Chúa nhật 2 mùa Chay năm B (Mc 9,2-10)

Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay!
Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy,
một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a”.
(Mc 9,5)

BÀI ĐỌC I: St 22, 1-2. 9a. 10-13. 15-18

“Của hiến tế của Abraham Tổ phụ chúng ta”.

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Chúa thử Abraham và nói với ông rằng: “Abraham, Abraham!” Ông đáp lại: “Dạ, con đây”. Chúa nói: “Ngươi hãy đem Isaac, đứa con một yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Moria, ở đó ngươi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi”.

Khi hai người đến nơi Chúa đã chỉ, Abraham làm một bàn thờ và chất củi lên, rồi trói Isaac lại, đặt lên bàn thờ trên đống củi. Abraham giơ tay lấy dao để sát tế con mình. Bấy giờ thiên thần Chúa từ trời gọi ông rằng: “Abraham, Abraham!” Ông thưa lại: “Dạ, con đây”. Người nói: “Đừng giết con trẻ và đừng động đến nó, vì giờ đây ta biết ngươi kính sợ Chúa, đến nỗi không từ chối dâng đứa con duy nhất cho Ta”. Abraham ngước mắt lên, thấy sau lưng mình có con cừu đực đang mắc sừng trong bụi cây, Abraham liền bắt nó và tế lễ thay cho con mình. Thiên thần Chúa gọi Abraham lần thứ hai và nói rằng: “Chúa phán: Ta thề rằng: vì ngươi đã làm điều đó, ngươi không từ chối dâng đứa con duy nhất của ngươi cho Ta, nên Ta chúc phúc cho ngươi, Ta cho ngươi sinh sản con cái đông đúc như sao trên trời, như cát bãi biển; miêu duệ ngươi sẽ chiếm cửa thành của quân địch, và mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi miêu duệ ngươi, vì ngươi đã vâng lời Ta”.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 115, 10 và 15. 16-17. 18-19

Đáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh (Tv 114, 9).

Xướng:

1) Tôi đã tin cậy ngay cả trong lúc tôi nói: “Tấm thân tôi trăm phần khổ cực!” Trước mặt Chúa thật là quý hoá cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. – Đáp.

2) Ôi lạy Chúa, con là tôi tớ Chúa, con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tỳ Ngài, Ngài đã bẻ gãy xiềng xích cho con. Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. – Đáp.

3) Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài, trong nơi hành lang nhà Chúa, ở giữa lòng ngươi, Giê-rusalem hỡi! – Đáp.

 

BÀI ĐỌC II: Rm 8, 31b-34

“Thiên Chúa không dung tha chính Con mình”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta ? Người không dung tha chính Con mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta, há Người lại chẳng ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của Người sao ? Ai sẽ tố cáo những kẻ Chúa chọn ? (Chẳng lẽ là) chính Chúa, Đấng làm cho nên công chính ? Ai sẽ kết án ? (Chẳng lẽ là) Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và hơn nữa đã sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa, cũng đang biện hộ cho chúng ta ?

Đó là lời Chúa.

 

Tin mừng: Mc 9,2-10

2 Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông.

3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. 4 Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su.

5 Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.”

6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. 7 Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” 8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.

9 Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. 10 Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.

 

Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 2 Mùa Chay năm B

WHĐ (21.02.2024) – Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.

Số 554-556, 568: Cuộc Hiển Dung

Số 59, 145-146, 2570-2572: Sự vâng phục của ông Abraham

Số 153-159: Những đặc tính của đức tin

Số 2059: Thiên Chúa biểu lộ vinh quang của Ngài để cho biết thánh ý của Ngài

Số 603, 1373, 2634, 2852: Đức Kitô bênh đỡ chúng ta

Bài Ðọc I: St 22, 1-2. 9a. 10-13. 15-18

Bài Ðọc II: Rm 8, 31b-34

Phúc Âm: Mc 9, 2-10

Số 554-556, 568: Cuộc Hiển Dung

Nếm trước Nước Trời: Chúa Hiển Dung

554. Từ ngày ông Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, Chúa Giêsu “bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết, Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ…, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21). Ông Phêrô khước từ lời loan báo đó[1], các môn đệ khác cũng không hiểu gì hơn[2]. Chính trong bối cảnh này, đã xảy ra biến cố kỳ diệu là cuộc Hiển Dung của Chúa Giêsu[3] trên núi cao, trước mặt ba nhân chứng do Người lựa chọn, là các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan. Dung mạo và y phục của Chúa Giêsu trở nên chói sáng, ông Môisen và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người, “nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem” (Lc 9,31). Một đám mây bao phủ các Ngài và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35).

555. Chúa Giêsu tỏ lộ vinh quang thần linh của mình trong chốc lát, và như vậy Người xác nhận lời tuyên xưng của ông Phêrô. Người cũng cho thấy rằng, để “vào trong vinh quang của Người” (Lc 24,26), Người phải đi qua thập giá tại Giêrusalem. Ông Môisen và ông Êlia đã thấy vinh quang của Thiên Chúa trên núi; Lề luật và các Tiên tri đã tiên báo những đau khổ của Đấng Messia[4]. Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đúng là do ý muốn của Chúa Cha: Chúa Con hành động với tư cách là Người Tôi Trung của Thiên Chúa[5]. Đám mây nói lên sự hiện diện của Chúa Thánh Thần: “Cả Ba Ngôi cùng xuất hiện, Chúa Cha trong tiếng nói, Chúa Con trong nhân tính của mình, Chúa Thánh Thần trong đám mây sáng chói”[6]:

“Lạy Chúa Kitô là Thiên Chúa, Chúa đã hiển dung trên núi và, tuỳ theo khả năng, các môn đệ Chúa chiêm ngưỡng vinh quang Chúa, để mai sau khi thấy Chúa chịu đóng đinh thập giá, họ hiểu rằng Chúa đã tự nguyện chịu khổ hình. Rồi họ sẽ loan báo cho thế giới biết Chúa chính là vinh quang Chúa Cha chiếu toả”[7].

556. Tại ngưỡng cửa đời sống công khai: phép rửa; tại ngưỡng cửa cuộc Vượt Qua: biến cố Hiển Dung. Qua phép rửa của Chúa Giêsu, “mầu nhiệm cuộc tái sinh lần thứ nhất” được loan báo: đó là bí tích Rửa Tội của chúng ta; Hiển Dung là “bí tích của cuộc tái sinh lần thứ hai”: đó là sự phục sinh riêng của chúng ta.[8] Ngay từ bây giờ, chúng ta được tham dự vào sự phục sinh của Chúa, nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trong các bí tích của Thân Thể Chúa Kitô. Biến cố Hiển Dung cho chúng ta được nếm trước việc ngự đến trong vinh quang của Chúa Kitô, Đấng “sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21). Nhưng biến cố ấy cũng nhắc nhở chúng ta rằng: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa” (Cv 14,22).

“Khi ông Phêrô ước ao sống với Đức Kitô trên núi, ông chưa hiểu gì[9]. Hỡi ông Phêrô, Chúa sẽ chỉ dành cho ông điều đó, sau khi chết. Còn hiện nay thì Chúa nói: Hãy xuống núi để chịu lao nhọc ở trần gian, để phục vụ ở trần gian, để chịu sỉ nhục, chịu đóng đinh ở trần gian. Đấng là Sự Sống, đã xuống để bị giết; Đấng là Bánh, đã xuống để chịu đói; Đấng là Đường, đã xuống để chịu mệt nhọc trên đường; Đấng là Nguồn Mạch, đã xuống để chịu khát; còn ông lại từ chối lao nhọc ư?”[10].

568. Cuộc Hiển Dung của Chúa Kitô nhằm mục đích củng cố đức tin của các Tông Đồ để chuẩn bị cho cuộc khổ nạn: việc leo lên “núi cao” chuẩn bị cho việc leo lên đồi Calvariô. Đức Kitô, Đầu của Hội Thánh, biểu lộ điều Thân Thể Người ao ước và là điều được phản ánh trong các bí tích: đó là “niềm hy vọng đạt tới vinh quang” (Cl 1,27)[11].

Số 59, 145-146, 2570-2572: Sự vâng phục của ông Abraham

59. Để quy tụ loài người đang tản mác về một mối, Thiên Chúa chọn ông Abram và phán với ông: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi” (St 12,1); với ý định làm cho ông thành Abraham, nghĩa là “cha của vô số dân tộc” (St 17,5): “Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,3)[12].

145. Thư gửi tín hữu Do thái, trong bài tán dương đức tin của các bậc tổ tiên, đã đặc biệt nhấn mạnh đến đức tin của ông Abraham: “Nhờ đức tin, ông Abraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 11,8)[13]. Nhờ đức tin, ông đã sống như kẻ mới nhập cư và người lữ hành trong Đất hứa[14]. Nhờ đức tin, bà Sara đã thụ thai người con của lời hứa. Cuối cùng, nhờ đức tin, ông Abraham đã dâng hiến con một mình làm hy lễ[15].

