“Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình,
hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” ( Mc 6, 4)
Bài Ðọc I: Ed 2, 2-5
“Ðây là nhà phản loạn, và họ sẽ biết rằng giữa họ vẫn có một tiên tri”.
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Trong những ngày ấy, sau khi nói với tôi, Thần Linh nhập vào tôi, và đỡ tôi đứng dậy. Tôi nghe Người nói với tôi rằng: “Hỡi con người, Ta sai ngươi đến với con cái Israel, đến với dân nổi loạn phản nghịch Ta, chúng và cha ông chúng vi phạm giao ước của Ta cho đến ngày nay. Ta sai ngươi đến để nói với những con cái dầy mặt cứng lòng rằng: ‘Chúa là Thiên Chúa phán như vậy’. Hoặc chúng nghe, hoặc chúng không nghe, vì đây là bọn phản loạn, và chúng sẽ biết rằng giữa chúng có một tiên tri”.
Bài Ðọc II: 2 Cr 12, 7-10
“Tôi rất vui sướng khoe mình về những sự yếu hèn của tôi, để sức mạnh của Ðức Kitô ngự trong tôi”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, để những mạc khải cao siêu không làm cho tôi tự cao tự đại, thì một cái dằm đâm vào thịt tôi, một thần sứ của Satan vả mặt tôi. Vì thế đã ba lần tôi van nài Chúa, để nó rời khỏi tôi. Nhưng Người phán với tôi rằng: “Ơn Ta đủ cho ngươi, vì sức mạnh của Ta được tỏ bày trong sự yếu đuối”. Vậy tôi rất vui sướng khoe mình về những sự yếu hèn của tôi, để sức mạnh của Ðức Kitô ngự trong tôi. Vì thế, tôi vui thoả trong sự yếu hèn của tôi, trong sự lăng nhục, quẫn bách, bắt bớ và khốn khó vì Ðức Kitô: vì khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh mẽ.
Tin mừng: Mc 6,1-6
1 Hồi ấy, Ðức Giêsu trở về quê nhà, có các môn đệ đi theo. 2 Ðến ngày sabát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường.
3 Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. 4 Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao?
Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Gioxê, Giuđa và Simon sao?
Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Và họ vấp ngã vì Người. Ðức Giêsu bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.”
5 Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. 6 Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy.
Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 14 Thường Niên năm B
WHĐ (04.07.2024) – Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 14 Thường niên năm B theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.
Số 2581-2584: Các tiên tri và việc hối cải tâm hồn
Số 436: Đức Kitô với tư cách là tiên tri
Số 162: Sự kiên trì trong đức tin
Số 268, 273, 1508: Quyền năng được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối
Số 2581-2584: Các tiên tri và việc hối cải tâm hồn
Số 2581. Đối với dân Thiên Chúa, Đền thờ là nơi dạy cho họ biết cầu nguyện: các cuộc hành hương, các lễ hội, hy tế, lễ dâng ban chiều, dâng hương, bánh “trưng hiến”, tất cả những dấu chỉ này về sự thánh thiện và vinh quang của Thiên Chúa Tối Cao nhưng rất gần gũi, đều là những lời mời gọi và là những nẻo đường đưa đến việc cầu nguyện. Nhưng thái độ quá chuộng nghi lễ thường lôi kéo dân đến một cách thờ phượng quá bề ngoài. Việc giáo dục đức tin và hối cải tâm hồn là cần thiết. Đó là sứ vụ của các tiên tri trước và sau thời lưu đày.
Số 2582. Êlia là tổ phụ của các tiên tri, thuộc dòng dõi những kẻ tìm kiếm Ngài, những kẻ tìm kiếm tôn nhan Ngài[1]. Tên của ông, có nghĩa “Chúa là Thiên Chúa của tôi”, tiên báo tiếng hô của dân đáp lại lời cầu nguyện của ông trên núi Carmel[2]. Thánh Giacôbê nhắc đến gương ông Êlia để khích lệ chúng ta cầu nguyện: “Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực” (Gc 5,16)[3].
Số 2583. Sau khi học biết thương xót lúc ẩn mình tại suối Charith, ông Êlia dạy cho bà góa ở Sarepta tin vào lời Thiên Chúa và củng cố đức tin của bà bằng lời cầu nguyện tha thiết của ông: Thiên Chúa đã làm cho con trai bà goá sống lại[4].
