Lm. Don Giuseppe Nguyễn Xuân Quang SDB
CÁC BUỔI TIẾP KIẾN THỨ TƯ HÀNG TUẦN CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- Ngày thứ Tư 19/8/2020 trong buổi tiếp kiến chung trực tuyến, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài suy tư về đại dịch Covid-19 với chủ đề “Chữa lành thế giới”. Bài suy tư thứ ba nói về “Chọn lựa ưu tiên dành cho người nghèo và đức ái”. Đức Thánh cha nói rằng đại dịch làm cho chúng ta nhạy cảm với một thứ vi-rút còn trầm trọng hơn đang ảnh hưởng thế giới: đó là vi-rút bất công xã hội, thiếu vắng đức công bằng và những người nghèo và những người thiếu thốn nhất bị loại ra bên lề xã hội.
Đức Thánh cha Phanxicô nhắc lại lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo trong Phúc âm và yêu cầu rằng những người cần nhất cũng được xem xét trong việc tìm kiếm phương pháp chữa trị vi-rút corona. Nếu ưu tiên vắc-xin cho những người giàu nhất thì đó là một điều đáng buồn.
- Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung trực tuyến sáng thứ Tư 26/08/2020, Đức Thánh cha Phanxicô trình bày đề tài: “Mục đích chung của của cải và đức cậy”. Trước hết, Đức Thánh cha mời gọi các tín hữu đón nhận ơn hy vọng Chúa Kitô ban; chính Chúa giúp chúng ta vượt qua những khó khăn bệnh tật, chết chóc và bất công. Tiếp đến, Đức Thánh cha nói đến một trong những vấn đề của thế giới đang trở nên trầm trọng hơn, đó là sự bất bình đẳng xã hội, kết quả của một nền kinh tế toàn cầu bất công, tạo nên sự giàu có vô cùng cho một số ít người và làm cho phần lớn nhân loại còn lại rơi vào cảnh nghèo khổ.
Đức Thánh cha nhắc rằng trong chương trình của Thiên Chúa, trái đất được dựng nên để được canh tác chứ không để bị bóc lột. Chúng ta là những người canh giữ, có nhiệm vụ bảo đảm là hoa trái của trái đất được chia sẻ cho tất cả mọi người. Giáo hội nhắc nhở chúng ta rằng nguyên tắc tài sản riêng phụ thuộc vào mục đích chung của của cải là nguyên tắc đầu tiên của toàn bộ trật tự xã hội và đạo đức. Niềm hy vọng Ki-tô giáo, tin cậy vào ân sủng biến đổi của Chúa Ki-tô Phục sinh, thúc đẩy chúng ta làm việc để chữa lành thế giới của chúng ta và xây dựng một trật tự xã hội công bằng và bình đẳng hơn.
- Sáng thứ Tư 2/ 9/2020, Đức Thánh cha đã có buổi tiếp kiến chung đầu tiên có giáo dân tham dự sau 6 tháng chỉ tiến hành trực tuyến do đại dịch virus corona. Buổi tiếp kiến chung cuối cùng có giáo dân tham dự là vào ngày 26/2. Sau đó từ ngày 11/3, các buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh cha được diễn ra trực tuyến tại thư viện Dinh Tông tòa và không có sự hiện diện của giáo dân. Trong bài giáo lý, Đức Thánh cha nhắc rằng khi suy tư về đại dịch hiện nay, chúng ta thấy rằng chúng ta liên kết chặt chẽ với nhau, phụ thuộc vào nhau bởi vì chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng và chia sẻ ngôi nhà chung. Chúng ta chỉ có thể thoát khỏi đại dịch mạnh mẽ hơn nếu chúng ta cùng nhau hành động. Ngài kêu gọi mọi người kết hợp tình liên đới đích thực với đức tin để chữa lành các tệ nạn xã hội trong thế giới hậu đại dịch.
- Buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh cha Phanxicô vào sáng thứ Tư ngày 9/9/2020 là buổi tiếp kiến thứ hai có sự tham dự của giáo dân kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ tại Ý, và được tổ chức tại sân Damaso của Vatican. Đức Thánh cha nói về đề tài “Tình yêu và công ích”. Vì virus corona không biết đến rào cản, biên giới hay sự khác biệt về văn hóa và chính trị, Đức Thánh cha mời gọi các tín hữu cũng không dựng nên rào cản, biên giới hay sự phân biệt cho tình yêu khi hành động vì công ích để giải quyết những vấn đề trầm trọng do đại dịch gây ra. Ngài nhắc rằng học thuyết xã hội của Giáo hội dạy rằng công ích phải là mục tiêu của mọi nỗ lực cá nhân và tập thể để chữa lành thế giới bị thương tích. Sự dấn thân của các Kitô hữu chúng ta trong khía cạnh này được truyền cảm hứng bởi tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa; tình yêu này kêu gọi chúng ta không đặt giới hạn cho tình yêu của chúng ta đối với người khác và cho mối quan tâm của chúng ta đối với phúc lợi của họ.
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc thiên nhiên và Thời gian của Thụ tạo 01/09/2020
“Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với (các) ngươi, đó là thời kỳ toàn xá” (Lv 25,10)
ĐTC xác nhận cử hành năm 2020 là Năm Thánh cho Trái Đất, xác nhận này đánh dấu kỷ niệm lần thứ 50 Ngày Trái Đất
Trong Kinh Thánh, Năm Thánh là thời gian thánh thiêng để ghi nhớ, trở về, nghỉ ngơi, phục hồi và vui mừng. ĐTC nêu lên 5 điểm chính yếu của thời gian: (1) Thời gian ghi nhớ; (2) Thời gian trở về; (3) Thời gian nghỉ ngơi; (4) Thời gian phục hồi; (5) Thời gian hân hoan.
(Chúng ta có thể xem chi tiết nội dung của Sứ điệp tại website: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-09/dtc-phanxico-ngay-the-gioi-cau-nguyen-cho-viec-cham-soc-thu-tao.html)
TIN GIÁO HỘI TOÀN CẦU
NGÔN NGỮ LOAN BÁO TIN MỪNG LÀ BÁC ÁI
Để loan báo Tin Mừng hôm nay, ngôn ngữ được nhân loại hiểu rõ nhất là bác ái, không phải là những lời giải thích thần học uyên bác. Vì lý do này, các tu sĩ Vinhsơn có một vai trò đặc biệt, liên kết với đặc sủng: Thánh Vinhsơn Phaolô và Thánh Louis de Marillac là một dấu hiệu mạnh mẽ của ngôn ngữ này. Đây là những gì Đức Hồng y Louis Antonio Tagle, Tổng trưởng Bộ loan báo Tin Mừng cho các dân tộc nói với các tu sĩ Vinhsơn, trong một chuyến thăm gần đây đến tu hội Truyền giáo.
Nói chuyện với các thành viên của tu hội, Đức Hồng y Tagle đã nhấn mạnh ba nhiệm vụ cụ thể của tu sĩ ngày nay vẫn còn quan trọng: trở thành những người truyền cảm hứng bác ái cho người khác; dấn thân hoạt động bác ái “hình thành cộng đoàn”; tiếp tục thúc đẩy hoạt động bác ái trong việc huấn luyện giáo sĩ. Đề cập đến “công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng”, Đức Hồng y Tagle nói: “Loan báo Tin Mừng là một điều luôn luôn mới: chúng ta phải luôn tái khám phá tính mới mẻ của hoạt động đã có từ lâu trong Giáo hội. Thách đố cho chúng ta ngày nay đó là phân định để có thể trình bày chính Tin Mừng trong một thế giới đang thay đổi”.
GIÁO HỘI PAPUA NEW GUINEA VÀ CHIẾN DỊCH CHỐNG BẠO LỰC DO PHÙ THỦY
Trước sự gia tăng bạo lực và các tội phạm liên quan đến bị cáo buộc là phù thủy, ngày 18/8/2020, một cuộc hội thảo trực tuyến về ma thuật đã được tổ chức bởi Hội đồng Giám mục Papua New Guinea và quần đảo Solomon. Có 60 người tham dự buổi gặp gỡ, gồm các giám mục, linh mục, tu sĩ và các chuyên gia thuộc mọi lĩnh vực. Mục đích cuộc gặp gỡ là nhằm “suy tư và nâng cao nhận thức về chủ đề ma thuật, cũng như hỗ trợ các nạn nhân của bạo lực liên quan đến việc bị tố cáo là phù thủy”.
