Xin giới thiệu đến quý vị phần tiếp theo của bài viết Hành Trình Đức Tin, phần 3, của tác giả Giuse Huỳnh Bá Song.
Phần nội dung trình bày tiếp về chuyến hành trình xuyên Á, viếng thăm di tích Các Thánh Tử Đạo tại Huế – Lào – Thái Lan, từ ngày 25 đến 31.08.2018, trong Năm Thánh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 2018.
Giuse Huỳnh Bá Song
Rời đền Thánh Tôma Thiện, chiếc xe đưa đoàn vượt con sông Thạch Hãn đang vào mùa khô dòng nước cạn kiệt chảy hiền hoà, để trở lại thành phố Quảng Trị, thăm lại di tích cổ thành máu lửa năm xưa với hàng vạn con người chiến binh hai phía đã ngã xuống cho một thành cổ tan hoang, sau hơn tám mươi ngày đêm tranh giành khốc liệt, trong mùa hè đỏ lửa năm 1972, giờ đây chỉ còn là một phế tích lặng lẽ, hoang sơ. Đây là chiếc cổ thành của quân triều đình nhà Nguyễn năm xưa bị quân phong trào Văn Thân chiếm giữ ngày 6/9/1885, để rồi từ đây đã xảy ra cuộc bách hại dã man gần nghìn người Công giáo của giáo xứ Trí Bưu (tên xưa là Địa sở Cổ Vưu với những họ nhánh cũng bị bách đạo như Hạnh Hoa, Tri Lễ, Ngô Xá, Đá Hàn, Chợ Sải…), một trong những chứng tích lịch sử đã góp phần vào cuộc di tản của những người Công giáo Việt Nam vượt dãy Trường Sơn chạy về phía Tây, xây dựng nên những cộng đoàn tiên khởi hình thành nên nền tảng Giáo hội Lào và cả của Giáo hội Thái Lan.
Con đường 9 Nam Lào khởi đầu từ ngoại ô thành phố Quảng Trị đi từ Đông sang Tây là một trong những con đường xuyên biên giới giữa hai nước Lào-Việt được xây dựng và có cảnh quan thiên nhiên đẹp nhất nối liền hai tỉnh Quảng Trị và Savanakhet của Lào. Trên con đường, có những đoạn chạy cắt ngang con đường Đông Trường Sơn nhỏ bé, thô sơ với những địa danh nỗi tiếng khốc liệt thời chiến tranh năm xưa, lần lượt chạy qua: Dốc Miếu, Charlie, Khe Sanh, Làng Vei… giờ đây chỉ là những thị trấn, làng mạc ven đường đậm nét bình dị, mộc mạc hiền hoà như muôn vàn khu vực dân cư miền núi trong cả nước với cuộc sống còn nhiều gian lao, vất vả. Quá trưa, vượt hơn trăm cây số đường đèo dốc, đoàn đã có bữa cơm đầu tiên trên đất nước Lào, sau khi bỏ lại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo nằm lại sau lưng. Với những người lần đầu sang Lào thì cảm giác khẩu vị thức ăn không phù hợp lắm, trừ món nếp nướng và gà nướng còn tương đối dễ nuốt, nhưng nói chung nhập gia phải tùy tục, có cơm ăn là may mắn lắm rồi. Xế chiều, đoàn vào đến thành phố có biễu tượng khủng long – Savanakhet (nơi đây khảo cổ học khám phá có nhiều hoá thạch xương khủng long thời tiền sử nằm rải rác trong tỉnh), đến thăm ngôi nhà thờ cổ của thành phố hiện do cha Pet Savan Tình, một hậu duệ của những người giáo dân Quảng Bình bị phong trào Văn Thân bách đạo năm xưa chạy sang và định cư nơi đây làm cha xứ, nhưng rất tiếc cha đi mục vụ trong họ lẻ không có nhà. Thánh lễ đồng tế của đoàn trong ngôi nhà thờ cổ Savanakhet còn có sự hiện diện của cha phụ tá giáo xứ Phêrô Võ Hải Điền, một linh mục thừa sai của Giáo hội Việt Nam sang học tập và giúp xứ từ lúc còn là thầy và vừa được Giáo hội Lào phong chức vào năm 2017.
