CHÚ DÊ NÚI

                                                                                      Giuse Huỳnh Bá Song

Phố núi cao, phố núi đầy sương… đúng như như lời bài hát nổi tiếng năm xưa, chúng tôi rời thành phố Pleiku buổi sáng sớm, tuy ánh dương đã dần chiếu nhưng cũng còn ngập tràn những làn sương dầy đặc len qua từng khu phố nhỏ, để hướng đến một vùng đất núi trên cao, chỉ nghe tên nhưng đây mới lần đầu tìm đến: Đăk Sơmei.

Ông Google trên chiếc máy định vị đã giúp mọi người lên đường một cách hồ hởi, tự tin: rời thành phố Pleiku theo tỉnh lộ 19 đi hướng về phía Đông-Bắc trên đường xuống Qui Nhơn đến huyện Đăk Đoa, rẽ phải đi vào xã Đăk Sơmei, dễ dàng, nhanh chóng, chính xác… nên mọi người trên xe ai cũng vui vẻ, phấn chấn vì sắp được dự vào một hành trình, tuy hơi xa nhưng có công nghệ hỗ trợ nên chẳng gian nan, vất vả gì.

Nhưng đi rồi mới biết đá vàng… vào đến huyện Đăk Đoa rồi mới thấy nhiêu khê, vì QL 19 dọc theo thị trấn có quá nhiều ngã ba quẹo phải, mà theo người dân địa phương chỉ đường, thì ngã ba Mang Yang mới chính là con đường để đi vào Đăk Sơmei. Khổ nỗi, trên màn hình của ông Google không tìm thấy có ngã ba Mang Yang, nên đoàn được dịp ngược xuôi tham quan dọc thị trấn, tìm kiếm và cuối cùng nhờ một lời chỉ đơn giản, ngã ba nào lớn nhất thị trấn thì cứ quẹo vào, đó là ngã ba Mang Yang.

Chính xác, quẹo vào rồi mới thấy tấm bảng ghi Mang Yang to đùng mà nãy giờ xuôi ngược mấy lần có thấy chi mô? Chưa hết, đường bắt đầu vào rừng mà trên đường chẳng có bảng chỉ dẫn gì cả, chỉ cố đi theo một lời chỉ dẫn mơ hồ của những người công nhân làm đường, đi đến ngã tư Đăk Sơmei quẹo trái vào nhà thờ. Con đường nhựa xuyên rừng thăm thẳm chẳng một bóng người, càng đi, con đường càng nhỏ và dốc hướng lên núi cao, khiến con tim mọi người bắt đầu chùng lại. Một ngã tư hiện ra trước mắt khiến bác tài mừng rỡ, chắc đến rồi. Hai người dân tộc đứng bên đường đã được chúng tôi nhiệt tình thăm hỏi:

– Đây có phải là ngã tư Đắk Sơmei?

Họ nhìn chúng tôi ngơ ngác, rồi nhìn nhau trao đổi bằng tiếng dân tộc và cuối cùng lắc đầu. Trời đất! đường một chiều lên núi để vào Đăk Sơmei, mà giờ hỏi đường không ai biết Đăk Sơmei ở đâu là sao? May là tôi nghe họ nói loáng thoáng từ Đắc Sơ Mây nên lật đật hỏi lại: Ngã tư Đăk Sơ Mây?.

Nghe xong, họ nhanh nhẩu gật đầu chỉ về con đường đi thẳng phía trước. Chiếc xe lao nhanh trong tràng cười rộn rã của mọi người, tiếng dân tộc mà mình đọc như tiếng Kinh, mây mà đọc thành mi nên bị từ chối là phải rồi. Anh trưởng Tiến liên lạc với cha quản xứ nhà thờ, thông báo đoàn đang đi vào xứ cha và sắp đến. Bác tài hồ hởi dựa vào sự hướng dẫn của chiếc máy định vị trên xe sau khi bổ sung địa chỉ đến và nhấn ga. Theo sự hướng dẫn của Google, chiếc xe đang thênh thang đi từ đường nhựa được bác tài nhanh nhẹn ôm cua, đưa vào con đường tráng ximăng nhỏ lại leo dần lên núi. Mình ngạc nhiên, sao cây số chỉ đường báo vào Đăk Sơmei chỉ 2Km, mà nãy giờ đi đã hàng chục cây số rồi chỉ thấy lên rừng xuống ruộng, đèo cao vực thẳm không một bóng người, chỉ rừng là rừng. May mắn một chiếc chòi canh rẫy hiếm hoi bên đường, được đoàn ghé lại thăm hỏi và mọi người ai cũng thầm cám ơn ông Google chỉ đường giỏi quá, khi nghe người chủ nhà tốt bụng thông báo: đi tiếp nữa sẽ lên đến xã vùng cao Kon Gang, còn ngã tư Đăk Sơmei thì phải đi ngược lại lối cũ, rẽ phải theo con đường nhựa tìm đến ngã tư có cây xăng là đúng. Chiếc xe quay lại trong bầu không khí trầm lắng, những tiếng cười đã dần mất đi thay bằng nỗi âu lo, vì gần một giờ trôi qua rồi mà nhà thờ giờ đây cũng chẳng biết ở đâu ?

