“Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng,
còn lòng chúng thì lại xa Ta.” (Mc 7, 6)
BÀI ĐỌC I: Đnl 4, 1-2. 6-8
“Các ngươi hãy tuân giữ các giới răn và đem thực hành bằng việc làm”.
Trích sách Đệ Nhị Luật.
Môsê nói với dân chúng rằng: “Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà ta dạy bảo các ngươi phải thực hành, để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi. Các ngươi chớ thêm bớt điều gì trong các điều ta đã truyền, nhưng hãy tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi mà ta đã truyền dạy các ngươi. Các ngươi phải tuân giữ và thực hành, vì đó là sự khôn ngoan và sáng suốt của các ngươi trước mặt muôn dân, để khi nghe nói đến tất cả các lề luật ấy, họ nói: ‘Thật, dân tộc vĩ đại này là một dân khôn ngoan và sáng suốt’. Không một dân tộc nào được các thần ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên Chúa chúng ta, ở bên cạnh chúng ta, khi chúng ta kêu cầu Người. Có dân tộc thời danh nào khác có lễ nghi, huấn lệnh công chính, và bộ luật như ta trình bày trước mặt các ngươi hôm nay không?”
“Vậy các ngươi hãy ý tứ và giữ mình. Trong suốt đời các ngươi đừng quên và đừng để lòng xao lãng những điều các ngươi đã thấy. Hãy dạy cho con cháu các ngươi biết các điều ấy”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 4c-5
Đáp: Lạy Chúa, ai sẽ được ở trong đền tạm Chúa? (c. 1a)
Xướng:
1) Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống. – Đáp.
2) Người không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa. – Đáp.
3) Người dẫu thề điều chi bất lợi, cũng không thay đổi, không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Gc 1, 17-18. 21b-22. 27
“Anh em hãy thực thi lời đã nghe”.
Trích thư Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do tự trời, bởi Cha sáng láng ban xuống, nơi Người không có thay đổi và cũng không có bóng dáng sự thay đổi. Người đã muốn sinh ra chúng ta bằng lời chân thật, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các tạo vật.
Cho nên anh em hãy khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy gian ác, anh em hãy ngoan ngoãn nhận lãnh lời đã gieo trong lòng anh em, lời có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy thực thi lời đã nghe, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.
Lòng đạo đức trong sạch và tinh tuyền đối với Thiên Chúa Cha là: thăm viếng cô nhi quả phụ trong cơn quẫn bách, và giữ mình khỏi mọi ô uế đời này.
Đó là lời Chúa.
Tin mừng: Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23
1 Có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. 2 Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa.
3 Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; 4 thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng.
5 Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” 6 Người trả lời họ: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.7 Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.8 Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.”
14 Sau đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: 15 Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.
21 Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, 22 ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. 23 Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”
WHĐ (29/8/2024) – Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa Nhật 22 Thường Niên năm B theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.
Số 577-582: Đức Kitô và Lề Luật Số 1961-1974: Luật cũ và Tin Mừng Bài Ðọc I: Ðnl 4, 1-2. 6-8 Bài Ðọc II: Gc 1, 17-18. 21b-22. 27 Phúc Âm: Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23 |
Số 577-582: Đức Kitô và Lề Luật
Số 577. Khởi đầu Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đưa ra một giáo huấn long trọng trong đó Người trình bày Lề luật, đã được Thiên Chúa ban tại Sinai dịp Giao Ước đầu tiên, dưới ánh sáng của ân sủng của Giao Ước Mới:
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môisen hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành, và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời” (Mt 5,17-19).
Số 578. Chúa Giêsu, Đấng Messia của Israel, do đó là người lớn nhất trong Nước Trời, đã phải chu toàn Lề luật, khi tuân giữ toàn bộ Lề luật, theo chính lời Người nói, cho đến cả những điều răn nhỏ nhất. Nói cho đúng, chính Người là Đấng duy nhất đã có thể làm điều này một cách trọn hảo[1]. Những người Do Thái, theo chính họ thú nhận, đã không bao giờ có thể chu toàn trọn bộ Lề luật mà không vi phạm một điều răn nhỏ nhất nào[2]. Vì vậy trong lễ Xá Tội hằng năm, con cái Israel cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho những lỗi phạm Lề luật của họ. Thật vậy, Lề luật tạo thành một tổng thể và, như thanh Giacôbê nhắc nhở, “ai tuân giữ tất cả Lề luật, mà chỉ sa ngã về một điểm thôi, thì cũng thành người có tội về hết mọi điểm” (Gc 2,10)[3].
Số 579. Những người Pharisêu rất trọng nguyên tắc tuân giữ toàn bộ Lề luật, không những chỉ theo văn tự, mà cả theo tinh thần nữa. Khi nêu nguyên tắc đó cho Israel, họ đã dẫn đưa nhiều người Do Thái thời Chúa Giêsu tới việc hết sức nhiệt thành giữ đạo[4]. Điều này, nếu không bị phá huỷ do việc xét đoán mọi sự cách “giả hình”[5], thì nhất định đã chuẩn bị cho dân hướng tới sự can thiệp chưa từng thấy của Thiên Chúa, là việc thi hành trọn vẹn Lề luật sẽ được hoàn thành bởi Đấng Công Chính duy nhất thay cho mọi tội nhân[6].
Số 580. Việc chu toàn Lề luật cách trọn hảo chỉ có thể được thực hiện bởi Đấng ban hành Lề luật của Thiên Chúa, là Ngôi Con, được sinh ra dưới Lề luật[7]. Nơi Chúa Giêsu, Lề luật không còn được ghi trên bia đá nữa, nhưng “vào lòng dạ” và “vào tâm khảm” (Gr 31,33) của Người Tôi Trung, là người, vì đã “trung thành làm sáng tỏ công lý” (Is 42,3), nên được đặt làm “Giao Ước với dân” (Is 42,6). Chúa Giêsu chu toàn Lề luật cho đến độ đảm nhận trên mình “lời nguyền rủa của Lề luật”[8] mà những ai “không bền chí thi hành tất cả những gì được chép trong sách Luật” đã chuốc lấy[9], bởi vì Đức Kitô đã chịu chết “mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời Giao Ước Cũ” (Dt 9,15).
