“Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy.” (Mc 14, 22)
BÀI ĐỌC I: Xh 24, 3-8
“Đây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi”.
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Môsê đến thuật lại cho dân chúng nghe tất cả những lời và lề luật của Chúa, và toàn dân đồng thanh thưa rằng: “Chúng tôi xin thi hành mọi lời Chúa đã phán”. Vậy Môsê ghi lại tất cả những lời của Chúa. Và sáng sớm, ông chỗi dậy, lập bàn thờ ở chân núi, dựng mười hai cột trụ, chỉ mười hai chi họ Israel, ông sai các thanh niên trong con cái Israel mang của lễ toàn thiêu và hiến dâng lên Chúa những con bò tơ làm hy lễ giao hoà. Môsê lấy phân nửa máu đổ vào các chậu và rưới phân nửa kia lên bàn thờ. Ông mở quyển giao ước ao đọc cho dân nghe và họ thưa: “Chúng tôi xin thi hành và tuân theo tất cả những điều Chúa đã phán”. Vậy ông lấy máu rẩy lên dân chúng và nói: “Đây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi theo đúng tất cả những lời đó”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 115, 12-13. 15-16bc. 17-18
Đáp: Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa (c. 13).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. – Đáp.
2) Trước mặt Chúa thật là quý hoá, cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. Tôi là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tì Ngài, Ngài bẻ gãy xiềng xích cho tôi. – Đáp.
3) Tôi sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Dt 9, 11-15
“Máu Chúa Kitô tẩy sạch lương tâm chúng ta”.
Trích thư gởi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, Chúa Kitô xuất hiện như vị Thượng tế cầu bầu mọi phúc lành tương lai. Người đi qua nhà tạm rộng rãi và hoàn hảo hơn, không phải do tay người phàm xây dựng, nghĩa là không thuộc về trần gian này, cũng không nhờ máu dê bò, nhưng nhờ chính máu của Người mà vào Cung Thánh chỉ một lần và đem lại ơn cứu độ muôn đời. Vì nếu máu dê và tro bò mà người ta rảy trên kẻ ô uế còn thánh hoá được thân xác nên trong sạch, huống chi máu của Đức Kitô, Đấng đã nhờ Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu đó sẽ tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống. Vì vậy Chúa Kitô là trung gian của Tân Ước, vì nhờ sự chết của Người để cứu chuộc tội phạm dưới thời Cựu Ước, mà những kẻ được kêu gọi, đến lãnh lấy gia nghiệp đời đời đã hứa cho họ.
Đó là lời Chúa.
Tin mừng: Mc 14,12-16.22-26
12 Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giê-su: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?”
13 Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: “Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó.
14 Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: “Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu?
15 Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta.” 16 Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua.
22 Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.”
23 Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này.24 Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.
25 Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa.”
26 Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu.
Giáo lý cho bài giảng Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô năm B
WHĐ (31.05.2024) – Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô năm B.
Số 790, 1003, 1322-1419: Bí tích Thánh Thể Số 805, 950, 2181-2182, 2637, 2845: Thánh Thể và sự hiệp thông của các tín hữu Số 1212, 1275, 1436, 2837: Thánh Thể như của ăn thiêng liêng |
Số 790, 1003, 1322-1419: Bí tích Thánh Thể
Số 790. Khi đáp lại Lời Thiên Chúa và trở nên chi thể của Thân Thể Đức Kitô, các tín hữu được kết hợp mật thiết với Đức Kitô: “Trong thân thể đó, sự sống của Đức Kitô được truyền thông cho các tín hữu là những kẻ, nhờ các bí tích, đã được kết hợp một cách bí nhiệm và thật sự với Đức Kitô chịu nạn và được tôn vinh”[1]. Điều này đặc biệt là thật đối với bí tích Rửa Tội, nhờ bí tích này chúng ta được kết hợp với cái Chết và sự Sống lại của Đức Kitô[2], và đối với bí tích Thánh Thể, nhờ bí tích này “khi chúng ta được tham dự thật sự vào Thân Thể của Chúa, chúng ta được nâng lên đến sự hiệp thông với Người và với nhau”[3].
Số 1003. Được liên kết với Đức Kitô nhờ bí tích Rửa Tội, các tín hữu thật sự đa tham dự vào sự sống thiên quốc của Đức Kitô phục sinh[4], nhưng sự sống này còn “tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa” (Cl 3,3). Chính Thiên Chúa đã cho chúng ta được “cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời” (Ep 2,6). Được nuôi dưỡng bằng Mình Thánh Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể, chúng ta đã thuộc về Thân Thể của Người. Khi chúng ta được phục sinh vào ngày sau hết, “lúc đó”, chúng ta sẽ xuất hiện “với Người và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Cl 3,4).
Số 1322. Bí tích Thánh Thể hoàn tất việc khai tâm Kitô giáo. Những người đã được nâng lên hàng tư tế vương giả nhờ bí tích Rửa Tội, và được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô cách sâu xa hơn nhờ bí tích Thêm Sức, nay nhờ bí tích Thánh Thể được tham dự vào chính hy tế của Chúa cùng với toàn thể cộng đoàn.
Số 1323. “Đang khi ăn bữa Tiệc ly, trong đêm Người bị nộp, Đấng Cứu Độ chúng ta đã thiết lập Hy tế Thánh Thể bằng Mình và Máu Người, để nhờ đó, Hy tế thập giá trường tồn qua các thời đại, cho tới khi Người đến, và cũng để ủy thác cho Hiền Thê yêu quý của Người là Hội Thánh, việc tưởng nhớ sự Chết và Sống lại của Người: Đây là bí tích tình yêu, là dấu chỉ sự hợp nhất, là mối dây bác ái, là bữa tiệc Vượt Qua, nơi chúng ta lãnh nhận Đức Kitô, linh hồn được tràn đầy ân sủng và nhận được bảo đảm cho vinh quang tương lai”[5].
Số 1324. Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô giáo[6]. “Những bí tích khác cũng như mọi thừa tác vụ trong Hội Thánh, và các hoạt động tông đồ, đều gắn liền với bí tích Thánh Thể và quy hướng về bí tích đó. Thật vậy, phép Thánh Thể Chí Thánh chứa đựng toàn bộ của cải thiêng liêng của Hội Thánh, đó là chính Đức Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta”[7].
Số 1325. “Việc hiệp thông vào sự sống của Thiên Chúa và sự hợp nhất của dân Thiên Chúa, nhờ hai điều đó mà Hội Thánh tồn tại, được diễn tả cách xác đáng và thực hiện cách kỳ diệu nhờ bí tích Thánh Thể. Trong bí tích này, hanh động Thiên Chúa thánh hoá trần gian trong Đức Kitô và việc phụng tự mà con người dâng lên Đức Kitô và nhờ Người mà dâng lên Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, cả hai đều đạt tới tột đỉnh”[8].
Số 1326. Sau cùng, nhờ việc cử hành bí tích Thánh Thể, chúng ta đã được kết hợp với phụng vụ trên trời và tham dự trước vào đời sống vĩnh cửu, trong đó “Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15,28).
Số 1327. Tóm lại, bí tích Thánh Thể là bản toát yếu và tổng luận của đức tin của chúng ta: “Cách chúng ta suy nghĩ phù hợp với bí tích Thánh Thể, và ngược lại bí tích Thánh Thể xác nhận cách suy nghĩ của chúng ta”[9].
Số 1328. Sự phong phú vô tận của bí tích này được diễn tả qua nhiều tên gọi khác nhau mà người ta dành cho bí tích này. Mỗi một trong các tên gọi đó gợi lên một số phương diện. Người ta gọi bí tích Thánh Thể là:
Lễ Tạ Ơn, bởi vì đây chính là hành động cảm tạ Thiên Chúa. Các từ Eucharistein (Lc 22,19; 1 Cr 11,24) và eulogein (Mt 26,26; Mc 14,22) nhắc lại những lời chúc tụng của dân Do Thái – nhất là trong bữa ăn – để tung hô các kỳ công của Thiên Chúa: tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa.
Số 1329. Bữa ăn tối của Chúa[10], bởi vì Hội Thánh tưởng niệm bữa Tiệc Ly Chúa cùng ăn với các môn đệ Người hôm trước ngày Người chịu nạn, và đây như là việc tham dự trước vào Tiệc Cưới của Con Chiên[11] trong thành Giêrusalem thiên quốc.
Việc Bẻ Bánh, vì nghi thức này, nét đặc thù của bữa ăn Do Thái, đã được Chúa Giêsu sử dụng khi Người dâng lời chúc tụng và phân phối bánh với tư cách người chủ tiệc[12], đặc biệt trong bữa Tiệc Ly[13]. Nhờ cử chỉ này, các môn đệ nhận ra Người sau khi Người sống lại[14]; và các Kitô hữu tiên khởi đã dùng thuật ngữ “Bẻ Bánh” để nói về các buổi cử hành Thánh Thể của họ[15]. Như vậy họ muốn nói lên rằng, tất cả những ai cùng ăn một tấm bánh duy nhất được bẻ ra, là Đức Kitô, thì được hiệp thông với Người và làm thành một thân thể trong Người[16].
Cộng đoàn Thánh Thể (Synaxis), bởi vì bí tích Thánh Thể được cử hành trong cộng đoàn các tín hữu, đó là cách diễn tả hữu hình về Hội Thánh[17].
Số 1330. Việc Tưởng Niệm cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa.
Hy tế thánh, bởi vì hy tế duy nhất của Đức Kitô Đấng Cứu Độ được hiện tại hoá và bao gồm cả lễ vật của Hội Thánh. Bí tích Thánh Thể còn được gọi là Hy tế Thánh lễ, “lễ tế ngợi khen” (Dt 13,15)[18], lễ tế thiêng liêng,[19] hy tế tinh tuyền[20] và thánh thiện, bởi vì bí tích này hoàn tất và vượt trên mọi hy tế của Giao Ước cũ.
Phụng vụ thánh và thần linh, bởi vì tất cả phụng vụ của Hội Thánh có trung tâm và cách diễn tả cô đọng nhất trong việc cử hành bí tích này; cũng theo nghĩa đó bí tích Thánh Thể còn được gọi là cuộc cử hành Các mầu nhiệm thánh. Bí tích này cũng được gọi là Bí Tích Cực Thánh, bởi vì là bí tích của các bí tích. Danh xưng này để chỉ các hình dạng Thánh Thể được lưu giữ trong Nhà Tạm.
Số 1331. Sự hiệp lễ, bởi vì nhờ bí tích này, chúng ta được kết hợp với Đức Kitô, là Đấng cho chúng ta tham dự vào Mình và Máu Người, để làm thành một thân thể duy nhất[21]; bí tích này cũng được gọi là Những sự thánh (ta hagia; sancta)[22] – đây là ý nghĩa đầu tiên của mầu nhiệm “các Thánh thông công” mà Tín biểu của các Tông Đồ nói đến –, Bánh các Thiên thần, Bánh bởi trời, Thuốc trường sinh[23], Của ăn đàng….
Số 1332. Thánh Lễ (Lễ Misa), bởi vì phụng vụ trong đó mầu nhiệm cứu độ được hoàn tất, được kết thúc bằng việc sai các tín hữu ra đi (missio), để họ chu toàn thánh ý Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày của họ.
Các dấu chỉ là bánh và rượu
Số 1333. Ở trung tâm việc cử hành bí tích Thánh Thể có bánh và rượu, mà nhờ lời của Đức Kitô và việc khẩn cầu Chúa Thánh Thần, sẽ trở thành Mình và Máu của Đức Kitô. Trung thành với mệnh lệnh của Chúa, để nhớ đến Người, cho tới khi Người lại đến trong vinh quang, Hội Thánh tiếp tục làm điều Chúa đã làm hôm trước ngày Người chịu khổ hình: “Người cầm lấy bánh…”, “Người cầm lấy chén rượu…”. Các dấu chỉ là bánh và rượu, khi đã trở nên Mình và Máu Đức Kitô cách mầu nhiệm, vẫn tiếp tục nói lên sự thiện hảo của công trình tạo dựng. Vì vậy trong phần Dâng lễ, chúng ta tạ ơn Đấng Tạo Hoá vì đã ban bánh và rượu[24], là kết quả của “công lao của con người,” nhưng trước hết đó là “hoa mầu ruộng đất” và “sản phẩm từ cây nho”, tức là những hồng ân của Đấng Tạo Hoá. Hội Thánh nhận ra cử chỉ của Melchisedech, là vua và là tư tế, ông “mang bánh và rượu ra” (St 14,18), là hình ảnh tiên báo cho hiến lễ của mình[25].
Số 1334. Thời Giao Ước cũ, trong số các hoa trái đầu mùa của ruộng đất, bánh và rượu được dâng lên làm lễ vật, với tính cách một dấu chỉ của lòng biết ơn đối với Đấng Tạo Hoá. Nhưng chúng còn mang một ý nghĩa mới trong bối cảnh cuộc Xuất Hành: Các bánh không men mà người Do Thái hằng năm vẫn ăn trong dịp lễ Vượt Qua, gợi nhớ đến sự vội vã của cuộc ra đi thoát khỏi Ai Cập; kỷ niệm về manna trong sa mạc luôn nhắc nhớ dân Israel rằng họ sống bằng bánh là Lời Chúa[26]. Cuối cùng, bánh ăn hằng ngày là sản phẩm của Đất hứa, là bảo chứng việc Thiên Chúa trung tín với các lời hứa của Ngài. “Chén chúc tụng” (1 Cr 10,16) vào cuối bữa tiệc Vượt Qua của người Do Thái, đã thêm cho rượu một ý nghĩa cánh chung ngoài niềm vui lễ hội, đó là sự trông chờ Đấng Messia đến tái tạo Giêrusalem. Khi thiết lập bí tích Thánh Thể của Người, Chúa Giêsu đã ban một ý nghĩa mới và dứt khoát cho việc dâng lời chúc tụng trên bánh và chén rượu.