Đêm đầu tiên trên đất khách, đoàn được công ty du lịch bố trí nghỉ trong khách sạn 5 sao Las Vegas Savanakhet Casino khá sang trọng nhưng hai ngày hành trình viếng các thánh tích tử đạo tại Việt Nam và gần bốn trăm cây số đường đèo núi vượt biên giới sang đất nước Lào, đã hút hết khá nhiều năng lượng của mọi người, nên tuy háo hức nhưng hầu như sau bửa cơm chiều, tất cả đều đã về phòng ngủ say.
Buổi Buffet sáng trong khách sạn Las Vegas Savanakhet Casino khá ngon và rất nhiều món thích hợp khẩu vị, nên mọi người trong đoàn tranh thủ bồi dưỡng lấy lại sức khá chu đáo. Ngủ đêm trong khách sạn Casino quốc tế nhưng nhờ mù tịt về các trò đánh bạc, nên may mắn cho đoàn không ai phải ở lại làm ôsin thế thân, mà giờ đây đang thoải mái ghi ảnh cùng những chú voi bêtông khổng lồ là biểu tượng của đất nước Vạn voi (Vạn Tượng) và cũng là biểu tượng của Las Vegas Savanakhet Casino. Bảy giờ sáng, cửa khẩu làm việc thì các thành viên của đoàn cũng là những người khách du lịch đầu tiên làm thủ tục, và nhờ công ty du lịch Thái Sơn thường xuyên tổ chức đoàn sang đây khá quen biết, nên thủ tục cho đoàn đã được chị San hướng dẫn viên du lịch người Lào lo đóng dấu trước từ chiều hôm qua, và sáng nay chỉ tập trung chờ xe đưa sang cầu biên giới Hữu nghị 2 để sang Thái Lan.
Chiếc cầu biên giới Hữu Nghị 2 băng ngang dòng sông Mekong rộng lớn nối liền hai tỉnh Savanakhet của Lào với tỉnh Mukdahan của miền Đông-Bắc Thái Lan. Qua đến giữa cầu điều ngạc nhiên đã đến với mọi người vì chiếc xe đã phải chuyển làn, đang đi bên phải đường thì giờ phải đổi lại chạy sang trái vì giao thông của Thái Lan chịu ảnh hưởng theo quy định chung của khối Liên hiệp Anh (xe tay lái nghịch). Tháp Ngọc của thành phố Mukdahan đón chúng tôi với gương mặt nham nhở, đầy những thanh tre giàn giáo xếp ngang dọc và công nhân khuân vác vật liệu xây dựng đi lại nhộn nhịp, bề bộn. Đoàn đành phải bỏ lỡ việc tham quan một ngọn tháp là một công trình văn hoá đặc sắc, giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển qua nhiều giai đoạn của thành phố Mukdahan với nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật nhất là những công cụ lao động, những mô hình diễn tả sinh hoạt cổ xưa của thành phố này. Đáng tiếc vì đây là một ngọn tháp đẹp, rất đáng tham quan nhất là có dịp được đi thang máy lên đến đỉnh tháp, có thể quan sát toàn bộ hình ảnh sinh hoạt của toàn bộ thành phố, cũng như có thể thấy cả thành phố Savanakhet của Lào xa xa bên kia con sông biên giới.
Chúng tôi đành giả từ tháp Ngọc hẹn lại kỳ sau và nhanh chóng vào thành phố Mukdahan dùng bửa trưa dã chiến trong siêu thị Bib C, thay vì ăn cơm với cộng đoàn giáo dân làng Công giáo Songkhon như đã dự định, vì theo ý cha Đaminh, những lần trước họ chỉ đến theo đề nghị của cha sở để phục vụ cho đoàn là chính, nên ăn ở đây tuy vẫn trả tiền nhưng thực tế dễ gây phiền phức cho cộng đoàn vì người giáo dân Thái, trừ khi giáo xứ có lễ lạc, họ ít có sinh hoạt phục vụ chung tại giáo xứ. Thôi đành vậy, vào siêu thị có máy lạnh mát mẻ để ăn cơm cũng không đến nỗi nào và mỗi người được nhận một ticket ẩm thực trị giá 100 bath, khuyến mãi thêm 20 bath, nhưng phải mua thức ăn hết chứ không được nhận lại tiền thừa như những lần ghé trước, và bây giờ mới phát hiện các cửa hàng của Thái cũng gian dối như rươi. Lợi dụng tiền trả được trừ trong thẻ ít người để ý, thế là họ cứ trừ tiền thoải mái, mua một tô mì giá 45 bath thì hoá đơn thanh toán đưa lại tiền thừa chỉ còn 65 bath thay vì phải 75 bath và nếu mua lần thứ hai món gì chừng 4-50 bath nữa thì số tiền còn lại kể như bỏ luôn. Nhiều người nhờ hướng dẫn viên đến quầy khiếu nại thì họ giải thích vòng vo một lúc đủ thứ rồi kể như xong. Thôi thì cũng là một bài học kinh nghiệm về khuyến mãi.