Số 581. Trước mắt người Do Thái và các nhà lãnh đạo tinh thần của họ, Chúa Giêsu xuất hiện như một “kinh sư”[10]. Người thường tranh luận về cách giải thích Lề luật của các kinh sư[11]. Nhưng đồng thời, Chúa Giêsu tất yếu phải đối đầu với những tiến sĩ Luật bởi vì khi trình bày cách giải thích của mình, Người không tự giới hạn trong những cách giải thích của họ; “vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ” (Mt 7,28-29). Nơi Người, cùng một Lời của Thiên Chúa đã từng vang lên trên núi Sinai để ban hành Lề luật được ghi khắc cho ông Môisen, nay lại vang dội trên núi Bát Phúc[12]. Đấng là Ngôi Lời không bãi bỏ, nhưng kiện toàn Lề luật, bằng cách đưa ra lời giải thích tối hậu với một uy quyền thần linh: “Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng…. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết” (Mt 5,33-34). Chính Người, với cùng một thẩm quyền thần linh ấy, phủ nhận một số “truyền thống của người phàm”[13] (Mc 7,8) của nhóm Pharisêu, vì những truyền thống đó hủy bỏ Lời Thiên Chúa[14].
Số 582. Đi xa hơn nữa, Chúa Giêsu còn kiện toàn Lề luật về sự thanh sạch của các thức ăn, một điều hết sức quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của người Do Thái, khi Người cho thấy ý nghĩa “quản giáo” của luật ấy[15] bằng lời giải thích thần linh: “Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế…. Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch…. Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu” (Mc 7,18-21). Khi lấy thẩm quyền thần linh mà đưa ra lời giải thích tối hậu về Lề luật, Chúa Giêsu ở trong tình thế đối nghịch với một số kinh sư không chấp nhận lời giải thích của Người, mặc dù lời giải thích này được củng cố bằng những dấu lạ thần linh kèm theo[16]. Điều này đặc biệt đúng, trong vấn đề ngày sabat. Chúa Giêsu thường dựa trên chính lập luận của các kinh sư[17], để nhắc nhở rằng luật nghỉ ngơi ngày sabat không bị vi phạm khi phục vụ Thiên Chúa[18] hay phục vụ người lân cận[19], như trường hợp các lần Người chữa lành.
Số 1961-1974: Luật cũ và Tin Mừng
Số 1961. Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá và Đấng Cứu Độ của chúng ta, đã chọn Israel như dân riêng của Ngài, và đã mạc khải cho họ Lề Luật của Ngài và như vậy chuẩn bị cho cuộc Ngự đến của Đức Kitô. Luật Môisen diễn tả nhiều chân lý mà lý trí có thể đạt tới một cách tự nhiên. Người ta gặp được các chân lý này được công bố và được chứng thực trong Giao ước cứu độ.
Số 1962. Luật cũ là cấp độ đầu tiên của Lề Luật được mạc khải. Các quy định luân lý của luật cũ được tóm lại trong Mười Điều Răn. Các mệnh lệnh của Mười Điều Răn đặt nền tảng cho ơn gọi của con người, vốn được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Các điều răn đó ngăn cấm những gì nghịch lại tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với người lân cận, và quy định những đòi hỏi căn bản của tình yêu đó. Mười Điều Răn là ánh sáng được ban tặng cho lương tâm của mỗi người, giúp họ nhận ra lời kêu gọi của Thiên Chúa, và những con đường Ngài biểu lộ cho họ, và bảo vệ họ khỏi điều xấu:
“Thiên Chúa đã viết trên các bảng Luật, tất cả những gì mà con người không đọc nổi trong trái tim họ”[20].
Số 1963. Theo truyền thống Kitô giáo, Lề Luật thì thánh thiện[21], thiêng liêng[22], và tốt lành[23], nhưng vẫn chưa trọn hảo. Như một nhà sư phạm[24], luật đó cho thấy điều phải làm, nhưng tự nó không ban sức mạnh, ân sủng của Thần Khí để người ta chu toàn nó. Vì không xóa được tội lỗi, nên luật cũ vẫn còn là luật của tình trạng nô lệ. Theo thánh Phaolô, luật cũ có nhiệm vụ tố cáo và vạch trần tội lỗi, vì tội lỗi tạo ra thứ “luật của dục vọng”[25] trong trái tim con người. Tuy nhiên, Lề Luật vẫn là chặng đầu tiên trên con đường dẫn đến Nước Trời. Nó chuẩn bị và giúp dân Chúa chọn và mỗi Kitô hữu sẵn sàng để hối cải và tin vào Thiên Chúa Cứu Độ. Với tính cách là lời của Thiên Chúa, Luật cũ đem lại đạo lý tồn tại đến muôn đời.
Số 1964. Luật cũ là một sự chuẩn bị nào đó cho Tin Mừng. “Lề Luật là môn sư phạm và lời tiên báo về các điều sẽ đến”[26]. Luật cũ nói tiên tri và báo trước công trình giải phóng khỏi tội lỗi sẽ được hoàn thành với Đức Kitô, cung cấp cho Tân Ước những hình ảnh, “những tiên trưng”, những biểu tượng, để diễn tả đời sống theo Thần Khí. Cuối cùng, luật được kiện toàn bởi đạo lý của các sách khôn ngoan và các Tiên Tri, các vị này quy hướng luật cũ tới Giao ước Mới và Nước Trời.
“Dưới chế độ của Giao Ước Cũ, nhiều người đã có được đức mến và ân sủng của Chúa Thánh Thần và mong chờ những lời hứa thiêng liêng và vĩnh cửu. Và nhờ đó, họ đã được liên kết với Luật mới. Ngược lại, trong thời Giao Ước Mới, lại có những con người vẫn sống theo xác thịt, chưa đạt tới sự trọn hảo của Luật mới, vậy những người trong thời Giao Ước Mới này phải được dẫn tới các công việc nhân đức bằng sự sợ hãi các hình phạt, và bằng những lời hứa trần thế nào đó. Dù Luật cũ có dạy các điều răn của đức mến, nhưng Chúa Thánh Thần không được ban xuống nhờ luật đó, mà nhờ Chúa Thánh Thần, ‘Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta’ (Rm 5,5)”[27].
Số 1965. Luật mới hay Luật Tin Mừng là sự trọn hảo nơi trần thế của Luật thần linh, tự nhiên và được mạc khải. Đây là công trình của Đức Kitô, được trình bày cách đặc biệt trong Bài giảng trên núi. Đây cũng là công trình của Chúa Thánh Thần, và nhờ Ngài, nó trở thành luật nội tâm của đức mến: “Ta hoàn thành một Giao Ước Mới với nhà Israel và nhà Giuđa…. Ta sẽ ghi vào lòng trí chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng còn chúng sẽ là Dân của Ta” (Dt 8,8.10)[28].