CÁC CUỘC HÀNH HƯƠNG ĐẾN LỘ ĐỨC DO TỔ CHỨC UNITALSI THỰC HIỆN ĐÃ BẮT ĐẦU KHỞI HÀNH
Ngày 18/8/2020 cuộc hành hương truyền thống đến đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức của tổ chức Unitalsi, Ý, đã được tái khởi động với việc một máy bay đầu tiên cất cánh từ Cagliari. Người Pháp nhận thức rõ tầm quan trọng của các tình nguyện viên thuộc tổ chức chuyên giúp đỡ các bệnh nhân hành hương tại Lộ Đức và các trung tâm Thánh Mẫu khác. Trong thời gian qua, do đại dịch các tình nguyện viên phải tạm ngưng các hoạt động. Và hôm thứ Ba hoạt động bác ái chính thức được tái khởi động.
Ông Sergio Zuddas, chủ tịch Unitalsi của khu vực phía Nam Sarda giải thích: “Trong những tháng gần đây, chúng tôi vẫn tiếp tục hoạt động bác ái. Chúng tôi gần gũi với những người bệnh. Nhưng việc tái khởi động các chuyến hành hương, đối với chúng tôi là một cảm xúc lớn, niềm vui xen cảm giác buồn”. Theo ông, niềm vui đó là được thấy lại hình ảnh của đền thánh với các đoàn hành hương cùng số lượng giới hạn và tuân thủ các biện pháp phòng tránh lây nhiễm virus. Và cảm giác buồn là khi thấy đại dịch vẫn chưa có dấu hiệu ngưng, làm cho số người hành hương giảm nhiều. Cần thời gian để có thể khởi động lại tất cả. Vì vậy việc khởi động của Tổ chức Unitalsi có một giá trị quan trọng. Ngoài ra, sự hiện diện của các tình nguyện viên có thể thúc đẩy người khác tiếp tục thực hiện các hoạt động trợ giúp người khác. Ông chia sẻ: “Đặc sủng của Unitals đưa chúng tôi đến gần người khác. Chúng tôi muốn hiến trao cho người khác bằng những việc làm cụ thể”.
ĐTC VIẾNG MỘ THÁNH MONICA VÀO NGÀY LỄ KÍNH NHỚ THÁNH NỮ
Vào chiều thứ Năm 27/ 8/2020, ông Matteo Bruni, giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết vào đầu giờ chiều, Đức Thánh cha đã đi đến đền thờ Thánh Augustiano. Ngài đã dừng lại cầu nguyện trước mộ của Thánh Monica, thân mẫu của Thánh Augustino, trong nhà nguyện dâng kính thánh nữ. Đây không phải là lần đầu tiên Đức Thánh cha đến đền thờ này để cầu nguyện trước mộ của thánh nữ. Cách đây đúng hai năm, sau khi kết thúc chuyến viếng thăm Ai Len nhân Đại hội Gia đình Thế giới, khi về đến Roma, Đức Thánh cha đã đến viếng đền thờ Đức Bà Cả như thường lệ, và sau đó kính viếng mộ Thánh Monica.
VATICAN MỜI GỌI CÁC GIÁO HỘI KITÔ SỐNG TÌNH LIÊN ĐỚI GIỮA ĐẠI DỊCH
Ngày 27/8/2020 Hội đồng Tòa Thánh về đối thoại liên tôn và Hội đồng Thế giới các giáo hội đã ban hành tài liệu “Phục vụ một thế giới bị thương tích trong sự liên đới liên tôn”, khuyến khích các Kitô hữu đối phó với đại dịch virus corona bằng cách bày tỏ tình liên đới liên tôn. Nền tảng của "liên đới liên tôn" là Chúa Ba Ngôi.