Trở lại đoạn đường cũ, ngã tư và cây xăng đoàn đã từng vượt nhanh qua chính là ngã tư Đăk Sơmei.

-Xin cho biết nhà thờ ở đâu? Mọi người trên xe tỏa ra hai bên đường hỏi thăm người dân địa phương.

Đây là một câu hỏi đầy thiếu sót tạo ra một sai lầm lớn lao, vì sau đó nhiều người dân đã nhanh nhẹn chỉ vào chiếc cổng xã văn hóa bên cạnh ngã tư, và cho biết đi vào chỉ chừng vài trăm mét là sẽ đến nhà thờ, và đúng thật, chúng tôi đã tìm thấy một ngôi nhà thờ nhưng mà là một nhà thờ Tin Lành, khang trang, rộng rãi. May thay, cha quản xứ đã gọi điện đến thăm hỏi đoàn hiện ở đâu và khi biết đoàn đã theo ông Google đi dạo búa xua các con đường trong khu vực, thì ngài yêu cầu quay lại tìm ngã ba làng Egor, cách ngã tư Đăk Sơmei chừng 7 cây số, nơi đó có bảng chỉ dẫn đường vào nhà thờ. Anh thợ sửa xe người Kinh ở bên đường gần ngã ba, khi được hỏi thăm đã vui vẻ hỏi lại:

– Tìm nhà thờ của cha Tài phải không ?

Tạ ơn Chúa! sáng giờ mới có một người biết ngay và biết rõ, mà như nhận định chính xác của bác tài Tâm, lên đây mình chẳng cần “đờ sơ mi, đắc sơ mây” gì cả, chỉ cần hỏi nhà thờ cha Tài là xong rồi, vì như lời anh sửa xe, ở đây ai chẳng biết cha Tài lo cho người dân tộc nghèo khó vùng cao này?

Từ ngã ba Egor, theo con đường bêtông nhỏ đi chừng 7 cây số vào khu rừng nguyên sinh còn nhiều cây xanh to lớn hướng về phía núi, nhà thờ Đê Somei nhỏ bé hiện ra thấp thoáng giữa những khóm cây rừng. Dưới tán những hàng cây xanh bên hông ngôi nhà thờ, bên những ly cà phê phin Pleiku đậm màu thơm ngát trên chiếc bàn tròn tiếp khách còn vương vãi những chiếc lá vàng vừa rơi rụng, cha quản xứ tiếp đoàn với phong thái vui tươi, nụ cười luôn nở trên môi:

– Con là Giuse Nguyễn Duy Tài, linh mục của giáo phận Kontum, hiện đang quản xứ Đê Sơmei gồm 7 làng sắc tộc, với hơn 6.000 giáo dân, 100% là người dân tộc Bahna, không có người Kinh, gồm các làng: Đê Somei, Đê Podral, Đê Thung, Đê Angleh, Đăk Yoh, Đê Klanh và Đê Krai, tập trung trên vùng núi rộng lớn bao gồm cả 3 xã: Đăk Sơ Mei, Đăk Krong và Kon Gang của huyện Đăk Đoa, cách thành phố Pleiku, tỉnh Gialai khoảng 50Km. Anh trưởng Tiến thay mặt đoàn cám ơn cha đã dành thời gian đón đoàn và giới thiệu sơ lược từng người để cha có dịp quen biết:

– Chúng con trong Ban Thường vụ của Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu Tổng giáo phận Sàigòn; đây là anh Giuse Huỳnh Bá Song, Trưởng ban BCH GĐPTTTCG VN; con là Giuse Trịnh Văn Tiến, Trưởng ban BCH GĐPTTTCG TGP Sàigòn và đây là chị Thủ quỹ Rosa Nguyễn Thị Thủy. Đặc biệt đây là anh Long, một thổ địa của cả Ban Mê và Pleiku này và là ân nhân của đoàn thể chúng con, cũng được mời đi cùng đoàn để giúp chúng con gặp gỡ cha hôm nay. Như đã có dịp trao đổi với cha, qua một chuyến chia sẻ bác ái tại một giáo xứ vùng sâu của giáo phận Ban Mê Thuột, con đã được cha chánh xứ giới thiệu đến cha đang chăm sóc một cộng đoàn còn khó khăn hơn nơi ấy gấp nhiều lần, mong chúng con hãy đến với cha và đó là lý do hôm nay chúng con có mặt ở đây.

Những bàn tay luân phiên siết chặt, những tâm tình phút giây sơ ngộ đã càng lúc càng thắt chặt ân tình giúp hiểu rõ nhau hơn – Người linh mục trẻ, năng động, cởi mở với tấm lòng yêu thương vô bờ trước những khó khăn, khốn khó trong cuộc sống và hành trình đi theo Chúa của những người anh em dân tộc vùng cao này mà mình phải một mình “vùng vẫy” chăm sóc, đã lần lượt được cha sẻ chia: Người dân tộc Bahna bao đời nay bám núi, phá rừng làm rẫy, kinh nghiệm trồng trọt vẫn còn thô sơ. Cây lương thực chính của họ hiện nay là cây mì (sắn) trồng ở các nương rẫy ven núi… Đó chính là loại cây  nuôi sống họ hằng ngày: củ vào mùa thu hoạch, sắc lát phơi khô để độn gạo. Hằng ngày họ thổi cơm với tỉ lệ một vốc gạo trộn năm bảy vốc mì lát khô. Còn thức ăn của họ thì quanh năm suốt tháng không phải là con tôm, con cá, miếng thịt, miếng khô, mà chỉ là đọt mì tươi hái tỉa trên nương, giã nhuyễn trộn với muối trắng (hay bột nêm nếu có được từ các đoàn từ thiện giúp cho). Giọng cha chợt trầm xuống khi trao đổi về nguồn sống cơ bản của cả cộng đoàn mình đang chăm sóc:

Cây mì mỗi năm thu hoạch một lần, do đất núi cằn cỗi, cây trồng không có phân bón, nước tưới cho thêm đọt non nuôi sống cây, lại bị thu hái hàng ngày để cung cấp nhu cầu thức ăn cho các gia đình, nên năng suất cây trồng rất kém, số lượng củ vừa nhỏ, vừa ít, thu hoạch chẳng được là bao. Với giá thu mua hiện nay trong khu vực từ 1000đ đến 1500đ một kí mì tươi, hay từ 2000đ đến 3000đ một kí mì lát khô. Con biết được, với một gia đình có đủ vợ chồng, đi rẫy cật lực thu nhập cũng không hơn 5 triệu đồng một năm; còn với gia đình chỉ có nữ thì hàng năm kiếm được chừng 3 triệu đồng đã là mừng. Với số tiền thu nhập hàng năm quá ít ỏi này, họ không thể nào đủ trang trải cho cuộc sống: mua gạo độn mì, sắm sửa quần áo, mua thuốc chữa bệnh, tập vở cho con cái… nhu cầu cần thiết để hỗ trợ cuộc sống hằng ngày cho cộng đoàn nơi đây rất lớn: gạo thóc, muối mắm, bột nêm, cá khô, chăn mền, quần áo các loại… nếu có được, nhưng giọng cha chợt buồn:

– Làng chúng con ở đây xa quá, vùng cao xa xôi trắc trở nên ít ai biết đến, thỉnh thoảng trong năm cũng có được một vài đoàn từ thiện đến giúp, nhưng số quà có được chỉ đủ một vài ngày và chỉ  dành cho các gia đình quá khó, còn số chung thì vẫn sống thiếu thốn mọi mặt như tự bao giờ. Con mong ước lâu dài sẽ có ân nhân giúp họ có được chiếc cần câu để thoát cuộc sống quá nghèo như hiện nay, như giúp họ cây trồng, con giống… Nói đến đây giọng cha chợt sôi động, hồ hỡi lên như nhìn thấy một viễn cảnh tươi đẹp sắp có với cộng đoàn khó nghèo mà cha đang gánh vác.