Số 1966. Luật mới là ân sủng của Chúa Thánh Thần được ban cho các tín hữu nhờ tin vào Đức Kitô. Luật này hoạt động nhờ đức mến, và dùng Bài giảng trên núi của Chúa để dạy chúng ta điều phải làm, và dùng các bí tích để truyền thông ân sủng giúp chúng ta thực hiện điều đó:
“Nếu ai sốt sắng và bình tâm suy niệm bài giảng được Chúa chúng ta là Chúa Giêsu Kitô công bố trên núi, như chúng ta đọc trong sách Tin Mừng theo thánh Matthêu, tôi nghĩ rằng người đó sẽ gặp được ở đó, vì là những lời răn dạy tốt nhất, một quy luật trọn hảo của đời sống Kitô hữu. Bài giảng này chứa đựng tất cả những mệnh lệnh mà nhờ đó đời sống Kitô hữu được nặn đúc nên”[29].
Số 1967. Luật Tin Mừng hoàn thành[30], tinh luyện, vượt qua và kiện toàn Luật cũ. Trong các mối phúc, Luật mới hoàn thành các lời hứa thần linh khi nâng cao chúng lên và quy hướng chúng về “Nước Trời”. Luật Tin Mừng dành cho những ai sẵn sàng đón nhận niềm hy vọng mới này với lòng tin: những người nghèo, người khiêm tốn, người đau khổ, người có trái tim trong sạch, người bị bách hại vì Đức Kitô, như vậy Luật Tin Mừng phác hoạ những con đường chưa từng thấy của Nước Trời.
Số 1968. Luật Tin Mừng hoàn thành các mệnh lệnh của Lề Luật. Bài giảng của Chúa không hủy bỏ hay làm giảm giá trị các quy định luân lý của Luật cũ, nhưng rút ra những sức mạnh còn ẩn kín của chúng, và làm cho từ nơi chúng phát sinh ra những đòi hỏi mới: Luật Tin Mừng mạc khải toàn bộ chân lý thần linh và nhân linh của Luật cũ. Luật mới không thêm những mệnh lệnh mới từ bên ngoài, nhưng đi đến chỗ biến đổi gốc rễ của các hành vi, là trái tim, nơi con người chọn lựa giữa thanh sạch và ô uế[31], nơi hình thành đức tin, đức cậy, đức mến, và cùng với chúng, các nhân đức khác. Như vậy, Tin Mừng đưa Lề Luật tới sự viên mãn của nó nhờ bắt chước sự trọn hảo của Cha trên trời[32], nhờ việc tha thứ cho kẻ thù và cầu nguyện cho những người bách hại, giống như lòng quảng đại của Thiên Chúa[33].
Số 1969. Luật mới thực thi các hành vi tôn giáo: bố thí, cầu nguyện và chay tịnh, khi quy hướng các việc đó về “Chúa Cha, Đấng thấu suốt những gì kín đáo”, khác với những người muốn “được người ta thấy”.[34] Lời cầu nguyện của Luật mới là kinh “Lạy Cha”[35].
Số 1970. Luật Tin Mừng bao hàm sự chọn lựa dứt khoát giữa “hai con đường”[36], và thực hiện các lời dạy của Chúa[37]; Luật Tin Mừng được tóm lược trong khuôn vàng thước ngọc: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môisen và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12)[38].
Toàn bộ Luật Tin Mừng được chứa đựng trong điều răn mới của Chúa Giêsu[39], là chúng ta hãy yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta[40].
Số 1971. Phải thêm vào bài giảng của Chúa giáo lý luân lý trong giáo huấn của các Tông Đồ, như các đoạn Rm 12-15; 1 Cr 12-13; Cl 3-4; Ep 4-5; v.v…. Giáo huấn này lưu truyền đạo lý của Chúa với quyền bính của các Tông Đồ, đặc biệt trong việc trình bày các nhân đức xuất phát từ đức tin vào Đức Kitô và là các nhân đức được đức mến, hồng ân chủ yếu của Chúa Thánh Thần, làm cho sinh động. “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ…. thương mến nhau với tình huynh đệ… Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà” (Rm 12,9-13). Giáo lý này cũng dạy chúng ta giải quyết những vấn đề lương tâm dưới anh sáng của mối tương quan giữa chúng ta với Đức Kitô và với Hội Thánh[41].
Số 1972. Luật mới được gọi là luật của tình yêu, bởi vì dạy chúng ta hành động vì tình yêu mà Chúa Thánh Thần tuôn đổ, hơn là vì sợ hãi; Luật mới được gọi là luật của ân sủng, bởi vì mang lại sức mạnh của ân sủng để hành động nhờ đức tin và các bí tích; Luật mới được gọi là luật của sự tự do[42], bởi vì giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc về nghi thức và pháp lý của luật cũ, khiến chúng ta sẵn sàng tự nguyện hành động theo sự thúc đẩy của đức mến, và sau hết làm cho chúng ta chuyển từ thân phận của một tôi tớ “không biết việc chủ làm”, sang tình trạng là bạn hữu của Đức Kitô “vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15), hoặc còn tới địa vị là một người con thừa tự nữa[43].
Số 1973. Luật mới, ngoài các điều răn của mình, cũng bao gồm những lời khuyên Phúc Âm. Sự phân biệt của truyền thống giữa các điều răn của Thiên Chúa với các lời khuyên Phúc Âm được thiết lập liên quan đến đức mến, là sự trọn hảo của đời sống Kitô hữu. Các điều răn nhằm giúp tránh những gì không phù hợp với đức mến. Các lời khuyên có mục tiêu giúp tránh những gì, mặc dầu không đối nghịch, nhưng có thể ngăn cản sự phát triển của đức mến[44].
Số 1974. Các lời khuyên Phúc Âm biểu lộ sự sung mãn sống động của một đức mến không bao giờ hài lòng, vì đã không cho đi nhiều hơn nữa. Các lời khuyên chứng tỏ sự thúc đẩy của đức mến và khích động sự sẵn sàng thiêng liêng của chúng ta. Luật mới chủ yếu cốt tại các điều răn là mến Chúa yêu người. Các lời khuyên chỉ ra những con đường trực tiếp hơn, những phương tiện dễ dàng hơn và phải được thực thi tùy theo ơn gọi của mỗi người:
“Thiên Chúa không muốn mỗi người đều phải giữ tất cả các lời khuyên, nhưng chỉ những lời khuyên nào thích hợp với sự khác biệt của các nhân vị, các thời đại, các hoàn cảnh và các sức lực, như đức mến đòi hỏi; thật vậy, chính đức mến, như là nữ hoàng của mọi nhân đức, mọi giới răn, mọi lời khuyên, và cuối cùng, mọi lề luật và mọi hành động Kitô giáo, nên đức mến ban cho tất cả những điều đo chỗ đứng, trật tự, thời gian và giá trị của chúng”[45].
