SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA

SỨ ĐIỆP VIDEO CỦA ĐTC PHANXICÔ TƯỞNG NHỚ 21 VỊ TỬ ĐẠO COPT

Hôm 15/2, để tưởng nhớ 21 tín hữu Kitô, bị khủng bố của Nhà nước Hồi giáo tự xưng giết hại năm 2015, Đức Thánh Cha đã gởi một sứ điệp video đến lễ tưởng niệm trực tuyến, với sự tham dự của nhiều vị lãnh đạo tôn giáo, trong đó có Đức Thượng phụ Chính thống Copt Tawadros và vị lãnh đạo Anh giáo, Đức Tổng giám mục Canterbury Justin Welby.

6 năm trước, vào 15/2/2015, một video về cuộc hành hình 21 tín hữu chính thống Copt, gồm 20 người Ai-cập và 1 người Ghana, đã được phổ biến trên mạng. Họ đã bị giết bởi những kẻ khủng bố của nhà nước Hồi giáo tự xưng trong khi tuyên xưng niềm tin của mình.

Đức Thánh Cha dâng lời cảm ơn Thiên Chúa đã ban những anh em dũng cảm này, và ngài cũng cảm ơn các giám mục, các linh mục của Giáo hội chị em Copt, những người đã nuôi nấng và dạy dỗ họ trưởng thành trong đức tin. Đặc biệt, Đức Thánh Cha cảm ơn những người mẹ của 21 vị tử đạo, những người mẹ đã “ươm mầm” đức tin cho họ. Những người mẹ này là mẹ của dân thánh của Thiên Chúa, những người đã thông truyền đức tin “bằng tiếng mẹ đẻ”, một thứ tiếng vượt lên trên mọi ngôn ngữ.

ĐTC PHANXICÔ GỬI SỨ ĐIỆP VIDEO ĐẾN ĐẠI HỘI GIÁO DỤC TÔN GIÁO TẠI LOS ANGELES

Mở đầu sứ điệp, Đức Thánh Cha nói rằng trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng mọi người trên thế giới đang trải qua, lời kêu gọi của Đại hội thật là thích hợp. Ngài nói: “Hãy công bố Lời hứa! Chúng ta cần công bố và nhớ rằng chúng ta có lời hứa của Thiên Chúa và Thiên Chúa luôn giữ lời hứa của mình (x. 1Cr 1, 9-11). Chúng ta cũng phải nhớ rằng ‘mọi người nam nữ và mọi thế hệ đều giữ trong mình một lời hứa có thể tạo nên các năng lượng về các mối quan hệ, trí tuệ, văn hóa và tinh thần mới.”

Trong sứ điệp video gửi các tham dự viên Đại hội Giáo dục tôn giáo được tổng giáo phận Los Angeles tài trợ, được tổ chức dưới hình thức trực tuyến từ ngày 18-21/2 với chủ đề “Hãy công bố Lời hứa!”, Đức Thánh Cha mời gọi dấn thân, cống hiến theo gương mẫu người Samari nhân hậu để trở thành lời loan báo của lời hứa và làm chứng cho lời hứa của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha đặc biệt chào các bạn trẻ và mời gọi họ hy vọng. Ngài cũng mời gọi tất cả mơ về một nhân loại độc nhất, “như những người lữ hành bằng xương bằng thịt, như những người con của cùng mảnh đất này, nơi đón tiếp tất cả chúng ta, mỗi người với sự phong phú của đức tin hay xác tín, mỗi người có tiếng nói riêng, nhưng tất cả là anh em!” (Fratelli tutti, số 8). Và ngài cầu chúc đây là động lực mà mọi người sẽ sống, sẽ chia sẻ và mang đến Đại hội Giáo lý.

ĐTC GỬI SỨ ĐIỆP CHO CÁC NHÀ TỔ CHỨC SÁNG KIẾN QUYÊN GÓP VẬT TƯ Y TẾ CHO PERU CHỐNG ĐẠI DỊCH

Hôm 19/2, Đức Thánh Cha đã gửi một sứ điệp cho các nhà tổ chức và cộng tác viên của sáng kiến “Respira Perú”, một sáng kiến của Hội đồng giám mục Peru, cùng với các cộng tác viên khác, nhắm tăng cường hỗ trợ và các nguồn lực để chống lại đại dịch Covid-19 đang diễn ra.

Trong thư được ký bởi Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, gửi cho Đức tổng giám mục Miguel Cabrejos của Trujillo, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Peru, Đức Thánh Cha trìu mến chào “các nhà tổ chức và cộng tác viên của sáng kiến liên đới Respira Perú. Sáng kiến này đang làm rất nhiều điều tốt để giúp đỡ những người bị Covid-19 và gia đình của họ.”

