GIỚI THIỆU NGUỒN GỐC ĐOÀN THỂ
GIA ĐÌNH PHẠT TẠ THÁNH TÂM VIỆT NAM
*****
KẾT HỢP TỪ HAI ĐOÀN THỂ
A- NGUỒN GỐC:
1- “Liên Minh Thánh Tâm:
Là hội đoàn “Hợp nhất tâm hồn các tín hữu lại với Thánh Tâm Chúa” |
Phong Trào Liên Minh Thánh Tâm, dành riêng cho nam giới, được Cha EDOUARD HAMON, Dòng Tên, sáng lập năm 1883 tại Canada, lấy tinh thần cầu nguyện và sự nhiệt thành của Hội Tông Đồ Cầu Nguyện làm nền tảng cho Phong Trào.
Ngày 31 tháng 12 năm 1884, Cha EDOUARD HAMON (1841-1904) đã sát nhập Phong Trào Liên Minh Thánh Tâm vào Đại Hội Tông Đồ Cầu Nguyện để các Đoàn viên được hưởng nhờ ơn ích thiêng liêng do Đại Hội này đem lại.
Tại Việt Nam, năm 1942 Phong Trào Liên Minh Thánh Tâm được Cha GERARD GAGNON, tức Cha Nhân (tên Việt Nam) dòng Chúa Cứu Thế thuộc tỉnh Dòng SAINT ANNE DE BEAUPRÉ – CANADA phát động tại Hà Nội Việt Nam, Năm 1946 Hội Liên Minh Thánh Tâm được thành lập tại xứ Thái Hà, Ấp Nam Đồng, Hà Nội. Hai năm sau ngày thành lập, 1948 Ngài trao lại trách nhiệm điều hành Phong Trào cho Cha Giacôbê Đào Hữu Thọ, 1950 hội đã thực hiện Lễ tuyên hứa đầu tiên.
Sau năm 1954Cha Giacôbê Đào Hữu Thọ (1917-1984) tiếp tục xây dựng và phát triển Phong trào LMTT tại Miền Nam Việt Nam.
2- Đoàn Thể Gia Đình Phạt Tạ
Năm 1945 Cha Phêrô Binh thuộc Giáo Phận Vĩnh Long được Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục, Giám Mục Giáo Phận cho phép thành lập hội Phạt Tạ để tôn sùng Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu. (Qua thị kiến Chúa Giêsu truyền cho Thánh Nữ Margarita Maria–Alacoque 1647-1690)
Sau khi Cha Binh qua đời, Cha Phêrô Phạm Tuấn Tri đã vâng lệnh Đức Cha tiếp tục công việc. Ngài đã xin Đức Cha SàiGòn, Đức Cha Cambodge, Đức Cha Cần Thơ ban phép Tôn Trái Tim Chúa làm Vua và truyền bá Hội Phạt Tạ trong các Họ đạo. Phong trào Phạt Tạ được Cha sở các Họ đạo tiếp nhận. Cha Phạm Tuấn Tri đã tổ chức được Hội Phạt Tạ trong 43 Họ đạo thuộc địa phận Vĩnh Long, 28 Họ đạo thuộc địa phận Sài Gòn, 27 Họ đạo thuộc địa phận Cần Thơ – Long xuyên và 6 Họ đạo thuộc Địa Phận Cambodge.
Năm 1953 Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục thấy cách tổ chức của Hội Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu chú trọng đến gia đình và muốn cho Hội hoạt động hướng về gia đình nhiều hơn, nên Đức Cha thêm hai chữ GIA ĐÌNH vào tên của Hội, từ đó danh hiệu chính thức của hội là đoàn thể GIA ĐÌNH PHẠT TẠ.
3- Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm
Đức Tổng Giám Mục Giáo Phận Sài Gòn Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn (Năm 2003 được phong Hồng Y) nhận thấy hai đoàn thể đều nhằm đến việc cổ động tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu, nên ngày 14-4-1999 Ngài quyết định sát nhập hai đoàn thể này thành một HỘI ĐOÀN CÔNG GIÁO TIẾN HÀNH dành cho cả hai giới nam và nữ và lấy tên gọi chính thức là GIA ĐÌNH PHẠT TẠ THÁNH TÂM. Ngài bổ nhiệm Linh mục Gioan Baotixita Võ Văn Ánh làm Tổng Linh Hướng. Ngài đã chúc lành và mong muốn GĐPTTT phát triển rộng lan khắp các Giáo Phận trong cả nước, nhằm để hun đúc lửa yêu mến tôn sùng Thánh Tâm Chúa, Thánh hoá các gia đình và cộng tác với Giáo Hội trong công cuộc làm chứng nhân và rao giảng Tin Mừng.
B- PHƯƠNG HƯỚNG CỦA GIA ĐÌNH PHẠT TẠ THÁNH TÂM.
Trong Thủ Bản đầu tiên phát hành tại Montréal, Canada, năm 1888, Cha Hamon vị sáng lập Phong Trào LMTT ấn định mục tiêu của Phong Trào LMTT như sau: “ Nhờ vào sự nhiệt thành Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, Phong Trào hợp nhất tâm hồn các tín hữu lại với Thánh Tâm Chúa, nhằm mục đích dùng nam giới để duy trì tinh thần Công Giáo trong gia đình” (GĐCGTH).