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: Người biệt phái và ký lục chất vấn Ðức Giêsu vì các môn đệ của Ngài không rửa tay trước khi ăn theo lệ truyền. Ðức Giêsu thẳng thắn vạch rõ cho họ từng vấn đề: Nếu so sánh luật Chúa và lệ truyền của tiền nhân, luật Chúa quan trọng và buộc phải giữ cặn kẽ hơn.
Hơn nữa, trong cách giữ luật Chúa, chỉ giữ theo hình thức chưa phải là đã giữ trọn luật. Giữ luật vì tinh thần luật – cách giữ luật đó mới hoàn chỉnh. Thiên Chúa thấu suốt tận đáy tâm hồn chúng ta. Chỉ Thiên Chúa đánh giá mới chân thật, công bình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, ở đời chúng con thường đóng kịch với nhau. Chúng con thường tô son đánh phấn khi đến với nhau. Chúng con sống hình thức, giả tạo với nhau và ngay cả với Cha. Cha là chân lý, là sự thật chắc chắn Cha không thể chấp nhận được cách sống của chúng con. Xin Cha sửa lại con người chúng con. Xin giúp chúng con biết sống chân thành với Cha, với chính chúng con và với anh chị em chúng con. Chỉ khi nào chúng con biết sống theo sự thật, chúng con mới xứng đáng là con của Cha. Chúng con cầu xin, nhờ Ðức Giêsu, Chúa chúng con. Amen.
Ghi nhớ: “Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Sái)
Phân tích
Chúa Giêsu và nhóm biệt phái cùng kinh sư tranh luận với nhau về vấn đề sạch dơ. Họ bám sát mặt chữ những quy định của luật lệ về sự phân biệt cái gì sạch cái gì dơ và về những đòi buộc phải rửa tay chân chén dĩa… Chúa Giêsu nói đó chỉ mới là sạch dơ bề ngoài, không quan trọng bằng sạch dơ trong tâm hồn: – Ngài nhận xét đạo đức của họ là chỉ đạo đức giả: “Dân này kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.” – Ngài có kết án họ lấy tập tục của loài người để thay thế lệnh truyền của Thiên Chúa. Ngài lấy tục lệ Corban ra làm thí dụ điển hình: Corban là của dâng cúng cho Thiên Chúa. Mặc dù Xh 20, 12 buộc con cái phải phụng dưỡng cha mẹ. Nhưng để khuyến khích người ta đóng góp cho đền thờ, biệt phái và kinh sư đã dạy rằng nếu ai khấn hứa đem những gì phải giúp cha mẹ để dâng cho Đền thờ thì không còn phải giúp cha mẹ nữa. Quả thật đây là một cách bóp méo Lời Chúa.
Suy gẫm
1. Những sai lầm của biệt phái và kinh sư cũng là những sai lầm chúng ta dễ mắc phải: – Dễ tưởng mình đã là người “công chính” rồi -Từ đó, dễ phê phán những người khác không được “công chính” như mình. Thực ra, sống công chính là một mục tiêu phải phấn đấu suốt đời mà cũng chưa chắc đạt tới. Lời Chúa Giêsu khiển trách họ cũng là một lời khuyên chúng ta lo tu luyện bản thân hơn là để ý so sánh và phê phán người khác.
2. Giữ hình thức bề ngoài dễ hơn sống tinh thần bên trong. Rất tiếc nhiều người mới lo được vẻ bề ngoài thì vội tự mãn.
3. Corban là một cái cớ mà biệt phái dựa vào để chuẩn miễn những bổn phận quan trọng. Chúng ta cũng thường có những thứ Corban của chúng ta. Nhiều khi chúng ta lấy cớ bận lo việc Chúa để trốn tránh bổn phận lo cho con người.
4. “Dân này kính Ta bằng môi miệng”:
Một bà cụ năng đến Nhà thờ cầu nguyện. Một cậu bé lấy làm ngạc nhiên liền theo dõi. Cậu nấp sau bàn thờ nghe bà cầu nguyện lớn tiếng: “Lạy Chúa, con đã già và sống đủ. Bất cứ lúc nào Ngài gọi, con sẵn sàng”.
Bà cầu nguyện suốt ba ngày cũng những lời ấy. Ngày thứ tư, sau khi bà cầu nguyện, cậu bé giả giọng nói vọng ra từ sau bàn thờ: “Ta đã nghe lời cầu xin của con, Ta sẽ đến đón con lúc chín giờ sáng mai”.
Bà về nhà, không sao ngủ được vì lo lắng về điều đã nghe. Bà không chấp nhận nổi những gì bà đã cầu nguyện.
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
LỀ LUẬT VÀ TRUYỀN THỐNG
+++
A. DẪN NHẬP
Thiên Chúa đã chọn Israel làm dân riêng của Ngài và ban cho họ Lề luật để tuân giữ. Đối với họ, nhiệt thành tuân theo Lề luật là một cách thể hiện lòng yêu mến đối với Thiên Chúa. Ai yêu mến Lề luật và đem ra thực hành được kể là người khôn ngoan vì Lề luật sẽ trở nên cho họ nguồn phát sinh sự khôn ngoan và đường dẫn tới sự sống và hạnh phúc.
Tuy nhiên, thực hành Lề luật không có nghĩa là chỉ thi hành những nghi thức bên ngoài và coi đó là xong nhiệm vụ. Những hình thức bên ngoài là cần thiết nhưng chúng chỉ là những yếu tố bổ sung và phụ thuộc, mà cái cần thiết nhất là tấm lòng. Hay nói cách khác, cần nhất là cái động lực thúc đẩy chúng ta làm. Chính cái động lực này đánh giá việc làm của chúng ta: nếu động lực tốt thì việc làm sẽ tốt, nếu động lực xấu thì việc làm sẽ xấu. Nếu việc làm mà thiếu động lực tốt thì việc làm chỉ là giả tạo và người làm việc ấy chỉ là giả hình: “Dân này thờ kính Ta bằng môi miệng, mà lòng chúng thì xa Ta” (Is 29,13).
Thiên Chúa đòi chúng ta một tấm lòng yêu mến và chân thành. Điều cốt lõi trong đạo không phải là chúng ta làm việc này việc nọ mà chính là lòng yêu mến của chúng ta đối với Chúa thúc đẩy chúng ta làm những công việc đó. Làm việc mà thiếu lòng yêu mến thì tất cả sẽ trở nên vô giá trị và vô ích. Hãy thực hiện lời thánh Augustinô: “Ama et fac quod vis”: Cứ yêu đi rồi làm gì thì làm.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Đnl 4,1-2,6-8
Ông Maisen truyền đạt cho dân Israel Lề luật của Thiên Chúa để họ đem ra thực hành. Ông căn dặn dân chúng hãy trung thành giữ Lề luật Chúa, đừng thêm cũng đừng bớt điều gì. Những thánh chỉ của Chúa không phải là gì khác ngoài cách biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Ngài, vì không có dân tộc vĩ đại nào được Thần minh ở gần như Đức Chúa của dân Do thái mỗi khi họ kêu cầu Ngài.
Do đó, những ai biết nhận ra tầm quan trọng, biết tuân giữ và biết sống theo Lề luật là những người khôn ngoan. Dân ngoại cũng phải nhận định rằng Israel là một dân tộc vĩ đại vì được Thiên Chúa ban cho họ những thánh chỉ và quyết định công minh, như tất cả Lề luật mà ông Maisen truyền lại cho họ. Giữ Lề luật là tỏ lòng yêu mến và trung thành với Đức Chúa.
+ Bài đọc 2: Gc 1,17-18.21b-22.27
Thánh Giacôbê, tác giả của lá thư này, không phải là một trong mười hai Tông đồ, nhưng là một người bà con của Đức Giêsu. Ngài lãnh trách nhiệm tổ chức và điều hành cộng đoàn Kitô hữu tại Giêrusalem. Ngài nài xin các tín hữu hãy ân cần đón nhận Lời Chúa vì Lời Chúa quả là một ân huệ to lớn. Nhưng Ngài còn thêm: đón nhận Lời Chúa chưa đủ, còn phải đem ra thực hành để được sinh hoa kết quả. Cụ thể là “thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân và giữ mình cho khỏi vết nhơ của thế gian”.
+ Bài Tin mừng: Mc 7,1-8a.14-15.21-23
Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu tranh luận với nhóm biệt phái nhiều điều, nhưng chung quy là vấn đề sạch và dơ:
– Họ dựa vào luật để quy định những cái gì sạch, cái gì dơ và từ đó buộc mọi người phải rửa tay trước khi dùng bữa.
– Họ chỉ chú trọng đến những cái gì bên ngoài dơ hay sạch chứ không chú trọng vào bên trong. Còn Đức Giêsu nhắc cho họ phải chú trọng đến vấn đề sạch dơ trong tâm hồn.
– Nhận thấy họ chỉ chú trọng vào những hình thức đạo đức bên ngoài, còn nội tâm thì trống rỗng nên Đức Giêsu coi họ chỉ là những người đạo đức giả: “Dân này thờ kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta”.
– Ngài kết án việc làm sai trái của họ: lẫn lộn luật Thiên Chúa và tập tục của tiền nhân. Sai trái hơn nữa là họ lấy tập tục của loài người để thay thế lệnh truyền của Thiên Chúa.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Thèm lòng chứ ai thèm thịt
Người đời thường nói: “Thèm lòng chứ ai thèm thịt” hoặc “Vị tình vị nghĩa, không ai vị đĩa xôi đầy”, có nghĩa là người ta đến giỗ tết hiếu hỉ, thăm nom vì quan hệ tình cảm, vì cái lòng tốt đối với nhau chứ không phải cốt để ăn uống hoặc là thèm muốn miếng thịt đem biếu nhau. Trong quan hệ hằng ngày người ta cần cái lòng tốt chứ không cần hình thức bề ngoài. Câu tục ngữ này cũng giúp chúng ta hiểu rằng khi đến với Chúa, ta không cần phải chú trọng quá vào hình thức mà cần tấm lòng của chúng ta đối với Chúa, đó là yêu Chúa và tha nhân.
I. LỀ LUẬT VÀ TRUYỀN THỐNG
Trong Cựu ước, bộ luật có tới 613 khoản, nhưng những khoản luật đó chỉ nói trên nguyên tắc, còn trong áp dụng thực hành thì người ta còn thêm vào những lời cắt nghĩa mà ta gọi là truyền thống hay truyền khẩu. Như vậy có hai thứ luật:
1. Luật thành văn
Trong hai thứ luật này có cái cổ hơn và quan trọng hơn là Lề luật thành văn. Lề luật này căn cứ trên sách Torah (Ngũ Kinh), nghĩa là 5 cuốn sách đầu tiên của Cựu ước, đôi khi còn gọi là luật Maisen. Thật ra, Ngũ kinh hàm chứa một ít quy tắc và chỉ dẫn chi tiết, nhưng về các vấn đề đạo đức, những gì được nêu lên chỉ là một loạt nguyên tắc mà người ta phải tự giải nghĩa và ứng dụng cho riêng mình. Trong một thời gian dài, dân Do thái bằng lòng với những “kiểu mẫu” này. Họ áp dụng vào đời sống vì thấy chúng thích hợp.
2. Luật truyền khẩu hay truyền thống
Tuy nhiên, đến thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, có một nhóm chuyên nghiên cứu Lề luật, dưới biệt hiệu là Luật sĩ (Kinh sư). Nhóm người này thấy những điều luật tổng quát trong bộ luật ấy quá mơ hồ, thiếu tính rõ ràng, cần phải được soạn thảo lại cho rõ ràng hơn, với nhiều chi tiết hơn. Do đó, họ muốn triển khai, phóng đại, phân tích các nguyên tắc lớn ấy biến chúng thành hàng ngàn lề luật, qui tắc nhỏ nhặt, để điều khiển từng hành động, từng hoàn cảnh của đời sống.
Các luật lệ và quy tắc ấy không hề được viết ra cho đến sau thời Chúa Giêsu một thời gian dài. Chúng vẫn được gọi là Luật truyền khẩu, đây chính là cái gọi là tương truyền của người xưa.
II. TRUYỀN THỐNG TRONG NGHI THỨC RỬA TAY
1. Tập tục rửa tay
Trong khoảng thời gian này, trong dân chúng Do thái, có rất nhiều người muốn bắt chước các tư tế của họ về sự thánh thiện bề ngoài có tính cách nghi thức. Chẳng hạn theo lề luật thành văn, mọi tư tế đều phải rửa tay khi vào nơi thánh trong đền thờ. Mục đích của luật này là tẩy rửa đi tất cả những gì là ô uế về mặt tôn giáo, để các tư tế xứng đáng thờ phượng Chúa hơn. Dần dần, dân chúng bắt chước các tư tế rửa tay trước khi cầu nguyện. Và bằng những suy nghĩ tương tự như thế, họ cũng rửa tay trước khi dùng bữa.