146. Như vậy, ông Abraham đã thực hiện điều Thư gửi tín hữu Do thái định nghĩa về đức tin: “Đức tin là bảo đảm cho những điều hy vọng, là bằng chứng của những điều ta không thấy” (Dt 11,1). “Ông Abraham đã tin Thiên Chúa, và vì thế được kể là người công chính” (Rm 4,3)[16]. “Nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh” (Rm 4,20), ông Abraham trở thành “tổ phụ của tất cả những người tin” (Rm 4,11.18)[17].

2570. Ngay khi Thiên Chúa kêu gọi, “ông Abraham ra đi, như Chúa đã phán với ông” (St 12,4): trái tim ông hoàn toàn “suy phục Lời Chúa”; ông vâng lời. Sự lắng nghe của trái tim quyết định tuân theo Thiên Chúa là điều cốt yếu của việc cầu nguyện, các lời nói chỉ quy về đó. Nhưng việc cầu nguyện của ông Abraham được diễn tả trước tiên bằng hành động: là con người thinh lặng, ông đã dựng một bàn thờ để kính Chúa ở mỗi chặng dừng chân. Chỉ mãi sau này, lần đầu tiên ông mới cầu nguyện bằng lời: đó là một lời than thở kín đáo, nhắc Thiên Chúa nhớ đến các lời hứa của Ngài, mà xem ra như không được thực hiện[18]. Như vậy, ngay từ đầu đã xuất hiện một trong những khía cạnh của tấn bi kịch cầu nguyện: đó là thử thách đức tin vào sự trung tín của Thiên Chúa.

2571. Vì tin vào Thiên Chúa[19], đi trước nhan Ngài và trong giao ước với Ngài,[20] tổ phụ Abraham đã sẵn sàng đón tiếp Vị khách huyền bí vào lều trại của mình. Lòng hiếu khách đặc biệt của tổ phụ tại Mambrê mở đường cho Thiên Chúa loan báo về Người Con đích thực của lời hứa[21]. Từ lúc đó, khi được Thiên Chúa bộc lộ cho biết ý định của Ngài, trái tim của tổ phụ Abraham đã hòa theo lòng trắc ẩn của Chúa mình đối với loài người và dám chuyển cầu cho họ với một niềm tin tưởng bạo dạn[22].

2572. Trong cuộc thanh luyện cuối cùng về đức tin, Thiên Chúa đã đòi ông Abraham, người “đã nhận được lời hứa” (Dt 11,17), phải sát tế đứa con mà Thiên Chúa đã ban cho ông. Ông Abraham vẫn vững tin: “Lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ liệu” (St 22,8), vì nghĩ rằng “Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy” (Dt 11,19). Như vậy, vị tổ phụ của những người tin đã nên giống Chúa Cha, Đấng chẳng tha chính Con Một của Ngài, nhưng đã trao nộp Người vì hết thảy chúng ta[23]. Nhờ cầu nguyện con người được phục hồi tình trạng “giống như Thiên Chúa” và được tham dự vào quyền năng của tình yêu Thiên Chúa, là quyền năng cứu độ muôn người[24].

Số 153-159: Những đặc tính của đức tin

Đức tin là một ân sủng

153. Khi thánh Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, Chúa Giêsu nói với ông rằng không phải huyết nhục mạc khải cho ông điều ấy, nhưng là Cha của Người, “Đấng ngự trên trời” (Mt 16,17)[25]. Đức tin là một hồng ân của Thiên Chúa, là một nhân đức siêu nhiên do Thiên Chúa tuôn ban. “Để có được đức tin này, cần có ân sủng Thiên Chúa đến trước giúp đỡ và sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần: Ngài đánh động và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, Ngài mở mắt lý trí và cho ‘mọi người cảm thấy dịu ngọt khi ưng thuận và tin vào chân lý’”[26].

Đức tin là một hành vi nhân linh

154. Chỉ có thể tin nhờ ân sủng và những trợ giúp nội tâm của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, tin vẫn thật sự là một hành vi nhân linh. Tin vào Thiên Chúa và gắn bó với những chân lý do Ngài mạc khải không đi ngược với tự do và trí khôn con người. Ngay trong các giao tiếp giữa người với người, không có gì đi ngược với phẩm giá của chúng ta khi chúng ta tin những gì người khác nói về bản thân họ hoặc ý định của họ, và khi tin vào những lời hứa của họ (chẳng hạn những cam kết hôn nhân), và như vậy con người có thể hiệp thông với nhau. Do đó, càng không có gì đi ngược với phẩm giá của chúng ta, khi chúng ta “bằng đức tin, dâng lên Thiên Chúa, Đấng mạc khải, sự quy phục trọn vẹn của lý trí và ý chí”[27], và như vậy, chúng ta được hiệp thông thân mật với Ngài.

155. Trong đức tin, lý trí và ý chí con người cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa: “Tin là một hành vi của lý trí chấp nhận chân lý của Thiên Chúa theo lệnh của ý chí được Thiên Chúa tác động nhờ ân sủng”[28].

Đức tin và lý trí

156. Động lực khiến chúng ta tin không phải là vì các chân lý được mạc khải tỏ hiện là xác thật và có thể hiểu được đối với ánh sáng của lý trí tự nhiên của chúng ta. Chúng ta tin “vì uy quyền của chính Thiên Chúa, Đấng mạc khải, Đấng không thể sai lầm cũng như không thể lừa dối chúng ta”[29]. “Tuy nhiên, để đức tin của chúng ta ‘quy phục phù hợp với lý trí’, Thiên Chúa đã muốn có những bằng chứng bên ngoài về mạc khải của Ngài kèm theo sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần”[30]. Chẳng hạn, các phép lạ của Đức Kitô và của các Thánh[31], các lời tiên tri, sự phát triển và thánh thiện cũng như sự phong phú và vững bền của Hội Thánh, đó “là những dấu chỉ chắc chắn nhất của mạc khải của Thiên Chúa, những dấu chỉ đó phù hợp với lý trí của mọi người”[32], đó là những động lực khiến chúng ta tin, những động lực đó cho thấy “sự ưng thuận của đức tin hoàn toàn không phải là một hành vi mù quáng của tâm trí”[33].

157. Đức tin thì chắc chắn, chắc chắn hơn mọi hiểu biết phàm nhân, bởi vì đức tin dựa trên chính Lời của Thiên Chúa, Đấng không thể nói dối. Các chân lý được mạc khải có thể bị coi là tối tăm đối với cả lý trí lẫn kinh nghiệm phàm nhân, nhưng “sự chắc chắn nhờ ánh sáng của Thiên Chúa thì lớn hơn sự chắc chắn nhờ ánh sáng của lý trí tự nhiên”[34]. “Mười ngàn nỗi khó khăn không làm thành một sự hồ nghi”[35].

158. “Đức tin tìm hiểu biết[36]: gắn liền với đức tin là việc người tin muốn biết rõ hơn về Đấng mình đã tin và hiểu rõ hơn về điều Ngài đã mạc khải; về phần mình, một hiểu biết sâu xa hơn sẽ dẫn đến một đức tin lớn lao hơn, luôn thấm đượm tình yêu hơn. Ơn đức tin mở “con mắt của trái tim” (Ep 1,18) để có một hiểu biết sống động về các nội dung của mạc khải, nghĩa là về toàn bộ kế hoạch của Thiên Chúa và các mầu nhiệm đức tin, tương quan giữa các mầu nhiệm với nhau và với Đức Kitô, tâm điểm của các mầu nhiệm được mạc khải. “Và để người ta hiểu biết mạc khải sâu xa thêm mãi…, Chúa Thánh Thần không ngừng ban các hồng ân mà kiện toàn đức tin”[37]. Đúng như câu châm ngôn của thánh Augustinô: “Bạn hãy hiểu để tin; bạn hãy tin để hiểu”[38].

159. Đức tin và khoa học. “Mặc dù đức tin vượt trên lý trí, nhưng không bao giờ có thể có mâu thuẫn thật sự giữa đức tin và lý trí: vì cùng một Thiên Chúa, Đấng mạc khải các mầu nhiệm và tuôn đổ đức tin, cũng là Đấng ban ánh sáng lý trí cho tâm hồn con người, mà Thiên Chúa không thể tự phủ nhận chính mình Ngài, cũng như điều chân thật không bao giờ nghịch lại điều chân thật”[39]. “Bởi vậy, việc nghiên cứu có phương pháp trong mọi ngành, nếu được tiến hành một cách thật sự khoa học và theo đung các chuẩn mực luân lý, sẽ không bao giờ thật sự đối nghịch với đức tin, bởi vì các thực tại trần thế và các thực tại đức tin đều có nguồn gốc là bởi cùng một Thiên Chúa. Hơn nữa, ai khiêm tốn và kiên nhẫn cố gắng nghiên cứu những bí ẩn của các sự vật, thì mặc dù họ không ý thức, họ vẫn như được dẫn đưa bởi bàn tay của Thiên Chúa, Đấng đang nâng đỡ vạn vật, Ngài làm cho hiện hữu những gì đang hiện hữu”[40].

