Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một.
Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường (Mc 6, 7-8)
Bài Ðọc I: Am 7, 12-15
“Hãy đi nói tiên tri cho dân Ta”.
Trích sách Tiên tri Amos.
Trong những ngày ấy, Amasia (vị tư tế ở Bêthel) nói cùng Amos rằng: “Hỡi tiên tri, người hãy trốn sang đất Giuđa, sinh sống và nói tiên tri ở đó. Chớ tiếp tục nói tiên tri ở Bêthel, vì đó là thánh điện của vua và là đền thờ của vương quốc”. Amos trả lời cùng Amasia rằng: “Tôi không phải là tiên tri, cũng không phải là con của tiên tri, nhưng là đứa chăn bò (và chuyên) đi hái trái sung. Khi tôi đang đi theo đàn chiên, thì Chúa dẫn tôi đi và nói cùng tôi rằng: “Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Israel của Ta”.
ĐÁP CA: Tv 84, 9ab -10. 11-12. 13-14
Đáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con (c. 8).
Xướng:
1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi. – Đáp.
2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Tự mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. – Đáp.
3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái, đức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người. – Đáp.
Bài Ðọc II: Ep 1, 3-10 {hoặc 3-14}
“Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng đã chúc lành cho chúng ta bằng mọi phúc lành thiêng liêng trên trời, trong Ðức Kitô. Như Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian, để chúng ta được nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Ngài trong tình yêu thương.
Chiếu theo thánh ý Ngài, Ngài đã tiền định cho ta được phúc làm con nhờ Ðức Giêsu Kitô, để chúng ta ca tụng vinh quang ân sủng của Ngài mà Ngài đã ban cho chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ máu Người, được ơn tha tội theo sự phong phú của ân sủng Ngài. Ân sủng này, Ngài đã đổ tràn đầy trên chúng ta với tất cả sự khôn ngoan thượng trí, khiến chúng ta được biết mầu nhiệm ý định của Ngài, theo ý Ngài đã định về Người, để kiện toàn trong thời gian viên mãn, là thâu hồi vạn vật trên trời dưới đất trong Ðức Kitô.
{Cũng trong Người mà chúng tôi được kêu gọi làm thừa tự, được tiền định theo ý định của Ngài là Ðấng tác thành mọi sự theo thánh ý Ngài, để chúng tôi trở thành lời ca vinh quang của Ngài, chúng tôi là những kẻ trông cậy vào Ðức Kitô. Trong Người, cả anh em nữa, sau khi anh em đã nghe lời chân thật là Tin Mừng cứu rỗi anh em, anh em đã tin và được ghi dấu Thánh Thần, như đã hứa. Người là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, để chúng ta được ơn cứu chuộc, và được ca ngợi vinh quang Ngài.}
Tin mừng: Mc 6,7-13
7 Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ.
8 Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưn;9 được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.
10 Người bảo các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi.
11 Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.”
12 Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối.
13 Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.
Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 15 Thường niên năm B
WHĐ (09.07.2024) – Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của Chúa nhật 15 Thường Niên năm B theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.
Số 1506-1509: Các môn đệ tham dự vào sứ vụ chữa lành của Đức Kitô
Số 737-741: Hội Thánh được kêu gọi để loan báo và làm chứng
Số 849-856: Nguồn gốc và phạm vi sứ vụ của Hội Thánh
Số 693, 698, 706, 1107, 1296: Chúa Thánh Thần như là bảo chứng và dấu ấn của Thiên Chúa
Số 492: Đức Maria như là mẫu gương độc đáo của việc được chọn trước cả khi tạo thành vũ trụ
Số 1506-1509: Các môn đệ tham dự vào sứ vụ chữa lành của Đức Kitô
Số 1506. Đức Kitô mời gọi các môn đệ vác thánh giá của mình[1] mà theo Người. Khi theo Người, các môn đệ có được một tầm nhìn mới về các bệnh tật và các bệnh nhân. Chúa Giêsu đã cho họ dự phần vào đời sống nghèo khó và phục vụ của Người. Người cho họ tham dự vào thừa tác vụ cảm thương và chữa lành của Người: “Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6,12-13).
Số 1507. Chúa phục sinh đã lặp lại sứ vụ này (“Nhân danh Thầy… họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe” Mc 16,17-18) và xác nhận sứ vụ đó qua các dấu chỉ Hội Thánh thực hiện trong khi kêu cầu Danh Người[2]. Các dấu chỉ này biểu lộ cách đặc biệt Chúa Giêsu thật sự là “Thiên Chúa cứu độ”[3].
Số 1508. Chúa Thánh Thần ban cách đặc biệt cho một số người đoàn sủng chữa lành[4] để biểu lộ sức mạnh của ân sủng của Đấng phục sinh. Tuy nhiên những lời cầu nguyện sốt sắng nhất cũng không luôn luôn chữa lành tất cả mọi bệnh tật. Thánh Phaolô phải học nơi Chúa điều này: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9); và những đau khổ phải chịu có thể có ý nghĩa này: “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho Thân Thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).
Số 1509. “Hãy chữa lành người đau yếu!” (Mt 10,8). Hội Thánh đã nhận nơi Chúa mệnh lệnh này và cố gắng thi hành mệnh lệnh đó qua việc chăm sóc các bệnh nhân và việc nguyện cầu để đồng hành với họ. Hội Thánh tin vào sự hiện diện sống động của Đức Kitô, vị thầy thuốc của cả phần hồn phần xác. Sự hiện diện này đặc biệt tác động trong các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, là bánh ban sự sống đời đời[5] và liên hệ của bánh này với sự chữa lành phần xác đã được thánh Phaolô nói đến[6].
Số 737-741: Hội Thánh được kêu gọi để loan báo và làm chứng
Số 737. Sứ vụ của Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần được thực hiện trong Hội Thánh, là Thân Thể Đức Kitô và Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Sứ vụ phối hợp này từ nay đưa các tín hữu của Đức Kitô vào sự hiệp thông của Người với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần: Thần Khí chuẩn bị người ta, Ngài đến với họ trước bằng ân sủng của Ngài để lôi kéo họ đến với Đức Kitô. Chính Ngài làm tỏ hiện Chúa phục sinh cho họ, nhắc cho họ nhớ Lời của Người và mở trí cho họ hiểu được sự Chết và sự Sống Lại của Người. Ngài làm cho mầu nhiệm của Đức Kitô hiện diện cho họ, nhất là trong bí tích Thánh Thể, để hòa giải họ, và cho họ được hiệp thông với Thiên Chúa, để làm cho họ “mang lại nhiều hoa trái”[7].
Số 738. Như vậy, sứ vụ của Hội Thánh không phải là được thêm vào sứ vụ của Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần, nhưng là bí tích của sứ vụ đó: Hội Thánh, tự bản chất và trong tất cả các chi thể của mình, được sai đi để loan báo và làm chứng, hiện tại hóa và truyền bá mầu nhiệm hiệp thông của Ba Ngôi Chí Thánh:
“Tất cả chúng ta đã lãnh nhận cùng một Thần Khí duy nhất là Thánh Thần, nên một cách nào đó chúng ta được kết hợp với nhau và với Thiên Chúa. Mặc dầu chúng ta nhiều người, và mặc dầu Đức Kitô đã làm cho Thần Khí của Chúa Cha và của Người cư ngụ trong mỗi người chúng ta, Thần Khí vẫn là một và không thể phân chia, Ngài quy tụ những thần trí riêng rẽ… trong sự hợp nhất nhờ chính Ngài và làm cho tất cả như nên một trong Ngài. Cũng như sức mạnh của Mình Thánh Chúa Kitô làm cho những ai ăn Mình Thánh Người được thuộc về một thân thể duy nhất như thế nào, thì cũng một cách đó, theo tôi nghĩ, Thần Khí duy nhất và không thể phân chia của Thiên Chúa đang ngự trong mọi người, cũng đưa mọi người đến sự hợp nhất tinh thần như vậy”[8].
