+ GB. Bùi Tuần
1. Tháng 10 là tháng kính Đức Mẹ Mân côi. Tháng 10 năm nay đang bất ổn trầm trọng. Khủng hoảng lớn nhất hiện nay là về vấn đề thật giả. Ai là người cứu độ thật? Ai là người cứu độ giả?
Tôi xin Đức Mẹ giúp tôi. Đức Mẹ đã và đang giúp tôi phân định đơn sơ thế này:
2. Khi đề cập đến một người tôi cần biết, Đức Mẹ thường cho tôi một bước đầu nhẹ nhàng, đó là cảm thấy người đó có đặc điểm của Chúa Giêsu không. Đặc điểm đó là hiền lành và khiêm nhường, như chính Chúa Giêsu nói: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29).
3. Tôi như cảm thấy mùi thơm thiêng liêng toát ra từ người đó, nếu người đó thật sự hiền lành và khiêm nhường. Cảm nhận đó không thể cắt nghĩa được bằng lý luận. Nhưng rất đúng về mặt đạo đức.
4. Một bước đầu nữa cũng nhẹ nhàng Đức Mẹ cho tôi, để phân định một người, đó là cảm thấy người đó có biết sợ hỏa ngục không.
Phúc âm nói về hỏa ngục tất cả 60 lần. 20 lần một cách trực tiếp rất rõ. 40 lần một cách gián tiếp, nhưng cũng rõ.
Phúc âm cũng cho thấy những kẻ phải ném xuống hỏa ngục là một số đông. (x.Mt 7,13- 14).
5. Khi tôi cảm thấy một người có vẻ không biết sợ chính mình sẽ phải sa hỏa ngục, thì tự nhiên tôi đau xót. Tôi hiểu vì sao Đức Mẹ ở Fatima đã khuyên 3 trẻ đọc kinh này:
“Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi lửa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa Thương Xót hơn”.
Xin cứu chúng con khỏi lửa hỏa ngục, tức là phải biết sợ lửa hỏa ngục. Biết sợ lửa hỏa ngục là điều hiện giờ nhiều người đang quên. Đó là một khủng hoảng lớn rất nguy hại, mà chúng ta nên nhắc cho nhau lúc này.
6. Một bước đầu nữa cũng nhẹ nhàng, Đức Mẹ cho tôi, để phân định một người, đó là cảm thấy người đó có thực sự tin cậy vào lòng thương xót của Chúa không?
Bởi vì, chỉ ai thực sự thấy mình gặp nguy hiểm cực kỳ đáng sợ, thì mới thực sự kêu cầu đến lòng thương xót Chúa. Chứ nếu coi mình là thế nào cũng được cứu, thì đâu có thực sự kêu cầu đến lòng Chúa xót thương. Mà nếu Chúa thấy ai như vậy, thì kết quả sẽ ra sao?
7. Phải biết sợ mất linh hồn, phải biết sợ phải sa hỏa ngục. Đó là điều hiện nay nhiều người đang quên. Chính tôi cần nêu gương sáng về sự biết sợ. Biết sợ điều đáng phải sợ, đó là điều chúng ta nên biết và nên thực hiện.
8. Tôi là người hay sợ. Sợ không đúng cách là điều nên tránh. Đức Mẹ dạy tôi hãy đọc Phúc âm, tìm thái độ của Chúa Giêsu trong đêm hấp hối ở vườn cây Dầu.
Tôi thấy tại đó, đêm đó, Chúa Giêsu đã rất sợ.
+ Ngài đi tìm an ủi nơi các môn đệ của Ngài.
+ Ngài nói với các môn đệ theo Ngài:
+ “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được”.
+ “Ngài sấp mặt xuống đất mà cầu nguyện”
+ Rồi Ngài nói với Chúa Cha: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con, nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 38- 39).
+ “Mồ hôi Ngài như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44).
+ “Bấy giờ có Thiên Thần từ trời xuống an ủi và thêm sức cho Người” (Lc 22, 43).
9. Nhìn Chúa Giêsu sợ như thế trước đau khổ, tôi mới thấy “Sợ trước đau khổ là điều không xấu, trái lại còn là điều nói lên thái độ khiêm nhường rất cần đến ơn Chúa xót thương nâng đỡ”.
10. Tôi đã nếm được điều đó một cách thấm thía. Nên tôi hay âm thầm để vọng lên trong tâm hồn tôi bài hát:
“Xin thương đỡ nâng con suốt cuộc đời, vì ngoài Chúa con đâu có ai nương nhờ…”
Khi để cho bài hát đó vọng lên tha thiết trong tâm hồn, tôi tuyên xưng “Chỉ Đức Chúa Giêsu Kitô của tôi là Đấng cứu độ thực của tôi”.
11. Đồng thời, tôi cũng cảm nhận Đức Mẹ như là bầu khí thiêng liêng trong tôi. Bầu khí đó giúp tôi phân định bằng một thứ linh cảm thiêng liêng, nhẹ nhàng.
12. Suy nghĩ đến cùng, tôi thấy đó là ơn Chúa Thánh Thần. Nhờ vậy, tôi nhận ra ơn cứu độ không phải là một lý thuyết, hay một kỹ năng, mà là một Đấng thiêng liêng, sống động, đã cứu tôi. Đó là Chúa Giêsu, “Hiền lành và khiêm nhường”.
13. Vì thế, tôi cần nhờ Đức Mẹ để luôn luôn sống gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu.
“Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15,5).
“Hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9).
14. Tháng Mân côi đang là như thế trong tôi. Xin hết lòng cảm tạ Mẹ nhân lành. Xin Mẹ ban phép lành cho tất cả chúng con. Amen.
Long Xuyên, ngày 4.10.2020