Thứ Sáu tuần 32 Thường niên năm II – Hy sinh (Lc 17,26-37)

“Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất;
còn ai liều mất mạng sống mình,
thì sẽ bảo tồn được mạng sống”.
(Lc 17,33)

 

BÀI ĐỌC I (năm II): 2 Ga 4-9

“Kẻ nào giữ vững đạo lý này, sẽ được Chúa Cha và Chúa Con”.

Trích thư thứ hai của Thánh Gioan Tông đồ.

Thưa Bà đáng kính, tôi rất đỗi vui mừng vì đã gặp thấy trong hàng con cái Bà có những kẻ sống trong chân lý, theo mệnh lệnh chúng ta đã nhận từ nơi Chúa Cha. Và thưa Bà, bây giờ tôi xin Bà, không phải như thể tôi viết cho Bà một mệnh lệnh gì mới, nhưng là mệnh lệnh chúng ta có từ ban đầu: là chúng ta phải thương yêu nhau. Và lòng mến này là chúng ta hãy sống theo mệnh lệnh của Người, vì đây là mệnh lệnh, là anh em hãy sống theo luật yêu mến, như anh em đã học biết từ ban đầu.

[Ấy là vì đã có lắm kẻ lừa gạt xuất hiện trong thế gian, những kẻ không tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô đến trong xác thịt. Ðó là kẻ lừa gạt, và là Phản-Kitô. Hãy coi chừng chính mình anh em, để khỏi làm hư hỏng mất các công khó của chúng tôi, nhưng mà để được lĩnh một phần thưởng sung mãn. Phàm ai xông tới trước mà không lưu lại trong giáo huấn của Ðức Kitô, tất không có Thiên Chúa. Kẻ nào lưu lại trong giáo huấn, kẻ ấy được có Cha và Con.]

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 118, 1. 2. 10. 11. 17. 18

Ðáp: Phúc đức những ai tiến thân trong luật pháp của Chúa (c. 1b).

Xướng: Phúc đức những ai theo đường lối tinh toàn, họ tiến thân trong luật pháp của Chúa. – Ðáp.

Xướng: Phúc đức những ai giữ lời Ngài nghiêm huấn, những người đó tận tâm kiếm tìm Ngài. – Ðáp.

Xướng: Với tất cả tâm can con tìm Chúa, xin chớ để con lạc xa chỉ thị Ngài. – Ðáp.

Xướng: Con chôn cất trong lòng lời răn của Chúa, để con không phạm tội phản nghịch Ngài. – Ðáp.

Xướng: Xin gia ân cho tôi tớ Ngài được sống, để tuân giữ những lời Ngài răn. – Ðáp.

Xướng: Xin mở rộng tầm con mắt của con, để quan chiêm những điều kỳ diệu trong luật Chúa. – Ðáp.

 

Tin mừng: Lc 17, 26-37

26 “Và cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy. 27 Thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu, và nạn hồng thuỷ ập tới, tiêu diệt tất cả. 28 Sự việc cũng xảy ra giống như vậy trong thời ông Lót: thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất. 29 Nhưng ngày ông Lót ra khỏi Xơ-đôm, thì Thiên Chúa khiến mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả. 30 Sự việc cũng sẽ xảy ra như thế, ngày Con Người được mặc khải.

31 “Ngày ấy, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà, thì đừng xuống lấy. Cũng vậy, ai ở ngoài đồng thì đừng quay trở lại. 32 Hãy nhớ chuyện vợ ông Lót. 33 Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống. 34 Thầy nói cho anh em biết: đêm ấy, hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. 35 Hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. 36 Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.”

37 Các môn đệ lên tiếng hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ở đâu vậy ?” Người nói với các ông: “Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó.”

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Đời sống con người không phải là chuyện tầm thường, không phải chỉ là vui chơi giải trí, nhưng mang một tầm mức vĩnh cửu.Và việc chuẩn bị cho cuộc sống trường tồn ấy, cần phải khẩn cấp ngay hôm nay, từ bây giờ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con thấy bất cứ sự gì trên đời đều có hồi kết thúc. Và mỗi lần kết thúc xảy đến là một báo hiệu và là một lời cảnh giác cho con. Khi một người thân yêu chết, thì đó là một báo động con cũng sẽ phải chết. Khi một tòa nhà lớn bị phá đổ thì đó là một dấu chỉ mọi sự đều rất mong manh. Khi một tai nạn giao thông cướp đi mạng sống con người, thì đó là lời cảnh giác: sự kết thúc sớm hơn thời gian có thể xảy tới bằng bất cứ cách nào.

