VỌNG CỐ HƯƠNG

                                                                                     Giuse Huỳnh Bá Song

Thánh lễ đã tan, bài ca kết lễ bằng tiếng Khmer được mọi người xướng lên trầm bổng tha thiết. Vị linh mục xúc động nói lời cảm tạ các soeur và cộng đoàn nơi đây đã đón tiếp và tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn hành hương từ Việt Nam sang, có được một Thánh lễ ấm cúng và đượm thắm tình yêu thương ngay trên đất nước chùa tháp này. Mọi người cùng cha vây quanh bàn thờ chụp chung bức ảnh kỷ niệm – Các soeur cộng đoàn mẹ Thérésa Calcutta, cộng đoàn Mến Thánh Giá, Lasan… là người Ấn, người Korea, người Pháp, người Ý… đa chủng tộc, vui vẻ bắt tay cám ơn cha, các thành viên trong đoàn và mọi người dự lễ. Chẳng mấy chốc, ngôi thánh đường đã trở lại không gian thường nhật – Trống vắng và thầm lặng.

Tôi nhìn quanh và bước ra ngoài ban công nhà thờ quan sát, lạ nhỉ, cộng đoàn người Việt hiện diện trong Thánh lễ hôm qua, đã khẩn thiết mời cha sáng sớm hôm nay cố gắng dâng thêm một Thánh lễ nữa, để họ có dịp hội tụ về đây tham dự thêm một lễ tiếng Việt cho đỡ nhớ – Hẹn thế mà sao chẳng thấy bóng dáng một người nào. Thôi đành vậy! Có lẽ lại bận rộn công việc làm ăn, đường xá xa xôi cách trở nên không về tham dự được – Mong có dịp khác sẽ gặp lại nhau vậy. Cả đoàn lục tục xuống cầu thang để ra về.

  • Chúng con xin mời cha và các anh xuống dùng bữa sáng với chúng con.

Ơ hay! Thật ngạc nhiên. Trong sảnh ngay dưới lòng ngôi nhà thờ gỗ mang dáng dấp của một căn nhà sàn bản địa, được dùng làm phòng sinh hoạt của giáo xứ – đông đảo bà con người Việt, già trẻ, trai gái đủ cả đang quây quần bên nhau chờ đón đoàn. Những bà mẹ già với chiếc khăn rằn cố hữu trên vai, đọng trên môi nụ cười móm mém, những chàng trai cô gái ánh mắt rạng rỡ, thân thiện mau mắn gật đầu chào và có cả đông đảo các em nhỏ do cha mẹ đưa đến đang ríu rít đùa giỡn vui vẻ trên sân. Mọi người hân hoan chào hỏi nhau, tay bắt mặt mừng như đã từng thân thiết – Niềm xúc động dâng trào trong lòng tất cả mọi người – Tình dân tộc, nghĩa đồng bào là đây.

Buổi ăn sáng đã được chuẩn bị xong. Trên chiếc bàn vuông trải khăn trắng tinh tươm: Những bộ chén đĩa bóng loáng, những thố cơm gạo mới bốc hương thơm ngào ngạt, dĩa thịt gà kho gừng vàng rượm béo ngậy, tô canh chua nghi ngút khói, mang hương vị quê nhà… đã được dọn ra – Cả đoàn hết sức ngạc nhiên trước tình huống này. Ngỡ bà con không đến, thế mà giờ đây có cả một sự chuẩn bị đón tiếp hết sức rộn ràng. Dự định sáng nay sau Thánh lễ, nếu không gặp lại mọi người trước khi trở lại Phnom Penh, đoàn sẽ tìm một quán hủ tiếu Nam Vang đúng nghĩa nào đó ở đây để ăn cho biết hủ tiếu Nam Vang tại gốc ra sao? – Không ngờ giờ đây lại có một cuộc hội ngộ thú vị, vô cùng xúc động này, nhất là lại được mời một bữa cơm mang đậm dấu ấn quê hương. Mọi người vừa chuẩn bị bữa ăn vừa cố gắng bày tỏ tâm tình của những người con xa quê nhà tha phương kiếm sống. Các giọng nói rặt âm hưởng Nam bộ của những con người miệt đồng Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp… của những vùng quê miệt vườn Tiền Giang, Long Khánh, Vĩnh Long… lần lượt xen kẻ vang lên. Đó là những Kitô hữu đã vì cuộc sống, điều kiện kinh tế khó khăn phải rời quê hương, tha phương cầu thực nơi đất khách quê người; nhưng từ nơi sâu thẳm của tâm hồn, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào trong trái tim vẫn luôn có Chúa, Chúa là lẽ sống, là niềm tin vào tương lai của cuộc đời họ. Chính niềm tin đó đã hội tụ họ về nơi đây – Nơi ngôi thánh đường bằng gỗ quý có dáng dấp của một ngôi chùa, đặc trưng sự hội nhập văn hóa của Giáo hội địa phương trên đất bạn – Tuy phong cách, sinh hoạt có khác với quê nhà nhưng với mọi người thì nào có xá chi, vì với họ, nơi nào có Chúa hiện diện, chính nơi đó có hạnh phúc và bình an, có tình đồng hương yêu thương, chia sẻ ở những người con cùng Cha xa xứ – Vị linh mục hết sức cảm động, sững sờ trước nỗi niềm tin, cậy, trông đơn sơ và chân tình ấy. Đây không phải là lần đầu tiên ngài đến làm lễ cho cộng đoàn người Việt nước ngoài – Ngài đã đi nhiều nước, đã làm lễ cho nhiều anh em người Việt xa quê ở nhiều nơi, nhưng lần đầu tiên ở đây, ngài đã gặp gỡ, gần gũi với một cộng đoàn Kitô hữu hết sức chân phương, mộc mạc và thắm đậm tình quê, tình người như thế này.

