Bài viết: Song Huỳnh – Ảnh: cgvdt.vn
Mọi người trong giáo xứ đều như nhau, mỗi lần gửi cốt phải đóng một triệu đồng; trước chỉ năm trăm nhưng giờ thông cảm, vật giá leo thang nên phải tăng lên một triệu, không thể bớt được.
Người ân nhân của một gia đình nghèo trong xứ có thân nhân vừa mới qua đời, cố gắng giải thích:
Nhưng đây là một gia đình rất nghèo trong xứ, chi phí đám tang cao hơn tiền phúng điếu nên họ không còn khả năng. Anh có thể chiếu cố giảm bớt cho gia đình này không? Nói thật, dù có bớt họ cũng không có khả năng để đóng đâu – mà chính tôi, tôi sẽ là người đóng giúp. Tôi chỉ mang theo năm trăm nghìn như qui định trước đây nên không thể có hơn, giáo xứ có thể hỗ trợ giảm cho trường hợp này được không? Nếu được, tôi sẽ đóng ngay.
Đây là qui định chung nên không thể giảm được. Người phụ trách phòng hài cốt của giáo xứ dứt khoát.
Vị ân nhân đành quay ra cửa, vội vã đưa thân nhân người quá cố trở về. Anh không muốn gia đình nghèo này nghe thấy điều đau đớn – Họ đã bị từ chối ngay chính nơi họ đã từng được sinh ra, lớn lên và về lại.
Nhưng trước đó, họ phải chấp nhận một nỗi đau còn lớn hơn bội phần, họ đã bị từ chối không được hưởng an phúc khi người thân qua đời ngay trong giáo xứ, chỉ vì gia đình họ đã phạm một lỗi lớn với giáo xứ: không có khả năng đóng góp vào quỹ họ hàng năm. Theo qui định truyền thống, mỗi năm, các gia đình giáo dân phải tham gia đóng góp vào quỹ họ của giáo xứ để phục vụ các sinh hoạt chung. Gia đình nào không tham gia thì sẽ không được hưởng mọi chế độ chăm sóc hoan hôn tang tế. Đây là qui định bắt buộc và HĐGX sẽ chiếu theo sổ quyên góp mà thực thi nghiêm ngặt. Gia đình này đã vi phạm vì có một tội lớn là quá nghèo, và thực tế, khi người thân họ nằm xuống, họ đã không được cha sở đến làm các nghi thức, kể cả lễ an táng trong nhà thờ như mọi giáo dân khác trong giáo xứ, họ đã phải nhờ một linh mục nơi khác đến làm các nghi thức và lễ an táng ngay chính trong nhà mình, chứ không được từ giã Chúa và cộng đoàn nơi chính trong nhà Cha mà mình hằng gắn bó, cậy trông.
Đây là một câu chuyện có thật nơi một giáo xứ có truyền thống sống đạo tốt đẹp trong Tổng Giáo phận của chúng ta. Cái qui định bất hợp lí tồn tại lâu đời này đã đưa một gia đình nghèo ra khỏi tầm tay yêu thương của Chúa. Điều đáng nói hơn, đây là một gia đình nghèo mẹ góa con côi, một gia đình bất hạnh có hôn nhân không cùng tôn giáo, một đối tượng truyền giáo mà chúng ta cần chăm sóc, gọi mời. Bà mẹ là một người Công giáo kết hôn với chồng khác tôn giáo với mình. Ông đã mất đi để lại cho bà một gánh nặng là một gia đình nghèo không người lèo lái, thiếu thốn triền miên cả vật chất lẫn tinh thần. Các đứa con không ai chăm sóc đã tuột khỏi vòng tay yêu thương của Chúa, tứ tán khắp nơi, riêng chỉ duy nhất đứa con út thay cha gánh vác gia đình, sống yêu thương và gần gũi với mẹ, đã được Rửa tội để cùng niềm tin với mẹ, là trụ cột lao động nuôi sống gia đình và cũng chính đứa con này hôm nay đã vĩnh viễn ra đi sau một trận bạo bệnh, để lại cho mẹ mình một gánh nặng cuộc đời mà trước đây cha mình đã để lại – nghèo khó, mọn hèn.
Khó khăn của cuộc sống đã làm họ không chu toàn được nhiệm vụ của mình với giáo xứ, họ đã bị gạt bỏ bên lề mọi phúc lợi nơi nhà Cha mà lẽ ra đương nhiên họ được hưởng. Chúa không dành cho họ và họ đã phải âm thầm cam chịu, không được than van, như bao gia đình khác trong giáo xứ cũng cùng hoàn cảnh. Giờ đây, chỉ một chút an ủi, được ghé tạm nắm xương tàn nơi mái nhà tạm, chờ ngày phục sinh được đoàn tụ vui vầy bên Chúa, họ cũng không có cơ may đạt được, nếu không được người ân nhân anh em trong xứ đã ra tay gánh vác, hỗ trợ.
Buổi chiều, sau phút đắn đo suy nghĩ và cảm nhận được nhiệt tình của vị ân nhân, ông chủ tịch HĐMV giáo xứ đã miễn cưỡng chỉ nhận năm trăm ngàn, chấp thuận cho gửi cốt sau lời kết luận vừa chân tình vừa kiên quyết của vị ân nhân: – Nếu không được giải quyết, tôi đành phải theo ý gia đình họ, đem gửi người Kitô hữu này vào một ngôi chùa, nơi đó, họ chỉ tốn duy nhất năm mươi nghìn đồng.
Không hiểu vị cha sở có biết được sự việc? Có thấy được sự bất công và vô lý, của cái qui định truyền thống lạc hậu và thiếu vắng tình Chúa, tình người này của họ đạo mình không?
Cảm nhận được ân tình sâu nặng của vị ân nhân, thay giáo xứ chăm lo mọi việc hậu sự cho người em mình, ngay sau khi hũ tro cốt vừa được an vị, người anh trai kế của gia đình đã tâm tình với vị ân nhân, xin được hướng dẫn, giúp đỡ để cả gia đình vợ con anh được trở lại đạo, được là con Chúa, được là anh em với nhau… Người ân nhân vui mừng chấp nhận đề nghị chân tình này, nhưng đồng thời anh cũng chua xót cảm nhận: liệu biết được sự thật này xảy ra trong giáo xứ – Chúa không dành cho những người nghèo như gia đình anh, anh có còn giữ ý định ấy nữa không?