Số 1335. Các phép lạ hóa bánh ra nhiều, khi Chúa dâng lời chúc tụng, bẻ bánh ra và trao cho các môn đệ Người để nuôi dưỡng đám đông, là hình ảnh tiên báo sự vô cùng phong phú của tấm bánh duy nhất là Thánh Thể của Người[27]. Dấu chỉ nước hoá thành rượu ở Cana[28] đã loan báo Giờ vinh quang của Chúa Giêsu. Dấu chỉ này biểu lộ sự hoàn tất của bữa tiệc cưới trong Nước của Chúa Cha, nơi các tín hữu uống rượu mới[29] đã trở thành Máu Đức Kitô.
Số 1336. Lời loan báo đầu tiên về bí tích Thánh Thể đã gây chia rẽ các môn đệ, giống như lời loan báo về cuộc khổ nạn đã làm cho họ vấp phạm: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6,60). Thánh Thể và Thánh Giá là những hòn đá gây vấp ngã. Vẫn là cùng một mầu nhiệm, và mầu nhiệm đó không ngừng là cớ gây chia rẽ. “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6,67): Câu hỏi này của Chúa vang vọng qua các thời đại, với tính cách một lời mời gọi của tình yêu của Người để khám phá ra rằng, chỉ một mình Người mới có “những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68), và việc đón nhận hồng ân Thánh Thể của Người trong đức tin là đón nhận chính Người.
Việc thiết lập bí tích Thánh Thể
Số 1337. Khi yêu thương những kẻ thuộc về mình, Chúa đã yêu họ đến cùng. Khi biết đã đến Giờ lìa bỏ thế gian mà về cùng Cha mình, trong một bữa tiệc, Người đã rửa chân cho họ và ban cho họ giới luật yêu thương[30]. Để lưu lại cho họ bảo chứng của tình yêu này, để không bao giờ lìa xa những kẻ thuộc về mình, và để họ được tham dự vào cuộc Vượt Qua của Người, Người đã thiết lập bí tích Thánh Thể, với tính cách một việc để nhớ đến cái Chết và sự Sống lại của Người, và Người truyền cho các Tông Đồ Người, “những vị Người đặt làm tư tế của Giao Ước Mới”[31] phải cử hành bí tích này cho tới khi Người lại đến.
Số 1338. Ba Tin Mừng Nhất Lãm và thánh Phaolô lưu truyền cho chúng ta bản tường thuật việc thiết lập bí tích Thánh Thể; về phần mình, thánh Gioan thuật lại những lời của Chúa Giêsu tại hội đường Capharnaum, những lời đó thật sự chuẩn bị cho việc thiết lập bí tích Thánh Thể: chính Đức Kitô tự xưng mình là Bánh Hằng Sống, từ trời xuống[32].
Số 1339. Chúa Giêsu chọn thời gian mừng lễ Vượt Qua để thực hiện điều Người đã báo trước ở Capharnaum: Người ban Mình và Máu Người cho các môn đệ của Người:
“Đã đến ngày lễ Bánh Không Men, ngày phải sát tế chiên Vượt Qua. Chúa Giêsu sai ông Phêrô với ông Gioan đi và dặn: ‘Các anh hãy đi dọn cho chúng ta ăn lễ Vượt Qua’. … Các ông ra đi … và dọn tiệc Vượt Qua. Khi giờ đã đến, Chúa Giêsu vào bàn cùng với các Tông Đồ. Người nói với các ông: ‘Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa’…. Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: ‘Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy’. Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: ‘Chén này là giao ước mới, lập bằng Máu Thầy, máu đổ ra vì anh em’” (Lc 22,7-20)[33].
Số 1340. Khi cử hành bữa Tiệc Ly với các Tông Đồ của Người trong khung cảnh bữa tiệc Vượt Qua, Chúa Giêsu đã ban cho lễ Vượt Qua của người Do Thái một ý nghĩa dứt khoát. Quả thật, cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu để về cùng Cha Người, qua cái Chết và sự Sống lại, thật sự là cuộc Vượt Qua mới, được tham dự trước trong bữa Tiệc Ly và được cử hành trong bí tích Thánh Thể, cuộc Vượt Qua đó hoàn thành lễ Vượt Qua của người Do Thái và tham dự trước vào lễ Vượt Qua chung cuộc của Hội Thánh trong vinh quang Nước Thiên Chúa.
“Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”
Số 1341. Mệnh lệnh Chúa Giêsu truyền phải lặp lại những cử chỉ và lời nói của Người “cho tới khi Chúa đến” (1 Cr 11,26), không chỉ đòi hỏi phải nhớ đến Chúa Giêsu và những gì Người đã làm. Mệnh lệnh này nhắm đến việc cử hành phụng vụ, do các Tông Đồ và những người kế nhiệm các ngài, để tưởng niệm Đức Kitô, tưởng niệm cuộc đời của Người, cái Chết và sự Sống lại của Người, và việc chuyển cầu của Người bên Chúa Cha.
Số 1342. Ngay từ đầu, Hội Thánh đã trung thành tuân giữ mệnh lệnh này của Chúa. Về Hội Thánh tại Giêrusalem có bài tường thuật như sau:
“Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng…. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (Cv 2,42.46).
Số 1343. Đặc biệt vào “ngày thứ nhất trong tuần”, nghĩa là ngày Chúa Nhật, ngày Chúa Giêsu phục sinh, các Kitô hữu tụ họp để “bẻ bánh” (Cv 20,7). Từ đó đến nay, việc cử hành bí tích Thánh Thể tiếp tục tồn tại y như vậy, đến độ ngày nay chúng ta vẫn gặp được việc cử hành đó, ở bất cứ đâu trong Hội Thánh, với cùng một cấu trúc căn bản. Bí tích Thánh Thể vẫn mãi mãi là trung tâm của đời sống Hội Thánh.
Số 1344. Như vậy, từ cử hành này sang cử hành khác để loan báo mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu, “cho tới khi Chúa đến” (1 Cr 11,26), dân Thiên Chúa trên đường lữ hành, “qua đường hẹp của thập giá”[34], đang tiến về bàn tiệc thiên quốc, nơi tất cả mọi người được tuyển chọn sẽ ngồi vào bàn tiệc của Nước Thiên Chúa.
Thánh lễ của mọi thời đại
Số 1345. Từ thế kỷ II, chúng ta có chứng từ của thánh Justinô tử đạo về những nét chính của việc cử hành thánh lễ. Những nét chính đó vẫn được giữ nguyên cho đến ngày nay, trong tất cả các truyền thống phụng vụ lớn. Để giải thích cho hoàng đế ngoại giáo Antôniô Piô (138-161) những gì các Kitô hữu đã lam, thánh Justinô viết vào khoảng năm 155 như sau:
“Vào ngày Mặt Trời như người ta thường gọi, mọi người ở thành phố hay ở nông thôn đều họp lại một nơi.
Và người ta đọc ký sự của các Tông Đồ hoặc sách của các Tiên tri, tuỳ thời gian cho phép.
Khi người đọc kết thúc, vị chủ sự lên tiếng nhắn nhủ và khuyến khích mọi người bắt chước những điều tốt lành đó.
Sau đó, tất cả chúng tôi cùng đứng dậy và dâng lời cầu nguyện[35] cho chính chúng tôi… và cho mọi người khác ở khắp nơi, … để chúng tôi sống ngay chính trong các việc làm và trong việc tuân giữ các giới răn, hầu chúng tôi đạt được ơn cứu độ vĩnh cửu.
Khi kết thúc việc cầu nguyện, chung tôi trao hôn bình an cho nhau.
Tiếp đến, người ta mang đến cho vị chủ sự bánh và một chén rượu có pha nước.
Vị chủ sự cầm lấy bánh rượu, dâng lời tán tụng và tôn vinh Cha của vũ trụ, nhân danh Chúa Con và Chúa Thánh Thần và đọc một kinh tạ ơn dài (tiếng Hy Lạp: eucharistian) về việc chúng tôi được coi là xứng đáng với các hồng ân này.
Khi vị chủ sự kết thúc các lời nguyện và việc tạ ơn, mọi người hiện diện đồng thanh đáp: Amen.
Sau khi vị chủ sự hoàn tất nghi thức tạ ơn và toàn dân đã đáp lại, thì các vị mà chúng tôi gọi là phó tế, phân phát bánh và rượu có pha nước ‘đã được thánh thể hoá’ (‘eucharistizata’) cho mỗi người hiện diện tham dự và đem đến cho những người vắng mặt”[36].
Số 1346. Phụng vụ Thánh lễ diễn tiến theo một cấu trúc căn bản đã được duy trì qua các thế kỷ cho đến thời đại chúng ta. Phụng vụ Thánh lễ được triển khai trong hai phần chính, làm thành một thể thống nhất:
– Tập họp, Phụng vụ Lời Chúa với các bài đọc, bài giảng và lời nguyện phổ quát;
– Phụng vụ Thánh Thể với việc tiến dâng bánh rượu; kinh tạ ơn thánh hiến [Kinh nguyện Thánh Thể] và hiệp lễ.
Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể cùng tạo thành “một hành vi phụng tự duy nhất”[37]; thật vậy, bàn tiệc được dọn ra cho chúng ta trong Thánh Lễ vừa là bàn tiệc Lời Thiên Chúa, vừa là bàn tiệc Mình Chúa”[38].
Số 1347. Đó không phải là diễn tiến bữa tiệc Vượt Qua của Chúa Giêsu phục sinh với các môn đệ Người sao? Khi đi đường, Người giải thích Kinh Thánh cho họ, rồi khi vào bàn ăn với họ, “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ” (Lc 24,30)[39].
Diễn tiến việc cử hành
Số 1348. Tất cả mọi người tập họp lại. Các Kitô hữu tập họp lại một nơi để cử hành Thánh Thể. Trong đó, chính Đức Kitô đứng đầu cộng đoàn, Người là nhân vật hoạt động chính của bí tích Thánh Thể. Người là Thượng tế của Giao Ước Mới. Chính Người chủ trì cách vô hình mọi việc cử hành Thánh Thể. Thay mặt Người, Giám mục hay linh mục (hành động trong cương vị của Đức Kitô là Đầu) chủ trì cộng đoàn, lên tiếng sau các bài đọc, đón nhận lễ vật và đọc Kinh nguyện Thánh Thể. Mọi người đều có phần chủ động của mình trong cuộc cử hành, mỗi người theo cách của mình: người thì đọc Sách Thánh, người thì mang lễ vật, người thì trao Mình Thánh Chúa và toàn dân biểu lộ sự tham dự của mình bằng lời đáp Amen.
Số 1349. Phụng vụ Lời Chúa gồm “các tác phẩm của các Tiên tri”, nghĩa là Cựu Ước, và “ký sự của các Tông Đồ”, nghĩa là các thánh thư và các sách Tin Mừng; sau đó là bài giảng để khuyến khích việc đón nhận các lời này xét như đó thật sự là Lời Chúa[40], và đem ra thực hành, tiếp đến là lời chuyển cầu cho mọi người, theo lời thánh Tông Đồ dạy: “Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền” (1 Tm 2,1-2).
Số 1350. Dâng lễ vật (offertorium). Người ta mang, hay đôi khi rước cách long trọng, bánh và rượu lên bàn thờ. Bánh rượu này sẽ được chủ tế, nhân danh Đức Kitô, dâng lên trong Hy tế Thánh Thể, để trở thành Mình Máu Đức Kitô. Đây chính là cử chỉ của Đức Kitô, trong bữa Tiệc Ly, “cầm lấy bánh và chén rượu”. “Chỉ có Hội Thánh mới dâng lên Đấng Tạo Hoá lễ vật tinh tuyền này, khi dâng lên Ngài cùng với lời tạ ơn, lễ vật từ các thụ tạo của Ngài”[41]. Việc dâng lễ vật trên bàn thờ lặp lại cử chỉ của Melchisedech và phó dâng các tặng phẩm của Đấng Tạo Hoá vào tay Đức Kitô. Trong hy tế của Người, chính Đức Kitô kiện toàn mọi cố gắng dâng hy tế của con người.
Số 1351. Từ thuở ban đầu, khi mang bánh và rượu đến cử hành thánh lễ, các Kitô hữu cũng mang theo tặng phẩm của mình để chia sẻ với những người túng thiếu. Tục lệ quyên góp[42] này, nay vẫn còn, được gợi hứng từ gương mẫu của Đức Kitô, Đấng trở nên nghèo để làm cho chúng ta nên giàu có[43]:
“Những ai sung túc mà muốn thì cho tuỳ ý mình, và những gì quyên góp được, sẽ được trao cho vị chủ sự, và ngài sẽ giúp đỡ cho các cô nhi quả phụ, những người vì bệnh tật hay vì một lý do nào khác phải thiếu thốn, các tù nhân, các di dân, tắt một lời, ngài cứu giúp cho tất cả những ai đang túng thiếu”[44].
Số 1352. Kinh nguyện Thánh Thể. Với kinh nguyện Thánh Thể, lời kinh tạ ơn và thánh hiến, chúng ta bước vào trung tâm và tột đỉnh của cuộc cử hành:
Trong Kinh Tiền Tụng, Hội Thánh dâng lời tạ ơn Chúa Cha, nhờ Đức Kitô, trong Chúa Thánh Thần, về tất cả các công trình của Ngài, các công trình tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa. Lúc đó toàn thể cộng đoàn kết hợp với lời ca vô tận của Hội Thánh trên trời, các Thiên thần và toàn thể các Thánh, tán tụng Thiên Chúa ba lần thánh.
Số 1353. Trong Kinh Epiclesis, Hội Thánh khẩn cầu Chúa Cha sai Thần Khí của Ngài (hay quyền năng chúc lành của Ngài[45]) xuống trên bánh rượu để nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, bánh rượu trở nên Mình Máu Chúa Giêsu Kitô, và để những ai tham dự bí tích Thánh Thể được trở thành một thân thể và một tinh thần duy nhất (một số truyền thống phụng vụ đặt lời kinh Khẩn cầu Chúa Thánh Thần sau Kinh Tưởng Niệm).