Giới thiệu tài liệu, Đức Hồng y Miguel Ángel Ayuso Guixot, chủ tịch của Hội đồng Tòa Thánh, nói rằng “đại dịch đã phơi bày những tổn thương và mong manh của thế giới chúng ta, cho thấy rằng những phản ứng của chúng ta phải được đưa ra trong một tình liên đới bao gồm và cởi mở với những người theo các truyền thống tôn giáo khác và mọi người thiện chí, quan tâm đến toàn thể gia đình nhân loại."
VATICAN XÁC NHẬN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO NĂM 2020 SẼ VẪN ĐƯỢC CỬ HÀNH VÀO NGÀY 18/10
Ngày 28/8/2020, Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc đã xóa bỏ những nghi ngờ cho rằng Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2020 này sẽ được hoãn lại. Bộ xác nhận rằng Ngày này vẫn sẽ được cử hành như thường lệ vào ngày 18/10. Về vấn đề lạc quyên giúp các miền truyền giáo: Thánh Bộ cho biết Bộ cũng “dựa vào ý thức hiệp thông và đồng trách nhiệm của các giám mục về việc lạc quyên trong ngày này giúp cho các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, những tổ chức hoạt động trong một bối cảnh phổ quát hỗ trợ công bằng cho các Giáo hội trong các lãnh thổ truyền giáo.”
CÁC TU SĨ SALÊDIÊNG DON BOSCO Ở MAURITIUS: ĐƯA NHỮNG NGƯỜI TRẺ THOÁT CẢNH SỐNG ĐƯỜNG PHỐ
Tại hòn đảo Mauritius xinh đẹp của đất nước Madagascar, nhiều trẻ em không được đến trường, bị rơi vào các băng đảng tội phạm. Các tu sĩ dòng Salêdiêng Don Bosco đã thành lập một Trung tâm Chuyên nghiệp, giáo dục các em cả về nhân bản và nghề nghiệp để giúp các em thoát cảnh đường phố và tội phạm. Đây là trường chuyên nghiệp Công giáo duy nhất, có thể đón nhận và giáo dục cho 200 sinh viên. Các khóa học bao gồm từ cơ khí đến nấu ăn, cung cấp nền giáo dục toàn diện cho những người trẻ tuổi: từ giáo dục đến đào tạo kỹ thuật với việc thực tập trong công ty. Cha Rossi chia sẻ: “Mục tiêu của trung tâm là đào tạo những công dân trung thực và có năng lực và thông qua việc giáo dục, đào tạo những người được nuôi dưỡng bởi các giá trị nhân văn và tôn giáo: huấn luyện, chất lượng và giáo dục"
BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: CỬ HÀNH BÍ TÍCH RỬA TỘI VỚI NGHI THỨC ĐƯỢC SỬA ĐỔI TÙY TIỆN LÀ KHÔNG THÀNH SỰ
Ngày 06/8/2020, Bộ Giáo lý Đức tin đã đưa ra câu trả lời, được Đức Thánh cha phê chuẩn, liên quan đến câu hỏi nghi ngờ thành sự về việc cử hành Bí tích Rửa tội với công thức: “Nhân danh cha mẹ, cha/mẹ đỡ đầu, ông bà, các thành viên trong gia đình, nhân danh cộng đoàn, chúng tôi (số nhiều) rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, thay vì công thức chính thức của Giáo hội là: “Tôi/cha rửa anh/chị/con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Bộ Giáo lý Đức tin cho rằng “sửa đổi tùy tiện này nhằm nhấn mạnh giá trị cộng đoàn của Bí tích Rửa tội, để bày tỏ sự tham gia của gia đình, người thân và để tránh ý tưởng tập trung thánh quyền của linh mục”. Tuy nhiên, câu trả lời nhắc lại Hiến chế Sacrosanctum Concilium – Hiến chế về Phụng vụ Thánh, trong đó quy định: “Khi một người cử hành Bí tích Rửa tội thì chính Chúa Giêsu cử hành”. Tất nhiên, trong việc cử hành, cha mẹ của người lãnh nhận Bí tích, cha mẹ đỡ đầu và toàn thể cộng đoàn được mời gọi đóng một vai trò tích cực, nhưng theo Hiến chế, mỗi người, khi chu toàn phận vụ, chỉ thi hành trọn những gì thuộc lãnh vực mình tùy theo bản chất sự việc và những qui tắc phụng vụ (Sacrosanctum Concilium, 28).