Rời thành phố Mukdahan, đoàn đi về làng Công giáo Songkhon cách thành phố chừng 40 Km, con đường vào làng kể từ khi có đền Thánh tử đạo đã được mở rộng và xe cộ nhộn nhịp hơn xưa. Cha chánh xứ Pet Charayang cũng là cha giám đốc trung tâm đền Các Thánh Tử Đạo Songkhon của Tổng giáo phận Tharea Nongseang (Our Lady of Martyrs of Thai Lan Shrine of Tharea Nongseang) do đã được cha Phêrô Điền báo trước nên xe vừa đến cha đã ra nhà khách đón đoàn. Như các cha xứ tiền nhiệm, cha cũng là một linh mục của Giáo hội Thái gốc Việt (hơn 90 % linh mục, tu sỉ Giáo hội Thái Lan đều có nguồn gốc Việt Nam), có cha và mẹ đều là người Việt, nhưng rất tiếc, cha không nói được tiếng Việt. Đây là hậu duệ của những gia đình Công giáo Việt Nam, bị bách đạo từ thời Văn Thân, đã rời bỏ quê hương băng rừng vượt dãy Trường Sơn sang đất nước Lào để giữ vẹn đức tin, quy tụ thành những cộng đoàn Công giáo nhỏ sống rải rác trên đất nước Lào hàng trăm năm qua. Khi hiệp ước phân chia lãnh thổ nhượng địa của hai chính phủ Anh và Pháp vào đầu thế kỷ 19 (1905) được thực hiện, một phần đất của Lào nằm về bên hữu sông Mekong (16 tỉnh) được người Pháp giao về cho Anh (đang cai trị Thái Lan) nên mặc nhiên những cộng đoàn Kitô hữu này đã trở thành người dân Thái bất đắc dĩ và gần trăm năm qua, họ vẫn cố gắng giữ vững đức tin Công giáo ngay trên đất nước mà Phật giáo là quốc giáo, với những điều kiện sống đạo vô cùng khắc nghiệt, mà việc họ không nói được tiếng Việt cũng phát xuất từ những qui định cấm nghiêm ngặt này của chính quyền Thái lúc bấy giờ.
Mặc cho cơn mưa rào giữa trưa làm đường xá ướt sủng và mây đen vẫn còn vần vũ trên không, cha Pet Chareyang ra hiệu cả đoàn theo cha đi nhanh ra khu nghĩa trang của giáo xứ, nơi chịu phúc tử đạo của các Chân phước Thái Lan. Nơi đầu cổng nghĩa trang, trên một khu đất hình tròn, bề mặt là một thảm cỏ xanh mướt được nâng cao hơn bề mặt nghĩa trang với tượng Chúa Phục sinh, nơi trung tâm chính là nơi các Chân phước bị hành hình năm xưa và giờ đây cũng là nơi an nghỉ cuối cùng thân xác của họ nơi cuộc sống trần thế này. Khúc gỗ tròn, nơi bọn cảnh sát chọn làm điểm tựa để lần lượt các Chân phước quỳ trên đó cho chúng nổ súng giờ đã được xây một nền bêtông bao quanh, tránh việc mọi người trước đây khi đến viếng thường cố gắng đến tách những mãnh vỏ cây đem về để thờ phụng như một thánh tích thiêng liêng. Cha Pet với sự hổ trợ thông dịch của cha Phêrô Điền sau phần kinh cầu của cộng đoàn đã bắt đầu giới thiệu về hành trình tuyên xưng đức tin của các Chân phước tử đạo Thái Lan:
Songkhon là một làng Công giáo lâu đời của Giáo hội Thái Lan, nơi mà Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô đã được phổ biến cách đây hơn 350 năm, và sự phát triển khá khó khăn ở một quốc gia mà Phật giáo được xem là quốc giáo. Sự việc xảy ra vào năm 1940, thời điểm mà chủ nghĩa phát xít phát triển mạnh và gây ra chiến tranh ở cả châu Âu và châu Á. Tại Thái Lan, bầu không khí chiến tranh trên các châu lục lan đi nhanh chóng tạo nên sự sợ hải, bất an trong chính quyền và người dân, và từ đó họ không còn tỏ ra thân thiện với người Công