GĐTTTCG TGP SÀI GÒN: TĨNH TÂM MỪNG LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

Bài & Ảnh: Trần Luật

Để chuẩn bị mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, BCH GĐPTTTCG TGP Sài Gòn đã tổ chức buổi tĩnh tâm cho đoàn viên trong TGP vào lúc 09h00 thứ Ba, ngày 21.05.2024 tại nhà thờ Tân Sa Châu, do cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Hồng – TLH GĐPTTTCG TGP Sài Gòn – giảng phòng (cha TLH).

Tham dự buổi tĩnh tâm có trên 100 đoàn viên đến từ các xứ đoàn trong TGP. Sau kinh khai mạc,  cha TLH công bố lời Chúa trong sách Samuel (1Sm 3,1-21) và chia sẻ:

Đoạn trích trong sách Samuel nói về việc Chúa gọi Samuel làm Ngôn sứ. Ba lần Chúa gọi, Samuel chưa nhận ra tiếng Chúa, nhưng khi được ông Ê-li hướng dẫn, ông đã nhận ra được tiếng Chúa gọi và ông đã thi hành. Chúng ta là đoàn viên GĐPTTTCG, nhất là những thành viên trong BCH các cấp, chúng ta cũng được Chúa gọi để làm Tông đồ cho Thánh Tâm Chúa.

Có nhiều cách Chúa gọi khác nhau: có người thì thích được người khác chú ý nên muốn tham gia; có người thì vì hoàn cảnh được bầu chọn vào BCH; có người thì khao khát được làm Tông đồ cho Thánh Tâm Chúa và được gọi cách trực tiếp. Đa số chúng ta thuộc nhóm người thứ hai, đến với Thánh Tâm Chúa thông qua những hoàn cảnh cụ thể, được bầu chọn vào Ban Chấp hành các cấp và trở thành Tông đồ của Thánh Tâm Chúa. Cha đã dẫn chứng cụ thể cuộc đời của ngài khi ngài được Đức Hồng y GB Phạm Minh Mẫn chọn làm Tổng linh hướng của GĐPTTTCG TGP Sài Gòn.

Dù được gọi trong trường hợp nào thì khi đã xác định làm Tông đồ của Thánh Tâm Chúa, ta cũng phải rèn luyện để trở thành một Tông đồ nhiệt thành, phải là một Tông đồ có “hồn Tông đồ”. Muốn được vậy, ta phải thực hiện 4 bước sau:

  • Phải có hoài bão, khao khát phát triển Đoàn thể, đưa lòng mến Thánh Tâm Chúa đến với mọi người.
  • Luôn cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng, tìm tòi phương cách để thực hiện hoài bão của mình.
  • Băn khoăn, lo lắng tìm ra cách thức cho việc phát triển Đoàn thể.
  • Tìm ra phương thức rồi thì phải bắt tay vào thực hiện ngay, không chần chừ.

Để thực hiên được như thế, ta phải học ở chính Chúa Giêsu vì Ngài đã dạy: “Anh em hãy học với Tôi, vì Tôi hiền lành và khiêm nhường”. Thực vậy là một người Tông đồ ta phải hết sức hiền lành và khiêm nhường.

– Hiền lành là dịu dàng, ngọt ngào, không thô bạo, không cứng cỏi. Hiền lành là nhân đức bao gồm tâm thế bên trong và phản ứng bên ngoài. Tâm thế bên trong luôn êm ái, hoà nhã, nghĩ tốt về người khác, yêu thương, khoan dung, thông cảm; phản ứng bên ngoài luôn nhẹ nhàng, tôn trọng.

          – Khiêm tốn là chấp nhận đứng thấp, đứng ở dưới như Gioan Tẩy Giả “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ bé lại”. Khiêm tốn thể hiện qua lời nói, cử chỉ, hành động cách chân thành. Người khiêm tốn luôn biết lắng nghe, tìm thấy cái tốt nơi người khác.

– Từ đó, cha TLH khuyên mọi người là đoàn viên GĐPTTTCG, hãy học nơi Chúa Giêsu sự hiền lành, dễ thương trong lời nói và việc làm. Lời nói và hành động của Chúa luôn toả ra sự dịu dàng, nâng đỡ, khích lệ, ủi an. Chúa không nặng lời, không kết án, nhưng luôn yêu thương.