Thế là đã rõ, họ đã dám hy sinh một Thánh lễ có linh mục từ bên nhà sang, âm thầm cùng nhau chuẩn bị một bữa tiệc nhỏ, đơn sơ nhưng chân tình, để nói lên tấm lòng của những người con xa xứ, muốn dùng bữa cơm này làm buổi họp mặt, gặp gỡ với cha và những người anh em mang hơi ấm của quê hương – Không dự được lễ, tiếc lắm – Nhưng không được gặp cha và các anh, không được mời một bữa ăn đạm bạc, không được trò chuyện, hàn huyên thì về nhà sẽ băn khoăn, hối tiếc vô cùng. Vả lại, chiều hôm qua, mọi người ở đây đã được dự lễ cùng cha rồi nên tất cả quyết định – sáng nay tập hợp nơi đây để chuẩn bị bữa cơm đón cha và các anh, dự lễ thì chắc chắn không kịp rồi vì thời gian có hạn, nên đành vậy – Giờ thì thật hả dạ rồi!

Bữa cơm đã được dọn xong. Ơ hay! Sao chỉ có sáu người ăn như thế này? Chúng tôi không muốn ngồi ăn một mình đâu!

Liếc nhìn qua bàn, vị linh mục ngạc nhiên, thất vọng thốt lên:

  • Định nhịn miệng đãi khách sao? Không được đâu, ông bà, anh chị và các cháu hãy ngồi vào bàn cùng chúng tôi.

Anh Tư, người đại diện cho bà con ân cần mời cha:

  • Xin cha và các anh tự nhiên dùng bữa, được gặp mặt nơi đây, được mời cha và các anh một bữa điểm tâm ngon miệng là chúng tôi đã hạnh phúc lắm rồi!

Mọi người cũng nhao nhao mời đoàn vào bàn. Thôi thì đành chịu vậy, nhập gia tùy tục, nhất là sau khi qua anh Tư nói nhỏ bên tai, được biết rằng: bữa cơm chỉ được chuẩn bị vừa đủ cho sáu người thôi.

  • Bà con cho chúng tôi ăn gì mà hấp dẫn thế này?

Vị linh mục vui vẻ ngồi vào bàn, nhìn quanh các món ăn đang bốc khói nóng hổi; cách bày biện khá đẹp mắt, chu đáo, mang đậm niềm vui và tấm lòng yêu thương sốt mến của mọi người. Chị Thảo, người phụ nữ hôm qua đã tha thiết mời cha và đoàn nán lại, là người đã sốt sắng liên lạc, mời gọi mọi người hôm nay đến họp mặt và cũng là người có sáng kiến tổ chức bữa cơm này, hân hoan phát biểu:

  • Hôm qua, vừa được cha và các anh đồng ý hôm nay lại đến, con đã vội vã báo tin cho mọi người. Tất cả đã bàn với nhau nên làm một cái gì đó để tỏ tấm lòng của chúng con. Nhưng tiếc quá, làm sao có được những món ăn như ở quê nhà, vả lại… chị ngượng ngùng bỏ lỡ ý – Khuya nay chị em đã xúm lại nấu nướng, người một tay quýnh quáng cả lên, chỉ sợ không kịp. May quá, lễ vừa xong cũng vừa kịp dọn ra đây. Chỉ mấy món đơn sơ, mong cha và các anh thông cảm.

