NGÔI SAO TIN MỪNG VƯƠN LÊN TRÊN VÙNG BIỂN DỮ HUYỀN THOẠI

                                                                                                     Giuse  Huỳnh Bá Song

   Chia sẻ bác ái và giúp xây dựng nhà Chúa trên vùng biển đảo nơi tận cùng của đất nước! Lời mời gọi có một sức hút mãnh liệt đối với một cộng đoàn đã quá quen và cũng đã từng gắn bó với biết bao mảnh đời bất hạnh, những xứ đạo truyền giáo vùng sâu vùng xa, những cộng đoàn dân tộc anh em nghèo khó nơi vùng núi cao, hẻo lánh… trong  hành trình đem lửa yêu thương của Thánh Tâm Chúa đến với mọi người: Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu giáo hạt Gò Vấp của Tổng giáo phận Sàigòn.

   Không cần biết đảo xa, biển rộng? Chẳng quan tâm sóng gió trùng khơi! Chỉ cần trao nhau chiếc thư ngỏ của cha xứ Hà Tiên, Giuse Đinh Mạnh Hùng, và cha phụ trách giáo điểm, Giuse Trần Đình Lợi, về một ngôi thánh đường đang được xây dựng trên vùng đất truyền giáo giữa biển khơi với muôn vàn gian khó, hơn bốn năm qua vẫn chưa thể hoàn tất và còn mang món nợ hơn 4 tỷ đồng, chưa biết xoay sở thế nào? Nỗi khó của một giáo xứ vùng biên nghèo khó đã làm rung động những trái tim đã biết uốn lòng theo Trái Tim Chúa – đi ra để được khám phá về một Giáo hội đang chuyển mình vươn ra biển lớn; chia sẻ để được cộng tác thiết thực cho công cuộc loan báo Tin Mừng nơi vùng đất truyền giáo phương Nam vốn vẫn còn quá nhiều khó khăn; cho đi để những đồng tiền của bà góa ít ỏi sẽ trở thành những món quà hèn mọn được dâng lên niềm vui cho Chúa ngày trở về.

   Với tâm tình đó, mặc cho cơn đại dịch vừa tạm trôi qua với những ngày cách ly đầy trăn trở, lo âu; trong một ngày của trung tuần tháng Bảy, 21.07.2020, đoàn chia sẻ bác ái của GĐPTTTCG giáo hạt Gò Vấp đã lại lên đường, với những gương mặt thân thương đủ mọi lứa tuổi, gần như trong các chuyến đi mở lòng chia sẻ phục vụ khắp nơi đều luôn có sự hiện diện. Chuyến đi có được sự đồng hành của cha Giuse Nguyễn Văn Quyền, linh mục chánh xứ Phú Quý (Nha Mân), một giáo xứ nghèo của giáo phận Nha Trang, cũng đang khó khăn xây dựng nhà thờ, mà cộng đoàn ân nhân trên xe đây cũng đã có dịp đến chia sẻ hỗ trợ. Cũng có sự hiện diện của thành viên Ban Chấp hành Tổng giáo phận và đông đủ ân nhân, đại diện BCH các xứ đoàn như mọi khi, nên mỗi chuyến đi luôn là một hành trình hiệp nhất trong yêu thương và phục vụ của cộng đoàn. Con đường Sàigòn về Hà Tiên dài thăm thẳm, nhưng với chuyến đi lần đầu tiên về vùng biển đảo, hứa hẹn sẽ khám phá nhiều điều mới mẻ, thú vị của miền biên viễn phương Nam, nên mọi người  dường như không cảm thấy mệt, cười đùa vui vẻ trong suốt chuyến đi. Duy chỉ có  Trưởng đoàn, ông cố Tôma Nguyễn Hòa Nhã thì hơi khác, trên gương mặt lúc nào cũng phảng phất chút ưu tư và càng gần đến Hà Tiên thì càng lộ nét, cuối cùng ông cố cũng tâm tình thố lộ: “BCH giáo hạt dự kiến năm xứ đoàn vận động ân nhân giúp hai cha chừng trăm triệu, chia sẻ bớt gánh nợ nhưng đến nay trong túi tôi mới quyên được: xứ đoàn Hạnh Thông Tây 15 triệu, xứ đoàn Bến Hải hơn 19 triệu, xứ đoàn Đức Tin hơn 12 triệu, xứ đoàn Vĩnh Hiệp hơn 15 triệu, xứ đoàn Bến Cát hơn 20 triệu; lại được thêm các ân nhân giúp: chị Anna Nguyễn Thị Hiền 10 triệu, chị Maria Nguyễn Thị Hồng Nhung 5 triệu, chị Maria Nguyễn Thị Nở 5 triệu… vị chi còn thiếu khoảng mười lăm triệu, anh thấy mình tổ chức vận động thêm trên xe cho đủ được không? Truyền thống của đoàn thể, trong các chuyến công tác vùng xa thường có những nhu cầu đột xuất và các cuộc vận động tổ chức bất ngờ nhưng có ý nghĩa, thường được các ân nhân trong đoàn ủng hộ hoàn toàn nên tôi đồng ý ngay. Đúng như dự kiến, khi ông cố Tôma trình bày xong thì túi tiền quyên kín đã được luân chuyển ngay, với lời hứa của một ân nhân vô cùng quảng đại và khiêm nhượng:

   – Mọi người cứ giúp, còn thiếu bao nhiêu tôi xin bao chót.

   Và đúng như lời hứa, chưa đầy mười phút sau, số tiền thu được tròn tám triệu và anh chị Giuse Lâm Văn Minh đã gửi ngay phần đóng góp của mình cho tròn đủ, và lúc này mọi người mới nhìn thấy nụ cười nở trên môi ông bà cố Tôma.

   Hà Tiên đón đoàn vào một buổi chiều tà nhạt nắng, với vẻ đẹp ngỡ ngàng của những làn sóng biển lăn tăn vỗ nhẹ vào bờ ven con đường vào thành phố, khiến mọi người ồ lên thích thú. Biển kìa! đẹp làm sao!… Tiếng thốt ra khoan khoái sau một hành trình suốt ngày ruỗi dong trên chặng đường dài hàng trăm cây số xuyên miền Tây đất nước. Trong phòng khách tầng hầm nhà xứ, ông cố Tôma thay mặt đoàn và các ân nhân ở nhà, trao tận tay cha chánh xứ Giuse Đinh Mạnh Hùng món quà ân tình của cộng đoàn, chắt chiu trong thời điểm dịch bệnh đầy khó khăn, như chút tấm lòng chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn của giáo xứ trong việc xây dựng nơi thờ phụng Chúa trên biển đảo xa xôi.

   Cha Giuse xúc động thay mặt giáo xứ Hà Tiên nói chung, cộng đoàn giáo dân giáo họ Phanxico Xavie Hòn Tre trên quần đảo Hải Tặc cách riêng, tri ân những tấm lòng quảng đại của quý ân nhân, đoàn viên GĐPTTTCG giáo hạt Gò Vấp của Tổng giáo phận Sài Gòn, đã không quản đường xá xa xôi, hy sinh vất vả đến chia sẻ gánh nặng của giáo xứ trên bước đường mở rộng Nước Chúa nơi vùng biển đảo. Cha cũng cho biết mọi sự chuẩn bị đưa đón đoàn đi thăm giáo họ F.X Hòn Tre vào sáng mai đã được chuẩn bị sẵn sàng. Bửa cơm tối lần đầu tiên nơi thành phố du lịch biển rất vui, và hình như quá ngon vì những chiếc bụng đã trống rỗng sau một hành trình dài ngút ngàn trên xe đầy vất vả.