Đức Thánh Cha khuyến khích họ “chuyển trao sự dịu dàng của Thiên Chúa đến với mọi người thông qua sự quan tâm, xây dựng một xã hội nhân đạo và huynh đệ hơn, trong đó chúng ta đảm bảo rằng không để ai bị cô đơn, không ai cảm thấy bị loại trừ hoặc bị bỏ rơi.”

Kết thúc sứ điệp, Đức Thánh Cha xin cầu nguyện cho ngài và công việc phục vụ Dân Chúa của ngài. Đức Thánh Cha khẩn cầu sự chuyển cầu của Đức Mẹ, Sức khỏe của Người bệnh, trên gia đình và những người thân yêu của họ và ban phép lành cho họ.

ĐTC GỬI SỨ ĐIỆP NHÂN DỊP KHAI MẠC NĂM THÁNH GABRIELE DELL’ADDOLORATA

Nhân dịp Dòng Thương Khó khai mạc Năm thánh mừng 100 năm thánh Gabriele dell'Addolorata (Gabriele Đức Mẹ Sầu Bi), Đức Thánh Cha gửi sứ Điệp đến Dòng Thương Khó, ca ngợi mẫu gương của vị thánh trẻ và hy vọng các việc cử hành Năm thánh này sẽ làm sống lại tình cảm và lòng sùng kính của mọi người đối với Thánh Gabriele Đức Mẹ Sầu Bi.

Mở đầu sứ điệp, Đức Thánh Cha nhắc lại sự kiện cách đây 100 năm, Đức Giáo hoàng Biển Đức XV phong thánh cho Thánh Gabriele. Thánh nhân qua đời ngày 27/02/1862, khi mới được 24 tuổi. Sự kiện này nhấn mạnh rằng chứng tá Kitô của Thánh Gabriele là một mẫu gương đặc biệt cho toàn thể Giáo hội, cách riêng cho các thế hệ mới.

Đức Thánh Cha ca ngợi Thánh Gabriele Đức Mẹ Sầu Bi, là một thanh niên như mọi người trẻ cùng thời, tràn đầy sức sống và nhiệt huyết, nhưng ngài đã biết dùng năng lực này để thúc đẩy chính mình vượt lên trên thực tại trần thế và phù du, chỉ nương mình nơi Đức Kitô. Đây cũng là lời mời gọi của Thánh Gabriele dành cho giới trẻ ngày nay: nhận ra nơi mình khát vọng sống và sự mãn nguyện, điều không thể tách rời khỏi việc tìm kiếm Thiên Chúa, qua gặp gỡ Lời Chúa và phục vụ anh chị em, đặc biệt những người yếu đuối.

CÔNG BỐ CHỦ ĐỀ SỨ ĐIỆP NGÀY QUỐC TẾ DI CƯ VÀ TỊ NẠN LẦN THỨ 107

Nhân ngày quốc tế Di cư và Tị nạn lần thứ 107, sẽ được tổ chức vào Chủ nhật 26/9/2021, Đức Thánh Cha đã chọn chủ đề cho sứ điệp của ngài là: “Hướng đến một ‘chúng ta’ luôn mở rộng hơn”, được gợi hứng từ lời kêu gọi của ngài trong thông điệp Fratelli tutti rằng: “Cuối cùng không còn ‘những người kia’, mà chỉ có một ‘chúng ta’” (Fratelli tutti, 35).

Sứ điệp được chia thành sáu tiểu đề và sẽ đặc biệt chú ý đến việc chăm sóc toàn bộ gia đình nhân loại, qua một Giáo hội toàn diện và có khả năng tạo ra sự hiệp thông trong đa dạng. Việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta sẽ là một điểm nhấn mạnh đặc biệt, với việc chăm sóc gia đình chung của chúng ta, chăm sóc tính “chúng ta” để trở nên cởi mở và chào đón hơn bao giờ hết.

Để khuyến khích chuẩn bị tương xứng cho việc cử hành Ngày này, Phân Bộ Người di cư và tị nạn thuộc Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện sẽ tiến hành phổ biến hàng tháng các tài liệu về thông tin và suy tư của các nhà thần học và chuyên gia, khai triển theo chủ đề và tiểu đề đã được Đức Thánh Cha chọn.

SỨ ĐIỆP ĐTC GỬI NHÂN DÂN IRAQ TRƯỚC CHUYẾN VIẾNG THĂM NƯỚC NÀY

Anh chị em ở Iraq thân mến, assalam lakum! (bình an cho anh chị em!)

Cuối cùng, một vài ngày nữa tôi sẽ ở giữa anh chị em! Tôi rất mong muốn gặp anh chị em, nhìn thấy gương mặt của anh chị em, thăm miền đất của anh chị em, chiếc nôi cổ kính và đặc biệt của nền văn minh.

