SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA

                                                   Chuyển tin: Lm. Don Giuseppe Nguyễn Xuân Quang SDB

                                                                      Università Pontificia Salesiana, Roma

ĐỨC THÁNH CHA GỬI SỨ ĐIỆP VIDEO CHO CÁC THAM DỰ VIÊN THAM DỰ CUỘC GẶP GỠ “NỀN KINH TẾ PHANXICÔ”

Sự kiện quốc tế “Nền Kinh tế Phanxicô” kéo dài 3 ngày từ 19 đến 21/11, tại Assisi, Ý với sự tham dự trực tuyến của hơn 2.000 doanh nhân và sinh viên dưới 35 tuổi từ các châu lục. Nhân dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi sứ điệp video đến các tham dự viên.

Mở đầu sứ điệp, Đức Thánh Cha cám ơn sự tham gia, cùng nhau làm việc trong thời gian vừa qua của các chuyên gia và doanh nhân. Mặc dù chương trình phải thay đổi nhưng mọi người không hề nản chí, trái lại, tiếp tục suy tư một cách nghiêm túc và có trách nhiệm, hướng  tới một sự thay đổi.

Đức Thánh Cha nói: “Ý tưởng ban đầu là gặp gỡ ở Assisi, để những bước chân của Thánh Phanxicô truyền cảm hứng cho chúng ta. Nơi Thánh Giá của Thánh Damiano và nơi những khuôn mặt khác, như khuôn mặt của người phong cùi, Thiên Chúa đã đến gặp thánh Phanxicô, gọi ngài và giao cho ngài một sứ vụ; Thiên Chúa tháo cởi những thần tượng đã làm thánh nhân bị cô lập, cởi bỏ những bối rối đã làm ngài bị tê liệt và đóng kín trong thói quen yếu đuối khi nghĩ rằng “đây là cách những sự việc thường được làm” (đây là một sự yếu đuối!)… Chúa đã ban tặng cho ngài khả năng cất lên bài ca ngợi khen, biểu hiện của niềm vui, tự do và trao ban chính mình. Vì vậy, đối với cha, cuộc gặp gỡ trực tuyến này ở Assisi không phải là điểm đến nhưng là một lực đẩy đầu tiên của một quá trình mà chúng ta được mời gọi để sống như một ơn gọi, một nền văn hóa và như một hiệp ước”.

ĐỨC THÁNH CHA GỬI SỨ ĐIỆP CÁM ƠN CARITAS  SLOVENIA

Đức Thánh Cha đã gửi sứ điệp này vào hôm thứ Tư 26/11. Cùng với lời chúc mừng và cám ơn, Đức Thánh Cha đánh giá cao các hoạt động bác ái của buổi hòa nhạc Caritas Slovenia “Klic dobrote” 30 năm kể từ khi thành lập.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha bày tỏ mong muốn rằng, năm nay “Klic dobrote” tiến thêm một bước nữa, vì sự hiệp nhất của Giáo hội và người dân Slovenia. “Anh chị em thân mến, ở đâu không có sự hiệp nhất, ở đó không có Thánh Thần của Thiên Chúa. Chúa luôn tìm kiếm sự hiệp nhất, không có nghĩa là sự đồng nhất”, Đức Thánh Cha viết: Đề cao những phẩm chất, đặc sủng và tính cách đa dạng là một phần của xã hội, Đức Thánh Cha kêu gọi tôn trọng “luôn luôn hiệp nhất với Thánh Thần của sự hiệp nhất”. Ngài viết: “Chúng ta không được tham gia vào việc chia bè kết phái, người này chống lại người kia. Chúng ta không được là người của Đảng phái”.

ĐỨC THÁNH CHA VIẾT CHO CÁC GIÁM MỤC UCRAINA: “THẾ GIỚI TÌM KIẾM SỰ GẦN GŨI CỦA THIÊN CHÚA”

Qua Tòa sứ thần Tòa Thánh, vào ngày 20/11 Đức Thánh Cha gửi sứ điệp cho các Giám mục, và sứ điệp được công bố ngày 27/11 bằng một thông cáo từ Giáo hội Công giáo nghi lễ Đông phương. Cuộc tĩnh tâm dành cho tất cả các Giám mục của Ucraina, bao gồm Giáo hội Công giáo Latinh và Giáo hội Công giáo nghi lễ Đông phương, và đây được coi là thời gian cụ thể của sự hiệp nhất quốc gia.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha muốn bày tỏ sự gần gũi đặc biệt với các Giám mục Ucraina “trong bối cảnh có nhiều khó khăn mà đất nước thân yêu của anh em đang phải trải qua” và nhắc nhở các Giám mục rằng “sự gần gũi với Thiên Chúa phải có trước và là động lực cho mọi hành động của anh em. Từ sự gần gũi với Thiên Chúa cũng nảy sinh sự gần gũi với dân chúng đã được giao phó cho anh em coi sóc”. Đức Thánh Cha viết: “Chúa Giêsu thích đến gần anh chị em của Ngài qua chúng ta, qua bàn tay, lời nói và trái tim của chúng ta”. Vì điều này, “ngay cả trong hoàn cảnh nghèo khó của chúng ta, chúng ta phải đảm bảo rằng không ai cảm thấy Thiên Chúa xa vời, không ai lấy Thiên Chúa làm cớ để xây tường, phá cầu và gieo hận thù”.