Số 739. Bởi vì Chúa Thánh Thần là sự Xức Dầu của Đức Kitô, nên Đức Kitô, là Đầu của thân thể, tuôn đổ Thánh Thần cho các chi thể của Người để nuôi dưỡng và chữa lành họ, cắt đặt họ vào trong các phận vụ đối với nhau, lam cho họ được sống, sai họ đi làm chứng, liên kết họ vào việc Người dâng mình lên Chúa Cha và vào việc Người chuyển cầu cho khắp cả trần gian. Qua các bí tích của Hội Thánh, Đức Kitô truyền thông cho các chi thể của Ngươi Thần Khí của Người, là Đấng Thánh và là Đấng Thánh Hóa (đây sẽ là nội dung của Phần Thứ Hai của Sách Giáo Lý này).
Số 740. “Những kỳ công của Thiên Chúa” đang nói ở đây, được ban cho các tín hữu trong các bí tích của Hội Thánh, sẽ mang lại hoa trái trong đời sống mới trong Đức Kitô theo Thần Khí (đây sẽ là nội dung của Phần Thứ Ba của Sách Giáo Ly này).
Số 741. “Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8,26). Chúa Thánh Thần, Đấng thực hiện các công trình của Thiên Chúa, là Thầy dạy cầu nguyện (đây sẽ là nội dung của Phần Thứ Tư của Sách Giáo Lý này).
Số 849-856: Nguồn gốc và phạm vi sứ vụ của Hội Thánh
Số 849. Lệnh truyền giáo. “Được Thiên Chúa sai đến với muôn dân để nên ‘bí tích cứu độ phổ quát’, do những đòi hỏi sâu sắc của tính công giáo, vâng theo lệnh truyền của Đấng Sáng Lập của mình, Hội Thánh cố gắng loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người”[9]. “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,l9-20).
Số 850. Nguồn gốc và mục đích của việc truyền giáo. Lệnh truyền giáo của Chúa bắt nguồn từ tình yêu vĩnh cửu của Ba Ngôi Chí Thánh: “Tự bản chất, Hội Thánh lữ hành phải truyền giáo, vì chính Hội Thánh bắt nguồn từ sứ vụ của Chúa Con và sứ vụ của Chúa Thánh Thần, theo ý định của Thiên Chúa Cha”[10]. Mục đích tối hậu của việc truyền giáo là làm cho loài người được tham dự vào sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Thần Khí tình yêu của chính các Ngài[11].
Số 851. Động lực của việc truyền giáo. Hội Thánh luôn nhận lấy bổn phận và sức mạnh thúc đẩy việc truyền giáo của mình từ chính tình yêu của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người: Quả vậy, “tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi…” (2 Cr 5,l4)[12]. Thật vậy, “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ nhờ nhận biết chân lý. Ơn cứu độ được gặp thấy trong chân lý. Những ai vâng theo sự thúc đẩy của Thánh Thần chân lý, thì đã ở trên đường cứu độ; nhưng chân lý này đã được uỷ thác cho Hội Thánh, nên Hội Thánh phải đáp ứng khát vọng của những người đó là mang chân lý đến cho họ. Bởi vì Hội Thánh tin vào kế hoạch phổ quát của ơn cứu độ, nên Hội Thánh phải truyền giáo.
Số 852. Những nẻo đường truyền giáo. “Chúa Thánh Thần là Đấng chủ xướng toàn bộ việc truyền giáo của Hội Thánh”[13]. Chính Ngài dẫn dắt Hội Thánh trên các nẻo đường truyền giáo. “Hội Thánh tiếp tục và triển khai qua dòng lịch sử sứ vụ của chính Đức Kitô, Đấng đã được sai đi rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo; được Thần Khí Đức Kitô thúc đẩy, Hội Thánh phải tiến bước trên chính con đường Đức Kitô đã đi, là con đường khó nghèo, vâng phục, phục vụ và tự hiến cho đến chết, từ đó Người đã chiến thắng nhờ sự sống lại của Người”[14]. Theo cách đó, “máu là hạt giống trổ sinh các Kitô hữu”[15].
Số 853. Nhưng trên đường lữ hành, Hội Thánh cũng cảm nghiệm “khoảng cách giữa sứ điệp mà Hội Thánh phải rao giảng và sự yếu hèn nhân loại của những người được ủy thác Tin Mừng”[16]. Chỉ bằng con đường “sám hối và canh tân”[17] và “qua cửa hẹp của Thập Giá”[18], Dân Thiên Chúa mới có thể mở rộng Nước Đức Kitô[19]. “Cũng như Đức Kitô đã hoàn thành công trình cứu chuộc trong nghèo khó và bị bách hại, Hội Thánh cũng được kêu gọi tiến bước trên chính con đường đó, để truyền thông cho người ta những hoa trái của ơn cứu độ”[20].
Số 854. Do chính sứ vụ của mình, “Hội Thánh đồng hành với toàn thể nhân loại và cảm nghiệm cùng một số phận trần thế với trần gian, và Hội Thánh hiện hữu như men, như linh hồn của xã hội nhân loại phải được canh tân trong Đức Kitô và phải được biến đổi thành gia đình của Thiên Chúa”[21]. Vì thế nỗ lực truyền giáo đòi hỏi sự kiên nhẫn. Công việc truyền giáo bắt đầu bằng việc rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc và các nhóm người chưa tin vào Đức Kitô[22]; tiếp đến là thiết lập những cộng đoàn Kitô hữu, là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa trên trần gian[23], và thành lập những Giáo Hội địa phương[24]; tiến trình hội nhập văn hóa được thúc đẩy, để Tin Mừng nhập thể vào các nền văn hóa của các dân tộc[25]; tiến trình đó sẽ không thiếu lúc gặp sự chống đối. “Đối với người ta, các tập thể và các dân tộc, Hội Thánh chỉ tiếp xúc và thâm nhập dần dần, và như vậy đón nhận họ vào sự sung mãn của tính công giáo”[26].
Số 855. Công việc truyền giáo của Hội Thánh đòi hỏi nỗ lực để hợp nhất các Kitô hữu[27]. “Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu ngăn trở Hội Thánh thực hiện đầy đủ tính công giáo đặc thù của mình nơi những con cái đó, những người đã liên kết với Hội Thánh bằng Phép Rửa, nhưng còn bị tách biệt chưa hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh. Hơn nữa, chính Hội Thánh cũng khó diễn tả sự sung mãn của tính công giáo về mọi phương diện trong đời sống thực tế”[28].
Số 856. Nhiệm vụ truyền giáo bao hàm sự đối thoại đầy tôn trọng đối với những ai chưa đón nhận Tin Mừng[29]. Các tín hữu có thể nhận được điều bổ ích cho chính mình từ cuộc đối thoại này, nhờ học biết thêm rằng “bất cứ điều gì thuộc về chân lý và ân sủng đã có nơi các dân tộc, đều được nhận ra như một sự hiện diện bí ẩn của Thiên Chúa”[30]. Chính các tín hữu loan báo Tin Mừng cho những người không biết, để củng cố, bổ túc, và nâng cao chân lý và sự thiện mà Thiên Chúa đã tuôn đổ cho người ta, cho các dân tộc, và để thanh luyện họ khỏi sự sai lầm và sự dữ “để Thiên Chúa được vinh danh, ma quỷ phải hổ thẹn, và con người được hạnh phúc”[31].
Số 1122, 1533: Lưu ý về sứ vụ
Số 1122. Đức Kitô đã sai các Tông Đồ của Người đi để “nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân… kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24,47). “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” (Mt 28,19). Sứ vụ làm Phép Rửa, tức là sứ vụ bí tích, được bao hàm trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, bởi vì bí tích được chuẩn bị bằng Lời Chúa và bằng đức tin, là sự ưng thuận vâng theo Lời đó:
“Dân Thiên Chúa được quy tụ trước tiên bằng Lời của Thiên Chúa hằng sống…. Chính thừa tác vụ bí tích đòi phải có việc rao giảng Lời Chúa, bởi vì các bí tích là bí tích của đức tin, một đức tin được sinh ra và được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa”[32].
Số 1533. Các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể là những bí tích khai tâm Kitô giáo. Ba bí tích này đặt nền tảng cho ơn gọi chung của tất cả các môn đệ Đức Kitô, ơn gọi đến sự thánh thiện và đến sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho trần gian. Ba bí tích này mang lại những ân sủng cần thiết cho đời sống theo Chúa Thánh Thần trong cuộc lữ hành đời này tiến về quê hương vĩnh cửu.
Số 693, 698, 706, 1107, 1296: Chúa Thánh Thần như là bảo chứng và dấu ấn của Thiên Chúa
Số 693. Ngoài danh xưng riêng của Ngài, rất thường được dùng trong sách Công Vụ Tông Đồ và các Thánh Thư, ta còn thấy những danh hiệu nơi thánh Phaolô như sau: Thần Khí của lời hứa (Ep 1,13; Gl 3,14), Thần Khí nghĩa tử (Rm 8,15; Gl 4,6), Thần Khí của Đức Kitô (Rm 8,9) Thần Khí của Chúa (2 Cr 3,17), Thần Khí của Thiên Chúa (Rm 8,9.14; 15,19; 1 Cr 6,11; 7,40); và nơi thánh Phêrô: Thần Khí của vinh quang (1 Pr 4,14).
Số 698. Dấu ấn là một biểu tượng rất gần với biểu tượng xức dầu. Thật vậy, Đức Kitô là Đấng “Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (Ga 6,27), và trong Người, Chúa Cha cũng ghi dấu xác nhận chúng ta[33]. Hình ảnh “dấu ấn”, bởi vì nói lên hiệu quả không thể xoá nhoà của việc xức dầu bằng Chúa Thánh Thần trong các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, Truyền Chức Thánh, nên đã được dùng trong một số truyền thống thần học để diễn tả “ấn tín” không thể xoá được, được ghi dấu bởi ba bí tích không thể được tái ban đó.
Số 706. Trái với mọi hy vọng phàm nhân, Thiên Chúa hứa cho tổ phụ Abraham một dòng dõi như hoa trái của đức tin và của quyền năng Chúa Thánh Thần[34]. Nơi dòng dõi của ông, mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc[35]. Dòng dõi đó sẽ là Đức Kitô[36], trong Người sự tuôn đổ Thánh Thần sẽ thực hiện việc quy tụ nên một các con cái Thiên Chúa đang tản mát[37]. Tự ràng buộc mình bằng một lời thề[38], Thiên Chúa cam kết sẽ ban Con chí ái của Ngài[39], cũng như sẽ ban Than Khí của Lời hứa, Đấng chuẩn bị công cuộc cứu chuộc dân mà Thiên Chúa đã thủ đắc cho mình[40].
Số 1107. Quyền năng biến đổi của Chúa Thánh Thần trong phụng vụ làm cho Nước Chúa mau đến và mầu nhiệm cứu độ chóng hoàn tất. Trong việc chờ đợi và trong niềm hy vọng, Ngài thật sự làm cho chúng ta được tham dự trước vào sự hiệp thông sung mãn của Thiên Chúa Ba Ngôi. Được Chúa Cha, Đấng nhận lời khẩn cầu của Hội Thánh, sai đến, Chúa Thánh Thần ban sự sống cho những ai đón nhận Ngài và ngay từ bây giờ, đối với những kẻ ấy, Ngài là “bảo chứng” phần gia nghiệp của họ[41].
Số 1296. Chính Đức Kitô tuyên bố Người được ghi dấu bằng ấn tín của Cha Người[42]. Kitô hữu cũng được ghi dấu bằng một ấn tín: “Đấng củng cố chúng tôi cùng với anh em trong Đức Kitô, và đã xức dầu cho chúng ta, Đấng ấy là Thiên Chúa. Chính Ngài cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” (2 Cr 1,21-22)[43]. Ấn tín này của Chúa Thánh Thần xác nhận một người hoàn toàn thuộc về Đức Kitô, để vĩnh viễn phục vụ Người, nhưng ấn tín đó cũng là một lời hứa là được Thiên Chúa che chở trong cuộc thử thách lớn lao thời cánh chung[44].
Số 492: Đức Maria như là mẫu gương độc đáo của việc được chọn trước cả khi tạo thành vũ trụ
Số 492. Những ánh rạng ngời này của “một sự thánh thiện hoàn toàn độc nhất vô nhị”, đã được ban cho Mẹ “ngay từ lúc đầu tiên tượng thai”[45], tất cả đều từ Đức Kitô mà đến với Mẹ: Mẹ đã “được cứu chuộc cách hết sức kỳ diệu nhờ xét đến công nghiệp Con Mẹ”[46]. Chúa Cha đã “thi ân giáng phúc” cho Mẹ, hơn bất cứ thụ tạo nào khác, cho Mẹ “hưởng muôn vàn ân phúc của Thánh Thần, từ cõi trời, trong Đức Kitô” (Ep 1,3). Ngài “đã chọn” Mẹ “trong Đức Kitô, trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Ngài”, Mẹ “trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Ngài” (x. Ep l,4).
Bài giảng Đức Thánh Cha – Chúa nhật 15 Thường Niên năm B
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 15 Thường Niên năm B (11.07.2021) – Nâng đỡ người bệnh
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 15 Thường Niên năm B (15.07.2018) – Phong cách của nhà truyền giáo
Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 15 Thường Niên năm B (12.07.2015) – Tinh thần đón tiếp
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: Ðược Ðức Giêsu sai đi giảng dạy, nhóm Mười Hai nhận chỉ thị về hành trang của người tông đồ: phải có tinh thần đơn sơ và từ bỏ những gì ngăn cản sứ mệnh. Hoạt động chính của nhóm Mười Hai là: Rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối, trừ quỉ, sức dầu cho bệnh nhân…
Mỗi chúng ta cũng có trách nhiệm trong chương trình cứu độ của Ðức Giêsu. Chúng ta có nhiệm vụ loan báo một Thiên Chúa tình yêu: Ngài luôn nhân hậu, hiện diện gần gũi con người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cũng như nhóm Mười Hai xưa, con phải ra đi để rao giảng Tin Mừng cho người khác. Xin cho chúng con luôn cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương để chúng con luôn trung thành và nhiệt tâm tông đồ. Ước gì nước Chúa được rộng mở, con người tìm được hạnh phúc. Amen.
Ghi nhớ: “Người bắt đầu sai các ông đi”.
2. Suy niệm (ĐTGM Ngô Quang Kiệt)
Ai đi xa cũng phải chuẩn bị hành trang. Chuyến đi càng xa thì hành trang càng nhiều. Chuyến đi càng quan trọng thì hành trang càng phải chọn lựa, tính toán. Hôm nay Đức Giêsu sai các môn đệ đi một chuyến quan trọng: tiếp nối sứ mạng của Người đem Tin Mừng đến khắp các làng mạc xa xôi. Để chuẩn bị cho chuyến đi quan trọng này, Đức Giêsu đã giúp các môn đệ sắp xếp hành trang. Sau khi đã loại bỏ những loại hành trang cồng kềnh không cần thiết, có hại cho nhiệm vụ, Đức Giêsu đã trao cho các môn đệ những hành trang thực sự cần thiết và hữu ích cho sứ vụ Tông đồ.
Hành trang của người môn đệ là sự gắn bó mật thiết với Đức Giêsu
Các môn đệ chỉ được sai đi sau khi đã có một thời gian sống bên cạnh Người. Thời gian sống bên Đức Giêsu cần thiết để các môn đệ hiểu biết, cảm thông và nhất là yêu mến, gắn bó mật thiết với Người. Đây chính là hành trang quan trọng nhất. Người được sai đi phải gắn bó mật thiết với Đấng đã sai mình. Sự gắn bó mật thiết là nguồn mạch, bảo đảm tính trung thực, là chìa khoá thành công của sứ vụ. Đức Giêsu đã nêu gương về điểm này khi luôn gắn bó mật thiết với Đức Chúa Cha, Đấng đã sai Người. Sự gắn bó ấy giúp Người hoàn toàn kết hiệp với Đức Chúa Cha, trở nên một lòng một ý với Đức Chúa Cha, luôn cầu nguyện, luôn từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa Cha. Chính vì thế, sứ vụ của Người đã thành công tốt đẹp.
Hành trang của người môn đệ là tâm hồn đơn sơ phó thác
Khi chỉ thị cho các môn đệ: “không được mang gì khi đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo”, Đức Giêsu muốn các ông sống trong cảnh nghèo khó để hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Chúa. Tiền của, tiện nghi vật chất dễ tạo ra một thứ an tâm giả tạo, dẫn con người đến chỗ tự mãn, tự kiêu, tự phụ cho rằng mọi thành công là nhờ tài sức riêng mình. Vì thế, dễ tha hoá, làm theo ý mình hơn là làm theo ý Chúa, sắp đặt chương trình cho Chúa hơn là tìm thực hiện chương trình của Chúa. Nghèo khó sẽ giúp người môn đệ ý thức sự nghèo nàn thiếu thốn, sự yếu ớt của mình, ý thức đó sẽ giúp người môn đệ biết khiêm nhường, tin tưởng phó thác cho Chúa. Tôi chỉ là hư vô, là cát bụi. Mọi thành công đều của Chúa, nhờ Chúa. Những thành công do tài sức con người sẽ mau tàn. Chỉ có công trình của Chúa mới bền vững. Vì thế đơn sơ phó thác là một hành trang rất cần thiết cho người môn đệ. Không mang theo gì của loài người, chỉ mang theo niềm tin yêu phó thác vào Thiên Chúa, đó chính là mang theo tất cả.
Hành trang của người môn đệ là tình liên đới
Đức Giêsu không sai các môn đệ đi riêng lẻ, nhưng sai từng hai người một. Người biết khả năng con người yếu kém, cần có tập thể nâng đỡ mới hoàn thành sứ mạng. Lời chứng của một cá nhân chưa đủ sức thuyết phục. Cần có sự đồng tâm nhất trí của một tập thể lời chứng mới thực sự đáng tin. Hơn nữa, Đức Giêsu không sai các môn đệ đi làm việc với giấy tờ hay đất đai, nhưng sai các ngài đến với con người. Các ngài phải sống giữa mọi người, nhờ mọi người giúp đỡ, chia sẻ cuộc sống với họ. Phải liên đới với con người. Tình liên đới không những cần thiết để giúp các ngài làm việc tông đồ một cách hữu hiệu. Chính qua tình liên đới mà Tin Mừng dễ dàng được đón nhận.
Hành trang của người môn đệ là trái tim biết cảm thương. Đức Giêsu sai các môn đệ đến với những người đau yếu bệnh tật, hoang đàng tội lỗi, bị quỷ ma hành hạ. Tức là đến với những người kém may mắn ở đời. Những người nghèo hèn yếu đuối. Những người bị xã hội bỏ quên. Để đến với những người anh em bé nhỏ, người môn đệ phải có trái tim biết cảm thương. Các ngài phải mang trái tim của Thiên Chúa luôn chạnh lòng thương khi nhìn thấy đám đông bơ vơ tất tưởi, túng thiếu, đói khát. Phải sẵn sàng băng rừng vượt suối đi tìm một con chiên lạc. Phải mở rộng vòng tay đón nhận đứa con hoang đàng trở về. Phải sẵn sàng tha thứ cho kẻ tội lỗi thật lòng hối cải ăn năn.
Mỗi người chúng ta đều là môn đệ của Chúa. Khi chúng ta lãnh nhận phép Rửa tội và Thêm sức, Chúa sai chúng ta đi rao giảng Tin Mừng của Người. Tôi thấy anh chị em ở Giáo xứ Cửa Nam rất tích cực trong việc tông đồ. Nhưng có lẽ anh chị em vẫn băn khoăn, không biết làm sao để việc tông đồ có kết quả tốt đẹp. Hôm nay, Đức Giêsu cho ta biết, muốn việc tông đồ có kết quả, ta phải gắn bó mật thiết với Chúa, phó thác mọi sự cho Chúa, đồng thời phải có tình liên đới và nhất là phải biết cảm thương anh chị em đồng loại. Một tay nắm lấy tay Chúa, một tay nắm lấy tay anh em. Một tình yêu anh chị em trong tình yêu mến Chúa. Liên kết mọi người trong tình yêu mến. Với tình yêu mến, chắc chắn việc tông đồ của ta sẽ đi đúng đường hướng của Chúa. Với tình yêu mến, chắc chắn việc tông đồ sẽ có kết quả tốt đẹp.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Chúa sai bạn đi làm tông đồ cho Chúa, bạn có cảm thấy điều đó không?
2- Mỗi khi đi làm việc tông đồ, bạn thường chuẩn bị những loại hành trang nào, những hành trang của bạn quan tâm có giống những hành trang Chúa chuẩn bị cho các môn đệ không?
3- Theo bạn, đâu là phương thế hữu hiệu nhất làm cho những người chung quanh nhận biết Chúa?
4- Đâu là những hành trang cần thiết của người môn đệ Chúa?
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
SỨ MẠNG LÀM CHỨNG CHO CHÚA
A. DẪN NHẬP
Chúa nhật 15 hôm nay cho chúng ta biết: trước khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa đã quyết định chọn con người chúng ta làm nghĩa tử nhờ Con yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Kitô (Bài đọc 2). Đồng thời cũng hé mở cho chúng ta biết chúng ta có ơn gọi và sứ mạng làm con, làm tiên tri và làm người rao giảng Tin mừng Cứu độ của Thiên Chúa. Đây thực là một hồng ân cao cả, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề phải chu toàn.
Sau một thời gian huấn luyện các Tông đồ, Đức Giêsu cho các ông đi thực tập truyền giáo. Ngài căn dặn các ông đủ điều để làm hành trang trên bước đường truyền giáo: sống siêu thoát, nhịn nhục chịu đựng, phó thác… (Bài Tin mừng). Nhưng trên bước đường truyền giáo, những người thi hành sứ vụ ấy không phải lúc nào cũng được người ta tiếp nhận vui vẻ, nhiều khi còn bị người ta chống đối, bị xua đuổi như trường hợp tiên tri Amos (Bđ 1).
Mỗi người chúng ta có trách nhiệm phải thi hành sứ mạng tiên tri tức là phải làm chứng cho Đức Giêsu như lời Ngài dạy: “Chúng con là chứng nhân của Thầy”. Rao giảng Tin mừng và làm chứng cho Chúa không phải chỉ dùng lời nói suông nhưng phải dùng cả đời sống, cả con người của mình để làm chứng, vì con người chúng ta là phương tiện hữu hiệu để chỉ cho người ta biết Thiên Chúa. Vì vậy, mỗi người phải có đời sống gương mẫu để xứng đáng là chứng nhân của Chúa, ngược lại chỉ là “phản chứng”.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Am 7,12-15
Amos là một người chân chất sống ở tiểu vương quốc Giuđa (phía nam), làm nghề chăn nuôi súc vật, nhưng Chúa truyền cho ông phải đến vương quốc Israel (phía bắc) khiển trách lối sống phản tôn giáo và các tư tế ở đền thờ Bethel chỉ biết sống theo hình thức trong đời sống tôn giáo mà không có đời sống thực.
Vì trung thành nói lời Chúa nên Amos bị dân chúng ghét bỏ. Một trong các vị tư tế đền thờ là Amasias, được nhận bổng lộc của nhà vua, đã ra lệnh trục xuất ông khỏi xứ sở. Ông đã phản ứng lại một cách mãnh liệt, không chịu rời khỏi xứ ấy vì ông đã nhận được sứ mạng nói tiên tri, mặc dầu ông không thuộc dòng dõi tiên tri, cũng không quen làm nghề tiên tri.
+ Bài đọc 2: Ep 1,3-14
Thánh Phaolô gửi thư mục vụ cho tín hữu Êphêsô tiết lộ cho họ một mầu nhiệm: trước khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa đã quyết định chọn con người chúng ta làm nghĩa tử, nhờ Con yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Ngài còn cứu chuộc chúng ta bằng giá máu của chính Con Ngài và nuôi dưỡng chúng ta bằng sự sống của Ngài dưới tác động của Thánh Thần.
Đây là mầu nhiệm tình yêu. Tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa đối với chúng ta. Chúng ta có trách nhiệm phải đáp trả lại tình yêu ấy bằng cách phải tỏ ra xứng đáng với ơn gọi Kitô hữu và tích cực cộng tác vào việc thi hành thánh ý Chúa.