Trong phần tường thuật việc Chúa thiết lập bí tích Thánh Thể, sức mạnh của lời nói và hành động của Đức Kitô, và quyền năng của Chúa Thánh Thần, làm cho Mình và Máu Đức Kitô, là hy tế Người đã dâng trên thập giá một lần cho mãi mãi, hiện diện cách bí tích dưới hình bánh hình rượu.
Số 1354. Trong Kinh Tưởng Niệm tiếp theo sau đó, Hội Thánh kính nhớ cuộc khổ nạn, sự phục sinh và sự quang lâm vinh hiển của Đức Kitô Giêsu; Hội Thánh trình lên Chúa Cha hy tế là Con của Ngài, Đấng giao hoà chúng ta với Ngài.
Trong các lời chuyển cầu, Hội Thánh cho thấy bí tích Thánh Thể được cử hành trong sự hiệp thông với toàn thể Hội Thánh trên trời dưới thế, với kẻ sống và người chết, và trong sự hiệp thông với các vị mục tử của Hội Thánh, Đức Giáo Hoàng, Đức Giám mục giáo phận, hàng linh mục và phó tế của ngài và tất cả các Giám mục toàn cầu cùng với các Giáo Hội của các ngài.
Số 1355. Trong phần Hiệp lễ, trước đó có kinh Lạy Cha và nghi thức bẻ bánh, các tín hữu lãnh nhận “bánh bởi trời” và “chén cứu độ”, là Mình và Máu Thánh Đức Kitô, Đấng tự hiến “để cho thế gian được sống” (Ga 6,51):
“Bởi vì bánh này và rượu này, theo cách nói xưa là ‘đã được thánh thể hoá’ (‘eucharistizata’)[46], nên chúng tôi gọi lương thực này là Thánh Thể, không ai được chia sẻ lương thực này, ngoài kẻ tin rằng giáo lý của chúng tôi là chân thật, và đã được Rửa Tội để được tha thứ tội lỗi và được tái sinh, và sống như Đức Kitô đã dạy”[47].
Số 1356. Nếu ngay từ ban đầu, các Kitô hữu đã cử hành thánh lễ với một hình thức về căn bản không thay đổi, dù trải qua nhiều khác biệt lớn về thời đại và các nền phụng vụ, thì chính là bởi vì chúng ta biết mình bị ràng buộc bởi mệnh lệnh Chúa đã ban, hôm trước ngày Người chịu khổ hình: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11,24-25).
Số 1357. Chúng ta chu toàn mệnh lệnh này của Chúa, khi chúng ta cử hành việc tưởng niệm hy tế của Người. Khi làm điều này, chúng ta dâng lên Chúa Cha những gì mà chính Ngài đã ban cho chúng ta: các tặng phẩm từ cuộc tạo dựng của Ngài, là bánh và rượu, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần và các lời của Đức Kitô, trở nên Mình và Máu Đức Kitô: như thế, Đức Kitô hiện diện một cách thật sự và mầu nhiệm.
Số 1358. Vì vậy, chúng ta phải khảo sát bí tích Thánh Thể với tính cách là:
– việc tạ ơn và ca ngợi Chúa Cha;
– việc tưởng niệm hy tế của Đức Kitô và của thân thể Người;
– sự hiện diện của Đức Kitô, nhờ quyền năng của Lời Người và quyền năng của Thần Khí Người.
Việc tạ ơn và ca ngợi Chúa Cha
Số 1359. Thánh Thể, là bí tích của ơn cứu độ được Đức Kitô thực hiện trên thập giá, cũng là hy tế ca ngợi để tạ ơn vì công trình tạo dựng. Trong hy tế Thánh Thể, toàn bộ công trình tạo dựng được Thiên Chúa yêu thương được trình lên Chúa Cha qua cái Chết và sự Sống lại của Đức Kitô. Nhờ Đức Kitô, Hội Thánh có thể dâng hy tế ca ngợi để tạ ơn vì tất cả những gì là tốt, là đẹp, là đúng mà Thiên Chúa đã thực hiện trong công trình tạo dựng và trong nhân loại.
Số 1360. Bí tích Thánh Thể là hy tế để tạ ơn Chúa Cha, là lời chúc tụng qua đó Hội Thánh diễn tả lòng tri ân của mình đối với Thiên Chúa vì mọi điều Ngài ban, vì mọi điều Ngài đã thực hiện trong công trình tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa. Bí tích Thánh Thể trước hết có nghĩa là tạ ơn.
Số 1361. Bí tích Thánh Thể cũng là hy tế ca ngợi, qua đó Hội Thánh nhân danh toàn thể thụ tạo ca tụng vinh quang Thiên Chúa. Hy tế ca ngợi này chỉ có thể được thực hiện nhờ Đức Kitô: Người kết hợp các tín hữu vào bản thân Người, vào lời ca ngợi của Người, vào sự chuyển cầu của Người, và như vậy hy tế ca ngợi được dâng lên Chúa Cha nhờ Đức Kitô, với Người, để được chấp nhận trong Người.
Việc tưởng niệm hy tế của Đức Kitô và của Thân Thể Người là Hội Thánh
Số 1362. Bí tích Thánh Thể là việc tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, là hiện tại hoá hy tế duy nhất của Người, và dâng hy tế duy nhất đó cách bí tích, trong phụng vụ của Hội Thánh là Thân Thể Người. Trong tất cả các Kinh nguyện Thánh Thể, chúng ta đều thấy, sau các lời tường thuật về việc Chúa thiết lập Thánh Thể, một kinh nguyện được gọi là kinh Tưởng Niệm (anamnesis hoặc memoriale).
Số 1363. Theo ý nghĩa của Thánh Kinh, tưởng niệm không chỉ là nhớ lại những biến cố của quá khứ, nhưng còn là công bố các kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện cho loài người[48]. Khi cử hành phụng vụ về các biến cố này, chúng hiện diện và được hiện tại hoá một cách nào đó. Dân Israel hiểu về việc mình được giải thoát khỏi Ai Cập theo cách như vậy: Mỗi lần lễ Vượt Qua được cử hành, các biến cố thời Xuất Hành lại hiện diện trong ký ức của các tín hữu, để họ điều chỉnh cuộc sống của mình cho phù hợp với các biến cố đó.
Số 1364. Việc tưởng niệm trong Giao Ước mới mang một ý nghĩa mới. Khi cử hành bí tích Thánh Thể, Hội Thánh tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, thì cuộc Vượt Qua này trở nên hiện diện: Hy tế mà Đức Kitô dâng lên một lần cho mãi mãi trên thập giá, luôn luôn được hiện tại hoá[49]. “Mỗi lần hy tế thập giá, qua đó ‘Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta’ (1 Cr 5,7), được cử hành trên bàn thờ, thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện”[50].
Số 1365. Bởi vì là việc tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, nên bí tích Thánh Thể cũng là một hy tế. Tính chất hy tế của bí tích Thánh Thể được biểu lộ trong chính các lời thiết lập bí tích này: “Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em”. “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,19-20). Trong bí tích Thánh Thể, Đức Kitô ban chính thân mình đã bị nộp vì chúng ta trên thập giá, ban chính máu mà Người đã đổ ra “cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28).
Số 1366. Vì vậy, bí tích Thánh Thể là một Hy tế bởi vì bí tích này làm cho Hy tế thập giá hiện diện, bởi vì bí tích này là việc tưởng niệm Hy tế đó, và bởi vì bí tích này áp dụng hiệu quả của Hy tế đó:
Đức Kitô “là Thiên Chúa và Chúa chúng ta, … đã tự hiến cho Chúa Cha bằng cái chết trên bàn thờ thập giá một lần cho mãi mãi, để thực hiện ơn cứu chuộc muôn đời cho loài người. Tuy nhiên, bởi vì cái chết của Người không chấm dứt chức tư tế của Người [Dt 7,24.27], nên trong bữa Tiệc Ly, ‘trong đêm bị nộp’ [1 Cr 11,23], … Người đã để lại cho Hiền Thê yêu dấu của Người là Hội Thánh một hy tế hữu hình (như bản tính con người đòi hỏi); trong hy tế hữu hình này, hy tế đẫm máu được thực hiện một lần duy nhất trên thập giá được hiện diện, và việc tưởng niệm hy tế đẫm máu đó sẽ còn mãi cho đến ngày tận thế, và sức mạnh cứu độ của hy tế đó sẽ được áp dụng để tha thứ các tội lỗi chúng ta phạm hằng ngày”[51].
Số 1367. Hy tế của Đức Kitô và hy tế Thánh Thể là một hy tế duy nhất. “Cũng cùng một hiến vật, cũng cùng một Đấng xưa đã tự hiến trên thập giá, nay cũng chính Người dâng lên qua thừa tác vụ tư tế, chỉ khác biệt về cách tiến dâng”[52]: “Vì trong hy tế thần linh được thực hiện trong thánh lễ, cũng chính Đức Kitô Đấng đã tự hiến một lần bằng cách đổ máu trên bàn thờ thập giá, nay được hiến dâng và sát tế một cách không đổ máu, nên hy tế này thật sự có giá trị đền tội”[53].
Số 1368. Bí tích Thánh Thể cũng là hy tế của Hội Thánh. Hội Thánh, là Thân Thể của Đức Kitô, tham dự vào lễ tế của Đấng là Đầu của mình. Cùng với Người, toàn thể Hội Thánh được dâng lên. Hội Thánh kết hợp mình với việc chuyển cầu của Người bên Chúa Cha, để cầu cho tất cả mọi người. Trong bí tích Thánh Thể, hy tế của Đức Kitô cũng trở thành hy tế của các chi thể trong Thân Thể Người. Đời sống của các tín hữu, lời ca ngợi, sự đau khổ, lời cầu nguyện, việc lao động của họ, được kết hợp với cùng những khía cạnh đó trong đời sống của Đức Kitô và với toàn bộ lễ tế của Người, và như vậy chúng có một giá trị mới. Hy tế của Đức Kitô hiện diện trên bàn thờ đem lại cho mọi thế hệ Kitô hữu khả năng được kết hợp với lễ tế của Người.
Trong các hang toại đạo, Hội Thánh thường được diễn tả như một người nữ đang cầu nguyện, hai tay giang ra trong cử chỉ cầu nguyện. Như Đức Kitô giang tay trên thập giá, thì nhờ Người, với Người và trong Người, Hội Thánh dâng chính mình và chuyển cầu cho tất cả mọi người.
Số 1369. Toàn thể Hội Thánh được kết hợp với lễ tế và lời chuyển cầu của Đức Kitô. Đảm nhận thừa tác vụ của thánh Phêrô trong Hội Thánh, Đức Giáo Hoàng được liên kết với mọi cử hành Thánh lễ, trong đó, ngài được nhắc đến với tư cách là dấu chỉ và thừa tác viên của sự hợp nhất của Hội Thánh toàn cầu. Giám mục địa phương luôn có trách nhiệm về Thánh lễ, cả khi một linh mục cử hành; tên ngài được đọc lên trong Thánh lễ để nói lên rằng ngài đứng đầu Giáo Hội địa phương, giữa hàng linh mục và với sự trợ giúp của các phó tế. Cộng đoàn cũng chuyển cầu cho tất cả các thừa tác viên đang dâng lễ cho cộng đoàn và cùng với cộng đoàn:
“Bí tích Thánh Thể chỉ được coi là thành sự khi được cử hành dưới sự chủ tọa của Giám mục hay của người được ngài giao trách nhiệm”[54].
“Qua thừa tác vụ của các linh mục, hy tế thiêng liêng của các tín hữu được hoàn tất trong sự kết hợp với hy tế của Đức Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất, hy tế này nhờ tay các linh mục, nhân danh toàn thể Hội Thánh, được dâng lên trong thánh lễ một cách bí tích và không đổ máu, cho tới khi Chúa đến”[55].
Số 1370. Không những các chi thể của Đức Kitô còn ở trần gian, mà cả những vị đang hưởng vinh quang trên trời cũng được kết hợp với lễ tế của Đức Kitô: Hội Thánh dâng hy tế Thánh Thể trong sự hiệp thông với Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, và nhớ đến ngài cũng như đến tất cả các Thánh nam nữ. Trong Thánh lễ, Hội Thánh một cách nào đó đứng dưới Thánh Giá, cùng với Mẹ Maria, kết hợp với lễ tế và lời chuyển cầu của Đức Kitô.
Số 1371. Hy tế Thánh Thể cũng được dâng lên để cầu cho các tín hữu đã qua đời, “cho những người đã chết trong Đức Kitô mà chưa được thanh luyện trọn vẹn”[56], để họ được vào hưởng ánh sáng và bình an của Đức Kitô:
“Các con hãy chôn xác này ở bất cứ nơi đâu: đừng lo lắng gì về chuyện đó; mẹ chỉ xin các con điều này, là bất cứ các con ở đâu, các con hãy nhớ tới mẹ nơi bàn thờ của Chúa”[57].
“Sau đó [trong Kinh nguyện Thánh Thể] chúng ta cầu cho các Giáo hoàng và các Giám mục đã an nghỉ, và cách chung, cho các tín hữu đã qua đời giữa chúng ta, vì chúng ta tin rằng các linh hồn sẽ được trợ giúp tối đa nhờ lời cầu nguyện cho họ, khi Của Lễ hiến tế thánh và đáng kính sợ đang hiện diện…. Khi dâng lên Thiên Chúa những lời chuyển cầu của chúng ta cho những người đã an giấc, dù họ là những tội nhân, chúng ta dâng chính Đức Kitô bị sát tế vì tội lỗi chúng ta, để xin ơn giao hòa với Thiên Chúa, Bạn của loài người, cho họ và cho chúng ta”[58].
Số 1372. Thánh Augustinô tóm tắt một cách tuyệt vời giáo lý này, một giáo lý thúc giục chúng ta tham dự ngày càng trọn vẹn hơn vào hy tế của Đấng Cứu Chuộc chúng ta mà chúng ta cử hành trong Thánh lễ:
“Chính toàn thể đô thành đã được cứu chuộc, tức là cộng đoàn và tập thể các Thánh, là một hy tế phổ quát được dâng lên Thiên Chúa nhờ vị Thượng Tế, Đấng trong hình dang một kẻ nô lệ, đã tự hiến mình chịu khổ nạn vì chúng ta, để chúng ta trở thành Thân thể của Đấng là Đầu cao cả dường ấy…. Đây là hy tế của các Kitô hữu: ‘Chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô’ (Rm 12,5). Hy tế này được Hội Thánh tiếp tục cử hành qua bí tích bàn thờ mà các tín hữu đã biết, trong đó Hội Thánh hiến dâng chính mình trong Hy tế mà Hội Thánh tiến dâng”[59].
Sự hiện diện của Đức Kitô nhờ quyền năng của Lời Người và của Chúa Thánh Thần
Số 1373. “Đức Kitô Giêsu, Đấng đã chết, hơn nữa đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta” (Rm 8,34) đang hiện diện trong Hội Thánh Người dưới nhiều hình thức[60]: trong Lời của Người, trong kinh nguyện của Hội Thánh Người, “ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20), trong những người nghèo khổ, những bệnh nhân, những người bị cầm tù[61], trong các bí tích mà chính Người là tác giả, trong Hy tế Thánh lễ và trong con người thừa tác viên. Nhưng “nhất là Người hiện diện dưới các hình dạng Thánh Thể”[62].
Số 1374. Cách thức hiện diện của Đức Kitô dưới các hình dạng Thánh Thể là độc nhất vô nhị. Người nâng bí tích Thánh Thể vượt lên trên các bí tích khác và vì vậy bí tích này là “như sự trọn hảo của đời sống thiêng liêng và cùng đích của mọi bí tích”[63]. Trong bí tích Thánh Thể cực thánh, Mình và Máu cùng với linh hồn và thần tính của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, và như vậy là Đức Kitô toàn thể (totus Christus), hiện diện một cách đích thực, thật sự, và theo bản thể[64]. “Sự hiện diện này được gọi là ‘thật sự’, không theo nghĩa loại trừ, nghĩa là không coi các hình thức hiện diện khác như không ‘thật sự’, nhưng theo nghĩa đặc biệt, bởi vì đây là cách hiện diện theo bản thể, và qua đó Đức Kitô toàn thể và trọn vẹn (totus atque integer Christus), vừa là Thiên Chúa vừa là con người, hiện diện một cách chắc chắn”[65].
Số 1375. Trong bí tích này, Đức Kitô hiện diện nhờ sự biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Đức Kitô. Các Giáo phụ mạnh mẽ khẳng định đức tin của Hội Thánh vào hiệu lực của lời Đức Kitô và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần trong việc thực hiện sự biến đổi này. Thánh Gioan Kim Khẩu tuyên bố:
“Không phải người ta, nhưng chính Đức Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh vì chúng ta, làm cho các lễ vật trở thành Mình và Máu Đức Kitô. Vị tư tế, hình ảnh của Đức Kitô, đọc các lời này, nhưng hiệu quả và ân sủng là do Thiên Chúa. Ngài đọc ‘Này là Mình Thầy’. Lời này biến đổi các lễ vật”[66].
Và thánh Ambrôsiô nói về sự biến đổi như sau:
Chúng ta hãy tin chắc rằng: “Đây không phải là vấn đề bản chất đã tạo ra, nhưng là điều lời chúc lành đã thánh hiến. Sức mạnh của lời chúc lành vượt trên sức mạnh của bản chất, vì nhờ lời chúc lành mà chính bản chất đã biến đổi”[67]. “Lời Đức Kitô có khả năng làm ra, từ hư không, cái trước đó chưa từng hiện hữu, chẳng lẽ lời đó lại không thể biến đổi những sự vật đang hiện hữu thành những sự vật trước đó chưa có hay sao? Việc ban bản chất đầu tiên cho sự vật cũng tương đương như biến đổi bản chất của chung”[68].
Số 1376. Công đồng Triđentinô đã tóm tắt đức tin công giáo bằng lời tuyên bố: “Vì Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, đã phán dạy: Điều Người dâng lên dưới hình bánh, đích thực là Thân Mình Người, nên Hội Thánh luôn luôn xác tín như vậy, và thánh Công đồng này một lần nữa tuyên bố: Nhờ lời thánh hiến bánh và rượu đã diễn ra sự biến đổi trọn vẹn bản thể bánh thành bản thể Mình Thánh Đức Kitô, Chúa chúng ta, và biến đổi trọn vẹn bản thể rượu thành bản thể Máu Thánh Người; Hội Thánh công giáo gọi việc biến đổi này một cách thích hợp và chính xác là sự biến đổi bản thể (transsubstantiatio)[69].
Số 1377. Sự hiện diện Thánh Thể của Đức Kitô bắt đầu từ lúc thánh hiến [a momento consecrationis, quen gọi là lúc truyền phép] và kéo dài bao lâu các hình dạng Thánh Thể còn tồn tại. Đức Kitô hiện diện trọn vẹn trong mỗi hình bánh và rượu, và trong mỗi phần nhỏ của hình bánh và rượu, như vậy việc bẻ bánh không phân chia Đức Kitô[70].
Số 1378. Việc tôn thờ Thánh Thể. Trong phụng vụ Thánh lễ, chúng ta bày tỏ đức tin vào sự hiện diện thật sự của Đức Kitô trong các hình bánh và rượu bằng nhiều cách, như bái gối hay cúi mình sâu để tỏ dấu tôn thờ Chúa. “Hội Thánh Công giáo đã và vẫn luôn tôn thờ Thánh Thể, không chỉ trong mà còn ngoài Thánh lễ nữa, bằng cách bảo quản hết sức cẩn thận Bánh đã được thánh hiến (consecratas Hostias), đặt lên cho các tín hữu tôn thờ cách long trọng, và rước kiệu Thánh Thể với đông đảo dân chúng vui mừng tham dự”[71].
Số 1379. Nhà Tạm, trước hết được dùng để lưu giữ Thánh Thể cách xứng đáng để có thể mang đến cho các bệnh nhân và những người vắng mặt rước lễ ngoài thánh lễ. Nhờ đào sâu đức tin vào sự hiện diện thật sự của Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể, Hội Thánh ý thức về ý nghĩa của việc thinh lặng tôn thờ Đức Kitô hiện diện trong các hình dạng Thánh Thể. Vì vậy, Nhà Tạm phải đặt nơi đặc biệt xứng đáng trong nhà thờ, và phải được thiết kế như thế nào để nêu cao và bày tỏ chân lý về sự hiện diện thật sự của Đức Kitô trong Bí tích Cực thánh này.
Số 1380. Thật rất thích hợp, việc Đức Kitô đã muốn hiện diện với Hội Thánh của Người theo cách thức độc nhất vô nhị này. Bởi vì Đức Kitô dưới hình dạng hữu hình, đã rời bỏ những kẻ thuộc về Người, nên Người muốn ban cho chúng ta sự hiện diện cách bí tích của Người; bởi vì Người đã tự hiến trên thập giá để cứu độ chúng ta, nên Người muốn chúng ta tưởng niệm tình yêu mà Người đã yêu thương ta “đến cùng” (Ga 13,1), đến độ ban cả mạng sống mình. Thật vậy, trong sự hiện diện bí tích của Người, Người vẫn ở giữa chúng ta cách mầu nhiệm với tư cách là Đấng đã yêu mến và nộp mình vì chúng ta[72], và Người hiện diện dưới những dấu chỉ diễn tả và truyền thông tình yêu này:
“Quả thật, Hội Thánh và trần gian rất cần sự tôn thờ bí tích Thánh Thể. Chúa Giêsu đang chờ đợi chúng ta trong bí tích tình yêu này. Đừng từ chối thời gian đến gặp Người để tôn thờ, để chiêm ngắm tràn đầy đức tin và sẵn sàng đền tạ những tội lỗi và tội ác nặng nề của trần gian. Chúng ta hãy không ngừng tôn thờ Thánh Thể”[73].
Số 1381. Thánh Tôma đã nói: “Không thể nhận biết bằng giác quan Mình thật và Máu thật của Đức Kitô hiện diện trong bí tích này, nhưng chỉ bằng đức tin, một đức tin dựa vào thẩm quyền của Thiên Chúa. Vì thế, khi chú giải câu Luca 22,19: ‘Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con’, thánh Cyrillô đã nói: ‘Bạn đừng hồ nghi điều này có thật hay không, nhưng tốt hơn nên đón nhận bằng đức tin các lời của Đấng Cứu Độ, bởi vì Người là chân lý, Người không lừa dối bao giờ’”[74]:
“Con sốt sắng thờ lạy Chúa, ôi Thần tính ẩn mình
đang thật sự hiện diện dưới các hình dạng này;
trọn vẹn tâm hồn con suy phục Chúa,
bởi vì khi chiêm ngắm Chúa, trọn hồn con biến tan.
Thị giác, vị giác và xúc giác
không chạm được đến Chúa,
nhưng chỉ tin vững điều đã được nghe dạy;
con tin tất cả những gì Con Thiên Chúa đã nói,
không gì thật hơn lời chân lý này”[75].
Số 1382. Thánh lễ, một cách không thể tách biệt, vừa là việc tưởng niệm Hy tế thập giá muôn đời tồn tại, vừa là bàn tiệc thánh thiêng để hiệp thông với Mình và Máu Chúa. Nhưng việc cử hành hy tế Thánh Thể hoàn toàn hướng đến sự kết hợp mật thiết của các tín hữu với Đức Kitô qua việc rước lễ. Rước lễ là lãnh nhận chính Đức Kitô, Đấng đã tự hiến vì chúng ta.
Số 1383. Bàn thờ, quanh đó Hội Thánh được quy tụ để cử hành bí tích Thánh Thể, nói lên hai phương diện của cùng một mầu nhiệm: bàn thờ hy tế và bàn tiệc của Chúa; hơn nữa, bàn thờ Kitô giáo là biểu tượng của chính Đức Kitô đang hiện diện giữa cộng đoàn các tín hữu, vừa như lễ vật được dâng lên để chúng ta được giao hoà, vừa như lương thực trên trời trao ban chính mình cho chúng ta. Thánh Ambrôsiô nói: “Bàn thờ của Đức Kitô là gì, nếu không phải là hình ảnh Thân thể của Đức Kitô?”[76], và trong đoạn văn khác, thánh nhân nói: “Bàn thờ tượng trưng Thân thể của Đức Kitô và Thân thể của Đức Kitô thì ở trên bàn thờ”[77]. Phụng vụ diễn tả tính thống nhất này của hy tế và rước lễ trong nhiều lời nguyện. Giáo Hội Rôma cầu nguyện trong Kinh nguyện Thánh Thể như sau:
“Lạy Chúa toàn năng, chúng con nài xin Chúa sai Sứ thần dâng lễ vật này lên bàn thờ cao sang trước tôn nhan uy linh Chúa, để hết thảy khi tham dự bàn tiệc này là rước Mình và Máu cực thánh Con Chúa, chúng con được tràn đầy ân phúc bởi trời”[78].
“Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn”: Rước lễ
Số 1384. Chúa tha thiết mời chúng ta đón rước Người trong bí tích Thánh Thể: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” (Ga 6,53).
Số 1385. Để đáp lại lời mời đó, chúng ta phải dọn mình cho giây phút cực trọng cực thánh này. Thánh Phaolô khuyên ta nên tự vấn lương tâm: “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình” (1 Cr 11,27-29). Ai biết mình đang mắc tội trọng, thì phải lãnh nhận bí tích Hòa Giải trước khi đi lên rước lễ.
Số 1386. Trước sự cao trọng của bí tích này, tín hữu chỉ có thể lặp lại, một cách khiêm tốn và với đức tin sốt sắng, lời viên đại đội trưởng[79]: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh”[80]. Trong phụng vụ thánh của thánh Gioan Kim Khẩu, các tín hữu cầu nguyện cũng trong tinh thần ấy:
“Lạy Con Thiên Chúa, hôm nay xin cho con được hiệp thông vào bàn tiệc huyền nhiệm của Chúa. Bởi vì con không tiết lộ cho các kẻ thù điều kín nhiệm của Chúa, cũng không tặng Chúa cái hôn của Giuđa. Nhưng như người trộm lành, con kêu lên cùng Chúa: Lạy Chúa, xin nhớ đến con trong Nước Chúa”[81].
Số 1387. Để dọn mình đón nhận bí tích này cách xứng đáng, các tín hữu phải giữ chay theo quy định của Hội Thánh[82]. Thái độ bên ngoài (cử chỉ, cách ăn mặc) phải biểu lộ lòng tôn kính, sự trang trọng và niềm vui của giây phút được Chúa là thượng khách của chúng ta.
Số 1388. Căn cứ vào ý nghĩa của bí tích Thánh Thể, các tín hữu, nếu hội đủ các điều kiện cần thiết[83], rước lễ khi tham dự Thánh lễ.[84] “Việc tham dự Thánh lễ cách hoàn hảo hơn, được nồng nhiệt khuyến khích, đó là sau khi vị chủ tế rước lễ, các tín hữu rước Mình Chúa bởi cùng một hy tế”[85].
Số 1389. Hội Thánh buộc các tín hữu phải tham dự Thánh lễ vào các ngày Chúa nhật và các lễ buộc[86] và rước lễ mỗi năm ít là một lần, nếu có thể được trong mùa Phục Sinh[87], sau khi đã chuẩn bị tâm hồn bằng bí tích Hòa Giải. Nhưng Hội Thánh tha thiết khuyến khích các tín hữu rước lễ vào các ngày Chúa Nhật và các lễ khá long trọng, hay thường xuyên hơn nữa, kể cả việc rước lễ hằng ngày.
Số 1390. Vì Đức Kitô hiện diện cách bí tích dưới mỗi hình dạng, nên việc rước lễ dưới hình bánh mà thôi vẫn nhận được trọn vẹn hiệu quả ân sủng của bí tích Thánh Thể. Vì các lý do mục vụ, cách rước lễ này đã được quy định cách hợp pháp trong nghi lễ La tinh, như là hình thức thông thường nhất. Nhưng “dấu chỉ của việc rước lễ được đầy đủ hơn khi được trao ban dưới hai hình dạng. Vì theo cách này, dấu chỉ của bàn tiệc Thánh Thể trở nên rõ nét hơn”[88]. Đây là cách rước lễ thông thường trong các nghi lễ Đông phương.
Hiệu quả của việc rước lễ
Số 1391. Việc rước lễ làm tăng trưởng sự hiệp thông của chúng ta với Đức Kitô. Lãnh nhận bí tích Thánh Thể khi rước lễ mang lại hiệu quả chính yếu là kết hợp thân mật với Đức Kitô Giêsu. Thật vậy, Chúa nói: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). Sự sống trong Đức Kitô có nền tảng nơi bàn tiệc Thánh Thể: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,57).
“Trong các ngày lễ của Chúa, khi lãnh nhận Mình của Chúa Con, các tín hữu công bố cho nhau Tin Mừng: bảo chứng của sự sống đã được trao ban, cũng như xưa kia Thiên thần báo cho bà Maria Mađalêna: ‘Đức Kitô đã phục sinh!’ Giờ đây cũng vậy, sự sống và sự phục sinh cũng được trao ban cho ai lãnh nhận Đức Kitô”[89].
Số 1392. Những gì lương thực vật chất mang lại cho sự sống thể xác, thì việc rước lễ thực hiện điều này cách kỳ diệu cho đời sống thiêng liêng của chúng ta. Việc hiệp thông với thân mình Đức Kitô phục sinh, một thân mình “nhờ Chúa Thánh Thần, đã được sống và có sức ban sự sống”[90], bảo toàn, phát triển và canh tân đời sống ân sủng đã nhận được trong bí tích Rửa Tội. Sự tăng trưởng như vậy của đời sống Kitô hữu cần được nuôi dưỡng bằng việc rước Thánh Thể, là Bánh cho cuộc lữ hành của chúng ta, mãi cho đến giờ chết; lúc đó Bánh sẽ được ban cho chúng ta như Của ăn đàng.
Số 1393. Việc rước lễ ngăn cách chúng ta khỏi tội lỗi. Mình Đức Kitô chúng ta lãnh nhận khi rước lễ, là thân mình “bị nộp vì chúng ta” và Máu chúng ta uống, là máu “đổ ra cho nhiều người được tha tội.” Vì vậy, bí tích Thánh Thể không thể kết hợp chúng ta với Đức Kitô, nếu đồng thời không thanh tẩy chúng ta khỏi các tội đã phạm và gìn giữ chúng ta khỏi các tội trong tương lai:
“Mỗi lần chúng ta rước lễ, chúng ta loan truyền Chúa đã chịu chết[91]. Nếu chúng ta loan truyền cái chết của Chúa, thì cũng loan truyền ơn tha tội. Nếu mỗi lần Máu Người đổ ra, là đổ ra để tha tội, thì tôi phải luôn lãnh nhận Máu Người, để Người luôn tha tội cho tôi. Tôi là kẻ luôn phạm tội, nên tôi luôn phải có một phương dược”[92].
Số 1394. Như lương thực vật chất dùng để phục hồi sức lực bị tiêu hao, thì bí tích Thánh Thể cũng tăng sức mạnh cho đức mến của chúng ta, vốn có xu hướng bị suy yếu trong đời sống hằng ngày; và đức mến sống động này xóa bỏ các tội nhẹ[93]. Khi tự hiến cho chúng ta, Đức Kitô một lần nữa ban sự sống cho tình yêu của chúng ta và ban cho chúng ta khả năng phá huỷ những đam mê vô trật tự của chúng ta đối với các thụ tạo và khả năng gắn bó với Người:
“Vì yêu thương, Đức Kitô đã chết cho chúng ta, nên mỗi khi tưởng niệm cuộc tử nạn của Người trong Thánh lễ, chúng ta xin Người ban tình yêu cho chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần ngự đến; chúng ta khiêm tốn khẩn nguyện rằng, nhờ tình yêu mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, và nhờ ân sủng Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã lãnh nhận, chúng ta có thể coi thế gian như đã bị đóng đinh, và chúng ta bị đóng đinh cho thế gian; … khi đã lãnh nhận hồng ân tình yêu, chúng ta hãy chết cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa”[94].
Số 1395. Nhờ tình yêu mà bí tích Thánh Thể đã đốt lên trong chúng ta, bí tích này gìn giữ chúng ta khỏi các tội trọng trong tương lai. Chúng ta càng tham dự vào sự sống của Đức Kitô, và càng tiến thêm trong tình bằng hữu với Người, thì càng khó phạm tội trọng mà cắt đứt sự liên kết với Người. Bí tích Thánh Thể không được thiết lập để tha các tội trọng. Đó là chức năng riêng của bí tích Hòa Giải. Bí tích Thánh Thể có chức năng riêng, là bí tích của những người đang sống trong sự hiệp thông đầy đủ với Hội Thánh.
Số 1396. Sự hợp nhất của Nhiệm Thể: Bí tích Thánh Thể làm nên Hội Thánh. Những ai đã lãnh nhận Thánh Thể, đều được kết hợp cách chặt chẽ hơn với Đức Kitô. Nhờ đó, Đức Kitô kết hợp mọi tín hữu thành một thân thể duy nhất là Hội Thánh. Việc tháp nhập vào Hội Thánh như vậy, vốn đã được bí tích Rửa Tội thực hiện, nay được việc rước lễ canh tân, củng cố và làm cho thâm sâu hơn. Trong bí tích Rửa Tội, chúng ta đã được kêu gọi để làm thành một thân thể duy nhất[95]. Bí tích Thánh Thể thực hiện lời kêu gọi này: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư ? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10,16-17):
“Nếu anh em là Thân Thể và là các chi thể của Đức Kitô, thì mầu nhiệm của anh em đang được đặt trên Bàn của Chúa: anh em lãnh nhận mầu nhiệm của anh em. Anh em đáp Amen (Vâng, đúng như thế) đối với điều anh em là, và anh em xác nhận bằng câu đáp đó. Anh em nghe: ‘Mình Thánh Chúa Kitô’ và anh em đáp: ‘Amen’. Vậy hãy là chi thể của Thân Thể Đức Kitô, để lời đáp Amen của anh em là chân thật”[96].
Số 1397. Bí tích Thánh Thể đòi buộc dấn thân cho người nghèo: Để lãnh nhận trong sự thật Mình và Máu Đức Kitô bị nộp vì chúng ta, chúng ta phải nhận ra Đức Kitô trong những kẻ nghèo nhất, là các anh em của Người.[97]
“Bạn nếm Máu Thánh Chúa, vậy mà bạn lại không nhận ra người anh em; … Bạn làm hổ thẹn Bàn tiệc này, khi người được coi là xứng đáng tham dự Ban tiệc này, lại bị bạn coi là không xứng đáng được chia phần ăn của bạn. Thiên Chúa đã giải thoát bạn khỏi mọi tội lỗi và cho bạn vào bàn tiệc, vậy mà quả thật bạn đã chẳng nhân hậu hơn chút nào”[98].
Số 1398. Bí tích Thánh Thể và sự hợp nhất các Kitô hữu. Trước sự cao cả của mầu nhiệm này, thánh Augustinô đã thốt lên: “Ôi bí tích tình yêu! Ôi dấu chỉ hợp nhất! Ôi mối dây bác ái!”[99] Người ta càng đau lòng vì sự chia rẽ trong Hội Thánh vốn làm cho các Kitô hữu không thể tham dự chung với nhau bàn tiệc của Chúa, thì những lời nguyện dâng lên Chúa càng khẩn thiết hơn, để những ngày hợp nhất trọn vẹn, của mọi kẻ tin vào Người, được trở lại.
Số 1399. Các Giáo Hội Đông phương, dù không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công giáo, vẫn cử hành bí tích Thánh Thể với một tình yêu cao cả. “Các Giáo Hội ấy, mặc dù ly khai, vẫn có các bí tích đích thực, chủ yếu là chức tư tế và bí tích Thánh Thể, nhờ sự kế nhiệm các Tông Đồ, nên vẫn liên kết rất chặt chẽ với chúng ta”[100]. Vì vậy, “một hiệp thông nào đó trong các sự thánh, trong những trường hợp thuận lợi và với sự chấp thuận của giáo quyền, không những là có thể, mà còn được khuyến khích”[101].
Số 1400. Các Cộng đoàn Giáo hội phát sinh từ cuộc Cải Cách, đã ly khai khỏi Hội Thánh Công Giáo, “đặc biệt là vì thiếu bí tích Truyền Chức Thánh, nên không còn giữ được bản chất đích thực và nguyên vẹn của mầu nhiệm Thánh Thể”[102]. Vì vậy, đối với Hội Thánh Công Giáo, việc rước lễ chung với những Cộng đoàn này là không thể được. Nhưng khi các cộng đoàn này “tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Chúa trong Tiệc Thánh, họ tuyên xưng rằng sự sống chỉ có nghĩa trong sự hiệp thông với Đức Kitô và họ mong đợi ngày trở lại vinh quang của Người”[103].
Số 1401. Khi có nhu cầu khẩn cấp, theo phán đoán của Đấng Bản Quyền địa phương, các thừa tác viên Công giáo được phép ban các bí tích (Thánh Thể, Hòa Giải, Xức Dầu bệnh nhân) cho các Kitô hữu không hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh Công Giáo, nhưng họ phải tự ý xin lãnh nhận các bí tích đó: lúc đó, họ phải tuyên xưng đức tin công giáo về các bí tích này và có sự chuẩn bị đầy đủ[104].
Số 1402. Trong một kinh nguyện cổ xưa, Hội Thánh tung hô mầu nhiệm Thánh Thể như sau: “Ôi Tiệc Thánh, trong đó Đức Kitô được rước lấy làm lương thực, việc tưởng niệm cuộc khổ nạn của Người được nhắc lại, tâm trí được tràn đầy ân sủng, và bảo chứng cho vinh quang mai sau được ban cho chúng ta”[105]. Nếu bí tích Thánh Thể là việc tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa, nếu nhờ việc rước lễ tại bàn thờ mà chúng ta được “tràn đầy ân phúc bởi trời”[106], thì bí tích Thánh Thể cũng là sự tham dự trước vào vinh quang thiên quốc.
Số 1403. Trong bữa Tiệc ly, chính Chúa hướng các môn đệ Người đến sự hoàn tất lễ Vượt Qua trong Nước Thiên Chúa: “Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy” (Mt 26,29)[107]. Mỗi lần cử hành bí tích Thánh Thể, Hội Thánh nhớ lại lời hứa này và hướng trông “Đấng đang đến” (Kh 1,4). Trong kinh nguyện, Hội Thánh kêu cầu Người ngự đến: “Marana tha” (1 Cr 16,22), “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,20), “Ước gì ân sủng của Ngài đến và trần gian này qua đi”[108].
Số 1404. Hội Thánh biết rằng giờ đây Chúa đã đến trong bí tích Thánh Thể của Người, và Người ở đó giữa chúng ta. Tuy nhiên, sự hiện diện này còn bị che phủ. Chính vì vậy, chúng ta cử hành bí tích Thánh Thể “đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con”[109], trong khi chúng ta khẩn nguyện được “cùng nhau tận hưởng vinh quang Cha muôn đời, khi Cha lau sạch nước mắt chúng con, vì khi được thấy tường tận Cha là Thiên Chúa chúng con, thì muôn đời chúng con sẽ trở nên giống Cha và sẽ ca ngợi Cha khôn cùng”[110].
Số 1405. Về niềm hy vọng lớn lao này, niềm hy vọng về trời mới đất mới, nơi công lý lưu ngụ cách chắc chắn[111], chúng ta không có bảo chứng nào vững chắc hơn và dấu chỉ nào được biểu lộ rõ ràng hơn, là bí tích Thánh Thể. Thật vậy, mỗi khi mầu nhiệm này được cử hành, thì “công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện”[112] và “chúng ta bẻ cùng một tấm bánh, là phương dược trường sinh bất tử, và của ăn để chúng ta không chết, nhưng đem lại sự sống muôn đời trong Chúa Giêsu Kitô”[113].
Số 1406. Chúa Giêsu nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời…. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời…. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,51.54.56).
Số 1407. Bí tích Thánh Thể là trung tâm và tột đỉnh của đời sống Hội Thánh, vì trong bí tích này, Đức Kitô liên kết Hội Thánh và tất cả các chi thể của Người vào hy tế chúc tụng và tạ ơn được dâng lên Chúa Cha trên thập giá một lần cho mãi mãi. Qua hy tế này, Người tuôn đổ các ân sủng cứu độ trên Thân Thể của Người là Hội Thánh.
Số 1408. Việc cử hành Thánh Lễ luôn bao gồm: việc công bố Lời Chúa; việc tạ ơn Thiên Chúa Cha vì mọi ơn lành, nhất là vì Ngài đã ban Con của Ngài cho chúng ta; việc thánh hiến bánh rượu và việc tham dự vào bàn tiệc phụng vụ nhờ lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa. Các yếu tố này kết thành một hành vi phụng tự duy nhất.
Số 1409. Bí tích Thánh Thể là việc tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô: nghĩa là công trình cứu độ được thực hiện qua đời sống, cái Chết và sự Phục sinh của Đức Kitô. Công trình này được hành động phụng vụ làm cho hiện diện.
Số 1410. Đức Kitô, vị thượng tế đời đời của Giao Ước Mới, Đấng đang hoạt động nhờ thừa tác vụ của các tư tế, dâng hy tế Thánh Thể. Cũng chính Đức Kitô, Đấng thật sự hiện diện trong hình bánh rượu, là lễ vật của hy tế Thánh Thể.
Số 1411. Chỉ các tư tế đã được phong chức thánh thành sự mới có quyền chủ tọa thánh lễ và thánh hiến (truyền phép) để bánh và rượu trở thành Mình và Máu Thánh Chúa.
