CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – NĂM A

BỔN PHẬN

Lm. Giuse Hoàng Văn Hòa, OP

  Sống trong một quốc gia, mọi công dân phải có nghĩa vụ với quê hương, đất nước, dân tộc. Cũng vậy, là một tín hữu, chúng ta phải có bổn phận đối với Thiên Chúa và trách nhiệm đối với tha nhân. Tuy nhiên, giữa thế quyền và thần quyền, theo Chúa Giêsu, đều có một ranh giới rõ ràng.

  Trong khi rao giảng, nhiều lần Chúa Giêsu phải đối đầu với nhóm Pharisêu, Biệt Phái và phe Hêrôđê. Họ tìm nhiều thủ đoạn, bày mưu lập kế để gài bẫy Chúa Giêsu. Đoạn Tin Mừng hôm nay là một trong những cuộc tranh luận, xung khắc nổi tiếng, liên quan đến việc có được nộp thuế cho Xêda hay không.

  Thuế ở đây phải hiểu là thuế thân. Ngoài các thứ thuế khác, mọi người Do Thái trọn mười bốn tuổi trở lên và chưa đến sáu mươi lăm tuổi còn phải nộp thêm thuế thân. Người Do Thái coi đây là dấu hiệu của sự thần phục bỉ ổi dân tộc phải bày tỏ đối với đế quốc Rôma. Cho nên, nhóm Pharisêu và Biệt Phái, vốn ghét người Rôma vì chính sách đô hộ, nên hoàn toàn chống cự và không hưởng ứng. Bằng ngược lại, nhóm Sađốc và đảng Hêrôđê lại chấp nhập việc nộp thuế, nhằm bảo đảm chỗ đứng của họ dưới sự bảo kê của chính quyền Rôma. Dù không ưa nhau, nhưng cả hai nhóm lại hợp tác, liên minh với nhau, tìm cách hãm hại Chúa Giêsu.

  Những người Pharisêu và nhóm Hêrôđê hỏi Chúa Giêsu: ‘Có được nộp thuế cho Xêda hay không?’ Một câu hỏi có mục đích gài bẫy bao giờ cũng khiến người trả lời rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Nếu Chúa Giêsu trả lời ‘được’, một cách nào đó nhóm Pharisêu và Biệt Phái cho rằng Người ủng hộ chính sách ‘thuế đinh’ của chính quyền Rôma và không trung thành với dân tộc. Trái lại, nếu Chúa Giêsu trả lời ‘không’, chắc chắn phe đảng Hêrôđê sẽ tố cáo Người là kẻ phản động, đang tìm cách chống đối hoàng đế Rôma và chính sách đô hộ của họ. Còn nếu Chúa không trả lời, vô hình trung, đối thủ sẽ hạ thấp uy tín của Người trước mặt đám đông vì không dám nói sự thật.

  Trước tình thế nan giải và khó khăn, Chúa Giêsu vẫn điềm tĩnh tự tin. Người yêu cầu họ đưa cho xem đồng tiền nộp thuế có hình và danh hiệu của Xêda, hoàng đế Rôma. Lập tức, Chúa Giêsu nói: ‘Của Xêda trả về Xêda, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa’. Câu trả lời của Chúa Giêsu minh bạch cụ thể, khiến hai nhóm không khỏi thất vọng hụt hẫng. Giữa đời và đạo, Chúa Giêsu phân biệt cách rõ ràng: của hoàng đế trả cho hoàng đế, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa. Hơn nữa, khi họ đưa cho Chúa Giêsu xem đồng tiền nộp thuế, nghĩa là chấp nhận lưu hành đồng tiền này là họ chấp nhận quyền hoàng đế trên dân tộc mình. Do vậy, việc nộp thuế cho hoàng đế Rôma là tất nhiên.

  Một cuộc đối thoại giữa thần quyền và thế quyền, giữa Thiên Chúa và Xêda vượt quá sự ngỡ ngàng và thất vọng của phái Pharisêu và nhóm Hêrôđê. Chúa Giêsu không những dạy cho họ một bài học về việc chu toàn bổn phận của người công dân, mà còn chất vấn họ việc thờ phượng Thiên Chúa. Theo luật Cựu ước, cấm tạc hình người và thú vật để tránh việc thờ ngẫu tượng. Trên đồng tiền, danh hiệu hoàng đế Rôma có chữ thần linh. Điều này gợi cho người Do Thái nhớ lại lời tuyên xưng chỉ có Thiên Chúa là duy nhất và phải thờ phượng một mình Người mà thôi. Như vậy, Chúa Giêsu nhắc nhở cho họ nghĩa vụ phải trở về với Thiên Chúa và trả lại cho Thiên Chúa những gì là của Thiên Chúa.

Tóm lai, khi con người có bổn phận chính đáng với nhà nước, dân tộc thì cũng là phục vụ chính Thiên Chúa. Mỗi người trong chúng ta tự hỏi: Phải chăng có cái gì ngoài Thiên Chúa mà lại không phải là thụ tạo của Ngài?