“Con Đường Giêsu”

CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN NĂM C

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Hiệp Hành là căn tính của Giáo Hội mà Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ 16 muốn nhìn lại “con đường Giêsu”. Chính Chúa Giêsu tự giới thiệu Ngài là “Con đường, là Sự thật và là Sự sống” (Ga 14,6). Các kitô hữu, những người đi theo Chúa Giêsu, ban đầu được gọi là “những môn đệ của ‘Con Đường’ đó” (Cv 9,2).

Hành trình của Chúa Giêsu Phục sinh với hai môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24,13-35) là một minh họa sống động về một “Tiến trình hiệp hành” với 5 bước:

  • Hỏi và lắng nghe: Đức Giêsu Phục sinh hỏi"Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? và hai môn đệ kể, Chúa Giêsu lắng nghe.
  • Giải thích:  Đức Giêsu giải thích với Lời Chúa và cử hành Thánh Thể (bẻ bánh).
  • Hoán cải: Khi nhận ra Chúa rồi, hai môn đệ hoán cải”, quyết định trở về Giêrusalem ngay lập tức.
  • Làm chứng: Tại Giêrusalem họ đã làm chứng cho Chúa Phục Sinh.  
  • Làm chứng cho Chúa Phục sinh trong lòng Giáo Hội với sự hiệp thông với thánh Phêrô. Trước khi hai ông kể lại việc gặp Chúa Phục sinh, các môn đệ khác đã nói:"Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon" (Lc 24,34).

Hiệp hành là cùng đi chung một con đường “con đường Giêsu” để đến với Chúa Cha trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Thánh Thần khai sáng cho chúng ta nhiều bài học hiệp hành từ Thánh Kinh: nhờ gặp gỡ Lời Chúa, lắng nghe tiếng Chúa, phân định ra ý Chúa, chúng ta hiệp thông với cộng đoàn, tham gia công việc của Giáo Hội, thi hành sứ vụ Chúa trao. Hiệp hành là phương cách sống và hành động là đặc trưng của Giáo Hội, dân Thiên Chúa.

Các Giáo Hội địa phương đang thực hiện tiến trình Hiệp Hành của THĐGM Cấp Giáo phận bao gồm 3 công việc được xác định bởi 3 câu hỏi:

– Mọi thành phần Dân Chúa hiệp thông với Giám mục, với các linh mục, “cùng đi trên con đường Giêsu” với câu hỏi khởi sựchúng ta có đi đúng con đường Giêsu không, hay chúng ta đang lạc đường, đang đi vào con đường khác ?

– Khi cử hành THĐGM lần 16 này, mọi thành phần Dân Chúa cùng nhau tham gia, nghĩa là gặp gỡ, trao đổi, với trọng tâm là “lắng nghe nhau”. Việc lắng nghe này được gọi là “Thỉnh ý Dân Chúa”. Việc “Thỉnh ý Dân Chúa” nhằm cùng nhau khám phá “đâu là con đường Giêsu thực sự”, nghĩa là “con đường chúng ta đang đi có đạt được mục đích phải đến là Loan Báo Tin Mừng như Chúa Giêsu đã làm không?”.

–  Việc “Thỉnh ý Dân Chúa” còn giúp trả lời câu hỏi thứ ba, đó là “chúng ta phải làm gì để trở về đúng Con đường Giêsu”, hay phân định điều Chúa Thánh Thần muốn nói, muốn hướng dẫn giáo phận nhằm chu toàn sứ vụ Loan báo Tin Mừng.

Phần thứ hai của Bài Tin Mừng hôm nay kể lại ba trường hợp xin đi theo làm môn đệ, muốn theo “con đường Giêsu”. Trong mỗi trường hợp Đức Giêsu đều yêu cầu người ta phải chọn lựa dứt khoát.

  •  Với người thứ nhất, Đức Giêsu đòi hỏi phải chấp nhận cuộc sống thiếu thốn vật chất.
  •  Với người thứ hai, Đức Giêsu đòi phải ưu tiên lo việc Chúa hơn gia đình.
  •  Với người thứ ba, Đức Giêsu đòi phải một lòng một ý lo phục vụ Nước Thiên Chúa.

Chúa Giêsu mời gọi những ai muốn trở thành môn đệ của Người cần phải phân định để có một tinh thần siêu thoát.

  • Siêu thoát đối với những tiện nghi và của cải:Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”. Ai muốn theo Chúa, phải lượng sức mình có đủ siêu thoát để chấp nhận cuộc sống thiếu thốn như Người, ngay cả chỗ tựa đầu cũng chẳng có chăng?
  • Siêu thoát đối với những trói buộc trần thế để ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng:Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa”. Ai muốn trở thành môn đệ của Người, phải dành ưu tiên tuyệt đối cho việc loan báo Tin Mừng.
  • Siêu thoát khỏi những tình cảm riêng tư để dốc hết tâm lực cho việc loan báo Tin Mừng:Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”. Ai muốn theo Người, phải siêu thoát khỏi những mối tình cảm gia đình để thảnh thơi lo việc xây dựng Nước Thiên Chúa.

 Ai muốn đi “Con đường Giêsu” cần phải dứt khoát trong chọn lựa.

