Bài 1: NHẬN CHỨC HAY NHẬM CHỨC

Giuse Nguyễn Văn Quýnh

Theo nghĩa Hán Việt, “nhậm” trong từ “nhậm chức” là gánh vác công việc hay lãnh nhận nhiệm vụ; còn “chức” là chức trách, là việc quan, là bổn phận. Vì thế, “Nhậm chức” có nghĩa là giữ chức vụ, là gánh vác, là đảm đương chức vụ do cấp trên giao cho. Để dễ nhớ, chúng ta học thuộc câu này: “Cấp trên bổ nhiệm, cấp dưới nhậm chức”: “nhiệm” hay “nhậm” cũng giống nhau.

Trong khi đó, từ “nhận chức” trong nghĩa Hán Nôm thì “nhận” là tiếp đón, là chịu lấy, hay lĩnh lấy. Cho nên, “nhận chức” là nhận chức vụ, nhưng không diễn tả được trách nhiệm của chức vụ ấy. Theo nghĩa Hán, “nhận” là nhìn, là biết, là chịu, là bằng lòng. Cho nên, “nhận chức” không có nghĩa gì cả. Theo nghĩa Nôm, “nhận” được hiểu trong tương quan với trao, trao và nhận có tính cách bình đẳng. Thí dụ: “Tôi trao anh nhận”.

Còn “nhậm” được hiểu trong tương quan với dâng, dâng và nhậm có tính cách phẩm trật.

Thí dụ: “Con dâng Chúa nhậm”. Cho nên, chúng ta cầu nguyện: “Xin Chúa nhậm lời chúng con” thì đúng hơn là câu: “Xin Chúa nhận lời chúng con”.

Do đó, dù theo từ điển Hán Nôm, hay Hán Việt thì từ “nhận chức” đều không có nghĩa diễn tả được trách nhiệm đối với chức vụ. Do đó, từ đúng phải là “nhậm chức”.

Chúng ta có những thí dụ sau:

1/ Cha xứ tôi vừa nhậm chức chánh xứ.

2/ Tổng thống Donal Trump tuyên thệ nhậm chức.

3/ Thánh lễ nhậm chức của Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ.