THEO CHÂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Thông tin từ Lm. Giuse Nguyễn Xuân Quang SDB – Università Pontificia Salesiana – Roma

CÁC BUỔI TIẾP KIẾN THỨ TƯ HÀNG TUẦN CỦA ĐỨC THÁNH CHA

– Tiếp tục loạt bài giáo lý về cầu nguyện, trong buổi tiếp kiến chung trực tuyến sáng thứ Tư 18/11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về Mẹ Maria, người nữ cầu nguyện và gương mẫu cho đời sống cầu nguyện của chúng ta. Mẹ luôn cầu nguyện cách khiêm nhường và mở lòng mình ra với những điều Chúa hướng dẫn Mẹ. Những lời đơn giản của Mẹ “Xin hãy thực hiện nơi con” là gương mẫu của mọi lời cầu nguyện, chứa đựng sự tin tưởng, mở lòng mình với thánh ý Chúa. Mẹ ở gần bên Chúa Giêsu Con Mẹ trong những giờ phút quan trọng trong cuộc đời của Người. Trong niềm vui phục sinh, Mẹ cùng cầu nguyện với Giáo hội mới khai sinh. Qua việc mở rộng tâm hồn cho quyền năng của Chúa Thánh Thần, Mẹ Thiên Chúa đã trở thành Mẹ của Giáo hội.

– Trong buổi tiếp kiến chung trực tuyến sáng thứ Tư 25/11/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý về cầu nguyện bằng việc suy tư về sức mạnh của việc chuyên cần cầu nguyện của các Kitô hữu tiên khởi, sức mạnh hướng dẫn hoạt động truyền giáo của họ. Đức Thánh Cha cảnh báo: Không có Giáo hội nếu thiếu sự lắng nghe Lời Chúa, sự hiệp thông huynh đệ, Thánh Thể và lời cầu nguyện. Chính Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên Giáo hội, chứ không phải sự ồn ào của công việc. Giáo hội không phải là cái chợ hay một đảng phái chính trị; chính Chúa Thánh Thần tạo nên Giáo hội.

– Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung trực tuyến sáng thứ Tư 2/12 Đức Thánh Cha Phanxicô suy tư về việc ngợi khen chúc tụng Chúa như một chiều kích quan trọng của việc cầu nguyện. Động từ benedire trong tiếng Ý – “chúc tụng, chúc lành” – có nghĩa là nói một điều tốt, mong muốn điều tốt cho một người. Khi tạo dựng và nâng đỡ thế giới, Thiên Chúa đã nói một lời tốt lành; Người “chúc lành” cho công trình sáng tạo và thấy rằng nó tốt đẹp. Thiên Chúa không rút lại lời chúc lành ngay cả khi con người sa ngã trong tội lỗi, quay lưng lại với Người; trái lại, Người vẫn  tiếp tục mong muốn điều tốt lành cho chúng ta. Trong lịch sử cứu độ, phúc lành lớn nhất của Thiên Chúa chính là Chúa Giêsu Kitô. Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy chúc tụng Thiên Chúa, Đấng đã chúc phúc cho chúng ta trong Chúa Kitô, và làm cho chúng ta trở thành những người con yêu dấu của Người (x. Ep 1, 3-6). Để đáp lại các chúc lành của Thiên Chúa, đến lượt chúng ta chúc tụng Người, nguồn cội của mọi điều tốt lành, bằng những lời cầu nguyện ngợi khen, tôn thờ và cảm tạ của chúng ta. Như Sách Giáo lý dạy: “Lời cầu nguyện chúc tụng là sự đáp trả của con người đối với các ân ban của Thiên Chúa” (số 2626).

– Dù trời mưa và gió lạnh và trong bối cảnh đại dịch virus corona, trưa ngày 8/12, lễ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, đã có vài trăm tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phê-rô cùng đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha. Trong bài huấn dụ ngắn trước Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha suy tư về Mẹ Maria, người môn đệ và mẹ của Chúa Giêsu, người trong suốt cuộc đời trần thế không vướng mắc bất kỳ vết nhơ tội lỗi nào, là người đầy ơn phúc. Mẹ mang lại cho chúng ta một cảm nhận trước về hạnh phúc của sự sống vĩnh cửu. Đức Thánh Cha nói rằng Chúa biết rõ lòng chúng ta hơn chính chúng ta. Chúng ta có thể lừa dối con người chứ không thể lừa dối Chúa. Ngài mời gọi các tín hữu tận dụng hiện tại, nói không với điều xấu và thưa“vâng’ với Thiên Chúa. Hãy mở lòng ra với ân sủng của Chúa, xin ơn tha thứ trong bí tích giải tội và đền bù những điều xấu đã gây nên cho người khác.

– Trong buổi tiếp kiến chung trực tuyến sáng thứ Tư 09/12, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về đề tài cầu nguyện; ngài suy tư về lời cầu xin. Chúa Giê-su đã dạy chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha với nhận thức rằng chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Người và hoàn toàn tín thác vào sự quan phòng của Người, ngay cả trong những giờ phút đen tối nhất của cuộc sống. Buổi tiếp kiến chung được bắt đầu với đoạn Thánh vịnh trích từ Thánh vịnh 28: “Lạy CHÚA là núi đá cho con trú ẩn, con kêu lên Ngài, xin đừng nỡ giả điếc làm ngơ. Vì nếu Ngài cứ im hơi lặng tiếng, thì con sẽ giống như kẻ đã xuống mồ. Khi con hướng về nơi cực thánh giơ đôi tay cầu cứu van nài, xin Ngài nghe tiếng con khẩn nguyện” (28, 1-2).