Caritas Âu châu đưa ra 5 vấn đề ưu tiên cho mục tiêu phát triển bền vững năm 2030

CARITAS ÂU CHÂU ĐƯA RA 5 VẤN ĐỀ ƯU TIÊN CHO MỤC TIÊU
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NĂM 2030

Vatican News

Vatican News (18.03.2024) – Trong bối cảnh cuộc bầu cử Nghị viện Âu châu vào tháng 6 tới, Caritas châu lục đã công bố một tài liệu yêu cầu các ứng cử viên ưu tiên 5 vấn đề cấp bách.

Trước đó, trong một tuyên bố đưa ra ngày 13/3, và được ký bởi các Giám mục đại diện của Uỷ ban các Hội đồng Giám mục của Liên minh Âu châu (COMECE), các Giám mục đã kêu gọi công dân bỏ phiếu cho các ứng cử viên đề cao các giá trị Kitô và dự án Âu châu. Các Giám mục giải thích: “Đó là dự án hoà bình cho một châu Âu thống nhất trong đa dạng, mạnh mẽ, dân chủ, tự do, hoà bình, thịnh vượng và công bằng. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi thực hiện điều này thể hiện qua lá phiếu và chọn lựa có trách nhiệm những đại biểu sẽ đại diện cho các giá trị của chúng ta và làm việc vì công ích”.

Theo tinh thần của các vị chủ chăn, trong một tuyên bố, Caritas châu lục đưa ra 5 ưu tiên mà các vị lãnh đạo cần phải thực hiện:

Thứ nhất: đảm bảo thị trường lao động và bảo trợ xã hội hiệu quả, đầy đủ và toàn diện cho tất cả mọi người, giám sát cẩn thận việc thực hiện đúng tất cả 20 nguyên tắc của “Trụ cột về Quyền xã hội của Châu Âu” và đặc biệt yêu cầu Ủy ban châu Âu đưa ra đề xuất về một chỉ thị khung về tiêu chuẩn thu nhập tối thiểu trong nhiệm vụ tiếp theo của Nghị viện châu Âu.

Vấn đề thứ hai: đảm bảo các dịch vụ xã hội chất lượng cao, dễ tiếp cận và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người, mời Ủy ban châu Âu trình bày đề xuất về “quy tắc vàng” cho đầu tư xã hội và tạo ra khuôn khổ cho các nhà cung cấp dịch vụ phi lợi nhuận.

Cấp bách thứ ba bao gồm việc bảo vệ, thúc đẩy và thiết kế các chính sách di cư và tị nạn tôn trọng các giá trị của Âu châu, Công ước Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, nhân quyền và phẩm giá của tất cả mọi người không phân biệt.

Tổ chức bác ái của Giáo hội còn kêu gọi thúc đẩy hành động nhân đạo và phát triển do địa phương lãnh đạo trong các hoạt động đối ngoại của Liên minh châu Âu, và tăng đáng kể nguồn tài trợ trực tiếp cho viện trợ và phát triển nhân đạo cho các tổ chức xã hội dân sự cơ sở ở địa phương, đặc biệt chú ý đến chi phí chung mà họ phải chịu.

Vấn đề cuối cùng liên quan đến việc thúc đẩy công lý toàn cầu và sự gắn kết chính sách để phát triển bền vững khu vực Nam bán cầu, điều chỉnh sự mất cân bằng quyền lực và những trở ngại về cơ cấu đối với việc giảm nghèo và bất bình đẳng.

Caritas Âu châu nhấn mạnh: “Đạt được tiến bộ thực sự trong các lĩnh vực này, trong việc chuyển tiếp những yêu cầu này đến các lực lượng chính trị, là điều cần thiết để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030, một mục tiêu mà một châu Âu thống nhất có thể và phải đóng góp mang tính quyết định”.

Nguồn: vaticannews.va/vi