– Là người được bầu vào BCH GĐPTTTCG các cấp, hãy nhận thức công việc mình làm không phải để khoe khoang mình giỏi, hay cho mình là hơn người khác mà hãy học sự khiêm nhường cùng Chúa. Tất cả mọi việc chúng ta làm được chúng ta không đưa về mình mà quy về Thiên Chúa bởi vì thực tế như thánh Phaolo nói: “Tôi trồng, Apollo tưới, nhưng chính Thiên Chúa cho mọc lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả. Nhưng Thiên Chúa Đấng làm cho mọc lên mới đáng kể” (1 Cr 3,6-7). Luôn luôn tâm niệm mọi việc chúng ta làm là nhằm làm sáng danh Chúa chứ không phải để sáng danh mình.

Ma quỷ luôn rình rập chung quanh chúng ta, chúng tìm mọi cách để nâng con người chúng ta lên, gợi tính kiêu căng trong con người chúng ta hòng đưa chúng ta rơi vào bẫy của chúng. Cha đã đưa ra dẫn chúng sống động về hình ảnh Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm. Thập niên 90, Đức cha là một linh mục nổi tiếng về giảng thuyết trong Giáo hội Việt Nam, nhờ tính khiêm nhường mà đến nay ngài đã trở thành Giám mục Giáo phận Mỹ Tho; còn hai linh mục khác cũng học cách giảng thuyết của Đức cha, giảng cũng rất hay nhưng vì thiếu tính khiêm nhường nên đã vấp phạm, có vị đã hoàn tục, có vị thì bị kỷ luật. Chính vì thế, hiền lành và khiêm nhường là đức tính cốt lõi của người Tông đồ Thánh Tâm Chúa.

– Trong Tin Mừng, tất cả những câu mệnh lệnh của Chúa Giêsu đều nói đến việc “làm”, như: “Hãy tin”, “hãy từ bỏ”, “hãy cầu nguyện”, “hãy tha thứ”, “hãy yêu thương nhau”… nhưng chỉ có một câu duy nhất Chúa bảo “hãy học”. Như vậy, đây môn học rất quan trọng mà Chúa Giêsu bảo chúng ta “hãy học cùng Ta”. Như thế, chỉ có Chúa Giêsu mới xứng đáng là thầy dạy môn học này. Môn học đó là “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”. Chúng ta cũng hãy học với Thầy Giêsu qua lời Chúa mỗi ngày. Yêu mến lời Chúa, sống lời Chúa để lời Chúa biến đổi đời chúng ta sống theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Hãy học hỏi Tin Mừng và hãy để Tin Mừng soi sáng lòng trí của mình. Hãy múc lấy sức mạnh từ ân sủng của Bí tích Hoà giải và Bí tích Thánh Thể. Hãy siêng năng Chầu Thánh Thể.

– Học với Thầy Giêsu suốt đời, lột bỏ những tự hào về khôn ngoan, thông thái; sống hồn nhiên, khiêm tốn như trẻ thơ, đó là điều cần thiết để mỗi người được Thầy Giêsu mạc khải và đưa vào thế giới của Thiên Chúa. Nhờ vậy, người hiền lành khiêm nhường luôn sống hiệp thông với mọi người, dễ thu hút người chung quanh; luôn biết quên mình, và chỉ muốn phục vụ người khác; sống tế nhị, chân thành với mọi người. Biết đền đáp những người làm ơn, trân trọng với hết mọi người, không làm mất lòng ai; luôn cảm thấy tâm hồn bình an, hạnh phúc trong Chúa và với mọi người. Chúa ưa thích ai sống hiền lành và khiêm nhường và sẽ ban thưởng phần phúc Nước Trời cho họ.

“Lạy Chúa Giêsu rất hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa.”

– Sau bài chia sẻ là giờ Chầu Thánh Thể rất sốt sắng và trang nghiêm.

Buổi Tĩnh tâm kết thúc lúc 11h00 cùng ngày.

Click xem bộ hình: