Chúa nhật 5 Thường niên năm B (Mc 1,29-39) – Thay đổi

“Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy;
cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài”. (Mc 1,31)

Bài đọc 1: G 7,1-4.6-7

1 Cuộc sống con người nơi dương thế

chẳng phải là thời khổ dịch sao ?

Và chuỗi ngày lao lung vất vả

đâu khác gì đời kẻ làm thuê ?

2 Tựa người nô lệ mong bóng mát,

như kẻ làm thuê đợi tiền công,

3 cũng thế, gia tài của tôi là những tháng vô vọng,

số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề.

4 Vừa nằm xuống, tôi đã nhủ thầm: “Khi nào trời sáng ?”

Mới thức dậy, tôi liền tự hỏi: “Bao giờ chiều buông ?”

Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm trong mê sảng.

6 Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa,

và chấm dứt, không một tia hy vọng.

7 Lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở,

mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ.

ĐÁP CA: Tv 146, 1-2. 3-4. 5-6

Đáp: Hãy chúc tụng Chúa, Đấng cứu chữa những kẻ giập nát tâm can (c. 3a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy ngợi khen Chúa, vì Người hảo tâm; hãy ca mừng Thiên Chúa chúng ta, vì Người êm ái, thực Người rất đáng ngợi khen. Chúa xây dựng lại Giêrusalem, tập họp con cái Israel phân tán. – Đáp.

2) Chính Người chữa những kẻ giập nát tâm can, và băng bó vết thương của lòng họ. Người ấn định con số các ngôi sao, và gọi đích danh từng ngôi một. – Đáp.

3) Chúa chúng ta cao cả và mãnh liệt quyền năng, sự khôn ngoan của Người thực là vô lượng. Chúa nâng cao những kẻ khiêm cung, Người đè bẹp đứa ác nhân xuống tận đất. – Đáp.

Bài đọc 2: 1Cr 9,16-19.22-23

16 Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! 17 Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. 18 Vậy đâu là phần thưởng của tôi ? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi. 19 Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người.

22 Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. 23 Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.

Tin mừng: Mc 1,29-39

29 Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo.

30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. 31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. 33 Cả thành xúm lại trước cửa.

34 Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.

35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. 36 Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm.

37 Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” 38 Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.”

39 Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

Bài giảng của Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân

 

Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 5 Thường niên năm B

WHĐ (03.02.2024) – Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.

Số 547-550: Việc chữa lành như dấu hiệu của thời Đấng Messia

Số 1502-1505: Đức Kitô – Đấng Chữa Lành

Số 875, 1122: Tính cấp bách của việc rao giảng

Bài Ðọc I: G 7, 1-4. 6-7

Bài Ðọc II: 1Cr 9, 16-19. 22-23

Phúc Âm: Mc 1, 29-39

Số 547-550: Việc chữa lành như dấu hiệu của thời Đấng Messia

547. Kèm theo những lời Người nói, Chúa Giêsu đã làm “những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ” (Cv 2,22) để cho thấy Nước Trời đang hiện diện nơi Người. Chúng chứng tỏ Chúa Giêsu chính là Đấng Messia đã được tiên báo[1].

548. Các dấu lạ do Chúa Giêsu thực hiện minh chứng Chúa Cha đã sai Người đến[2]. Chúng mời gọi ta hãy tin vào Người[3]. Những ai đến với Người bằng đức tin, đức tin cho họ được điều họ thỉnh cầu[4]. Lúc đó, các phép lạ củng cố lòng tin vào Người, Đấng thực hiện các công việc của Cha Người: chúng chứng tỏ Người là Con Thiên Chúa[5]. Nhưng chúng cũng có thể là cớ vấp ngã[6]. Quả vậy, chúng không nhằm thỏa mãn trí tò mò, và lòng ưa chuộng ma thuật. Bất chấp những phép lạ hết sức tỏ tường của Người, Chúa Giêsu vẫn bị một số người loại bỏ[7], thậm chí Người còn bị tố cáo là hành động nhờ ma quỷ[8].

549. Khi giải thoát một số người khỏi những sự dữ đời này như đói khát[9], bất công[10], bệnh tật và cái chết[11], Chúa Giêsu đã thực hiện các dấu chỉ Người là Đấng Messia. Tuy nhiên, Người không đến để loại trừ mọi điều xấu khỏi trần gian này[12], nhưng để giải thoát con người khỏi ách nô lệ nặng nề nhất, là ách nô lệ của tội lỗi[13], thứ ách nô lệ này ngăn cản họ trong ơn gọi của họ là làm con cái Thiên Chúa, và gây ra mọi hình thức nô lệ giữa con người.

550. Khi Nước Thiên Chúa trị đến là lúc nước Satan bị sụp đổ[14]: “Nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt l2,28). Những việc trừ quỷ do Chúa Giêsu thực hiện, giải phóng người ta khỏi quyền thống trị của ma quỷ[15]. Những việc ấy báo trước sự chiến thắng cao cả của Chúa Giêsu trên “thủ lãnh thế gian này”[16]. Nhờ thập giá của Đức Kitô mà Nước Thiên Chúa sẽ được thiết lập vĩnh viễn: “Thiên Chúa đã cai trị từ cây gỗ”[17].

 

Số 1502-1505: Đức Kitô – Đấng Chữa Lành

1502. Con người thời Cựu Ước sống trong bệnh tật trước tôn nhan Thiên Chúa. Họ than thở với Thiên Chúa về bệnh tật của mình[18] và xin Ngài, là Chúa sự sống và sự chết, chữa lành[19]. Bệnh tật trở thành con đường hối cải[20], và ơn tha thứ của Thiên Chúa là khởi đầu việc chữa lành[21]. Dân Israel cảm nghiệm rằng, bệnh tật có liên hệ cách bí nhiệm với tội lỗi và sự dữ, và sự trung thành với Thiên Chúa, theo Lề Luật của Ngài, sẽ trả lại sự sống: “vì Ta là Chúa, Đấng chữa lành ngươi” (Xh 15,26). Có Tiên tri đã thoáng nhận ra rằng đau khổ có thể có giá trị cứu chuộc đối với tội lỗi của những người khác[22]. Sau cùng, tiên tri Isaia loan báo rằng Thiên Chúa sẽ đem đến cho Sion một thời đại, lúc đó Ngài sẽ tha thứ mọi tội lỗi và chữa lành mọi bệnh tật[23].

