ĐỨC MẸ GIÚP TÔI CẦU NGUYỆN

                                                                                                 + GB. Bùi Tuần

  1. Cầu nguyện của tôi là một hành trình dài.

Ngay từ rất nhỏ, tôi đã cầu nguyện. Hồi đó, đối với tôi, cầu nguyện là nép mình và hòa mình vào cộng đoàn. Cộng đoàn là gia đình. Cộng đoàn gia đình làm phép lành cho tôi.

Lớn lên một chút, tôi cầu nguyện với cộng đoàn họ đạo.

Khi vào tu trong nhà cha xứ, tôi cầu nguyện với cộng đoàn nhà xứ.

Khi được vào chủng viện, tôi cầu nguyện với cộng đoàn chủng viện.

Thế nghĩa là cầu nguyện của tôi bao giờ cũng gắn liền với cộng đoàn.

2.  Ngay hiện giờ, với tuổi tôi là 93, trong đó tuổi giám mục là 45, tôi vẫn cầu nguyện cùng với cộng đoàn. Cách riêng tôi cầu nguyện cùng với cộng đoàn giáo phận.

3. Cầu nguyện cùng với cộng đoàn giáo phận là tôi xin hai Đức cha, các cha, các tu sĩ nam nữ, các giáo dân gồm mọi thành phần làm phép lành cho tôi. Tôi nhớ lời Chúa phán xưa: “ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20).

4. Dù ở một mình trong phòng, ngồi hay nằm bất động, tôi vẫn cảm thấy mình ở giữa cộng đoàn đông đảo trong bầu khí ấm áp.

5. Đức Mẹ hay nhắc cho tôi nhớ. Hãy cầu nguyện cùng với cộng đoàn. Tôi đã làm, đang làm như Mẹ dạy. Kết quả là tôi cảm nhận được hạnh phúc từ cộng đoàn đem lại cho tôi.

6. Bây giờ, tôi xin đề cập tới một việc quan trọng hơn trong cầu nguyện, đó là đến với Chúa. Cầu nguyện là đến gặp Chúa. Đức Mẹ dắt tôi đến gặp Chúa thế này:

7. Đức Mẹ cho tôi nghe thấy chính Chúa gọi tôi. Chúa phán rất rõ: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28). Tôi thấy gánh nặng của tôi đã quá sức tôi. Và gánh nặng của những người khác mà tôi phải vác làm tôi chịu không nổi.

8. Tôi rất muốn đến với Chúa. Nhưng tôi quá yếu đuối. Nhận mình quá yếu đuối, không đủ sức đến với Chúa, tôi đã xin Chúa thương lôi kéo tôi lại với Ngài.  

9. Và thực sự Chúa đã lôi kéo tôi. Chúa đốt lên trong tôi lửa khao khát Chúa, khao khát là một thứ lửa. Tôi khao khát được gặp chính Chúa. Khi đã được gặp Chúa rồi, tôi mới thấy Chúa là tình yêu thương xót.

10. Chúa gọi tôi đến với Chúa, là để cứu tôi. “Tôi thấy Chúa hiền lành và khiêm nhường” ( Mt 11, 29). Chính vì thấy Chúa là tình yêu thương xót, hiền lành và khiêm nhường, nên tôi xin được ở lại với Chúa.

11. Trong thao thức đó, tôi mới thấy rõ sự thực về tôi, sự thực về Chúa.

Sự thực về tôi là: Tôi chẳng có gì, tôi chẳng là gì và tôi chẳng đáng gì.

Sự thực về Chúa là: Chúa là đấng giàu lòng thương xót, Ngài ban cho tôi mọi sự tốt lành một cách nhưng không.

12. Những gì tôi vừa chia sẻ trên đây tất nhiên còn rất nghèo nàn. Nhưng chỉ bằng ấy thôi cũng đã nói lên sự quan trọng của cầu nguyện, nhất là cầu nguyện nhờ Đức Mẹ.

Cầu nguyện cùng với cộng đoàn.

Cầu nguyện là đến gặp Chúa.

Đó là mấy điều quan trọng Mẹ đã dạy tôi.

13. Tới đây, tôi sực nhớ tới Đức Giáo hoàng Benedictô XVI. Khi ngài còn là Hồng y, tôi đã được gặp ngài nhiều lần.

Ngài là con người cầu nguyện. Ngài cầu nguyện cùng với cộng đoàn, cầu nguyện của ngài là gặp Chúa.

14. Tôi còn nhớ rất rõ một kỉ niệm sau đây:

Trưa hôm đó, có bữa ăn sau hội nghị. Tôi ngồi ở góc phòng với mấy giám mục nước ngoài. Đức Hồng y Joseph Ratzinger, tức là Đức Benedictô XVI sau này, đến muộn, ngài tìm một chỗ cho ngài. Nhân lúc đó tôi đứng lên chào ngài và hỏi: “Có người nói Đức Hồng y không tin vào các hội nghị, có đúng không?”. Ngài thưa: “Đúng, nếu hội nghị bàn bạc nhiều mà ít cầu nguyện. Tôi tin vào những người cầu nguyện”.

15. Tin vào những người cầu nguyện, đó là một lời khuyên quý giá, mà tôi không bao giờ quên. Tất nhiên những người cầu nguyện mà tôi tin, phải là những người biết cầu nguyện, như Mẹ dạy tôi. Chứ không phải bất cứ ai cầu nguyện đều được Chúa nghe lời đâu.

16. Chúa Giêsu đã nói rõ: “không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7, 21).

17. Một thánh ý Chúa, mà Đức Mẹ cho tôi biết là: “Hãy cầu xin cho dân tộc Việt Nam được luôn là một dân tộc đạo đức. Hãy cầu cho tổ quốc Việt Nam luôn là một đất nước đạo đức. Đạo đức theo nghĩa cao cả nhất, đầy đủ nhất.”

                   Long Xuyên, ngày 19.9.2020