SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA

                                                      Chuyển tin: Lm. Don Giuseppe Nguyễn Xuân Quang SDB

                                                                      Università Pontificia Salesiana, Roma

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CÔNG BỐ SỨ ĐIỆP NGÀY HÒA BÌNH THẾ GIỚI LẦN THỨ 54

Sứ điệp được Đức Thánh Cha ký vào ngày 8/12, lễ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, có tựa đề: “Nền văn hóa chăm sóc, hành trình đến hòa bình”, trong đó Đức Thánh Cha nói rằng thực hành và giáo dục sự chăm sóc là con đường để “xóa bỏ văn hóa thờ ơ, vất bỏ và đối đầu, vốn thường phổ biến hiện nay”.

Đức Thánh Cha nhận định rằng văn hóa chăm sóc, như một “sự dấn thân chung, liên đới và có sự tham gia của mọi người để bảo vệ và thăng tiến phẩm giá và điều tốt đẹp của tất cả mọi người”, và “sẵn sàng quan tâm, chú ý, từ bi, hòa giải và chữa lành, tôn trọng và chấp nhận lẫn nhau, tạo thành một phương thức đặc biệt để xây dựng hòa bình”.

Nhìn lại năm 2020 với đại dịch làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng, Đức Thánh Cha nhớ đến những người mất người thân và mất công việc. Ngài nhớ đến các bác sĩ, y tá, tình nguyện viên, tuyên úy, vv., những người hy sinh ở bên cạnh các bệnh nhân, xoa dịu nỗi đau cho họ và cứu sự sống của họ.

Nghĩ đến người nghèo khổ và yếu đuối, Đức Thánh Cha kêu gọi cho họ cũng được có vắc-xin ngừa Covid và trợ giúp y tế. Bên cạnh các chứng tá của lòng bác ái và liên đới, Đức Thánh Cha than phiền về các hình thức khác nhau của chủ nghĩa dân tộc, phân biệt chủng tộc, bài ngoại và các cuộc chiến tranh và xung đột gieo chết chóc và tàn phá.

Đại dịch và các biến cố trong năm 2020, theo Đức Thánh Cha, “dạy chúng ta về tầm quan trọng của việc chăm sóc lẫn nhau và chăm sóc thụ tạo, để xây dựng một xã hội dựa trên các tương quan huynh đệ”. Đây là lý do ngài chọn chủ đề “Nền văn hóa chăm sóc như con đường của hòa bình”.

THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH 2020

Anh chị em thân mến,

Mừng Chúa Giáng Sinh!

Tôi muốn gởi đến anh chị em thông điệp mà Giáo Hội loan báo trong dịp lễ này qua lời của ngôn sứ Isaia: “Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta.” (Is 9, 5)

Một trẻ thơ đã chào đời: sự sinh hạ luôn là nguồn hy vọng, là sự sống tuôn tràn, là lời hứa cho tương lai. Trẻ thơ Giêsu đã “sinh ra cho chúng ta”, cho tất cả chúng ta, không phân biệt ranh giới, quyền lợi hay loại trừ. Trẻ thơ được Đức Trinh Nữ Maria hạ sinh ở Bêlem là cho tất cả mọi người, là “người con” mà Thiên Chúa ban tặng cho toàn thể gia đình nhân loại.

Nhờ Trẻ thơ này mà tất cả chúng ta có thể hướng lên Thiên Chúa và gọi Ngài bằng tiếng “Cha ơi”. Đức Giêsu là Trưởng Tử, không ai khác biết Chúa Cha trừ Người Con. Mà Người Con ấy đã đến thế gian chính là để mạc khải cho chúng ta dung mạo của Cha. Và như thế, nhờ Trẻ thơ này, tất cả chúng ta trở thành anh chị em, dù là ở châu lục nào, văn hoá và ngôn ngữ nào, dù khác biệt về căn tính, chúng ta đều là anh chị em của nhau.

Trong thời khắc lịch sử được đánh dấu bởi cuộc khủng hoảng sinh thái và bởi những mất cân bằng nghiêm trọng về kinh tế và xã hội, tình hình càng xấu thêm do dịch bệnh Covid-19, hơn bao giờ hết, chúng ta cần đến tình huynh đệ. Và Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta điều ấy bằng cách trao cho chúng ta Người Con của Ngài là Đức Giêsu. Không phải là tình huynh đệ thêu dệt bằng mỹ từ, bằng ý thức hệ trừu tượng hay những cảm xúc mông lung. Không phải thế, nhưng là một tình huynh đệ đặt nền trên tình yêu đích thực, có khả năng gặp gỡ người khác với tôi, đồng cảm với những đau khổ của họ, có thể đến và chăm sóc cho họ dù họ không thuộc gia đình của tôi, không thuộc dân tộc của tôi, không cùng tôn giáo với tôi. Họ khác tôi nhưng họ là anh chị em của tôi. Điều này cũng đúng với những mối tương quan giữa các dân tộc và quốc gia.

Vào Lễ Giáng Sinh chúng ta cử hành ánh sáng của Đức Kitô, Đấng đến thế gian và Ngài đến cho tất cả: không chỉ cho một số người. Hôm nay, trong thời kỳ tăm tối và không chắc chắn do đại dịch, một số tia sáng hy vọng xuất hiện, chẳng hạn như những khám phá về vắc-xin. Nhưng để những ngọn đèn này chiếu sáng và mang lại hy vọng cho toàn thế giới, chúng phải sẵn có cho tất cả mọi người. Chúng ta không thể để những chủ nghĩa quốc gia khép kín ngăn cản chúng ta sống như một gia đình nhân loại thực sự như chúng ta là. Chúng ta cũng không thể để virút của chủ nghĩa cá nhân cực đoan chiến thắng chúng ta và khiến chúng ta thờ ơ trước những đau khổ của anh chị em khác. Tôi không thể đặt mình trước người khác, đặt luật thị trường và bằng sáng chế lên trên luật tình yêu và sức khỏe của con người. Tôi kêu gọi tất cả mọi người: các nhà lãnh đạo đất nước, các công ty, các tổ chức quốc tế thúc đẩy hợp tác chứ không phải cạnh tranh và tìm kiếm giải pháp cho tất cả: vắc xin cho tất cả mọi người, đặc biệt cho những người dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất ở tất cả các khu vực trên hành tinh. Đặt những người dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất lên hàng đầu!

Trẻ thơ Bêlem giúp chúng ta trở nên ứng trực, quảng đại và liên đới, cách đặc biệt đối với những ai dễ tổn thương, những người ốm đau và với tất cả những ai trong lúc này đang chịu thất nghiệp hay lâm vào khốn khó do hậu quả kinh tế gây ra bởi nạn dịch, và cả với những phụ nữ trong giai đoạn giãn cách xã hội mà phải chịu bạo lực gia đình.

Trước thử thách dường như vô tận này, chúng ta không thể dựng nên những rào cản. Tất cả chúng ta cùng hội cùng thuyền. Mỗi tha nhân là anh chị em của tôi. Nơi mỗi người, tôi thấy phản chiếu dung mạo của Chúa và nơi những ai đau khổ, tôi thấy Chúa đang xin tôi giúp đỡ. Họ là những người đau yếu, nghèo đói, thất nghiệp, bị loại trừ, phải di cư và lánh nạn: tất cả là anh chị em.

Trong ngày Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, chúng ta cùng hướng đến rất nhiều trẻ em trên toàn thế giới, nhất là ở Syria, Irắc và Yemen, đang còn phải trả giá rất đắt vì chiến tranh. Ước mong rằng khuôn mặt của chúng lay động lương tâm của những ai thiện tâm để họ biết đối diện với những xung đột và can đảm tiến tới việc xây dựng hoà bình trong tương lai. Ước gì đây là thời điểm thích hợp để giảm nhiệt những căng thẳng ở Trung Đông và phía đông Địa Trung Hải.

