Giuse Huỳnh Bá Song
Ngả ba cuối con đường nhựa dài hơn sáu mươi cây số đường rừng, từ thành phố Đà Lạt đi vào huyện biên giới Lạc Dương, với le hoe dăm mươi nóc nhà nằm túm tụm bao quanh đỉnh đồi, chính là trung tâm của xã vùng sâu Đưng K’ Nớ’h. Hai con đường đất nhánh cuối ngả ba đường chia thành hai hướng, một rẽ ngược lên triền núi cao, một đổ dốc len lỏi đi vào rừng sâu hun hút thăm thẳm kéo dài đến tận chân trời, như muốn xác nhận nơi đây: Điểm đến cuối cùng của nơi phồn hoa đô hội.
Khu vực được xem là trung tâm của xã, nhưng tựu trung chỉ quy tụ được vài dãy nhà cấp bốn đơn sơ; quán xá, hàng quán đếm được trên đầu ngón tay, nhưng được cái mỗi cửa hàng tuy tuềnh toàng nhỏ nhắn, lại tương đối có đủ chủng loại hàng hóa, rau củ, thịt cá, bánh trái, dụng cụ lao động thượng vàng hạ cám… như một trung tâm thương mại nơi miền xuôi, đáp ứng được nhu cầu cơ bản của những người anh em dân tộc vùng sâu… và đây được xem là nơi tiếp xúc với phương tiện, sinh hoạt xã hội văn minh người Kinh của những người anh em dân tộc Cil sinh sống trong những cụm núi cao rừng sâu, cách nơi này hàng mấy mươi cây số đường rừng, mà mỗi lần có dịp cần phải về đây, đôi khi họ phải đi mất trọn cả ngày đường.
Thánh đường Đưng K’ Nớ’h càng đơn sơ hơn, ẩn mình dưới chân núi, nhỏ nhắn theo hình dáng đặc trưng ngôi nhà Rông của anh em dân tộc Tây nguyên, mà nếu không nhìn thấy cây Thánh giá nhô lên từ chiếc mái tôn thấp thoáng bên đường, mọi người khó nhận ra ngôi nhà Chúa đã từng một thời gian dài hiện diện nơi đây, để đồng hành chia sẻ, chăm sóc những người anh em dân tộc nghèo khó bất hạnh nơi vùng đất xa xôi hẻo lánh này: Không cổng nhà thờ, không sân sinh hoạt, không tượng đài chiêm ngắm… chỉ có trái tim của những người mục tử, hàng ngày lặn lội vào tận vùng rừng sâu núi cao… cùng ăn, cùng ở, cùng cầu nguyện, để những người dân tộc anh em có thể khám phá được Tin Mừng của Chúa dành riêng cho cuộc đời họ.
Đó là nơi cha Gieronimo Nguyễn Quý Trung, linh mục chánh xứ đã chọn làm nơi dừng chân ở tuổi xế chiều, người đã gắn gần cả cuộc đời linh mục của mình để yêu thương, để phục vụ những người anh em dân tộc Cil, những con người chính là hiện thân của Chúa, đang khát khao được vươn lên khỏi cuộc sống khó khăn tăm tối, cơ hàn muôn thuở gắn chặt vào dân tộc mình. Đó là nơi cha phó Bartolomeo Cil Yon, một người con của chính dân tộc Cil nơi đây, đã được ơn là nghĩa tử của Chúa, là linh mục của Giáo hội, đã chọn làm chốn quay về; sống noi gương Thầy chí thánh, dấn thân để thực thi tình yêu và lòng thương xót vô biên mà Chúa đã dành cho cộng đoàn dân tộc của cha…. và đó cũng là nơi Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu giáo hạt Thủ Thiêm, đã chọn là địa chỉ tìm đến trong hành trình chia sẻ đức ái, trên bước đường thực hiện sứ vụ tông đồ làm chứng cho trái tim yêu thương của Thánh Tâm Chúa Giêsu.
… Tây nguyên tháng này đang vào mùa mưa, thành phố Đà lạt đêm qua chìm trong cơn mưa rào nặng hạt và đến sáng vẫn tiếp tục gieo những giọt ngắn giọt dài lê thê không dứt, khiến anh trưởng đoàn cũng là Trưởng ban BCH GĐPTTTCG giáo hạt Thủ Thiêm Phaolo Phạm Hoàng Sơn lo sốt vó. Đây là lần huy động chia sẻ bác ái đầu tiên, mở rộng sự đóng góp đến các xứ đoàn trong giáo hạt, và đã được các xứ đoàn: Mỹ Hòa, Thánh Linh, Thủ Thiêm, Tân Lập, Minh Đức… hưởng ứng tham dự chuyến đi nồng nhiệt. Hơn bảy mươi thành viên vừa ân nhân, vừa đoàn viên và thành viên BCH các cấp trong giáo hạt, có cả sự hiện diện của ba anh trong BCH Tổng giáo phận, sau đợt thường huấn cũng đã kịp hiện diện với đoàn.
Sau buổi điểm tâm sáng vội vã, hai chiếc xe chở nặng yêu thương mang trên mình hơn 200 phần quà lương thực, thực phẩm, quần áo, tập vở, ba-lô, túi xách… và chu đáo hơn còn có cả hàng nghìn khẩu trang phòng chống dịch, dành cho một cộng đoàn anh em dân tộc vùng sâu đang cần được hỗ trợ trong mùa giáp hạt.
Rời thành phố mù sương vẫn đang còn giăng giăng mưa phùn lất phất, đoàn theo con đường đi vào khu du lịch “Làng Cù Lần” để hết đèo Đông lại đến dốc Tây hướng về vùng rừng núi sâu cuối huyện Lạc Dương. Anh trưởng đoàn Phaolô bắt đầu ngày mới bằng việc giới thiệu các thành viên trong đoàn, và phân công chuẩn bị cho sinh hoạt phục vụ việc trao quà cho bà con dân tộc tại Đưng K’ Nớ’h trong nỗi băn khoăn, vì cho đến giờ, trong thời tiết mưa gió bão bùng này, anh vẫn chưa liên lạc được với các cha, không biết tình hình quy tụ cộng đoàn đến nhận quà thế nào. Khó hơn nữa chương trình văn nghệ phục vụ trong lúc phát quà cũng như sinh hoạt của đoàn trên xe giờ đành phải chay tịnh, vì hai anh tay guitar ngọt lịm của đoàn giờ chẳng biết ở mô? Hành trình suốt một ngày qua vượt gần bốn trăm cây số, ra đi từ sáng sớm ở thành phố để đến được Đà lạt vào chiều tối, sau một đêm tạm nghỉ, mờ sáng đã lại tiếp tục lên đường, khiến các thành viên trong đoàn trên xe đa số đều thấm mệt, không khí trầm lắng.
Trong cái không gian lạnh buốt, êm ắng ấy bỗng chợt vang lên lời đề nghị nơi cuối xe: “Hành khúc bác ái đi!”. Kỳ diệu thay, dường như cả xe đã bừng tỉnh, đồng thanh hưởng ứng nhận lời. Tập giờ kinh sinh hoạt được nhanh chóng phát ra. Chẳng mấy chốc, lời ca đã âm vang đều khắp trong lòng chuyến xe nhân ái. Hành khúc vừa như thôi thúc, vừa như nhắc nhở động viên, vừa như lời trần tình. Ngạc nhiên hơn, cả cộng đoàn hát say sưa, hùng hồn, nồng ấm như đã quen thuộc tự bao giờ …Đi, đoàn ta đi đến với khắp mọi miền… cùng người bất hạnh, nghèo đói, đơn côi… cùng người bất hạnh, già yếu muôn nơi… sẻ chia cơm áo… sớt ngọt chia bùi… Chúng tôi cố nhớ xem đã có dịp nghe bài hát này ở đâu không mà âm điệu quá hay, nhưng đành bất lực vì không sao nhớ được, đặc biệt ở phần điệp khúc quá tuyệt vời theo tinh thần Phúc Âm …Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn… vì xưa Ta khát, các ngươi đã cho uống…. Vì kẻ hèn mọn, chính là Ta….
Điều chúng tôi càng ngạc nhiên hơn là bài hát được lập đi lập lại nhiều lần trong niềm vui, phấn khích của mọi người; âm vang khúc hát như vọng tỏa lan ra cả núi rừng, như hành trang yêu thương của những con người không còn ở tuổi thanh xuân, nhưng khát vọng chia sẻ phục vụ của họ đã vượt trên tất cả, muốn mang đến cho những mãnh đời bất hạnh, những người khốn khó hèn mọn là hiện thân của Chúa nơi rừng sâu núi cao… những sự sẻ san cơm áo, niềm vui sớt ngọt chia bùi. Tập bài hát không để tên tác giả nhưng qua tìm hiểu ngay trong các thành viên trên xe, chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi biết rằng, tác giả hành khúc là một người con của giáo xứ Tân Lập, ca trưởng ca đoàn giáo xứ, nhạc sĩ Hải Nguyễn. Thú vị hơn, phu nhân của anh cũng có hiện diện trong chuyến đi này, chị Maria Nguyễn Thị Minh Thanh. Anh Hải Nguyễn đã có nhiều dịp đồng hành cùng các chuyến đi chia sẻ bác ái của xứ đoàn Tân Lập, và hành khúc bác ái là món quà trao tặng cho xứ đoàn sau những khám phá, sẻ chia nhiệm vụ cùng những người tông đồ Thánh Tâm Chúa Giêsu nơi giáo xứ quê hương.
Khám phá này giúp chúng tôi chợt nhớ lại, xứ đoàn Tân Lập trước đây qua nhiều giai đoạn hoạt động, công tác chia sẻ bác ái luôn được BCH xứ đoàn các thời kỳ luôn xác định là lãnh vực ưu tiên, là một trong những đơn vị hàng đầu của TGP trong sinh hoạt làm chứng cho tinh thần phục vụ tha nhân: Đức Tin không có việc làm là đức Tin chết. Hàng năm, nhiều chuyến đi chia sẻ bác ái đến với người nghèo, nhà mở, mái ấm, trại phong, cộng đoàn dân tộc vùng sâu, vùng xa… đã được xứ đoàn tổ chức. Hoạt động này luôn được những ân nhân của giáo xứ tin tưởng, đồng tình hỗ trợ vô điều kiện. Đóng góp và đồng hành …người người góp của, kẻ góp công lao… đó là lý do để hàng hóa, lương thực, quần áo, thuốc men… trị giá hàng trăm triệu đồng của chuyến đi chia sẻ ở Đưng K’ Nớ’h đã được huy động đóng góp trong thời gian ngắn… đó là lý do để người ân nhân trao gửi ba mươi triệu đồng không cần nêu tên… và đó cũng chính là lý do mà các thành viên trên xe đa số là ân nhân, đoàn viên của xứ đoàn Tân Lập đều thuộc lòng lời của bài hát, vì đó là một phần không thể thiếu của họ trong các hành trình đi chia sẻ bác ái ở khắp mọi nơi.
Đoàn đến ngả ba Đưng K’ Nớ’h trong cơn mưa nặng hạt. Nhà thờ không có người phục vụ nên các thành viên trong đoàn phải tự thân chuyển hàng vào khu nhà xứ dưới chân đồi. Giờ đây thì không còn phân biệt khách mời, đoàn viên hay ân nhân… tất cả phải xăn tay giúp đưa hơn hai tấn gạo, hàng trăm thùng mì gói, tập vở, quần áo, bánh kẹo, nhanh chóng rời xe chuyển vào các điểm phát quà trong cơn mưa tối trời mù đất. Nhìn các ân nhân lớn tuổi, đi đứng bắt đầu khó khăn nhưng vẫn tham gia nhiệt tình, bưng bê tận tâm; chiếc áo mưa xốp không chỉ ướt bên ngoài vì mưa mà còn thấm đẫm những giọt mồ hôi bên trong tấm áo, nhưng miệng vẫn mĩm cười hạnh phúc, khiến chúng tôi vô cùng xúc động – cho đi không chỉ tấm lòng mà còn cho cả con tim. Cha xứ Gieronimo cố ở lại để đón đoàn, xúc động cám ơn tình cảm sẻ chia của mọi người, không quản mưa gió đường xa đến cộng tác với cha phục vụ anh em dân tộc nơi đây. Rất tiếc cha không thể ở lại đưa tiễn mọi người; vì như thường lệ, cha phải đi vào dâng Thánh lễ Chúa nhật cho một cộng đoàn anh em dân tộc, cách đây hơn hai mươi cây số đường rừng. Nhìn vị linh mục già đã quá tuổi hưu, cố xin Đức giám mục giáo phận được tiếp tục ở lại nơi đây, chỉ để trọn vẹn nhiệm vụ chăm sóc đàn chiên vốn còn quá nhiều khó khăn trong cuộc sống đến lúc nào có thể, đang lặng lẽ dắt xe đi vào con đường rừng đất đỏ trong cơn mưa nặng hạt, khiến lòng chúng tôi bồi hồi xúc động – Tất cả vì đàn chiên.
Từ trong rừng sâu, từng hàng người anh em dân tộc phần lớn là các em nhỏ và người lớn tuổi đội mưa đến khu nhà xứ giờ là điểm phát quà. Không cần nghi thức, khỏi bước kiểm tra, vì người dân tộc rất đơn sơ và chân thật. Cha phó Bartolomeo hướng dẫn họ nhận quà một cách đơn giản, đi một vòng trao phiếu, nhận quà phòng đầu tiên đến phòng cuối cùng là bước ra cổng về nhà. Trở ngại duy nhất là quà mỗi phần khá nhiều mà người nhận đa số không có gùi chứa, cũng như không đủ sức mang, nên các thành viên trong đoàn lại có việc để làm. Người phụ ôm túi gạo cho bà cụ, người phụ xách túi hàng cho cô bé, người giúp cột gói hàng cho người mẹ địu theo con… những chiếc áo mưa mỏng bắt đầu được lột ra mặc cho mưa vẫn rơi và trời vẫn lạnh vì mồ hôi đã vả ướt hết người.
Đến trưa thì số người đến nhận quà đã vơi đi, cha Bartolomeo mời đoàn lên nhà thờ viếng Chúa, để cha có dịp thay cộng đoàn nói lên lời tri ân. Người linh mục trẻ xúc động cho biết món quà của đoàn đến kịp lúc, vì thời điểm này là mùa giáp hạt, thường các gia đình phải lâm cảnh thiếu đói. Cha cho biết thêm người dân tộc Cil là tộc người trước đây quen du canh du cư, nếp sống hái lượm là chính, nên so với các dân tộc khác họ khó thích nghi với cuộc sống định canh định cư, vì không có kỷ năng chăn nuôi trồng trọt. Cuộc sống hiện tại của họ trong các khu rừng sâu hiện nay rất khó khăn, nên giáo xứ thường xuyên phải cưu mang họ qua sự hỗ trợ của ân nhân khắp nơi. Người dân tộc Cil đời sống tuy còn nghèo khó đơn sơ, nhưng cũng rất kiên định trong đời sống đức Tin. Cái gì đến với họ bằng sự yêu thương thì họ sẽ cho đó chính là món quà của Chúa và họ hạnh phúc đón nhận. Ngược lại đến với họ bằng sự áp đặt coi thường; họ sẽ xem đó là đồ vật của ma quỷ, họ sẵn sàng từ chối.
…Đi, đoàn ta đi dẫu khó khăn chẳng sờn, chẳng ngại thác ghềnh, đồi núi xa xôi… hành trang trở về của đoàn là niềm vui vượt qua gian khó, là tình hiệp nhất yêu thương như lời phát biểu trước lúc chia tay của anh G.B Nguyễn Hoài Việt, Đoàn trưởng xứ đoàn Minh Đức; là niềm tin của tình hiệp thông, giúp nhau cùng thực thi sứ vụ tông đồ như chia sẻ của anh Vinhsơn Phạm Minh Tuấn, Đoàn trưởng xứ đoàn Thánh Linh; là sự khiêm nhượng, hết lòng cộng tác với đoàn thể như phát biểu của anh F.X Phạm Khoát, chủ tịch HĐMV giáo xứ Tân lập. Tôi tham dự chuyến đi với tư cách của một đoàn viên và cộng tác với đoàn trong vị thế của một ân nhân; là món quà yêu thương của Chúa được trao ban bởi những ân nhân, bởi những người tông đồ có Trái Tim Chúa của GĐPTTTCG giáo hạt Thủ Thiêm, như lời tâm tình của cha Bartolomeo Cil Yon trước lúc chia tay, dành cho những mãnh đời bất hạnh nơi vùng đất Đưng K’ Nớ’h nghèo khó này …Vì kẻ hèn mọn, chính là Ta .