Lạy Chúa, con nhận ra rằng lụt đại hồng thủy, lửa từ trời đốt cháy thành phố Sôđôma, và thành phố Giêrusalem bị sụp đổ: đó là bằng chứng của sự kết thúc. Những biến cố ấy thôi thúc con quan tâm đến tầm quan trọng của cuộc sống và tích cực gia tăng chuẩn bị chu đáo. Chúa gợi lên sức mạnh của nước và lửa để giúp con ý thức rõ sự nhỏ bé và bất lực của bản thân con. Vâng lạy Chúa, trước lũ lụt và cơn hỏa hoạn, cho dù nỗ lực tối đa, mọi phương tiện cứu chữa nhiều lúc cũng trở nên trò cười.

Lạy Chúa, tất cả vũ trụ này sẽ qua đi và mọi thứ con đang có đều tiêu tan. Chỉ có tình yêu sẽ tồn tại mãi trong đời sống vĩnh cửu. Xin Chúa giúp con luôn biết tỉnh thức sẵn sàng, luôn biết sắm sửa hành trang cho chính mình bằng đời sống thánh thiện, nhất là bằng nghĩa cử yêu thương, như một đảm bảo con sẽ là người được Chúa đem đi vào Nước Trời. Amen.

Ghi nhớ: “Cũng xảy ra như thế trong ngày Con Người xuất hiện”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống…)

Đoạn Tin Mừng hôm nay tiếp liền đoạn hôm qua về “Ngày của Con Người” tức là ngày quang lâm. Trong đoạn hôm qua, Chúa Giêsu đã bảo đừng mất công tìm hiểu xem khi nào và dấu nào cho biết Ngày ấy đến. Điều quan trọng phải làm là luôn sẵn sàng. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng nhiều hình ảnh để giải thích rõ hơn điều đó:

– Trước hết Ngài dùng 2 chuyện Cựu Ước về ông Nôê và ông Lót để khuyến cáo các môn đệ mình: người ta dễ bị cuốn hút trong những lo lắng cho cuộc sống vật chất (“ăn uống, cưới vợ lấy chồng”, “ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất”). Những lo lắng này không có gì là tội lỗi, nhưng có thể khiến người ta quên mất điều quan trọng đã nói ở trên là luôn luôn sống xứng đáng là môn đệ Chúa. Do đó khi Ngày ấy đến một cách nhanh chóng và bất ngờ, thì những kẻ không sẵn sàng sẽ phải hư mất.

– Tiếp theo là một số hình ảnh giúp dễ hiểu: a/ Người đang ở trên sân thượng thì đừng xuống nhà để lấy đồ đạc; người đang ở ngoài ruộng cũng đừng trở về nhà (để lấy đồ đạc): vì khi đó của cải vật chất không còn quan trọng nữa. Cái quan trọng lúc đó là “sự sống”. Trong câu này chữ “sự sống” có 2 nghĩa: sự sống dựa trên “đồ đạc” chỉ là một giá trị phù du, không đáng tiếc rẻ; sự sống đáng trân trọng chính là sự sống với Chúa. Kẻ khôn ngoan là kẻ đám bỏ sự sống phù du kia để đổi lấy sự sống vĩnh cửu. b/ Có những người bề ngoài thì hoàn toàn giống nhau (hai người nằm chung một giường, hai người đàn bà cùng xay một cối bột, hai người đàn ông cùng làm ruộng ngoài đồng) nhưng số phận hoàn toàn khác nhau: kẻ có chuẩn bị sẵn sàng thì được đem đi (đem đi với Thiên Chúa), còn kẻ không chuẩn bị thì bị bỏ lại (bỏ lại trong hư vong).

Kết thúc bài nói chuyện là một câu hỏi ngớ ngẩn của các môn đệ: “Thưa Thầy, ở đâu vậy ?” Các ông vẫn còn lẩn quẩn trong những thắc mắc về thời gian và nơi chốn! Do đó Chúa Giêsu trả lời như thể không trả lời “Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó”: Nghĩa là khỏi cần thắc mắc, vô ích. Hãy lo lúc nào cũng sẵn sàng.