Ước gì Trẻ thơ Giêsu chữa lành những vết thương của dân tộc Syria, những người đã kiệt sức vì chiến cuộc và những hậu quả của nó kéo dài hàng chục năm qua, giờ lại càng khốn khó vì dịch bệnh. Ước gì Trẻ thơ Giêsu an ủi dân tộc Irắc và những ai đang dấn thân vì công cuộc hoà giải, đặc biệt những tín đồ Yazidi, những người bị thiệt hại nặng nề vì cuộc chiến. Ước gì Trẻ thơ Giêsu đem hoà bình đến cho đất nước Libia và giúp cho việc thương lượng đang tiếp diễn đạt kết quả để kết thúc mọi thù hận trên đất nước này.

Ước gì Trẻ thơ Bêlem ban tặng tình huynh đệ cho đất nước nơi Ngài sinh ra. Ước mong người dân Ítraen và Paléttin tái lập được sự tin tưởng lẫn nhau để tiến tới hoà bình đúng nghĩa và bền vững ngang qua đối thoại trực tiếp để vượt qua bạo lực và hiềm khích hầu làm chứng cho thế giới về vẻ đẹp của tình hữu nghị huynh đệ.

Ước mong ánh sao sáng đêm Giáng sinh dẫn đường và khuyến khích người dân Libăng để họ, dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, cùng với sự trợ giúp của Cộng đồng quốc tế, không đánh mất niềm hy vọng. Ước mong Hoàng Tử Hoà Bình soi sáng cho các vị lãnh đạo đất nước này biết để sang một bên những tư lợi hầu dấn thân với sự nghiêm túc, nhiệt tâm và trong suốt để đất nước Libăng có thể phục hồi và đạt tới tự do và chung sống hoà bình.

Cầu mong Người Con của Đấng Tối Cao trợ giúp nỗ lực của cộng đồng quốc tế và những quốc gia liên quan trong việc dập tắt lửa chiến ở Nagorno-Karabakh, cũng như ở vùng đông Ucraina, để họ ủng hộ con đường đối thoại như là cách duy nhất để tiến tới hoà bình và hoà giải.

Ước mong Trẻ thơ Thánh xoa dịu những đau khổ của các dân tộc ở Burkina Faso, Mali và Niger, những nạn nhân của cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ, nơi hứng chịu không chỉ những xung đột khủng khiếp, mà còn dịch bệnh và những thiên tai khác. Xin Trẻ thơ Giêsu dập tắt bạo lực ở Etiopia, nơi mà nhiều ngươi phải trốn chạy vì xung đột; đem lại an ủi cho người dân ở Cabo Delgado, phía bắc Mozambic, những nạn nhân của nạn khủng bố quốc tế; soi sáng cho các nhà chức trách ở Nam Sudan, Nigeria và Camerun biết lựa chọn con đường hữu nghị và đối thoại.

Ước gì Ngôi Lời vĩnh cửu của Cha là nguồn hy vọng cho Châu Mỹ, nơi đang bị thiệt hại nặng nề do Covid-19, nơi những khó khăn đang chồng chất, nhiều khi do hậu quả của tham nhũng và buôn bán ma tuý. Xin Chúa giúp đất nước Chilê vượt qua những căng thẳng xã hội gần đây và chấm dứt đau khổ cho người dân ở Venezuela.

Xin Vua các tầng trời bảo vệ các dân tộc đang hứng chịu thiên tai ở Đông Nam Á, cách đặc biệt ở Philippin và Việt Nam, nơi rất nhiều trận bão đã gây lụt lội, tàn phá nhà cửa, gây chết người và tàn phá môi trường cũng như những hệ quả xấu về kinh tế. Nghĩ về Châu Á, tôi không thể không nhớ đến người dân Rohingya. Ước mong Đức Giêsu, Đấng đã sinh ra trong khó nghèo giữa những người nghèo, đem lại niềm hy vọng cho họ giữa cảnh khốn khó.