1503. Lòng thương cảm của Đức Kitô đối với các bệnh nhân và nhiều việc chữa lành mọi thứ bệnh tật Người đã thực hiện[24] là một dấu chỉ hiển nhiên cho thấy rằng Thiên Chúa đã viếng thăm Dân Ngài[25] và Nước Thiên Chúa đã gần kề. Chúa Giêsu không những có quyền chữa lành mà còn có quyền tha tội[26]: Người đến để chữa lành con người toàn diện, cả xác cả hồn; Người là thầy thuốc mà các bệnh nhân cần đến[27]. Lòng thương cảm của Người đối với tất cả những người chịu đau khổ, đã đi đến chỗ Người tự nên một với họ: “Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng” (Mt 25,36). Tình yêu đặc biệt của Người đối với những người đau yếu, trải qua các thế kỷ, đã không ngừng khơi dậy sự quan tâm đặc biệt của các Kitô hữu đối với tất cả những ai chịu đau khổ phần xác hay phần hồn. Tình yêu này làm phát sinh những cố gắng không mệt mỏi để nâng đỡ những người đau khổ đó.

1504. Chúa Giêsu thường đòi buộc các bệnh nhân phải tin[28]. Người dùng những dấu chỉ để chữa lành: nước miếng và việc đặt tay[29], bùn đất và việc rửa sạch[30]. Các bệnh nhân tìm cách chạm đến Người[31] “vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người” (Lc 6,19). Vì vậy, trong các bí tích, Đức Kitô tiếp tục “chạm” đến chúng ta để chữa lành chúng ta.

1505. Xúc động trước quá nhiều đau khổ, Đức Kitô không những cho phép các bệnh nhân chạm đến Người, mà còn lấy những đau khổ của chúng ta làm của Người: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17)[32]. Tuy nhiên, Người đã không chữa lành tất cả các bệnh nhân. Những việc chữa lành của Người là những dấu chỉ rằng Nước Thiên Chúa đang đến. Chúng loan báo một sự chữa lành triệt để hơn: đó là sự chiến thắng tội lỗi và sự chết, nhờ cuộc Vượt Qua của Người. Trên thập giá, Đức Kitô đã mang vào thân thể Người tất cả gánh nặng của sự dữ[33] và Người đã xoá “tội trần gian” (Ga 1,29), mà bệnh tật của trần gian chỉ là một hậu quả. Bằng cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá của Người, Đức Kitô đem lại cho đau khổ một ý nghĩa mới: từ nay đau khổ có thể làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Người và kết hợp chúng ta vào cuộc khổ nạn sinh ơn cứu chuộc của Người.

 

Số 875, 1122: Tính cấp bách của việc rao giảng

875. “Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?” (Rm 10,14-15). Không có ai, không có cá nhân nào hay cộng đoàn nào, có thể tự loan báo Tin Mừng cho chính mình. “Có đức tin là nhờ nghe giảng” (Rm 10,17). Không ai có thể tự ban cho mình lệnh truyền và sứ vụ loan báo Tin Mừng. Người được Chúa sai đi nói và hành động không phải do quyền bính riêng, nhưng do sức mạnh quyền bính của Đức Kitô; người đó nói với cộng đoàn không phải với tư cách là một thành viên của cộng đoàn, nhưng nhân danh Đức Kitô. Không ai có thể tự ban cho mình ân sủng, ân sủng phải được ban tặng. Điều này giả thiết phải có những thừa tác viên của ân sủng, được Đức Kitô ban cho quyền bính và tư cách. Từ nơi Đức Kitô, các Giám mục và linh mục lãnh nhận sứ vụ và khả năng (“quyền thánh chức”) để hành động trong cương vị Đức Kitô là Đầu (in persona Christi Capitis), còn các phó tế lãnh nhận sức mạnh phục vụ dân Thiên Chúa, qua “việc phục vụ” Lời Chúa, phụng vụ và việc bác ái, trong sự hiệp thông với Giám mục và hàng linh mục của ngài. Thừa tác vụ này, trong đó những người được Đức Kitô sai đi nhờ hồng ân Thiên Chúa, thực hiện và ban tặng những gì họ không thể tự thực hiện và ban tặng cho chính mình, được truyền thống Hội Thánh gọi là “bí tích”. Thừa tác vụ của Hội Thánh được trao ban qua một bí tích riêng.

762. Đức Kitô đã sai các Tông Đồ của Người đi để “nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân… kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24,47). “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” (Mt 28,19). Sứ vụ làm Phép Rửa, tức là sứ vụ bí tích, được bao hàm trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, bởi vì bí tích được chuẩn bị bằng Lời Chúa và bằng đức tin, là sự ưng thuận vâng theo Lời đo:

“Dân Thiên Chúa được quy tụ trước tiên bằng Lời của Thiên Chúa hằng sống…. Chính thừa tác vụ bí tích đòi phải có việc rao giảng Lời Chúa, bởi vì các bí tích là bí tích của đức tin, một đức tin được sinh ra và được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa”[34].

 

Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha vào Chúa nhật 5 Thường niên năm B:

Đức Phanxicô:

07.02.2021 – Chăm sóc các bệnh nhân là sứ vụ của Giáo hội

04.02.2018 – Chữa lành và loan báo

08.02.2015 – Lương y của các linh hồn và mọi thể xác

Đức Bênêđictô XVI:

05.02.2012 – Tin vào Thiên Chúa giúp chiến thắng sự dữ và bệnh tật

08.02.2009 – Ý nghĩa của bệnh tật và đau khổ

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Một ngày ở Caphanaum, Ðức Giêsu bận bịu với biết bao nhiêu công việc. Ngài giảng dạy trong hội đường; chữa bà già ông Simon khỏi cơn sốt nặng. Chiều đến lại chữa mọi bệnh tật được người ta mang đến. Được thúc đẩy vì tình yêu Cha và yêu con người. Ðức Giêsu tất bật với sứ vụ được trao phó… Ngài mãi còn thao thức bồn chồn cho đến khi sứ vụ được hoàn tất.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Cuộc sống của chúng con cũng có biết bao nhiêu nhiệm vụ phải chu toàn. Xin Chúa hãy đốt lên trong chúng con tình yêu mến, để chúng con luôn hăng say không mệt mỏi. Xin cho chúng con biết chu toàn nhiệm vụ trong gia đình, nhiệm vụ nơi công sở, nhiệm vụ nơi xứ đạo, nhiệm vụ với mọi người. Trong mọi công việc, chúng con sẽ thi hành tốt nhất để đẹp lòng Chúa Cha. Amen.