Số 2059: Thiên Chúa biểu lộ vinh quang của Ngài để cho biết thánh ý của Ngài

2059. “Mười lời” được Thiên Chúa công bố trong một cuộc thần hiện (“Chúa đã phán với anh em, mặt đối mặt, trên núi, từ trong đám lửa”: Đnl 5,4). Mười lời này thuộc về mạc khải, Thiên Chúa tỏ cho biết về chính Ngài và về vinh quang của Ngài. Khi ban các điều răn, Thiên Chúa ban tặng chính mình Ngài và thánh ý của Ngài. Khi tỏ cho biết các thánh ý Ngài, Thiên Chúa mạc khải chính mình cho dân Ngài.

Số 603, 1373, 2634, 2852: Đức Kitô bênh đỡ chúng ta

603. Vì không phạm tội, Chúa Giêsu không bao giờ biết đến việc bị Thiên Chúa loại bỏ[41]. Nhưng trong tình yêu cứu chuộc, một tình yêu hằng kết hợp Người với Chúa Cha[42], Người đã đảm nhận lấy chúng ta, những kẻ đang vì tội lỗi mà lạc đường lìa xa Thiên Chúa, đến độ trên thập giá, Người đã có thể thốt lên thay chúng ta: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con!” (Mc 15,34)[43]. Vì đã kết hợp Đức Kitô với chúng ta là các tội nhân, nên Thiên Chúa “đã chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp chính Con Một của Ngài vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32), để chúng ta “được giao hoà với Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Một Ngài” (Rm 5,10).

1373. “Đức Kitô Giêsu, Đấng đã chết, hơn nữa đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta” (Rm 8,34) đang hiện diện trong Hội Thánh Người dưới nhiều hình thức[44]: trong Lời của Người, trong kinh nguyện của Hội Thánh Người, “ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20), trong những người nghèo khổ, những bệnh nhân, những người bị cầm tù[45], trong các bí tích mà chính Người là tác giả, trong Hy tế Thánh lễ và trong con người thừa tác viên. Nhưng “nhất là Người hiện diện dưới các hình dạng Thánh Thể”[46].

2634. Chuyển cầu là lời kinh cầu xin làm cho chúng ta đến gần với kinh nguyện của Chúa Giêsu. Người là Đấng chuyển cầu duy nhất nơi Chúa Cha cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho kẻ tội lỗi[47]. “Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ” (Dt 7,25). Chính Chúa Thánh Thần “cầu thay nguyện giúp…, bởi vì Ngài cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8,26-27).

2852. Ma quỷ “ngay từ đầu đã là tên sát nhân… là kẻ nói dối và là cha sự gian dối” (Ga 8,44), “là Satan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ” (Kh 12,9). Vì nó mà tội lỗi và sự chết đã xâm nhập trần gian và nhờ nó vĩnh viễn bị đánh bại, mà toàn thể thụ tạo đã “được giải thoát khỏi cảnh hư nát vì tội lỗi và sự chết”[48]. “Chúng ta biết rằng phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra, người đó không phạm tội; nhưng có Đấng Thiên Chúa đã sinh ra giữ gìn người ấy, và Ác thần không đụng đến người ấy được. Chúng ta biết rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa, còn tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của Ác thần” (1 Ga 5,18-19):

“Chúa quyền năng, Đấng tẩy sạch tội lỗi và tha thứ các lỗi lầm của bạn, Ngài che chở và gìn giữ bạn chống lại các mưu mô của kẻ thù là ma quỷ, để kẻ thù, vốn có thói quen gây nên lầm lỗi, không làm bạn ngạc nhiên. Nhưng ai phó mình cho Thiên Chúa thì không sợ ma quỷ, bởi vì ‘có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?’ (Rm 8,31)”[49].

 

Bài giảng Đức Thánh Cha – Chúa nhật 2 Mùa Chay năm B

Đức Phanxicô:

28.02.2021 – Lên núi nhưng không quên thực tại

25.02.2018 – Biến hình giúp hiểu mầu nhiệm Phục sinh

01.03.2015 – Chiếu tỏa vinh quang Thiên Chúa

Đức Bênêđictô XVI:

04.03.2012 – Chúa Giêsu là đèn không bao giờ tắt

08.03.2009 – Biến hình là một cảm nghiệm cầu nguyện

12.03.2006 – Hãy lắng nghe Lời Người

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Sự kiện biến hình xảy ra khoảng một tuần sau khi Ðức Giêsu báo trước cuộc thương khó và cái chết của Ngài, nhằm củng cố niềm tin nơi các môn đệ để các ông có thể can đảm theo Chúa trên con đường khổ giá. Sự hiện diện của hai nhân vật trong Cựu Ước: Môisê và Êlia để khẳng định việc Ðức Giêsu chịu khổ nạn và đi vào vinh quang nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa mà Thánh Kinh đã loan báo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã tỏ vinh quang của Chúa để tăng sức cho các môn đệ. Xin Chúa củng cố niềm tin cho chúng con, để khi gặp gian nan, thử thách, chúng con không ngã lòng thất vọng nhưng sẵn sàng đón nhận và can đảm dấn thân theo Chúa. Amen.

Ghi nhớ“Ðây là Con Ta rất yêu dấu”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

ĐỨC GIÊSU HIỂN DUNG TRÊN NÚI.
(Mc 9,2-10).

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

1. Sau khi loan báo cuộc khổ nạn.

Đáp lại câu hỏi thúc ép của Đức Giêsu, Phêrô vừa mới tuyên bố “Thầy là Đấng Messia”. Đức Giêsu liền dẫn các môn đệ vào con đường khổ nạn và chết mà Người sẽ phải đi để hoàn thành sứ mạng của Người. Máccô viết: “Rồi Người bắt đầu dạy các môn đệ biết Con người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng các kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sống lại”. Viễn tượng kinh hoàng như thế đi ngược với tư tưởng người thời đó về Đấng Cứu Thế. Nghĩ rằng Đấng Cứu Thế mà cũng phải trải qua đau khổ và sự chết là điều không ai dám nghĩ, cả những người Do thái thời đó cũng như các môn đệ Đức Giêsu. Bởi đó, Phêrô tức tốc phản ứng, “ông liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người”. Cử chỉ đó đã làm ông Phêrô bị một lời quở trách cực mạnh từ Đức Giêsu: “Satan, lui ra đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. Sau đó Đức Giêsu nói tiếp: “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác Thập Giá mình mà theo”. Con đường mà Con người đi qua cũng là con đường bắt buộc đối với các môn đệ của Người.

2. Cuộc hiển dung của Đức Giêsu ở trên núi.

Máccô đã đặt tường thuật hiển dung của Chúa trong tương quan với việc tuyên bố lần thứ nhất cuộc khổ nạn, việc này đã vấp phải sự không hiểu nơi các môn đệ và khiến bọn họ kinh hoàng. Giống như Mátthêu và Luca , tác giả Tin Mừng thứ hai diễn tả bằng một lối văn tượng trưng, mượn những yếu tố chính từ cuộc thần hiện (cuộc Thiên Chúa tỏ mình) ở núi Sinai (“Jésus, l’histoire vrai”, Centurion, trang 330).

Ngày xưa, trong cuộc xuất hành qua hoang địa, Môsê đã công bố cho con cái Israel rằng: “Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi sẽ cho nổi lên giữa các ngươi một vị ngôn sứ giống như Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Hôm nay Máccô đã bật mí: vị ấy đã đến rồi, đây là thời gian hoàn tất, một kỷ nguyên mới đã khai sinh.

Máccô viết: “Sáu ngày sau” mà lại không chỉ rõ sau cái gì nhưng rất có thể là ông muốn nói đến biến cố Xuất Hành.

+Hoặc là nói về sáu ngày mà sau đó, theo Xh 24,16 “Thiên Chúa gọi ông Môsê từ giữa đám mây trên núi Sinai”. Nếu thế thì theo Máccô, đó là một cách giới thiệu về biến cố hiển dung như một Sinai mới và đồng thời giới thiệu Đức Giêsu như một Môsê mới.