Anh chị em thân mến,

“Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta” (Is 9, 5). Người đã đến để cứu chúng ta! Đấng đã loan báo cho chúng ta rằng đau khổ và sự dữ không phải là tiếng nói cuối cùng. Đầu hàng bạo lực và bất công đồng nghĩa với việc từ chối niềm vui và hy vọng của Giáng Sinh.

Trong dịp lễ này, tôi hướng đến những ai không đầu hàng nghịch cảnh, nhưng nỗ lực đem lại hy vọng, niềm an ủi và trợ giúp cho những ai đang đau khổ và đơn chiếc.

Chúa Giêsu được sinh ra nơi máng cỏ nhưng được bao bọc bởi tình yêu của Trinh Nữ Maria và của Thánh Giuse. Sinh ra trong phận người, Con Thiên Chúa đã thánh hoá tình yêu gia đình. Tôi hướng đến các gia đình, những người mà hôm nay không thể đoàn tụ, cũng như những ai hiện tại đang phải ở nhà. Tôi cầu chúc cho tất cả mọi người Mùa Giáng Sinh trở thành cơ hội để tái khám phá gia đình như là cái nôi của sự sống và đức tin, nơi của đón nhận và tình yêu, của đối thoại và tha thứ, của liên đới huynh đệ và niềm vui sẻ chia, là nguồn bình an cho toàn thể nhân loại.

Mừng Chúa Giáng Sinh tất cả!

ĐỨC THÁNH CHA CÔNG BỐ MỘT NĂM ĐẶC BIỆT DÀNH RIÊNG CHO GIA ĐÌNH AMORIS LAETITIA- NIỀM VUI CỦA TÌNH YÊU, SẼ ĐƯỢC KHAI MẠC VÀO LỄ TRỌNG KÍNH THÁNH GIUSE 19/03/2021 TỚI ĐÂY.

Con Thiên Chúa cần sự ấm cúng của gia đình

Đức Thánh Cha mở đầu bài huấn dụ như sau: “Anh chị em thân mến, vài ngày sau lễ Giáng Sinh, phụng vụ mời gọi chúng ta hướng nhìn về Thánh Gia của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse. Thật là tuyệt vời khi suy niệm về một thực tế rằng, giống như mọi trẻ em, Con Thiên Chúa cũng cần sự ấm cúng của một gia đình. Chính vì điều này, gia đình Nazareth là mẫu gương cho tất cả các gia đình trên thế giới. Ở nơi Gia đình này, các gia đình có thể tìm được điểm quy chiếu và sự cảm hứng chắc chắn cho gia đình mình. Tại Nazareth, mùa xuân phận người của Con Thiên Chúa được nảy mầm, khi Người được thụ thai trong cung lòng Trinh nữ Maria nhờ quyền năng Thánh Thần. Giữa những bức tường của Ngôi nhà Nazareth, tuổi thơ của Chúa Giêsu được diễn ra trong niềm vui. Bao quanh Chúa là sự chăm sóc ân cần của Mẹ Maria và Thánh Giuse. Nhờ đó, Chúa có thể nhìn thấy sự dịu dàng của Thiên Chúa”.

Tái khám phá giá trị giáo dục trong gia đình

Đức Thánh Cha mời gọi: “Noi gương Thánh Gia, chúng ta được mời gọi tái khám phá giá trị giáo dục của hạt nhân gia đình. Giá trị này phải được thiết lập trên tình yêu, luôn tái tạo các tương quan mở ra những chân trời hy vọng”.

