GIÁO PHẬN LONG XUYÊN: MỘT NGÀY SINH HOẠT 4 TRONG 1 CỦA XỨ ĐOÀN NON TRẺ VĨNH TRINH

                                                                                                    Giuse Huỳnh Bá Song

…“Thập niên 80 của thế kỷ trước, sau ngày đất nước thống nhất, cuộc sống của một gia đình nông dân đông con vùng sông nước miền Tây vẫn còn quá nhiều khó khăn, vất vả. Là thành viên thứ 8 của gia đình Công giáo có đến mười người con! Ngoài việc được học hành, về nhà tôi còn phải cùng với gia đình suốt ngày quần quật với giống má, lúa thóc, ruộng vườn… quanh năm mà vẫn thiếu thốn, nên tôi chẳng còn biết tương lai sẽ về đâu, nói gì nghĩ đến việc đi tu.

Đến thập niên 90, đời sống của xã hội có phần rộng mở hơn, kéo theo sinh hoạt của Giáo hội cũng có phần thông thoáng, chủng viện của giáo phận đã được mở cửa trở lại. Qua lời mời gọi của cha sở, vận động các gia đình trong giáo xứ cho con em có đủ điều kiện thi vào chủng viện, nói rõ hơn là đi tu. Nhưng với tôi, lúc bấy giờ vẫn chưa hình dung rõ đi tu là gì, nên cũng chẳng mấy quan tâm. Để rồi một ngày, tình cờ tôi nhìn thấy trong tủ sách của ông ngoại một quyển sách đã cũ, chữ in mờ đậm không đều, khổ A5 của Gia đình Phạt tạ có tên là nội san Lửa Mến. Chính trong quyển nội san này đã giúp tôi khám phá Thánh Tâm Chúa Giêsu qua bài viết giới thiệu về ý nghĩa của bức ảnh mà quan đại thần người Nhật Tsukamoto – người có trách nhiệm bách đạo Công giáo trên nước Nhật thời bấy giờ – đã nhìn thấy, qua đó khám phá được về chân lý huyền diệu và cao siêu của đạo Công giáo, thể hiện qua hai câu đối tinh tế: “Đối ngoại hữu kỳ tâm – Đối nội vô tâm giả”, có nghĩa là: “Người có trái tim bên ngoài, bên trong lại không có tim”.

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1597, lệnh bắt đạo trên đất nước Nhật thật gắt gao. Chỉ trong một tuần lễ, mọi cơ sở Công giáo đều bị triệt hạ, giáo sĩ bị bắt gần hết, giáo dân thì ly tán, bị khủng bố tàn bạo.

 Tại vùng Ozawara, Kamakura triều đình bắt được 2 linh mục trẻ tuổi là Simauchi và Uzawa, cùng nhiều ảnh tượng giải về thủ đô Tokyo. Quan đại thần Tsukamoto, người chịu trách nhiệm về các cuộc bách đạo tình cờ nhặt được trong đống ảnh tượng một bức ảnh khá kỳ lạ, không giống ảnh các vị thần các tôn giáo phổ biến – Người có trái tim để lộ ra ngoài lồng ngực.

  Tsukamoto vốn là một nhà Nho uyên bác, có óc thực tế, thích tìm hiểu nên ông cầm lấy bức ảnh quan sát, suy nghĩ mãi vẫn không tìm ra lời đáp, nên cuối cùng ông đành vứt vào sọt rác. Đến tối, trong giấc ngủ, ông chợt nhớ lại và tự nghĩ, ắt hẳn bức ảnh kỳ lạ kia phải có chứa đựng một ý nghĩa sâu xa nào đó, nên người ta mới thờ phụng. Ông bật mình dậy, thắp nến tìm nhặt lại bức ảnh đặt lên bàn và lặng im quan sát, suy nghĩ. Suốt đêm, ông vẫn không tìm ra lời giải, mãi đến gần sáng, bất chợt vị đại thần thở ra nhẹ nhàng, khoan khoái – Ông đã khám phá được triết lý sâu sa của bức ảnh, tay cầm vội cây bút lông ghi ngay  dưới bức ảnh đôi câu đối: “Đối ngoại hữu kỳ tâm – Đối nội vô tâm giả”.  

