CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH C
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Chúa Phục Sinh hiện ra với Maria Mađalêna và nhắn gởi là sẽ gặp các môn đệ ở Galilê (Mt 28,10). Trong khi chờ đợi, họ trở về với nghề xưa, trở về Biển Hồ quen thuộc đầy ắp kỷ niệm tình thầy trò.
Phêrô kêu gọi anh em đi đánh cá. Tối hôm ấy, họ thức trắng đêm mà vẫn trắng tay, chẳng được con cá nào. Họ sửa soạn giũ lưới đi nghỉ, Chúa hiện đến trên bờ. Trời vừa tảng sáng để có thể nhận biết người và thuyền. Nhưng họ vẫn không nhận ra Chúa Giêsu đứng đó, cũng giống như trường hợp của Maria Mađalêna bên ngôi mộ (Ga 20,14), cũng như hai môn đệ Emmau (Lc 14,13).
Từ xa xa, Chúa Giêsu gọi các môn đệ một cách thân mật: “Các chú có gì ăn không?”. Một câu hỏi đối với dân miền biển nên phải hiểu là: đánh cá có được gì không? Các môn đệ trả lời một tiếng vắn vỏi: “Thưa không” xem ra mệt mỏi chán chường. Chúa bảo: Hãy thả lưới bên hữu thuyền. Họ vâng lời và họ kéo được quá nhiều cá hơn sức họ mong tưởng. Thấy thế hẳn các môn đệ nhớ lại phép lạ ngày nào bên bờ biển hồ Galilê, Chúa cũng bảo Phêrô ra khơi và họ đã bắt cá nhiều đến nỗi phải nhờ thuyền bạn bè chở giúp (Lc 5,1-11).
Gioan là người đầu tiên nhận ra Thầy: “Chúa đó”. Gioan, người môn đệ Chúa yêu đã tỏ ra bén nhạy với dấu lạ. Vào sáng phục sinh, Gioan là người đã đến mồ trước tiên “ông đã thấy và đã tin” và trong ánh sáng của tình yêu, Gioan còn là người đầu tiên nhận ra Đấng Phục sinh đang đứng trên bờ biển hồ Galilê. Thánh Phêrô Chrysologue chú giải: Kẻ được yêu thấy trước vì con mắt tình yêu tinh hơn và cảm nhận bén nhạy hơn. “Chúa đó”, lời của Gioan làm cho Phêrô tin tưởng, ông vội khoác áo vào và nhảy ùm xuống nước, bơi vào bờ. “Chúa đó”, lời đã làm cho các môn đệ quên đi vất vả mệt nhọc hớn hở chèo thuyền vào bờ. Gioan được Chúa yêu thương. Phêrô là thủ lãnh năng động của tập thể. Chúa bảo đem đến ít cá để nướng ăn điểm tâm. Cho đến lúc này các môn đệ mới nhận ra là Chúa và không ai dám hỏi gì nữa, không còn ai hồ nghi gì nữa.
Sau bữa ăn thân mật ấy, Chúa tâm sự riêng với Phêrô. Ngài hỏi Phêrô ba lần: Con có yêu mến Thầy không? Trước khi đặt Phêrô làm đầu Hội Thánh, Chúa muốn ông phải yêu mến Ngài một cách quảng đại hơn những người khác. Phêrô đã bày tỏ tình yêu của mình một cách đơn sơ và chân thành: Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy. Chúa Giêsu đã ân thưởng lòng yêu mến ấy bằng cách trao ban cho Phêrô sứ mạng : Hãy chăn dắt đoàn chiên của Thầy. Chỉ có lòng yêu mến như “Thầy yêu các con” mới nên một với Thầy trong sứ vụ chăn dắt đoàn chiên và thí mạng sống vì đoàn chiên. Chỉ có lòng yêu mến mới dám thí mạng sống vì Thầy. Chiêm niệm về lòng mến, Thánh Phaolô viết: “Dù tôi nói được hết các thứ tiếng của nhân loại và các Thiên thần… được lòng tin chuyển núi rời non… và nộp mình chịu thiêu, mà không có đức mến thì cũng như không, vô ích cho tôi… lòng mến lớn hơn cả đức tin, đức cậy… vì đức mến tồn tại đời đời”. (1Cr 13, 1-3. 8.13).