Có nhiều luật lệ rõ ràng và nghiêm nhặt về việc rửa tay. Trước khi dùng bữa và giữa hai món ăn, người ta phải rửa tay, và phải rửa theo một nghi thức nhất định. Để bắt đầu, phải làm cho đôi bàn tay không còn dính đất cát vôi vữa sỏi sạn vụn hay các vật tương tự. Nước rửa tay phải được đựng trong những choé đá lớn, hay bình bằng đồng, để chính chúng cũng thanh sạch theo ý nghĩa lễ nghi, và để được chắc chắn là chúng không được dùng vào việc gì khác và chẳng có vật gì rơi rớt hay lẫn lộn, pha trộn vào đó.
Nghi thức rửa tay phải như thế này: trước hết bàn tay được xoè ra, các đầu ngón tay chỉ lên trên, nước phải được đổ phía trên và chảy xuống ít nhất đến cổ tay. Lượng nước tối thiểu phải dùng là một phần tư log, tương đương với số nước đựng đầy một vỏ quả trứng rưỡi. Trong lúc bàn tay vẫn còn ướt phải rửa bàn tay này bằng mu bàn tay kia. Đây là cách giải nghĩa cách thức rửa tay bằng mu bàn tay kia: mu bàn tay này phải kỳ cọ vào lòng bàn tay kia và toàn thể bề mặt của bàn tay kia. Như thế có nghĩa là trong giai đoạn này, hai bàn tay đã ướt nước, nhưng bây giờ nước đó đã bị dơ, vì đã tiếp xúc với hai bàn tay dơ rồi. Một lần nữa phải chụp các ngón tay lại, chúc xuống dưới rồi đổ nước lên, sao cho nước từ cổ tay chảy xuống khắp các đầu ngón tay. Sau khi đã làm đúng như thế, thì đôi tay mới được sạch.
2. Rửa tay là việc quan trọng
Đây là vấn đề không phải chỉ là vệ sinh mà là tập tục tôn giáo về “sạch” và “dơ”, được ghi thành luật của Maisen trong sách Lêvi, được thêm vào nhiều chi tiết và qui định rõ ràng qua truyền thống.
Vào thời Đức Giêsu, dân Do thái tuân giữ những lệnh truyền khẩu này cũng tỉ mỉ và thành tín chẳng khác nào lề luật thành văn của Ngũ Kinh. Ý tưởng hàm chứa đàng sau việc tuân giữ này quả thực cao đẹp, bởi vì nó nhằm mục đích làm cho tôn giáo thấm nhập vào mỗi hành vi của cuộc sống, nhưng trong quá trình thực thi luật lệ này, một điều bi đát đã xảy ra, vì tôn giáo đã dần dần thoái hoá thành một hoạt động chỉ đơn thuần là chu toàn những nghi thức bên ngoài: tuân giữ những nghi thức này thì được kể là làm đẹp lòng Thiên Chúa, còn không giữ chúng đồng nghĩa với phạm tội.
Nói tóm lại, tuân giữ những nghi thức bên ngoài này được đồng hoá, được đánh giá là đạo đức, là biết phụng sự Chúa.
Truyện: Nhịn uống để rửa tay
Có một thầy tiến sĩ luật Do thái bị đi tù ở Rôma. Ông chỉ được ăn uống tối thiểu, nhằm mục đích kéo dài cuộc sống cho qua ngày. Thời gian trôi qua, thầy luật sĩ yếu dần. Cuối cùng, người ta phải mời một y sĩ đến khám. Y sĩ bảo rằng cơ thể ông bị thiếu nước.
Các sĩ quan cai ngục không hiểu nổi tại sao ông ta lại có thể thiếu nước. Bởi vì khẩu phần nước mỗi ngày tuy là tối thiểu, nhưng vẫn tương đối đủ cho một cơ thể. Thế là đám lính gác liền chú ý quan sát thầy luật sĩ một cách kỹ lưỡng hơn, xem ông ta làm gì với số nước ấy. Cuối cùng, người ta khám phá ra bí mật. Thầy luật sĩ ấy đã sử dụng phần lớn số nước để rửa tay theo nghi thức tôn giáo trước khi cầu nguyện và ăn uống. Như thế ông ta chỉ còn lại rất ít nước để uống.
3. Ý nghĩa việc rửa tay
Ngày nay, có một sự quan tâm to lớn đối với việc làm sạch sẽ thân thể. Vì thế mới có mọi thứ quảng cáo về xà bông và nước hoa. Và cũng có sự quan tâm về môi trường – với chất lượng của nước uống, thực phẩm và không khí. Điều đó không phải là quan trọng. Chỉ có một điều là có một môi trường khác còn quan trọng hơn: môi trường đạo đức. Điều xấu là ô nhiễm tồi tệ nhất trong mọi thứ ô nhiễm (Flor McCarthy).
Thực ra, việc rửa tay không phải chỉ nhằm việc vệ sinh thân thể nhưng là việc vệ sinh tâm hồn. Rửa tay là có ý rửa cho linh hồn mình được sạch mọi vết nhơ tội lỗi. Trong thánh lễ, khi chủ tế rửa tay với chút nước thì đọc: “Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tôi con phạm xin Ngài thanh tẩy”. Nhưng tiếc thay, nhiều người Do thái chỉ chú trọng rửa tay là rửa tay theo truyền thống mà không để ý đến việc thanh tẩy tâm hồn mình.
Vì thế, nhà thần học William Barclay nói: “Người ta có thể căm thù tha nhân tận xương tuỷ mà không một chút áy náy, vì họ đã tuân giữ một cách chặt chẽ các nghi thức rửa tay và các nghi thức thanh tẩy khác”.
III. SAI LẦM TRONG VIỆC GIỮ TRUYỀN THỐNG
1. Họ chỉ biết giữ lấy truyền thống
Đọc bốn sách Tin mừng, ta phải nể phục sự nghiêm túc giữ luật của các luật sĩ Do thái: họ giữ luật Maisen cẩn thận từng chi tiết, cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Ngoài những điều khoản của Lề luật, họ còn giữ cả những chi tiết nhỏ mọn trong truyền thống Do thái giáo.
Nhưng Đức Giêsu đã cho họ thấy rằng: sự thánh thiện không hệ tại việc giữ một cách chi tiết như thế, hay giữ theo hình thức bên ngoài, mà hệ tại một cái gì đó sâu xa hơn nhiều. Cái đó ở trong nội tâm chứ không phải ở bên ngoài.
Điều đáng tiếc là những người đặt nặng những chi tiết hay những hình thức bên ngoài của lề luật, thì lại thường coi nhẹ cái cốt tuỷ của lề luật. Đức Giêsu đã tố giác điều ấy: “Khốn cho các ngươi, hỡi các luật sĩ và biệt phái giả hình! Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng (=tức những điều phụ thuộc), mà bỏ những điều quan trọng nhất trong lề luật là công lý, lòng nhân và sự thành thật. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ” (Mt 23,23).