Từ khi hiểu được chân lý, quan Đại thần Tsukamoto luôn đặt bức ảnh trên bàn làm việc một cách kính cẩn. Một hôm, một người bạn thân trong triều đình đến chơi, tình cờ nhìn thấy bức ảnh nằm trên bàn làm việc của Tsuakmoto nên hỏi:

-Bạn lại thích ảnh tượng của bọn tà đạo rồi sao?

Quan đại thần Tsukamoto ôn tồn trả lời:

– Đứng về mặt chính trị của triều đình thì tôi không dám phản kháng, nhưng về mặt văn hóa và nhân đạo, thì tôi rất thích bức ảnh này. Phải chăng bức ảnh này đã nói lên chương trình và hành động cùng lối xử thế tổng quát của Kitô giáo. Để ông bạn coi – Đối với thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì “Hữu Tâm”; còn với bản thân mình thì “Vô Tâm”, cho nên họ mới vẽ trái tim để ra bên ngoài. Nghĩa là phải đem hết trái tim của mình mà phục vụ xã hội, giúp ích cho đời; còn về phần mình thì hy sinh, xả kỷ, đừng bao giờ lo riêng cho mình, phải diệt cái ngã vị kỷ, đem hết trái tim ra giúp đời, giúp người. Nội bức ảnh này, tôi thấy đầy đủ hơn cả cái học từ bi của Phật; khoan dung hơn cái nhân thứ của Khổng; cao siêu hơn cái vô ngã của Lão; mạnh mẽ hơn cái học dũng thuật của Thần đạo Nhật Bản. Một tôn giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người; còn bản thân mình thì không màng tới, không quan tâm đến tư lợi thì quả là chính đạo vậy.

  • Ông Osaki cảm phục sự diễn đạt của bạn, không ngờ đạo Công giáo lại hàm chứa một triết lý nhân sinh cao siêu như vậy. Từ đó, hai ông trở nên những người bạn chí thân và âm thầm nhận phép Rửa tội, đồng thời vận động triều đình thả hai linh mục.

Cha Phêrô Nguyễn Thanh Dũng, linh hướng GĐPTTTCG xứ đoàn Vĩnh Trinh đã mở đầu bài chia sẻ lời Chúa với các đoàn viên xứ đoàn GĐPTTTCG Vĩnh Trinh, giáo hạt Vĩnh An, giáo phận Long Xuyên, trong Thánh lễ Đền tạ thứ Sáu đầu tháng, vào lúc 16g ngày 7 tháng 5  vừa qua như thế. Hơn 60 thành viên vừa là khách mời, vừa là đoàn viên, vừa là giáo dân đã quy tụ trong ngôi nhà nguyện nhỏ bé, đơn sơ; im lặng lắng nghe lời người linh mục trẻ hồi tưởng lại hành trình đến với ơn gọi mục tử của mình… “Câu chuyện trên trong quyển nội san Lửa Mến đã giúp tôi cảm nghiệm được sự huyền nhiệm tình yêu của Thiên Chúa, thể hiện qua Thánh Tâm Chúa Giêsu – Vì chẳng có gì trên đời cao cả hơn việc hiến chính mình cho người mình yêu (Ga 15,13). Tình yêu của Chúa Giêsu thẩm sâu vô cùng. Ngài yêu nhân loại vô điều kiện, sẵn sàng chết cho bạn hữu và đó chính là lý do giúp tôi chọn được con đường – Noi gương Chúa Giêsu, hiến mình cho người mình yêu và đây cũng là câu châm ngôn trong đời linh mục của tôi.”     