+Hoặc là nói về sáu ngày chuẩn bị cho đại Lễ Lều Trại, lễ đó người ta dựng lều bằng cành cây (như người Do thái còn làm ngày này) để tưởng nhớ cuộc Xuất Hành, với hy vọng vào thời đại Cứu thế mà Thiên Chúa sẽ ngự đến cư ngụ mãi mãi ở giữa dân Người. Nếu thế, theo Máccô, đó là một cách công bố thời đại mới đã khởi đầu.

Cũng như ngày Môsê lên núi Sinai, thì Đức Giêsu cũng dẫn các bạn hữu của mình lên một ngọn núi cao. Nhưng ngọn núi nào ? Từ ngữ này mang ý nghĩa thần học nhiều hơn địa lý: núi ở trong Kinh Thánh là địa điểm đặc tuyển cho việc mặc khải thần linh. Ở đây nói về một Sinai mới, một cuộc mặc khải quyết định của Thiên Chúa.

Cũng như Môsê, lúc lên núi nhận Giao Ước, chỉ đem theo Giosuê; Đức Giêsu chỉ gọi riêng đi theo Người có “Phêrô, Giacôbê và Gioan”. Cũng ba người đó, những người bạn thân thiết nhất được theo Chúa vào phòng bé gái chết mà người làm cho sống lại (5,37-43); ba người đã chứng kiến cuộc hấp hối của Người trong vuờn cây Dầu: Đức Giêsu đã liên kết họ với Người trong những thời điểm mạnh của mặc khải để họ trở nên những trụ cột của Hội thánh Người.

Cũng như da mặt của Môsê sáng ngời, vì ông đã đàm đạo với Thiên Chúa và cũng như dân Israel đã xem thấy mặt ông chiếu sáng (Xh34,29-35), Đức Giêsu “hiển dung” trước các môn đệ; vinh quang Thiên Chúa, cái vinh quang mà Đức Giêsu chiếu tỏa vào buổi sáng Phục Sinh, lúc này đang xâm chiếm bao phủ Người.

Vào lúc đó, ông Môsê và Êlia hiện ra đàm đạo với Người. Đó là hai vị thần thế trong cựu ước. Cả hai vị đều đã trèo lên núi: Môsê lên để lập giao ước, Êlia lên để nhận sứ mạng cải tổ giao ước. Hai vị tượng trưng cho toàn bộ Cựu ước: Lề luật (Môsê) và các ngôn sứ (Êlia) giờ đây được thực hiện: thời đại Cứu thế đã khởi đầu.

Phêrô đề nghị: “Chúng ta là ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê và một cho Êlia”. Thực ra ông không biết mình nói gì do quá kinh hoàng, Máccô giải thích: Phêrô đã lầm lẫn vì nghĩ rằng đã đến giờ mà Thiên Chúa cư ngụ vĩnh viễn ở giữa dân Người và họ có thể ở đó miên trường.

Sau cùng, cũng giống như khi lập giao ước ở núi Sinai, một đám mây, dấu chỉ hữu hình của sự hiện diện Thiên Chúa, đã bao phủ ngọn núi, thì ở đây đám mây che phủ các ông.

Rồi cũng giống như ở núi Sinai, có tiếng phát ra ở đám mây. Những lời này gần như tiếng vang của những lời đã phán lúc Chúa chịu phép rửa ở sông Giođan. Nhưng lúc xưa, tiếng đó nói với Đức Giêsu: “Con là Con Ta yêu dấu, Cha hài lòng về Con” (1,11), còn ngày nay tiếng đó nói với ba môn đệ: Tiếng đó soi sáng các môn đệ cho biết căn tính của Đấng mà Phêrô mới đây đã tuyên xưng là Đấng thiên sai (Đấng Messia): “Đây là Con yêu dấu cả Ta”. Tiếng đó xác nhận giáo huấn của Đức Giêsu về cuộc khổ nạn-Phục Sinh của Con người: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”.

J.Hervieux quảng giải: “Giờ đây, dường như qua tia chớp loè sáng, họ đã thoáng thấy Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa” và vượt qua khỏi sự chết, Người được Thiên Chúa dành cho một cuộc sống vinh quang. Lẽ nào họ không giữ niềm hy vọng và không tiếp tục theo Thầy trên con đường Thập Giá ?” (“L’Evangile de Marc”, Centurion, trang 125).

Bỗng chốc, Máccô kết luận: “Các ông chợt nhìn chung quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi. Ở trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trừ khi Con người từ cõi chết sống lại”. Chúng ta lại thấy ở đây một lần nữa “bí mật thiên sai”, mà Máccô rất quý trọng: Điều mà ba môn đệ vừa thấy vượt quá mức tưởng tượng quá đỗi, nó làm xáo trộn tận cùng hình ảnh Đấng thiên sai của các ông, nên tốt hơn các ông nên im lặng ít lâu. Sau này, dưới ánh sáng của Phục Sinh, các ông sẽ hiểu rõ ý nghĩa. Lúc đó, các ông sẽ có thể làm chứng.

 

3. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)

RỰC RỠ TRẮNG TINH

Vào thế kỷ thứ 8 và thứ 9, các vị hoàng đế Byzantin

đã ra lệnh đập phá các ảnh tượng tôn giáo,

bởi họ tin rằng Kinh Thánh cấm không được tạc ảnh tượng.

Đầu thế kỷ thứ 8, thánh Gioan Đamascô đã chống lại chuyện này.

Ngài viết: “Vào thời xưa, Thiên Chúa không có hình có dạng,

nên không bao giờ có thể được vẽ ra.

Nhưng nay, khi Thiên Chúa đã mang xác thể,

trò chuyện với con người,

tôi sẽ vẽ một bức tranh theo Thiên Chúa mà tôi thấy.”

Nhờ khẳng định mạnh mẽ này của thánh nhân

mà ngày nay chúng ta có những ảnh tượng thánh.

Qua mầu nhiệm Nhập Thể, nơi con người Đức Giêsu,

Thiên Chúa vô hình đã có một khuôn mặt, một thân xác,

giống như bất cứ người nào trong chúng ta.

Các môn đệ đã rất quen với khuôn mặt ấy, thân xác ấy.

Họ đã có thời gian sống chung, trò chuyện và gặp gỡ

với người mà họ gọi là Thầy, là Rabbi!

Cách đây sáu ngày, tại vùng đất dân ngoại (Mc 8,27),

Thầy đã nói cho các môn đệ biết về tương lai của mình:

bị đau khổ, bị loại trừ, bị giết và sống lại.

Thầy cũng nói cho các môn đệ biết về tương lai của họ:

từ bỏ mình, vác thập giá, mất mạng sống để rồi tìm được lại.

Họ đã có dấu hiệu chùn bước khi nghe về tương lai u ám…

Chẳng ai để ý đến việc Thầy nói về phục sinh (Mc 8,31),

hay về việc Thầy sẽ đến trong vinh quang rực rỡ (Mc 8,38).

Hôm nay, Thầy dẫn ba môn đệ thân tín lên ngọn núi cao,

nơi Thầy quen gặp Cha, Đấng sai Thầy.

Chính nơi đây Thầy đã được Cha biến đổi hình dạng.

Không phải chỉ khuôn mặt, nhưng toàn bộ con người.

Cả con người Thầy rạng ngời ánh vinh quang thần linh.

Cả y phục của Thầy cũng mang sắc trắng của thiên giới.

Vị Thầy thân quen của họ như bước ra từ một thế giới khác.

Rồi có hai nhân vật đáng kính là Êlia và Môsê xuất hiện.

Các vị này trò chuyện với Thầy Giêsu.

Cảnh tượng linh thiêng này làm họ ngây ngất và hoảng sợ.

Đỉnh điểm của thị kiến này là tiếng nói phát ra từ đám mây.

Mây vừa che giấu, vừa tỏ bày sự hiện diện của Thiên Chúa.

Thiên Chúa trực tiếp nói với các môn đệ từ đám mây.

Ngài giới thiệu cho họ biết Thầy Giêsu của họ là ai.

Thầy không chỉ là Đấng Kitô như Phêrô tuyên xưng.

Thầy chính là Người Con yêu dấu của Thiên Chúa,

có tương quan thân thiết với Cha chẳng ai sánh bằng.

Hai ông Êlia và Môsê xuất hiện rồi lại biến đi.

Chỉ Thầy Giêsu còn ở lại, chỉ Thầy được gọi là Con yêu dấu.

Thiên Chúa Cha ra lệnh: Hãy lắng nghe Người (Mc 9,7).

Lắng nghe về định mệnh đang chờ đợi cả Thầy lẫn trò,

rồi chấp nhận và đi vào con đường Thiên Chúa dọn sẵn,

con đường hẹp, chẳng ai muốn đi,

nhưng lại dẫn đến sự sống, chứ không phải là ngõ cụt.