  • Người thứ nhất hăng hái xin theo Chúa đi bất cứ nơi đâu. Chúa Giêsu không giấu anh hoàn cảnh bấp bênh của mình. Ngài sống cuộc đời phiêu bạt, không mái nhà để trú, lúc nào cũng ở trong tư thế lên đường. Chấp nhận theo Ngài là chịu bỏ mọi an toàn, không ổn định, là sống thân phận lữ khách trên mặt đất (x.1Pr 2,11). Theo Ngài là theo Đấng có chỗ tựa đầu. Chỗ tựa đầu tiên là máng cỏ. Chỗ tựa đầu cuối là thập giá.
  • Người thứ hai chấp nhận theo Chúa với điều kiện cho anh về chôn cất người cha mới qua đời trước đã. Anh muốn chu toàn bổn phận thiêng liêng của người con. Chúa Giêsu coi trọng việc hiếu kính mẹ cha (x.Mt 15,3-9), nhưng Ngài đòi anh dành ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng.
  • Người thứ ba xin về từ giã gia đình trước đã.Chúa Giêsu đòi anh ta dứt khoát thẳng tiến như người cầm cày, không quay lại với những kỷ niệm quá khứ, không bị cản trở bởi những ràng buộc gia đình, để tận tâm tận lực lo cho Nước Thiên Chúa.

Ba người muốn xin đi theo để làm môn đệ của Chúa Giêsu. Thế nhưng, họ không dứt khoát chọn lựa như Êlisa (bài đọc 1), họ vẫn còn đắn đo kỹ lưỡng, chần chừ vì những lý do xác thịt và bịn rịn gia đình. Chúa Giêsu trả lời cho cả ba trường hợp là “hãy theo Ta” và đặt giá trị thiêng liêng lên trên mọi của cải vật chất. Theo Chúa lên Giêrusalem là đánh đổi cuộc đời quá khứ để lấy một tương lai mới, tuy vô định, đầy gian nan, bất trắc nhưng tươi sáng và chân thật hơn. Ba trường hợp khác nhau, nhưng đều chung một lời mời gọi từ Chúa Giêsu. Ba lời đối thoại trên cũng là ba đòi hỏi hướng đến điều răn thứ nhất: “Phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” (Mt 22, 37).

Theo Chúa phải can đảm, phải chọn lựa và ưu tiên tìm kiếm và loan báo về Nước Thiên Chúa trước, còn mọi chuyện khác, Chúa sẽ lo cho sau. Con đường đi tìm Chúa là con đường con đường của từ bỏ… Tuy nhiên, muốn đạt được hạnh phúc thật thì phải lựa chọn trong tinh thần dứt khoát.

Nếu cuộc đời con người là một chuỗi những chọn lựa, thì chính những chọn lựa ấy sẽ dệt nên cuộc đời riêng của mỗi người.

Nếu cuộc đời người Kitô hữu là một chọn lựa dứt khoát cho việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa, thì đó chính là một chuỗi những lời đáp trả tiếng Chúa vang lên từng phút giây trong cuộc sống.

Nhìn lại những chọn lựa hằng ngày, chúng ta chợt giật mình, vì thấy chúng ta thường hay chọn mình: sở thích của mình, tự do của mình, hạnh phúc của mình, gia đình của mình… Chúng ta chọn tất cả những gì ít nhiều dính dáng đến bản thân. Nhưng Đức Giêsu lại dạy: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã, còn mọi sự khác, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

Ơn gọi của Êlisa đến trong lúc ông đang cày ruộng, đang làm những công việc hàng ngày. Ơn gọi của Phêrô xảy đến khi ông đang thả lưới, của Môsê khi ông đang chăn chiên, của Mathêu khi ông đang ngồi bàn thu thuế… Ơn gọi tiêu biểu của mỗi cá nhân là ở trong bổn phận hàng ngày. Sống ơn gọi của mình là biết chọn lựa và ưu tiên. Đó cũng là lời mời gọi, hãy đơn giản hoá cuộc sống.

Là người kitô hữu, chúng ta đã chọn đi theo “con đường Giêsu”, tuân giữ những lời thề hứa trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa tội, thực thi mười điều răn của Thiên Chúa và sáu điều răn của Hội Thánh, sống tám mối Phúc thật và bảy mối tội đầu…Với những người sống đời hôn nhân: một vợ một chồng và tín trung suốt đời. Với những người sống đời độc thân linh mục, tu sĩ: vâng lời, khó nghèo và khiết tịnh…Chúa muốn các môn đệ mình cũng phải đi cùng một hành trình như Ngài. Tuy nhiên, người ta có thể từ chối lời mời gọi của Ngài bằng nhiều cách: hoặc vì những thành kiến tôn giáo như dân làng Samaria; hoặc vì quá cậy dựa vào những bảo đảm vật chất, những quyến luyến gia đình và quyến luyến quá khứ. Ai muốn theo Ngài, phải dứt khoát với mọi thứ ràng buộc, cần có một con tim không san sẻ để luôn biết lo cho vinh quang Nước Trời.

Để sống bình an vui vẻ hạnh phúc, chúng ta đi theo “con đường Giêsu”. Chúa Giêsu đã hạ mình trở nên như tôi tớ rửa chân cho các môn đệ, để đến với người nghèo, bệnh nhân và tội nhân. Chúa Giêsu thích sự đơn sơ và bé nhỏ giữa đời thường. Bởi vậy, Ngài mới nhắn nhủ các môn đệ: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời ” (Mt 18,4). Chúa Giêsu đã gieo vào lòng thế giới giá trị của yêu thương và phục vụ trong đơn giản âm thầm.

“Con đường Giêsu” là con đường hẹp, không trải đầy nhung lụa mà là những gai nhọn và gian nan. Con đường ấy dẫn lối về hạnh phúc cho những ai dám từ bỏ mọi sự để sống cho Chúa, dám sống đời hèn mọn, dám sống đời tận hiến với quyết tâm thuộc trọn về Chúa suốt đời. Đó là Ơn Gọi cho những người bước đi theo Thầy Chí Thánh, họ luôn tìm thấy lẽ sống, ý nghĩa và cùng đích cho cuộc đời mình, họ có một cuộc sống đong đầy yêu thương hướng đến trọn lành.