giáo, một tôn giáo ngoại lai nên họ bắt đầu một cuộc đàn áp tôn giáo. Vì vậy, mùa Đông năm 1940, cảnh sát đã đến làng Songkhon và hành động thù địch đầu tiên của họ là trục xuất các linh mục giáo xứ, cấm giáo dân không được tín ngưỡng Chúa Giêsu Kitô. Mọi người đều tỏ ra lo lắng, sợ hãi. Sống trong làng có hai sơ dòng Mến Thánh Giá: Sơ Agnes và sơ Lucia, ngoài ra còn có một giáo lý viên nhiệt thành: Ông Philip Siphong. Kể từ khi các linh mục bị đuổi đi, họ chính là những người cảm thấy phải có trách nhiệm với cộng đồng Công giáo trong giáo xứ. Họ đã ở lại tích cực cầu nguyện, đến thăm trấn an, duy trì sinh hoạt củng cố đức tin cho mọi người. Cảnh sát rất tức giận với hành động nổi loạn, đi ngược lại lệnh cấm này của chúng nên quyết định trừ khử ông Philip Siphong trước. Đầu tháng 12 năm 1940, cảnh sát Mukdahan gửi một bức thư yêu cầu ông đến trình diện tại văn phòng cảnh sát Mukdahan. Mọi người nghi ngờ đây là âm mưu muốn trừ khử ông của cảnh sát và khuyên ông đừng đi. Tuy nhiên người giáo lý viên can đảm này đã nói với mọi người rằng nếu đúng như vậy thì ông sẽ có thể bị giết vì đức tin của mình. Quả thật, ngày 16/12/1940, người giáo lý viên kiên định đức tin đã bị bọn cảnh sát đưa vào rừng và bắn chết ông ta. Philip Siphong đã trở thành người đầu tiên chết vì đức tin của mình trong số bảy Anh hùng Tử đạo của Thái Lan.
Khi hay tin người giáo lý viên của giáo xứ đã bị cảnh sát bắn chết, cả hai sơ đều rất buồn và lo lắng. Mặc dù vậy, họ vẫn tiếp tục chăm lo cho ngôi trường giáo lý và hướng dẫn, chăm sóc cộng đoàn. Hằng ngày bọn trẻ vẫn tiếp tục đến trường để học chữ và học giáo lý. Biết tin, bọn cảnh sát đã đến làng nổ súng chỉ thiên và quát tháo dân chúng và đem cái chết của người giáo lý viên ra hù doạ mọi người nhất là với hai sơ. Vào ngày lễ Noel năm 1940, ông Lue, viên sĩ quan cảnh sát phụ trách khu vực Songkhon đến nhà các sơ và phát hiện các sơ vẫn còn tiếp tục dạy cho bọn trẻ về đức tin Công giáo. Hắn tức giận quát mắng các sơ yêu cầu không được nói về Chúa Giêsu nữa, ở Thái Lan không có Chúa! nếu không chúng sẽ giết hết mọi người. Đáp lại lời hăm doạ của viên sĩ quan, sơ Agnes, người đứng đầu cộng đoàn đã mạnh dạn xác tín: “Chúng tôi sẵn sàng dâng hiến cuộc sống này cho Đức Chúa Trời, Đấng đã ban sự sống cho chúng tôi! Tôi yêu cầu ông hãy thực hiện mệnh lệnh đi. Hãy mở cửa Thiên đàng cho chúng tôi, vì chúng tôi khẳng định rằng không có đức tin ở Đức Kitô thì không ai đến được Thiên đàng. Hãy làm đi! chúng tôi đã chuẩn bị xong rồi. Khi ra đi chúng tôi sẽ nhớ đến ông. Hãy thương xót cho linh hồn của mình, chúng tôi rất biết ơn ông. Và vào ngày cuối cùng, chúng ta sẽ mặt đối mặt với nhau!”. Rồi ngước mắt lên trời, sơ Agnes dâng lời cầu nguyện: “Chúng con xin vâng theo mệnh lệnh của Ngài. Ôi Đức Chúa Trời! chúng con ước ao trở thành chứng nhân cho Ngài. Hỡi Đức Chúa Trời kính yêu!” Rồi nhìn thẳng vào mặt viên cảnh sát, sơ xác định: “Chúng tôi gồm: Agnes, Lucia, Phutta, Budsi, Buakhai, Suxan. Chúng tôi cũng muốn mang theo Phuma bé nhỏ vì chúng tôi rất yêu thương nó. Chúng tôi dứt khoát rồi, thưa ông cảnh sát !”.