Cứ mỗi Chúa nhật 2 Mùa Chay ta lại đọc bài Chúa Biến hình.

Đây là một hy vọng xanh ngát ngay giữa màu tím của phụng vụ.

Rồi cũng đến lúc Thầy trò phải xuống núi hạnh phúc này

để lên núi Cây Dầu và núi Sọ.

Rồi có lúc ba môn đệ sẽ thấy khuôn mặt xao xuyến của Thầy,

khuôn mặt đầy máu và thương tích trong cuộc Khổ nạn.

Nhưng Phêrô sẽ không quên được kinh nghiệm này (2 Pr 16-18):

nghe tiếng của Thiên Chúa Cha phán từ trời trên núi thánh.

thấy Thầy Giêsu với vẻ lẫm liệt uy phong.

Biến hình là quà tặng của Thiên Chúa dành cho Đức Giêsu.

Khi Ngài đón lấy ý định nhiệm mầu của Cha,

thì thần tính vốn bị che giấu nay được Cha vén mở.

Mùa Chay là thời gian chúng ta lên núi để được biến hình,

nếu chúng ta chấp nhận lắng nghe và tuân giữ lời Con Chúa.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,

xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.

Mỗi lần con thấy Chúa,

xin biến đổi ánh mắt con.

Mỗi lần con rước Chúa,

xin biến đổi môi miệng con.

Mỗi lần con nghe lời Chúa,

xin biến đổi tai con.

Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn

sau mỗi lần gặp Chúa.

Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa

trong nụ cười của con,

thấy sự dịu dàng của Chúa

trong lời nói của con.

Thế giới hôm nay không cần những kitô hữu

có bộ mặt chán nản và thất vọng.

Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm

cùng đi với Chúa và tha nhân

trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.

 

4. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

THỬ THÁCH TRONG CUỘC SỐNG
+++

A. DẪN NHẬP

Bài Tin mừng Thánh lễ hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu biến hình trên núi Tabor trước mặt ba tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan. Việc biến hình này có ý nghĩa gì ? Chắc chắn nhờ việc chứng kiến vẻ vinh quang tương lai của Chúa, Ngài muốn chuẩn bị cho các ông đối diện với biến cố khổ nạn của Ngài sẽ xảy ra sau này.

Đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải theo gương các môn đệ mà trèo lên núi, bất chấp khó khăn, can đảm dấn thân bước theo Đức Giêsu trong cuộc tử nạn của Ngài. Cuộc đời của chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn, nhiều gian nan thử thách và có hàng ngàn lý do khiến chúng ta bỡ ngỡ, bối rối trước những hoàn cảnh éo le. Chúng ta sẽ không hiểu tại sao lại có những thử thách ấy! Chúa không thương yêu chúng ta sao ? Không thắc mắc, chúng ta hãy bắt chước ông Abraham hoàn toàn tin tưởng phó thác đời mình trong tay Chúa quan phòng, vâng theo thánh ý Chúa, Ngài sẽ lo liệu, và ta hãy tâm niệm rằng: “Khi Chúa đóng cửa chính thì Ngài sẽ mở những cửa sổ”. Ngài sẽ có cách giải quyết.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: St 22,1-2.9a,10-15

Theo nghiên cứu, người ta thấy dường như việc dùng trẻ con để tế lễ rất thịnh hành vào các thế kỷ thứ 8 và thứ 7 trước công nguyên. Cho nên khi nhắc nhở rằng mọi con đầu lòng đều thuộc về Thiên Chúa, lề luật liền nhấn mạnh đến việc buộc phải chuộc con đầu lòng bởi một của lễ thay thế. Câu chuyện tế lễ Isaac minh hoạ cho lề luật trên, đồng thời nhấn mạnh đến hành động đặc biệt của Abraham.

Thiên Chúa đã hứa với Abraham là ông sẽ trở thành tổ phụ của một dân lớn lao. Ông chỉ có một người con duy nhất là Isaac do bà Sara sinh ra. Thế mà Thiên Chúa đã truyền cho ông phải hiến tế người con yêu dấu của mình. Như thế làm sao có thể dung hoà được giữa việc hiến tế Isaac và lời hứa của Thiên Chúa cho ông có một dòng dõi đông đúc như sao trời cát biển ?

Abraham tiến thoái lưỡng nan, không biết theo con đường nào. Tuy thế, ông đã phải trấn áp nỗi đau khổ của người cha, ông lấy nghị lực đức tin mà thưa “Xin vâng” với thánh ý Chúa. Ông đã làm một việc vượt trên cả mức độ anh hùng. Dù Abraham chưa giết con, nhưng Chúa kể ông đã dâng con cho Chúa. Đức tin và lòng tuân phục của ông sẽ được phần thưởng liền sau đó.

+ Bài đọc 2: Rm 8,31-34

Có nhiều người còn nghi ngờ vào tình yêu của Thiên Chúa đến nỗi còn sợ sệt và tuyệt vọng. Thánh Phaolô với giọng điệu cảm kích sâu xa đã tuyên bố rằng không có gì phải thất vọng, bằng chứng là: Thiên Chúa đã không dung tha cho Con Một mình. Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô là bằng chứng hùng hồn của tình yêu Thiên Chúa đối với loài người.

Việc Đức Giêsu bị chết trên thập giá đã khiến chúng ta không còn lý do nào phải hoài nghi và sợ sệt. Lỗi lầm lớn nhất chúng ta có thể vấp phải sẽ là hoài nghi, thiếu tin tưởng: “Nếu Thiên Chúa yểm trợ chúng ta, còn ai chống lại nổi chúng ta ?” (Rm 8,31)

+ Bài Tin mừng: Mc 9,2-10

Khi đi theo Đức Giêsu, các Tông đồ có cùng hoài bão của người Do thái là Đấng Cứu thế của họ sẽ là Đấng Cứu thế vinh thắng oai hùng tái lập vương quốc của Đavít và Salomon. Nhưng khác với cái nhìn trần tục của các ông, trong kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng Thiên sai sẽ là một “tôi tớ đau khổ và khiêm tốn đã được các tiên tri phác hoạ”.

Để củng cố niềm tin cho các môn đệ trước cuộc thương khó đầy sỉ nhục của Ngài, Đức Giêsu đã đưa ba môn đệ lên núi Tabor, biến hình trước mặt các ông để các ông thấy khuôn mặt sáng ngời của Ngài hầu củng cố niềm tin cho các ông trước những ngày đen tối sắp tới.

Theo gương các tông đồ, chúng ta cũng phải có một niềm tin như vậy trước gian nan thử thách trong cuộc sống của một Kitô hữu. Hẳn nhiên, cũng như các tông đồ, Chúa cũng dành cho chúng ta những giờ phút sáng tươi hoan hỉ nội tâm để giúp chúng ta đi tới tận cùng điểm dốc Canvê.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚATừ Tabor đến Golgotha

I. ĐỨC GIÊSU BIẾN HÌNH

1. Diễn tiến việc biến hình

Thánh Marcô cho biết: sáu ngày sau khi thánh Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu tại Cêsarêa của vua Philipphê, Đức Giêsu đã đưa ba môn đệ yêu quí là Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cao. Thánh sử không cho biết là núi nào: núi Tabor hay Hermon. Các nhà chú giải Thánh kinh ngày nay nghiêng về núi Hermon, song cổ truyền cho biết chính Tabor đã được hồng ân ấy.

Vì đi đường mệt nhọc các ông lăn ra ngủ và khi thức giấc, các ông nhìn thấy cảnh lạ lùng: Chúa biến hình, “áo Ngài trắng như tuyết, không thể nào giặt được như vậy”. Có ông Maisen và Elia đàm đạo với Ngài để khuyến khích Ngài đi vào cuộc tử nạn và có tiếng phát ra trong đám mây: “Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Ngài”. Sau đó, Đức Giêsu trở lại tình trạng bình thường. Việc biến hình này có ảnh hưởng sâu đậm đến ba ông.