+ Bài Tin mừng: Mc 6,7-13
Sau khi rời bỏ Nazareth đi rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đã chọn Capharnaum làm trung tâm hoạt động. Công việc huấn luyện các Tông đồ tạm đủ, Ngài sai các ông đi từng hai người một đến những vùng xa hơn để rao giảng.
Ngài sai các ông đến với mọi người, dù họ là ai, và đặc biệt đến với những người nghèo khó nhất. Sứ mạng đặc biệt của các ông là rao giảng sự thống hối. Ngài cũng ban cho các ông quyền trừ quỷ và chữa được nhiều bệnh tật.
Để bảo đảm cho sứ mạng của các ông thành công, Ngài ban cho các ông chỉ thị rõ ràng: phải có tinh thần vô vị lợi, không quá lo lắng về đời sống vật chất, không cần phải trang bị gì, cứ tin vào sự quan phòng của Chúa. Chúa sẽ nâng đỡ và làm cho những cố gắng của các ông thêm phong phú.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Ra đi làm chứng cho Chúa
I. NHỮNG SỨ GIẢ ĐƯỢC SAI ĐI
1. Các tiên tri
Ngày xưa, khi Thiên Chúa muốn truyền cho dân điều gì thì Ngài dùng các tổ phụ hoặc các tiên tri. Bài đọc 1 chứng minh cho chúng ta qua việc Thiên Chúa gọi Amos là người xứ Giuđa đi nói tiên tri cho người xứ Israel. Ông phản đối mạnh mẽ việc lạm dụng tôn giáo và tính cách thiếu tôn giáo đang lan tràn tại Israel, đặc biệt ông nhấn mạnh việc thờ phượng mà thiếu luân lý lành mạnh là không có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Khi ông tiên báo là vua Joroboam sẽ bị ám sát và Israel sẽ bị đi lưu đày, thì vị tư tế Amasias ở đền Bethel phản đối và đuổi ông đi khỏi Israel.
Thời đó, ở Israel có trường dạy nghề tiên tri, một nghề để kiếm ăn. Do đó xuất hiện những tiên tri giả. Amos hiểu nghĩa của từ “thầy chiêm” mà Amasias dùng nên khẳng định: ông chỉ là người chăn chiên và đi hái sung vả, ông phải làm nghề này chỉ vì Chúa đã gọi ông: “Hãy đi nói tiên tri cho Israel dân của Ta” (Am 7,15).
2. Các Tông đồ
Khi Đức Giêsu xuất hiện thì thời đại tiên tri chấm dứt với ông Gioan Tẩy giả, ông là tiên tri bản lề giữa Cựu ước và Tân ước. Lúc này Chúa không dùng các tiên tri nữa mà lại dùng các Tông đồ đi rao giảng Lời Chúa. Sau khi đã huấn luyện các Tông đồ một thời gian, Đức Giêsu muốn cho các ông được thử lông thử cánh, cho các ông truyền đạt cho người ta những điều Ngài dạy, biết va chạm vào thực tế với những thành công và thất bại để sau này các ông có kinh nghiệm truyền giáo, sau khi Đức Giêsu đã về trời (Bài Tin mừng).
3. Các nhà truyền giáo
Khi Đức Giêsu đã về trời, các Tông đồ đã chia nhau đi rao giảng Tin mừng, có các người phụ tá và những người cộng tác với các ngài. Khi các ngài đã qua đi thì Giáo hội lãnh nhận công tác tiếp nối công việc của các Tông đồ mà rao giảng Tin mừng cho đến tận cùng thế giới, không kể màu da sắc tộc, ngôn ngữ. Lời Chúa phải được rao giảng cho mọi người.
Và đến lượt các tín hữu, mọi người có trách nhiệm phải rao giảng cho người khác. Mọi người phải rao giảng Tin mừng, không trừ ai, nhưng Giáo hội trạch cử một số người chuyên đi rao giảng mà ta gọi là “các nhà truyền giáo”. Đức Giêsu không còn trực tiếp rao giảng như ngày xưa nữa mà cần loài người chúng ta phải cộng tác để đi đến các hang cùng ngõ hẻm đem Lời Chúa đến cho mọi người.
Truyện: Chúa cần bàn tay bạn
Cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều tiên trước đây là một cuộc chiến tranh tàn khốc. Một ngôi làng nhỏ rơi vào dưới làn đạn của trọng pháo. Trong làng, có một ngôi nhà thờ Công giáo. Bên ngoài nhà thờ có một bệ cao, bên trên có đặt một bức tượng Đức Kitô. Tuy nhiên, khi cuộc chiến tranh qua rồi bức tượng đã biến mất. Bức tượng đã bị hất ra khỏi bệ vỡ ra từng mảnh trên mặt đất.
Một hôm lính Mỹ đã giúp vị linh mục thu thập những mảnh vụn. Một cách cẩn thận, họ đã ráp lại pho tượng. Họ tìm thấy tất cả các mảnh vỡ, trừ đôi bàn tay. Họ đề nghị khi trở về Mỹ họ sẽ đặt làm đôi bàn tay ấy. Nhưng vị linh mục đã từ chối. Ngài nói:
– Tôi có một ý tưởng hay hơn: chúng ta hãy để pho tượng không có bàn tay và chúng ta sẽ ghi vào chân đế lời này: “Bạn ơi, bạn hãy cho tôi mượn đôi bàn tay của bạn” (Flor McCarthy, Phụng vụ Chúa nhật B, tr 494).
II. CÁC MÔN ĐỆ ĐƯỢC SAI ĐI LÀM CHỨNG
1. Chúa sai các Tông đồ đi
Trở lại bài Tin mừng hôm nay, chúng ta biết Đức Giêsu đã chọn cho mình 12 Tông đồ để trở thành những cán bộ nòng cốt cho việc rao giảng Tin mừng. Sau khi đã huấn luyện một thời gian, Ngài muốn sai các ông đi thực tập truyền giáo. Đây là bước sang giai đoạn thứ hai chương trình của Ngài: từ lý thuyết sang thực hành.
Các ông đã sống với Ngài một thời gian, đã chứng kiến cuộc đời Chúa, đã nghe Ngài giảng thuyết, đã chứng kiến phép lạ Ngài làm, đã nhìn thấy những thất bại của Ngài ở Gherasa và ở Nazareth, đã nhận thức thái độ thù ghét của người biệt phái. Nay đã đến lúc thử để biết vàng hay thau. Ngài cần cho các ông biết phải hoạt động theo tinh thần nào và những nguyên tắc nào.
Chúng ta hãy xem cách thức Đức Giêsu sai các Tông đồ như thế nào:
a) Từng hai người một: Ngài sai các ông đi từng hai người một để giúp đỡ nhau, biểu lộ tinh thần liên đới và hiệp nhất của người Tông đồ, đồng thời để làm chứng tích sống động về điều họ rao giảng là cộng đoàn huynh đệ yêu thương. Người ta cứ dấu đó mà biết họ là những môn đệ của Chúa Kitô.
b) Ban quyền lực: Quyền lực đây phải hiểu là “quyền trừ các thần ô uế”. Câu nói đó phải hiểu theo quan điểm đã ghi chép trong Mt 10,8 và Lc 9,1 nghĩa là khu trừ quỷ ám và chữa lành các bệnh tật: vì theo quan niệm thời đó, tất cả các bệnh tật đều coi như là hậu quả của tội lỗi và không ít thì nhiều do ma quỷ làm.
c) Môi trường hoạt động: Trước tiên hãy đến với dân Chúa tức là những người Do thái: “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samaria. Tốt hơn là hãy đến với các chiên lạc nhà Israel” (Mc 10,5). Còn đối với dân ngoại, các ông sẽ đến với họ sau khi Chúa đã về trời.
d) Đề tài rao giảng: Các ông sẽ rao giảng sự thống hối. Vì công cuộc cứu chuộc chưa hoàn tất nên Đức Giêsu không dạy các ông giảng về Ngài. Điều đó Ngài sẽ dạy các ông rao giảng sau này khi Ngài đã chịu chết và sống lại để chứng tỏ Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu thế (Rm 1,3-4; 1Cr 1,23).