Cuối sứ điệp, Đức Thánh Cha viết: “Nhiệm vụ của chúng ta bao gồm trong việc loan báo bằng cuộc sống với một tình yêu không giới hạn, không nhìn vào lợi ích của chính mình, nhưng vào chân trời vô biên của lòng thương xót của Thiên Chúa”.

SỨ ĐIỆP CỦA MÙA VỌNG: LẠY CHÚA, XIN NGỰ ĐẾN

Theo Đức Thánh Cha đây cũng là sứ điệp đầu tiên của Mùa Vọng và của Năm Phụng vụ, nhận ra Chúa ở gần và thưa với Người: “Xin hãy đến gần”. Chúa muốn đến gần chúng ta, Người không bị ai áp đặt điều này; nếu chúng ta không mệt mỏi thưa với Chúa: "Xin hãy đến”. Mùa vọng nhắc nhở chúng ta Chúa Giêsu đã đến giữa chúng ta và sẽ trở lại vào cuối thời gian. Nhưng, chúng ta hãy tự hỏi, những lần đến này có ích gì nếu nó không đi vào cuộc sống của chúng? Hãy mời Chúa đến. Lời cầu khẩn của chúng ta trong Mùa Vọng là: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22:20). Chúng ta có thể lặp lại lời cầu khẩn này khi bắt đầu một ngày mới và lặp lại thường xuyên, trước các cuộc gặp gỡ, học tập, làm việc và các quyết định cần thực hiện, trong những thời điểm quan trọng và trong những thử thách: Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến.

Cần phải tỉnh thức, vì một sai lầm trong cuộc sống là mất đi ngàn thứ khác

Từ sự gần gũi của Thiên Chúa đối với dân Người, Đức Thánh Cha nói đến sự tỉnh thức của con người: Khi cầu khẩn sự gần gũi của Chúa, chúng ta sẽ rèn luyện được sự tỉnh thức. Tin Mừng của thánh Marcô hôm nay cho chúng ta thấy phần cuối của bài diễn từ của Chúa Giêsu, được cô đọng trong những từ: "Anh em hãy tỉnh thức!" Chúa lặp lại điều đó bốn lần trong năm câu (Mc 13: 33-35.37). Điều quan trọng là phải luôn tỉnh thức, vì một sai lầm trong cuộc sống là mất đi ngàn thứ khác và không nhận ra Chúa. Thánh Augustinô nói: “Tôi sợ Chúa đi qua và tôi không nhận ra Người”. Chúng ta bị lôi cuốn vào những điều chúng ta quan tâm, bị phân tâm vào quá nhiều điều phù vân, chúng ta có nguy cơ đánh mất điều thiết yếu. Vì thế, hôm nay Chúa nhắc lại cho tất cả chúng ta “Hãy tỉnh thức”.

Chúng ta luôn được Thiên Chúa Tình Yêu chờ đợi

Nhưng, nếu chúng ta phải tỉnh thức, có nghĩa là chúng ta đang ở trong đêm. Vâng, bây giờ chúng ta không sống ban ngày, nhưng ở giữa bóng tối và mệt mỏi, chờ đợi ngày đến. Ngày sẽ đến khi chúng ta ở với Chúa. Chúa sẽ đến, chúng ta đừng nản lòng: đêm sẽ qua, Chúa sẽ sống lại, Đấng đã chết trên Thánh giá vì chúng ta, sẽ phán xét chúng ta. Tỉnh thức là để chờ đợi điều này, không để sự chán nản xâm chiếm, nhưng là sống trong hy vọng. Như trước khi sinh ra, chúng ta đã được những người yêu thương chúng ta chờ đợi, thì bây giờ chúng ta được chính Tình Yêu nhập thể chờ đợi. Và nếu chúng ta đang được chờ đợi ở trên Thiên đàng, tại sao chúng ta lại phải sống theo những đòi hỏi của thế gian? Tại sao phải mệt mỏi vì một chút tiền bạc, danh vọng, thành công, tất cả những điều này trôi qua? Tại sao phải lãng phí thời gian để phàn nàn về bóng đêm, trong khi ánh sáng ban ngày đang chờ chúng ta? Tại sao phải tìm kiếm “những người đỡ đầu” để được thăng quan tiến chức? Tất cả sẽ trôi qua. Hãy tỉnh thức.