Khi ông Êlia dâng hy lễ trên núi Carmel, đó là lúc thử thách quyết liệt đối với đức tin của dân Thiên Chúa, thì lửa của Chúa đã thiêu hủy của lễ toàn thiêu “vào giờ người ta hiến dâng của lễ ban chiều” nhờ lời khẩn cầu của ông Êlia: “Xin đáp lời con, lạy Chúa, xin đáp lời con” (1 V 18,37). Các phụng vụ Đông phương đã dùng lại lời khẩn cầu này của ông Êlia trong kinh Khẩn nguyện xin ban Chúa Thánh Thần (Epiclesis) trong thánh lễ[5].
Sau cùng, trở lại hoang địa, đến nơi Thiên Chúa hằng sống và chân thật đã tỏ mình ra cho dân Ngài, ông Êlia ẩn mình, như ông Môisen, “trong một hang đá” cho tới khi sự hiện diện nhiệm mầu của Thiên Chúa “đi qua”[6]. Nhưng chỉ trên núi Hiển Dung, Đấng mà ông Môisen và ông Êlia đã tìm kiếm tôn nhan, mới được tỏ lộ[7]: các ông nhận ra vinh quang của Thiên Chúa nơi tôn nhan Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh[8].
Số 2584. Trong những lúc “riêng một mình với Thiên Chúa”, các tiên tri múc được ánh sáng và sức mạnh cho sứ vụ của mình. Việc cầu nguyện của các ông không phải là chạy trốn thế giới bất trung, nhưng là lắng nghe Lời Thiên Chúa, đôi khi tranh luận hoặc than thở với Chúa, luôn luôn chuyển cầu cho dân để chờ đợi và chuẩn bị cho sự can thiệp của Thiên Chúa Cứu Độ, là Chúa của lịch sử[9].
Số 436: Đức Kitô với tư cách là tiên tri
Số 436. Danh hiệu “Kitô” là một từ Hy Lạp, dịch từ “Messia” của tiếng Do thái, có nghĩa là “người được xức dầu”. Danh hiệu này trở thành tên riêng của Chúa Giêsu bởi vì Người đã chu toàn cách hoàn hảo sứ vụ thần linh mà danh hiệu ấy bao hàm. Quả vậy, trong Israel, những ai được thánh hiến cho Thiên Chúa để thi hành một sứ vụ Ngài giao phó, đều được xức dầu nhân danh Thiên Chúa. Đó là trường hợp của các vua[10], các tư tế[11] và đôi khi, các tiên tri[12]. Đó phải là, một cách tuyệt hảo, trường hợp của Đấng Messia, là người Thiên Chúa sai đến để thiết lập Nước của Ngài cách vĩnh viễn[13]. Đấng Messia phải được xức dầu bằng Thần Khí của Chúa[14] với tư cách là vua, đồng thời là tư tế[15], và cũng với tư cách là tiên tri.[16] Chúa Giêsu đã thực hiện niềm hy vọng về Đấng Messia của Israel trong ba nhiệm vụ của Người là Tư tế, Tiên tri và Vương đế.
Số 162: Sự kiên trì trong đức tin
Số 162. Đức tin là một hồng ân nhưng không, Thiên Chúa ban tặng cho con người. Chúng ta có thể đánh mất hồng ân vô giá đó. Thánh Phaolô cảnh giác ông Timôthê về nguy cơ này: “Đây là chỉ thị tôi trao cho anh … để anh dựa vào đó mà chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp này, với đức tin và lương tâm ngay thẳng. Một số người đã vứt bỏ lương tâm ngay thẳng đó, nên đức tin của họ đã bị chết chìm” (1 Tm 1,18-19). Để sống, lớn lên và kiên trì đến cùng trong đức tin, chúng ta phải nuôi dưỡng đức tin bằng Lời Thiên Chúa; chúng ta phải cầu xin Chúa gia tăng đức tin cho chúng ta[17]; đức tin ấy phải hành động “nhờ đức mến” (Gl 5, 6)[18], phải được nâng đỡ bằng đức cậy[19] và phải đâm rễ trong đức tin của Hội Thánh.
Số 268, 273, 1508: Quyền năng được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối
Số 268. Trong tất cả các phẩm tính thần linh, Tín biểu chỉ nhắc đến sự toàn năng của Thiên Chúa: việc tuyên xưng Thiên Chúa Toàn Năng là rất quan trọng đối với đời sống chúng ta. Chúng ta tin rằng sự toàn năng của Ngài là phổ quát, bởi vì Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng mọi sự[20], điều khiển và làm được mọi sự; sự toàn năng của Thiên Chúa tràn đầy tình yêu, bởi vì Ngài là Cha chúng ta[21]; sự toàn năng của Thiên Chúa là mầu nhiệm, bởi vì chỉ có đức tin có thể nhận ra sự toàn năng đó, khi nó được “biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9)[22].