Như vậy, theo Đức Giêsu, ba điều quan trọng nhất trong lề luật, tinh thần của lề luật, cũng là cốt tuỷ của sự thánh thiện, chính là chân lý, công lý và tình thương.
Đối với lòng nhiệt thành giả tạo có vẻ quá hình thức này, Đức Giêsu nghĩ thế nào về họ? Ngài trách cứ họ hai điều: một là giả hình, hai là làm đảo lộn giá trị.
2. Họ là những người giả hình
Họ giả hình vì cũng như thời tiên tri Isaia, người ta không nghĩ đến sự hối cải trong các tâm hồn, mà chỉ bận tâm đến việc thực hiện mấy việc bên ngoài: “Dân này thờ kính Ta ngoài môi miệng, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người” (Is 29,13).
Thiên Chúa là chân lý tuyệt đối, có nghĩa là sự gian dối không có chỗ nơi Ngài, không được Ngài ưa thích và ủng hộ. Trái lại, Thiên Chúa lên án cách sống giả hình, sai lạc với sự thật. Thiên Chúa không khinh chê người yếu đuối, tội lỗi, nhưng khinh chê những người đạo đức giả. Thiên Chúa yêu thương, tha thứ cho những yếu đuối, tội lỗi, nhưng Thiên Chúa không thể chấp nhận kẻ sống giả hình.
Nếu chỉ có những hành động bên ngoài mà không có tinh thần cốt tuỷ bên trong, thì việc giữ luật đó sẽ ít giá trị trước mặt Chúa. Còn những người luật Chúa thì không giữ, lại chỉ lo giữ những tập tục tôn giáo truyền thống, chẳng hạn một số thói quen mà ta gọi là “việc đạo đức”, những hình thức do con người sáng tạo… thì việc giữ những tập tục ấy lại càng ít giá trị hơn.
Những người giả hình này đáng người ta tặng cho cái nhãn hiệu “Tốt mã dẻ cùi”. Chim dẻ cùi là một giống chim đẹp, mỏ đỏ, đuôi dài, lông mã, lông đuôi sặc sỡ ngũ sắc, coi giống chim phượng. Người ta đã gọi là phượng hoàng Nam (phượng hoàng của nước Nam) hay phượng hoàng đất. Nhưng chim dẻ cùi phải cái tật hay ăn cứt chó, cứt lợn. Người ta đã có câu:
Dẻ cùi tốt mã dài đuôi,
Hay ăn cứt chó, ai nuôi dẻ cùi.
Dẻ cùi tiếng hót lại không hay, vì vậy dẻ cùi tuy đẹp mã thật, song người ta không quý mà lại khinh. Người ta thường dùng câu “Tốt mã dẻ cùi” để diễu người bề ngoài đẹp đẽ sáng sủa, ăn bận diêm dúa mà bụng dạ bẩn thỉu không tốt mà lại vô tài. (Văn Hoè, Tục ngữ lược giải, 1957, tr 198)
Truyện: Sư máy
Tuần báo Newsweek số ra ngày 10.08.1993 đã ghi lại một sáng kiến mới lạ ở Nhật, đó là “Sư máy”. Vị sư máy này, mới nhìn qua, không khác gì vị tu hành thực thụ: đầu cúi xuống, mắt khép lại, môi và các cơ bắp trên gương mặt cử động theo nhịp cầu kinh ghi sẵn, một tay cầm chuỗi giơ lên, một tay thì gõ mõ, và có thể thuộc toàn bộ kinh kệ của mười giáo phái Phật giáo khác nhau tại Nhật.
Sáng kiến này đưa ra nhằm đáp ứng cho ơn gọi sư sãi ngày càng khan hiếm trong các Giáo hội Phật giáo tại Nhật. Tuy nhiên, như tác giả bài báo ghi nhận: những cái máy làm được mọi sự, duy chỉ một điều chúng không thể làm được, đó là chúng không biết yêu thương (Mỗi ngày một tin vui).
3. Họ làm đảo lộn giá trị
Họ chỉ giữ tập tục của tiền nhân là những tập tục của con người đặt ra. Các tiền nhân của người Do thái đặt ra nhiều tập tục tỉ mỉ mà các biệt phái và luật sĩ tuân giữ rất nhiệm nhặt. Biệt phái là những người Do thái rất sùng đạo, nhưng sùng đạo cách giả hình, vụ hình thức, vì họ chỉ chú trọng đến những hình thức bên ngoài như nhiệm nhặt gìn giữ các tục lệ của tiền nhân, chuộng hình thức bên ngoài mà không có tinh thần bên trong.
Chúa khiển trách họ: “Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người, vì các ngươi bỏ qua các giới răn của Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người”. Chúa khiển trách họ là người làm đảo lộn giá trị, vì họ chỉ chú ý đến việc tuân giữ các tập tục của tiền nhân mà lại bỏ qua những giới răn căn bản của Chúa. Họ coi trọng việc thuộc về con người hơn việc thuộc về Thiên Chúa.
IV. ĐIỀU CHÚA MUỐN DẠY TA
Nhân dịp các luật sĩ chê trách các Tông đồ không rửa tay khi dùng bữa, Đức Giêsu muốn dạy cho họ một bài học: cái xấu xa không phải từ ngoài mà vào, mà ở trong mà ra. Ngài nói: “Từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình… Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế”. Do đó, chính cõi lòng mới là nguồn gốc của việc lành hay việc dữ.
Theo lời Chúa dạy, chúng ta thấy yếu tố quan trọng để xác định giá trị đạo đức hay luân lý là trạng thái nội tâm chứ không phải những việc làm bề ngoài. Chính ý hướng ở bên trong là yếu tố quyết định việc làm bên ngoài có giá trị hay không. Nhiều người có những hành động rất tốt, nhưng lại làm vì những động lực ích kỷ hay gian ác, thì hành động ấy trở nên xấu.
Chẳng hạn những hành động giả nhân giả nghĩa nhằm được một lợi lộc nào đó, như bố thí thật nhiều để được khen, để có tiếng là đạo đức hầu lừa đảo người khác, hay làm việc tích cực chỉ nhằm để được lên chức, để nắm quyền hành nhằm thao túng lũng đoạn tập thể. Ngược lại, có những người “tình ngay mà lý gian”, hành động thì có vẻ như xấu, bị kết án, nhưng lại được Thiên Chúa chúc lành.