Bọn cảnh sát đã phản ứng một cách nhanh chóng. Vào chiều ngày 26/12/1940, trong lễ kính Thánh Stephen, vị Thánh tử đạo đầu tiên của Giáo hội. Bọn cảnh sát đã kéo đến nơi giam giữ và quát lên: “Đã sẵn sàng chưa, các sơ? Nếu đã sẵn sàng hãy tiến thẳng ra bờ sông Mekong!” Chúng định bắn mọi người rồi xô xuống sông để phi tang. Nhưng sơ Agnes đã đáp lại: “Không! Đó không phải là nơi để chúng tôi chết cho Đức Kitô. Chúng tôi phải ra nghĩa trang. Đó là nơi Thánh!”.
Trên đường từ nơi giam giữ ra nghĩa trang, họ vẫn hát Thánh ca và từ biệt mọi người dân làng đã bị bọn cảnh sát bắt ra đứng hai bên đường, để chứng kiến chúng hành hình những người không tuân giữ lệnh cấm của chúng, vẫn rao giảng về Chúa Giêsu Kitô trên đất nước Thái Lan… “Xin tạm biệt mọi người, chúng tôi sẽ lên Thiên đàng, chúng tôi sẽ trở thành những người chết vì Đức Kitô”. Những nữ tu dũng cảm và khiêm nhu này nhắc chúng ta một lần nữa về những vị Thánh tử đạo ở Rome thời xưa, họ vui mừng bước vào thập giá Tình yêu của Chúa Giêsu Kitô. Ra đến nghĩa trang, những người phụ nữ can đảm này quỳ xuống bên cạnh một gốc cây gỗ. Họ tiếp tục cầu nguyện và hát Thánh ca một cách mạnh mẽ. Cầu nguyện xong, sơ Agnes bảo viên cảnh sát: “Ông có thể giết chúng tôi nhưng ông không thể tiêu diệt Hội Thánh và ông không thể giết Đức Chúa Trời. Một ngày nào đó Hội Thánh sẽ quay lại Thái Lan và lan tràn khắp nơi. Ông sẽ được tận mắt chứng kiến những điều tôi vừa nói, những điều đó sẽ trở thành sự thật. Chúng tôi cám ơn ông chân thành vì ông đã giết chúng tôi để chúng tôi được lên Thiên đàng. Nơi đó chúng tôi sẽ cầu nguyện cho ông”.
Rồi sơ quay sang những người đồng hành: “Hỡi những người bạn thân của tôi, chúng ta sẽ được lên Thiên đàng. Vì trên thập giá Chúa Giêsu đã nói với người trộm lành: “Hôm nay, ngươi sẽ ở với Ta trên Thiên đàng” (Luca 23:43). Khi tất cả đã sẵn sàng, sơ lại nói với cảnh sát: “Ông cảnh sát, chúng tôi đã sẵn sàng, hãy làm nhiệm vụ của các ông”. Lập tức bọn cảnh sát nổ súng, những chứng nhân Tin Mừng của Chúa đã ngã xuống trong tiếng quát tháo của bọn cảnh sát trước khi bỏ đi: “Hãy chôn bọn chúng như những con chó, vì bọn chúng là kẻ xấu”. Dân làng chỉ biết chứng kiến từ xa, nhìn cảnh tượng ấy qua những bụi rậm. Cuối cùng sáu người phụ nữ dũng cảm đã chết và dân làng đã chôn cất họ một cách vội vã, cứ hai người một quan tài, vì họ không đủ thời gian để đóng quan tài.