Số 1412. Dấu chỉ chính yếu của bí tích Thánh Thể là bánh mì và rượu nho. Lời chúc lành của Chúa Thánh Thần được khẩn cầu xuống trên bánh và rượu này và vị tư tế đọc lời thánh hiến (truyền phép) được Chúa Giêsu nói trong bữa Tiệc ly: “Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con… Này là Chén Máu Thầy…”.
Số 1413. Nhờ lời thánh hiến (truyền phép), đã có sự biến đổi bản thể bánh và rượu thành Mình và Máu Thánh Chúa. Trong hình bánh rượu đã được truyền phép, chính Đức Kitô, hằng sống và vinh hiển, hiện diện cách đích thực, thật sự và theo bản thể, với trọn mình, máu, linh hồn và thần tính của Người[114].
Số 1414. Với tính cách là một hy tế, bí tích Thánh Thể được dâng lên để đền tội cho người sống cũng như kẻ chết và để đạt được những ơn lành hồn xác từ Thiên Chúa.
Số 1415. Ai muốn đón nhận Đức Kitô qua việc hiệp lễ, phải ở trong tình trạng ân sủng. Ai biết mình đang mắc tội trọng, không được rước lễ nếu chưa lãnh nhận ơn tha tội trong bí tích Hòa Giải.
Số 1416. Việc rước Mình và Máu Thánh Đức Kitô gia tăng sự kết hợp của người rước lễ với Chúa, tha thứ cho họ các tội nhẹ và gìn giữ họ khỏi các tội trọng. Vì việc rước lễ củng cố mối liên hệ tình yêu giữa người rước lễ với Đức Kitô, nên việc lãnh nhận bí tích này cũng củng cố sự hiệp nhất của Hội Thánh là Thân Thể mầu nhiệm của Đức Kitô.
Số 1417. Hội Thánh tha thiết khuyên tín hữu nên rước lễ mỗi khi tham dự Thánh lễ. Hội Thánh buộc tín hữu rước lễ mỗi năm ít là một lần.
Số 1418. Vì Đức Kitô hiện diện thật sự trong bí tích bàn thờ, nên chúng ta phải tôn vinh Người bằng một phụng tự tôn thờ. “Việc viếng Thánh Thể là một bằng chứng bày tỏ lòng biết ơn, một dấu chỉ tình yêu và một bổn phận thờ lạy đối với Đức Kitô, Chúa chúng ta”[115].
Số 1419. Trước khi lìa bỏ thế gian mà về cùng Cha, Đức Kitô ban cho chúng ta, trong bí tích Thánh Thể, bảo chứng vinh quang nơi Người: việc tham dự Thánh lễ uốn lòng chúng ta nên giống trái tim Chúa, nâng đỡ sức lực chúng ta trên đường lữ thứ trần gian, làm cho chúng ta khao khát cuộc sống vĩnh cửu và ngay từ bây giờ kết hợp chúng ta với Hội Thánh trên trời, với Đức Trinh Nữ diễm phúc và với tất cả các Thánh.
Số 805, 950, 2181-2182, 2637, 2845: Thánh Thể và sự hiệp thông của các tín hữu
Số 805. Hội Thánh là Thân Thể của Đức Kitô. Nhờ Thần Khí và nhờ hành động của Ngài trong các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, Đức Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại, làm cho cộng đoàn các tín hữu nên Thân Thể của Người.
Số 950. Sự hiệp thông các bí tích. “Quả vậy, hoa trái của tất cả các bí tích thuộc về hết mọi tín hữu; nhờ các bí tích này, giống như nhờ những mối dây thánh thiêng, họ được gắn liền và kết hợp với Đức Kitô, nhất là nhờ bí tích Rửa Tội, qua đó, như qua một cái cửa, họ tiến vào Hội Thánh. Các Giáo phụ giải thích rằng, ‘các Thánh thông công’ trong Tín biểu phải được hiểu là sự hiệp thông các bí tích…. Danh xưng [hiệp thông] này phù hợp với tất cả các bí tích, vì tất cả đều kết hợp chúng ta với Thiên Chúa…; tuy nhiên danh xưng ấy thích hợp hơn cho bí tích Thánh Thể, là bí tích thực hiện sự hiệp thông này”[116].
Số 2181. Bí tích Thánh Thể ngày Chúa nhật đặt nền tảng và củng cố toàn bộ cuộc sống Kitô hữu. Vì vậy, các tín hữu bắt buộc phải tham dự thánh lễ vào các ngày lễ buộc, trừ khi được biện minh bằng một lý do quan trọng (chẳng hạn, bị bệnh, phải chăm sóc trẻ sơ sinh), hay được mục tử riêng của mình miễn chuẩn[117]. Ai cố tình vi phạm nghĩa vụ này, là phạm tội cách nghiêm trọng.
Số 2182. Việc tham dự cuộc cử hành chung bí tích Thánh Thể Chúa nhật là bằng chứng sự liên kết và trung thành với Đức Kitô và với Hội Thánh của Người. Như vậy các tín hữu chứng tỏ sự hiệp thông của mình trong đức tin và đức mến. Họ cùng nhau làm chứng cho sự thánh thiện của Thiên Chúa và cho niềm hy vọng của mình vào ơn cứu độ. Họ làm cho nhau nên vững mạnh dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Số 2637. Tạ ơn là nét đặc trưng của kinh nguyện của Hội Thánh; Hội Thánh, khi cử hành Thánh Lễ, biểu lộ và trở thành phù hợp hơn với bản chất của mình. Thật vậy, trong công trình cứu độ, Đức Kitô giải thoát thụ tạo khỏi tội lỗi và sự chết, để thánh hiến chúng một lần nữa và quy hướng chúng về Chúa Cha để tôn vinh Ngài. Lời kinh tạ ơn của các chi thể trong Thân Thể được tham dự vào lời tạ ơn của Đức Kitô là Đầu.
Số 2845. Việc tha thứ tự bản chất mang tính thần linh này không có giới hạn cũng như mức độ[118]. Nếu đề cập đến “những xúc phạm” (là “tội” theo Lc 11,4 hoặc “nợ” theo Mt 6,12), thì thật sự mọi người chúng ta luôn luôn là những kẻ mắc nợ: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,8). Sự hiệp thông của Ba Ngôi Chí Thánh là nguồn mạch và quy luật chân lý của bất cứ tương quan nào[119]. Chúng ta phải sống sự hiệp thông đó trong cầu nguyện, đặc biệt là trong bí tích Thánh Thể[120]:
“Thiên Chúa không nhận tế phẩm của những kẻ gây bất hoà, và Ngài truyền họ hãy rời bỏ bàn thờ, và đi làm hoà với anh em trước đã, ngõ hầu có thể giao hoà với Thiên Chúa bằng những lời nài xin an bình. Hy lễ đẹp lòng Chúa hơn cả là sự bình an của chúng ta, sự hoà thuận, tình đoàn kết của đoàn dân trong sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”[121].
Số 1212, 1275, 1436, 2837: Thánh Thể như của ăn thiêng liêng
Số 1212. Ba bí tích khai tâm Kitô giáo: Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể, đặt nền tảng cho toàn bộ đời sống Kitô hữu. “Việc tham dự vào bản tính Thiên Chúa, mà ân sủng của Đức Kitô ban cho con người, có một sự tương tự nào đó với đời sống tự nhiên, là được sinh ra, lớn lên và được nuôi dưỡng. Thật vậy, được tái sinh bằng bí tích Rửa Tội, các tín hữu được củng cố bằng bí tích Thêm Sức, và sau cùng được bồi bổ bằng bánh trường sinh trong bí tích Thánh Thể. Như vậy, nhờ các bí tích khai tâm Kitô giáo, càng ngày họ càng được lãnh nhận những kho tàng của đời sống thần linh và tiến đến sự trọn hảo của đức mến[122].
Số 1275. Việc khai tâm Kitô giáo được thực hiện bằng ba bí tích: bí tích Rửa Tội khởi đầu cuộc sống mới; bí tích Thêm Sức củng cố đời sống đó; bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng tín hữu bằng Mình và Máu Đức Kitô để biến đổi họ trong Người.
Số 1436. Bí tích Thánh Thể và bí tích Thống Hối. Việc hối cải và thống hối hằng ngày gặp được nguồn mạch và lương thực của mình nơi bí tích Thánh Thể, bởi vì nơi Thánh Thể, hy lễ của Đức Kitô hiện diện, hy lễ này giao hoà chúng ta với Thiên Chúa; nhờ bí tích Thánh Thể, những ai sống bởi sức sống của Đức Kitô sẽ được nuôi dưỡng và được bổ sức; bí tích này là “thuốc giải độc, giải thoát chúng ta khỏi các lỗi phạm hằng ngày và gìn giữ chúng ta khỏi các tội trọng”[123].
Số 2837. “Hằng ngày”. Tân Ước không sử dụng từ “hằng ngày” (épiousios) ở chỗ nào khác. Theo nghĩa thời gian, từ này là sự lặp lại từ “hôm nay” theo kiểu sư phạm[124], để dạy chúng ta phó thác cách triệt để. Theo nghĩa phẩm chất, từ này có nghĩa là điều cần thiết cho sự sống và, hiểu rộng hơn, mọi điều thiện hảo đủ để tồn tại[125]. Theo nghĩa văn tự (épi-ousios: “super-substantiale”, vượt trên điều cốt thiết), từ này trực tiếp nói đến Bánh trường sinh, là Mình Thánh Chúa Kitô, “phương dược trường sinh”[126], mà nếu không có lương thực này, chúng ta sẽ không có sự sống nơi mình[127]. Sau cùng, kết hợp với điều đã nói trên, ý nghĩa thiên quốc là rõ ràng: “ngày” là ngày của Chúa, ngày của Bàn tiệc Nước Trời, mà bí tích Thánh Thể là một sự tham dự trước, như nếm trước Nước Trời đang đến. Chính vì vậy, phụng vụ Thánh Thể phải được cử hành “hằng ngày”.
“Vậy Thánh Thể là lương thực hằng ngày của chúng ta…. Đặc tính của lương thực thần thiêng này là sự hợp nhất, để một khi được kết hợp trong Mình Thánh Người, trở nên các chi thể của Người, chúng ta trở thành điều chúng ta lãnh nhận…. Và lương thực hằng ngày là khi anh em nghe các bài đọc mỗi ngày ở nhà thờ; lương thực hằng ngày là khi anh em nghe và hát các thánh thi. Bởi vì những điều đó là cần thiết cho cuộc lữ hành của chúng ta”[128].
“Cha trên trời thúc dục chúng ta là, với tư cách là con cái bởi trời, chúng ta hãy cầu xin Bánh bởi trời[129]. Đức Kitô ‘chính Người là tấm bánh được gieo trồng trong lòng Đức Trinh Nữ, dậy men trong xác phàm, làm thành bánh trong cuộc khổ nạn, nấu nương trong lò huyệt mộ, lưu giữ trong các nhà thờ, được dâng lên trên các bàn thờ, hằng ngày cung cấp lương thực bởi trời cho các tín hữu’”[130].
Bài giảng Đức Thánh Cha – Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô năm B
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: Ðức Giêsu yêu thương Ngài không chỉ ban cơm bánh, tiện nghi, sức khỏe… Một cuộc sống mau qua đời này cho chúng ta: mà còn dành cho chúng ta một nguồn ân sủng vô tận đặc biệt nhất, chính là Mình Máu Ngài làm lương thực nuôi linh hồn ta. Ngài đã yêu và yêu đến cùng. Người Do thái không hiểu Ngài, cũng không hiểu được Lời Ngài vì thế đưa đến mâu thuẫn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con siêng năng chạy đến với Chúa qua thánh lễ qua bí tích Thánh Thể. Xin cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu bao la của Chúa đã tự hiến vì chúng con. Ðể từ đó chúng con biết múc tình yêu của Chúa trao ban cho tha nhân. Amen.
Ghi nhớ: “Này là Mình Ta. Này là Máu Ta”.
2. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
THÁNH THỂ, BẢO CHỨNG TÌNH YÊU
+++
A. DẪN NHẬP
Tuần lễ trước chúng ta đã mừng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Tình yêu Chúa Ba Ngôi bao trùm trên chúng ta bằng việc Ngôi Cha tạo dựng trời đất muôn vật, Chúa Con xuống thế chuộc tội cứu đời và Thánh Thần thánh hoá Hội thánh và các tâm hồn. Do đó, tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa phải là khuôn mẫu của chúng ta. Nhưng thành thực mà nói, sống yêu thương theo khuôn mẫu Ba Ngôi không phải là chuyện dễ. Cảm thông được sự giới hạn của chúng ta, trước lúc về trời, Đức Giêsu đã hứa: “Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Và để thực hiện lời hứa ấy, Đức Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể, để lại Mình Máu Ngài làm lương thực và là nguồn sức mạnh cho chúng ta trong cuộc lữ hành trần gian này. Với bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa nơi Đức Giêsu thực sự ở cùng chúng ta “mọi ngày cho đến tận thế”. Như vậy, Thánh Thể chính là dấu chứng của một lời hứa, một giao ước đã thành hiện thực và là bảo chứng của tình yêu.
Thánh Thể là bảo chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Vậy chúng ta hãy đáp lại tình yêu nhưng không và quảng đại ấy. Ước gì, từng người chúng ta hãy ý thức nhiều hơn đến tình yêu Đức Giêsu dành cho chúng ta nơi bí tích Thánh Thể. Đồng thời, chúng ta hãy giữ trọn giao ước tình yêu với Thiên Chúa bằng một quyết tâm năng tham dự Thánh lễ và rước lễ mỗi khi có thể. Và nhờ sức mạnh của Thánh Thể ở trong mình, chúng ta hãy sống yêu thương và chia sẻ cho những người khác.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Xh 24, 3-8
Sách Xuất hành tường thuật việc Thiên Chúa ký giao ước tình yêu giữa Ngài với dân Israel qua trung gian ông Maisen. Thiên Chúa muốn chọn dân Israel làm dân riêng thuộc quyền sở hữu của Ngài. Nhưng Ngài không ép buộc, con người được hoàn toàn tự do. Ngài muốn một sự dấn thân tự nguyện. Nghi lễ ký kết giao ước gồm:
– Trước hết ông Maisen lặp lại các lệnh Thiên Chúa truyền cho dân phải giữ. Dân chúng đồng ý ký kết và hô lên: “Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành”.