Ba lần được hỏi và thưa về tình yêu của Phêrô đối với Thầy cũng là ba lần Phêrô được giao phó việc chăm sóc đoàn chiên. Đó là vai trò mục tử của Phêrô. Bằng tất cả trải nghiệm về đức ái mục tử theo gương Mục Tử Tối Cao, Phêrô đã dạy cho các mục tử trong Giáo hội tinh thần:"Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèm, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. Như thế khi Vị Mục Tử Tối Cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát" (1Pr 5,2-4). Phêrô trở thành một người lãnh đạo tốt. Người lãnh đạo tốt là người biết tự cảnh giác về sự yếu đuối của mình. Kinh nghiệm sa ngã đã giúp Phêrô thoát khỏi tính tự phụ và tin tưởng mù quáng vào khả năng của mình, đồng thời giúp ông thông cảm với yếu đuối của người khác. Như thế Phêrô còn học biết một sự thật tuyệt vời về Chúa Giêsu. Ông học được rằng, mặc dù ông đã chối Ngài nhưng Ngài vẫn yêu thương ông. Chính tình thương của Chúa đã mang ông trở về cuộc sống. Cái cảm nghiệm được yêu thương trong chính sự yếu đuối và tội lỗi của mình đúng là một cảm nghiệm sửng sốt. Được yêu trong cái tốt của mình là chuyện bình thường. Được yêu ngay trong cái xấu của mình, đó mới là sửng sốt. Chính đó là ân sủng.
Đức Cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận suy niệm bài tin mừng hôm nay và nhắn gởi các mục tử như sau: Chúa Giêsu hỏi ba lần : “Con có yêu mến Thầy không ?”, đáp lại ba lần “Có” cũng là để bù lại ba lần chối Thầy. Trước thái độ ba lần từ chối của Phêrô, Chúa không đòi hỏi Phêrô ba lần xin lỗi hay để trừng phạt, song ba lần Chúa muốn được nghe Phêrô nói : “Con yêu mến Thầy”. Như trước đây với Madalena, lần này là Phêrô và sau này là mỗi người chúng ta, Chúa Giêsu muốn nói : “Con yêu nhiều thì sẽ được tha thứ nhiều và ngược lại, con được tha thứ nhiều vậy con hãy yêu nhiều”. Tiếng gọi lãnh đạo của Chúa là tiếng tình yêu, Chúa Giêsu cũng không hỏi Phêrô, con đã có chìa khóa lãnh đạo cao cấp chưa ? Hay có bằng cấp gì ? Tốt nghiệp đại học nào chưa ? Song như có lần Chúa Giêsu nói : “Ai yêu mến Ta thì hãy giữ lề luật của Ta” thì bây giờ Ngài nói : “Con yêu mến Thầy thì hãy chăm sóc chiên con của Thầy”. Chúa Giêsu quan niệm về lãnh đạo là yêu thương, là phục vụ, rửa chân cho những người mình lãnh đạo, Chúa Giêsu không quan niệm nền tảng và phương pháp lãnh đạo là thao tác thôi. Đối với những người lãnh đạo không phải là thao tác bắt người ta làm theo ý mình, song bằng tình yêu giúp nhau thực hiện ý Chúa. Như trong trường hợp của Phêrô, tình thương của Chúa đối với Phêrô và của Phêrô đối với Chúa, tình thương ấy xóa bỏ hận thù, xóa bỏ lỗi lầm xưa và đưa người yêú kém kia trở lại sống trong tình yêu của Chúa. “Anh em yêu mến Thầy thì hãy chăm sóc chiên của Thầy”. Lời mời gọi ấy nhằm vào hàng giáo sĩ. Dĩ nhiên, sau cùng là lời mời gọi đối với mỗi người tín hữu, ai cũng có trách nhiệm liên đới đối với vận mệnh phần rỗi của mỗi anh em mình, về phận sự chăn dắt, nuôi nấng và đưa anh em về đoàn chiên và gìn giữ họ an toàn trong Đức tin. Hãy vì yêu mến Chúa mà làm phận sự chăn dắt và yêu người, tức là làm việc Tông đồ truyền bá Tin mừng và làm cho anh em mình nhận biết và phụng thờ Thiên Chúa (dmhcg.org).
Nhìn lại cuộc đời của Thánh Phêrô, chúng ta thấy một điều rất rõ là trong trái tim vị Tông đồ, lúc nào cũng yêu Chúa. Ngay cả khi Chúa bảo Phêrô là Satan thì Phêrô cũng không giận Chúa. Chỉ vì sự sợ hãi yếu đuối mà chối Thầy, chứ trong tâm hồn lúc nào Phêrô cũng yêu mến Chúa. Không phải Phêrô yếu đuối vấp ngã mà Chúa bỏ rơi, chính tình yêu chân thành trong tâm hồn Phêrô mà Chúa đã yêu thương chọn làm Tảng Đá.
Chúa Giêsu hỏi Phêrô đến ba lần có yêu mến Ngài không. Phêrô cảm thấy nhói đau vì câu hỏi đụng đến vết thương chưa lành của ba lần chối Chúa. Sự cắn rứt dày vò vì lầm lỗi của mình có thể làm người ta trở nên cứng lòng và chai lỳ trong tội lỗi. Tuy nhiên, Phêrô đã trả lời; và ba lần trả lời là cả ba lần Phêrô đối lại việc mình đã chối Thầy trước đây bằng tâm tình thống hối và bằng việc khẳng định tình yêu không thay đổi dành cho Thầy Giêsu.Việc chăm sóc đàn chiên yêu dấu mà Ngài đã đổ máu ra để cứu chuộc, Chúa chỉ giao cho người nào dám khẳng định tình yêu của mình dành cho Đức Kitô đến độ say mê như thế mà thôi.
Chúng ta tự hỏi: Tại sao Chúa Giêsu không trao Giáo hội cho một người trí thức thông thái, có tài lãnh đạo, có uy tín, mà Chúa lại trao Giáo hội cho Phêrô, một Tông đồ nhiều khuyết điểm, bị la mắng nhiều hơn khen ngợi? Chắc chắn nơi Phêrô có một lòng mến Chúa thiết tha. Sau ba lần hỏi: Con có yêu mến Thầy không? Và sau ba lần Phêrô xác định tình yêu ấy, Chúa Giêsu trao Giáo Hội cho Ngài. Ngài vâng lời Chúa về Giêrusalem, bài giảng đầu tiên hùng hồn mang về cho Chúa 3.000 người xin rửa tội. Kể từ đó, Ngài đi vào cánh đồng truyền giáo bao la, là thành đô Roma. Đối diện với gian nguy bắt bớ tù đày, Thánh Nhân đã can trường làm chứng cho Đức Giêsu Phục sinh. Ngài đã lấy máu đào tử đạo minh chứng cho lòng yêu mến Thầy. Ngài đã viết nên trang sử vàng, hào hùng, vẻ vang cho Giáo Hội sơ khai.
Thánh Phêrô đã sửa chữa lỗi chối Chúa bằng cách tuyên xưng tình yêu, và rồi sẽ hiến mình vì đàn chiên được giao phó. Lòng khiêm nhường, lòng mến Chúa của Thánh Phêrô, kinh nghiệm về ơn tha thứ của Chúa, tất cả đều dẫn đưa Thánh Nhân đến với tình yêu của Chúa. Nhờ tình yêu Chúa dẫn lối mà Ngài đã đi bất cứ nơi nào Chúa muốn, cho dẫu nơi đó là ngục tù, là cái chết, bởi lẽ vì tình yêu của Chúa lớn hơn tất cả.
Khi Thánh Phêrô yêu mến và gắn kết đời mình với Chúa, ông có thể vượt thắng mọi yếu đuối và làm điều Chúa muốn.Chúng ta đừng thất vọng vì lỗi lầm đã phạm. Hãy can đảm tuyên xưng tình yêu đối với Chúa và hoàn thành tốt sứ mạng được giao phó là đem Tin Mừng Tình Yêu đến trong môi trường mình đang sống và làm việc. Lòng mến Chúa sẽ mở cửa cho chúng ta đi vào Nước Trời. Chúa không đòi hỏi nơi mỗi người sự khôn ngoan, tài năng. Chúa chỉ cần lòng mến “con có yêu mến Thầy hơn những người này không?”. Khi yêu mến Chúa, chúng ta sẽ làm mọi sự đẹp lòng Chúa. Lòng mến là thước đo cho mọi giá trị đạo đời.
Lạy Chúa Giêsu, Giáo Hội đang sống tinh thần “Hiệp Hành” để cùng nhau loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Xin cho chúng con được tràn đầy lòng mến và tích cực tham gia đóng góp với ơn Chúa đã ban. Amen.