Số 273. Chỉ đức tin mới có thể gắn bó với những đường lối mầu nhiệm của sự toàn năng của Thiên Chúa. Đức tin này tự hào về những yếu kém của mình, để lôi kéo quyền năng của Đức Kitô xuống trên mình[23]. Gương mẫu cao cả nhất của một đức tin như thế là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ là người đã tin rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37) và đã ngợi khen Chúa: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, Danh Ngài thật chí thánh chí tôn” (Lc 1,49).
Số 1508. Chúa Thánh Thần ban cách đặc biệt cho một số người đoàn sủng chữa lành[24] để biểu lộ sức mạnh của ân sủng của Đấng phục sinh. Tuy nhiên những lời cầu nguyện sốt sắng nhất cũng không luôn luôn chữa lành tất cả mọi bệnh tật. Thánh Phaolô phải học nơi Chúa điều này: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9); và những đau khổ phải chịu có thể có ý nghĩa này: “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho Thân Thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).
Bài giảng Đức Thánh Cha – Chúa nhật 14 Thường Niên năm B
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 14 Thường Niên năm B (08.07.2018) – Khiêm nhường lắng nghe
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: Ðức Giêsu bị người đồng hương chối từ. Mặc dù họ kinh ngạc, thán phục sự khôn ngoan của Ngài. Nhưng họ không tin Ngài, vì Ngài cũng có một nguồn gốc bình thường y như họ.
Thiên Chúa muốn làm người để cảm thông, thân thiện, chia sẻ thân phận hèn mọn của con người. Nhưng xót xa thay! Chính điểm Thiên Chúa muốn sát gần con người lại là điểm con người bị vấp phạm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con sấp mình phục bái tình yêu của Chúa. Xin cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu sâu xa khi Chúa chia sẻ thân phận khốn cùng của chúng con. Ngày nay, Chúa vẫn còn hiện diện trong những anh em bé mọn nhất. Xin cho chúng con biết đón nhận Chúa qua những người anh em đó; xin đừng vì dáng vẻ bên ngoài quá tầm thường khiến chúng con xúc phạm làm buồn lòng Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
1) Phẩm chức thiên sai của Chúa Giêsu không phải là điều dễ chấp nhận đối với những ai đã biết thời thơ ấu của Người, và nhất là đã cùng chia sẻ niềm tin Do thái về nguồn gốc bí ẩn của Đấng thiên sai: “Chẳng ai biết Người ở đâu mà đến” (x. Ga 7, 27). Các kẻ đồng hương với Chúa Giêsu đã có thái độ khinh miệt Người. Những gì thiên hạ nói về Người và những gì họ chứng kiến chẳng có giá trị gì đối với họ cả: họ biết cha mẹ Người mà, tầm thường lắm. Họ từ chối không tin Người.
Thái độ của họ cũng là thái độ của chúng ta, của bao nhiêu người chỉ phớt qua Tin mừng mà không suy gẫm và đem ra thực hiện, chỉ tìm hiểu Tin mừng với bao định kiến, bao ý đồ tối đen, bao đam mê bất chính.
2) Những người Nagiarét đã đóng khung Thiên Chúa và tôn giáo trong các thành kiến hẹp hòi, vụ lợi và trần tục của họ, vì thế họ không thể thấy được những chân trời rộng lớn và mới mẻ của Ngài. Thí dụ nhân danh tinh thần tôn giáo sẵn có, họ không thể nào chấp nhận Chúa Giêsu là hiện thân Nước Trời và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì thành kiến về Thiên Chúa và đường lối Ngài, họ không thể chấp nhận rằng Thiên Chúa có thể hiện thân nơi con người đơn giản, khiêm tốn là Giêsu. Thiên Chúa bất ngờ và không thể ngờ của tổ tiên họ, Thiên Chúa của những hành tinh dài đằng đẵng và tôi luyện trong đêm tối cùng thử thách, Thiên Chúa mà càng biết Ngài thì càng phải đi tìm Ngài và không bao giờ nắm được Ngài, họ đã thay thế bằng một hình ảnh khác. Nên đến khi hình ảnh hoàn toàn của Chúa Cha ở trước mắt họ, thì họ không thể nhận ra.
