Bài viết: Giuse Văn Phượng – Tập ảnh: Tiến Dũng
Chúng ta được mời gọi để tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin Chúa dẫn chúng ta vào trong dòng chảy yêu thương của Người, lời cầu nguyện rất đẹp: “Xin uốn lòng chúng con giống như Trái Tim Chúa”, để dòng chảy yêu thương đó hoạt động vận chuyển trong đời sống của mình, đón nhận và đồng thời biết cho đi.
Đó là lời mời gọi của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – giám mục giáo phận Mỹ Tho – trong Thánh lễ trọng thể tôn vinh Thánh Tâm Chúa Giêsu, bổn mạng Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu (GĐPTTTCG) Tổng giáo phận TP.HCM (TGP), kỷ niệm 50 năm thành lập và phát triển GĐPTTTCG xứ đoàn Thạch Đà, cử hành vào lúc 09g30 ngày 21.6.2019, tại nhà thờ giáo xứ Thạch Đà, giáo hạt Xóm Mới.
Đồng tế với ngài là linh mục (Lm) Vinhsơn Nguyễn Văn Hồng – Tổng linh hướng GĐPTTTCG TGP, Lm Gioan Baotixita Nguyễn Xuân Đức – chánh xứ giáo xứ Thạch Đà, và 17 Lm linh hướng GĐPTTTCG các giáo hạt cùng giáo xứ trong TGP.
Hiệp dâng Thánh lễ có rất nhiều tu sĩ nam nữ, đại diện Ban chấp hành (BCH) và đoàn viên GĐPTTTCG TGP, toàn thể đoàn viên GĐPTTTCG các xứ đoàn và cộng đoàn giáo dân giáo xứ Thạch Đà.
Trong hân hoan cùng toàn thế giới long trọng mừng lễ tôn vinh Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngay từ 07 giờ, đoàn viên GĐPTTTCG với đồng phục thật đẹp từ khắp nơi trong TP.HCM lần lượt tiến vào thánh đường giáo xứ Thạch Đà, trong lúc tiếng kèn đồng vang lên thật hùng tráng chúc mừng đại lễ.
Dẫn vào Thánh lễ, Đức giám mục Phêrô nhắc lại lời Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Những ai có kinh nghiệm về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa thì cuộc đời của người đó sẽ là một sự sám hối liên lỉ”. Qua đó, ngài mời gọi cộng đoàn nhìn nhận những thiếu sót trong cuộc đời của mình, xin Chúa tha thứ để xứng đáng cử hành mầu nhiệm Thánh.
Trong bài giảng, Đức giám mục Phêrô nhắc lại dụ ngôn người chăn chiên đi tìm chiên lạc được kể trong chương 15 của Thánh sử Luca, một chương có những dụ ngôn nổi tiếng như: người đàn bà tìm đồng bạc bị đánh mất, người cha nhân hậu… tất cả các dụ ngôn đều bắt đầu bằng câu: “Khi những người tội lỗi đến với Chúa Giêsu, những người Pharisêu và các kinh sư xầm xì bàn tán với nhau ‘tại sao ông này lại để cho những đứa tội lỗi đến gần mình như vậy’, lúc ấy Chúa Giêsu mới kể cho họ nghe dụ ngôn này”.
Ngài diễn giải thêm về những người Pharisêu: tin Thiên Chúa, sống rất đạo đức, ăn chay đến nơi đến chốn mỗi tuần 02 lần, nộp thuế thập phân cho đền thờ, nhưng người ta cho Thiên Chúa là Đấng chí thánh, tách biệt ra khỏi những kẻ tội lỗi, nên họ cũng sống đạo đức bằng cách tách biệt ra khỏi những kẻ tội lỗi.
Chúa Giêsu kể dụ ngôn này cho họ thấy một Đấng Thiên Chúa hoàn toàn khác, một Đấng chí thánh nhưng đồng thời là một Thiên Chúa tràn ngập tình yêu và lòng thương xót, Đấng Thiên Chúa lấy làm vui mừng khi kẻ tội lỗi trở về với Ngài chứ không xa cách kẻ tội lỗi.
Ngài lại đặt câu hỏi: Thiên Chúa là ai? Câu trả lời không giống nhau, tùy câu trả lời mà cách sống đạo của mỗi người được chi phối, được ảnh hưởng.
Ngài liên tưởng đến nguồn gốc của việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Việc này tập trung vào một hình ảnh rất đẹp, sâu sắc, đó là: Hình ảnh Trái Tim Chúa bị đâm thâu. Hình ảnh này dựa trên cơ sở của Kinh Thánh “Một người lính cầm đòng đâm cạnh sườn Người, tức thì máu cùng nước chảy ra”. Thánh Gioan viết thêm trong Tin Mừng “Chúng sẽ nhìn lên Đấng chúng đã đâm thâu qua”. Hình ảnh Trái Tim Chúa bị đâm thâu diễn tả tất cả những gì là cốt lỗi trong đạo Kitô: “Thiên Chúa là tình yêu”. Nhìn lên tình yêu đó, tin vào tình yêu đó chính là đức tin Kitô giáo.