B. Suy niệm (…nẩy mầm)

1. Theo cách viết của Luca, những người thời ông Nôê chẳng làm điều gì có tội, chỉ làm những việc bình thường: “ăn uống, cưới vợ lấy chồng” (câu 26). Những người thời ông Lót cũng thế: “Ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất” (câu 28). Nhưng họ bị chết trong cơn nước lụt và cơn mưa diêm sinh. Không phải vì họ làm gì tội, mà vì họ không làm những việc phải làm. Họ làm rất nhiều việc cho cuộc sống thể xác, nhưng không làm việc gì cho cuộc sống linh hồn cả.

2. “Ngày ấy, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà thì đừng xuống lấy” (câu 31): Tới ngày chết, tất cả mọi đồ đạc của cải đều vô dụng. Khi đó chỉ còn mỗi một điều quan trọng thôi là phần rỗi đời đời.

3. “Hai người cùng nằm một giường… hai người cùng nhau xay bột… hai người đang ở ngoài đồng, thì một người được đem đi, còn người kia bị bỏ lại” (các câu 34-36): những người bề ngoài hoàn toàn giống nhau, nhưng số phận đời đời khác hẳn nhau. Cái khác biệt là có chuẩn bị cho đời sau hay không.

4. ‘Hãy mài sắc cảnh giác’: (một kiểu nói mà xã hội thường dùng tới). Sự cảnh giác phải thường xuyên mài giũa, nếu không nó sẽ tự động cùn nhụt đi. Giống như trường hợp một con dao bén bằng sắt, nếu ta đem cất đi, chỉ một thời gian sau dù ta không làm điều gì sai quấy, con dao vẫn tự động lụt đi do tác động của không khí làm rỉ sét. Việc trông chờ nước Chúa cũng vậy, cần mài sắc hoài.

5. Tính trì-trệ (inertie) (còn gọi là ỳ-tính, noạ-tính) của vạn vật. Một đồ vật ta để trong phòng nó sẽ cứ nằm ỳ tại đó nếu không có ai đụng tới. Một hòn đá ta ném đi, sẽ tự động ghì lại và rơi xuống khi hết đà. Tinh thần con người cũng không tránh nổi sự trì trệ kiểu đó.

– Sự nguội lạnh, phai lạt: Một ly nước nóng để trên bàn, dù ta không làm gì, nó vẫn từ từ bớt nóng, và trở thành lạnh ngắt. Sự Nhiệt thành của ta đối với nước Trời cũng vậy.

– Sự cạn kiệt: Một chiếc xe Honda chạy mãi mà không được châm thêm, xăng sẽ vơi dần và cạn kiệt. Sự hăng say ban đầu nếu không được bồi bổ thêm bằng ơn Chúa qua sự cầu nguyện… cũng sẽ cạn dần. Người ta thường nói: ‘Quì lâu, chầu mỏi’.

6. Elena Frings là một thiếu nữ mới 20 tuổi nhưng đau tim nặng. Các bác sĩ cho biết cô chỉ còn sống được 6 tháng. Cô bỏ việc làm ở sở để đi làm việc xã hội trong một tổ chức thiện nguyện ở Nam Mỹ. Cô làm việc rất đắc lực và có hiệu quả đến nỗi cô được mời đến New York để thuyết trình. Tại New York cô may mắn gặp một bác sĩ giỏi. Ông này giải phẫu cho cô và chữa cô khỏi bệnh tim. Sau khi khỏi bệnh, cô không quay lại sở làm nhưng quay lại Nam Mỹ với những công việc hàng ngày phục vụ những người khốn khổ, bởi vì điều đã ban cho đời cô có ý nghĩa và đã định hướng cho đời cô không phải là cuộc giải phẫu mà là cảm nghiệm về cái chết gần kề (Christopher Notes).

7. Mục sư King nổi tiếng với giải Nobel hoà bình năm 1964 nhờ tài lãnh đạo của ông đối với cuộc đấu tranh bất bạo động cho quyền bình đẳng của người da đen. Ông đã ấu tranh cho họ trên xe buýt, nơi trường học, tại thùng phiếu… Và chính trong cuộc đấu tranh ngày 4-4-1968, ông đã bị bắn chết tại Memphis tiểu bang Tennessi.

Sự hy sinh tính mạng vì tình thương của mục sư King đã mang lại nhiều quyền cho người da đen. Phần tôi, tôi đã làm gì cho những người anh em bên cạnh tôi, khi xung quanh tôi còn bao người khốn khổ, bao người cần sự bênh vực nâng đỡ ?

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ tính ích kỷ và khép kín, khi còn chưa dám hy sinh tính mạng vì anh em con. (Hosanna)

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Ngày quang lâm của Đức Giêsu (Lc 17, 26-37)

  1. Sau khi nói về ngày khai mạc và kết thúc Nước trời ở trần gian, Đức Giêsu nói về ngày quang lâm của Ngài, tức là ngày tận thế. Trong đoạn Tin mừng hôm qua, Đức Giêsu đã bảo đừng mất công tìm hiểu khi nào và dấu nào cho biết ngày ấy đến. Điều quan trọng là phải sẵn sàng. Lời cảnh cáo của Đức Giêsu cho thấy đó là ngày đáng sợ, không ai có thể thoát. Nhưng đó là ngày hân hoan hạnh phúc cho những ai ở đời này đã sống hết mình với Chúa, với tha nhân: dám hy sinh tất cả dù phải mất mạng sống mình. Mọi người tín hữu phải có thái độ sẵn sàng chờ đợi ngày ấy trong từng giây phút hiện tại của mình.
  2. Các môn đệ khi nghe Đức Giêsu nói đến việc Ngài lại đến, đã tò mò muốn biết lúc nào, tại đâu và như thế nào ? Nhưng trong cách trả lời của Chúa, chúng ta nhận thấy điều quan trọng đáng quan tâm không phải là biết thời giờ và ở đâu, mà là thái độ sẵn sàng của mỗi người. Người Kitô hữu cần ý thức rằng cách tốt nhất để chuẩn bị đón Chúa đến, là không thụ động ngồi chờ, nhưng tích cực hướng về Chúa và dấn thân phục vụ.
  3. Đức Giêsu không mạc khải về thời giờ cụ thể của ngày ấy, Ngài chỉ nói có ngày tận thế và ngày ấy đến rất là nhanh chóng và bất ngờ như “ánh chớp chói lòa ánh sáng từ phương trời này đến phương trời kia”. Và để minh hoạ cho tính bất ngờ của ngày tận thế ấy, Đức Giêsu dùng hai sự kiện cụ thể trong thời Cựu ước, đó là Lụt Đại hồng thuỷ và Lửa thiêu huỷ Sôđôma thời ông Lót, để mời gọi mọi người phải có thái độ sẵn sàng cho ngày ấy. Ngày tận thế sẽ đến bất ngờ và nhanh chóng, và cái chết cũng đến với mỗi người chúng ta bất ngờ như vậy. Vì thế, cần luôn tỉnh thức cầu nguyện và chuẩn bị hành trang thiêng liêng là làm việc lành phúc đức, để khi Chúa đến, Ngài sẽ gặp thấy chúng ta là những người đầy tớ trung thành và khôn ngoan và triều đại Thiên Chúa sẽ thuộc về chúng ta.
  4. Ngày tận thế, khi cuộc phán xét chung diễn ra, đó là lúc chương trình của Thiên Chúa được hoàn tất, là ngày mà từng người đối mặt với vấn đề thiết yếu nhất của mình: được cứu độ hay không được cứu độ: “Ai sẽ được đem đi và ai bị bỏ lại”. Lúc này, những người cùng trong một hoàn cảnh, sẽ được đối xử bằng cách đối nghịch nhau. Trong bối cảnh này, việc phân biệt đối xử giữa họ sẽ được dựa trên việc họ sẵn sàng như thế nào để đón chào Chúa đến. Ngày kẻ lành được thưởng công và kẻ dữ bị tiêu diệt. Chính vì thế, chúng ta được mời gọi sống trong tâm thế sẵn sàng đón Chúa quang lâm, trong khi vẫn dấn thân xây dựng trần thế tốt đẹp theo ý Chúa. Việc sẵn sàng đối diện với Ngày Chúa đến không phải là tích trừ đèn nến hay lương thực để đối phó (vì chỉ vô ích), mà hãy lo chuẩn bị tâm hồn trong sạch để xứng đáng với Ngày Vua công chính ngự đến (Hiền Lâm).
  5. Cơn bão số 9 mang tên Ketsana hồi cuối tháng 9 năm 2009 được dự báo sẽ theo hướng tây bắc đổ bộ vào Quảng Trị, bỗng bất ngờ chuyển hướng tây nam ập vào Quảng Ngãi khiến nhiều ghe tàu trở tay không kịp. Giống như thế, ngày cánh chung cũng được báo trước và chắc chắn sẽ đến, thế nhưng tính bất ngờ vẫn còn nguyên. Vì thế, Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta luôn tỉnh thức, sẵn sàng. Cưới vợ, lấy chồng, làm ăn, trồng trọt, xây cất… không phải là điều xấu. Thế nhưng mải mê lo toan những điều đó mà quên đi mục đích tối hậu là “tìm kiếm Nước Thiên Chúa”, thì lời cảnh cáo thời ông Noe vẫn còn hiện thực trong thời của chúng ta (5 phút Lời Chúa).
  6. Nhân đây, chúng ta hãy nghĩ về sự chết của từng người. Ý nghĩ về sự chết hướng con người đến cùng đích của mình để tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống. Ý nghĩa ấy luôn gợi lên cho con người ý thức về thân phận mong manh bất toàn của kiếp người và mời gọi con người tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu của Nước trời. Với ý thức ấy, con người hướng về cùng đích của cuộc sống và tỉnh thức không những để chờ đợi Chúa đến vào ngày sau hết, hay để được đợi mong Ngài mau đến trong những khoảnh khắc của cuộc sống.
  7. Truyện: Cứ từ từ, đừng vội!

