+ GB. Bùi Tuần
1. Tôi là kẻ tội lỗi. Đó là sự thực, rất thực, hết sức đúng.
2. Đấng có quyền tha tội cho tôi là Chúa. Đó là sự thực, rất thực, hết sức đúng.
3. Đức Mẹ luôn nhắc cho tôi hai sự thực trên đây, phải coi đó là những sự thực sống còn. Đón nhận ơn tha thứ sẽ được lên thiên đàng. Không đón nhận ơn tha thứ sẽ phải xuống hỏa ngục.
4. Để đón nhận ơn tha thứ, thì phải làm những gì? Đức Mẹ dạy tôi ba điều sau đây.
+ Một là phải chân thành nhận tội.
+ Hai là phải tuyệt đối tin vào lòng thương xót của Chúa.
+ Ba là phải thực sự tha thứ cho những kẻ khác.
5. Ba điều trên đây coi như dễ, nhưng thực sự không dễ chút nào.
+ Thay vì nhận tội, chúng ta thường tìm cách chạy tội hoặc đổ tội sang người khác. Có khi miệng nói: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Nhưng miệng nói theo công thức mà thôi. Chứ trong lòng thì khác.
6. + Tin vào lòng thương xót của Chúa, thì phải tuyệt đối, nghĩa là không chút dựa vào công phúc và tài đức của mình, mà chỉ dựa vào tình xót thương của Chúa mà thôi. Thế mà, trên thực tế, rất nhiều lần, chúng ta quen thói dựa vào những việc mà chúng ta coi là công phúc và tài đức của mình. Nào là chúng ta đã vất vả hội họp, bàn tính. Nào là chúng ta đã khó nhọc tìm tiền để xây cất những công trình lớn nhỏ. Nào là chúng ta đã tốn sức và khôn khéo vận dụng mọi cách để hoạch định những chương trình nhắm tới những công bố rạng rỡ, trong đó có những lời ca tụng lẫn nhau, tạo ra những vinh quang chia sẻ sang nhau.
Cảnh đó giống hệt cảnh người Pharisêu xưa đã khoe khoang mình trước bàn thờ Chúa, mà trong dụ ngôn Chúa Giêsu đã nêu lên để loại trừ.(x. Lc 18, 11).
7. Còn việc phải thực sự tha thứ cho những người khác, thì cũng chẳng luôn dễ đâu.
Nhất là khi người khác vẫn tiếp tục và luôn luôn xúc phạm đến chúng ta, thì sự tha thứ cho họ được chúng ta coi như là một sự khuyến khích họ thêm sai lầm. Vì thế mà chúng ta sẽ không tha thứ cho họ, để họ biết lỗi mà sửa mình.
Thế là chúng ta sẽ tự mang lấy trong mình một gánh nặng do sự không biết tha thứ.
Mà ai không tha thứ cho người khác thì sẽ không được Chúa tha thứ cho.
8. Một thoáng nhìn về sự đón nhận ơn tha thứ như vừa kể trên đây, cho thấy đón nhận ơn tha thứ là điều rất khó. Biết thế để mà phấn đấu.
9. Đức Mẹ giúp tôi phấn đấu mỗi ngày.
Mỗi ngày, Mẹ dạy tôi hãy biết đón nhận không phải những tư tưởng về Chúa, những công việc của Chúa, mà hãy đón nhận chính Chúa.
10. Đón nhận chính Chúa là như được nhìn thấy Chúa, được chạm vào Chúa, được nghe Chúa nói, được gắn bó mật thiết với Chúa.
11. Khi được đón nhận chính Chúa như vậy, tôi mới hiểu thế nào là đón nhận ơn tha thứ.
Chính Chúa tha tội cho tôi. Chính Chúa cho tôi cảm nhận Ngài là đường, là sự thực, là sự sống và là sự phục sinh. (Ga11,25.14,6)
12. Tôi đón nhận chính Chúa chủ yếu là bằng tình yêu. Nếu Chúa có hỏi tôi: “Con có mến Thầy không?” Như đã hỏi Thánh Phêrô xưa (Ga 21,15-20). Thì tôi cũng sẽ chỉ thưa như Thánh Phêrô: “Con mến Chúa”. Lòng mến, lửa mến, đó là tấm lòng tôi đón Chúa.
13. Tôi lúc này, với tuổi 93, mà về hưu đã là 17 năm, tôi hiểu thấm thía ơn gọi chủ yếu hệ tại ở trái tim.
Nếu coi ơn gọi chủ yếu nằm ở tri thức, chúng ta sẽ rất sai.
14. Hãy giáo dục trái tim.
Hãy đào tạo trái tim.
15. Đức Mẹ đã và đang giáo dục và đào tạo tôi một cách thầm lặng ở trong trái tim tôi, để tôi luôn biết xin vâng. Xin vâng Chúa là tình yêu tha thứ. Đón nhận chính Chúa mới thực sự là đón nhận ơn tha thứ.
Chúa ở trong Lời Chúa, ở trong các bí tích, ở trong Hội thánh Chúa và cũng ở trong những con người tốt.
Hiện giờ Chúa đang gửi đến tôi nhiều người tốt. Họ đang cùng với Đức Mẹ giúp tôi đón nhận ơn tha thứ. Xin hết lòng cảm tạ Chúa và Đức Mẹ. Cũng xin cảm ơn những người đang giúp tôi đón nhận ơn tha thứ. Thế là tôi được bình an, hạnh phúc. Alleluia.
16. Ngày nào tôi còn được sống, thì vẫn là một khởi đầu mới cho tôi, để tôi đón nhận ơn Chúa thứ tha. Và như vậy, suốt đời tôi sẽ là một bài ca ngợi khen Chúa. Tôi sẽ cùng với Đức Mẹ dâng lên Chúa tâm tình Magnificat. Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa…(Lc 1,46-56).
Long Xuyên, ngày 06.9.2020