Ta cũng vậy. Ta thường có nhiều thành kiến tiên thiên về những đường lối mà ta tưởng Thiên Chúa phải dùng để đến với ta và đưa ta đến với Ngài. Chúng ta quên rằng đường lối của Thiên Chúa khác với đường lối của ta và tư tưởng của ta khác tư tưởng của Ngài. Bao nhiêu con đường ân sủng đã đóng lại, bao nhiêu ân huệ đã phải vô ích, chỉ vì ta không cởi mở đón nhận cái bất ngờ của Thiên Chúa.
3) Tính cách khiêm tốn, kỳ lạ, bất ngờ của các phương thế Thiên Chúa sử dụng là: Giáo Hội thánh thiện mà lại có những tội nhân, Giáo Hội siêu việt mà lại được quản lý bởi các thừa tác viên yếu đuối, thực tại ân sủng cao quý mà lại tiềm ẩn trong các dấu chỉ đơn sơ, hữu hình, chân lý sự sống, chân lý ngàn đời mà lại tỏ hiện trong các điều xem ra khó chấp nhận. Vượt qua được những thử thách đức tin đó, ta mới khám phá ra con người đích thực của Giêsu Nagiarét và của Giáo Hội Người.
4) Chúa Giêsu đã không thể làm phép lạ vì người Nagiarét thiếu niềm tin. Thiên Chúa không ép buộc ai phải nhận lấy ân huệ của Ngài, chẳng cưỡng bức con người phải để Ngài cứu rỗi hay ân thưởng Thiên đàng cho kẻ không muốn. Vì yêu thương và tôn trọng, Ngài để con người tự do chọn lấy Ngài, chọn thiên đàng, chọn hạnh phúc. Và cuộc sống hôm nay của ta không gì khác hơn là một cuộc tập chọn lựa Thiên Chúa.
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
SỨ MẠNG CỦA TIÊN TRI
A. DẪN NHẬP
Đức Giêsu Kitô là sứ giả của Chúa Cha, Ngài đến đem Tin mừng và ơn cứu độ cho nhân loại. Sứ mạng đó không được kết thúc ở nơi Ngài mà còn tiếp tục mãi trong trần gian. Vào buổi sáng Thăng Thiên, qua con người của các Tông đồ, Đức Giêsu đã trao phó cho Hội thánh tiếp tục sứ mạng của Ngài cho đến tận thế.
Thi hành sứ mạng rao giảng Tin mừng không phải là chuyện dễ. Chính Đức Giêsu đã tiết lộ cho chúng ta những khó khăn sẽ gặp phải trên bước đường truyền giáo: Ngài đã bị người đồng hương chối bỏ, không chấp nhận sứ mạng Cứu thế của Ngài và còn ghen tị định tâm giết Ngài nữa (x. Lc 48, 28-30). Chính vì thế, Ngài kết luận: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh dể ở quê hương, gia đình họ hàng mình” (Mc 6, 4).
Sở dĩ người đồng hương không chấp nhận Đức Giêsu vì họ có thành kiến nặng nề về con người và gia cảnh của Ngài, đúng là “Bụt nhà không thiêng”. Ngày nay, những người thi hành sứ mạng tiên tri không thể thoát khỏi cái công lệ đó. Họ phải theo gương tiên tri Ezéchiel (bài đọc 1) mà thi hành sứ mạng của mình trong kiên nhẫn, chịu đựng và tin tưởng.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Ed 2, 2-5
Ezéchiel nói về sứ mạng tiên tri của mình. Ông chỉ là một con người như tất cả mọi người, một con người đơn giản, nhưng được gọi để tuyên sấm lời Chúa cho dân của Ngài, một dân tộc bất tuân đã chống lại Chúa. Đã nhiều lần, Chúa báo cho dân Israel biết rằng: nếu họ cứ cố chấp trong sự bất tuân, họ sẽ bị phạt. Lời răn đe đó đã bị bỏ ngoài tai, chứng nào tật ấy, nên họ đã bị lưu đày ở Babylon. Ezéchiel cũng đồng chịu số phận của những kẻ lưu đày.
Trong hoàn cảnh bi đát đó, Thiên Chúa đã trao cho Ezéchiel nhiệm vụ cảnh tỉnh dân chúng, làm cho họ nhận biết tội lỗi và sám hối. Ông phải đương đầu với một dân tộc phản loạn từ nhiều thế kỷ. Đối thủ của ông thì hùng mạnh trong khi đó ông biết thân phận hèn yếu của mình, phương tiện rất nghèo nàn; tuy thế, ông không do dự nhận lấy trách nhiệm nặng nề ấy.