– Tiếp đến, Maisen viết các lệnh truyền của Chúa cho dân để lưu truyền mãi về sau.
– Cuối cùng, Maisen truyền giết bò dâng lễ toàn thiêu và lễ kỳ an cho Thiên Chúa. Ông rảy máu bò trên bàn thờ và trên dân để ký kết giao ước.
+ Bài đọc 2: Dt 9,11-15
Trích đoạn thư Do thái cho chúng ta biết: Đức Giêsu đã ký kết Giao ước mới trong máu của Ngài thay thế cho Giao ước cũ. Trong lễ xá tội của người Do thái, vị Thượng tế một mình bước vào nơi cực thánh để hiến dâng của lễ đền tội cho dân chúng. Được Đức Giêsu đảm nhận, vai trò này được hoàn toàn đổi mới: cung thánh mới là nhân tính đã được tôn vinh dứt khoát của Đức Kitô, máu dâng tiến chính là máu của Ngài.
Nhờ máu của Ngài đổ ra, con người được giải thoát khỏi mọi tội lỗi, được dâng lễ thờ phượng Thiên Chúa và nhận gia tài vĩnh cửu đã được hứa ban.
+ Bài Tin mừng: Mc 14,12-16.22-26
Đoạn Tin mừng theo thánh Marcô tường thuật bữa tiệc Vượt qua cuối cùng của Đức Giêsu. Sau khi đã mô tả chi tiết những chuẩn bị bữa ăn Vượt qua, thánh sử kể lại việc Đức Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể.
Hằng năm người Do thái tổ chức ăn mừng lễ Vượt qua để tưởng niệm cuộc giải phóng dân Chúa ra khỏi ách nô lệ của Ai cập. Đức Giêsu rất tôn trọng lễ Vượt qua này nên đích thân thu xếp mọi chi tiết tổ chức. Chính trong bữa tiệc này Đức Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể. Máu Ngài đổ ra để đóng dấu cho một Giao ước mới: “Đây là Máu Thầy, máu giao ước đổ ra vì muôn người”.
Biến cố được cử hành không còn phải là cuộc giải phóng khỏi ách nô lệ Ai cập nữa, mà chính là cuộc giải phóng vĩnh viễn của nhân loại đã được thực hiện trên thập giá. Con Chiên Vượt qua thực sự, chính là Đức Giêsu, Đấng bị kết án tử hình vì đã yêu thương nhân loại đến cùng.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Thánh Thể, bảo chứng tình yêu
Vào năm 1263, có một linh mục người Đức đang cử hành Thánh lễ tại một nhà thờ kính thánh Christiana, lúc bẻ bánh trước khi rước lễ, vị linh mục này đã trông thấy Mình thánh hình bánh đã biến thành Thân xác Đức Giêsu tử nạn. Trên thân mình Chúa, máu đang rịn ra qua các vết thương ở tay chân và cạnh sườn Người. Máu chảy ra làm ướt tấm khăn thánh và mấy lớp khăn phủ bàn thờ. Vị linh mục vội gấp các tấm khăn kia lại. Nhưng gấp tới đâu thì máu lại thấm ra tới đó. Cuối cùng máu thấm qua tới 25 lần vải khăn. Vừa cảm động lại vừa sợ hãi đến nỗi vị linh mục không thể tiếp tục dâng hết thánh lễ được.
Sau đó, ngài đến xin yết kiến Đức Giáo hoàng Urbanô và tường trình sự kiện lạ lùng ấy. Đức Giáo hoàng liền sai một phái đoàn, đứng đầu là một Giám mục đến điều tra thực hư. Sau khi xác định là phép lạ, vị Giám mục đã cho rước Mình Thánh Chúa cùng các khăn bàn thờ đã thấm Máu Thánh kia về Rôma và đặt tại một nhà thờ dâng kính phép Thánh Thể, và mời gọi giáo dân đến chầu Mình Thánh liên tục. Sau đó, vào ngày mồng 8 tháng 9 năm 1264, Đức Giáo hoàng Urbanô đã ra sắc dụ truyền thiết lập lễ kính Mình Máu thánh Chúa Giêsu và truyền mừng lễ trong toàn thể Hội thánh.
I. NHỮNG CHUẨN BỊ TỪ XA
Hằng năm, người Do thái mừng lễ Vượt Qua rất trọng thể, cuộc lễ kéo dài tới bảy ngày. Khách thập phương trẩy đến Giêrusalem mừng lễ rất đông. Có những người ở xa ước được về Giêrusalem mừng lễ ít là một lần trong đời, giống như người Hồi giáo ngày nay tuốn về Mecca để mừng lễ của họ.
Người Do thái gọi lễ Vượt Qua này là lễ Quốc khánh của toàn dân để kỷ niệm hai biến cố oai hùng vĩ đại nhất của dân tộc. Hai biến cố ấy là:
1. Giải phóng dân tộc
Thiên Chúa giải phóng dân tộc thoát ách nô lệ Ai cập. Ngày đó, Thiên Chúa đã truyền cho ông Maisen và tổ tiên họ: giết con chiên một tuổi, sung sức nhất, trong sạch nhất, lấy máu nó bôi lên cửa nhà dân Do thái để được cứu sống. Còn cửa nhà dân Ai cập, không có máu chiên thì các con đầu lòng bị giết. Sau đó họ ăn thịt chiên với bánh không men lấy sức mạnh vượt ra khỏi Ai cập để về đất mà Thiên Chúa đã hứa ban cho tổ tiên họ.
2. Lập Giao ước Sinai
Thiên Chúa muốn chọn cho mình một dân riêng làm sở hữu, nên Ngài đã lập giao ước với toàn dân ở núi Sinai. Thiên Chúa đã truyền cho ông Maisen xuống núi thuật lại lời giao ước và giới luật của Chúa: toàn dân đồng thanh đáp: “Mọi lời Chúa phán, chúng tôi sẽ thi hành”. Rồi họ ngả chiên bò làm lễ toàn thiêu và lễ hiệp thông.
Họ dâng lễ toàn thiêu bằng thiêu đốt tất cả lễ vật dâng lên trước nhan Chúa để tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và làm chủ mọi loài. Ngài đã ban sự sống cho họ, vì thế, họ hoàn toàn phó thác mạng sống mình và dân tộc mình cho Thiên Chúa. Ông Maisen đã ký kết với Thiên Chúa bằng cách lấy máu chiên bò: một nửa số máu được rảy trên bàn thờ, tượng trưng phía Thiên Chúa; một nửa kia được rảy trên toàn dân và Maisen lớn tiếng tuyên bố: “Đây là máu giao ước Chúa lập với anh em”. Sau đó, họ ăn thịt chiên hy tế trước tôn nhan Thiên Chúa để hiệp thông sự sống của Thiên Chúa (Xh 24,3-8).
II. ĐỨC GIÊSU LẬP PHÉP THÁNH THỂ
1. Tại bữa Tiệc ly
Đức Giêsu yêu thương các môn đệ, không để họ sống bơ bơ trên trần thế nên hứa sẽ ở lại với họ mãi mãi: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Ngài muốn ở cùng các môn đệ mãi mãi bằng cách ban cho họ một tặng phẩm, tặng phẩm thần linh.
Người đời trước khi đi xa thường để lại cho người thân thích một món đồ nào đó để ghi nhớ như một cuốn sách, tấm hình, cái bút, cái khăn tay hay bất cứ một đồ vật gì trong đời sống hằng ngày.
Cách đây không lâu, đám thợ lặn đã tìm ra một chiếc tàu Tây Ban Nha được chế tạo đã 400 năm nay bị chôn vùi dưới nước ngoài khơi Bắc Ái Nhĩ Lan. Trong số báu vật tìm được trong tàu, người ta thấy một chiếc nhẫn đàn ông bằng vàng, trên nhẫn có chạm hình một cánh tay đang nắm một trái tim với những dòng chữ như sau: “Anh không thể cho em điều gì hơn thế nữa”.
Đức Giêsu cũng hành động như vậy, Ngài muốn để lại cho họ một kỷ vật có một không hai, không phải là món đồ vật nào mà chính là bản thân Ngài. Đây chính là lời Đức Giêsu nói với chúng ta: Thầy đã trao ban chính mình Thầy cho các con trọn vẹn, đến mức Thầy không còn thể nào cho các con điều gì hơn thế nữa.
Ngài đã thực hiện trong bữa tiệc này mà thánh Marcô đã ghi lại: Đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các ông mà nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy”. Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông và tất cả đều uống chén này, đổ ra vì muôn người (Mc 14,22-24).
Với những lời ấy, Đức Giêsu đã lập phép Thánh Thể. Rồi Ngài còn truyền cho các môn đệ: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” tức là Ngài ban quyền cho các môn đệ được làm việc cao quý này để tưởng nhớ đến Ngài.
2. Ý nghĩa bí tích Thánh Thể
Trong bữa Tiệc ly và cũng là Thánh lễ đầu tiên do Đức Giêsu cử hành, Ngài đã thiết lập bí tích Thánh Thể và ban quyền chức Linh mục cho các Tông đồ. Từ đó trở đi, cho tới ngày nay, và cho đến tận thế, trong Thánh lễ, khi linh mục trịnh trọng lặp lại những lời Đức Giêsu: “Này là Mình Thầy”, “Này là Chén Máu Thầy”, tức thì bánh không còn là bánh, rượu không còn là rượu nữa mà đã trở thành Mình Máu Chúa Kitô.
Lễ Chúa dâng tại bữa Tiệc ly, trên thánh giá và lễ các linh mục dâng bây giờ cũng là một, vì “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, chỉ khác nhau ở cách thức dâng lễ thôi, nghĩa là trên thánh giá có đổ máu, còn bây giờ thì không.
Như vậy, Đức Giêsu đã tìm ra phương thế để ở lại với các môn đệ; và qua mọi thời gian, ở lại với tất cả những ai tin vào Ngài. Vì thế, Thánh Thể được gọi là bí tích của sự hiện diện. Dưới hình bánh rượu, Đức Giêsu hiện diện luôn mãi với loài người nơi trần gian. Đây là một chân lý cao siêu vượt quá sự hiểu biết của trí khôn loài người. Vì vậy, sau truyền phép, linh mục xướng lên: “Đây là mầu nhiệm đức tin”. Mọi người đều thưa lên: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”.
Trong bài ca Tiếp liên của Thánh lễ hôm nay, Thánh Tôma tiến sĩ đã ca tụng mầu nhiệm Thánh Thể như sau: “Đây là tín điều dạy người Kitô hữu rằng: Bánh trở nên Thịt Chúa và Rượu trở nên Máu Chúa. Thịt Chúa là của ăn, Máu Ngài là thức uống, nhưng Chúa Kitô vẫn còn đầy đủ dưới mỗi sắc hình. Lạy Chúa Giêsu là mục tử tốt lành, là Bánh thực, xin Ngài thương xót, chăn nuôi và bảo vệ chúng con, xin Ngài ban cho chúng con nhìn thấy những điều thiện hảo trong cõi nhân sinh” (Bài Lauda Sion do thánh Tôma Aquinô soạn tại Orvieto năm 1264).
III. BÀI HỌC RÚT RA TỪ THÁNH THỂ
- Thánh Thể và hiệp thông
Bí tích Thánh Thể cũng là một dấu chỉ: dấu chỉ của sự hiệp thông. Hiệp thông có nghĩa là nên một. Nói cách khác, bí tích Thánh Thể là dấu chỉ của sự nên một, của sự hiệp nhất, như Hội thánh luôn tuyên xưng và cầu nguyện rằng: “Chúng con cúi xin Cha cho Thánh Thần liên kết chúng con nên một khi chúng con dự tiệc Mình và Máu Đức Kitô” (Kinh Tạ ơn II) Hay: “Và khi chúng con được Mình và Máu Con Cha bổ dưỡng, được đầy tràn Thánh Thần của Người, xin cho chúng con trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô” (Kinh Tạ ơn III).
Chính Đức Giêsu đã từng nói: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (Ga 6,56). Động từ “ở trong” mà Chúa nói, diễn tả mạnh mẽ ơn hiệp thông. Có ai trong chúng ta dám khẳng định dứt khoát và mạnh mẽ như Đức Giêsu? Dẫu là tình yêu mặn nồng của đôi lứa yêu nhau hay ngay cả vợ chồng đi nữa, có chắc là họ ở trong nhau như Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa? Chỉ có bí tích Thánh Thể làm nên sự hiệp thông kỳ diệu, sự hiệp thông toàn vẹn: Chúa với ta và ta với Chúa: một thân thể không thể tách lìa.
Trong bí tích Thánh Thể, ta không chỉ nên một với Chúa mà thôi, nhưng còn với anh chị em của mình nữa. Vì khi cùng chia sẻ một tấm bánh là chính thân mình Chúa Kitô, tất cả mọi người sẽ nên những chi thể của Ngài. Thánh Phaolô đã từng nói: Tất cả chúng ta tuy nhiều nhưng cùng chia sẻ một tấm bánh, vì thế chúng ta làm nên một thân mình. Thân mình mầu nhiệm này sẽ được sống nhờ sức sống của Chúa Kitô là chính Thánh Thần của Chúa Kitô mà Ngài ban cho ta.
Bởi thế, trong Chúa Kitô, nhờ Thánh Thể của Người, tất cả chúng ta thật xứng đáng gọi Thiên Chúa là Cha, còn ta chỉ là một với nhau, cùng làm con một Cha (Lm. Nguyễn Minh Hùng).