– Con biết vùng đất rừng này phù hợp với việc chăn nuôi con dê núi, nguồn thức ăn cho nó đầy dẫy trên rừng nên nuôi thả chẳng tốn kém gì, ai cũng có thể chăn dắt con dê…. Giá thịt hiện đang có giá, mỗi ký dê thịt giờ đã trăm ngàn, dê giống thì phải trăm hai mà không có để mua. Mỗi gia đình chỉ cần có một con dê cái giống giá chừng 3 triệu 5 trăm ngàn đồng một con, hơn năm sau đã có vài con dê con, và tiếp tục phát triển đàn dê là bắt đầu có được nguồn vốn tích lũy trong nhà. Con dự kiến nếu được ân nhân chấp nhận hỗ trợ dự án, mỗi làng con sẽ chọn 15 gia đình nghèo có khả năng chăn nuôi lập thành một tổ được cung cấp một con dê đực và 15 con dê cái để cùng nhau cộng tác, giúp đỡ phát triển chăn nuôi. Việc tổ chức sẽ làm cuốn chiếu, làng nghèo nhất có đủ điều kiện tốt sẽ làm trước; lần lượt mỗi làng một tổ, rồi dựa vào số dê sinh sôi nảy nở sẽ phát triển nhân rộng ra cho các gia đình còn lại trong làng. Cái khó là bước khởi đầu phải được quý ân nhân giúp đỡ mua con giống và việc này thì con “lực bất tòng tâm”, có nhiều đoàn từ thiện chỉ muốn mang quà phát tận tay từng gia đình chứ không muốn giúp chiếc cần câu này. Cuộc gặp gỡ hôm nay, con hy vọng GĐPTTTCG TGP Sàigòn hãy là chiếc cầu nối; giúp mời gọi và tạo điều kiện để quý ân nhân xa gần mở rộng con tim, một lần đến để có dịp thực thi đức ái nơi cộng đoàn Đê Somei của chúng con, hãy trao cho những người anh em khó nghèo này ngoài những vật dụng, lương thực thiết yếu hằng ngày có thêm những chiếc cần câu, những chú dê núi giống khởi đầu cuộc sống mới, để tương lai họ có cơ hội đổi đời từ món quà nhân ái này. Con xin hứa sẽ là bà đỡ tốt nhất để giúp họ chăm sóc hiệu quả những món quà nghĩa tình, sẽ gìn giữ và phát triển mô hình lao động mới này trong đời sống của các gia đình dân tộc nơi vùng núi cao Đăk Sơmei.

Ý tưởng xóa nghèo bền vững bằng việc vận động ân nhân trao tặng những chú dê núi cho người dân tộc nghèo nơi đây chăn nuôi, đã được mọi người đồng tình và cùng nhau góp ý xây dựng việc vận động thực hiện. Để hiểu rõ hơn tình hình đời sống của cộng đoàn nơi đây, cha Giuse nhanh nhẹn sắp xếp:

– Trăm nghe không bằng mắt thấy, con mời đoàn theo con đến các làng để có dịp cảm nhận thêm đời sống thường nhật của những người Công giáo sắc tộc nơi vùng núi cao này.

Sau khi viếng Chúa trong ngôi thánh đường bằng gỗ, nhỏ bé nhưng khá xinh của  làng Đê Somei, nơi cha Giuse trú ngụ, đoàn chúng tôi được chiếc xe bán tải trông rất bụi đời của cha dẫn đường đi thăm viếng các làng Dân tộc mà cha phụ trách. Trái với vẻ bề ngoài, chiếc xe lướt rất êm và nhanh trên con đường rừng nhỏ bé qua bàn tay điều khiển quá điệu nghệ mà chúng tôi phải gọi là “tay lái lụa” của cha. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên, vừa nghe tiếng xe, từ trong các ngôi nhà bên đường lũ trẻ đang chơi đều túa ra đường khoanh tay hét lớn chào cha? Hiểu ý thắc mắc của chúng tôi, cha Giuse giải thích:

– Tiếng xe đặc trưng của con, cộng đoàn nơi đây đều quen biết, chiếc xe này là phương tiện mỗi ngày đưa con đến với mọi người: chủ tế các Thánh lễ, đi thăm kẻ liệt, mang gạo muối, quần áo, thuốc men vận động được đến chia sẻ cho từng cộng đoàn… và ngay cả luôn việc vận chuyển những người đau yếu, bệnh nặng đến bệnh viện, cũng như đưa các bà bầu sinh khó đi đẻ về tận thành phố Pleiku, nổi tiếng đến nỗi các cô y tá bệnh viện đã gọi cha là ông cha không vợ mà có đến mấy chục đứa con. Các cháu thiếu nhi ở đây rất ngoan, tuy thiếu thốn nhưng rất chăm đi lễ, học giáo lý… và nhất là rất lễ phép với mọi người.

Ngôi làng đầu tiên cha đưa đến thăm chính là ngôi nhà thờ nhỏ xíu, có tháp chuông thấp bé mà chúng tôi đã từng đi qua nhưng không biết đó là nhà thờ, làng Đê Podral. Độ mươi người đàn ông đang dọn những chiếc băng gỗ tập trung dưới bóng cây chờ đón chúng tôi. Trên hai chiếc bàn nhựa nhỏ là bình nước trà vừa pha, ba bốn nải chuối rừng vừa chín tới và chừng năm trái dưa leo bản địa to khủng đặt trên bàn -Đó là những gì họ có dành để tiếp khách phương xa. Cha Giuse trao đổi với họ và cho chúng tôi biết, hôm nay các bà trong làng vẫn phải lên rẫy lo lương thực cho gia đình, các ông được ở nhà cùng cha tiếp khách; ngôi nhà thờ thấp nhỏ đã được chuẩn bị gỗ để xây lại lớn hơn, tất cả còn dấu trong rừng, chờ cha ra lệnh sẽ đem về dựng lên. Tất cả đều do anh em tự lo liệu, thi công, vào rừng tìm gỗ xây cất- Đây là bài học lớn cho những người Kinh chúng ta; anh em Dân tộc dẫu nghèo khó nhưng vẫn vượt khó dựng nhà Chúa, đón cha về làm mục vụ còn chúng ta thì ngược lại. Những trái chuối rừng ngọt lịm là tất cả tấm lòng của anh em phút chia tay, vì họ thì ít tiếng Kinh, còn chúng tôi lại mù tiếng dân tộc nên chỉ biết nhìn nhau mỉm cười quyến luyến.

Ngôi làng thứ hai lại nằm trên con đường chúng tôi vừa đi lạc ngang qua lúc sáng. Xe vừa rẽ vào làng đã thấy một đoàn các chị em dân tộc vừa trên rẫy trở về với chiếc gùi nặng trĩu trên vai. Dẫn chứng cụ thể những gì đã trình bày với đoàn lúc nãy, cha Giuse gọi một chị đến gần và nhón một nắm lá trong gùi đưa cho chúng tôi xem – Toàn đọt lá mì tươi. Người thứ hai, rồi thứ ba trong gùi cũng đều như vậy. Hướng nhìn lên những rẫy mì trên triền núi xa xa, vàng úa, còi cọc; đó là tất cả nguồn sống của một cộng đồng vùng cao. Lòng chúng tôi cảm thấy xót xa cho cái khó của những người anh em trong cuộc sống, mà mình không hề tưởng tượng được, không thấy thì lòng dễ gì tin?.