2. Tư cách của vị Tông đồ
Khi sai các Tông đồ đi truyền giáo, Đức Giêsu căn dặn các ông kỹ càng nhiều điều để làm hành trang lên đường. Chúng ta có thể tóm tắt các lời căn dặn đó trong 3 điểm sau:
a) Sống tinh thần khó nghèo
Đức Giêsu đã từng nói về Ngài: “Con chồn có hang, con chim có tổ, Con người không có nơi tựa đầu”. Ngài di chuyển nay đây mai đó, không vướng mắc gì về phần vật chất nghĩa là sống siêu thoát. Vì thế, Ngài khuyên các ông đừng mang gì ngoài cây gậy. Thậm chí không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi. Người Tông đồ không chuẩn bị gì để lên đường, mọi sự đã có Chúa lo: “Tiên vàn các con hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn các sự khác Ngài sẽ ban cho”.
b) Chấp nhận bị khinh dể
Đức Giêsu đã bị hất hủi nơi quê hương mình: “Không có tiên tri nào mà không bị khinh dể nơi quê hương mình”. Các Tông đồ cũng sẽ rơi vào trường hợp đó. Các ông sẽ không được một số người tiếp nhận và còn bị ngược đãi nữa. Trong trường hợp đó, Ngài cho phép ra đi đến một nơi khác, và giũ bụi chân lại cho họ biết lỗi lầm của họ. Người Do thái có thói quen làm như thế khi họ đi từ vùng dân ngoại vào vùng đất của họ, để minh chứng họ dứt bỏ mọi liên hệ xấu xa với dân ngoại. Vậy người môn đệ làm như thế để đánh thức những ai từ chối họ, và cho những người ấy biết rằng: cách cư xử của họ như vậy là đã trở thành dân ngoại.
c) Phó thác nơi Chúa
Phó thác được coi như một nhân đức, nhưng phải hiểu cho đúng nghĩa. Phó thác không có nghĩa giao khoán cho Chúa hoàn toàn, còn mình thì thụ động, không cộng tác, không làm gì cả. Ngược lại, phải cộng tác với Chúa theo khả năng của mình, phải có hành động theo sự soi sáng hướng dẫn của Chúa vì, theo thánh Giacôbê: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”.
Vậy phó thác là gì? Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa dạy các Tông đồ phó thác theo nghĩa là khi các ông ra đi truyền giáo, các ông chỉ cần một số phương tiện vật chất vừa đủ: một cây gậy để chống lại thú dữ dọc đường, một chiếc áo mặc, một đôi dép để đi, thế thôi. Đừng quá lo lắng về vật chất: không cần mang lương thực dự trữ, không cần thủ nhiều tiền trong túi, không cần tới hai áo, không cần mang bị theo để đựng quà biếu của người khác. Về nơi ăn chốn ở cũng thế, miễn sao có chỗ trọ là được, không cần tìm đến nhà giầu sang, chỗ nào không tiếp nhận thì đi chỗ khác… Điều chính yếu quan trọng mà các ông cần cậy dựa vào: đó là quyền năng của Chúa.
III. CHÚA SAI CHÚNG TA ĐI LÀM CHỨNG
Mỗi khi tham dự Thánh lễ, trước khi ra về, linh mục nói lên lời cầu chúc và căn dặn mọi người: “Ite, Missa est”: Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an. Linh mục không cầu chúc mọi người trở về nhà bình an mà cầu chúc mọi người ra đi rao giảng Tin mừng, vì Thánh lễ chưa kết thúc ở đây mà còn kéo dài trong cả ngày, trong cả cuộc sống. Chúng ta đã tiếp nhận được Lời Chúa trong Thánh lễ, thì hãy đem lời Chúa gieo rắc khắp nơi nhất là cho những người chưa nhận biết Chúa. Hãy đi làm chứng cho Chúa giữa lòng đời.
1. Làm chứng cho Chúa là gì?
Làm chứng cho Chúa là lấy lời nói, nhất là cách ăn ở, việc làm mà tỏ cho người khác biết Chúa Kitô, vì người ấy giống Chúa Kitô trong tư tưởng, nói năng, xử sự, việc làm. Vì giống như vậy nên khi người ta gặp người ấy, thì người ta nhớ đến Chúa Kitô. Người ấy đã trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô như thánh Phaolô nói: “Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”.
Chúng ta chỉ là công cụ của Chúa để nhờ đó người ta biết Chúa. Tuy công cụ nhỏ bé chẳng đáng kể nhưng lại cần thiết. Chúa không trực tiếp tỏ mình ra cho người ta mà dùng con người nhỏ bé của chúng ta, để tỏ lộ cho mọi người biết Thiên Chúa cao cả. Chúng ta chỉ là phương tiện để Chúa đến với người ta và người ta đến với Chúa. Ví dụ: một người muốn biết ngôi sao mai trên trời, nhưng không biết ngôi nào trong hàng ngàn ngôi sao, nhưng nếu chúng ta dùng bàn tay chỉ cho họ, thì họ sẽ nhận ra ngôi sao mai trên trời. Bàn tay chỉ là phương tiện giúp người ta nhìn ra sao mai, nếu không có bàn tay ấy thì người ta không nhìn ra sao mai được.
Truyện: Công cụ của Chúa
Một ngày mùa đông một người đàn ông đi đến với một cậu bé đang ngồi ăn xin trên một cây cầu của thành phố, gió thổi lồng lộng. Cậu bé run lập cập vì lạnh và rõ ràng đang cần một bữa ăn ngon. Nhìn thấy cậu bé, người đàn ông rất tức giận bèn nói với Thiên Chúa:
– Lạy Chúa, tại sao Chúa không làm điều gì đó cho cậu bé này?
Thiên Chúa đáp lại:
– Ta đã làm một điều gì đó cho nó rồi.
Điều này làm người đàn ông ngạc nhiên, vì thế ông nói:
– Con hy vọng Chúa không nói rằng: Bất cứ điều gì Chúa làm đều có vẻ như không làm.
Chúa đáp:
– Ta cũng đồng ý với con điều đó.
Người đàn ông hỏi:
– Nhưng bằng cách nào mà Chúa đã làm điều đó?
Chúa đáp: – Ta đã làm ra con (Flor McCarthy, Sđd, tr 492)
2. Cách thức làm chứng cho Chúa
a) Mọi người có thể làm chứng
Trước khi về trời, Đức Giêsu đã nhắn nhủ các môn đệ những lời sau cùng: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật” (Mc 16,15; Mt 28,19). Nếu Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ phải đi rao giảng Tin mừng cho muôn dân thì lệnh truyền ấy phải có thể thực hiện được: thực tế đã chứng minh, các ông đã đem Tin mừng đến mọi nơi, và từ 2000 năm nay vẫn còn tiếp tục. Dĩ nhiên với thời gian vắn vỏi các ông chưa có thể đi khắp thế giới rao giảng được, nhưng Giáo hội đã tiếp nối sứ mạng ấy và nhờ chúng ta là những phần tử trong Giáo hội tiếp tục sứ mạng ấy. Ai không rao giảng Tin mừng là một điều thiếu sót. Thánh Phaolô đã nói: “Khốn thân tôi, nếu không rao giảng Tin mừng” (1Cr 9,16).
Chúa về trời, ngài đã mượn miệng lưỡi chúng ta để rao giảng, mượn đôi tay chúng ta để thi ân, mượn đôi chân chúng ta để đi đến những người cùng khổ. Tuy về trời, Ngài vẫn hiện diện và hoạt động trong cuộc sống chứng nhân của mỗi Kitô hữu.
b) Mỗi người một cách làm chứng
Mỗi công việc đều có phương tiện để đạt tới mục đích. Trên thế giới này có biết bao nhiêu ngành nghề, biết bao lãnh vực cho nên có vô vàn vô số những phương tiện thích hợp. Trong lãnh vực truyền giáo, Chúa cũng dùng đủ mọi phương tiện để nhờ đó người ta có thể nhận biết Chúa, nhưng phương tiện sống động và hữu hiệu nhất là chính con người chúng ta. Chính vì vậy mà Chúa đã bảo các Tông đồ và chúng ta rằng: “Các con là chứng nhân của Thầy” (Lc 24,48).