Ghi nhớ: “Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống..)

Chuyện này cũng diễn ra trong khung cảnh một ngày ở Capharnaum và tiếp liền chuyện hôm qua. Sau khi làm một cuộc trừ tà ở Hội đường, Chúa Giêsu đi chữa bệnh cho nhạc mẫu của Simon. Chúa Giêsu không nói lời nào, chỉ làm một cử chỉ nhỏ là đến gần cầm tay bà nâng dậy. Việc khỏi bệnh xảy ra tức thì. Bà hết bệnh và lo tiếp đãi các Ngài.

Người do thái quen coi bệnh tật là do ma Quỷ gây nên. Đặc biệt bệnh sốt là dấu chỉ Thiên Chúa trừng phạt tội bất trung (x. Lv 26, 15-16 Đnl 28,22). Vì người ta coi bệnh này là do ma Quỷ gây nên, do đó việc Đức Giêsu cứu chữa bệnh này cũng là một việc trừ tà (Lc 4, 39), cho thấy Đức Giêsu là Đấng đến giải thoát con người khỏi xiềng xích của sự dữ và sự chết.

Kết thúc một ngày làm việc: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Ngài đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện”.

B. Suy niệm (…nẩy mầm)

1. Nhìn lại một ngày làm việc của Chúa Giêsu, ta thấy Ngài rất bận: giảng ở Hội đường (câu 21); giảng xong, chữa một người bị Quỷ ám (cc 23-28); rời hội đường, Ngài đi chữa bệnh cho nhạc mẫu của Simon Phêrô (cc 29-32); chiều đến chưa kịp nghỉ ngơi người ta lại đem các bệnh nhân tới và Ngài lại cứu chữa (cc 32-34); Sáng sớm hôm sau khi trời còn tối mịt, Ngài thức dậy sớm đi đến một nơi hoang vắng để cầu nguyện; dù bị đám đông ồn ào bao vây suốt ngày, Chúa Giêsu vẫn có cách tìm nơi yên tĩnh để cầu nguyện.

2. Nhìn lại cuộc sống đã qua, một nhà hiền triết thú nhận: Lúc thiếu thời tôi là một kẻ hiếu động. Trong sự hăng hái của tuổi trẻ, tôi thường xin Chúa cho tôi sức mạnh biến đổi thế gian này nên tốt hơn. Khi được nửa đời người, tôi ý thức mình chưa làm được gì cả, chưa thay đổi được bất cứ người nào, tôi liền đổi lại lời cầu nguyện cho thiết thực hơn: Lạy Chúa, giờ đây con chỉ xin Chúa cho con khả năng thay đổi cuộc sống của những con người tiếp xúc hằng ngày thôi”. Nhưng rồi khi tuổi đời sắp hết, tôi thấy rằng mình quá cao vọng và ảo tưởng, tôi lại thay đổi lời nguyện như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con ơn thay đổi chính đời sống của con”. Nếu từ tuổi thanh xuân tôi đã cầu nguyện như thế thì có lẽ tôi không phải hối tiếc vì đã sống một cuộc đời vô ích” (Trích “Mỗi ngày một niềm vui”)

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con ơn thay đổi chính đời sống của con.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

TIẾP XÚC VỚI CHA TRÊN TRỜI
+++

A. DẪN NHẬP

Không tôn giáo nào mà không chú trọng đến sự cầu nguyện, tuy cách thức có khác nhau. Dân Do thái ngày xưa, mỗi khi đi chinh phạt các dân ngoại hay dân phản động chung quanh, thì ông Maisen phải lên đỉnh núi giang hai tay ra cầu nguyện. Lúc nào ông giang hai tay ra cầu nguyện thì lúc đó quân Do thái thắng, trái lại lúc nào ông hạ tay xuống thì dân Do thái thua. Nên dân Do thái phải cắt người đỡ hai tay để ông Maisen có thể giang tay cầu nguyện mãi mãi cho dân để đánh thắng các quân địch.

Đức Giêsu cũng làm gương cho chúng ta về sự cầu nguyện. Ngài đã tận dụng những giờ phút tĩnh lặng, những nơi thanh vắng, nhất là ban đêm để tiếp xúc với Cha Ngài. Theo gương Đức Giêsu, chúng ta cũng phải chuyên cần cầu nguyện, tiếp xúc với Chúa trong mọi hoàn cảnh. Hãy tập cho có thói quen biến những công việc thường ngày của chúng ta thành những lời kinh sống động dâng lên Chúa.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: G 7,11-.6-7

Đoạn sách Gióp hôm nay cho ta thấy cái nhìn bi quan của người Do thái trước đau khổ: con người sẽ phải chết, mọi chân trời đều bị bít lại, tất cả đều ê chề, tuyệt vọng, vô nghĩa. Ông Gióp là một người thánh thiện, không thể hiểu được tại sao ông lại bị phạt trong khi ông không ý thức được rằng mình đã phạm tội. Tuy nhiên, ông không quay lưng lại với Chúa, ông âm thầm chịu đựng và đợi trông…

Cái nhìn bi quan này sẽ được sửa sai bằng gương làm việc của Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay,

+ Bài đọc 2: 1 Cr 9,16-19,22-23

Thánh Phaolô tự nhận là mình có nhiệm vụ phải rao giảng Tin mừng: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng”. Ngài cố gắng thi hành nhiệm vụ này một cách vô vị lợi, không tìm vinh danh cho mình nhưng chỉ dành cho Chúa. Chính vì thế, Ngài đã cố gắng trở nên mọi sự cho mọi người, chia sẻ những sự yếu đuối của anh em, sống cuộc sống của họ, tự đặt mình làm tôi tớ phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo hèn, và mục đích của Ngài là tranh thủ đem về cho Chúa Kitô nhiều linh hồn.

