Thông tin từ Lm. Giuse Nguyễn Xuân Quang SDB
– Università Pontificia Salesiana – Roma
KHÓA HỌP 34 CỦA HỘI ĐỒNG HỒNG Y CỐ VẤN VÀ VIỆC BỔ NHIỆM THÀNH VIÊN MỚI
Thông cáo của Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha đã tham dự cuộc họp trực tuyến từ văn phòng của ngài ở nhà trọ thánh Marta để thảo luận một vài khía cạnh của văn bản của Tông hiến mới. Sau khi được phê chuẩn, Tông hiến mới sẽ thay thế Tông hiến Pastor Bonus – Mục tử nhân lành, được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành.
Thông cáo báo chí của Tòa Thánh cũng giải thích rằng “trong những tháng mùa hè, Hội đồng cố vấn có cơ hội làm việc qua internet về văn bản của Tông hiến mới. Bản văn cập nhật của Tông hiến đã được đệ trình Đức Thánh Cha. Theo thường lệ, các cơ quan Tòa Thánh có thẩm quyền hiện đang tiến hành việc đọc bản thảo.”
Chương trình sắp tới
Đặc biệt, thông cáo lưu ý rằng cuộc họp thứ 34 này của Hội đồng Hồng y cố vấn nhắm “tổng kết những công việc đã được làm và nghiên cứu cách hỗ trợ việc thực thi Tông hiến mới, sau khi nó đã được ban hành”.
Thông cáo cũng cho biết trong cuộc họp, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh thực tế là “công cuộc cải cách đã được tiến hành, ngay cả dưới một số khía cạnh hành chính và kinh tế.”
Tham dự cuộc họp vừa qua có các Hồng y Óscar A. Rodríguez Maradiaga, Reinhard Marx, Sean Patrick O'Malley, Oswald Gracias, cũng như Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietro Parolin, Đức Hồng y Chủ tịch Phủ Thống đốc thành Vatican Giuseppe Bertello, Đức cha Tổng Thư ký Hội đồng Hồng y cố vấn Marcello Semeraro và Đức cha đồng Tổng Thư ký Marco Mellino.
Cuối cùng, thông cáo báo chí của Tòa Thánh cho biết khóa họp tới “được ấn định vào tháng 12 và sẽ diễn ra qua internet, vì tình trạng khẩn cấp về sức khỏe, và theo kế hoạch đã được thiết lập.”
Bổ nhiệm mới
Ngày 15/10 thông cáo báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha đặt Đức Hồng y Maradiaga làm Điều phối viên của Hội đồng Hồng y để giúp Đức Thánh Cha trong việc điều hành Giáo hội hoàn vũ và nghiên cứu một dự án sửa đổi Tông hiến về Giáo triều Rôma. Đức Thánh Cha cũng bổ nhiệm Đức Hồng y Fridolin Ambongo Besungu, tổng giám mục Kinshasa, Cộng hòa Dân chủ Congo làm thành viên Hội đồng Hồng y. Bên cạnh đó, ngài cũng bổ nhiệm Đức cha Marco Mellino làm Tổng Thư ký Hội đồng, thay thế Đức cha Marcello Semeraro được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Phong thánh.
CÁC BUỔI TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐTC VÀO THỨ TƯ HÀNG TUẦN LẠI TRỞ VỀ HÌNH THỨC ONLINE
Sau 9 tuần diễn ra với sự tham dự của các tín hữu, các buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha sẽ lại diễn ra tại Thư viện Dinh Tông Tòa trong nội thành Vatican, dưới hình thức online, không có sự hiện diện trực tiếp của giáo dân.
Chính phủ Ý đã đưa ra các quy định mới khi số ca nhiễm Covid lại gia tăng. Các quy định bao gồm việc cấm các tụ họp trong nhà và ngoài trời, trừ sinh hoạt tôn giáo, và từ 6 giờ chiều, các quán bar và nhà hàng không được đón khách ăn uống tại chỗ.
GẦN 100 NGÀN TRẺ EM YEMEN CÓ NGUY CƠ TỬ VONG VÌ SUY DINH DƯỠNG NẶNG
Đại dịch virus corona, nền kinh tế suy giảm, chiến tranh và viện trợ quốc tế cắt giảm đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn đã tàn khốc tại Yemen, làm gia tăng tình trạng suy dinh dưỡng ở thanh thiếu niên đến mức chưa từng có trước đây.
Các chuyên gia cảnh báo rằng: Tại một số khu vực trên cả nước, số liệu về tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ vị thành niên đang ở mức đáng báo động, với “gần 100 nghìn trẻ em có nguy cơ tử vong”.