Trong Thủ Bản được in lại năm 1892, vị sáng lập nói thêm: “Phong Trào Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu hoàn toàn không phải là một hội đạo đức, cũng không phải là một tu hội, nhưng là một liên minh, một tổ chức hợp nhất tâm hồn các tín hữu lại với Thánh Tâm Chúa, để truyền bá và duy trì tinh thần Công Giáo trong các gia đình và ngoài xã hội”.
Đến năm 1909, Thủ Bản được tái ấn hành và nói rõ hơn về mục tiêu hoạt động của Phong Trào Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu như sau: “ hợp nhất tâm hồn các tín hữu lại với Thánh Tâm Chúa, là một hội đoàn đạo đức, không những chỉ có mục đích gìn giữ lấy lợi ích thiêng liêng và lòng đạo đức sốt sắng của Đoàn viên mà còn là một công cuộc tông đồ có tính cách xã hội nữa” (Là Gia Đình Công Giáo Tiến Hành).
Năm 2005 Nội quy GĐPTTTVN được soạn thảo hướng tinh thần hoạt động đề cao tới vai trò của Gia Đình, tập hợp cả hai giới nam và nữ nhằm cổ động lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa, Thánh hoá bản thân và gia đình, cộng tác với Giáo Hội trong đời sống chứng nhân và rao giảng Tin Mừng.
Như vậy, ngoài mục đích hoạt động truyền bá và duy trì tinh thần Công Giáo trong gia đình và ngoài xã hội, Phong trào còn được trao thêm nhiệm vụ hoạt động Tông Đồ giữa lòng trần thế.
Với định hướng ngày càng được bổ túc và kiện toàn kể trên, phong trào hợp nhất tâm hồn các tín hữu lại với Thánh Tâm Chúa, đã đáp ứng lời hiệu triệu của các Đức Giáo Hoàng hằng thúc giục giáo hữu trong mọi tầng lớp và môi trường xã hội; tùy theo khả năng hãy cộng tác với nhau làm việc tông đồ, đề mở rộng Nước Chúa đến mọi người, mọi gia đình và ngoài xã hội trong tinh thần bác ái của Thánh Tâm Chúa. Như vậy, Thánh tâm Chúa là nguồn gốc phát sinh Phong Trào hợp nhất tâm hồn các tín hữu lại với Thánh Tâm Chúa.
Phong Trào hợp nhất tâm hồn các tín hữu lại với Thánh Tâm Chúa, hoạt động tích cực trong các xứ đạo, là cánh tay trợ lực hữu hiệu của các linh mục quản xứ, quản nhiệm, tổ chức các việc thiện để bài trừ việc xấu, thực hiện các công việc hữu ích cho Giáo hội và Tổ quốc trong các lãnh vực tôn giáo, xã hội, kinh tế. Phạm vi hoạt động của Phong Trào vì thế thật là rộng lớn, ở thôn quê cũng như ở thành thị.
- NHẬN ĐỊNH CỦA CÁC VỊ LÃNH ĐẠO GIÁO HỘI
Các Đức Giáo Hoàng Lêo XIII (1878 – 1903), Piô X (1903-1914), Bênêđictô XV (1914-1922), Piô XI (1922-1939), Piô XII (1939-1958) đồng thanh quả quyết rằng: “Thánh Tâm Chúa sẽ cứu vãn xã hội ngày nay khỏi những vết thương trầm trọng tinh thần cũng như vật chất. Triều đại Thánh Tâm Người sẽ trả lại cho thế giới trật tự và công bằng bắt nguồn từ đức Bác Ai”. Để triều đại Chúa Kitô sớm được thực hiện, Đức Piô XI đã quyết định tổ chức Phong Trào Công Giáo Tiến Hành để cố gắng thi hành chương trình hoàn bị của Thánh Tâm Chúa bằng cách sáng lập, phát triển, củng cố triều đại Chúa Kitô trong tâm hồn mỗi cá nhân, trong gia đình, ngoài xã hội, ở mọi phạm vi, mọi ngành hoạt động, mà nhờ ơn Chúa, con người có thể hoạt động.
(Trích bài diễn thuyết cho các thủ lãnh CGTH tại Rôma ngày 19-4-1931- Pio XI).
Trong bức thư “ Quod sodales consociationes” gửi Cha bề trên tổng quyền Dòng Tên, Đức Thánh Cha Piô XII đã nói: “ Phong Trào hợp nhất tâm hồn các tín hữu lại với Thánh Tâm Chúa, có đủ tư cách, và sự chuẩn bị để trở nên một phong trào xuất chúng trong những Hội Đoàn Công Giáo Tiến Hành(*)”.
—————————————————-
(*) Theo sắc lệnh TĐGD số 20 các hội đoàn làm việc Tông Đồ phải hội đủ 4 đặc tính:
-Có mục đích Thánh hoá mọi người và rao giảng Tin Mừng.
-Cộng tác với hàng Giáo Phẩm, và chịu trách nhiệm về phần mình.
-Hoạt động có tính cách Cộng Đoàn.
-Chịu sự giám sát, hướng dẫn của hàng Giáo Phẩm.
Những tổ chức tông đồ đạt 4 tiêu chuẩn trên được Giáo Hội đặt cho danh hiệu HỘI ĐOÀN TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN. (TĐ số 22A)
———o———-