Vậy điều quan trọng là phải đổi mới trái tim. Đổi được trái tim là đổi được tất cả. Điều cốt lõi trong đạo không phải là chúng ta làm việc này việc nọ, mà chính là lý do thúc đẩy chúng ta làm những việc ấy.
Chúng ta cần lưu ý rằng luân lý của Đức Giêsu là một thứ luân lý phổ quát biết bao! Ngài biết rõ lòng người. Đó là luân lý căn bản tự nhiên mà Ngài đặt lại thành giá trị vượt lên trên những tập tục riêng của một nền văn minh. Không có một tục lệ quốc gia nào, một tập tục tổ tiên nào có thể đi ngược lại những luật căn bản này, mà mọi người đều phải công nhận trong thâm tâm của mình.
4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
TỪ TRONG TRÁI TIM CON NGƯỜI
Người Do-thái rất sợ mình bị nhiễm uế,
vì như thế họ sẽ không được tham dự các việc phụng tự
Nhưng họ lại có thể bị trở nên ô uế vì nhiều lý do:
khi ăn thịt một con vật bị coi là ô uế,
khi chạm đến một vật ô uế, hay khi mắc bệnh ngoài da.
Người mẹ sau khi sinh con cũng bị coi là ô uế.
Có những nghề bị coi là ô uế như nghề thu thuế, thuộc da.
Những ai không phải là người Do-thái đều ô uế cả.
Vậy không được tiếp xúc, ăn uống hay vô nhà của dân ngoại.
Cả vùng đất của người Samari cũng bị coi là ô uế.
Người Do-thái thời Đức Giêsu phải chung đụng với quân Rôma.
Họ thường xuyên có nguy cơ nhiễm uế.
Để khỏi bị nhiễm, cần tránh lại gần họ, tránh đụng chạm.
Nhóm người Pharisêu và kinh sư tỏ ra rất khó chịu
khi thấy các môn đệ Đức Giêsu dùng bữa mà chưa rửa tay.
Như thế là các ông đi ngược với truyền thống phải giữ,
và làm cho mình trở nên ô uế.
Đức Giêsu cũng khó chịu không kém khi coi họ là đạo đức giả,
vì họ đã gạt bỏ những điều răn của Thiên Chúa
mà lại cẩn thận giữ những truyền thống của người phàm.
Họ chỉ tôn kính Chúa bằng môi miệng bên ngoài
chứ không bằng trái tim bên trong (Mc 7,6.8.13).
Từ chuyện bị ô uế vì không rửa tay trước khi ăn,
Đức Giêsu cho thấy đâu là nguồn gốc thật sự của ô uế.
Người Do-thái thường coi ô uế đến từ bên ngoài,
do đụng chạm hay do ăn uống những điều không thanh sạch.
Đức Giêsu khẳng định ngược lại:
Không có gì từ bên ngoài vào có thể làm người ta ô uế.
Cái từ trái tim xuất ra mới làm con người ô uế (Mc 7,15.20.23).
Đức Giêsu đã làm một cuộc cách mạng khi tuyên bố:
“Mọi thức ăn đều thanh sạch” (Mc 7,19).
Trong sách Lê-vi có nhiều điều cấm đoán về ăn uống
mà người Do-thái thời Đức Giêsu vẫn giữ (Lv 11).
Đối với Ngài, những điều ấy không phải là chính yếu.
Điều chính yếu là cái tâm chứ không phải cái bụng (Mc 7,19).
Điều quan trọng không phải là rửa tay trước khi ăn,
mà là rửa sạch trái tim của mình khỏi mọi ô nhơ cặn bẩn.
Như thế Đức Giêsu mời đám đông môn đệ
bỏ cái phụ để tập trung vào cái chính,
bỏ cái bên ngoài để tập trung vào cái bên trong.
bỏ chuyện tay và bụng để quan tâm đến trái tim,
và quan tâm đến những gì đang diễn ra ở đó.
Đức Giêsu đã kể ra mười hai nết xấu của trái tim con người.
Các nết xấu đều liên quan đến tha nhân (Mc 7, 21-22):
gian dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác,
xảo trá, dâm đãng, ganh tỵ, vu khống, kiêu ngạo, ngông cuồng.
Các nết xấu trên đều chà đạp lên người khác vì lòng ích kỷ.
Đó mới là nguồn gốc thật của sự ô uế mà ta cần tránh.
Để khỏi bị ô uế, người Do-thái đã tránh ăn uống, đụng chạm…
Để khỏi bị nhiễm virút corona, người ta cũng làm nhiều điều:
đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, lau rửa nhà cửa,
giữ khoảng cách khi tiếp xúc, chích vaccine…
Có cái gì giống nhau giữa việc tránh ô uế và tránh virút.
Cả hai cùng đáng sợ và lây lan theo kiểu dây chuyền.
Cả hai cùng đòi những biện pháp phòng ngừa chặt chẽ.
Thế giới hôm nay đang tập trung để khống chế con virút này,
con virút bé xíu mà làm náo loạn cả thế giới.
Có thể hôm nay Đức Giêsu mời ta không ngừng lại ở đó.
Virút corona vén mở cho ta thấy những virút khác
vẫn đang hoành hành âm thầm trên thế giới
mà chẳng ai thấy cần phòng ngừa bằng khẩu trang hay vaccine.
Virút dửng dưng, virút bất công, virút làm tan nát gia đình,
Virút phá hoại môi sinh, virút gây hận thù chia rẽ.
Có thứ virút làm hỏng cuộc đời bao bạn trẻ.
Có thứ virút làm người ta chống lại Thiên Chúa và Giáo hội.
Mong mọi người được chích để ngừa mọi thứ virút trên.
Mong một thế giới bình yên vì thắng được mọi thứ virút
đang tấn công cả xác lẫn hồn con người.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa là Cha của gia đình nhân loại,
Chúa đã sáng tạo mọi người bình đẳng về nhân phẩm.
Xin hãy đổ vào lòng chúng con tình huynh đệ,
và gợi lên nơi chúng con ước mơ làm mới lại
các cuộc gặp gỡ, đối thoại, công lý và hòa bình.
Xin hãy thúc đẩy chúng con tạo ra
những cộng đồng lành mạnh hơn,
và một thế giới cao quý hơn,
thế giới không có đói nghèo, chiến tranh hay bạo lực.
Xin cho trái tim của chúng con mở ra
trước mọi dân tộc và quốc gia trên mặt đất.
Xin giúp chúng con nhận ra sự thiện mỹ
mà Chúa đã gieo nơi lòng từng người chúng con,
nhờ đó chúng con rèn đúc mối dây hiệp nhất,
chia sẻ những dự án và những giấc mơ chung. Amen.
Đức Thánh Cha Phanxicô