+ Bài đọc 2: 2Cr 12, 7-10
Thánh Phaolô thành thực chia sẻ tâm tình với chúng ta: ngài là một Tông đồ sinh sau đẻ muộn, từ một người bách hại đạo Chúa, lại trở nên một Tông đồ nhiệt thành rao giảng đạo ấy. Mặc dầu Ngài đã được Chúa ban cho những ơn mạc khải phi thường như con người đã lên tới tầng trời thứ ba, nhưng Ngài không dám tự cao tự đại về hồng ân ấy.
Để hạ mình trước sự yếu đuối của ông, Chúa để cho cái “dằm” đâm vào thân xác ông (2Cr 12, 7). Các chuyên viên Thánh kinh đang tìm hiểu cái “dằm” này là gì? Dù chúng ta chưa xác định được cụ thể, nhưng có thể hiểu đó là những sự yếu đuối của Phaolô, hay mối thù địch của những anh em giả mạo. Cũng có thể hiểu được đây là một căn bệnh đang hoành hành thân xác Ngài.
Chính vì ý thức được sự yếu đuối của mình, nhiều lần Ngài đã muốn nản lòng, xin Chúa cất cái dằm ấy đi, nhưng Chúa yên ủi và bảo đảm cho Ngài: “Ơn Ta đã đủ cho con”. Do đó, Ngài lấy lại được sức mạnh và hăng say rao giảng Tin mừng với ý thức rằng “Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh mẽ”.
+ Bài Tin mừng: Mc 6, 1-6
Từ Nazareth đi rao giảng Tin mừng ở nơi xa, thỉnh thoảng Đức Giêsu trở về thăm quê hương, và ngày Sabbat Ngài cũng vào cầu nguyện tại hội đường. Đọc Lời Chúa như mọi người, nhưng qua bài Thánh kinh, Ngài cũng được mời cắt nghĩa bài đọc đó và giải thích rằng: “Ngài chính là Đấng Messia mà toàn dân đang mong đợi”.
Ban đầu, người dân làng Nazareth thán phục về những phép lạ Ngài đã làm khắp nơi và những lời giảng dạy rất khôn ngoan và đầy thế giá của Ngài, nhưng khi nhớ đến nguồn gốc tầm thường của Ngài, họ thắc mắc và không tin Ngài nữa. Tại sao? Ngài chỉ là một người thợ mộc tầm thường, cha mẹ và anh em Ngài là những người hàng xóm quen thuộc đang ở với họ. Ông Giêsu trước đây cũng chỉ là một người tầm thường có gì đặc biệt đâu, sao bây giờ lại được khôn ngoan như vậy? Tuy thế, theo như tục ngữ đã nói “Bụt nhà không thiêng” nên họ không tin nhận Ngài nữa.
Vì vậy, Đức Giêsu kết luận: “Tiên tri có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mà thôi” (Mc 6, 5). Chính vì thái độ cứng lòng ấy, nên ở Nazareth, Đức Giêsu không làm nhiều phép lạ.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Bụt nhà không thiêng
I. ĐỨC GIÊSU TRỞ VỀ NAZARETH
1. Cuộc viếng thăm mục vụ
Đức Giêsu rời bỏ quê hương Nazareth đi rao giảng Tin mừng và chọn Capharnaum làm trung tâm truyền giáo. Tại nơi đây và nhiều nơi khác, Đức Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ như dẹp yên bão tố, chữa người bị quỷ ám, chữa lành các chứng bệnh nan y, làm cho kẻ chết sống lại… Danh tiếng Ngài đã vang dội khắp nơi. Nhưng Ngài cũng không quên xứ sở của mình, Ngài cũng trở về thăm quê hương Nazareth. Đây là lần thứ hai Ngài trở về Nazareth (Lần thứ nhất: Lc 4, 16-30).
Ngài không có ý trở về quê quán với tính cách riêng tư cốt chỉ thăm lại ngôi nhà và những người thân cũ. Ngài trở về với các môn đệ của mình, nghĩa là Ngài về quê với tư cách một rabbi. Các rabbi vẫn đi đây đó trong xứ với nhóm môn đệ nhỏ của mình. Với tư cách giảng sư, Đức Giêsu đã trở về Nazareth với các môn đệ.
2. Tại hội đường Nazareth
Theo thông lệ, ngày sabbat dân làng đến hội đường nghe đọc Sách thánh và hát Thánh vịnh từ 9 đến 12 giờ trưa. Đức Giêsu và các môn đệ cũng đến hội đường cầu nguyện với dân làng. Đọc Sách Luật và Thánh vịnh xong, ông trưởng hội đường mời một vị có thế giá và hiểu biết về Thánh kinh lên giải nghĩa bài đọc.