Kết thúc bài giảng, cha Phêrô mời gọi các đoàn viên xứ đoàn: “… ước gì anh em biết học thuộc bài học yêu thương của Chúa, biết tha thứ nhân hậu; biết hiền lành khiêm nhượng, biết yêu như Chúa yêu ngay cả chính với kẻ thù của mình…”

Sau đôi phút giải lao, sinh hoạt tiếp đến của xứ đoàn được thực hiện ngay trong ngôi nhà nguyện giáo xứ: Giờ chầu Thánh Thể theo mẫu 20 giờ chầu của GĐPTTTCG VN. Xứ đoàn có được sinh hoạt này là nhờ anh Phêrô Phaolo Nguyễn Văn Lộc – nguyên Trưởng BCH GĐPTTTCG giáo hạt Tân Định, trong một lần giao lưu, gặp gỡ cha Phêrô, được biết xứ đoàn Vĩnh Trinh vừa mới được thành lập, sinh hoạt vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, thiếu thốn tài liệu và đặc biệt chưa biết chầu Thánh Thể là gì? nên đã tự nguyện hỗ trợ cho xứ đoàn các tài liệu như: Quyển nội quy, giờ kinh Đền tạ, giờ kinh Tôn Vương và 50 quyển 20 giờ Chầu Thánh thể… Và cụ thể hơn, anh đã mời gọi các ân nhân, thành viên BCH giáo hạt Tân Định, TGP Sàigòn cùng về giáo xứ, giúp hướng dẫn xứ đoàn các  sinh hoạt truyền thống của đoàn thể. Cha Phêrô chủ sự nghi thức với sự cộng tác, hướng dẫn mẫu của hai anh Phêrô Phaolô và Giuse Nguyễn Văn Tinh, Trưởng BCH GĐPTTTCG giáo hạt Tân Định, giúp cho anh Đoàn trưởng Tôma Aquinô Nguyễn Đức Chánh theo dõi, nắm bắt; lần đầu tiên các đoàn viên xứ đoàn được tham dự một buổi sinh hoạt đạo đức, trang trọng, tinh tế và đầy cảm xúc – Được đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, nguồn mạch của sự sống thiêng liêng.