Chúng ta có thể rao giảng Lời Chúa bằng lời nói, chữ viết hay bất cứ một phương tiện nào, nhưng phương tiện có tính cách thuyết phục nhất là đời sống thực tế của chúng ta, chính con người chúng ta là dấu ấn của Thiên Chúa, để người ta trông thấy chúng ta thì đồng thời cũng nhìn ra Chúa. Trong việc phong thánh cho linh mục Gioan Vianney, cha sở xứ Ars, một nhà điều tra phong thánh có hỏi một người trong giáo xứ ngài về đời sống của ngài, thì người giáo dân ấy chỉ trả lời vỏn vẹn bằng mấy chữ: “Tôi đã trông thấy Thiên Chúa trong một con người”.
Truyện: Thánh Phanxicô Assisi truyền giáo
Thánh Phanxicô gọi một thầy dòng cùng đi giảng với ngài. Hai thầy trò cùng đi các đường phố Assisi, cách nghiêm trang, suy tưởng về Chúa… Về nhà, thầy dòng hỏi cha thánh:
– Giảng ở đâu?
Cha thánh trả lời:
– Giảng là đem Chúa đến bằng gương sáng, bằng cách sốt sắng mang Chúa trong tâm hồn.
Trong cuộc sống văn minh đầy tiện nghi hôm nay, nhiều Kitô hữu đã lao mình vào cuộc sống vật chất, họ chỉ biết hưởng thụ, thu tích cho nhiều của cải mà quên đi vai trò làm chứng của mình. Họ là những Kitô hữu vô thần. Tại sao đã là Kitô hữu mà lại vô thần được? Thưa, trên danh nghĩa thì họ là Kitô hữu thật, nhưng trong thực tế, cách sống của họ hoàn toàn là vô thần. Chúng ta có thể nói: họ còn vô thần hơn cả người vô thần nữa. Cách sống thiếu gương mẫu của họ vô tình biến đổi từ đến “phản chứng”, thay vì lôi kéo người ta đến với Chúa lại đẩy người ta ra xa Chúa hơn.
Truyện: Indira tầm đạo
Indira đến gặp một đạo sĩ Makia và ngỏ lời:
– Xin ngài hãy chỉ cho tôi một thần linh để tôi tôn thờ và một tôn giáo để sống theo.
Đạo sĩ Makia liền đem Indira đến toà nhà rộng lớn, nơi đó mỗi một vị thần được dành cho một căn phòng riêng.
Dừng chân đầu tiên trước tượng thần Batđa đạo sĩ giới thiệu:
– Đây là vị thần sẽ cất hết sự đau khổ khỏi thế giới.
Nhưng Indira lắc đầu và xin được sang phòng khác. Trước vị thần thứ hai đạo sĩ Makia giới thiệu:
– Đây là nữ thần Sôpha có bí quyết giúp con người tránh được đau khổ.
Nhưng Indira cũng lại xin đạo sĩ đi nơi khác. Cuối cùng hai người dẫn đến trước một vị thần bị treo trên thập giá. Indira tò mò hỏi:
– Vị thần này là ai mà bị treo trên thập tự như thế?
Đạo sĩ chậm rải trả lời:
– Đây là thần của những người đạo Kitô.
Với chút xúc động lộ trên mặt, Indira xin đạo sĩ giải thích thêm về những gì cần phải làm để trở thành đồ đệ của Đấng chịu treo trên thập giá. Đạo sĩ ngạc nhiên hỏi:
– Này anh Indira, anh làm tôi thắc mắc. Hai vị thần anh gặp lúc trước, một đề nghị cất hết mọi đau khổ, một đề nghị giúp tránh sự đau khổ, thế mà anh không thích vị nào cả. Tại sao anh lại thích và muốn làm đồ đệ của Vị chết nhục nhã trên thập tự như thế?
Indira giải thích:
– Hứa làm mất đi sự đau khổ trên trần gian này là hứa suông. Người ta không thể nào cất đi được những đau khổ. Và dạy con người tránh đau khổ là dạy con người sống thấp hèn, và người ta cũng không thể nào tránh được đau khổ. Nhưng nhìn vào vị thần của người Kitô chấp nhận sự đau khổ trên thập tự, tôi hiểu được ý nghĩa của đau khổ và chấp nhận nó. Rồi một khi người ta hiểu và chấp nhận đau khổ thì niềm tin và an hoà sẽ trổ sinh trên thế giới này. Đó là lý do tôi bị thu hút bởi Đấng chịu treo trên thập giá kia, và muốn làm đồ đệ của Ngài. Vậy xin đạo sĩ đưa tôi đến nơi người Kitô sống để được trở thành người Kitô.
Đạo sĩ dẫn Indira đến nhà thờ những người Công giáo để xin lãnh bí tích rửa tội.
Khi vừa bước vào làng thì hai người đã nhìn thấy những cảnh không tốt đẹp. Đây một nhóm người đang cãi lộn. Nơi khác có những kẻ như đang sắp đánh giết lẫn nhau. Nơi khác nữa thì nghe vẳng lại những lời nói tục tĩu vô lễ. Bảng ghi “Coi chừng bị móc túi” được dán nơi công cộng. Indira hỏi đạo sĩ:
– Đây là đâu?
Đạo sĩ trả lời:
– Thôi, chúng ta hãy đi nơi khác. Tôi mộ mến và tin vào Đấng đã chịu đóng đinh trên thập giá. Nhưng tôi không muốn trở thành người Kitô hữu nữa.
Đức Giêsu đã dạy chúng ta: “Các con sẽ làm chứng về Thầy”. Chúng ta nghĩ thế nào về câu nói đó? Đời sống đạo của chúng ta hôm nay là một chứng từ hay một phản chứng?
Mỗi người chúng ta là những môn đệ của Đức Kitô đều có trách nhiệm sống ơn gọi của mình như thế nào để có thể làm chứng cho Chúa trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh. “Không ai có thể nhìn thấy Chúa”, nhưng người Kitô hữu có bổn phận thể hiện dung mạo Thiên Chúa cho anh chị em chung quanh. Qua tình thương nhân từ của chúng ta, qua những việc tốt lành chúng ta làm, anh chị em chung quanh có thể hiểu được Thiên Chúa là Đấng tràn đầy tình thương nhân từ. Qua sự sẵn sàng tha thứ của chúng ta cho kẻ khác, anh chị em chung quanh cảm thấy được Thiên Chúa là Đấng giàu lòng tha thứ.
4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
KHÔNG ĐƯỢC MANG GÌ
Hôm nay, khi đọc lại những chỉ thị của Thầy Giêsu
trước khi Thầy sai Nhóm Mười Hai đến các làng mạc,
chúng ta thường tự hỏi: những chỉ thị này
có còn phù hợp cho các tông đồ thời nay không.
Hẳn có nhiều chi tiết không áp dụng được nữa,
vì thế giới con người đã đổi thay sau hai ngàn năm.
Nhưng tinh thần mà Thầy Giêsu muốn nhắn nhủ
lại có giá trị mãi cho các tông đồ thuộc muôn thế hệ.
Thầy muốn người lên đường phải là người được sai.
Các tông đồ được Thầy sai đến với các làng mạc ở Galilê.
Họ phải vuông tròn sứ mạng đã ủy thác,
nhưng họ cũng được mang quyền uy của Đấng sai mình.
Thầy Giêsu cho họ quyền trên các thần ô uế.
Hẳn nhiên Thầy cũng cho họ quyền chữa đủ thứ bệnh tật.
Những ông ngư phủ, ăn nói bỗ bã quê mùa,
cũng được quyền rao giảng và mời gọi người ta sám hối.
Thầy muốn người lên đường phải thật nhẹ nhàng.
Nhẹ vì không mang theo bánh ăn, túi tiền hay bao bị.
Không bánh để ăn đường, không tiền để mua đồ cần dùng,
Không bao bị để đựng những điều mình có hay được cho.
Như thế gần như là tay trắng, không có gì bảo đảm,
là tự đặt mình trong thế yếu, mong manh.
Nhẹ hành trang là dấu chỉ họ không đi một mình,
vì tin có Đấng nào đó đi với mình và lo liệu mọi sự.
Thầy muốn người rao giảng Tin Mừng phải thanh thoát.
Thanh thoát là không bị chi phối bởi thèm muốn tự nhiên,
không bị trói buộc bởi tiếng tăm, tư lợi.