Công đồng Vatican II xác định rằng không một ai, ngay cả linh mục có quyền thực hiện theo sáng kiến của mình, nghĩa là loại bỏ hoặc thêm bất cứ điều gì trong các chất thể phụng vụ. Thực vậy, sửa đổi nghi thức cử hành Bí tích không chỉ cấu thành một sự lạm dụng phụng vụ đơn giản, vi phạm một quy tắc, nhưng đồng thời gây ra một tổn hại cho sự hiệp thông Giáo hội và nhìn nhận hành động của Đức Kitô. Và trong những trường hợp nghiêm trọng việc sửa đổi đó làm cho Bí tích vô hiệu, bởi vì bản chất của hành động thừa tác vụ đòi hỏi sự thông truyền cách trung thành điều đã được lãnh nhận.
HAI NĂM HIỆP ĐỊNH TẠM THỜI GIỮA TÒA THÁNH VÀ TRUNG QUỐC
Ngày 21/9/2020 tới đây Hiệp định tạm thời 2 năm giữa Tòa Thánh và Trung Quốc sẽ hết hạn. Những người gần gũi với các cuộc thương thuyết giữa hai bên đều cho rằng Hiệp định sẽ được gia hạn thêm 1 hoặc 2 năm nữa. Nhưng trong thời gian gần đây cũng có nhiều ý kiến và nhận định được nêu lên, qua các phương tiện truyền thông, kiểm điểm thành quả trong 2 năm qua.
Phê bình: Có những người phê bình thành quả ít ỏi của Hiệp định, và đặc biệt là cái giá mà Tòa Thánh phải trả là sự im lặng trước những vụ chà đạp nhân quyền của nhà nước Trung Quốc, ví dụ trong vụ hàng triệu người bị đàn áp và cầm tù tại tỉnh Tân Cương, hay vụ Luật về an ninh quốc gia tại Hong Kong.
Ủng hộ: Nhưng cũng có những người ủng hộ và cảm thông với lập trường của Tòa Thánh. Họ ghi nhận những tiến bộ đã đạt được và nhất là tất cả các GM hiện nay tại Hoa Lục đều hiệp thông với Tòa Thánh. Khi ký kết Hiệp định cách đây 2 năm, Tòa Thánh muốn chấm dứt tình trạng chia rẽ sâu đậm nhất trong nội bộ Giáo hội Công giáo tại nước này, giữa một bên là các GM “hầm trú” và bên kia là các GM “công khai” hay “quốc doanh”.
MẸ THÁNH TÊRÊSA CALCUTTA LÀ MẪU GƯƠNG GIÚP ĐỐI PHÓ VỚI ĐẠI DỊCH
Nhân ngày lễ Thánh Têrêsa Calcutta, 05/9, Đức Hồng y Luis Tagle, Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, chủ tịch Caritas Quốc tế, chia sẻ với truyền thông Vatican một suy tư về “Mẹ của người nghèo” và về mẫu gương bác ái của Mẹ có thể giúp chúng ta đối phó với đại dịch như thế nào.
Trước hết, Đức Hồng y nói: “Một cuộc sống hiến dâng hoàn toàn phục vụ người nghèo trong số những người nghèo nhất, mẫu gương của mẹ Têrêsa Calcutta không ngừng thu hút mọi người trên khắp thế giới, cả những người tin và không tin. Một dấu hiệu hữu hình cho thấy ‘sức mạnh’ xuyên suốt này của ‘Vị Thánh của những người rốt cùng’ như một mẫu gương của tình yêu đối với những người khốn khó”.