Theo số liệu do Liên hợp quốc công bố hôm 27/10, đã có hơn nửa triệu trường hợp trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính tại một số khu vực phía nam Yemen. Một cuộc điều tra ở phía bắc (do phiến quân Houthi kiểm soát) vẫn đang diễn ra, chắc chắn cũng sẽ đưa ra kết quả tương tự.
Cuộc chiến ở Yemen bùng phát năm 2014 do xung đột nội bộ giữa chính phủ thân Ả Rập Xêút và phiến quân Shiite Houthi thân Iran, đã suy thoái vào tháng 3 năm 2015 với sự can thiệp của liên quân Ả Rập do Riyadh dẫn đầu. Cuộc chiến này đã làm cho hơn 10 nghìn người chết và 55 nghìn người bị thương. Trong khi đó, các cơ quan độc lập đã ước tính (vào cuối 7/2018) có khoảng 57 nghìn người chết.
Theo Liên Hiệp Quốc, cuộc xung đột đã gây ra “cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới”, cộng với virus corona, đang khiến hàng triệu người đang cận kề với nạn đói và trẻ em sẽ phải gánh chịu hậu quả trong 20 năm tới. (Asianews 28/10)
NĂM NAY SLOVENIA SẼ TẶNG CÂY THÔNG GIÁNG SINH CHO ĐỨC GIÁO HOÀNG
Đó là cây thông cao 30 mét để kỷ niệm 30 năm ngày toàn quyền và độc lập. Cuộc bỏ phiếu ngày 8/4/1990 là một trong những bước đầu tiên hướng tới việc độc lập từ Nam Tư.
Theo dự kiến Ngày 11/12, mở và thắp sáng hang đá và cây thông Giáng sinh tại quảng trường thánh Phêrô. Virus không ngăn được tinh thần của lễ Giáng sinh. Vatican đã thông báo rằng hang đá và cây thông được dựng tại quảng trường thánh Phêrô sẽ được khánh thành vào ngày 11/12 và sự kiện này vẫn quan trọng hơn bao giờ hết, vì công việc của Vatican là giữ cho tinh thần Giáng sinh được nâng cao trong những thời điểm khó khăn.
THÁNH LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI CỦA ĐỨC THÁNH CHA
Chiều thứ Hai 2/11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ tại nghĩa trang Teutonic ở nội thành Vatican để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Trong bài giảng Thánh lễ tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời, Đức Thánh Cha suy tư về lời của ông Gióp và giải thích rằng niềm hy vọng của người Kitô hữu là một món quà nhưng không của Chúa nếu chúng ta cầu xin Chúa, là một “mỏ neo mà chúng ta ở phía bên kia, nơi Chúa Giêsu đang chờ đợi chúng ta”.
Đức Thánh Cha nói rằng mặc dù bị “đánh bại”, ông Gióp bày tỏ xác tín của mình: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất.” Ngài giải thích rằng mặc dù ông Gióp cảm thấy mình càng lúc càng bị đau khổ, càng bị xuống tinh thần, nhưng vào lúc đó, có nguồn ánh sáng ấm áp ôm choàng ông và làm ông an tâm: “Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người.”
Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện tại các ngôi mộ của nghĩa trang Teutonic và sau đó ngài xuống hầm mộ của đền thờ thánh Phê-rô và cầu nguyện tại phần mộ của các Giáo hoàng tiền nhiệm đã qua đời.
BẢO TÀNG VATICAN LẠI PHẢI ĐÓNG CỬA DO SỐ CA NHIỄM COVID TĂNG NHANH
Thông cáo của Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết các viện bảo tàng của Vatican sẽ đóng cửa từ ngày 5/11-3/12, tuân thủ các quy định chống Covid mới nhất của Chính phủ Ý. Thông cáo cũng nói rằng do tình hình y tế sức khỏe hiện tại, viện bảo tàng của các dinh thự Giáo hoàng và các tour thăm viếng khu khảo cổ mộ thánh Phê-rô cũng sẽ đóng cửa. Trang web của Bảo tàng Vatican thông báo rằng tất cả các vé đã được mua sẽ được tự động hoàn tiền lại.
