NHỮNG MẪU CHUYỆN VUI BUỒN CỦA ĐỜI TÔNG ĐỒ
Giuse Huỳnh Bá Song
Sau phiên họp của Ban thường vụ TGP tại nhà thờ Thủ Thiêm, thấy thời gian còn sớm mà lâu ngày không có dịp ngồi lại bên nhau hàn huyên tâm sự với anh Giuse Phạm Minh Lý, nguyên Phó trưởng ban Nội vụ của đoàn thể tại TGP trước đây , nên tôi rũ anh Giuse Trịnh Văn Tiến và anh Phêrô Lê Minh Sơn trong Ban thư ký chạy xe lên Thủ Đức thăm anh. Đúng là lâu ngày mới có dịp gặp nhau, biết bao chuyện vui buồn, người xưa cảnh cũ hình như đều có dịp trào tuôn như thác đổ trong gian phòng nhỏ ấm cúng của anh.
Trưa rồi, như đã định trước, bốn anh em lại có dịp ngồi bên nhau tâm tình tiếp trong quán cơm niêu mát lạnh giữa mùa hè nóng bỏng, đổ lửa của thành phố. Ăn thì ít, uống chẳng bao nhiêu so với khi trước, nhưng niềm vui gặp gỡ với những câu chuyện vui buồn đời tông đồ năm xưa dường như bất tận, rồi lại liên tưởng đến cuộc sống hiện tại với những khó khăn của sức khỏe, bệnh tật đang kéo đến như quy luật của nhân sinh. Cả anh Giuse Lý, Giuse Tiến và Phêrô Sơn cho biết đều bị bệnh tim rất nặng, ông thì suy tim , ông thì mạch vành, ông thì nghẽn mạch và đều có dịp vào bệnh viện chuyên khoa trong khắp thành phố, để được các bác sĩ thăm nom, chăm sóc… nhưng tóm lại các anh vẫn lạc quan trong cuộc sống, với tinh thần làm tông đồ thì cứ phó thác vào Chúa, dấn thân phục vụ cho đến ngày sức cạn, hơi tàn không cần đắn đo tính toán, nghe qua mà cảm thấy xúc động trong lòng.
Đến lúc chia tay, những câu chuyện vui buồn năm xưa dường như vẫn không hề dứt, những kỷ niệm vẫn dồn dập hiện về cứ níu kéo nhau lại với những mẫu chuyện miên man, để rồi các anh cùng kết luận trước khi đứng lên: – Mỗi người Chúa đã định một số phận, hơi sức đâu lo; còn điều kiện cứ dấn thân phục vụ đến cùng. Riêng tôi thì kết luận sách vở hơn, tôi sẽ làm hết sức mình đến lúc nào có thể, mọi sự đã có Chúa lo – Tôi tin vào sự quan phòng của Chúa. Đến lúc này, chợt anh Giuse Lý phán một câu xanh dờn khiến các ông cứ cười bò ra – Đúng rồi Chúa rất quan phòng, nên có người trong khi cả đám người ta cùng ra về qua biên giới, còn mình phải một mình ở lại đi tìm chiếc Passport… Lúc đầu tôi chưa nhớ ra nhưng đến lúc thấy gương mặt anh nhìn tôi vẻ trêu ghẹo thì tôi chợt nhớ. Quái! Ông này nhớ lâu thật, chuyện đã hơn chục năm mà đầu vẫn không quên thì ai nói giờ đã già?
Vào năm 2005, sau khi BCH lâm thời GĐPTTTCG VN chính thức được thành lập với nhiệm vụ mời gọi, hỗ trợ tái thành lập đoàn thể tại các giáo phận trong cả nước; tôi đã tổ chức mời gọi, huy động các thành viên BCH các cấp trong và ngoài giáo phận, có mối quan hệ gần gũi, điều kiện liên lạc với các cha ở các giáo xứ để tiến hành vận động, giới thiệu thành lập đoàn thể. Qua sự quen biết của anh Tôma Aquino Nguyễn Văn Độ, nguyên trưởng ban BCH giáo hạt Thủ Thiêm, chúng tôi đã liên lạc được với anh Marco Trần Văn Học, một Việt kiều chính gốc Campuchia trước đây và cũng là một người con gốc Thủ Thiêm, hiện đang làm ăn sinh sống tại thủ đô Phnompenh của Vương quốc Campuchia và được anh nhận lời. Kể từ đó và các năm về sau qua sự giới thiệu hướng dẫn đường đi nước bước của anh Marco, các thành viên trong BCH lâm thời thường xuyên tổ chức sang thăm, tìm hiểu và mời gọi cộng đoàn Việt kiều tại các xứ đạo có người Việt trong cả nước Campuchia gia nhập đoàn thể, và một trong những chuyến đi đó đã xảy ra câu chuyện hy hữu, để giúp anh Giuse Lý hôm nay mới có dịp chọc quê tôi.
Đầu năm 2008, để chuẩn bị thành lập xứ đoàn Chompa, một xứ đạo người Việt nằm ở ngoại ô thủ đô Phnompenh do cha Phêrô Lê Văn Tính, một linh mục của giáo phận Mỹ Tho trước đây, do hoàn cảnh sau giải phóng chạy sang đây làm cha sở. Chương trình sang Campuchia lúc này thường là ngày đầu tiên đoàn chúng tôi gồm ba ông cố: Đaminh Phạm Đình Dư, Phêrô Đỗ Đình Cung, Giuse Chu Văn Hiểm, anh Giuse Lý,anh Tôma Độ… và tôi từ Sàigòn đi thẳng qua Phnompenh ở lại một đêm để gặp gỡ, trao đổi việc phát triển với các anh trong BCH lâm thời Campuchia: Giuse Đỗ Quang Tiến, sáu Ngọc, Philipphe Lưu Minh Chánh, Marco Trần Văn Học… để rồi ngày hôm sau tất cả cùng vào giáo xứ Chompa gặp cha Phêrô và cộng đoàn bàn thảo, chuẩn bị kế hoạch ngày thành lập đoàn thể đầu tiên ở đây. Lúc trước, đoàn đi ít người, thường buổi tối cùng chen chúc ăn nghỉ trong căn nhà xưởng của anh Marco trên đường Monivong, nhưng sau này vì đi đông nên cả đoàn phải vào thuê khách sạn nghỉ đêm, và đây chính là cớ sự khiến tôi được một lần có được chuyến đi bảo táp.
Khách sạn Long Heng nằm ở gần khu chợ Rousse Keo có khá nhiều phòng, giá tương đối rẻ, có cả nhà hàng ăn uống và quan trọng là cô tiếp tân nói được chút ít câu tiếng Việt đủ để giao tiếp, nên thường được chúng tôi chọn ở mỗi khi có đoàn từ Việt n
Nam sang. Về thủ tục, vì là khách tương đối quen, nên mỗi khi đến chỉ cần trưởng đoàn đưa Passport của mình cho cô tiếp tân scan lại để trình báo an ninh là xong. Lần này cũng vậy, khi đoàn đến tôi đưa Passport cho cô tiếp tân làm thủ tục như mọi khi, nhưng vào lúc này các anh trong BCH Campuchia lại cũng vừa đến, nên cả hai đoàn lo tay bắt mặt mừng thăm hỏi rối rít, xong vội kéo nhau lên phòng hàn huyên tâm sự. Sáng hôm sau cả đoàn vào giáo xứ Chompa sinh hoạt, và vì giáo xứ cũng nằm trên đường về Việt Nam nên chúng tôi không trở ra Phnompenh, mà chỉ gọi điện đặt vé chuyến xe cuối buổi chiều, để sau khi cơm nước xong, xe từ Phnompenh về VN ngang qua Chompa sẽ đón chúng tôi về. Mọi sự vẫn như cũ nhưng lần này thì khác.
-Xin các bác cho Passport để làm thủ tục qua cửa khẩu.
Vừa bước lên xe chưa kịp ngồi vào chỗ, chú phụ xế đã nhắc nhở ngay. Mọi người nhanh nhẹn rút giấy tờ trong túi trao ngay. Riêng tôi sờ mãi túi áo, túi quần nhưng chẳng thấy Passport đâu. Chết cha! vật bất ly thân mà sao giờ lại chẳng thấy ở đâu vậy ta? Nhìn tôi bối rối hết mò áo trên, quần dưới, anh Giuse Lý ái ngại chợt nhắc:
-Nhớ lại xem,có lấy ra làm gì không?
À ! phải rồi, mình chợt nhớ đến lúc làm thủ tục ở khách sạn, có lẽ đã bỏ quên ở đó.
-Dừng xe ! mình hốt hoảng kêu lên.
Chiếc xe vừa lăn bánh chưa lâu, bác tài đã phải tấp vội vào lề khi biết qua cớ sự. Cả đoàn lo lắng, nhưng đành chấp nhận nhìn tôi nhảy xuống xe, vì không có giấy tờ thì làm sao qua biên giới, vã lại phải cố tìm lại Passport vì nếu đánh mất ở nước ngoài thì bản thân sẽ rất phiền phức sau này. Các anh trong BCH Campuchia tiễn khách vẫn còn nấn ná bên đường trước cổng nhà thờ Chompa, hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi một mình lủi thủi trở lại, và khi biết lý do, anh thổ địa Marco Học đã nhanh chóng lấy xe gắn máy cấp tốc chở tôi trở lại khách sạn ở thủ đô Phnompenh, vì đường khá xa và thời gian giờ đã sắp xế chiều rồi. Đến khách sạn, anh Marco chạy ngay vào hỏi cô tiếp tân về chiếc Passport thì cô kéo vội ngăn tủ lấy đưa ngay.
Vừa mừng nhưng cũng vừa bực dọc, anh Marco hỏi:
-Sao làm xong mầy không trả lại cho khách mà giữ đến bây giờ, có hỏi mới đưa làm người ta trể hết chuyến xe về Việt Nam rồi?
Cô ta trả lời thật thà:
– Scan xong, để lại trên bàn nhưng ổng chỉ lo nói chuyện với nhiều người không lấy, rồi bỏ đi lên phòng nên phải cất vào tủ luôn, đâu có mất đâu.
Bó tay, đúng là không mất đâu, nhưng giờ thì mọi người đã ra về còn mình đành ở lại vì tật nhiều chuyện, nhưng khốn nỗi sáng mai chín giờ lại phải dự một phiên họp thường kỳ ở Tòa TGM của Ban giáo dân, mà lúc này mình là trưởng ban. Khi biết quyết định của tôi phải về Việt Nam bằng bất cứ giá nào, mà lúc này đã gần mười bảy giờ chiều rồi, chắc chắn không còn chuyến xe đò nào nữa, anh Marco vội chở tôi chạy ngay ra chợ Olympic, nơi có thể thuê bao những chiếc xe du lịch nhỏ của những bác tài chạy thả tự do.
-Giờ này chỉ có những loại xe này thì may ra mới về cửa khẩu kịp, nhưng giá thuê bao hơi mắc, anh còn tiền không?
Tôi gật đầu vì còn cách nào khác đâu, vã lại đi ra nước ngoài lúc nào mình cũng cẩn thận mang theo ít tiền phòng thân. Anh Marco gọi một bác tài quen biết rất trẻ, khá lanh lợi, lái chiếc Datsun 4 chỗ còn khá mới đến trao đổi với yêu cầu rất cụ thể: bao nguyên chuyến đi từ đây đến cửa khẩu Mộc Bài. Nhìn đồng hồ, anh phán luôn: -bây giờ là năm giờ chiều, cửa khẩu tám giờ rưỡi đóng cửa, đường dài hơn hai trăm năm mươi cây số, lại phải qua phà Nek Luong, kịp không? Bác tài nói được một ít tiếng Việt, sau một hồi cân nhắc tính toán trả lời chắc chắn:
– Được! Anh Marco nói rõ thêm điều kiện:
– Đây là ông anh tao, có việc cần ngày mai ở Sàigòn nên phải đi gấp cho kịp; tao nói trước yêu cầu là phải kịp đến Mộc Bài làm thủ tục qua cửa khẩu. Nếu kịp thì trả tiền, còn không kịp thì tiền xe không trả, để ngủ khách sạn chịu không? suy nghỉ kỹ đi rồi trả lời để tao còn kêu xe khác.
Yêu cầu khá khắc khe khiến bác tài phân vân làm tôi cũng thót tim, chiếc kim đồng hồ cứ tích tắc quay nhanh mà thời gian ngày càng ít dần, chuyến đi càng thêm khó. Cuối cùng cậu ta cũng gật đầu:
-Được!.
-Bao nhiêu?