   Chiếc tàu cao tốc Minh Nga 2 trang bị như một chiếc phi cơ trên biển, êm ái tách mình rời cảng Thạnh Thới của thành phố Hà Tiên hướng ra biển khơi, mang trên mình hơn bốn mươi tấm lòng đang háo hức bước vào một hành trình đi ra biển lớn… đi để được thấy, đến để được chạm, hiện diện để được khám phá về một câu chuyện cổ tích giữa đời thường; một ngôi sao lung linh đức tin đã mọc lên sáng ngời trên vùng biển đảo, mà cái tên vừa nghe qua đã khiến nhiều người phải rùng mình khiếp sợ: Quần đảo Hải Tặc, trên vịnh Thái Lan.

   Mũi Nai, mũi đất cuối cùng của thành phố biển Hà Tiên xa dần, những chiếc đảo nhỏ với đủ loại vóc dáng hình thù như những chú cá voi, những con rùa biển, những cây nấm… đang dần hiện ra trên mặt biển phẳng lặng, như báo hiệu cho mọi người tàu đang đi vào quần đảo huyền thoại, mà đầu thế kỷ 19 vẫn còn là nỗi ám ảnh, kinh sợ của giới thương buôn khắp nơi rong ruổi trên những con tàu hướng về Hà Tiên buôn bán. Quần đảo Hải tặc nằm trên trục đường biển từ Hà Tiên ra đảo ngọc Phú Quốc, bao gồm mười sáu hòn đảo lớn nhỏ quần tụ bên ngoài, cách cửa biển Hà Tiên chừng hơn hai mươi cây số. Cách đây hơn ba thế kỷ, khi Mạc Cửu, một thương nhân trẻ người Hán, do âm mưu phản Thanh phục Minh bị thất bại đã kéo hết gia đình, tùy tùng bỏ chạy về phương Nam và đã đến đây, chọn đất Hà Tiên hoang vắng, biển đảo chập chùng vốn là vùng đất của Thủy Chân Lạp, làm nơi nương náu. Với mối quan hệ rộng khắp, tầm nhìn xa rộng và tài kinh doanh năng động; ông đã biến Hà Tiên trở nên một nơi giao thương quốc tế, một vùng biên trấn trù phú quy tụ nhiều thương nhân, với những đoàn tàu mang theo nhiều sản vật quý giá đến mua bán trao đổi ngày càng phồn thịnh. Vùng biển này cũng nằm trên tuyến đường thương mại quan trọng với những đoàn thương thuyền hùng hậu,  vận chuyển hàng hóa từ các nước châu Á sang các nước phương Tây và ngược lại… và chính đó cũng là nguồn gốc của những sự bất an, nguy hiểm, chết chóc, mà vùng đất này đã phải gánh chịu một thời gian dài. Ngay từ đầu thế kỷ 17, bọn cướp biển trên vùng vịnh Thái Lan đã chọn những hòn đảo hoang của khu vực quần đảo bao quanh cảng biển Hà Tiên làm nơi ẩn náu để tấn công, cướp bóc những chiếc thương thuyền đầy ấp sản vật quý giá từ khắp nơi đổ về đây. Không chính quyền, không quân đội, không phương tiện bảo vệ, tuy sau này Mạc Cửu đã tìm về thần phục nhà Nguyễn để mong được bảo vệ và đã được phong tước hiệu, nhưng vùng biên trấn quá xa triều đình này suốt hơn ba thế kỷ sau vẫn chưa hề được bình yên; những hòn đảo hoang vẫn là những căn cứ địa an toàn của bọn thảo khấu mặc sức tung hoành cho mãi đến tận đầu thế kỷ 19, để danh xưng quần đảo Hải Tặc đã trở nên một địa danh xác định cụ thể trên tấm bản đồ của đất nước cho đến ngày nay.