Thật vậy, hai con gà vừa kho gừng, vừa nấu canh chua thay cá với bắp cải, dĩa khô cá tra phồng là đặc sản địa phương, thế mà cả đoàn đã ăn một bữa cơm thật ngon lành – ngon vì lạ miệng, mà cũng có thể vì có lẽ khó tìm được một bữa ăn như thế này khi trở lại quê hương – ngon vì mỗi món ăn lại có thêm hương vị của những lời thăm hỏi, hàn huyên, mỗi chén cơm lại có thêm vị ngọt của những lời tâm tình, chia sẻ; nhưng hơn cả, chính vì bữa cơm đã chứa đầy tấm lòng vọng cố hương của những người con xa xứ, tìm đến người đồng hương nơi đây để thỏa nỗi nhớ quê nhà – Bữa ăn ngon ngọt ngào đậm dấu ấn hạnh phúc lan tỏa, tình cảm sâu lắng hòa quyện vào nhau của những người phục vụ và cả những người được phục vụ – Những tâm tình hết sức đời thường, mộc mạc về đời sống đạo, về cuộc sống lao động thường nhật… đã lộ ra những vất vả, khó nhọc trăm bề của những người con, những người Kitô hữu khi tha phương nơi đất khách.

 

vvv

Bữa ăn chưa xong thì những dĩa trái cây đủ màu xinh xắn đã được dọn ra. Mọi người xúm quanh tranh thủ thăm hỏi…

  • Tụi con rất mong có cha người Việt của mình sang giải tội.

Vị linh mục ngạc nhiên:

  • Sao vậy? Anh chị có khó khăn việc xưng tội với các cha nước ngoài sao?
  • Đúng đó cha! Tiếng Khmer tụi con biết chỉ đủ dùng cho giao tiếp, chứ dùng trong Hội Thánh thì con đâu có rành. Đôi lúc các cha giải tội, chúng con có hiểu gì lắm đâu.
  • Chữ Khmer thì không biết đọc, thiếu Kinh Thánh tiếng Việt để tối về tụi con đọc kinh với nhau, nhất là thiếu truyện tranh các Thánh tiếng Việt để dạy cho mấy đứa nhỏ biết thêm về các Thánh, và gìn giữ không quên tiếng Việt. Các soeur Việt Nam trước đây có dạy thêm cho các cháu, nhưng thiếu thốn sách vở đọc thêm ở nhà nên kết quả cũng không cao, học trước quên sau. Mong cha và các anh giúp cho.

Chúng tôi ghi nhận sự việc, một điều tuy đơn giản, nhưng nếu suy nghĩ sâu sắc thì thấy đây là một ý kiến đáng quan tâm hỗ trợ, hội nhập văn hóa nhưng không quên bản sắc, truyền thống dân tộc, cả đến tương lai thế hệ mai sau trong đời sống Đức tin và nguồn cội.

Một chị vừa gọt quả lê, vừa tâm tình thủ thỉ, nghe sao mà nao cả lòng:

  • Chiều qua, nghe cha giảng bài Phúc âm bằng tiếng mình, tối về cả đêm con không ngủ được – Nhớ những ngày đi lễ ở quê nhà, nhớ từng giọng xướng kinh, nhớ cả tiếng Amen thân thương mà giờ đây nghe sao mà ngọt ngào, êm ái quá! Nếu không vì đời sống ở quê còn quá khó khăn, thiếu thốn; chắc sáng nay con đã bỏ hết ở đây để về lại quê rồi. Qua đây không dám bỏ đạo, may quá còn có nhà thờ này để còn được có Chúa ở trong lòng. Nhưng làm lễ theo bổn đạo ở đây cũng thấy làm sao ấy, lúc đầu rất khó khăn, tiếng Khmer chỉ biết chút ít nên lâu dần mới quen.

Ngừng một lát cho bớt xúc động, chị tiếp lời:

  • Gặp cha và các anh sang chúng con mừng lắm. Đêm qua tụi con thức nói chuyện đến khuya. Tính tới, tính lui, muốn đãi cha và các anh món gì cho ngon, cho lạ để được thỏa lòng – Nhưng khổ nỗi, tụi con đứa nào cũng chưa khá giả, không dám mời cha và các anh vô tiệm vô quán, nên đành làm tạm bữa cơm này để nói lên chút lòng thành của chúng con.