Thế kỷ XVIII, có chủ thuyết không muốn loan báo Thiên Chúa tình yêu, họ cũng trình bày Thiên Chúa chí thánh và hết sức khắt khe, nên số người được lên thiên đàng rất hiếm, dẫn đến một lối sống đạo hết sức khắt khe.
Câu trả lời Thiên Chúa là ai? Dẫn lối đời sống đức tin, đời sống đạo của mỗi người. Khi quy tụ nhau tại đây để cử hành lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, mọi người được mời gọi nhìn vào Thánh Tâm Chúa, khám phá dung nhan Thiên Chúa để dẫn lối cho đời sống đức tin của mình.
Đừng rơi vào thái độ có thể gọi là bất cập vì hình dung một Thiên Chúa hết sức khắt khe và nghĩ rằng như thế người ta sẽ sống đạo đức hơn. Thực tế không hẳn là vậy, vì người ta nghĩ rằng chỉ có một ít người được cứu độ, được lên thiên đàng thôi, chẳng đến lượt mình đâu, nếu đời sau đã mất thì tội gì mà mất đời này nên chơi xả láng, phạm tội thoải mái, đằng nào cũng mất đời sau rồi. Cho nên đừng tưởng loan báo một Thiên Chúa khắt khe là người ta sống đạo đức hơn đâu, bất cập đối với mạc khải Tin Mừng về Thiên Chúa.
Cũng đừng rơi vào một thái độ thái quá, làm nổi bật lên dung nhan Thiên Chúa tình yêu giàu lòng thương xót mà để biện minh cho lối sống tội lỗi của mình. Chúa ban cho con người có tự do nên mỗi người phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình. Không phải Chúa đẩy vào hỏa ngục, mà chính mình đẩy mình xa cách Thiên Chúa. Thánh Augustinô nói: “Chúa dựng nên con không cần có con, nhưng Chúa cứu độ con thì cần phải có con”.
Có một bất cập khác, đó là chỉ muốn đón nhận tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, không chấp nhận chia sẻ, không chấp nhận cho đi. Lúc nào cũng xin Chúa ban cho được nhiều ơn, đặc biệt là những ơn phần xác, vật chất, khỏe mạnh, an ninh… nhưng chia sẻ cho người khác thì không.
Chúng ta được mời gọi để tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin Chúa dẫn chúng ta vào trong dòng chảy yêu thương của Người, lời cầu nguyện rất đẹp: “Xin uốn lòng chúng con giống như Trái Tim Chúa”, để dòng chảy yêu thương đó hoạt động vận chuyển trong đời sống của mình, đón nhận và đồng thời biết cho đi.
Đức cha kể câu chuyện khi gặp một đoàn viên GĐPTTTCG, ngài hỏi tại sao không gọi là hội hay đoàn PTTTCG mà gọi là GĐPTTTCG. Người đó trả lời: Gọi là GĐPTTTCG là vì nhắm tới gia đình. Xin Thánh Tâm Chúa Giêsu ngự trị trong gia đình mỗi đoàn viên. Cùng nhau đọc kinh tại gia đình để xin Thánh Tâm Chúa làm vua ngự trị trong gia đình. Đoàn viên GĐPTTTCG liên kết yêu thương nhau như anh chị em một nhà. Câu trả lời rất hay.
Đức cha chia sẻ tiếp: tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu để cho dòng chảy yêu thương của Thánh Tâm Chúa vận chuyển ngay trong đời sống gia đình của mình, một tình yêu biết tha thứ, một tình yêu biết chịu đựng lẫn nhau, một tình yêu biết chia sẻ gánh nặng cho nhau, để đem lại bình an, niềm vui, hạnh phúc cho gia đình. Dòng chảy yêu thương đó còn lan rộng ra đời sống xã hội, làm chứng cho Thiên Chúa tình yêu giàu lòng thương xót.
Ngài kết thúc chia sẻ bằng một hình ảnh của câu chuyện được kể: trên đồi Can vê khi Chúa Giêsu bị đóng đinh và chết trên thập giá, một người lính mắt bị thong manh cầm đòng đâm cạnh sườn Chúa, máu cùng nước chảy ra, có một giọt máu bắn vào mắt anh lính đó, ngay lập tức anh ta được chữa lành, anh lính đó thay đổi hoàn toàn, anh ta tin vào Chúa Giêsu, đi tu và làm giám mục. Hình ảnh này rất đẹp vì diễn tả dung nhan Thiên Chúa tình yêu và giàu lòng thương xót, một Thiên Chúa tha thứ và chữa lành cho chính người làm khổ mình, làm hại mình, xúc phạm đến mình. Một hình ảnh rất đẹp nữa bởi người lính đó đã biết đón nhận tình yêu và lòng thương xót của Chúa, không chỉ giữ cho riêng mình mà chia sẻ cho người khác khi anh ta hiến cả cuộc đời mình cho Chúa, cho Hội Thánh, cho các linh hồn.
Ước gì dòng chảy yêu thương của TTC không ngừng vận chuyển trong đời sống mỗi người, gia đình mỗi người, GĐPTTTCG và lan ra đời sống xã hội, góp phần làm chứng cho Tin Mừng để Thiên Chúa là tình yêu và là Cha giàu lòng thương xót. Amen.