Rất nhiều nhân chứng, kể cả những người dự phần vào việc chôn cất hiện nay vẫn còn sống. Họ rất tự hào và biết ơn khi nhớ lại sự kiện này, những con người anh dũng, trung tín với Đức Kitô, và đức tin tuyệt vời đã được bày tỏ vào ngày đáng nhớ ấy, ngày 26 tháng 12 năm 1940 bởi những Anh hùng Tử đạo của làng Songkhon. Cuộc truy bức Kitô hữu vẫn tiếp diễn thêm 4 năm, sau đó Thái Lan được phép tự do tôn giáo. Năm 1988, hồ sơ của 7 vị Tôi tớ Chúa được đệ trình lên Đức Giáo hoàng John Paul II và ngày 22 tháng 10 năm 1989 tại thánh đường Thánh Peter, Đức Giáo hoàng đã tuyên đọc danh sách 7 vị Tôi tớ Trung tín của Đức Chúa Trời:
- Thánh Philip Siphong, giáo lý viên, 33 tuổi.
- Thánh nữ tu Agnes Phila, 31 tuổi.
- Thánh nữ tu Lucia Khambang, 23 tuổi.
- Thánh nữ Agatha Phutta, 59 tuổi.
- Thánh nữ Cecilia Butsi, 16 tuổi.
- Thánh nữ Bibiana Khamphai, 15 tuổi.
- Thánh nữ Maria Phorn, 14 tuổi.
Cha Pet Chareyang kết thúc lời giới thiệu phúc tử đạo của 7 Chân phước Thái Lan trong niềm thành kính tri ân của cộng đoàn. Lạy các vị Thánh tử đạo đáng kính, chúng con được hạnh phúc đến nơi đây, nơi các vị đã dùng cái chết anh dũng của mình để làm chứng cho đức tin mạnh mẽ nơi Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của các vị đối với Hội Thánh, quý vị đã quyết lòng dù chết hay sống đều đem lại vinh hiển cho Đức Chúa Cha. Xin quý vị chuyển cầu đến Đức Chúa Trời ban phúc lành để chúng con biết học hỏi, kiên định và sống đức tin như gương của các ngài mà chúng con được chứng kiến hôm nay nơi đây. Amen.
Đoàn đã rời nghĩa trang Songkhon đi về trung tâm các Thánh tử đạo Thái Lan nằm bên bờ sông Mekong để dự Thánh lễ viếng các Chân phước trong đền thánh. Cơn mưa cuối mùa nặng hạt kèm theo những cơn gió giật ầm ào tuôn đổ, như muốn gợi nhớ nơi mọi người tâm tình mưa bão sóng gió của vùng đất bị bách đạo năm xưa, đã sản sinh ra những người anh hùng bất tử, đã vượt qua gian khó bằng những giọt máu đào của chính mình để tô điểm cho một đức tin vẹn toàn của người Công giáo Thái Lan, để Giáo hội của họ được tồn tại và phát triển như ngày hôm nay.
Sáng hôm sau, đoàn có dịp đến dự Thánh lễ trong nhà thờ chánh toà giáo phận Udon Thani và có dịp ghé thăm những hoa quả đức tin của giáo hội Thái Lan tiếp nối truyền thống kiên định mà những người anh hùng tử đạo Thái Lan đã gieo xuống – Các sơ của dòng kín Udon Thani. Dành cả cuộc đời cho việc chiêm niệm, cầu nguyện cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội Thái Lan. Các sơ, trong đó có sơ phụ trách dòng gốc Việt đã dành thời gian để tiếp đoàn, tuy phải qua khung cửa bằng sắt. Các sơ cho biết rất vui khi có sự hiệp thông trong đức tin giữa những người Công giáo của hai quốc gia, vẫn gặp gỡ và cầu nguyện cho nhau trong đời sống hàng ngày. Những xâu chuỗi, những đóa hoa tươi được chúc phúc là tâm tình của các sơ dành cho đoàn mỗi lần gặp gỡ, và bao giờ cũng kết thúc bằng bài hát thánh ca của mỗi dân tộc, và những cái nhìn tha thiết, bịn rịn chia tay bằng những giọt nước mắt ân tình của cả đôi bên.