Có một truyện ngụ ngôn về ba con quỷ học việc. Chúng đến trần gian để tập sự. Chúng nói với Satan là chúa quỷ về những kế hoạch cám dỗ loài người.

Con quỷ thứ nhất nói:

– Tôi sẽ bảo với loài người là không có Thiên Chúa.

Con quỷ thứ hai nói:

– Tôi sẽ bảo họ là không có hỏa ngục.

Satan trả lời:

– Mi sẽ không lừa dối ai được bằng cách đó, ngay đến bây giờ loài người vẫn biết có Thiên Chúa và biết một hỏa ngục dành cho tội nhân.

Con quỷ thứ ba nói:

– Tôi sẽ bảo với loài người đừng có vội vã làm gì, cứ từ từ.

Satan đáp:

– Đi đi, mày sẽ làm hại được vô số loài người bằng cách đó.

 

4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Thánh Hiêrônimô tin rằng, Thánh Địa là nơi sẽ xảy ra cuộc phán xét chung, vì thế, ngài hy sinh qua ở ngay tại Thánh Địa, đêm ngày ăn chay, cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, nhớ đến ngày tận thế, ngày Chúa phán xét chung, để nhắc nhở mình phải luôn luôn sống trong sự ăn năn thống hối và đền tội.

Suy niệm

Trong những ngày cuối năm phụng vụ Giáo hội cho chúng ta lắng nghe những bản Tin Mừng nhấn mạnh chủ đề cánh chung để hướng tâm tư chúng ta về ngày của Con Người đến phán xét, ngày cánh chung. Ngày ấy có thể là ngày từ giã cõi đời của mỗi người chúng ta. Ngày ấy có thể là ngày tận thế khi Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang.

Suy nghĩ về sự chết hay khi nhớ đến những người quá cố, là tư thế tỉnh thức tích cực chờ đợi của ngày giờ Thiên Chúa đến xét xử, thời điểm mà chúng ta không biết rõ thời gian, không gian của ngày phán xét, nhưng luôn hy vọng trong niềm tin chờ đợi vào ngày cánh chung như: Thời ông Noe, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng mà không màng đến lời cảnh cáo của ông, đến khi đại nạn hồng thủy đến thì đã quá muộn. Cho nên, để được cứu cần phải sống trong tinh thần chờ đợi và chuẩn bị sẵn sàng như Ngài dạy: “Vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến” (Mt 24,42).

Ý nghĩ về sự chết gợi lên cho con người ý thức về thân phận mong manh bất toàn của kiếp người và hướng con người tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống theo những giá trị vĩnh cửu của nước Trời mà Chúa Giêsu đã rao giảng. Cho nên, tỉnh thức không những để chờ đợi Chúa đến vào ngày sau hết, nhưng là ngày hôm nay trong từng khoảnh khắc của cuộc sống.

Ý lực sống

“Người tín hữu hiện tại không biết và sẽ không biết ngày giờ phán xét chung, cho nên người Kitô hữu phải trung thành mỗi ngày; họ luôn kính sợ bởi vì luôn hy vọng” (Văn sĩ Tertullianô).