ĐỨC HỒNG Y TUMI (CAMERUN) BỊ BẮT CÓC VÀ ĐÃ ĐƯỢC TRẢ TỰ DO
Đức Hồng y Christian Tumi, nguyên Tổng Giám mục Douala và là vị Hồng y đầu tiên của Camerun, đã được trả tự do sáng thứ Sáu 06/11. Ngài bị một nhóm có vũ trang bắt cóc vào chiều thứ Năm 05/11, trên đường đi từ thành phố Bamenda đến Kumo, khu vực tây bắc Camerun. Tin này đã được xác nhận bởi Đức cha Samuel Kleda, Tổng Giám mục Douala và Đức cha Agapitus Enuyehnyoh Nfon, Giám mục Kumba. Tuy nhiên, hiện tại, Đức Hồng y vẫn chưa trở về nhà. Người lái xe cũng được trả tự do cùng với Đức Hồng y.
Động cơ của vụ bắt cóc là do Đức Hồng y Tumi khuyến khích các em học sinh trở lại trường học. Trong khu vực đó, các hành động của các nhóm vũ trang thường đánh vào các trường học, được coi là biểu tượng của quyền lực trung tâm và phân biệt đối xử với các nhóm thiểu số. Các nhóm ly khai phải chịu trách nhiệm về các vụ giết người và bắt cóc, gây bất ổn cuộc sống của cộng đồng địa phương.
NGUYÊN VĂN LÁ THƯ CỦA TÒA THÁNH GIẢI THÍCH TUYÊN BỐ CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ VIỆC SỐNG CHUNG ĐỒNG TÍNH
Trong mấy ngày gần đây, một số khẳng định trong bộ phim tài liệu “Francesco”, của nhà viết kịch bản Evgeny Afineevsky, đã gây ra những phản ứng và cách giải thích khác nhau. Do đó, xin được cung ứng một số yếu tố hữu ích, với mong muốn cổ vũ một sự hiểu biết đúng đắn về lời lẽ của Đức Thánh Cha.
Hơn một năm trước, trong một cuộc phỏng vấn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trả lời hai câu hỏi khác nhau ở hai thời điểm khác nhau, mà trong cuốn phim tài liệu đã nhắc đến, đã bị chỉnh sửa và công bố như chỉ là một câu trả lời đơn nhất mà không đặt chúng vào ngữ cảnh thích đáng, một điều đã tạo ra sự mơ hồ lẫn lộn. Trước hết, Đức Thánh Cha có ý nói đến vấn đề mục vụ, về nhu cầu này là trong gia đình, con trai hay con gái có khuynh hướng đồng tính luyến ái không bao giờ bị phân biệt đối xử. Lời lẽ của Đức Giáo Hoàng có ý nói về những người vừa kể: “những người đồng tính luyến ái có quyền ở trong gia đình; họ là con cái của Thiên Chúa, họ có quyền đối với một gia đình. Không ai có thể bị ném ra khỏi gia đình hoặc cuộc sống của họ bị biến thành bất khả vì nó”.
Đoạn tiếp theo của Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Amoris Laetitia (2016), về tình yêu thương trong gia đình, có thể làm sáng tỏ những phát biểu này. “Tôi đã cân nhắc với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng về hoàn cảnh của các gia đình đang sống với kinh nghiệm có giữa họ những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái, một kinh nghiệm không hề dễ dàng đối với cả các bậc cha mẹ lẫn con cái của họ. Vì vậy, trước hết chúng tôi muốn nhắc lại rằng mỗi con người, bất kể khuynh hướng tình dục của họ, đều phải được tôn trọng trong phẩm giá của họ và được tiếp nhận một cách tôn trọng, cố gắng tránh 'mọi dấu hiệu kỳ thị bất công', nhất là bất cứ hình thức gây hấn hoặc bạo lực nào. Đối với các gia đình, phải bảo đảm có việc đồng hành một cách tôn trọng, để những người biểu lộ rõ xu hướng đồng tính luyến ái có thể trông cậy vào sự trợ giúp cần thiết để hiểu và thực thi trọn vẹn thánh ý của Thiên Chúa trong đời sống họ".
Câu hỏi tiếp theo của cuộc phỏng vấn là sự thay đổi gắn liền với luật địa phương mười năm trước đây ở Argentina về “hôn nhân bình đẳng của các cặp đồng tính và sự phản đối của Tổng giám mục Buenos Aires lúc bấy giờ về phương diện này". Liên quan đến việc đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khẳng định rằng “nói đến hôn nhân đồng tính là điều không hợp lý”; trong cùng bối cảnh này, ngài nói thêm rằng, ngài chỉ nói về quyền của những người này được bảo đảm về phương diện pháp lý: “điều chúng ta phải làm là một đạo luật về chung sống dân sự; họ có quyền được bảo đảm về pháp lý. Tôi đã bảo vệ điều đó”.