Thánh nhân cho biết Ngài rao giảng Tin mừng một cách tự nguyện chứ không phải do một động lực nào khác bó buộc Ngài.

+ Bài Tin mừng: Mc 1,29-39

Thánh Marcô cho chúng ta biết một ngày làm việc tiêu biểu của Đức Giêsu ở thành phố Capharnaum, thành phố của Phêrô và Anrê. Ngài giảng dạy ở hội đường, chữa bệnh cho nhạc mẫu của Simon cho khỏi cơn sốt, chữa nhiều bệnh nhân và trừ quỷ từ chiều cho đến tối. Sáng sớm tinh sương đi cầu nguyện nơi thanh vắng, và tiếp tục đi rao giảng ở những nơi khác. Tóm lại, Đức Giêsu là một người làm việc bận rộn suốt ngày và trừ quỷ.

Những công việc bận rộn như vậy cũng không hề làm cho Ngài mất tiếp xúc với Cha của Ngài ở trên trời. Ngài sẽ dùng nhiều thời giờ nghỉ ban đêm, để sống thân mật với Cha Ngài ở trên trời. Ngài sẽ dành nhiều thời giờ ban đêm để sống mật thiết với Cha Ngài.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚACầu nguyện và làm việc

I. ĐỨC GIÊSU VỚI SỰ CẦU NGUYỆN

1. Đức Giêsu làm việc và cầu nguyện

Đức Giêsu là gương mẫu của sự cầu nguyện. Cách đây không lâu, Đức Giêsu đã lên rừng ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày. Thánh Marcô hé mở cho ta biết Đức Giêsu một mình sáng sớm lên nơi thanh vắng để cầu nguyện. Suốt ngày Ngài bận rộn với công việc rao giảng Tin mừng: giảng dạy ở hội đường, chữa bệnh, trừ quỷ, tiếp xúc với mọi người, trưa về nhà tiếp xúc với môn đệ. Trong khi mọi người còn ngon giấc thì Đức Giêsu đã lên núi cầu nguyện một mình. Đây không phải là lần cuối, mà luôn luôn như vậy. Ngài đã tỏ ra rất hâm mộ sự cầu nguyện, nhất là trước những việc trọng đại.

Đọc Tin mừng, chúng ta thấy rất nhiều lần Đức Giêsu đã đi cầu nguyện và cầu nguyện nơi thanh vắng:

Vừa khi nhận phép rửa của Gioan Tẩy giả, Chúa lắng sâu trong cầu nguyện và đồng thời cửa mở ra (Lc 3,21; Ga 1,32-34).

Năm đầu cuộc đời công khai, ngày sabat Chúa vào hội đường cầu nguyện (Lc 5,16).

Đêm áp ngày Chúa chọn 12 tông đồ, Chúa đã lên núi và cầu nguyện suốt đêm (Lc 6,12).

Trước khi Chúa hỏi các tông đồ về dư luận dân chúng về Ngài, Chúa đã tìm nơi thanh vắng mà cầu nguyện (Lc 9,18).

Trước khi biến hình Chúa đã lên núi cầu nguyện (Lc 9,28) và trong khi cầu nguyện thì Ngài biến hình.

Lần kia, sau khi thấy Chúa rời các ông để cầu nguyện, các Tông đồ xin Chúa dạy các ông cầu nguyện như Gioan đã dạy các môn đệ của ông. Và Chúa đã dạy các ông kinh Lạy Cha (Lc 11,1-4).

Hơn nữa, nhất là trong giờ hấp hối trong vườn Cây Dầu, Chúa đã cầu nguyện thống thiết tới 3 lần (Lc 22,40-45).

Tại sao Đức Giêsu lại hối hả đi cầu nguyện như vậy ? Trước hết là vì Ngài khao khát sống một mình với Cha Ngài, và lấy làm sung sướng khi ở riêng với Cha Ngài.

2. Đức Giêsu dạy ta cầu nguyện

Đức Giêsu đã cầu nguyện và đã làm gương cho ta về sự cầu nguyện. Rất nhiều lần Ngài đã khuyên các môn đệ cầu nguyện. Ta chỉ ghi ra đây một số trường hợp:

. Cầu nguyện trong thinh lặng: vào phòng đóng cửa lại và cầu nguyện với Cha nơi kín ẩn (Mt 6,6).

. Cầu nguyện với lòng tin: Thiên Chúa có thể ban mọi sự (Mc 11,23-24).

. Cầu nguyện với Cha chúng ta ở trên trời (Lc 11,13).

. Cầu nguyện không nhiều lời (Mt 6,7).

. Biết tha thứ cho người khác để Cha trên trời có thể tha thứ cho chúng ta (Mc 11,25).

. Với lòng khiêm tốn và thống hối như người thu thuế tội lỗi (Lc 18,9-14).

. Cầu nguyện không ngừng (Lc 19,1).

. Cầu nguyện chung với người khác (Mt 18, 19).

. Nhận biết ân huệ của Thiên Chúa (Ga 4,10).

. Xin những sự trên trời (Ga 6,27).

. Kinh Lạy Cha (Lc 11,2t ; Mt 6,9-13).

Đức Giêsu đã cảnh báo Phêrô về nguy cơ ma quỷ làm cho ông bị sa ngã, phải luôn tỉnh thức và đề cao cảnh giác: “Phêrô, ma quỷ nó sàng con như sàng gạo”. Sức riêng của loài người không thể chống lại được sức mạnh của ma quỷ, nên phải cậy nhờ vào ơn Chúa, đừng cậy vào sức riêng mình.

Về điểm này, Đức Cha Tihamer Toth đã nói chuyện với thanh niên như sau: “Bạn không muốn sao lãng những công việc bề bộn, thế thì, bạn ơi, hãy nghe tôi: Đây là chiếc tàu vượt đại dương bắt đầu mở máy giữa lúc giông tố nổi to, và một đoàn hải điểu theo bên như những tàu khác khởi hành. Chiếc tàu nọ mở hết tốc lực mà không vượt được những làn sóng dữ dội. Gió ngược mạnh vô cùng, chiếc tàu nghiêng ngả. Cả bộ máy rung chuyển, nhưng chiếc tàu chỉ tiến khó khăn được đôi chút. Một hành khách thương hại nói: “Khốn nạn đàn hải điểu. Mở máy tới hàng trăm, hàng ngàn mã lực thế mà chúng ta chỉ tiến được đôi chút thôi. Chim ơi, chim làm được gì với đôi cánh mong manh và bắp thịt yếu đuối ?”

Nhưng người hành khách thương hại bỗng nói và cảm động vô ngần: “Đàn hải điểu nhẹ nhàng bay lượn với đôi cánh Đức Chúa Trời ban cho. Chúng gối lưng lên gió vật. Và trong khi chỉ còn một việc, chỉ trông cậy có máy móc, người ta tiến rất khó khăn, rất vất vả, thì đàn hải điểu vượt nhẹ nhàng lên trước chiếc tàu với đôi cánh khéo léo, bay lượn thay cho sức yếu đuối của mình.

Bạn ơi, chiếc tàu đó là hình ảnh kẻ muốn thắng bằng sức riêng mình. Đôi cánh chim hải điểu là hai tay người ta giơ lên trong lúc cầu nguyện. Bạn có còn cho rằng thời giờ bạn nguyện ngắm là thời giờ bỏ phí không ? Bạn có còn nói rằng bạn không có thời giờ cầu nguyện không ?” (Tihamer Toth, Chúa Cứu thế với Thanh niên, tr 209).

3. Giáo huấn của Hội thánh

Việc cầu nguyện phát xuất do chức Linh mục vương giả: “Phần tín hữu nhờ chức Linh mục vương giả, cộng tác dâng Thánh lễ, và thi hành chức vụ đó trong việc lãnh nhận các bí tích, khi cầu nguyện và tạ ơn. Bằng đời sống chứng tá thánh thiện, bằng sự từ bỏ và bác ái tích cực” (Hiến chế về Giáo hối, số 10).

“Mọi người phải nhớ rằng nhờ phụng vụ và cầu nguyện, nhờ sám hối và tự ý chấp nhận công việc cũng như những khổ cực của cuộc đời làm cho nên giống Chúa Kitô đau khổ, họ mới có thể ảnh hưởng tới mọi người và đem ơn cứu độ cho toàn thế giới” (Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân, số 16).

II. CHÚNG TA VỚI SỰ CẦU NGUYỆN

1. Nói về sự cầu nguyện

a) Cầu nguyện là gì ?

Chúng ta không muốn định nghĩa sự cầu nguyện như các nhà tu đức học mà chỉ nói đơn sơ như thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu đã nói: “Con đã ở như một đứa trẻ không biết chữ: con cứ đơn sơ thật thà than thở cùng Chúa những điều con ước muốn, bao giờ con cũng được Chúa hiểu thấu tình.

Với con, cầu nguyện chỉ là một cơn lòng sốt sắng, một liếc mắt nhìn lên trời, một tiếng kêu tri âm, một lời nói tình giữa lúc phải gian nan khốn cực, cũng như khi được bình an vui sướng. Và nữa, cầu nguyện là một cái gì cao thượng, siêu nhiên cởi mở lòng, phơi giãi linh hồn, trao đổi lại tâm tình, để được kết hợp cùng Chúa cách chí thiết” (Trích Một tâm hồn, Kim Thiếu dịch, tr 204).

Cầu nguyện có thể ví như tình yêu. Chúng ta không thể học yêu qua sách vở được. Phải có phần thực hành. Cầu nguyện ví như học bơi lội. Muốn biết bơi thì phải nhào xuống nước, không thể vừa khô ráo trên bờ vừa lại biết bơi. Cầu nguyện cũng như việc học gia chánh. Muốn thực tập làm các món ăn thì phải lăn vào bếp. Cầu nguyện cũng giống như việc chăm sóc mảnh vườn. Muốn có hoa đẹp thì phải trồng, phải phân bón, phải có nắng, phải tưới nước và phải chăm làm cỏ. Cầu nguyện không là một đề tài để bàn luận, nhưng là một thực tại để sống. Chúa Kitô là thầy dạy chúng ta, và tất cả chúng ta đều là học trò trong lớp “cầu nguyện”. Muốn có một đời sống sung mãn trong Chúa Kitô, chúng ta phải cầu nguyện (Thanh Thuỷ, Con đường tình yêu, tr 197).

b) Cấp độ của sự cầu nguyện

Có nhiều cách cầu nguyện. Thường thường người ta cho rằng cầu nguyện là chuyện vãn với Chúa, là một cuộc đối thoại, mình phải nói với Chúa, nói cho nhiều cho Chúa nghe. Cũng có người có ý kiến cao hơn: cầu nguyện là lắng nghe tiếng Chúa, cầu nguyện chỉ là cơ hội để Chúa nói với ta. Tất cả đều đúng.

Nhưng cầu nguyện cao nhất là sự thinh lặng tuyệt đối, trong đó chẳng ai nói mà cũng chẳng ai nghe, vì lúc đó giữa Chúa và ta có một sự kết hợp mật thiết rồi, một sự kết hợp cao độ đến nỗi không còn phân biệt giữa Chúa và ta nữa. Tư tưởng này đã được Cha Anthony de Mello diễn tả trong câu chuyện sau đây:

Truyện: Sự im lặng tuyệt đối

Sau một ngày học hành mệt nhọc, người bạn trẻ thường có thói quen ghé ngang qua nhà thờ để viếng Chúa, và lần nào cũng bắt gặp một cụ già ngồi yên lặng trước Thánh Thể trong nhà tạm. Ngày kia, người bạn trẻ chờ cho cụ cầu nguyện xong, tiến đến gần và hỏi:

– Cụ ngồi lâu giờ như vậy, có nghe Chúa nói gì với cụ không ?

Cụ già chậm rãi trả lời:

– Chúa không nói gì hết, Ngài chỉ nghe thôi.

– Vậy thì cụ nói những gì với Chúa ?

– Lão cũng chẳng nói gì cả, chỉ nghe thôi.