Người tông đồ không tìm kiếm chỗ ăn, chỗ ở tiện nghi,
không đối xử phân biệt giữa người giàu, kẻ nghèo,
cũng không chọn nhà sang hơn để trú ngụ.
Họ bằng lòng với những gì người ta cung cấp cho,
và chia sẻ mức sống của gia đình đang cho mình ở trọ.
Cả khi bị từ chối và không được lắng nghe,
người tông đồ cũng bình an đón nhận
không nổi giận hay dùng quyền năng Chúa ban để trừng phạt,
vì trừng phạt là chuyện của Chúa !
Thầy muốn những người được sai đi phải hết sức khiêm tốn
vì họ là những người nhận quyền năng từ Thiên Chúa
nên dễ được nhiều người ngưỡng mộ.
Như Thầy Giêsu, họ rao giảng Tin Mừng Nước Trời
và họ thật sự hối cải trước khi kêu gọi mọi người hối cải.
Nhờ quyền năng Thầy ban, họ đuổi được quỷ
và chữa lành cho những người ốm đau,
nhưng không đòi trả công, chỉ một lòng phục vụ.
Họ không sợ trực diện với những vấn đề của con người,
nhận ra một thế giới bệnh tật, cần được chữa lành,
một thế giới bị mê hoặc bởi lắm thứ quỷ thần mới mẻ.
Tin Mừng họ giảng đi với nụ cười của người khỏi bệnh,
và niềm vui của người được giải thoát để tự do là mình.
“Như Cha đã sai Thầy, Thầy sai anh em.”
Và anh em hãy tiếp tục sai nhau đi,
đến các làng quê hẻo lánh hay thành thị phồn hoa,
đến với các tín hữu đang gặp khủng hoảng đức tin,
hay ra vùng ngoại biên gặp ai chưa từng nghe danh Chúa.
Hãy mời hối cải, nhưng phải giảng một Tin Mừng rất tươi,
làm bao điều đẹp cho đời và không quên những ai nghèo khổ.
Nhẹ nhàng, thanh thoát, phục vụ khiêm hạ
làm nên khuôn mặt muôn thuở của người tông đồ.
Mong sao chúng ta vẫn giữ được những nét đẹp ấy.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha đầy lòng thương xót,
chúng con tin rằng những gì Cha cho phép xảy ra
đều vì yêu thương chúng con,
và vì ích lợi cho cuộc sống vĩnh hằng của chúng con.
Cha đau đớn khi đôi khi phải dùng roi mà sửa dạy
như cha mẹ rầy la để mong con nên người.
Xin cho chúng con nhận ra điều Cha muốn nhắc nhở,
và điều chỉnh lại đời mình cho hợp với ý Cha.
Lạy Cha đầy lòng nhân ái,
trên đường về quê trời,
Cha muốn chúng con trải qua những thử thách cam go,
như bệnh tật, khổ đau và cái chết,
để chúng con cứng cáp và trưởng thành trong tin yêu.
Xin cho chúng con đừng hoang mang hay nổi loạn,
nhưng biết nhìn lên Con Cha chịu đóng đinh,
để nhẫn nại và giữ vững niềm hy vọng,
dù thấy Cha vắng bóng, thinh lặng hay khoanh tay.
Ước gì bệnh tật làm chúng con ý thức sự bất lực của mình,
để tha thiết cầu xin và tín thác vào tình yêu Cha.
Xin cho chúng con mau chiến thắng dịch bệnh,
để sức sống của Cha bừng tỏa trong vinh quang.
5. Suy niệm (song ngữ)
15th Sunday in Ordinary Time
Reading I: Amos 7:12-15 II: Ephesians 1:3-14
Chúa Nhật 15 Thường Niên
Bài Đọc I: Amốt 7:12-15 II: Êphêsô 1:3-14
——–o0o——-
Gospel
Mark 6:7-13
7 And he called to him the twelve, and began to send them out two by two, and gave them authority over the unclean spirits.
8 He charged them to take nothing for their journey except a staff; no bread, no bag, no money in their belts;
9 but to wear sandals and not put on two tunics.
10 And he said to them, “Where you enter a house, stay there until you leave the place.
11 And if any place will not receive you and they refuse to hear you, when you leave, shake off the dust that is on your feet for a testimony against them.”
12 So they went out and preached that men should repent.
13 And they cast out many demons, and anointed with oil many that were sick and healed them.
Phúc Âm
Mác-cô 6:7-13
7 Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỵ.
8 Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng;
9 được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.
10 Người bảo các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi.
11 Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.”
12 Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối.
13 Các ông trừ được nhiều quỵ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.
Interesting Details
• A purse can hold a lot of money. A belt can hold a little. Jesus mentioned both to emphasize that no money should be taken . Traveling without money was common in that hospitable world.
• Mark allowed for a walking stick (for self defense) and sandals (a must on rocky roads), though Matthew and Luke forbade them. Such unrealistic instructions in the latter Gospels had the symbolic meaning of trusting in God, entering in interdependent relationships with others, staying vulnerable, and practicing non-violence.
• The instruction to travel light can also indicate urgency: preach the Word of God now without further delay or preparation.
• “Whatever house you find yourself in, stay there until you leave the locality” is an instruction against social climbing, moving to richer and richer houses as one’s influence grows.
• Shaking dust of rejecting town: this symbolic and non-violent gesture makes clear that the inhospitable town rejects others, so they will also be rejected.
Chi Tiết Hay
• Bao bị chứa được nhiều tiền. Nhưng thắt lưng thì chứa được ít hơn. Đức Giêsu nói đến cả hai thứ để nhấn mạnh rằng các môn đệ không được mang theo tiền bạc. Trong xã hội hiếu khách thời đó người ta có thể an tâm đi lại mà không cần mang theo tiền.
• Theo Máccô thì gậy (để tự vệ) và dép (cần thiết vì đường sỏi đá) đều được dùng, nhưng theo Matthêu và Luca thì cả hai thứ này lại bị cấm. Điều cấm cản có vẻ vô lý này thực ra mang ý nghĩa một sự tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, một niềm tin nơi tha nhân, sẵn sàng chấp nhận thương tổn, và tập tinh thần bất bạo động.
• Lời căn dặn phải đi tay không nói lên một sự vội vàng: phải rao giảng Lời Chúa ngay, không chậm trễ cũng không cần chuẩn bị.
• “Khi đã vào nhà nào thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi” là lời dạy tránh đi tìm vinh quang cho bản thân, tránh tìm thăng tiến trong chức vụ khi ảnh hưởng của mình bắt đầu lan rộng, khi được nhiều người biết đến.
• Rũ sạch đất là một hành vi tượng trưng và không bạo động. Một thành phố đã khước từ người khác thì ngược lại cũng sẽ bị khước từ.
One Main Point
The disciples are to extend Jesus’ ministry in words and in deeds, while minimizing their dependence on material concerns. Jesus taught the disciples how to deal with both hospitality and rejection.
Một Điểm Chính
Các môn đệ tiếp nối sứ mệnh của Đức Kitô bằng rao giảng và việc làm mà không để bị lệ thuộc vào của cải vật chất. Đức Giêsu cũng dạy các môn đệ cách xử sự dù là được tiếp đón hay là bị khước từ.
Reflections
1. Jesus sent the disciples to heal those with unclean spirits. Who are those with unclean spirit? What would Jesus want me to do with them?
2. Am I ready to start extending Jesus’ words and deeds right now, traveling light, or am I beefing up my financial security first? How do I deal with hospitality and rejection while doing God’s work?
3. Have I accepted or rejected those who bring the Word of God to me? Or both?
Suy Niệm
1. Đức Giêsu sai các môn đệ đi chữa lành cho những người bị thần ô uế ám hại. Ai là những người ô uế chung quanh tôi? Ngài muốn tôi làm gì đối với những người này?
2. Tôi có sẵn sàng ra đi tay không để rao giảng Lời Chúa hay là tôi cần phải lo cho tôi có công ăn việc làm, nhà cửa ổn định trước đã? Khi được chấp nhận và khi bị khước từ tôi sẽ phản ứng ra sao?
3. Đã có bao giờ tôi đón tiếp, hay ngược lại, đã xua đuổi những anh chị em mang Lời Chúa đến với tôi không?