Chính Đức Thánh Cha đã bày tỏ như vậy trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2014. “Hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ. Các quốc gia thế tục muốn biện minh cho các cuộc kết hợp dân sự để điều hòa các tình huống chung sống khác nhau, được thúc đẩy bởi việc cần phải qui định các khía cạnh kinh tế giữa những người này, chẳng hạn, để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe. Chúng là những thỏa thuận sống chung thuộc nhiều bản chất khác nhau, mà tôi không thể đưa ra danh sách các dạng khác nhau này. Điều cần là phải xem xét các trường hợp khác nhau và đánh giá chúng theo sự đa dạng của chúng".
Do đó, hiển nhiên là Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập đến các sắp xếp chuyên biệt của Nhà nước, và chắc chắn không đề cập đến tín lý của Giáo hội, được xác nhận nhiều lần trong suốt những năm qua.
NÉT ĐẸP TIN MỪNG
CÁC NỮ TU CHO ĐỨC THÁNH CHA MƯỢN CƠ SỞ ĐỂ TIẾP ĐÓN NGƯỜI TỊ NẠN
Đức Hồng y Konrad Krajewski, Chánh Sở Từ thiện của Đức Thánh Cha, đã đưa ra một tuyên bố vào hôm 12/10, cho biết các Nữ tu dòng Nữ tỳ Chúa Quan phòng Catania đã đáp lại “lời mời của Đức Thánh Cha Phanxicô, người trong Thông điệp Fratelli tutti đã lặp lại nhiều lần nhu cầu tiếp đón xứng hợp cho những người di cư chạy trốn chiến tranh, khủng bố và thảm họa thiên nhiên”.
Thông qua Văn phòng từ thiện của Đức Thánh Cha, các Nữ tu đã cho ngài mượn tòa nhà của họ trên đường Pisana. Đức Hồng Y Krajewski cho biết tòa nhà của các Nữ tu, được gọi là Villa Serena, sẽ được sử dụng để làm nơi trú ẩn cho những người tị nạn, đặc biệt là cho phụ nữ đơn thân, phụ nữ có con chưa đủ tuổi trưởng thành và các gia đình dễ bị tổn thương, những người đến Ý thông qua chương trình Hành lang Nhân đạo.
Trung tâm có sức chứa lên đến 60 người và sẽ tiếp đón họ trong những tháng đầu tiên sau khi họ đến, và sau đó sẽ đồng hành cùng họ trên hành trình kiếm việc làm và chỗ ở độc lập.
CÁC BẠN TRẺ KITÔ GIÁO VÀ HỒI GIÁO CHUNG TAY TÁI THIẾT MOSUL
Mosul và đồng bằng Ninive đã bắt đầu một hành trình chậm cho việc tái thiết sau nhiều năm bị tàn phá bởi bạo lực. Sáng kiến được các các Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo, đặc biệt các bạn trẻ cùng nhau thực hiện. Việc tái thiết hoàn toàn Mosul và vùng đồng bằng vẫn còn một chặng đường dài, nhưng “một vài bước đã được thực hiện” trong thời gian này, bất chấp những khó khăn. Cha Paolo Thabit Mekko, linh mục coi sóc mục vụ cho cộng đoàn tín hữu Karamles cho biết: “Đây là những nhóm nhỏ, phần lớn do các bạn trẻ tạo thành. Họ là những người đầy thiện chí và luôn tìm cách thực hiện các sáng kiến tích cực. Trong vài ngày tới, một số bạn trẻ Hồi giáo sẽ tham gia trùng tu nhà thờ Chính tòa Chaldean ở Mosul. Những cử chỉ này, tỏ rõ một sự thay đổi trong tâm thức và cũng giúp người khác dấn thân vào con đường đối thoại”.
NHÀ THỜ TRỞ THÀNH BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN
Trong những ngày này, ở châu Âu, số người bị nhiễm virus corona đang gia tăng, và ở vùng Nam Tirol, Ý được coi là khu vực “báo động đỏ”, có thể phải áp dụng một lệnh cách ly xã hội nghiêm khắc. Để chuẩn bị cho tình huống khó khăn nhất có thể xảy ra, cha Luciano Gambino, linh mục tuyên úy của một bệnh viện ở Turin đã biến nhà thờ thành một bệnh viện dã chiến, phục vụ bệnh nhân. Được biết trong nhà thờ đã chuẩn bị 30 chiếc giường dành cho những bệnh nhân Covid với các triệu chứng nhẹ.