Cuối lễ, anh Giuse Trịnh Văn Tiến – Trưởng Ban chấp hành thay lời các đoàn viên GĐPTTTCG TGP và cộng đoàn giáo xứ Thạch Đà cám ơn Đức cha Phêrô, quý Lm đồng tế, quý khách; chúc mừng cha xứ và xứ đoàn Thạch Đà nhân kỷ niệm 50 năm thành lập; cám ơn Ban chấp hành các cấp và các đoàn viên GĐPTTTCG TGP đã đồng hành, hiệp dâng Thánh lễ hôm nay; cám ơn cha chánh xứ, phó xứ, Hội đồng Mục vụ và xứ đoàn GĐPTTTCG giáo xứ Thạch Đà đã giúp cho Thánh lễ hôm nay thật tốt đẹp. Cuối cùng, nhân ngày lễ Thánh Phêrô và Phaolô tông đồ (29.6.2019) sắp đến, anh Trưởng BCH đã chúc mừng và một tràng pháo tay thật lớn từ cộng đoàn chúc mừng bổn mạng Đức cha Phêrô.
Tâm tình của Đức cha Phêrô: ngài đã thay lời quý Lm đồng tế cám ơn cộng đoàn đã hết lòng cầu nguyện cho các ngài trong ngày thánh hóa Lm, cám ơn mọi người đã giúp đỡ các Lm cách này cách khác để giúp các ngài thực hiện sứ vụ Chúa trao ban. Ngài nhắc nhở: trong Hội Thánh công giáo có nhiều hội đoàn tông đồ, các hội đoàn tông đồ được đặt ra để cùng nâng đỡ nhau trong đời sống đức tin và đời sống làm chứng Tin Mừng của Chúa Giêsu, ngài ước mong tình thần đó ngày càng lớn lên. Ngài nói tiếp: Trong xã hội ngày nay có nhiều bất ổn; để có được an ninh, người công giáo có phương pháp bắt nguồn từ trong tâm hồn, từ trong trái tim con người, một khi tâm hồn con người được biến đổi thì cuộc sống bên ngoài được biến đổi, đó là ý nghĩa của câu: “Xin uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa”. Ngài mong ước đoàn viên GĐPTTTCG vừa đọc vừa sống tâm tình đó để mình sống đức tin Kitô giáo của mình một cách tốt đẹp và góp phần làm chứng loan báo Tin Mừng yêu thương của Chúa Giêsu ngay trong cuộc sống hiện nay.
Tiếng hát bài “Trong Trái Tim Chúa” từ ca đoàn GĐPTTTCG xứ đoàn Thạch Đà đã kết thúc Thánh lễ lúc 11g00. Sau Thánh lễ là liên hoan chúc mừng lễ bổn mạng GĐPTTTCG TGP và kỷ niệm 50 năm thành lập và phát triển GĐPTTTCG xứ đoàn Thạch Đà.
Đôi nét về xứ đoàn Thạch Đà:
Ngày 06.7.1969, Lm chánh xứ Giuse Nguyễn Hữu Tống đã thành lập Gia đình Phạt tạ giáo xứ. Năm 1999 đổi tên thành GĐPTTTCG xứ đoàn (do việc sát nhập 02 đoàn thể Gia đình Phạt tạ và Liên minh Thánh Tâm của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn).
Xứ đoàn hiện nay có tổng số 405 đoàn viên, được chia thành 05 khu (toán): Giuse, Tôma, Đaminh, Nữ Vương, Phanxicô Xaviê, và Ca đoàn Thánh Tâm.
Về đạo đức: có truyền thống làm giờ thánh cầu nguyện cho các linh hồn, thường xuyên làm giờ đền tạ tại mỗi khu, tham dự giờ chầu Mình Thánh Chúa tại giáo hạt và giáo xứ mỗi tháng, tổ chức lễ ThánhTâm Chúa Giêsu là bổn mạng cùng tham dự lễ bổn mạng của GĐPTTTCG giáo hạt và TGP hằng năm.
Bác ái: thăm các Lm hưu tại nhà hưu dưỡng Phát Diệm và các nữ tu già yếu tại dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp, đóng góp giúp đỡ những người nghèo do BCH GĐPTTTCG giáo hạt và TGP vận động, thăm hỏi những đoàn viên già yếu và phúng viếng trong giáo xứ.
Công tác khác: thực hiện những việc của giáo xứ khi được Hội đồng Mục vụ giáo xứ phân công.
Phát triển: qua 50 năm thành lập, từ 68 đoàn viên nay đang có 405 đoàn viên (hộ gia đình), không kể những người Chúa đã gọi về và chuyển đi nơi khác.
Xin chúc mừng GĐPTTTCG xứ đoàn Thạch Đà được 50 tuổi, xin Thánh Tâm Chúa Giêsu ban cho xứ đoàn ngày càng phát triển và đem Thánh Tâm Chúa Giêsu đến với mọi người trong giáo xứ.
[slideshow_deploy id=’1446′]
XEM VIDEO