Xứ đoàn non trẻ, nhưng nhờ sự quan tâm, hướng dẫn của cha Phêrô nên sinh hoạt khá nề nếp, buổi họp xứ đoàn đã được tổ chức ngay sau phiên chầu. Chúng tôi vô cùng xúc động khi biết rằng, để tạo điều kiện cho các anh trên Sàigòn xuống dự sinh hoạt có thể trở về sớm, anh em trong xứ đoàn đã đồng lòng nâng giờ họp mặt lên sớm hơn và thế là có anh phải tất tả sắp xếp lại công việc, có anh phải tranh thủ từ nơi làm hối hả chạy về và cũng có người do điều kiện khó khăn đành phải vắng mặt; nhưng tỉ lệ con số đoàn viên hiện diện cũng là điều đáng mơ ước của nhiều xứ đoàn: Toán Giuse hiện diện 14/18, toán Phêrô hiện diện 9/13, toán Phaolô hiện diện 5/8. Số đoàn viên ít nhưng có lòng; Ban Chấp hành xứ đoàn trẻ nhưng có tâm dẫn đến sinh hoạt của xứ đoàn tuy mới mẻ nhưng có hồn: Đọc kinh Đền tạ luân phiên, thăm viếng người cơ nhỡ, bệnh tật; cộng tác với giáo xứ xây dựng, sửa sang cơ sở vật chất… đó là những điều mới mẻ ở một xứ đạo giáo điểm truyền giáo vùng ven, nơi quy tụ phần lớn di dân của mọi miền đất nước; vùng đất đã có một thời quá khứ nổi tiếng biểu trưng cho tệ nạn, tội lỗi (khu đèn đỏ chợ số 2 Vĩnh Trinh) dẫn đến số gia đình rối rắm cũng sắp sỉ số gia đình trọn lành, và nói như tâm tình của cha Phêrô – Vì thế! họ rất cần đến Lửa Mến của Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Phát biểu thay mặt cho BCH GĐPTTTCG VN, anh Giuse Huỳnh Bá Song đã chân tình chia sẻ: Hình ảnh những người đoàn viên hối hả đổ về giáo xứ để kịp tham dự sinh hoạt; hình ảnh những người chồng, người cha da sạm nắng chững chạc trong bộ đồng phục đoàn thể với tư thế của một tông đồ; hình ảnh những bàn tay lọng cọng thắt chiếc cà-vạt vào cổ áo, những lời phát biểu báo cáo chân chất, đơn sơ… là những hình ảnh đẹp đã tạo cho anh nhiều cảm xúc. Không ai tin rằng nơi đây sẽ có được một ngôi thánh đường vươn lên trên vùng đất dữ; không ai nghĩ rằng ánh sáng lung linh từ cây Thánh giá nơi nguyện đường, sẽ xóa tan những ánh đèn mờ từ những lối nhỏ tối tăm và chắc cũng không ai ngờ rằng, nơi đây cũng đã hình thành được một cộng đoàn biết gắn kết, yêu thương, quy tụ được bao mảnh đời, những con người đã một thời trăn trở nay biết dấn thân ra đi yêu thương và phục vụ. Anh nhắc nhở cộng đoàn, để được những điều đó, chúng ta không thể quên người chủ chăn của giáo xứ cả cuộc đời đã gắn bó với Thánh tâm Chúa Giêsu trong hành trình ơn gọi; đã học được ở người mục tử nhân lành Giêsu luôn biết quên mình để đi tìm đàn chiên lạc – Người chủ chăn đã quyết chọn con đường sống chết vì đàn chiên qua những hành trình dấn thân, mời gọi, quy tụ, hy sinh… tất cả vì đàn chiên thân yêu mà sự hiện diện của nhiều cộng đoàn, các ân nhân khắp nơi đã hội tụ về đây, đã, đang và sẽ  góp phần để giáo xứ từng ngày thay da, đổi thịt là một dấu ấn tuyệt vời mà cha Phêrô,  trong hành trình đem Lửa Mến của Chúa đến sưởi ấm vùng đất lạnh giá, hoang vu này.