2. Thánh Thể và yêu thương
Con người ta ai cũng có nhu cầu yêu, nghĩa là nhu cầu yêu và được yêu, mà không yêu là chết. Nhưng khi yêu người ta không dựa trên cơ sở lý luận mà chỉ theo cảm tình. Chính vì thế, triết gia Blaise Pascal đã nói: “Con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không thể hiểu được”. Tình yêu mạnh hơn sự chết. Với sự thúc đẩy mãnh liệt của tình yêu, người ta có thể làm những việc mà không ai có thể nghĩ tới. Chỉ tình yêu mới có thể cắt nghĩa được những hành động đó.
Thiên Chúa cũng yêu chúng ta bằng tình yêu như vậy đó. Tình yêu mà Thiên Chúa lắm lúc cũng có vẻ “điên khùng” như thế, vượt qua mọi lý luận của lý trí con người như tình yêu đôi lứa. Thật vậy, nhìn lại mối tương quan giữa Thiên Chúa và loài người, chúng ta sẽ thấy trong mối tương quan này, Ngài không nhận lại bất cứ một điều gì. Chỉ vì yêu loài người chúng ta, Ngài đã làm những việc mà trí khôn con người không thể tưởng tượng được, đó là việc Ngài từ bỏ vinh quang của một vì Thiên Chúa, nhập thể làm một con người nghèo hèn ở giữa chúng ta (x. Pl 2,6-7).
Cuộc đời Đức Giêsu, dù xét một cách toàn thể hay từng chi tiết, chúng ta thấy Ngài sống hoàn toàn vị tha, nghĩa là vì tình yêu với Chúa Cha và đối với chúng ta. Cụ thể nhất là cái chết thê thảm và nhục nhã trên thập giá của Ngài. Hơn thế nữa, Ngài còn để lại chính thịt máu Ngài làm của ăn cho từng người chúng ta như Ngài phán: “Ta là Bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta ban, chính là thịt Ta để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Hành vi này là của Đức Giêsu, quả thật đã vượt quá suy luận của con người đến nỗi ngay các môn đệ của Ngài cũng phải thốt lên: “Lời chi mà sống sượng thế, ai nào có thể nghe nổi” (Ga 6,60).
Thiên Chúa cảm thông và thương yêu chúng ta như vậy, lẽ nào chúng ta không cảm thông và yêu thương nhau? Tình yêu của Đức Giêsu có hai chiều kích: yêu Chúa Cha và yêu con người. Lẽ nào chúng ta là con người với nhau lại chỉ quan tâm đến Thiên Chúa mà không quan tâm đến nhau?
Là một Thiên Chúa yêu thương, chắc chắn Ngài muốn chúng ta yêu thương nhau, quan tâm đến nhau hơn là quan tâm đến Ngài. Tại sao? Vì những người chung quanh chúng ta cần tình yêu và sự quan tâm của chúng ta hơn Ngài rất nhiều. Ngài là Thiên Chúa – Đấng không thiếu thốn sự gì và cũng không hề ích kỷ – Ngài không cần tình yêu và sự quan tâm của chúng ta cho bằng những người chung quanh đang chung sống với chúng ta. Tại sao chúng ta lại quá quan tâm đến Ngài mà bỏ rơi anh chị em mình? Trong thực tế, chính khi ta yêu thương và quan tâm đến anh chị em mình, là chúng ta yêu mến Chúa. Nếu yêu mến Thiên Chúa thì hãy bắt chước Đức Giêsu: chẳng những chấp nhận chịu khổ để anh chị em mình đỡ khổ, mà còn trở nên “của ăn” cho anh chị em mình nữa.
3. Thánh Thể và chia sẻ
Với bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu trao ban trọn vẹn và hoàn toàn con người của Ngài cho chúng ta, để nhờ Ngài chúng ta được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa và được sống đời đời như Ngài quả quyết: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết” (Ga 6,54).
Ngài yêu thương chúng ta đến nỗi đã tự huỷ mình đi để trở nên tấm bánh và ao ước được chúng ta ăn, để chúng ta được nên một với Ngài. Vì thế, trong một đoạn Tin mừng ngắn hôm nay, động từ “ăn” được lặp lại tới 9 lần.
Như vậy, “ăn và uống máu” Đức Giêsu chính là suy niệm Lời và đời sống của Ngài để dần dần thay thế “chất tôi” thành “chất Ngài”, biến “tôi” thành “Ngài”.
Nói cách khác, đó là được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, nên giống Đức Kitô mọi đàng để có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải tôi, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi”. Giống Đức Giêsu là giống Thiên Chúa, mà “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,8.16). Tình yêu ở đây là thứ tình yêu hoàn toàn vị tha nghĩa là trở nên “chiếc bánh bị ăn” (pain mangé) như Đức Giêsu (theo cách nói của cha Antôn Chevrier, tu hội Prado), để rồi mỗi người chúng ta sẽ trở nên “con người bị ăn thịt đi” (homme mangé) để phục vụ những người khác.
Truyện: Giới Tử Thôi cắt thịt đùi mình
Trên bước đường lưu vong, trốn ra ngoài nước, công tử Trùng Nhĩ và bọn bề tôi trải qua rất nhiều cam go, lầm than, khổ sở, đói khát.
Không tiền bạc, hết lương thực, bọn người này phải đi ăn xin. Một hôm đói quá, đói đến lả người, cả bọn cơ hồ không đi được nữa. Trùng Nhĩ phải kiếm gốc cây có bóng mát gối đầu vào đùi Hồ Mao mà nằm. Bọn bề tôi bảo nhau đi bứt rau sam về luộc ăn. Trùng Nhĩ nuốt không trôi. Bỗng Giới Tử Thôi mang một bát thịt nóng hổi đến dâng. Trùng Nhĩ ăn ngon lành! Ăn xong, khoẻ khoắn liền hỏi Giới Tử Thôi:
– Nhà ngươi lấy đâu được thịt ngon như thế?
Giới Tử Thôi chỉ vào đùi mình, thưa:
– Ấy là thịt đùi của tôi đó. Tôi nghe rằng: người hiếu tử bỏ thân thờ cha, người trung thần bỏ thân thờ vua. Nay Công tử đói không có gì ăn, nên tôi phải cắt thịt đùi dâng cho Công tử (Thanh Lan Võ Ngọc Thành, Nhân vật Đông Châu, 1968, tr 324)
4. Thánh Thể và Thánh lễ
Đức Giêsu ví Thánh Thể như bàn tiệc thịnh soạn đã dọn sẵn, mời chúng ta đến tham dự, hoàn toàn miễn phí. Nhưng có những người đã từ chối lời mời gọi thân tình này, họ viện ra những lý nọ lẽ kia không chịu đến tham dự (x. Lc 14,16-24). Chúa mời gọi ta đến dự tiệc thánh là có ý tìm lợi ích cho linh hồn chúng ta: phép Thánh Thể Chúa lập ra là một bảo đảm ơn cứu chuộc như Ngài nói: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho sống lại ngày sau hết” (Ga 6,54).
Chúa thiết tha mời ta tham dự Thánh lễ và rước lễ để được ơn phần rỗi, nhưng ngoài ra Ngài lại con răn đe: “Nếu các ngươi không ăn thịt Con người và uống máu Người, các ngươi không có sự sống nơi mình” (Ga 6,53). Chúa răn đe như vậy không có ý tìm lợi ích cho Ngài, vì Ngài không còn thiếu gì nhưng cho chúng ta mà thôi.
Một lần thánh Phanxicô chầu Thánh Thể, được nghe tiếng Chúa hỏi: “Hỡi Phanxicô, sao con mê Cha như điên như cuồng như vậy?” Thánh Phanxicô trả lời: “Lạy Chúa, xét về yêu, thì Chúa còn điên hơn con!”.
3. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
DÂNG LỜI CHÚC TỤNG TẠ ƠN
Trong mùa dịch bệnh, không được đến nhà thờ,
không được tham dự Thánh lễ Chúa nhật và rước lễ,
người Công giáo thấy nhớ và thấy thiếu một điều quan trọng.
“Đây là Mình Thầy, Đây là Máu Thầy.”
Vị linh mục đọc lại những lời xưa Thầy Giêsu đã nói
khi Thầy cầm tấm bánh, cầm chén rượu, trao cho các môn đệ,
vào buổi tối trước khi Thầy bị bắt và đi vào cuộc Khổ Nạn.
“Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).
Thầy truyền cho các môn đệ bây giờ và mai sau
làm lại những gì Thầy đã làm,
để tưởng nhớ đến Hy lễ của Thầy trên thập giá,
và làm cho Hy lễ ấy được trở nên hiện thực trên bàn thờ.
Chính vào lúc các nhà thờ phải đóng cửa vì dịch bệnh,
thế giới đau thương hôm nay lại cần Thánh Lễ biết bao.
Thế giới bệnh tật và chết chóc, sợ hãi và hỗn loạn,
được mời tham dự vào cuộc Khổ Nạn của Thầy,
ghép tất cả thánh giá của mình vào thánh giá của Chúa,
để chỉ có một Hy lễ duy nhất dâng lên Chúa Cha.
“Anh em hãy cầm lấy mà ăn. Anh em hãy uống chén này.”
Thầy Giêsu mời môn đệ ăn bánh và uống rượu trên bàn tiệc.
Thầy đã mời họ như thế trong những bữa ăn trước đây.
Bánh và rượu là thức ăn, thức uống căn bản của người Do-thái.
Ở đây bánh không men gợi nhớ đến bánh được làm vội vã
khi con cái Ítraen rời bỏ Ai-cập (Xh 12,39).
Rượu được coi là máu của trái nho (St 49,11; Đnl 32,14).
Nhưng tối nay, khi trao bánh và rượu cho họ, Thầy còn thêm:
“Đây là Mình Thầy. Đây là Máu Thầy” (Mt 26,26-27).
Như thế Thầy đã biến đổi những thực phẩm quen thuộc
thành chính con người Thầy.
Nhờ đó khi ăn tấm bánh, họ được nên một với Thầy.
Như đồ ăn trở thành thịt máu và sự sống của người ăn,
Thầy Giêsu cũng nói: “Tôi sống nhờ Cha thế nào,
thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà sống như vậy” (Ga 6,57).
Mỗi Thánh Lễ là một bữa tiệc do Chúa Giêsu khoản đãi.
Ngài mời chúng ta đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.
Dự lễ mà không rước lễ thì chưa trọn vẹn.
Chúng ta luôn cảm thấy mình bất xứng khi đưa tay ra
để đón lấy tấm bánh thánh đơn sơ, bé nhỏ,
vì chúng ta không hiểu nổi sự tự hạ của Đấng ngự trên cao.
Phải hết sức cẩn trọng khi lên rước Chúa (1 Cr 11,26-32),
nhưng cũng nên biết: đây là phương thuốc chữa lành,
và là sự bổ dưỡng cho người yếu đuối.
Trong bữa Tiệc Ly, trong khung cảnh mừng lễ Vượt Qua,
trên bàn tiệc có một tấm bánh lớn và một chén rượu.
Thầy Giêsu đã bẻ tấm bánh để trao cho mỗi người một phần.
Thầy cũng chuyển chén rượu cho từng môn đệ.
Tất cả các ông được ăn cùng một bánh,
và uống cùng một chén rượu mà Thầy sắp uống (Mc 10,38).
Như thế tất cả được hiệp thông với Mình và Máu Đức Kitô.
Chính khi hiệp thông với Đức Kitô
mà chúng ta được hiệp thông với nhau,
như thánh Phaolô viết: “Bởi vì chỉ có một Bánh,
và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy,
nên chúng ta tuy nhiều, cũng chỉ là một thân thể (1 Cr 10,17).
Thánh Lễ không chỉ liên kết chúng ta với Đức Kitô,
mà còn liên kết chúng ta với nhau nhờ hiệp lễ.
Vì dịch bệnh, chúng ta không được dự Thánh Lễ Chúa Nhật,
chúng ta hiểu mình mất đi một sự nâng đỡ lớn lao.
Chúng ta cầu xin Chúa cho cơn dịch mau kết thúc,
để lại được cùng nhau tham dự bàn tiệc hy tế của Chúa.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã có kinh nghiệm về cái đói,
sau khi ăn chay bốn mươi ngày trong hoang địa.
Sau khi được dân chúng tung hô lúc vào thành Giêrusalem,
Chúa cũng đói đến mức phải tìm trái nơi cây vả.
Chúa đã xin nước uống nơi người phụ nữ Samari,
và Chúa đã nếm cái khát của người bị mất máu trên thập giá.
Lạy Chúa Giêsu, vì Chúa có thân xác như chúng con,
nên Chúa đã bênh các môn đệ khi họ bứt lúa mà ăn vì đói,
Chúa đã làm phép lạ bánh hóa nhiều
vì sợ người ta xỉu dọc đường,
Chúa đã bảo người ta cho cô bé mới hồi sinh được ăn.
Đói khát là chuyện bình thường của thân xác con người,
và Chúa chẳng bao giờ coi thường
những nhu cầu chính đáng của nó.
Nhưng xin nhắc chúng con nhớ rằng
con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, mà còn nhờ Lời Chúa,
con người không chỉ đói khát thức ăn vật chất
mà còn khao khát những giá trị tinh thần của Nước Trời.
Xin dạy chúng con đừng khép cửa lòng
như ông nhà giàu xây thêm kho.
Nhưng biết chia sẻ cho những Ladarô đang nằm ngoài cổng,
Xin cho chúng con hiểu được giá trị của một ly nước được trao đi,
một tấm bánh giữa đêm khuya cho người bạn mượn,
và chút vụn bánh rơi xuống từ bàn ăn đủ nuôi một người.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa là người đói khát vẫn ngửa tay xin chúng con mỗi ngày
mà chúng con không hay.
Xin giúp chúng con bắt chước Chúa trong bữa tiệc cuối cùng
dám bẻ ra và trao đi tấm bánh đời mình để phục vụ tha nhân.
Ước gì mai này chúng con được đồng bàn với Chúa
và với mọi người thành tâm thiện chí trong Nước Trời.