BÊN SÔNG CÓ MẸ – TRÊN ĐỈNH BOKOR

Chưa đến năm giờ sáng mà gian phòng tiếp tân của khách sạn Rose Emperial đã nhộn nhịp đón những vị khách xuống trả phòng để lên đường. Không như thường lệ, khách du lịch sau một đêm nghỉ tại khách sạn sẽ dự buổi điểm tâm miễn phí trên sảnh ăn ở tầng 10 của khách sạn rồi mới rời đi, đoàn hành hương Việt Nam sang viếng Đức Mẹ Sông Mêkông hôm nay lại khác. Ngày thứ hai trong hành trình đoàn sẽ đi về phương Nam đến thành phố Kampot; đoạn đường đi khá dài và nhiều sinh hoạt nên để đạt điều kiện lên đến đỉnh Bokor, thời tiết mát lạnh, trong lành như Đà lạt của Việt Nam, được sớm nhất; đoàn đành phải bỏ ăn sáng, sớm khởi hành mới kịp thời gian theo kế hoạch đã định. Thành phố Phnompenh thời gian này không thua Sài Gòn về nỗi khổ của nạn kẹt xe triền miên, nên đi sớm khỏi thành phố cũng là một giải pháp an toàn cho những chuyến đi xa. Và đúng thật, xe đến khu cổ chai cầu vượt ở phía Nam thành phố, nơi thường xuyên xe cộ ra vào thành phố phải lũ lượt chen chân thì đã bắt gặp hàng đoàn xe bắt đầu xếp hàng chờ đợi vượt qua.

Trong ngày thứ hai, ngoài cha GB Đậu Tiến Dũng đồng hành với đoàn, còn có vợ chồng anh Lâm – chị Tuyền, Thủ quỹ BCH GĐPTTTCG GP Phnompenh cùng tham gia để thể hiện tình hiệp thông giữa đoàn thể của hai nước. Rời thành phố sớm, đường vắng xe nên chưa đến bảy giờ đoàn đã đến ngoại ô thành phố Kampot, đủ thời gian hầu có thể ghé vào một điểm dừng chân bên đường khá lịch sự để thưởng thức buổi điểm tâm sáng quen thuộc như ở nhà: tô hủ tiếu hải sản Nam Vang và ly cà phê nóng hổi tuy hương vị không đúng gu Việt Nam lắm(!) nhưng cũng ấm lòng mọi người thay cho bữa buffet sáng ở khách sạn chỉ bánh mì thịt nguội… nên sau buổi ăn sáng dã ngoại bên đường, mọi người khá hài lòng, thích thú – duy chỉ Ban tổ chức hơi méo mặt vì phải chi thêm ngoài kế hoạch mỗi phần ăn gần 4USD… Nhưng không sao, miễn mọi người được khoẻ mạnh, đủ sức khoẻ để bước vào chuyến leo đèo quanh co, uốn lượn dài hơn 30km lên đỉnh Bokor.  Tỉnh Kampot là tỉnh miền biển, khí hậu mùa này cũng như ở Việt Nam, mưa nắng bất thường nên anh em bên Cam cho biết, lên Bokor mùa này ngoài đặc sản sương dầy đặc, còn có thể gặp phải những cơn mưa mù mịt bất chợt từ biển vào.

Bokor hiện nay, khu bảo tồn quốc gia của Vương quốc Campuchia, là một dãy núi chạy dài xuyên suốt qua ba tỉnh phía Nam của đất nước Chùa Tháp. Nơi đây xưa kia rất hoang vu, vắng vẻ, rừng thiêng, nước độc không có cư dân; duy nhất chỉ có những bậc ẩn tăng người Cam và có cả người Việt khép mình khổ tu trong các hang động bí mật, luyện những phép thuật cao siêu huyền bí và do đó núi Bokor cũng còn có tên Việt là núi Tà-lơn. Do có được đặc tính khí hậu miền núi quanh năm mát mẻ, phong cảnh rừng núi thiên nhiên tốt lành như Đà Lạt của Việt Nam nên hàng trăm năm trước, người Pháp đã xây dựng trên đỉnh núi một khu nghỉ dưỡng dành cho các quan chức thuộc địa cầm quyền cao cấp và ngôi thánh đường cổ còn tồn tại trên đỉnh Bokor, là một dấu ấn lịch sử của đất nước Campuchia.

Qua cổng khu bảo tồn, con đường càng lên cao càng quanh co khúc khuỷu, một bên đường là những tán rừng nhiệt đới dầy đặc dây leo tạo nên một không gian xanh mát, nhẹ nhàng; một bên đường là vực sâu với những ngọn cây cổ thụ bảng lảng sương mù, cố vươn lên đỉnh núi che khuất vùng biển mênh mông của vịnh Thái Lan với từng dãy đảo đủ mọi hình dạng chạy dài nhấp nhô trong làn sóng biếc. Xa xa sừng sững nhô cao trên mặt nước biển như một chú cá voi lưng gù là hòn đảo Phú Quốc thân yêu của chúng ta. Đến lưng chừng núi thì quang cảnh hai bên đường như đang đưa đoàn đi vào một khu vườn thú khiến các thành viên trong đoàn liên tục ồ lên thích thú. Trên những cành cây, bên dãy phân cách dọc lề đường, từng đàn khỉ rừng như đội lễ tân đứng dàn chào đón khách tham quan; tất cả đều ngồi yên lặng hướng đôi mắt ngơ ngáo nhìn từng chiếc xe vụt qua chờ đợi. Giải thích cho hình ảnh thú vị này, anh Lợi, người lái xe đưa đoàn đi cho biết:

– Trước đây chúng ở trong rừng sâu, càng ngày số lượng các đàn sinh sản càng đông đúc nên nguồn thức ăn trong rừng không đủ cho chúng. Một số đói khát nên ra đường tìm thức ăn và du khách thích thú khi gặp được thú rừng nên cho chúng thức ăn để làm quen; dần dà các đàn thấy sự thân thiện của con người và thường còn được cung cấp thức ăn nên giờ đây, ban ngày chúng kéo hết quân số ra ngồi trải dài dọc bên lề đường và các chỗ xe chở khách du lịch hay dừng chân để chờ đợi… Thông thường vì hiếu kỳ và cũng vì thương hại nên số thực phẩm, bánh trái mọi người mang theo đều được phân phát cho đàn khỉ rừng đói khát này… Và hôm nay cũng như các đoàn khác đã đến đây, chị Sáu Nguyên, chị Anna Trang và một số anh chị em trong đoàn cũng đã dốc hết những phần ăn cứu đói dọc đường của mình, chân tình gửi tặng cho đàn khỉ rừng đang bu quanh chiếc xe nơi bãi dừng chân. Nhìn những chú khỉ con lớn bé đủ cỡ, quây quần nhốn nháo chung quanh chiếc cửa xe mà mọi người chỉ dám hé mở vừa đủ, để đón nhận đủ loại bánh, trái, hạt… của các thành viên trong đoàn liên tục ném xuống với niềm vui rạng ngời trong ánh mắt, khiến mọi người vô cùng xúc động. Thích thú nhưng lo sợ, trước số lượng đông đảo của bầy khỉ hàng trăm con vây quanh chiếc xe trông rất dễ thương, nhưng với kinh nghiệm tiếp xúc với các loài thú rừng chưa thuần hóa, không biết điều gì sẽ xảy ra nên không một ai trong đoàn đủ can đảm rời xe để ghi lại hình ảnh hòa mình với đàn khỉ giữa thiên nhiên. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ sinh hoạt này, mọi người mới thấy mọi hoạt động của đàn đều có sự chăn dắt của một đại ca khỉ đực to lớn, luôn di chuyển tới lui giữa bầy để trừng trị những chú khỉ láu cá, đã nhận phần ăn rồi mà vẫn tiếp tục mon men tìm thêm;  giúp mọi người vô cùng thích thú trước khung cảnh ngộ nghĩnh, sinh động bất ngờ có được trong chuyến đi… đồng thời cũng có dịp khám phá thêm được một thứ trật tự, công bằng ngay trong đời sống của đoàn khỉ rừng hoang dã trên núi Bokor.

Càng lên cao sương mù càng dầy đặc. Tầm nhìn của bác tài càng lúc càng ngắn đi như đang bay vào một đám mây mờ và khi gần lên đến đỉnh, thì gần như không còn nhìn thấy gì hai bên đường, chỉ còn thấp thoáng mặt đường trước mặt đôi mét qua làn sương mù ẩn hiện. Một cơn mưa bất chợt vụt qua giúp không gian nơi đỉnh núi được quang đãng và qua làn mưa rừng lất phất mới nhìn thấy được cây Thánh giá nhỏ bé trên ngôi thánh đường thấp thoáng hiện ra – đơn côi, lạnh lẽo. Trong cái lạnh buốt giá của làn mưa rừng bao phủ, các thành viên trong đoàn xúc động rời xe để đến với ngôi nhà thờ cổ hoang phế, như một chứng nhân cho dấu ấn Tin Mừng đã từng hiện diện nơi đây hàng trăm năm qua. Những bậc đá ẩm ướt, phủ đầy rong rêu trơn trợt vẫn không làm chùn chân những người Kitô hữu Việt Nam trong hành trình dấn thân đi ra, để có dịp hiệp thông với Giáo hội bạn và cũng có dịp đón nhận thử thách để có thể mở lòng kiên định Đức tin. Ngôi thánh đường vẫn hoang phế như ngày nào tuy gian cung thánh ngày nay đã có được sự chỉnh trang, mang dáng dấp của một ngôi thánh đường Công giáo do vẫn được cộng đoàn Kitô hữu tỉnh Kampot và các đoàn khách hành hương khắp nơi thỉnh thoảng đến chăm sóc, sửa sang… Nhưng vì không có người thường xuyên túc trực gìn giữ, nên mỗi đoàn đến muốn tổ chức một Thánh lễ, phải tự thân dọn dẹp, bày trí gian cung thánh là điều đương nhiên, vì ngoài cây Thánh giá trên cao, pho tượng Chúa Phục Sinh mạnh mẽ vươn mình rời cõi thế và hình ảnh các Thánh trên tường (được trang bị mới đây) là còn tồn tại, không gian bên trong ngôi nhà thờ lúc nào cũng hoàn toàn trống rỗng – Gió lốc, mưa dông và thời tiết khắc nghiệt đã cuốn trôi tất cả.

Bên trong nhà thờ ướt sũng, nước đọng ngập từ trong ra ngoài khiến những anh chị lần đầu đến đây vô cùng kinh ngạc; đây có lẽ là ngôi thánh đường nghèo khổ, gian khó đầu tiên mà họ được chứng kiến, khác xa những ngôi nhà thờ hoành tráng, mỹ lệ mà trong đời anh chị em đã từng được đến tham quan ở khắp nơi -Nhà Chúa ở đây sao nghèo quá! Nhưng không sao cả, các chị đã nhanh chóng tìm được nào chổi, nào ky… ào vào quét dọn nhanh chóng cho kịp Thánh lễ. Chị Ánh, chị Kim Linh như những người vũ nữ Tây Ban Nha múa điệu múa Flamengo quay cuồng, chẳng mấy chốc nền nhà, nước đã cạn khô. Chiếc bàn thờ bằng xi măng ướt đẩm nước mưa khiến mọi người phải tất bật: vợ chồng anh chị Tuyền – Lâm tận dụng mọi nguồn giấy sạch mang theo; cô Sáu nguyên, anh Cương… người lau, người dọn để chiếc khăn Thánh trắng tinh mà cha Dũng mang theo được đặt trang nghiệm trên bàn thờ…

… “Hôm nay chúng ta đến đây, được chứng kiến Chúa Giêsu và Mẹ Maria hiện hữu lạnh lẽo, cô đơn trong một ngôi Thánh đường hoang vắng. Hình ảnh này đã gây cho chúng ta nhiều cảm xúc. Nếu người Kitô hữu thường xuyên hiện diện nơi đây thì Vị Thiên Chúa Ngôi Hai với Trái tim yêu thương loài người quá bội không lạc lõng, đơn côi giữa chốn rừng núi quạnh hiu này…” Cha GB khởi đầu Thánh lễ bằng một tâm tình vô cùng sâu lắng trong không gian ẩm ướt, lạnh buốt ngập tràn mây núi, mưa rừng len qua những cánh cửa trống rỗng của ngôi thánh đường cổ kính trên đỉnh núi Bokor. Tham dự Thánh lễ, cộng đoàn nép mình bên nhau ở những nơi không bị dột ướt; với nhiều người, đây có lẽ là Thánh lễ duy nhất trong đời họ được dự và cũng có thể khó tìm lại được lần thứ hai. Một Thánh lễ không tìm thấy những âm thanh réo rắt của tiếng đệm đàn; không rực rỡ bởi những ánh đèn hoa mỹ; không chiếc bàn quỳ và cũng không có cả tiếng chuông ngân. Một Thánh lễ của tình hiệp thông giữa những con tim của những người tông đồ biết đáp trả tình yêu của Thánh Tâm Chúa, ngay trong ngôi Thánh đường cổ kính biểu tượng của niềm tin. Một Thánh lễ ngập tràn niềm vui hân hoan, được gặp gỡ nhau và mời gọi nhau hãy đi ra để có dịp khám phá một Giáo hội đa dạng, phong phú; không chỉ là sự hoành tráng, hoa mỹ mà còn là một Giáo hội- nhất là Giáo hội của những đất nước truyền giáo- đơn sơ, nghèo nàn, rách nát… nhưng tựu trung, dù là Giáo hội hoàn thiện hay gian khó, tất cả cũng chỉ duy nhất – đó là một Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô. Thánh lễ kết thúc trong niềm vui và sự xúc động của mọi người, hôm nay Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong ngôi thánh đường hoang vắng, đã được sưởi ấm bằng chính con tim của những người tông đồ đã chọn con tim yêu thương của Chúa làm con đường, làm lẽ sống trong đời sống chứng nhân – Yêu như Chúa Yêu, đến để gặp Chúa, có Chúa và đem Chúa đến với mọi người.

Thành phố Kep đón đoàn đến thăm như đón người thân trở về nhà, mọi sinh hoạt nơi đây cũng không khác mấy với khung cảnh chào mời, mua bán ở thành phố Hà Tiên của Việt Nam cách đây chừng 20km. Khu chợ hải sản với những chiếc sạp gỗ đơn sơ biến đổi, di dời dọc theo bãi biển theo từng con nước bên cạnh con đường lấn biển, làm nơi đỗ của những đoàn xe khách du lịch khắp nơi quy tụ về đây. Đủ loại hải sản vừa mới được đánh bắt theo tàu vào bờ: tôm, mực, cá… nhưng nhiều nhất là ghẹ xanh, những con ghẹ nhỏ nhắn nhưng thịt chắc vô cùng là mặt hàng các anh chị mua thưởng thức nhiều nhất. Chuyến đi này có niềm vui lớn là chị Sáu Nguyên, ngoài những đóng góp mạnh mẽ vào việc bác ái và góp phần vào việc xây dựng Trung tâm hành hương Đức Mẹ Sông Mê-kông, chị còn phóng khoáng mua đủ loại hải sản nơi đây chiêu đãi cả đoàn, đến nỗi các phần ăn do BTC đặt trước đành phải đem về khách sạn ở Kampot để ăn tiếp và phân phối cho một vài cư dân khó khăn nơi đây cùng ăn, để chia sẻ niềm vui với đoàn. Khu chợ đêm tỉnh lẻ Kampot, được xem là Thủ phủ của cây Sầu Riêng Campuchia, tuy quy mô đơn sơ, nhỏ nhắn nhưng với những món hàng, trái cây đặc trưng của địa phương như sầu riêng, cũng như những thức ăn đường phố dành cho giới trẻ, cũng cuốn hút các chị trong đoàn đã giúp mọi người có thêm những phút giây lang thang, thư giãn trước khi trở về phòng ngơi nghỉ, chuẩn bị chuyến đi vào ngày mai về lại Phnompenh. Một ngày dài bận rộn, vất vả nhưng tràn ngập bao niềm vui.

Giuse Huỳnh Bá Song