Một người hành hương

Tôi đến như một người hành hương, như một người hành hương thống hối để nài xin Chúa ban ơn tha thứ và hòa giải sau nhiều năm chiến tranh và khủng bố, để xin Thiên Chúa an ủi những trái tim và chữa lành các vết thương. Và tôi đến giữa anh chị em như người hành hương của hòa bình, để lặp lại: “Tất cả anh chị em đều là anh chị em với nhau” (Mt 23,8). Đúng thế, tôi đến như người hành hương của hòa bình tìm kiếm tình huynh đệ, được hướng dẫn bởi mong ước cùng nhau cầu nguyện và cùng bước đi với nhau, cả với các anh chị em của các truyền thống tôn giáo khác, trong dấu chỉ của người cha Áp-ra-ham, người quy tụ các tín đồ Hồi giáo, Do Thái và Ki-tô giáo trong một đại gia đình.

Gặp gỡ Giáo hội tử đạo

Anh chị em Ki-tô hữu quý mến, những người đã làm chứng cho niềm tin vào Chúa Giê-su giữa những thử thách vô cùng khó khăn, tôi mong được gặp anh chị em. Tôi rất vinh dự được gặp một Giáo hội tử đạo: cảm ơn chứng tá của anh chị em. Xin rất nhiều vị tử đạo mà anh chị em đã biết giúp chúng ta kiên trì trong sức mạnh khiêm tốn của tình yêu. Trong mắt anh chị em vẫn còn hình ảnh những ngôi nhà bị phá hủy và những ngôi nhà thờ hoang tàn, và trong trái tim anh chị em là những vết thương của cảm giác bị bỏ rơi và những ngôi nhà bị bỏ hoang.

Đừng đầu hàng! Hãy ngắm nhìn các vì sao, ở đó có lời hứa của chúng ta

Tôi muốn mang đến cho anh chị em sự âu yếm trìu mến của toàn thể Giáo hội, những người gần gũi với anh chị em và với vùng Trung Đông bị tra tấn và khuyến khích anh chị em tiến bước. Trước những đau khổ khủng khiếp mà anh chị em đã trải qua và khiến tôi vô cùng đau đớn, chúng ta đừng bỏ cuộc. Chúng ta đừng đầu hàng khi đối mặt với sự lan tràn của sự dữ: các nguồn khôn ngoan cổ xưa của vùng đất của anh chị em hướng chúng ta vượt qua điều này, làm như ông Áp-ra-ham, người mà dù bỏ lại mọi sự, không bao giờ mất hy vọng (xem Rm 4,18); và khi tin cậy vào Thiên Chúa, ông đã sinh ra một dòng dõi đông đúc như những vì sao trên trời. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nhìn vào những vì sao. Ở đó là lời hứa của chúng ta.

Củng cố tình huynh đệ để xây dựng tương lai hòa bình

 Anh chị em thân mến, tôi đã nghĩ rất nhiều về anh chị em trong những năm gần đây, nghĩ đến anh chị em, những người đã phải chịu nhiều đau khổ, nhưng anh chị em không nản lòng. Nghĩ đến anh chị em, các Ki-tô hữu, những người Hồi giáo, nghĩ đến anh chị em, các dân tộc, như dân tộc Yazida, những người Yazida đã chịu rất nhiều đau khổ: tất cả anh chị em, tất cả. Giờ đây tôi đến miền đất được chúc lành và mang thương tích của anh chị em như một người hành hương của hòa bình. Từ nơi anh chị em, tại Ni-ni-vê, lời tiên tri Giô-na đã vang lên, đã ngăn chặn được sự tàn phá và mang đến một niềm hy vọng mới, niềm hy vọng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy để cho mình được lây nhiễm bởi niềm hy vọng này, điều khuyến khích chúng ta xây dựng lại và bắt đầu lại. Và trong những thời điểm khó khăn của đại dịch, chúng ta hãy giúp nhau củng cố tình huynh đệ, để cùng nhau xây dựng một tương lai hòa bình. Cùng với nhau.

Tiếp bước hành trình của tổ phụ Áp-ra-ham, bước đi trên những con đường hòa bình

Anh chị em của mọi truyền thống tôn giáo. Tại đây, hàng thiên niên kỷ trước, ông Áp-ra-ham đã bắt đầu cuộc hành trình của mình. Hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục nó, với cùng một tinh thần, cùng nhau đi trên những con đường hòa bình! Vì thế, tôi cầu xin bình an và phúc lành của Đấng Tối Cao ban xuống trên tất cả anh chị em. Và tôi xin tất cả anh chị em hãy làm như ông Áp-ra-ham: bước đi trong hy vọng và không ngừng nhìn ngắm các vì sao. Và tôi xin mọi người đồng hành với tôi bằng lời cầu nguyện. Shukran! [Cảm ơn anh chị em!]