2. Ý nghĩa việc Chúa biến hình

Đức Giêsu đã quyết định lên Giêrusalem, và quyết định ấy có nghĩa là chấp nhận thập giá. Ngài cần biết cách tuyệt đối rằng mình đã quyết định đúng trước khi tiếp tục dấn bước. Trên đỉnh núi Ngài đã chấp nhận đôi về quyết định của Ngài.

a) Sự hiện diện của Elia và Maisen

Maisen là đại diện cho pháp luật và Elia là tiên tri đầu tiên và vĩ đại nhất trong các ngôn sứ. Khi hai nhân vật lỗi lạc đó hội kiến với Đức Giêsu, có nghĩa là nhà tuyên bố pháp luật vĩ đại nhất và nhà tiên tri lỗi lạc nhất đã nói với Đức Giêsu rằng “Xin cứ tiến lên”. Nó có nghĩa là hai vị thấy nơi Đức Giêsu sự hoàn thành của tất cả những gì họ từng mơ ước trong quá khứ. Nó có nghĩa là họ thấy nơi Ngài tất cả những gì mà lịch sử vẫn trông chờ từ lâu và đã hướng về đó với hy vọng tràn đầy. Dường như chính lúc đó Đức Giêsu được bảo đảm rằng: Ngài đang đi đúng hướng vì cả lịch sử đều dẫn đến thập giá.

b) Biến hình giúp môn đệ vững tin

Khi nghe Đức Giêsu báo cho họ biết là Ngài sẽ lên Giêrusalem để chịu chết, họ bàng hoàng, bối rối lo sợ vì bao điều mơ tưởng của họ sẽ bị tiêu tan, tương lai của họ trở nên bấp bênh, đen tối. Tuy thế, những gì đã xem thấy trên núi biến hình cho họ có cơ hội bám chặt lấy ngay khi họ chẳng hiểu gì. Cho dù có thập giá hay không, họ vẫn được nghe tiếng của Thiên Chúa xác nhận Đức Giêsu là Con Ngài.

Ngoài ra, việc Chúa biến hình trên núi khiến họ trở thành các chứng nhân cho sự vinh hiển của Chúa Cứu thế theo một ý nghĩa đặc biệt. Xác tín rằng mình là chứng nhân trước sự vinh hiển của Chúa Cứu Thế, sau này khi có dịp, họ đã có sẵn câu chuyện đang giấu kín trong lòng, sẽ kể lại cho mọi người nghe.

c) Lời mời gọi biến đổi

Hãy nhìn chung quanh, chúng ta sẽ thấy mọi sự luôn biến đổi. Thí dụ nhìn một cái cây. Tuy nó vẫn là cái cây đó nhưng bên trong đó có biết bao biến đổi: có những chiếc lá tháng trước nay không còn; nhiều chiếc lá mới mọc ra; và nhiều chiếc lá hiện nay sau sẽ không còn. Nếu cái cây vẫn y như thế từ tháng này sang tháng khác, từ năm này qua năm khác thì đó không còn là một cái cây sống nữa mà là một khúc gỗ.

Hãy nhìn lên trời, chúng ta cũng thấy qui luật biến đổi ấy: bầu trời hôm qua với bầu trời hôm nay đâu có hoàn toàn giống nhau mặc dù vẫn là một bầu trời.

Hãy nhìn xuống nước. Triết gia Héraclite đã nói: “Không ai tắm hai lần trong một dòng sông”.

Và nhìn vào bản thân: các nhà khoa học nói rằng: các tế bào luôn thay đổi, cái này chết cái kia sinh ra, sau 7 năm thì không còn tế bào nào là tế bào của 7 năm trước nữa.

Không biến đổi cũng đồng nghĩa với chết. Đối với cuộc sống thân xác thì như thế. Đối với cuộc sống thiêng liêng thì cũng như vậy. Bởi thế trong mùa Chay chúng ta cần biến đổi. Cứ sống y như cũ là chết (Carôlô, Sợi chỉ đỏ, năm B, tr 134-135).

Việc Chúa biến hình nhắc cho các môn đệ và chúng ta phải thay hình đổi dạng linh hồn mình. Thánh Phaolô cũng nhắc nhở chúng ta phải cởi bỏ con người cũ tội lỗi, để mặc lấy con người mới tốt lành thánh thiện hơn: “Hãy lột bỏ con người cũ mặc lấy con người mới. Hãy để Thần khí Thiên Chúa canh tân tận tâm linh anh em” (Ep 4,22).

Thánh Tông đồ còn khuyên nhủ chúng ta hãy làm một cuộc canh tân toàn diện, để cho con người nội tâm của ta biết nghe theo luật của Chúa mà bỏ đường lối của xác thịt. Vì thế, trong thư gửi tín hữu Êphêsô Ngài đã viết: “Anh em hãy cởi bỏ kiểu sống xa xưa, con người cũ đã ra hư hốt buông theo những đam mê lầm lạc. Hãy để Thần khí canh tân đổi mới thấu tận trí khôn. Hãy mặc lấy người mới đã được tạo dựng nên theo Thiên Chúa, trong công chính và thánh thiện bắt nguồn trong sự thật” (Ep 4,22-24).

Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta phải đổi mới toàn diện, phải đổi từ con người cũ sang hẳn con người mới tốt lành. Đổi mới toàn diện là phải đổi mới tận căn, chứ không phải chỉ đổi mới nửa vời hoặc đổi mới hời hợt một số cái, hoặc chỉ đổi mới cái bên ngoài, để rồi trở thành con người mà người đời gọi một cách mỉa mai: “Nửa người nửa ngợm nửa đười ươi”, đúng như người ta nói:

Thay quần thay áo thay hơi,

                                      Thay dáng thay dấp mà người chẳng thay. (Ca dao)

                                                Truyện: Cách làm cho trắng da

Người ta thuật rằng cả một khu đất kia chỉ có một gia đình người da đen ở. Gia đình đó gồm có một bà vợ, một người chồng và một đứa con trai 9 tuổi. Cậu bé đi học, nhưng giữa bọn trẻ da trắng, riêng mình đen thủi đen thui, nên lắm phen bị chê cười, chế nhạo. Cậu luôn luôn bị chọc ghẹo nên khó chịu, giống như một tấm lòng non nớt bị một vết thương sâu. Sau hết, cậu tự hỏi mình có thể thay đổi nước da chăng, rồi nhất định làm theo ý nghĩ đó.

Bữa nọ, thầy giáo thấy cậu vắng mặt, bèn hỏi đám học trò về cậu. Một trò thưa rằng thấy cậu đi đằng sau trường, giữa khu rừng nhỏ có rạch chảy qua. Thầy giáo ra công tìm kiếm và thấy cậu ở sát bờ rạch, đang dùng cát ướt kỳ cọ hai cánh tay đen. Thỉnh thoảng cậu dừng tay, rửa cát dính vào da, rồi nhìn xem màu da mất chưa. Nhưng! Màu đen quá sậm, cậu mất công. Vài phút sau, thầy giáo gọi cậu:

– Này em làm gì đấy ?

Cậu giật mình thưa:

– Con cố sức trừ bỏ màu da đen để nên người da trắng, song không sao được.

                             (Ms. Lê văn Thái, Những tia sáng, tập 2, tr 94-95)

II. BIẾN ĐỔI VÀ THỬ THÁCH

1. Thử thách của tổ phụ Abraham

Bài đọc I hôm nay thuật lại việc Abraham sát tế Isaác con mình. Việc này cho chúng ta thấy cá tính và đức tin của ông. Lệnh truyền sát tế Isaác, người con duy nhất sinh ra trong tuổi già, thì vượt quá tầm nhìn cách nghĩ của con người và xem ra là phi lý. Sẽ thực hiện ra sao đây lời chúc phúc của Thiên Chúa cho ông làm tổ phụ các dân tộc, nếu không còn người con trai này ? Thiên Chúa đòi hỏi ông hiến tế luôn cái cơ hội sống còn cuối cùng này của ông, đồng thời cũng là cái nền tảng cho niềm tin của ông. Yêu cầu của Thiên Chúa quá đỗi đau thương đoạn trường, nhưng với niềm tin cậy vào Thiên Chúa, ông vội vã thực hiện ngay lệnh truyền ấy. Cần vâng phục Thiên Chúa bất cứ giá nào. Ngay khi ông đang giơ cao con dao để hạ sát con trai, Thiên Chúa đã ngăn cản bàn tay ông và mạng sống Isaác được dành lại.

2. Thử thách của chúng ta

Đường lối Thiên Chúa thật lạ lùng… nhiều khi đường lối Chúa lại chẳng xem ra đi ngược với mục đích đang tìm kiếm sao ? Câu chuyện về hy tế của Abraham khá làm sáng tỏ những phương thức của Thiên Chúa. Quả thật, tất cả chỉ là thử thách trong cuộc đời. Nhưng một khi chân trời mây mù bưng bít, không trông đâu được sự giúp đỡ của loài người, mọi sự dường như mất hết, chúng ta không còn cân nhắc suy tính được nữa, và thất vọng tự hỏi: “Tại sao Thiên Chúa xử như vậy ?”