   Hòn Tre là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Hải Tặc, sau khi hoạt động cướp biển năm xưa đã trở thành quá khứ, là nơi mà những ngư dân đánh bắt gần bờ thường chọn làm nơi dừng chân sau những chuyến đánh bắt xa bờ, và sau này đã dần có người chọn ở lại để sinh sống. Đến năm 1957, để phục vụ cho những gia đình ngư dân Công giáo nghèo, đã rời bỏ đất liền chọn vùng đảo hoang làm chốn dung thân, các ngôi nhà nguyện đơn sơ đã được xây dựng trên hai đảo lớn là Hòn Tre và Hòn Giang, nhưng sinh hoạt mục  vụ còn rất đơn sơ vì đi lại quá khó khăn, hàng tháng trời mùa biển êm mới có cha từ giáo xứ Hà Tiên ra làm lễ và ban các Bí tích… nhìn chung đời sống đạo của cộng đoàn do không được thường xuyên chăm sóc, không kinh nguyện, thiếu lễ lạc, nên lòng đạo dần phai nhạt. Năm 2012, một linh mục trẻ vừa được phong chức, cha Giuse Trần Đình Lợi, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ đã can đảm tình nguyện ra vùng đất hứa cho công cuộc truyền giáo, đã choáng ngộp với cuộc sống hoang dã bốn không của người Kitô hữu nơi đảo hoang dành cho cha phụ trách giáo điểm: Không điện, không nước, không nhân sự cộng tác, không niềm tin của chính quyền… và còn một cái không thử thách cho lòng kiên trì, sức chịu đựng của cha: Không nhà ở. Ngôi nhà nguyện nhỏ nhoi ven vách núi chỉ có dăm mét vuông, vừa đủ cho ông linh mục trẻ loay hoay vào bàn thánh, nào bục giảng và một góc nhỏ treo áo lễ, không gian còn lại là chục chiếc ghế gỗ ọp ẹp dành cho cả cộng đoàn giáo dân. Cha Giuse tâm sự: “Hơn tám năm trời ra đảo, hầu như cha chỉ tạm trú trong nhà ông Chánh cựu cạnh nhà thờ; ban ngày đi lo việc mục vụ, dạy giáo lý, gỡ rối các gia đình… Đêm về chỗ nghỉ là chiếc võng dù giăng ở hàng cây ven biển để có được làn gió mát và cũng để đón muỗi rừng vi vu như sáo thổi; vì trong nhà tối đến người đông, nhà nhỏ quá nóng bức, ồn ào… hậu quả cho đến giờ, các khớp cổ, khớp lưng đều sơ cứng vì bị vôi hóa”.

   Nhưng nỗi ưu tư lớn nhất của người linh mục trẻ không chỉ ở đời sống của người dân nơi đây còn quá khó khăn, nghèo khổ, cơ sở vật chất thiếu thốn…  mà chính sự thiếu vắng chăm sóc thường xuyên của Giáo hội thời gian dài, đã làm cho đời sống đạo của cộng đoàn giáo dân trên các đảo dần mai một, trong cuộc sống phải lo kiếm ăn từng ngày còn quá nhiều gian nan vất vả.  Vắng Chúa, bỏ lễ, quên nhà thờ là chuyện thường ngày… hơn phân nửa số gia đình Công giáo rối rắm, nhà cửa không bàn thờ, kinh nguyện giáo lý quên sạch là chuyện đương nhiên… đến mức cha Giuse đã có một nhận định nửa đùa nửa thật nghe rất đau lòng: “… ngay chính các đời ông Chánh ở đây, có ông nào đọc được hết kinh Lạy Cha, chặt đầu cha cũng chịu…”, có lẽ các ông Chánh quá thương vị mục tử nhân lành, sợ cha Giuse sớm tử đạo nên đến nay kinh nguyện vẫn còn ngắc ngứ… và đó chính là lý do cha Giuse đã quyết định gắn bó cuộc đời mục vụ của mình với cộng đoàn giáo dân trên biển đảo, với phương châm: xây dựng đền thờ tâm hồn trong các gia đình, trước khi xây dựng ngôi thánh đường cho cộng đoàn hôm nay.