Đức Giêsu cũng được mời lên đăng đàn. Vẻ uy nghi trang trọng của Ngài khác thường. Gương mặt của Ngài luôn tỏ ra nét dịu hiền mến yêu, đầy thiện cảm. Giọng điệu tự nhiên của Ngài càng hấp dẫn dân chúng hơn, ý tứ Ngài trình bày đơn sơ trong sáng hợp với tâm trí mọi người. Ngài trình bày một cách khôn ngoan và giọng nói như của Đấng có uy quyền, làm cho họ ngạc nhiên, thì thầm với nhau: “Bởi đâu ông ta được như thế? Sao ông ta khôn ngoan như vậy? Ông ta làm được nhiều phép lạ như thế, nghĩa là gì” (Mc 6, 2). Họ chẳng biết sự khôn ngoan và quyền phép của Đức Giêsu ở đâu? Họ muốn tìm về nguồn gốc của Ngài.
3. Phản ứng của dân làng Nazareth
Trước những lời giảng dạy khôn ngoan và hấp dẫn, cùng với những phép lạ đã làm, Đức Giêsu đã làm cho dân làng Nazareth có nhiều phản ứng khác nhau, và chúng ta có thể gồm tóm những phản ứng ấy trong ba chữ:
a) Tín nhiệm
Từ Nazareth người ta đã nghe đồn thổi về Ngài rất nhiều, nghe đồn về những phép lạ Ngài đã làm khắp đó đây. Hôm nay, tại hội đường, họ đã trực tiếp được nghe Ngài giảng. Trước đây nghe lời đồn thổi họ đã ngạc nhiên, bây giờ họ càng ngạc nhiên hơn: “Mọi người làm chứng cho Ngài và họ thán phục về ân sủng xuất bởi miệng Ngài” (Lc 4, 22).
Những điều trên đây cho ta thấy khi Đức Giêsu trở lại Nazareth, những cảm nghĩ của họ hầu hết là tín nhiệm Ngài.
b) Hoài nghi
Họ muốn tìm về nguồn gốc của Ngài. Mọi người đều biết mẹ ông là bà Maria, anh em họ hàng là Giacôbê, Giôsê, Giuđa và Simon. Tất cả bà con lối xóm đều coi ông như bạn bè từ gần 30 năm nay ở Nazareth này, một thôn ấp nhỏ bé có độ 150 gia đình nghèo nàn, tối tăm, mấy ai quan tâm đâu. Ông lại là anh thợ mộc, con nhà lao động, làm thuê làm mướn, đóng bàn sửa ghế, đóng giường tủ, đục đẽo cày bừa, thành phần địa vị thấp kém trong xã hội. Có bao giờ ông ấy nói năng, làm được việc gì lạ đâu? Ông bỏ quê nhà đi lang thang mấy tháng, nay trở về, sao thay đổi chóng thế?
c) Thất bại
Đáng lẽ những phép lạ Đức Giêsu đã làm ở những nơi khác cộng với sự rao giảng đầy thuyết phục của Ngài khiến cho dân làng Nazareth phải tin nhận Ngài, nhưng đàng này họ chỉ dựa vào nguồn gốc của Ngài, một nguồn gốc có vẻ tầm thường như họ thấy, nên họ nhìn sai lệch về con người của Ngài. Họ chỉ biết nhìn Ngài theo cái dáng vẻ bên ngoài đầy thành kiến, chẳng thấy được những điều sâu lắng bên trong, những cái tinh thần cao thượng, những mầu nhiệm thiêng liêng chân thật. Vì thế, “họ bị vấp phạm vì Ngài” (Mc 6, 3). Còn Ngài, Ngài âm thầm kiên nhẫn, nhỏ nhẹ nói với họ bằng câu ngạn ngữ: “Không ai là tiên tri cho xứ sở mình”, vì người ta thường nói: “Gần chùa gọi Bụt bằng anh”.
Trước sự cứng lòng tin kèm theo sự ghen tương với thành kiến cố hữu của họ, Đức Giêsu không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa lành vài bệnh nhân. Phép lạ đòi hỏi phải có lòng tin, mà phép lạ chỉ là phần thưởng cho lòng tin ấy. Sự cứng lòng của con người như thánh Mátthêu nói rõ (Mt 13, 58) làm tê liệt phần nào quyền làm phép lạ của Ngài.