Thấy người bạn trẻ có vẻ ngỡ ngàng, cụ nói tiếp:

– Lão thấy có 4 giai đoạn trong đời sống cầu nguyện. Thời gian đầu thì lão nói, Chúa nghe, sau đó thì Chúa nói, lão nghe. Giai đoạn kế tiếp thì không ai nói hết, vì cả hai cùng nghe và có lẽ giai đoạn cuối là lúc không ai nói mà cũng không ai nghe. Tất cả chỉ là một sự thinh lặng tuyệt đối (Dựa theo truyện của Anthony de Mello, Taking Flight).

Một trong những yếu tố quan trọng trong việc cầu nguyện là sự thinh lặng. Chúng ta cần sự thinh lặng, vì chính trong sự thinh lặng này – một sự thinh lặng mà người “hướng ngoại” không thể nào chịu nổi – Chúa Cha sẽ nói với ta lời của Ngài, Chúa Kitô sẽ chia sẻ với chúng ta ý nghĩa của mầu nhiệm Chết và Phục sinh của Người, và Chúa Thánh Thần sẽ thôi thúc để chúng ta tìm ra đường hướng Chúa muốn chúng ta đi. Ngày nay, con người dường như rất sợ sự thinh lặng, do đó con người tạo ra trăm ngàn cớ để chạy trốn cái giây phút tĩnh lặng trước mặt Chúa, Đấng lột trần cho thấy sự hư vô tột cùng của kẻ từ chối chấp nhận mình nghèo khó và yếu đuối. (Thanh Thuỷ, op.cit. tr 203-204)

c) Cầu nguyện rất cần thiết

Việc cầu nguyện có thể ví được như cách điều chỉnh radio và vô tuyến truyền hình. Chúa và ân sủng của Ngài lúc nào cũng sẵn sàng, bàng bạc khắp không gian như luồng điện. Con người nào không cầu nguyện cũng ví như máy thu thanh và vô tuyến truyền hình không bao giờ dùng tới. Muốn cho các máy đó bắt đúng luồng sóng, đúng tần số, ta cần điều chỉnh nhẹ nhàng, trong thinh lặng để các máy đó bắt đúng tần số; bằng không, vẫn chơ vơ một mình, đơn chiếc, lẻ bóng và chẳng ích lợi gì.

Hơn nữa, việc cầu nguyện còn có thể ví như “xạc” bình điện. Chúng ta ưa phóng ngoại, để chạy theo những cái hào nhoáng, những hấp dẫn bên ngoài, thích chạy trên chính mình, chẳng khác gì bình điện xài luôn nên hết điện, hết năng lực. Thế nên cần phải có thời gian nghỉ ngơi, thinh lặng để “sạc” lại bình, để hấp thụ và để bắt liên lạc với chính nguồn điện lực.

Giờ cầu nguyện là lúc bồi dưỡng, chuyển hóa, thăng hoá chính bản thân mình như bắt lại với chính nguồn là Thiên Chúa, chính Thánh Thần là Tình Yêu, để ta được gọi Thiên Chúa là Cha (Rm 8,1-5; Gl 5,22-26). Nhờ đó con người được đổi mới (Cl 3,9-11) tìm lại được con người nội tâm (Rm 7,22) của chúng ta. Tìm gặp, biến thể và hòa đồng với chính Tình yêu.

Thật vậy, ta có thể nhận ra và cảm nghiệm được kết quả của việc cầu nguyện qua biến thể tâm hồn và đổi mới của thiếu phụ Samaria bên bờ giếng Giacóp; hoặc như hai môn đệ đi Emmau trong lúc lòng buồn và chán nản, xa rời tập thể, thế mà sau khi đã tâm sự với Chúa cải trang thành bộ hành, các ông đã nhận ra Chúa, tìm lại niềm tin vui và vội vã trở về với cộng đoàn (Lc 24,13-35) (Thái Hoà, Cải tiến Công giáo VN, số 7-8, tr 130-131).

                                                Truyện: Luther bỏ cầu nguyện

Tại bảo tàng viện ở Wittenberg (Đức) người ta còn lưu giữ một lá thư của một tu sĩ dòng Augustinô rất thời danh, mới 35 tuổi, đã làm tới chức Giám tỉnh. Bức thư như sau: “Tôi quá bận rộn, phải đi dạy học, giảng thuyết, viết sách, tôi làm quản lý, bắt cá ở hồ… nên không có giờ đọc kinh, không có giờ nguyện gẫm, không có giờ dọn mình dâng Thánh lễ, có lúc phải bỏ luôn cả lễ…” Vị cựu tu sĩ thời danh ấy là ai ? Là Luther, người đã khởi xướng lên chủ thuyết Tin lành, ly khai khỏi Giáo hội, ra khỏi dòng, lập gia đình, lôi kéo nhiều người theo, đi vào con đường ly khai.

Tuy thế, có những người vẫn chưa công nhận sự cầu nguyện là cần thiết, mà còn bác bỏ và chê trách sự cầu nguyện. Thi sĩ Alfred de Vigny đã nói: “Thở than khóc lóc, cầu khẩn là hèn nhát”.

Phải phân biệt hai lối cầu nguyện: thụ động và chủ động. Cầu nguyện thụ động là thái độ của kẻ ươn hèn, muốn được điều lành mà không cố gắng, không làm gì cả: họ chỉ há miệng chờ sung rụng hay ôm gốc cây chờ thỏ. Trái lại cầu nguyện chủ động là tính cách của người vừa cầu nguyện vừa làm việc để đi tới mục đích mình cầu xin: Aide-toi, le Ciel t’aidera (Tục ngữ Pháp): Anh hãy tự giúp mình rồi trời sẽ giúp anh.

Câu nói trên của Alfred de Vigny chỉ đúng cho những kẻ cầu nguyện thụ động. Còn chính nhà khoa học lừng danh Alexis Carrel đã nói: “Dẫu có vẻ lạ lùng, người ta vẫn phải nhận là đúng rằng kẻ nào cầu xin sẽ được và cửa sẽ mở cho kẻ gõ”. Một nhà khoa học đã từng được giải Nobel vào năm 1912 còn tin tưởng như vậy, thì sự cầu nguyện đã rõ ràng không phải là sự mơ hồ.