Đức Hồng y nhắc lại mẹ Têrêsa là một trong những vị Thánh bảo trợ của Caritas quốc tế, người được nhận giải Nobel Hòa bình, nhưng là người có sứ mạng duy nhất là phục vụ Chúa qua người nghèo. Qua đó ngài nhấn mạnh “qua hội dòng do mẹ thành lập năm 1950, dòng Thừa sai Bác ái, dòng đã đến được với người nghèo ở nhiều nơi trên thế giới”.
Đức Hồng y mời gọi: “Tất cả chúng ta được kêu gọi thực hiện các hành động bác ái để xóa bỏ đói nghèo và thúc đẩy ổn định và hòa bình. Nhưng theo tinh thần của mẹ Têrêsa, tôi tin rằng cử hành năm nay đặt ra những câu hỏi rất sâu sắc: Tôi là người như thế nào? Chúng ta đang hình thành mẫu người nào cho giới trẻ của chúng ta? Chúng ta có tôn trọng những người khác biệt với chúng ta không? Đại dịch đã thức tỉnh bản năng yêu thương trong chúng ta hay đã khiến chúng ta trở nên thờ ơ? Ngày nay, hơn bao giờ hết chúng ta cần hành động bác ái đích thực từ những con người đích thực!”
ĐỨC THÁNH CHA GIẢI THÍCH LÝ DO NGÀI NÓI ‘KHÔNG’ ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC CHO NGƯỜI ĐÃ LẬP GIA ĐÌNH
Đức Thánh cha Phanxicô đã quyết định không bật đèn xanh cho vấn đề truyền chức linh mục cho những người đã lập gia đình sau Thượng hội đồng Amazon, vì ngài lo ngại cuộc tranh luận có thể đã đi ngược lại tinh thần phân định đích thực. Đức Giáo hoàng cảm thấy rằng việc phân định trở nên bất khả thi vì cuộc tranh luận đã trở thành một cuộc chiến theo kiểu nghị viện giữa các bên khác nhau.
ĐTC BỔ NHIỆM MỘT NỮ TU LÀ THÀNH VIÊN CỦA HÀN LÂM VIỆN TÒA THÁNH VỀ KHOA HỌC XÃ HỘI
Sáng thứ Sáu 04/9/2020, Phòng Báo chí Tòa Thánh loan tin: Đức Thánh cha bổ nhiệm sơ Helen Alford, Phó Hiệu trưởng trường đại học Giáo hoàng Thánh Thomas Aquinas ở Roma, là thành viên thường trực mới của Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học Xã hội.
Sơ Helen Alford sinh tại Luân Đôn, năm 1964, là nữ tu thuộc Hội dòng Đaminh Thánh Catarina Siena. Sơ Helen đã tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Quản lý tại đại học Cambridge, cũng tại đây sơ đã hoàn thành luận án tiến sĩ. Sơ đã giảng dạy các môn học liên quan đến Đạo đức kinh tế và Lịch sử tư tưởng xã hội Kitô ở nhiều trường đại học. Sơ Helen đã là cố vấn của Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình. Hiện nay sơ là Phó Hiệu trưởng trường đại học Giáo hoàng Thánh Thomas Aquinas ở Roma. Sơ còn là tác giả của nhiều ấn phẩm về lý thuyết quản lý và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
TIN GIÁO HỘI VIỆT NAM
Đức Thánh cha Phanxicô chấp nhận đơn từ nhiệm của Đức cha Gioan Maria Vũ Tất. Tòa thánh bổ nhiệm Giám quản Tông tòa giáo phận Hưng Hóa
Ngày 29/08/2020, Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo: Đức Thánh cha Phanxicô đã chấp thuận cho Đức cha Gioan Maria Vũ Tất từ nhiệm sứ vụ Giám mục chính tòa giáo phận Hưng Hóa; đồng thời bổ nhiệm Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, Giám mục hiệu tòa Megalopoli di Proconsolare và đang là Giám mục Phụ tá giáo phận Vinh, làm Giám quản Tông tòa giáo phận Hưng Hóa “trống tòa và theo ý Tòa Thánh” (sede vacante et ad nutum Sanctae Sedis).