II. CĂN BỆNH THÀNH KIẾN
Theo ông Đào Duy Anh, Thành kiến là ý kiến cố chấp không thể lay động được. Khi đã có ý kiến tốt hay xấu về một người hay một vật gì thì khó lòng có thể thay đổi được. Thành kiến thay đổi sự thật của sự vật, không còn như nó có. Thành kiến đã bóp méo sự thật, giống như người đeo kính xanh thì vật gì cũng xanh, đeo kính đỏ thì vật gì cũng đỏ.
Người ta có thể nhìn sự vật với ba thái độ, đó là yêu, ghét hay dửng dưng. Nhưng thường thì chúng ta ít khi có thái độ dửng dưng, trung lập, mà thường là nghiêng về một phía yêu hay ghét. Chính thái độ yêu hay ghét này làm cho ta nhìn sự vật khác nhau: “Yêu nên tốt, ghét nên xấu” (tục ngữ). Khi yêu thì thì coi mọi cái đều đẹp đều tốt, khi ghét thì thấy mọi cái là xấu: “Yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng”.
Truyện: Thi sĩ R. Tagore
R.Tagore là một thi sĩ nổi tiếng của Ấn Độ và cả Đông phương nữa. Ông có khiếu làm thơ ngay lúc còn thơ ấu.
Một hôm, cậu bé Tagore làm một bài thơ và đưa lên cho cha xem. Ông thân sinh lắc đầu chê:
– Thơ mày là thơ thẩn!
Tagore mới nghĩ ra một mưu: cậu đem bài thơ của mình mới làm, chép lại thật kỹ và chua xuất xứ là trích sao trong một cuốn thơ cổ. Cậu ta lại không quên đề tên cuốn thơ cổ ấy cẩn thận.
Lần này, ông thân sinh đọc xong, mắt sáng rực lên, vỗ đùi khen: “Tuyệt, tuyệt”. Rồi đem khoe tíu tít với đứa con trai lớn của ông, hiện đang làm chủ nhiệm một tờ báo văn học. Ông nói:
– Ba đã đọc rất nhiều thơ cổ, nhưng chưa thấy bài nào hay như bài này.
Ông con trai chủ nhiệm đọc xong cũng hết mình đồng ý, xoa tay khen là hay đáo để, và muốn trích đăng lên mặt tờ báo văn học của ông.
Bấy giờ ông anh cũng như ông thân sinh đòi Tagore phải đưa cuốn thơ cổ kia ra đối chiếu chứng minh và cũng để dễ bề chua xuất xứ trong khi đăng.
Đến đây câu truyện mới vỡ lở ra. Có ai ngờ trên đây là một cuộc dàn cảnh bịa đặt của thằng bé Tagore! Ông thân sinh giận sôi máu lên, nhưng rồi cũng phải nhìn con với cặp mắt thán phục và hối hận cho thái độ mâu thuẫn của mình xưa nay (Lm. Vũ Minh Nghiễm, Sống sống, 1971, tr 333-335).
Qua kinh nghiệm hằng ngày, chúng ta phải công nhận rằng thành kiến là một căn bệnh phổ quát chung cho mọi người. Thành kiến là chứng bệnh di truyền kinh niên bất trị của loài người, không ai thoát khỏi. Chúng ta hằng to tiếng lên án cái lối sống phô trương bên ngoài. Nhưng trên thực tế, chúng ta lại hằng căn cứ vào những cái bề ngoài mà đánh giá thiên hạ.
Cùng một câu văn, một lời nói, một việc làm, mà do người này thì có giá trị, do người kia thì vô duyên, do người này thì hay đáo để, do người kia thì dở ẹc ra. Người có danh tiếng thì lời nói việc làm nào cũng được coi như vàng ngọc. Người vô danh tiểu tốt thì lời có đẹp như trăng sao, việc có hay như thần thánh, cũng bị thành kiến dìm xuống đến tận bùn đen. Vì thế, Đức Giêsu đã nói: “Không tiên tri nào lại được trọng đãi nơi quê hương mình (Ga 4, 44).
Thành kiến làm cho bụt nhà không thiêng, thích những cái lạ; thích gì thì phóng đại tô màu, ghét thì cũng thế. Nhiều khi lý luận một chiều sai lệch, cái vô lý ngớ ngẩn cũng cho là hay là đẹp, hoặc không hiểu gì cũng cho là hay. Sống hoàn toàn theo dư luận, theo cách của người đời, không dám vượt trên dư luận sai lạc, vượt trên những phán đoán thiên lệch. Ví dụ các bà, các cô tin theo thầy bói thì cái gì thầy nói ra cũng đúng, cũng hay, coi như lời sấm, như thánh phán. Ví dụ:
Số cô không giàu thì nghèo,
Ba mươi Tết có thịt heo trong nhà.