Sinh hoạt cuối cùng cũng là một hoạt động phục vụ đặc trưng của đoàn thể Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu – Tôn Vương Thánh Tâm Chúa Giêsu, đem Trái Tim Yêu Thương của Chúa đến ngự trị các gia đình Công giáo trong giáo xứ. Đây là bài toán khó của các xứ đoàn trong cả nước, vì ít được sự hỗ trợ của các linh mục chủ chăn trong việc chủ sự nghi thức, nhưng ở giáo xứ Vĩnh Trinh thì lại khác – Cha Phêrô muốn sinh hoạt này sớm  được thực hiện để các gia đình Công giáo có thể làm chứng cho Chúa trong vùng đất đa tôn giáo này. Căn nhà anh chị Đaminh Trần Văn Trung, thủ quỹ của xứ đoàn nằm ven bên đường Quốc lộ 80 đêm nay chợt rực rỡ ánh đèn, làm các gia đình lối xóm chung quanh ngạc nhiên thắc mắc – Có điều gì đã xảy ra trong gia đình mà mọi người không biết? Nhưng họ cũng sớm có câu trả lời khi nhìn thấy rất nhiều người có đạo trong giáo xứ trang phục đẹp đẽ, có cả những ông mặc quần áo rất chỉnh tề với chiếc cà-vạt đỏ trông rất nghiêm trang đang tập trung bài trí gian phòng khách của gia đình, nào hoa, nào đèn, nào nến sáng rực, ắt hẳn chuẩn bị đón nhận niềm vui. Và đúng vậy! Niềm vui đã đến khi cha Phêrô đến chủ sự nghi thức Tôn vương Thánh Tâm Chúa Giêsu dành cho gia đình anh chị Đaminh, một gia đình sống đạo trọn lành trong giáo xứ. Đây là lần đầu tiên cộng đoàn được tham dự một sinh hoạt đạo đức truyền thống của Giáo hội; trong bầu khí thinh lặng, trang nghiêm, ý nghĩa việc Tôn Vương đã được cha Phêrô trình bày rõ ràng, sinh động càng làm tăng thêm lòng mến mộ, ao ước của mọi người. Người Đoàn trưởng trẻ Tôma Aquinô Nguyễn Đức Chánh hôm nay là người hạnh phúc nhất, vừa ghi chép mọi diễn tiến của sinh hoạt, vừa phụ cha trong các nghi thức làm phép nhà, làm phép tượng… một cách nhanh nhẹn, sốt sắng, nhiệt tình vì cuộc chuyển giao kiến thức 4 trong 1 hôm nay diễn ra quá thuận lợi – Trăm nghe không bằng mắt thấy… đi một ngày đàng, học một sàng khôn, rất cần thiết cho việc điều hành xứ đoàn sau này. Pho tượng Thánh Tâm Chúa sau khi được cha Phêrô làm phép được đặt trang trọng trên bàn thờ (đây cũng là món quà 10 bức tượng được gia đình anh chị Phêrô Phaolô Lộc tặng cho các gia đình, tạo điều kiện thực hiện nghi thức Tôn Vương đầu tiên trong giáo xứ) trong lời kinh hiệp thông cầu nguyện sốt sắng của cộng đoàn. Anh chị chủ nhà Đaminh vốn dĩ ít nói hôm nay càng ít nói hơn, nhận tấm ‘Bằng Chứng Tôn Vương’ nơi tay cha sở chỉ biết mỉm cười cám ơn bằng ánh mắt – Hạnh phúc được đón Chúa vào làm chủ mọi niềm vui, nỗi buồn của gia đình trong cuộc đời theo Chúa của anh chị đã diễn ra hôm nay như trong một giấc mơ, vui đến nghẹn lời.

Vạn sự khởi đầu nan, chính sự băn khoăn, khao khát về việc chăm sóc một đoàn thể Công giáo Tiến hành, sinh ra thì có thể dễ mà nuôi dưỡng lớn lên thì không hề dễ của cha Phêrô đã giúp xứ đoàn GĐPTTTCG Vĩnh Trinh làm được những điều kỳ diệu, 4 sinh hoạt nền tảng của đoàn thể: Tham dự Thánh lễ Đền tạ thứ Sáu đầu tháng, chầu Thánh Thể, họp sinh hoạt xứ đoàn và tổ chức thực hiện nghi thức Tôn vương cho mọi gia đình Công giáo… đã được thực hiện bài bản, sâu sắc và thông suốt chỉ trong một thời gian ngắn ngủi nhưng hiệu quả thì vô cùng – Anh em thành viên Ban chấp hành và đoàn viên tự tin hơn và trái tim của mỗi người dường như đã bắt đầu bùng lên ánh lửa, Lửa Mến Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Nhìn cộng đoàn đang hân hoan lần lượt quây quần chung quanh  anh chị Đaminh chúc mừng niềm vui mới của gia đình, cha Phêrô trầm ngâm tâm sự: Đây chỉ là những bước khởi đầu trong hành trình quy tụ đàn chiên lạc, đàn chiên không có chủ chăn sẽ lạc lõng, bất toàn… nên khi về đây, nhìn thấy thực trạng của người giáo dân một thời gian dài không người chăm sóc, bao nhiêu hệ lụy trong đời sống đạo… con đã quyết định lựa chọn một phương hướng tiếp cận đầy khó khăn: Xây dựng tâm hồn, xây dựng con người ưu tiên hơn phát triển cơ sở vật chất. Giáo xứ còn nhiều khó khăn, nhưng nếu mình có một cộng đoàn hiệp nhất thì sợ gì mai này không thể vươn lên. Công tác bồi dưỡng nhân sự bây giờ đã tạm ổn, nhưng… giọng cha chợt sôi động hẳn lên – Tới đây thì sẽ khác, Giáo hội phải phát triển đáp ứng theo nhu cầu xã hội, con nhận thấy tới đây giáo xứ đang có nhiều cơ hội để vươn lên, Vĩnh Trinh sẽ không còn là một vùng ven lạc lõng xa xôi mà vị trí hiện đang nằm trên vùng đất giao lưu giữa hai đường cao tốc, giao thông thông thoáng sẽ quy tụ thêm con người về sinh sống và thêm nữa, khu công nghiệp Thốt Nốt bên trong đây đang được mở rộng, kéo dài… tương lai sẽ tạo điều kiện cho những người thanh niên trẻ của vùng nông thôn này không phải tha hương tìm việc và ngay cả, có thể những người con quê hương nơi đây đang lặn lội tìm việc phương xa (trong đó cũng có rất nhiều gia đình Công giáo) cũng sẽ có cơ hội quay về, nhiều nhà trọ, khu lưu trú công nhân sẽ mở ra… giáo xứ không nắm bắt, đón đầu cơ hội phát triển để phục vụ cộng đoàn là có lỗi với Giáo hội.

