện duy nhất mà bấy giờ tôi dâng lên Thượng Đế là: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để con đổi mới thế giới”.

– Đến tuổi trung niên, tôi đã nhận ra rằng, phân nửa cuộc đời của tôi đã trôi qua mà tôi chưa thay đổi được một người nào. Lúc đó, tôi đã cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con sức mạnh để biến đổi mọi người con gặp hằng ngày, nhất là những người thân trong gia đình con. Và như vậy là con đã thỏa mãn rồi”.

– Nhưng giờ đây, đến khi tóc bạc răng long, số ngày tháng còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, tôi mới nhận ra rằng, tôi là kẻ khờ dại nhất vì đã chẳng biến đổi được một người nào cả. Tôi chỉ còn biết cầu nguyện với Thượng Đế như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con biến đổi chính bản thân con”. Giả như tôi đã cầu nguyện như trên ngay từ khi còn trẻ, thì tôi đã không bỏ phí mất quãng thời gian tươi đẹp nhất cuộc đời của mình.

 3. THẢO LUẬN: 1)Tội “Những điều thiếu sót” trong kinh “Tôi thú nhận” là tội gì ? 2) Có khi nào bạn khô khan cằn cỗi, không chịu làm các việc lành như cây vả không sinh trái trong Tin Mừng hôm nay không ?

4. SUY NIỆM:

1) PHẢI CẤP THỜI SÁM HỐI:

– Nội dung Tin Mừng hôm nay: Khi nghe một kẻ tội phạm gặp nạn, chúng ta thường nói: “Ác giả ác báo”- “gieo gió gặt bão”. Trong Tin Mừng hôm nay, những người đồng thời với Đức Giê-su cũng có quan điểm như thế khi kể cho Người nghe câu chuyện mới xảy ra về mấy người xứ Ga-li-lê đang dâng lễ trong Đền Thờ đã bị quan Phi-la-tô sai quân đến giết chết ngay tại bàn thờ, làm cho máu họ đổ ra hòa lẫn với máu các con vật họ vừa sát tế. Theo những người này thì chắc là mấy người Ga-li-lê kia đã ăn ở bất nhân thất đức nên mới bị chết thảm như vậy. Đức Giê-su đã sửa lại quan niệm sai lầm đó khi nói: Không phải chỉ mấy người đó mới bị tiêu diệt, mà đây cũng là lời cảnh báo chung tất cả mọi người. Nếu người ta không chịu hồi tâm sám hối thì họ cũng sẽ bị tiêu diệt như thế. Sau đó, Đức Giê-su đã kể dụ ngôn về một cây vả trồng trong vườn nho, đã bị chủ vườn than phiền vì không sinh trái dù đã được chăm sóc vun trồng cẩn thận. Con số ba năm tương ứng với thời gian ba năm Đức Giê-su đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho dân Ít-ra-en. Lẽ ra, cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đã giáng xuống những con người vô tín ương bướng kia rồi, giống như lời cảnh báo của Gioan Tẩy Giả: “Cái rìu đã đặt sẵn gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,10).

– Hãy sám hối để khỏi bị tiêu diệt: Có lẽ chúng ta hôm nay cũng giống như cây vả trong bài Tin Mừng: Chúng ta thường mải mê lo lắng việc kiếm cơm áo gạo tiền rồi lại tìm cách hưởng thụ… mà lơ là với việc bổn phận đối với Chúa và tha nhân. Nhiều tín hữu theo đạo nhiều năm mà lối sống vẫn đầy ích kỷ tự mãn gian tham… không những không tốt hơn mà có khi còn tệ hơn người lương. Họ đã không phát sinh hoa trái là các việc lành phù hợp với đức công bình bác ái và khiêm nhường phục vụ. Trong Mùa Chay này mỗi người chúng ta cần hồi tâm sám hối tội lỗi và làm việc thiện nếu không muốn bị tiêu diệt trong hỏa ngục đời sau.

2) PHẢI SÁM HỐI THẾ NÀO CHO ĐẸP LÒNG CHÚA ?:

– Tín thác vào tình thương tha thứ của Chúa: Sám hối không những là nhân biết mình tội lỗi yếu đuối để thành tâm tu sửa nên tốt, mà còn phải cậy tin vào tình thương tha thứ của Thiên Chúa, giống vua Đavít xưa: Sau khi đã lỡ sa ngã phạm tội ngoại tình và mượn tay quân địch ngoài mặt trận giết chết tướng U-ri-gia để chiếm đoạt vợ ông này là nàng Bét-sê-va xinh đẹp, vua Đa-vít vẫn bình chân như vại. Nhưng rồi, ngôn sứ Na-than đã được Đức Chúa sai đến tuyên sấm cáo trách tội nhà vua. Na-than đã kể cho vua Đa-vít câu chuyện về một nhà phú hộ đã đối xử bất công với người nghèo, vua Đa-vít đã xé áo mình ra biểu lộ sự tức giận và đòi trừng trị tên nhà giàu gian ác bất công kia. Bấy giờ ngôn sứ Na-than đã chỉ thẳng vào mặt nhà vua mà nói: "Con người bất nhân thất đức đó chính là ngài". Vua Đa-vít nghe xong đã bừng tỉnh, ông nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình và quyết tâm ăn năn sám hối quay về làm hòa với Đức Chúa. Về sau Đa-vít đã sáng tác nhiều bài thánh thi cụ thể Thánh Vịnh 50 để biểu lộ lòng sám hối của ông (x. II Sm 11,1 tt).

– Sám hối là sẵn sàng tha thứ anh em để xứng đáng được Chúa thứ tha: Chúng ta hôm nay cũng thường có lối hành xử không ý thức về các tội đã phạm, nhưng lại nhạy cảm sẵn sàng lên án tha nhân giống như Đa-vít xưa. Qua Lời Chúa hôm nay, Đức Giê-su mời gọi mỗi người hãy hồi tâm sám hối, nhận ra mình là tội nhân, rồi tin cậy phó thác vào lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa. Rồi chúng ta cũng phải sẵn sàng tha thứ những xúc phạm của kẻ khác như dụ ngôn về tên đầy tớ không có lòng thương xót. Vua đã trách mắng tên đầy tớ như sau: “Hỡi tên đầy tớ bất lương! Ta đã tha bổng cho ngươi tất cả nợ nần chỉ vì ngươi đã nài xin ta. Sao ngươi không biết thương xót bạn ngươi như ta đã thương ngươi ?” (Mt 18,32-33).

3) HÃY ĂN NĂN SÁM HỐI:

– Sám hối là thay đổi cách đánh giá về bản thân: Cần nghiêm khắc với bản thân và khoan dung với tha nhân. Hãy đấm ngực mình chứ đừng đấm ngực người khác để xứng đáng được tha thứ như kinh cáo mình: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng…”. Muốn được sống và được hưởng hạnh phúc Nước Trời, mỗi người chúng ta phải biết dùng thời giờ và ân huệ Chúa ban để hồi tâm xét mình và ăn năn sám hối. Các tội lỗi chúng ta phạm chỉ là phần nổi của tảng băng chìm là các thói hư, giống như khối u ác tính cần sớm loại trừ. Sám hối là cắt khối u ra để cứu toàn thân, vì nếu không, thì toàn thân sẽ phải chết. Con người phạm tội cũng giống như một ngôi nhà bị bén lửa, nếu không kịp thời khống chế, ngọn lửa lan nhanh và sẽ thiêu rụi cả ngôi nhà; Sám hối chính là dập tắt ngọn lửa để cứu toàn bộ ngôi nhà khỏi bị cháy thiêu.

– Sống công bình bác ái mới là sám hối đích thực: Sự sám hối trở về không chỉ là hành vi đấm ngực về các tội đã phạm mà còn phải sống lời Chúa: "Hãy sinh hoa kết trái xứng với lòng ăn năn thống hối". Hoa trái của sự thánh thiện là các việc lành, giữ sự công bằng bác ái, sống yêu thương và phục vụ mọi người. Điều khó của hối nhân là phải phát sinh hoa trái tốt như: Gieo nụ cười thân ái, luôn quan tâm giúp đỡ phục vụ tha nhân, xoá bỏ những bất công và lòng thù hận, tránh “suy bụng ta ra bụng người” và làm theo Lời Chúa dạy: "Anh em muốn người ta làm gì cho mình thì cũng hãy làm cho người ta như vậy" (Lc 6,31).

4) SÁM HỐI LÀ QUYẾT TÂM TRỞ NÊN NGƯỜI TỐT:

Hành trình Mùa Chay theo Hội Thánh mong muốn không là quay về quá khứ ăn năn sám hối để xưng thú tội lỗi mình… nhưng còn nhằm dẫn đưa chúng ta đến cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Mùa Chay phải trở thành mùa đổi mới đời sống và cải thiện môi trường, là mùa nở hoa kết trái tình thương và thực thi các việc lành… nếu không, chúng ta sẽ bị chết trong tội của mình.

– Sám hối tội lỗi gồm cả những điều thiếu sót: Mỗi lần xét mình xưng tội, chúng ta thường chỉ xét những tội đã làm hại kẻ khác, mà quên không xét những tội đã bỏ qua không giúp đỡ tha nhân. Như cây vả trong Tin mừng hôm nay tuy không sinh hoa trái độc hại, cũng không trực tiếp làm hại chủ vườn… nhưng tội của cây này là không sinh hoa trái trong một thời gian lâu dài. Nhiều người chúng ta cũng vậy: Ta thường cảm thấy yên tâm khi thấy mình không cướp của giết người, không tà dâm ngoại tình, không dối trá lừa gạt ai… Nhưng ta lại quên không xét những tội đã sống khô khan nguội lạnh bỏ dự lễ đọc kinh; Tội không quan tâm làm việc tốt phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh em; Tội cố tình làm ngơ khi tha nhân đang cần được trợ giúp; Tội không chịu làm lợi thêm các nén bạc được Chúa trao phó (x. Mt 25,18); Tội không có lòng thương xót, không an ủi động viên và chia sẻ cơm áo để giúp những người đói khát bệnh tật và đau khổ (x. Mt 25,42)… Chính khi không làm điều tốt cho tha nhân là chúng ta đã để cho sự gian ác hoành hành. Sống đạo không phải chỉ là siêng năng đến nhà thờ dự lễ đọc kinh và không xúc phạm đến tha nhân… nhưng còn là tích cực phát huy các điều thiện để giúp tha nhân sống tốt đẹp hơn cả về thể xác cũng như tâm hồn.

– Hãy hành động tích cực và cụ thể để tỏ lòng sám hối: Câu chuyện sau đây cho thấy thế nào là ăn năn sám hối trong Mùa Chay này:

Một hôm, khi đi học về đến nhà, bé Tâm chạy ngay vào bếp rồi nũng nịu nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi, con đói bụng quá !”. Mẹ ôn tồn nói với con: “Con hãy ráng chờ mẹ một chút sẽ có cơm ăn liền. Hôm nay mẹ đi làm về trễ nên có trễ giờ nấu cơm”.  Nhưng bé Tâm lại tỏ thái độ vùng vằng khó chịu với mẹ, rồi em bỏ lên lầu chơi, chờ đến khi mẹ gọi mới chịu xuống nhà ăn cơm. Sau khi ăn xong, mẹ mới ôn tồn nói với bé Tâm như sau: “Con năm nay đã lớn và học lên lớp năm rồi. Con phải có trách nhiệm giúp mẹ lo việc nhà mới phải. Khi đi học về, thấy mẹ làm cơm chưa xong, lẽ ra con phải xuống bếp phụ mẹ lặt rau, lau chén đũa và dọn bàn ăn chứ. Con không được tỏ thái độ giận dỗi mẹ nghe không ?” Bé Tâm đã nhận ra thái độ giận mẹ khi nãy là không đúng khiến mẹ bị buồn. Em tỏ ra hối hận nên thưa với mẹ rằng: “Thưa mẹ, con đã biết lỗi rồi. Từ nay con hứa sẽ quan tâm giúp đỡ mẹ và sẽ không làm gì khiến mẹ phải phiền lòng nữa”. Thế là mẹ liền ôm Tâm vào lòng và âu yếm nói: “Con ngoan của mẹ. Mẹ cảm thấy rất vui vì con đã biết lỗi và hy vọng từ nay con sẽ trở thành đứa con ngoan hiếu thảo của mẹ”.

Cũng vậy, trong Mùa Chay này, để xứng đáng được Chúa ban ơn tha thứ tội lỗi, chúng ta hãy hồi tâm sám hối các tội đã phạm, hãy quan tâm tìm ra thói hư của mình và quyết tâm chừa bỏ bằng cách làm các việc tốt đối lập với thói hư. Mỗi tối sẽ dành ít phút xét mình về điều đã dốc quyết, ăn năn sám hối tội lỗi mỗi ngày và xưng tội mỗi tháng để được giao hòa với Chúa.

5. LỜI CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Con thuờng hay đổ lỗi cho Thiên Chúa khi gặp phải thất bại: Khi bị mất mùa, con đổ lỗi tại Trời không ban cho mưa thuận gió hòa. Khi một người con đang ác cảm gặp phải tai ương hoạn nạn, con cho rằng họ bị Chúa phạt đáng đời! Nhưng hôm nay nhờ Lời Chúa soi dẫn, con sẽ không dám tiếp tục hiểu sai Lời Chúa nữa. Trong thực tế, con thấy có nhiều người tốt lành thánh thiện nhưng vẫn gặp phải nhiều tai nạn rủi ro. Ngay chính Chúa vốn là Con Thiên Chúa, là Đấng thánh thiện vô cùng, thế mà cũng từng chịu bao đau thương và còn bị chết đau thương nhục nhã bất công trên cây thập giá.

– LẠY CHÚA. Xin cho con luôn nhận ra tình thương của Chúa trong mọi biến cố vui buồn của cuộc đời con. Con biết rằng: Sở dĩ Chúa để con phải chịu đau khổ là để con có dịp sám hối và lập công đền tội, hầu ngày một nên tốt hơn. Xin cho con dù gặp phải những điều trái ý, vẫn nhẫn nại chịu đựng để đền tội con và góp phần với Chúa đền tội tha nhân. Xin cho con luôn phó thác tương lai cuộc đời con trong tay Chúa quan phòng, vì biết rằng: Tất cả những điều may lành hay rủi ro xảy đến cho con, đều không ngoài thánh ý Chúa, được Chúa cho xảy ra để mưu ích cho phần rỗi đời đời của con.

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH – HHTM