Xe dừng trước ngôi nhà thờ kiểu dáng nhà Rông còn khá mới của làng Đê Thung, một ngôi làng trước đây theo đạo Tin Lành. Nay dưới sự yêu thương chăm sóc của cha Giuse Tài, hơn 200 người đã quay trở lại với Giáo hội Công giáo, trở nên hạt nhân chính trong đời sống đạo của làng Đê Podral và trong sinh hoạt đặc trưng mà chúng tôi có dịp chứng kiến hôm nay: Dựng tháp chuông nhà thờ. Cha Giuse cho biết, đây là một cộng đoàn có đời sống đức tin rất tuyệt vời; cả làng một lòng một ý thờ phượng Thiên Chúa, cộng tác mật thiết với linh mục chủ chăn một cách sốt sắng, nhiệt thành. Anh chị có tin không? –Ngôi nhà thờ bằng cây gỗ được chuẩn bị trước, từ khởi sự cho đến lúc dựng lên chỉ trong vòng 5 ngày, từ 23 đến 28 tết Âm lịch năm rồi, lúc mọi người Kinh lo ăn Tết, chính quyền hay được thì công việc xây dựng khung sườn chính đã hoàn thành. Hôm nay cả làng lại quy tụ toàn bộ con người từ già đến trẻ, thực hiện việc quan trọng còn lại của nhà thờ là dựng lên chiếc tháp chuông. Quả thật, đi một vòng chung quanh nhà thờ, chúng tôi tìm thấy một tinh thần cộng đồng đúng nghĩa như Giáo hội Công giáo sơ khai xưa kia. Mỗi người tham gia một việc chung tùy theo tuổi tác, sức lực của riêng mình. Trai tráng thì gánh việc nặng: đục gỗ, khuân tháp, dựng cột… phụ nữ thì đảm việc khéo: giã gạo, thái măng, gọt củ, ủ men… người già thì làm việc nhẹ, trẻ em thì đứa lớn địu đứa bé tíu tít chăm sóc nhau – Tất cả, đều tràn ngập một niềm vui .

Một bữa tiệc nhỏ đãi khách phương xa làm chúng tôi vô cùng ái ngại! Mình lên đây chẳng có món gì làm quà, rồi nhìn những gùi đọt mì, những thau măng tươi, những rổ lá rừng chẳng có một chút vị thịt thà, mà giờ ngồi vào bàn với đĩa gà rừng nướng, nồi nếp nương xôi đậu, rồi ché rượu cần, thì quả thật chẳng giống ai? Nhưng cha Giuse đã tâm tình khéo léo, người dân tộc hễ quý ai thì họ rất hết lòng. Anh chị từ phương xa đến với họ thì anh chị đã là khách quý, mà hễ là khách quý thì họ dành những gì quý giá, tốt đẹp nhất để tiếp đón tận tình. Cũng đừng ngại họ phải nhịn miệng đãi khách, vì hôm nay làng có niềm vui trọng đại nên cha xứ cũng đã ngược xuôi chạy vạy mua một con heo nái già hơn tạ, giá rẻ đang ngả thịt ngoài sân, để mỗi người hôm nay cũng có được chút chất tươi. Nhìn những ánh mắt tha thiết mời gọi; nhìn những nụ cười vô tư, ấm áp của những người chưa một lần gặp mặt mà giờ đây đã gần gũi, thân thiết như người trong nhà. Chiếc cần hút với thanh nứa đánh dấu ân tình, ché rượu cần lúc cạn lúc đầy đã khiến tôi lần đầu biết thế nào là say túy lúy với vị men ngọt thơm dìu dịu, say với ân tình của cha Giuse Tài, anh Do, chị Hên… và nhiều người khác ở Đăk Sơmei, những người luôn biết quên mình để mang đến cho mọi người được hưởng một niềm vui. Lần lượt tiếp theo, Đê Angleh, Đăk Yoh, Đê Klanh…những ngôi làng của giáo xứ Đê Sơmei chúng tôi đã được cha Giuse đưa đến.

Để được một lần khám phá sức mạnh của niềm tin “Trong gian khó vẫn một lòng tin Chúa, lúc gian truân vẫn trọn vẹn niềm vui”, cha Giuse với niềm vui trong Chúa đã mang đến cho cộng đoàn Đê Somei một niềm tin mãnh liệt, có Chúa có niềm vui. Đêm về nơi khu nhà trọ trên đồi Đức Mẹ Măng Đen tôi chợt tỉnh giấc, hình ảnh chú dê núi bên đường rừng Đăk Sơmei mà cha Giuse Nguyễn Duy Tài chỉ cho tôi thấy lúc xuống núi, như hiện về rõ nét trong trí tôi. Xin Mẹ Măng Đen hãy nhận lời chúng con cầu xin, chúc lành cho những chú dê núi ấy sẽ trở nên là món quà ân tình mà những người ân nhân của đoàn thể chúng con sẽ có dịp mang đến cho những người anh em dân tộc ở làng Đăk Sơmei trong lần hội ngộ tới đây.

[slideshow_deploy id=’2813′]