Phải tỉnh thức trong mọi lúc

Tỉnh thức rất khó: giấc ngủ đến tự nhiên vào ban đêm. Các môn đệ Chúa Giêsu đã không làm được điều này, không thể thức “vào lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng” (câu 35). Chính vào những giờ đó các môn đệ không tỉnh thức: vào lúc chập tối, trong Bữa Tiệc Ly, các ông phản bội Chúa Giêsu; vào nửa đêm các ông ngủ; khi gà gáy, các ông chối bỏ Người; vào lúc tảng sáng, các ông để Chúa bị kết án tử.

Nhưng chúng ta cũng có thể ở trong tình trạng như vậy. Có một cơn buồn ngủ nguy hiểm: cơn buồn ngủ của sự tầm thường. Nó đến khi chúng ta quên đi tình yêu ban đầu và chỉ chú ý đến cuộc sống bình lặng. Nhưng nếu không nhiệt tình đối với tình yêu Chúa, không chờ đợi sự mới mẻ của Người, chúng ta trở nên tầm thường, hờ hững, theo thế gian. Và điều này ăn mòn đức tin, bởi vì đức tin trái ngược với sự tầm thường: đó là ước muốn nhiệt thành của Thiên Chúa, là sự can đảm hoán cải liên tục, can đảm yêu thương, luôn tiến về phía trước. Đức tin không phải là nước dập tắt, nó là lửa bùng cháy; nó không phải là liều thuốc an thần cho những ai đang căng thẳng, nó là một câu chuyện tình yêu cho những ai đang yêu! Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu ghét sự hâm hẩm, chẳng nóng chẳng lạnh, hơn bất cứ điều gì (Kh 3,16).

Để tỉnh thức phải cầu nguyện

Vậy làm thế nào chúng ta có thể thức dậy khỏi giấc ngủ của sự tầm thường? Với sự tỉnh thức cầu nguyện. Cầu nguyện là thắp lên một ngọn đèn trong đêm. Cầu nguyện đánh thức chúng ta khỏi sự tầm thường, hướng cái nhìn của chúng ta lên tới Chúa. Cầu nguyện làm cho Chúa ở gần chúng ta; do đó  giải thoát chúng ta khỏi sự cô đơn và mang lại hy vọng. Cầu nguyện cung cấp dưỡng khí cho cuộc sống: cũng như chúng ta không thể sống mà không thở, vậy chúng ta không thể là Kitô hữu nếu không cầu nguyện. Và cần nhiều Kitô hữu đánh thức những người đang mê ngủ, cần nhiều Kitô hữu thờ phượng, cầu thay, những người đang ngày đêm mang bóng tối của lịch sử đến trước Chúa Giêsu, ánh sáng của lịch sử.

Có sự ngủ mê bên trong: giấc ngủ của sự thờ ơ. Những người sống dửng dưng thấy mọi thứ như nhau, như đêm tối, và không quan tâm ai đang ở gần họ. Khi chúng ta chỉ chú ý đến chính mình và những nhu cầu của mình, thờ ơ với những nhu cầu của người khác, thì bóng tối ở trong tâm hồn chúng ta. Chẳng bao lâu chúng ta bắt đầu than phiền về mọi thứ, sau đó chúng ta cảm thấy mình là nạn nhân của mọi người và rồi có những mưu tính về mọi thứ. Ngày nay, đêm tối này dường như đã rơi vào nhiều người, những người chỉ đòi hỏi cho mình và không quan tâm đến người khác.

Bác ái đánh thức giấc ngủ thờ ơ

Làm thế nào chúng ta có thể thức dậy từ giấc ngủ thờ ơ này? Với sự tỉnh thức bác ái. Bác ái là con tim của Kitô hữu: chúng ta không thể sống nếu không có nhịp đập của trái tim, cũng vậy chúng ta không thể là Kitô hữu nếu không có lòng bác ái. Khi mọi thứ sẽ qua đi và chỉ còn lại tình yêu. Chính bằng những hành động của lòng thương xót mà chúng ta đến gần Chúa.

Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng: “Cầu nguyện và yêu thương, đó là tỉnh thức. Khi Giáo hội thờ lạy Chúa và phục vụ anh chị em, Giáo hội không sống trong đêm tối. Ngay cả khi Giáo hội mệt mỏi và gặp thử thách, tiến bước về phía Chúa. Chúng ta hãy khẩn xin Chúa: Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến, chúng con cần Chúa. Xin hãy đến gần chúng con. Chúa là ánh sáng: xin hãy đánh thức chúng con từ sự mê ngủ của sự tầm thường, từ bóng tối của sự thờ ơ. Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến, xin làm cho tâm hồn u tối của chúng con được bừng tỉnh: xin làm cho chúng con cảm thấy ước muốn cầu nguyện và nhu cầu yêu thương”.