Đến đây, giọng cha chợt chùng xuống: Định hướng có đó nhưng lực bất tòng tâm, nếu giáo xứ có thêm mảnh đất hoang trống phía sau nhà sinh hoạt hiện hữu, thì cơ ngơi một ngôi thánh đường đủ sức phục vụ cộng đoàn dân Chúa mới sẽ là khả thi; các nhà nguyện, cơ sở vật chất hiện nay của giáo xứ lúc bấy giờ sẽ dành làm nơi sinh hoạt, đào tạo cho thế hệ trẻ. Giá đất hiện nay đang rẻ nhưng xứ lại không có tiền, sợ đến lúc có tiền thì giá đã khác rồi không tranh lại những người kinh doanh. Cha ước gì có được những ân nhân đồng cảm với sứ vụ của cha, giúp vận động số tiền mua mảnh đất liền kề với giáo xứ thì ước vọng xây dựng Vĩnh Trinh trở thành một cộng đoàn phục vụ công tác truyền giáo của Giáo hội sẽ là điều không quá xa vời…

Những cái vẫy tay nồng nhiệt của cộng đoàn giáo xứ Vĩnh Trinh tiễn đoàn về thành phố, chiếc xe lướt mình êm ả trên cây cầu Vàm Cống, một thời là niềm khao khát, là ước vọng của bao người hai bên dòng sông Hậu giờ đã thành hình. Vượt qua đỉnh cầu, sau lưng mọi người, ánh sáng lung linh của cây Thánh giá trên ngôi nguyện đường vẫn kiên trì lặng lẽ soi bóng đêm đen; bất giác gợi nhớ cho tôi hai tiếng “Ước gì…” đầy tha thiết của cha Phêrô. Và như có một sự đồng cảm, tôi dường như cũng nghe lời tâm tình của các ân nhân trên xe, họ cũng đang băn khoăn trao đổi với nhau về một điều “Ước gì…” mà cha Phêrô đang ưu tư trăn trở.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin Thánh Tâm Chúa hãy biến những trăn trở, ưu tư của cha Phêrô thành hiện thực, để Trái Tim yêu thương của Chúa sẽ tiếp tục là niềm cậy trông, là niềm tin mãnh liệt của các ân nhân, của cộng đoàn dân Chúa, của những người tông đồ Thánh Tâm Chúa trên vùng đất truyền giáo Vĩnh Trinh này.