Văn hào Cronin đã than thở cho những kẻ mất lòng tin tưởng, những kẻ không cầu nguyện: “Địa ngục là khi lòng mất hy vọng”. Sống là hy vọng, mà mất hy vọng thì còn sống làm sao ? Chính vì vậy, những kẻ tự tử là những kẻ không còn tin tưởng, những kẻ không biết có sự cầu nguyện.

d) Ích lợi của sự cầu nguyện

Cầu nguyện đem lại cho con người rất nhiều lợi ích cho linh hồn. Điều đó chúng ta đã nói nhiều ở trên. Cầu nguyện cũng còn lợi ích nhiều cho đời sống tâm lý và thể lý nữa. Chính những nghiên cứu của các nhà khoa học thời gian đã chứng minh điều đó.

Một hôm, một bệnh nhân trạc tuổi 40, đến gõ cửa phòng mạch bác sĩ. Người bệnh nói:

– Đã lâu rồi tôi mắc bệnh mất ngủ. Tôi đã uống nhiều loại thuốc an thần, thuốc ngủ. Ban đầu uống một viên, sau đó uống hai viên. Hiện giờ tôi uống những ba viên mà cũng chẳng tài nào ngủ được. Hết muốn sống.

Bác sĩ là một người Công giáo, liền cho một toa thuốc an thần, thật bất ngờ, lại không mất tiền mua:

– Từ nay ông đừng uống thuốc ngủ nữa. Thế vào đó, trước khi lên giường, ông hãy đọc một câu kinh sốt sắng, và dâng phú những lo lắng của ông vào lòng Thượng Đế.

Đã lâu lắm, bệnh nhân chẳng hề đọc kinh chiều. Tối hôm ấy, chàng áp dụng toa thuốc của bác sĩ đã cho một cách nghiêm chỉnh.

Một tuần lễ sau, thần kinh bớt căng thẳng, chàng được lành mạnh, ăn ngon ngủ ngon và làm việc như thường lệ.

Bác sĩ Carl Jung cho biết: “Trong 30 năm trời gần đây, có nhiều người từ các nước văn minh tới phòng mạch của tôi. Tôi nhận thấy rằng những bệnh nhân trên 35 tuổi, rốt cuộc người nào cũng phải tìm một giải pháp tôn giáo mới hết bệnh. Họ đau vì mất quân bình, mất tin tưởng”.

Giải pháp ông nói đây rõ ràng là CẦU NGUYỆN (Viết theo Vũ Minh Nghiễm, Sống sống, tr 44-45)

2. Thực hành cầu nguyện

Đức Giêsu đã cầu nguyện rất nhiều trong công cuộc truyền giáo. Tuy rất bận rộn với công việc rao giảng, chữa bệnh, trừ quỷ và tiếp xúc với mọi hạng người, nhưng Ngài không quên cầu nguyện, Ngài tranh thủ những lúc vắng vẻ, những đêm tĩnh lặng để tiếp xúc với Cha Ngài. Ngài đã làm gương cho chúng ta về sự cầu nguyện và còn thúc giục chúng ta cầu nguyện. Do đó, chúng ta không còn hoài nghi về sự cần thiết và ích lợi của sự cầu nguyện.

Hãy theo gương Đức Giêsu mà cầu nguyện trong đời sống hằng ngày, mặc dầu chúng ta rất bận rộn với công việc. Trong khi cầu nguyện chúng ta hãy lưu ý đến hai điểm này:

a) Cầu nguyện đơn sơ

Chúa không đòi chúng ta phải cầu nguyện bằng những lời lẽ hoa mỹ hay bằng những hình thức gò bó, mất tự nhiên, nhưng hãy cầu nguyện đơn sơ như một em bé nói chuyện với cha mình, nói lên tất cả tâm tình của mình, nói lên những việc lớn cũng như việc nhỏ trong cuộc sống, cầu nguyện như thánh nữ Têrêsa Hài đồng đã làm.

Về điểm này Cha Charles khuyên:

“Khi bạn quỳ gối trước nhan Chúa, bạn đừng xua đuổi những cái khác ra ngoài, nhưng hãy làm ngược lại. Khi bạn thưa chuyện với Chúa Giêsu Kitô, bạn đừng bỏ bớt ba phần tư từ ngữ quen dùng của bạn đi, bạn đừng dùng những từ ngữ ít gặp và đừng tránh không nói đến những chuyện tầm thường. Đừng giả vờ biến thành một người khác. Bạn hãy dám thưa với Chúa Giêsu rằng: “Bạn bị nhức đầu, bạn bị bực mình khó chịu, bạn làm bữa cho gia đình trễ quá rồi” (Charles, La prière de toutes les heures, tr 10).

Cũng cần lưu ý thêm khi cầu nguyện trong những biến cố quan trọng:

Dĩ nhiên rằng khi một biến cố quan trọng xảy ra, nhất là một thử thách xảy đến trong đời bạn, bạn đem ra thưa với Chúa trong kinh nguyện của bạn, nhưng đàng khác cũng có một nguy hiểm. Nguy hiểm ở chỗ không đưa vào kinh nguyện của bạn hàng ngàn chuyện lặt vặt xảy ra hàng ngày, nhưng quan trọng đối với bạn và làm thành những đường chính yếu dệt nên đời sống độc điệu của bạn” (Gaston Dutil, Đạo trong đời bạn, tr 29).

b) Làm việc và cầu nguyện

Thường người ta quan niệm rằng làm việc và cầu nguyện là hai việc khác nhau, có khi đối chọi nhau. Người ta tưởng rằng cầu nguyện là phải chu chu chăm chắm, nhắm mắt nhắm mũi lại mà cầu nguyện, chứ còn làm việc nữa thì làm sao mà gọi là cầu nguyện được ? Thực ra, với lòng yêu mến, chúng ta có thể biến tất cả công việc làm của chúng ta thành kinh nguyện. Như thế, suốt ngày làm việc của chúng ta là một lời kinh nguyện dâng lên Chúa. Cần nhất ban sáng khi thức dậy, chúng ta đã dâng lên Chúa mọi công việc trong ngày, thì mọi việc trong một ngày có thể trở thành kinh nguyện liên miên.

Truyện: Cầu nguyện và làm việc

Một ông cụ già dẫn một thanh niên xuống thuyền của mình. Thuyền này có hai mái chèo: một cái đề chữ “cầu nguyện”, một chiếc khác có đề hai chữ “làm việc”.

Người thanh niên nói kháy cụ già:

– Ông cụ ơi, chèo thế này chậm lắm. Người đã làm việc thì không cần cầu nguyện nữa (có ý nói: chỉ cần chèo một chiếc chèo có chữ “làm việc” thôi).

Ông cụ không nói gì, chỉ buông chiếc chèo có hai chữ “cầu nguyện” ra thôi, rồi cứ chèo chèo chiếc có hai chữ “làm việc” kia.

Ông cụ cứ cố sức chèo nhưng thuyền không đi được bước nào, chỉ quay tròn đi thôi.

Thấy thế người thanh niên kia mới hiểu rằng, ngoài chiếc chèo làm việc ra, còn cần phải có chiếc chèo cầu nguyện nữa, thuyền mới đi được.

(GM Tihamer Toth, Dieu, La Providence, Sermons, tr 81)

Gaston Dutil nói một cách quả quyết: “Ngày nào mà bạn đem tất cả đời sống bạn vào lời cầu nguyện, thì bạn sẽ thấy ngày ấy bạn say mê cầu nguyện”.

 

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)

CHÚNG TA HÃY ĐI NƠI KHÁC

Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay tiếp nối bài tuần trước,

cho ta thấy Đức Giêsu đã sống một ngày sabát như thế nào.

Ngài đã đến hội đường Caphácnaum, đọc Sách Thánh.

Bỗng nhiên có chuyện xảy ra (Mc 1,23-27).

Một người bị thần ô uế nhập, la to trong hội đường.

Đức Giêsu quát mắng nó và bắt nó phải xuất ra.

Nó vâng lời nhưng đã thét lên một tiếng lớn trước khi xuất.

Chuyện ồn ào náo động xảy ra ở đây là chuyện bất ngờ,

bất ngờ với mọi người, và cả với Đức Giêsu.

Khi việc phục vụ ở hội đường đã hoàn tất,

Đức Giêsu và bốn anh môn đệ ngư phủ về lại nhà của Simôn.

Có lẽ mọi người chờ một bữa cơm trưa.

Tiếc thay bà mẹ vợ của Simôn lại đang sốt, nằm trên giường.

Sau khi nghe về tình trạng sức khỏe của bà,

Đức Giêsu quyết định làm phép lạ chữa bệnh đầu tiên.

Ngài lại gần, chẳng nói gì, chỉ cầm lấy tay bà và nâng dậy.

Lạ thay, cơn sốt lui đi, bà khỏe lại và lo dọn bữa cho cả nhóm.

Chữa bệnh cho bà mẹ vợ ông Simôn cũng là chuyện bất ngờ,

nằm ngoài dự kiến của Thầy Giêsu.

Thầy có biết rằng khi ngày sabát đã kết thúc

thì có cả một đoàn người chờ đợi Thầy ngoài cửa không ?

Họ đau đủ thứ bệnh tật, họ bị hành hạ bởi quỷ ô uế.

Họ cần một người chữa lành, cần một người trừ quỷ.

Họ từ nhiều nơi kéo đến vì đã nghe danh Thầy.

Thầy Giêsu hẳn đã phục vụ họ từ khi mặt trời lặn đến khuya.

Nhưng số người chờ đợi vẫn còn nhiều, mà sức thì có hạn.

Trước mắt Thầy là cả một thế giới khổ đau mênh mông

đến độ Thầy cảm thấy bất ngờ và quá tải.

Có ai nâng đỡ Thầy trong sứ vụ này không ?

Đức Giêsu không chỉ bị bất ngờ bởi những chuyện xảy ra,

Ngài còn có thể vô tình hay cố ý tạo ra những bất ngờ.

Sau một giấc ngủ tương đối ngắn,

Ngài đã thức dậy sớm, ra khỏi nhà khi trời còn tối mịt.

Ở nơi vắng vẻ, Ngài gặp Đấng đã sai mình, để được nâng đỡ.

Các môn đệ thức dậy, không thấy Thầy, hốt hoảng đi kiếm.

Phải một thời gian sau họ mới tìm được nơi Thầy cầu nguyện.

Họ chỉ mong ép Thầy về nhà, để tiếp tục công việc tối qua.

Thầy Giêsu đã làm môn đệ bất ngờ khi từ chối trở về.

Lần đầu tiên, Thầy không chiều theo ý họ.

“Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc xung quanh,

để Thầy còn rao giảng ở đó nữa” (Mc 1,38).

Thầy Giêsu kéo họ ra khỏi ngôi nhà ở Caphácnaum.

Có thể đây là ngôi nhà của Simôn và gia đình ông đang ở.

Thầy đòi họ ra đi, dù đám đông bệnh nhân vẫn đang chờ.

Sứ mạng Cha giao không cho phép Thầy dừng lại,

nên các môn đệ cũng phải đi theo Thầy.

Một ngày sa bát của Đức Giêsu ở Caphácnaum đã trôi qua.

Một ngày với những bất ngờ không tính trước được.

Nói cho cùng, ngày nào của Ngài cũng đầy bất ngờ.

Mỗi bất ngờ là một cuộc hẹn của Thiên Chúa.

Đức Giêsu đã bình an đón lấy những bất ngờ mỗi ngày.

Ngài không cứng nhắc trong chương trình do mình ấn định,

nhưng để Cha từ từ dẫn đi từng bước.

Chúng ta có chấp nhận những bất ngờ khó chịu,

những điều làm vỡ kế hoạch mỗi ngày của ta không ?

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,

Mỗi ngày con gặp bao chuyện bực mình.

Có những chuyện xảy ra làm con không vừa ý,

khiến ngày sống của con vắng bóng niềm vui.

Làm sao con có thể đón nhận mọi sự

với nụ cười bao dung,

và coi những trắc trở

như chuyện bình thường của cuộc sống ?

Làm sao con dám tin rằng

Chúa vẫn giúp con tìm thấy ý Chúa

qua những chuyện không vui,

đòi con từ bỏ cái tôi,

qua những chuyện không may,

làm con giật mình tỉnh ngộ ?

Xin cho con bình an trước vấp váp của con,

và nhẹ nhàng trước vấp váp của người khác.