QUAY TRỞ VỀ
Tu sĩ Giuse Vũ Minh
Tin Mừng theo Thánh Luca là Tin Mừng của lòng thương xót. Thật vậy, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, thánh sử – thầy thuốc Luca – đã trình bày cho chúng ta một Thiên Chúa đầy nhân từ, luôn yêu thương và sãn sàng chờ đợi chúng ta sám hối quay trở về để Ngài tha thứ. Hôm nay, chúng ta có dịp suy niệm về một trong những dụ ngôn hay nhất của Tin Mừng, dụ ngôn “Người cha nhân hậu”. Phụng vụ Chúa nhật hôm nay nói lên lòng thương xót và nhân từ của Thiên Chúa đối với con người. Ngài quảng đại, rộng mở đối với từng người. Ngài sung sướng, hân hoan khi thể hiện lòng yêu thương và bác ái đối với con người, Ngài mời gọi họ chia sẻ niềm vui đó. Vì thế, Chúa nhật IV mùa Chay còn gọi là Chúa nhật vui mừng, vì con người cảm nghiệm được tình yêu thương sâu xa, dạt dào của người Cha khiến con người tin yêu, phó thác, can đảm dấn thân theo Chúa trong cuộc hành trình đức tin tiến về núi Canvê.
Câu chuyện được kể lại bằng những chi tiết rất sống động. Thực vậy, tội của đứa con thứ quả là rất lớn. Nó đã sử dụng tiền của – với bao công lao khó nhọc của người cha – để trao vào cuộc truy hoan trác táng, để rồi kết thúc trong nghèo đói và túng quẫn. Đối với người Do Thái, heo là một con vật nhơ bẩn. Chăn heo là một việc làm bần hèn. Tình cảnh khốn quẫn đã đưa đứa con đến tột cùng của sự thảm hại, bị loại ra khỏi cộng đồng dân Chúa đã đành, mà còn bị loại ra khỏi cộng đồng con người, bởi vì trong cơn đói khát, nó đã thầm ước được ăn chút cám bã dành cho súc vật mà cũng chẳng được. Tuy nhiên, điều làm cho chúng ta xúc động vẫn là thái độ của người cha. “Khi nó còn ở đàng xa, người cha đã thấy và chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để”. Không còn từ nào hay hơn để diễn tả tâm trạng một người cha đã nhiều năm trông ngóng con trở về, dù đó lại là một đứa bất hiếu bỏ nhà ra đi. Thiên Chúa là người Cha ấy. Ngài luôn muốn chia sẻ cho chúng ta hạnh phúc và niềm vui của Ngài. Chúng ta nhiều khi lại không nghĩ thế, vì cho rằng Ngài kiểm soát và ràng buộc chúng ta. Như người con thứ nằng nặc đòi tiền và đi hoang, chúng ta cũng quá nhiều lần rời xa vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Cuộc sống hoang đàng của người con thứ vùi đắm trong những cuộc vui chơi thâu đêm suốt sáng. Còn chúng ta, không chỉ có thế, chúng ta còn dìm mình trong vũng lầy của biết bao thứ tội còn nguy hiểm hơn, trong đó, tội kiêu ngạo, không tin vào Chúa, phạm đến Chúa Thánh Thần là những tội lỗi của thời đại hôm nay khiến chúng ta trở nên “hoang đàng thứ thiệt”. Hơn một lần cuộc đời nghiệt ngã đã làm chúng ta vỡ mộng!
“Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người trở lại”, cách nói của ông bà ta rất hay. Một khi con người biết hối lỗi, quay trở về, cho dù có muộn màng, vẫn là một hành động đáng khen. Tuy nhiên, nghịch lý cuộc đời lại khiến chúng ta dễ tự ái, cái tôi ích kỷ quá lớn khiến chúng ta không dám đối diện với bản thân. Thay vì quay trở về, chúng ta lại bình thản tiếp tục lao mình vào hố sâu của tội vì cho rằng “tôi đâu có tội gì”. Chúng ta lại còn ỷ vào những cái mà mình tự cho là công đức, là thành quả của mình để vỗ ngực tự hào. Thái độ ấy chính là hỉnh ảnh của người con cả. Kiêu căng, ngạo mạn, luôn cố chấp, ôm mối hận thù, không cần đến tình yêu thương của Chúa là cách hành xử của người con cả. Người con cả vẫn ở nhà, nhưng thực ra chỉ có thân xác ở nhà, còn tâm hồn anh ta đã đi hoang từ lâu. Sống bên cha mà tâm hồn anh xa tâm hồn cha biết bao. Trong khi cha dạt dào tình yêu thương thì anh ta chỉ biết kết án và khiển trách. Bởi vậy. chúng ta cần thoát ra khỏi hình bóng ấy để tiến gần hơn đến Chúa là người cha bao dung nhân từ.
Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa”. Đó là điều người con thứ đã chuẩn bị sẵn để khi gặp cha sẽ nói. Tuy vậy, người cha không để cho con nói hết những gì nó đã chuẩn bị. Tình thương của Thiên Chúa mênh mông vời vợi, không cần những công thức, nhưng chan hòa như đại dương, phủ lấp những yếu đuối của phận người. Hãy mau mau quay trở về, bạn nhé!