Theo Đức Thánh Cha, trong gia đình, chúng ta có thể cảm nghiệm được sự hiệp thông chân thành khi gia đình là một nhà của cầu nguyện, khi tình cảm của mọi người là những tình cảm sâu sắc và trong sáng, khi sự tha thứ vượt thắng sự bất hòa, khi sự gay gắt hàng ngày của cuộc sống được xoa dịu bởi sự dịu dàng hỗ tương và sự thanh thản đón nhận ý Chúa. Bằng cách này, gia đình được mở ra cho niềm vui mà Thiên Chúa ban cho tất cả những ai biết trao ban niềm vui. Đồng thời, gia đình tìm được năng lượng tinh thần để mở lòng ra với người khác, phục vụ anh chị em, cộng tác trong việc xây dựng một thế giới ngày càng mới và tốt đẹp hơn; như thế có khả năng trở thành người mang lại những điều tích cực; gia đình loan báo Tin Mừng bằng đời sống chứng tá.

Trong gia đình cần phải biết nói lời: xin phép, cám ơn, xin lỗi

Đức Thánh Cha nói ngài hiểu mỗi gia đình đều có những vấn đề, và đôi khi có cãi nhau. Nhưng khi điều này xảy ra thì đừng kết thúc một ngày sống khi chưa làm hòa với nhau. Bởi vì chiến tranh lạnh rất nguy hiểm, nó chẳng giúp ích gì.

Đức Thánh Cha khuyên trong gia đình phải luôn nói những lời: xin phép, cám ơn, xin lỗi. Nói “xin phép” để không xen vào cuộc sống của người khác. Nói “cám ơn” bởi vì trong gia đình chúng ta giúp đỡ, phục vụ nhau rất nhiều. Lòng biết ơn là máu thịt của tâm hồn cao thượng. Nói “xin lỗi” là điều rất khó, bởi vì chúng ta thường làm những điều xấu và nhiều lần ai đó cảm thấy bị xúc phạm vì điều này. Đức Thánh Cha khẳng định: “Nếu trong một gia đình, trong môi trường gia đình có những lời này thì gia đình đó tốt”.

Năm đặc biệt dành riêng cho Gia đình Amoris laetitia – Niềm vui của tình yêu

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Mẫu gương loan báo Tin Mừng với gia đình mà ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta, một lần nữa đề xuất chúng ta lý tưởng về tình yêu vợ chồng và gia đình, như đã được nhấn mạnh trong Tông huấn Amoris laetitia – Niềm vui của tình yêu, sẽ được kỷ niệm 5 năm ban hành vào ngày 19/03/2021 tới đây. Và sẽ có một năm suy tư về Amoris laetitia và sẽ là một cơ hội để đào sâu nội dung của văn kiện. Những suy tư này sẽ được cung cấp cho các cộng đoàn Giáo hội và các gia đình, để đồng hành với họ trên hành trình của họ”.

Tới đây, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người tham gia các sáng kiến sẽ được khuyến khích trong Năm đặc biệt này và sẽ được Bộ Giáo dân Gia đình và Sự sống điều phối. Ngài cũng mời gọi mọi người phó thác cuộc hành trình này với các gia đình khắp nơi trên thế giới cho Thánh Gia Nazareth, đặc biệt Thánh Giuse.

ĐỨC THÁNH CHA CÔNG BỐ NĂM THÁNH KÍNH THÁNH GIACÔBÊ

Trong sứ điệp nhân dịp khai mạc năm thánh kính thánh Giacôbê tại Compostela, Tây Ban Nha, vào ngày 31/12 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu hành hương thực hiện cuộc hành trình hoán cải và liên đới cùng với những người bạn đồng hành.

Năm Thánh kính thánh Giacôbê, hay Năm Thánh Compostela, là năm có ngày lễ kính thánh Giacôbê, 25/7, rơi vào Chúa Nhật, đã được cử hành lần đầu tiên vào năm 1122, và từ đó diễn ra đều đặn sau 6 năm, sau 5 năm, rồi sau 6 năm và sau 11 năm. Như vậy mỗi thế kỷ có khoảng 14 Năm Thánh kính thánh Giacôbê. Được xem là Năm Thánh vì Cửa Năm Thánh của nhà thờ chính tòa Santiago di Compostela, nơi lưu giữ thánh tích của thánh nhân, được mở trong năm này.