   Hơn tám năm nay, cha Giuse hết là ông linh mục lo làm lễ, dạy giáo lý cho tân tòng, chăm sóc các đôi hôn phối, gỡ rối cho các gia đình, … là giáo lý viên cho các em thiếu nhi trước đây chưa một lần được vào nhà thờ để học giáo lý. Mỗi tháng, hết Hòn Tre lại Hòn Giang, cởi bè, chạy xuồng máy một mình rong ruổi vượt biển theo từng con gió; gió nồm biển lặng đi còn thuận lợi, gió bấc phải đi cách khác, vòng đảo tránh luồng sóng dữ và việc chìm xuồng, lặn hụp một mình vào bờ không chỉ là điều hiếm, và điều này đối với cha đơn giản chỉ như là một công tác mục vụ bổ sung. Đời sống các gia đình giáo dân nơi đây phần lớn là di dân từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung và cả Việt kiều Campuchia… hầu hết quá nghèo không vốn liếng, chỉ biết đi làm thuê, làm mướn nên điều kiện học hành, chữ nghĩa gần như bằng không, trẻ em học chưa xong cấp I đã vội ở nhà giúp cha mẹ đi biển kiếm con tôm, con cá, nên kinh nguyện, giáo lý hỏi đến chỉ biết ngẩn ngơ như  trên trời vừa rơi xuống. Cha Giuse phải tất cả làm lại từ đầu, Thánh lễ dần dà đã có ca đoàn, người xướng kinh… các Bí tích đã được khôi phục dần đi vào đời sống đạo của các gia đình; các lớp giáo lý đã được mở ra cho mọi người, để rồi các Thánh lễ đã dần đi vào nề nếp với đông đủ thành phần dân Chúa trên đảo tham dự.

   Xây dựng đền thờ tâm hồn tạm ổn thì ngôi nhà nguyện được xây dựng cách đây hơn 50 năm, đã dần quá tải và xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ sụp đổ trước thời tiết khắc nghiệt miền biển mưa bão bất thường, nên cả hai cha Giuse phải bắt đầu bước vào cuộc chiến mới, viết nên một câu chuyện cổ tích giữa đời thường giữa vùng biển đảo hoang sơ, xây dựng một ngôi thánh đường kiên cố, khang trang, nổi lên giữa vùng quần đảo một thời khiếp sợ lòng người. Năm 2015, đánh dấu một bước khởi đầu mới cho giáo họ Phanxicô Hòn Tre, từ một khu đất phải chuyển nhượng với rất nhiều gian truân, rối rắm, tốn kém, trên một đỉnh đồi được san phẳng, một ngôi nhà thờ Hòn Tre mới bắt đầu được hình thành với bao khó khăn, gian lao, thiếu thốn được đặt trên vai cha phụ trách giáo họ Giuse Trần Đình Lợi. Vừa phải chu tất các sinh hoạt mục vụ cho cộng đoàn giáo dân ở hai đảo Hòn Tre, Hòn Giang; vừa phải chạy lo thiết kế, phép tắc, điều hành việc xây dựng, mà mọi máy móc, phương tiện thi công, vật tư xây dựng, thầy thợ nhân công… đều phải chuyển từ Hà Tiên ra, với chi phí thường gấp ba lần điều kiện thực hiện trong đất liền. Khởi đầu bằng bàn tay trắng vì sự đóng góp của giáo dân trên đảo thực tế chỉ là trắng tay; bằng lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa qua sự chuyển cầu của vị Thánh truyền giáo Phanxico Xavie; tất cả kinh phí đã được hiến dâng bằng những đồng tiền ‘bà góa’ của các ân nhân khắp nơi, mà cha Giuse đã phải suốt bốn năm trời chạy đi chạy lại, thực thi một công tác mục vụ mà chưa có chủng viện nào hướng dẫn: Xin đón nhận lòng quảng đại của cộng đoàn nơi các nhà thờ, đóng góp cho công cuộc truyền giáo đầy thử thách nơi vùng biển khơi này. Đến nay, ngôi thánh đường mới hình hài đã hoàn thành như thiết kế, dự kiến đến tháng 12 năm nay sẽ khánh thành, nhưng giờ đây trong lòng nhà thờ mọi trang thiết bị sinh hoạt vẫn còn trống không: không tượng ảnh, không bàn ghế, không âm thanh, ánh sáng… với món nợ gần 4 tỷ còn phải trả, nhưng cha Giuse vẫn khiêm nhượng tín thác – mọi việc từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ ở tay Chúa , cha chỉ xin anh chị em hãy thêm lời cầu nguyện để cha được bền đỗ sứ vụ tông đồ mà Chúa trao ban cho cha; để ngôi thánh đường của giáo họ Phanxicô Xavie Hòn Tre sẽ trở nên là một ngôi sao đức tin, rạng ngời trên vùng biển đảo truyền giáo đất phương Nam này. 