Mọi người chợt im lặng – miên man suy nghĩ trước lời tâm sự, trước thực trạng cuộc sống còn nhiều vất vả, lo toan của đa số anh chị em – Tiếng vả lại… buông lơi giữa chừng của chị Thảo đã có lời giải đáp, cũng như riêng tôi đã hiểu được sự ngại ngùng lúng túng của anh chị em lúc nãy, khi mình vô tình xin số điện thoại của mọi người để tiện liên lạc sau này – Đời ở nhà thuê quanh năm suốt tháng, người đi theo việc, nơi ở có khi nào ổn định đâu mà có được số nhà,  nói chi đến số điện thoại… Người ngượng ngùng bây giờ lại chính là tôi.

Vâng, đêm rồi khi có dịp trò chuyện với anh Học, mình mới biết thêm: mỗi con người, mỗi gia đình trôi dạt tha phương đến đây, tuy khác nhau về quê quán nhưng điều có chung một hoàn cảnh, một số phận – nghèo không cục đất chọi chim, cả cuộc đời chỉ chìm trong thiếu thốn, khó nghèo. Tìm sang đây với một hy vọng đổi đời, tìm mọi cách lao động để mong kiếm sống: làm thuê, buôn bán, chạy chợ đắp đổi qua ngày. Cái tính cần cù, chịu thương, chịu khó của người dân nghèo miền quê lam lũ thì ở cái đất du lịch này cũng dễ thở, có đồng ra, đồng vào nhưng mấy năm sau này cũng bắt đầu thấy khó khăn – Mật thì ít mà ruồi thì nhiều, vật giá ngày càng leo thang mà cửa nhà thì phải thuê, phải mướn – Tốn kém muôn bề nên cho dù cật lực, vất vả quanh năm cũng chỉ đắp đổi, kiếm sống qua ngày. Cũng có người may mắn vượt lên số phận nhưng đó chỉ là số ít, đại đa số vẫn còn nhiều khó khăn, hiếm khi dư dả để có dịp trở về thăm họ thăm hàng. Chỉ có ở hoàn cảnh xa quê triền miên của anh chị em mới thấy nỗi nhớ da diết quê cha đất tổ, mới thấy được cái mừng vui lớn lao khi gặp được người mình, và mới thấy được cái hạnh phúc vô bờ khi được hội ngộ với những người anh em con chung một Cha.

Bèo dạt mây trôi, niềm vui nỗi buồn nào rồi cũng đến hồi phải kết thúc –  Những lời chào, những ánh mắt, những cái vẫy tay… tất cả rồi cũng rời xa theo những vòng lăn bánh của chiếc xe khách hai tầng cao nghều lướt đi thầm lặng. Bầu trời Siem Reap bỗng trở mình nặng hạt, những cơn mưa trắng xóa phủ mờ nhạt nhòa thành phố mù sương, khuất mờ những làng mạc, những cánh đồng mênh mông thẳng tắp hai bên đường – Để lại sau lưng những hàng cây thốt nốt vươn mình cao vút, những đền đài, tượng đá kỳ diệu của nền văn hóa Ankor hùng vĩ, và cũng đã để lại bên đường những người Kitô hữu anh em tha phương mà mình vừa gặp mặt – Một nỗi buồn không tên len len tràn ngập tâm hồn.

Nỗi buồn càng nhân lên khi chập chờn thiếp đi trên chuyến xe trở về đất nước, chợt nhớ lại tâm tình sâu lắng của một bà mẹ xa quê ở cái tuổi sắp gần đất xa trời, nước mắt lưng tròng, đứng bên bệ cửa nhà thờ bịn rịn lúc chia tay: “… biết được về đây dự lễ gặp được cha và quý ông cũng chẳng vơi đi được bao nỗi nhớ – Nhưng biết rồi mà không đến gặp thì nỗi nhớ và nuối tiếc sẽ còn lớn hơn, sẽ theo hoài trong suốt những ngày tháng ly hương còn lại ở nơi này…”. Cũng như lời tâm sự mộc mạc của người em gái tuổi thanh xuân vừa rời quê mẹ, chia sẻ với mọi người mà như tự sự với chính mình: “… Chúa ở nơi nào cũng là Chúa của mình, mà sao tiếng Chúa thốt ra nơi quê nhà bao giờ cũng mềm vị ngọt, bao giờ cũng gần gũi, thân thương, sâu lắng hơn…”.

Chúa ơi! Nơi trời cao Chúa có lắng nghe được tiếng lòng của những người con tha phương nơi đất khách.