Nhưng chúng ta phải hiểu rằng: Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta, Ngài đã phó nộp Con Một Ngài trên cây thánh giá vì phần rỗi chúng ta. Như vậy, khi Ngài để cho chúng ta nhờ đau khổ và thử thách kết hợp với sự thương khó của Chúa Kitô, chúng ta chắc chắn rằng, nhờ đó, Ngài cũng muốn liên kết chúng ta vào sự Phục sinh và vinh quang của Chúa Kitô. Do đó, thử thách cũng có ý nghĩa tích cực của nó. Không lạ gì khi thấy người ta nói:

Có cứng mới đứng đầu gió (Tục ngữ)

Chính những đau khổ và gian nan thử thách sẽ làm cho chúng ta thêm giá trị trước mặt Chúa, nó thanh luyện chúng ta, nó làm cho chúng ta thể hiện lòng trung thành đối với Chúa. Lúc đó, đức tin của chúng ta mới có giá trị sau khi đã được thanh luyện như vàng ra khỏi quặng:

Có gió lung, mới biết tùng bá cứng,

Có lửa hừng, mới biết thức vàng cao. (Tục ngữ)

Thánh Giacôbê Tông đồ nói về vấn đề này: “Phúc cho ai bị thử thách mà vẫn trung thành, bởi vì khi thành công trong cơn thử thách như thế, người đó sẽ được Thiên Chúa ân thưởng bằng sự sống mà Thiên Chúa đã hứa cho những ai yêu mến Ngài” (Gc 1,12).

Trong gian nan thử thách, hãy giữ vững niềm hy vọng và tin tưởng phó thác. Nhưng làm sao giữ được niềm hy vọng tâm hồn ? Hãy noi gương Chúa Kitô! Tất cả cuộc đời Ngài chỉ là một chuỗi phó thác trong tay Chúa Cha. Trong lúc hấp hối Ngài than thở: “Lạy Cha, xin đừng theo ý Con, một theo ý Cha”. Sự tín thác mến yêu này là nguồn ơn cứu độ cho hết mọi người và là nguyên nhân của Phục sinh khải hoàn. Chính trong việc chiêm niệm về Chúa Kitô tín thác cho Tình yêu mà chúng ta múc lấy nghị lực để nói như Ngài: “Lạy Cha, đừng theo ý con, một theo ý Cha”.

3. Thử thách và đức tin

a) Đức tin cần được thử thách

Trong những lúc bị thử thách, chúng ta không biết bám víu vào đâu vì những người chung quanh đều bất lực không thể giúp chúng ta. Lúc đó, chúng ta chỉ còn biết dựa vào đức tin để phó thác cho Chúa, xin Ngài đến cứu giúp. Đức tin cũng cần phải được thử thách thì mới có giá trị. Nếu ở trên núi Tabor, ông Phêrô thưa với Chúa: “Lạy Thầy, chúng con ở đây thì tốt lắm, chúng con xin dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Elia và một cho Maisen” (Mc 9,5). Các ông muốn đăng ký thường trú trên đỉnh núi Tabor, ngủ yên trong hào quang rực rỡ, bỏ lại dưới núi bạn đồng môn, muốn hưởng thụ đầy đủ ánh hào quang của Chúa, thì các ông sẽ nói thế nào ở vườn Cây Dầu và ở đồi Golgotha ?

Người đời cũng cảm nghiệm thấy giá trị và ích lợi của thử thách. Chính thử thách làm cho con người thêm giá trị. Con người chỉ được đánh giá đúng qua thử thách như thi sĩ Nguyễn công Trứ nói lại câu nói của cổ nhân:

Văn vô sơn thuỷ vô kỳ khí

Nhân bất phong sương vị lão tài.

Trong đời sống thiêng liêng, chúng ta phải có đức tin vững mạnh. Tuy thế đức tin không phải lúc nào cũng ở đỉnh cao, đức tin có lúc lên cao, có lúc xuống thấp theo nhịp điệu vui buồn, sướng khổ, may mắn hay trắc trở.

Khi lên tinh thần, đức tin của chúng ta cũng vững mạnh và xán lạn như đức tin của các tông đồ trong bài Tin mừng hôm nay. Khi đức tin ở đỉnh cao, chúng ta thấy gần gũi Đức Giêsu đến độ chúng ta tưởng rằng có thể đụng sờ được Ngài. Chúng ta cảm thấy gần gũi Thiên Chúa Cha đến độ dường như đôi tay của Ngài đang bao bọc chung quanh ta, và Thánh Thần dường như đang nói với chúng ta. Trái lại, khi xuống điểm thấp, đức tin của chúng ta yếu ớt như muốn mất hẳn, giống như đức tin của các môn đệ ở vườn Cây Dầu (Mark Link).

Áp dụng vào trong cuộc sống hằng ngày, đôi lúc chúng ta cảm thấy đức tin mình ở những điểm cao, lúc đó chúng ta yêu thương hết mọi người. Chúng ta thắm thiết với bạn bè, và chúng ta tha thứ cho tất cả mọi thù địch. Vào những ngày như thế, chúng ta không thể hiểu được chúng ta đã từng cho rằng cuộc đời là khó khăn. Nhưng khi ở những điểm thấp, không có gì là trôi chảy cả: “Chúng ta cảm thấy bị đè nén và đáng thương, bị hiểu lầm, chán nản, bị mất mát thiệt thòi. Đó là lúc chúng ta thấy mình có nhiều kẻ thù hơn là thực tế, và thấy người bạn nào của mình cũng đều có lỗi với mình cả. Vào những ngày như vậy, chúng ta khó mà biết được tại sao có những lúc chúng ta lại nghĩ rằng cuộc đời này là dễ dàng vui tươi” (Anthony Padovano).

b) Tin tưởng và phó thác

Những lúc gặp đau khổ hoặc gian nan thử thách, chúng ta chỉ còn biết tin tưởng và phó thác cho Chúa. Ngài có thể làm được tất cả trong những cái loài người cho là không có thể, để quyền năng của Chúa được tỏ hiện nơi ta, như thánh Phaolô đã nói: “Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,10).

Có câu nói diễn đạt kinh nghiệm sống đạo, sống niềm tin trong đau khổ thật sâu xa: “Khi Thiên Chúa đóng của chính thì Ngài mở ra cửa sổ”. Thiên Chúa đóng cửa chính là khi chúng ta gặp thử thách, đau khổ, không còn có thể nhìn thấy ánh sáng, sự hiện diện đầy quan phòng của Thiên Chúa. Đó là khi Thiên Chúa xem ra như bỏ rơi, mặc chúng ta đương đầu với thử thách, khó khăn. Lúc đó, chúng ta cần nhớ rằng: Thiên Chúa Ngài sẽ mở ra cửa sổ, mở ra một lối thoát, một giải đáp, một hướng đi mới cho cuộc đời chúng ta.

Thiên Chúa đóng cửa chính nhiều lần trong cuộc đời mỗi người, nhưng đồng thời Ngài cũng mở ra những cửa sổ, để hướng chúng ta đến một điều tốt đẹp hơn mà trước đó chúng ta không ngờ. Những kinh nghiệm đau thương, tiêu cực mà chúng ta gặp phải trong cuộc đời, đôi khi đó là tiếng nói của Thiên Chúa để mời gọi chúng ta bước ra khỏi một hoàn cảnh không tốt đẹp, để chuẩn bị chúng ta sẵn sàng hơn đón nhận những hồng ân mới.

Truyện: Niềm đau tượng hình

Du khách đến Rôma thường đi thăm ngôi thánh đường cổ tên là Dominus sub aquis, vì phía trên bàn thờ, có một tượng thánh giá rất đặc biệt: bất cứ ai đến quỳ trước tượng thánh giá và cầu nguyện với tất cả lòng thành đều được sức mạnh và an ủi thâm sâu.

Người ta kể rằng tác giả của thánh giá bằng tượng cẩm thạch này đã mất nhiều năm mới hoàn thành được tác phẩm. Hơn hai lần, mỗi khi treo bức tượng lên để ngắm nhìn, ông lại cho kéo xuống và đập bỏ, vì ông cho rằng tác phẩm vẫn chưa diễn đạt được điều ông muốn.

Khi ông bắt tay vào công trình lần thứ ba thì cũng là lúc ông gặp nhiều thử thách nhất. Nhiều người ganh tị nên tìm cách hạ uy tín ông. Vợ con ông qua đời trong những hoàn cảnh thật đau thương.

Ai cũng tưởng rằng cơn thử thách đã khiến ông bỏ cuộc. Trái lại, ông càng miệt mài chú tâm vào công trình. Người nghệ sĩ dồn tất cả niềm đau của mình lên khuôn mặt của Đức Kitô. Bức tượng của Chúa Giêsu trên thập giá không còn là một phiến đá lạnh lùng, xa lạ, mà trở thành niềm đau đậm nét của một tâm hồn. Bức tượng đã trở nên sống động và có sức thu hút do chính tâm tình mà người nghệ sĩ muốn tháp nhập vào (Thiên Phúc, Chuyện hay đông tây, tập 1, tr 159).