   Từ biển xa, khi tiến vào Hòn Tre nơi ven đảo giữa hai đỉnh đồi cao vút, ẩn hiện qua hàng cây xanh một ngôi nhà thờ hai tầng trang nhã nền lam thẩm, mái ngói đỏ tươi thắm với ngọn tháp màu vàng cam, mang trên đỉnh ngọn cây Thánh giá trắng tinh cao vút; nổi bật trên nền lá xanh rừng của đảo, trông như một ngôi sao sáng đang từ  đáy biển khơi trồi lên trên mặt biển rộng bao la – Ngôi sao TIN MỪNG vươn lên từ vùng biển dữ huyền thoại năm xưa. Với người giáo dân, nhất là giới trẻ, đây quả là một TIN MỪNG, vì ngôi nhà thờ mới hôm nay sẽ mang đến một sự lột xác, đổi thay trong đời sống đạo vốn quá nhiều thiếu xót năm xưa. Niềm tin Công giáo đã được trang bị cho giới trẻ, kết nối với cơ sở vật chất đã và đang được trang bị hoàn thiện, hiện đại… sẽ giúp cộng đoàn tự tin hơn trong hành trình theo Chúa… đối với cư dân trên đảo và ngay cả các thành viên của chính quyền địa phương cũng công nhận đây cũng là một TIN MỪNG, vì ngôi thánh đường với vẻ đẹp bề thế, hiện đại, xứng đáng là một công trình xây dựng, giúp nâng tầm giá trị đời sống văn hóa, nhất là phát triển kinh tế của cư dân đảo Hòn Tre, vì kể từ bây giờ du khách ngoài việc ra đảo để du lịch, tắm biển… còn có một công trình hành hương tâm linh xinh đẹp để thăm viếng, tham quan, cầu nguyện…

   Bửa tiệc trong đêm chia tay trên sân nhà thờ lung linh ánh sáng, khuôn viên ngôi thánh đường như vì sao rực rỡ chiếu soi cho vùng biển đảo ẩn hiện mờ tối xa xa. Cha Giuse xúc động chia sẻ với mọi người hành trình bước đi gieo rắc Tin Mừng của đời mình trên vùng biển đảo; với hồi ức những niềm vui, nỗi buồn được chia sẻ như tâm tình với những người thân. Mái tóc đã dần điểm sương vẻ nên những vết hằn năm tháng trên gương mặt của người linh mục trẻ năm xưa, nhưng tâm hồn vẫn ánh lên một niềm vui dào dạt – được hội ngộ, được gặp gỡ, được chia sẻ hạnh phúc với những ân nhân, với những người tông đồ của Trái Tim Chúa phương xa đang quy tụ về đây, để được cùng nhau họp thành những vì sao, âm thầm thắp sáng lên ngôi sao đức tin trên vùng  đảo dữ huyền thoại năm xưa.

[slideshow_deploy id=’5693′]