Chiếc cầu Hữu nghị 1 vượt qua sông Mekong lại đưa đoàn chúng tôi trở lại với đất nước Lào. Đây là hành trình cuối cùng trong chuyến hành hương đến với các Thánh tử đạo ba nước Đông dương trong năm Thánh Tử Đạo Việt Nam. Các Anh hùng Tử đạo của Giáo hội Lào ngả xuống nhiều nhất trong khoảng từ năm 1954 đến 1960 của thế kỷ 20 và nằm rải rác trong các vùng miền của đất nước gồm 17 vị: 10 linh mục thừa sai người Pháp, 5 giáo lý viên người Lào, một người Italia và 1 giáo lý viên ở vùng nay thuộc Thái Lan. Sáng ngày Chúa nhật 11/12/2016 tại nhà thờ chánh toà của thủ đô Vientian, ĐHY người Philippin Orlando Quevedo, OMI, Tổng giám mục giáo phận Cotabato, đại diện Đức Thánh cha Phanxico đã cử hành Thánh lễ phong Chân phước cho 17 Anh hùng Tử đạo Lào. Các Đức cha đại diện cho các Giáo hội Việt Nam, Thái Lan, Campuchia… các dòng tu của các linh mục thừa sai tử đạo và hàng ngàn giáo dân các Giáo hội Lào và trên thế giới đã về tham dự sự kiện lịch sử này của Giáo hội Lào. Đặc biệt, đoàn Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu TGP Sàigòn cũng đã vượt hàng nghìn cây số để về dự Thánh lễ, hiệp thông cầu nguyện cho biến cố trọng đại trong đời sống đức tin của những người Công giáo của Giáo hội anh em. Xe vừa vào đến thủ đô Viêng Chăn, chúng tôi được anh Đấu, một thành viên của đoàn thể đang sống tại đây hướng dẫn đoàn đến ngay nghĩa trang Công giáo của thủ đô, nơi có mộ của một trong những Chân phước của Giáo hội Lào: cha Jean Wauthier, linh mục thừa sai dòng Hiến sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI) sinh năm 1926 tại Pháp và đã tử đạo năm 1967 tại Ban Na tỉnh Xieng Khouang, Lào.
Trước ngôi mộ đơn sơ nằm trong dãy mộ của các linh mục của Giáo hội Lào, các cha Đaminh Trần Đức Công; cha Giuse Vũ Văn Quyên, linh mục chánh xứ giáo xứ Bình Đông; cha Vinhsơn Nguyễn Huy Quang, linh mục chánh xứ Hòa An, giáo phận Bà Rịa, cha Lê Thanh, linh mục nghỉ hưu, và cộng đoàn với tâm tình tri ân đã vây quanh ngôi mộ như những người thân trong gia đình, dâng lên Thiên Chúa những lời tạ ơn về những Hồng ân của Người qua các Chân phước tử đạo ở cả ba nước Đông dương, để qua những giọt máu hiến thân của các Anh hùng Tử đạo này, Giáo hội của ba nước ngày càng vững bền và phát triển.
Đây bài ca nghìn trùng, dâng về Thiên Chúa, bài ca thắm nhuộm máu hồng. Từng bao người anh dũng tiến lên hy sinh vì tình yêu… Vâng chỉ có tình yêu cao cả của các anh hùng tử đạo, dâng hiến cuộc đời mình cho một đức tin kiên trung, vẹn toàn cho Thiên Chúa mới chính là tấm gương soi sáng cho hậu thế như lời bày tỏ lòng mong ước của Đức Thánh cha Phanxico trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa ngày Chúa nhật 11/12/2016, ngày phong Chân phước cho 17 Anh hùng Tử đạo Giáo hội Lào: “Xin cho gương anh hùng trung thành với Chúa Kitô của các tân Chân phước khích lệ và nêu gương cho các nhà thừa sai và nhất là cho các giáo lý viên, tại các miền truyền giáo, đang thực thi những hoạt động tông đồ quý giá và không thể thay thế khiến cho Giáo hội luôn tri ân…”
(còn tiếp)