– Một trăm năm mươi đô! (Dollar Mỹ )
Anh Marco nhìn sang tôi hỏi ý, tôi đành gật đầu. Tám đô một vé từ đây về Sàigòn không đi, giờ đây chỉ đến Mộc Bài thôi giá đã tăng gấp hai mươi lần mà còn chưa biết có về được đến nhà không nữa, nhưng giờ thì chỉ còn đành nhắm mắt lên xe. Thủ đô Phnompenh buổi chiều giờ tan tầm xe hơi, xe máy tuôn ra đường nườm nượp khiến chiếc Datsun chỉ biết nhích dần tuy bác tài cũng liên tục lạng lách né đường tránh kẹt, sáu giờ rồi mà xe chỉ mới bò được qua cầu Sàigòn, cửa ngỏ phía đông vào thành phố Phnompenh. Giờ này không một bóng xe hướng về Việt Nam nên vừa qua cầu, chiếc Datsun vốn dĩ chỉ có một người khách nên đã được nhiều người đưa tay xin được đón đi. Bác tài có vẻ xót xa liếc nhìn tôi dò hỏi. Tôi thì cứ lo không về kịp cửa khẩu nên cứ im lặng làm ngơ. Vừa đến khu chợ Sàigòn,một nhóm cò chặn xe vây quanh thương lượng với bác tài bằng tiếng Khmer nên tôi mù tịt, nhưng đại ý xin cho khách đi với giá cao hơn. Cuối cùng bác tài cũng quay sang tôi ỉ ôi đề nghị:
-Tội nghiệp quá anh! người ta cũng lỡ đường cần về mà xe mình thì còn trống, em tính vầy nếu anh đồng ý; em cho họ đi có thu tiền, thu được bao nhiêu em sẽ trừ vào tiền bao xe của anh. Đến Mộc Bài còn thiếu bao nhiêu anh trả thêm bấy nhiêu thôi! Anh chịu không?
Nghe có vẻ cũng hợp lý, nhưng thu được bao nhiêu thì mình nào có biết, vì họ giao dịch trao đổi với nhau bằng tiếng Khmer và trao trả bằng tiền Ria thì có trời mới biết, nhưng thôi cũng được vì giảm đồng nào đỡ đồng nấy, nhưng quan trọng là có về kịp hay không? Tôi nhắc cậu ta:
-Giúp người thì cũng tốt, ý của em thì cũng không trở ngại gì, anh đồng ý, nhưng anh nhắc lại hợp đồng anh Marco Học đã nói với em, em liệu có làm được không?
Thấy tôi đồng ý, cậu ta gật đầu ngay rồi hý hửng mở cửa cho khách chen vào ngồi cả xuống sàn xe . Băng sau ngồi hai người mà tôi liếc thấy hình như nhét tới năm sáu người ngồi nằm đủ kiểu và giờ đây với tôi chuyến xe bảo táp mới bắt đầu.
Vừa ra khỏi khu ngoại ô thì chiếc xe đã chồm lên phóng nhanh như tên lửa; những hàng cây, phố xá hai bên đường lần lượt vút qua như trong phim đua xe. Nhìn bác tài dáng ốm yếu, gò mình ôm sát tay lái, mắt căng nhìn phía trước lạng lách vượt qua tất cả loại xe chạy phía trước, làm tim tôi dường như bắt đầu loạn nhịp; có sai lầm không khi chưa kịp về đến Mộc Bài đã được lên thẳng Thiên đường. Chưa hết, mỗi lần khách xin xuống dọc đường thì chiếc xe vẫn không giảm ga, lao nhanh thắng gấp tấp vào lề khiến mọi người trên xe phải cấm đầu, cấm cổ; đã vậy, cứ một khách xuống lại sẵn sàng đón thêm hai khách lên. Cao điểm, đến một khu chợ dọc đường xe chợt dừng lại đón một cô gái có lẽ đã điện cho bác tài hẹn trước. Khổ nỗi, cô này dáng hơi phốt pháp, đẫy đà, nên cửa sau mở rồi nhưng mặc cho bác tài dồn ép khách, cô ta vẫn không thể nào chen thân vô lọt. Tôi đang thở phào nhẹ nhỏm vì hết chỗ chứa rồi thì chú mầy khỏi phải đón đưa thêm, nhưng chưa kịp suy nghĩ xong đã thấy bác tài vòng ra trước mở cửa chỗ tôi ngồi, kề tai nói nhỏ giọng lơ lớ:
– Anh chịu khó nép vào một ít cho cô này ngồi giúp em, đây là người quen.
Trời đất, ghế trước ngồi nhỏ như cái lổ mũi, mình ngồi vừa khít mà nó còn bảo nép vào. Tôi nổi nóng phản đối:
– Không! mầy thấy thân tao to lớn thế này mà bảo nép vào chỗ nào. Thôi! còn thiếu bao nhiêu tao chịu! không chen vào đây được.