Khi gặp những giây phút đen tối, chúng ta hãy bắt chước gương của Abraham trong bài đọc I hôm nay. Niềm tin của Abraham yếu ớt và dường như phai mờ khi ông nghĩ rằng: Thiên Chúa đòi hỏi ông phải hy tế con trai của ông là Isaác. Điều đó làm cho ông khổ tâm và bối rối. Nhưng Abraham vẫn tin cậy vào Chúa, và Thiên Chúa không để ông thất vọng. Thiên Chúa đã chúc phúc và ban ơn cho ông hơn cả những ước mơ của ông.

Thiên Chúa cũng thử thách niềm tin của chúng ta như thế. Khi bị thử thách, tâm hồn chúng ta cũng đau khổ và bối rối. Nhưng nếu chúng ta tin cậy vào Thiên Chúa giống như Abraham, thì Thiên Chúa sẽ không để chúng ta thất vọng. Và cuối cùng, Thiên Chúa cũng sẽ chúc phúc và ban ân huệ cho ta nhiều hơn những gì chúng ta mơ ước.

Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một: Ngài là Đức Giêsu sáng láng trên núi Tabor, cũng là Đức Giêsu mướt máu trong vườn Cây Dầu, và cũng là Đức Kitô đau khổ trên thập giá ở đồi Golgotha. Hai đỉnh núi Tabor và Golgotha cách nhau không xa, nhưng lại là con đường vạn lý, con đường đau khổ, con đường vượt qua: Đường Tình yêu.

Theo thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu thì: “Sống tình yêu không phải là căng lều trên đỉnh Tabor, mà là cùng với Đức Giêsu ta trèo lên đồi Canvê”. Hiểu được đau khổ là con đường tình yêu, thì thánh nữ Bernadette đã cầu nguyện: “Con không xin cho mình khỏi đau khổ, nhưng chỉ xin Ngài đừng bỏ con trong đau khổ”.

 

5. Suy niệm (song ngữ)

2nd Sunday of Lent
Reading I: Genesis 22:1-2;9:10-13,15-18 II: Romans 8:31-34
Chúa Nhật 2 Mùa Chay
Bài Đọc I: Sáng Thế 22:1-2;9:10-13,15-18 II: Rôma 8:31-34

——o0o——

Gospel
Mark 9:2-10

2 Six days later, Jesus took with him Peter and James and John, and led them up a high mountain.
There his appearance was changed before their eyes. 3 Even his clothes shone, becoming as white as no bleach of this world could make them.
4 Elijah and Moses appeared to them; the two were talking with Jesus.
5 Then Peter spoke and said to Jesus, “Master, it is good that we are here; let us make three tents, one for you, one for Moses and one for Elijah”.
6 For he did not know what to say; they were overcome with awe.
7 But a cloud formed, covering them in a shadow, and from the cloud came this word, ” This is my Son, the Beloved; listen to Him”.
8 And suddenly, as they looked around, they no longer saw anyone except Jesus with them.
9 As they came down the mountain, he ordered them to tell no one what they had seen, until the Son of Man be risen from the dead.

10 So they kept this to themselves, although they discussed with one another what ‘to rise from the dead’ could mean.

Phúc Âm
Maccô 9:2-10

2 Sáu ngày sau, Chúa Giêsu đem các ông Phêrô, Gia-cô-bê, và Gioan đi riêng với mình lên một ngọn núi cao. Và Chúa biến hình trước mặt các ông.
3 Áo Chúa trở nên sáng chói và trắng tinh, không một thợ nào ở trần gian làm được trắng như vậy.
4 Đoạn có các ông Êlia và Mai-sen hiện đến nói truyện với Chúa Giêsu.
5 Ông Phêrô thưa cùng Chúa rằng: “Thưa Thày, chúng ta ở đây thì tốt lắm. Chúng tôi xin dựng ba lều, một cho Thày, một cho ông Mai-sen và một cho ông Êlia”.
6 Lúc ấy ông không biết mình nói gì, vì các ông đều rất sợ hãi.
7 Lại có đám mây kéo đến che phủ các đấng và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con rất yêu dấu của Ta, hãy nghe lời Người”.
8 Bỗng, các môn đệ đưa mắt nhìn chung quanh, song không còn thấy ai, chỉ duy có Chúa Giêsu.
9 Lúc đi từ trên núi xuống, Chúa cấm các ông không được kể lại cho ai hay sự các ông đã xem, cho đến ngày Con Người từ trong kẻ chết sống lại.
10 Các ông tuân lệnh đó, song hỏi nhau rằng: “Từ trong kẻ chết sống lại nghĩa là gì ?”

Interesting Details

• Mathew, Luke, and Mark all report the Transfiguration in a similar way. “Jesus took” Peter, James, and John to the mountain. All three also add a simple phrase, “with him” (v.2). The disciples are traveling “with him” on a journey. The disciples must always travel “with him,” especially when it is a journey to the cross.
• Verse 2 described the transfiguration as occuring “after six days.” Mark is usually not precise when it comes to time. This may be a reference to the incomplete creation, awaiting its “seventh day,” or the time required for purification before entering heaven (Exodus 24:16).
• Jesus’ clothes shone before their eyes (v.3). The original Greek described these garments as “whiter, as the bleach of earth is not powerful so to whiten.” In other words, this is not an earthly event, only heaven can provide such glory.
• The disciples did not understand Jesus messages. First Peter wanted to build three tents, because “he did not know what to say” (v.6). Then they argued among themselves what “to rise from the dead” meant (v.10).

Chi Tiết Hay

• Mat-thêu, Mac-cô, và Gioan đều kể việc Chúa Giêsu biến hình tương tự như nhau. “Chúa đem” các ông Phêrô, Gia-cô-bê, và Gioan. Cả ba tác giả lại viết thêm “đi…với” Chúa. Các môn đệ đang đi trên đường với Chúa; các môn đệ luôn luôn nên “đi với” Chúa Giêsu, nhất là trên đường đi đến khổ giá.
• Câu thứ hai kể chuyện Chúa biến hình xảy ra “sau sáu ngày”. Mac-cô thường không nhắc đến thời gian rõ ràng như trên. Đây có thể nói đến một sự tạo thành chưa hoàn tất, đang trông chờ “ngày thứ bảy”. Hay có thể nói đến thời gian cần thiết để thanh tẩy trước khi vào Nước Trời (Xuất Hành 24:16).
• (c.3) Áo Chúa trở nên sáng chói và trắng tinh. Sách trích tiếng Hy-lạp gọi áo này là “trắng như không một loại thuốc tẩy nào trên trần gian có thể mạnh đủ để làm như thế”. Nói cách khác, chỉ có Nước Trời mới có thể mang lại vinh quang đó.
• Trong đoạn thánh kinh này, các môn đệ tỏ vẻ không hiểu Lời Chúa. Ông Phêrô không biết mình nói gì (c.6), và các ông cãi nhau không biết “từ trong kẻ chết sống lại ” nghĩa là gì.

One Main Point

On their journey to Jerusalem, where Jesus would be crucified, the disciples were shown Jesus’ glory. The transfiguration reveals Jesus true identity and anticipates his resurrection. It is also an anticipation for those who follow Him: “if we have died with Christ, we believe we will also live with Him.”

Một Điểm Chính

Trên đường đi đến Giê-ru-sa-lem, là nơi Chúa Giêsu sẽ bị đóng đinh, Chúa bày tỏ Vinh Quang của Người cho các môn đệ. Sự kiện biến hình của Chúa Giêsu tiên đoán sự sống lại của Người. Cũng như thế, đối với những người theo Chúa, “nếu chúng ta đã chết với Chúa Kitô, thì chúng ta tin chắc rằng chúng ta cũng sẽ được sống với Chúa Kitô”(Romans 6:8).

Reflections

1. On my journey through life, do I let Jesus travel with me ? Do I let Jesus’ words guide me, as the Father has instructed, “listen to Him ?”
2. In times of distress, where do I place my hope to help me through the sufferings, to help me carry my cross ?

Suy Niệm

1. Trên đường đời, tôi có để Chúa đi với tôi ? Tôi có để Lời Chúa dẫn dắt tôi, như lời Chúa Cha đã phán: “Hãy nghe Lời Người”.
2. Trong lúc gặp khó khăn, tôi đã đặt hy vọng vào đâu để giúp tôi vác thánh giá của mình ? Thánh I-Nhã khuyên rằng, khi tâm hồn được Chúa an ủi, cho bình an, thì hãy dùng chính lúc đó để nhận định hướng đi của mình. Còn khi tâm hồn đang ở trong tăm tối của đau khổ, thì đừng nên thay đổi hướng đi, mà hãy nhớ lại những giây phút được Chúa an ủi, để làm sức giúp ta tiếp tục tiến tới.