ĐGM GB. Bùi Tuần
1. Đã từ rất lâu rồi, Đức Mẹ hay đến với tôi. Mẹ đến dưới nhiều hình dạng khác nhau.
Nhưng lúc này, Mẹ hay đến với tôi dưới hình dạng “Mẹ khóc”.
2. Đọc Phúc Âm, tôi thấy xưa Đức Mẹ đã khóc trên đường theo Chúa Giêsu vác thánh giá lên Núi Sọ, và nhất là Mẹ đã khóc dưới chân thánh giá Chúa chịu đóng đinh.
3. Đọc lịch sử Giáo Hội, tôi thấy Đức Mẹ đã nhiều lần hiện ra dưới hình dạng người mẹ ôm mặt khóc. Như tại La Salette.
4. Từ mấy ngày nay, Đức Mẹ hay đến với tôi cũng dưới hình dạng “người Mẹ khóc”.
Với hình dạng “người Mẹ khóc”, Đức Mẹ đi vào hồn tôi một cách âu yếm và rất sâu.
5. Mẹ báo cho tôi nhiều biến cố thê thảm sẽ xảy ra cho nhân loại, nếu nhân loại không sám hối.
6. Mẹ báo cho tôi nhiều biến cố thê thảm sẽ xảy ra cho những người trong Hội Thánh, nếu họ không thực sự trở về với Chúa.
7. Mẹ báo cho tôi nhiều biến cố thê thảm sẽ xảy ra cho chính tôi, nếu tôi không vâng phục thánh ý Chúa.
8. Vâng phục thánh ý Chúa là điều không dễ chút nào, nên tôi nài van Mẹ hãy dạy tôi lời Xin vâng mà Mẹ xưa đã thưa với sứ thần của Chúa.
9. Đức Mẹ luôn dạy tôi Xin vâng. Tôi học mãi, mà vẫn chưa đạt. Đức Mẹ lại khóc. Nước mắt của Mẹ đang thấm vào tôi.
10. Bây giờ thì tôi cảm nhận Đức Mẹ khóc đang là trường hợp cao quý Chúa dành cho tôi và nhiều môn đệ Chúa.
11. Hằng ngày, tôi vẫn được nghe tiếng khóc của cộng đồng dân Chúa, khi họ cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.” Đó là tiếng khóc. Đó là nước mắt.
12. Nếu khóc mà được cứu rỗi, thì đừng ngại khóc.
Tới đây, tôi nhớ lại lời Chúa Giêsu đã hứa:
“Phúc thay ai sầu khổ khóc lóc, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.” (Mt 5,4)
Chúa nói về những ai khóc lóc vì sám hỗi.
13. Riêng tôi, tôi khóc mà không thành tiếng. Nhưng Đức Mẹ hiểu tôi. Đức Mẹ an ủi tôi, Đức Mẹ cứu tôi.
14. Hiện giờ, ảnh Đức Mẹ sầu bi đang được nhiều người tại Việt Nam ái mộ.
Thiết tưởng đó cũng là cách Đức Mẹ khóc đến với Hội Thánh tại Việt Nam hôm nay.
Long Xuyên, ngày 10.9.2021