Tôi tưởng giải quyết thế là xong, cô ta phải ở lại thôi nhưng không ngờ bác tài này liều không kể xiết, đã sắp xếp sự việc theo hướng chắc không ai ngờ – Anh không nép thì tôi nép. Cậu ta lẳng lặng lên ghế lái, nghiêng hết người về phía tôi chồm lên cả cần số; hai chân xoải dài ra một chân ga, một chân thắng nhường phần ghế bên ngoài cho cô gái ngồi nhổm người lên để có thể đóng cửa vào. Kiểu này là chết chắc, không biết cậu ta học ở trường lái nào mà tài xế ngồi ẹo một bên ôm vô-lăng điều khiển, mà chiếc xe vẫn có thể đi phom phom không chút chao đảo, lắc lư. Chưa hết, trời vừa sụp tối đã đến phà Nek Luong, chiếc phà Vinus của Đan Mạch viện trợ cho Campuchia với kết cấu hai đầu phà thông thống, xuống đầu này chạy thẳng lên đầu kia. Nhìn hàng xe đủ loại bên đường chờ sang phà khá dài, tôi chợt lo thầm chắc phải chờ lâu lắm đây, nhưng đúng là hôm nay số tôi được ngày gặp những bất ngờ. Tay lái lụa này bất chấp vượt qua tất cả, chạy xe thẳng đến ngay người giữ cổng barie, giảm ga luồn tay qua cửa dúi nhanh cục tiền; lập tức chiếc cổng bật lên ngay, chiếc xe phóng thẳng cắm đầu xuống chiếc phà vẫn còn trống quơ, trống quớt, không một rào cản mà không hề giảm chút tốc độ. Tiếng phanh rít lên cùng với nhịp rung lắc của cả chiếc xe dừng ngay trên mép bàn phà đang bập bềnh trên dòng nước bạc, đã làm người tôi hồn phi phách tán. Lạy Chúa! nếu xe nó không dừng lại được thì có lẽ con cũng chẳng kịp đọc kinh nào. Không riêng gì tôi, trên xe lúc này cũng đang rộn lên ồn ào những câu trách móc, phản đối bằng tiếng Khmer, nhưng khổ nỗi, tôi nghe nhưng nào có biết họ nói cái chi, còn bác tài thì vẫn lặng im. Phản đối là phải rồi vì làm gì họ biết hợp đồng giữa chúng tôi và nhất là họ chỉ cần xe về đến Bavet thôi, chứ có ai cần phải qua cửa khẩu Mộc Bài như tôi cho kịp giờ đâu, mà phải chạy nhanh bán mạng như thế ?
Xe đã lên phà bắt đầu hướng về biên giới chỉ còn khoảng trăm cây số nửa thôi. Suốt đoạn đường còn lại, lần đầu tiên trong đời tôi đã ngồi thinh lặng lần chuỗi Mân Côi, nhiệt thành sốt sắng miên man không cần đếm chuỗi. Ánh sáng rực rỡ khu casino Bavet dần hiện ra, những người khách đồng hành trong chuyến đi cũng từ từ xuống hết, cho đến tôi là người cuối cùng thì chiếc xe đã dừng lại bên khu cửa khẩu. Hình ảnh những người khách cuối cùng rời đất nước Campuchia trong khu vực làm thủ tục sáng đèn đã làm tôi an tâm. Bác tài mở cửa cho tôi chỉ tay vào chiếc đồng hồ cười rạng rỡ:
-Kịp giờ nhé! mới tám giờ mười lăm, còn mười lăm phút nữa, đủ cho anh qua cửa khẩu rồi.
Tôi uể oải rời xe, hơn ba tiếng đồng hồ căng thẳng đã làm cho đôi chân tôi tê cứng. Nhìn xấp tiền Ria trên tay cậu ta tôi hỏi:
-Tôi còn phải trả thêm bao nhiêu đây?
Cậu ta đếm lại số tiền trên tay một lần nữa, nhẩm tính rồi cho biết:
– Em thu được hơn một trăm hai mươi đô nên anh chỉ đưa thêm cho em ba mươi đô thôi!
Đúng là lại thêm một điều bất ngờ nữa, tôi nghĩ đã gặp được một người trung thực, vì nếu cậu ta có lấy thêm một trăm đô nữa thì tôi vẫn trả đủ, vì tôi đã đạt được yêu cầu như hợp đồng, nhưng cậu ta đã không làm như vậy, đã giữ lời với người khách lạ mới lần đầu gặp gỡ. Một bài học và cũng là một kỷ niệm quý giá trong đời tông đồ của tôi. Tôi gửi cho bác tài năm mươi đô với lời cám ơn chân tình vì cậu ta đã giữ đúng lời.
(Ghi lại để nhớ đến các anh Tôma Aquino Nguyễn Văn Độ, Marco Trần Văn Học, Giuse Phạm Minh Lý… và những người tông đồ thầm lặng năm xưa đã dấn thân mở đường, để Thánh Tâm Chúa hiện diện nơi mảnh đất truyền giáo Campuchia).
Tháng 05/2020