Số cô có mẹ có cha,
Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông.
Số cô có vợ có chồng,
Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai.
Các bà các cô sẽ phải kính cẩn thốt lên: “Thánh phán. Tuyệt! Tuyệt!”
III. BỤT NHÀ KHÔNG THIÊNG
1. Đức Giêsu bị rẻ rúng nơi quê hương
Dân làng Nazareth không thể chấp nhận một người mà họ đã quen biết: thân thế tầm thường, gia đình nghèo nàn, họ hàng chẳng có danh giá gì. Biết rõ như thế thì làm sao người đó có thể là vị Cứu tinh, là Đấng Cứu thế, là Đấng giải thoát cho dân tộc mình được? Quả thực, họ đã bị thành kiến về giàu nghèo, về giai cấp trong xã hội làm mù quáng, không thể nhận ra bản tính Thiên Chúa, nhận ra sứ mạng cứu chuộc nơi con người Đức Giêsu. Từ thành kiến sai lầm đó họ đâm ra hoài nghi và yêu cầu Ngài làm phép lạ như đã làm những nơi khác.
Trước sự cứng lòng và khinh thường của dân Nazareth, Đức Giêsu chẳng biết làm gì hơn ngoài việc đưa ra nhận xét chua cay: “Tiên tri có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6, 4). Dân làng Nazareth không tin Chúa thì cũng vì họ đóng khung Thiên Chúa và tôn giáo vào trong những định kiến hẹp hòi có sẵn của họ. Đấng Cứu thế phải hiện nguyên hình như định kiến của họ, nghĩa là Đấng Cứu thế phải có đầy quyền lực theo nghĩa thế gian, họ không thể tin nhận được một Đấng Cứu thế như một con người đơn sơ khiêm hạ như họ thấy được.
2. Các tiên tri cũng bị khinh dể
Trong Tin mừng thánh Luca, Đức Giêsu nhắc đến hai vị tiên tri đã không làm phép lạ ở quê nhà được mà lại làm phép lạ ở dân ngoại: “Và Ta bảo thật các ngươi: có nhiều bà goá tại Israel thời tiên tri Êlia, khi trời khoá lại ba năm sáu tháng, và xảy ra nạn đói lớn trong toàn xứ, song Êlia không được sai đến với một bà nào trong họ, mà lại đến với bà goá tại Sarepta thuộc hạt Sidon. Cũng có nhiều người phong hủi đời tiên tri Êlisê, song không người nào trong họ được lành sạch cả, trừ phi là Naaman người Syria” (Lc 4, 26-27). Tiên tri Êlisê đã làm nhiều sự lạ ở Guilgal mà không làm được ở quê nhà (2V 4, 1-29t). Sự thật và thường tình, tiên tri không được tôn trọng nơi quê nhà.
3. Những tài năng bị coi thường
Nhiều người có tài năng cao vời bị coi thường trước khi được chấp nhận. Chúng ta có thể đưa ra mấy trường hợp để làm chứng:
– Hồng y Fulton Sheen, một nhà thuyết giáo vĩ đại, đã từng bị giáo sư môn biện luận trường đại học chê: “Anh đúng là diễn giả tồi nhất mà tôi từng gặp”.
– Ernest Hemingway, một tiểu thuyết gia cự phách, đã từng bị các thầy giáo chê: “Hãy quên việc viết lách đi! Anh không đủ tài để làm việc đó đâu”.
– Richard Hooker, tác giả quyển sách nhan đề “Mash”, đã từng thấy quyển sách của ông bị đến 6 nhà xuất bản từ chối in để rồi cuối cùng quyển ấy đã trở thành một trong những quyển sách bán chạy nhất.
Thành kiến đã làm cho dân làng Nazareth phán đoán sai về Đức Giêsu. Họ đã không nhận ra Ngài là Đấng Cứu thế. Đối với chúng ta cũng vậy, thành kiến có thể làm cho chúng ta mù quáng, không nhận định và phê phán một cách khách quan đúng đắn được. Thành kiến làm cho chúng ta không thể đối thoại, cởi mở với người khác và không nhìn thấy cái hay cái tốt nơi người khác. Mc Kenzie nói: Người có tình yêu nhìn bằng viễn vọng kính, còn người ghen tị thì nhìn bằng kính hiển vi”.
4. Số phận người rao giảng Tin mừng
Cho dù Thiên Chúa là Đấng toàn năng, Ngài có thể làm được mọi sự, nhưng Ngài phải bó tay trước sự cứng lòng của con người. Ngài đã trở nên bất lực trước những kẻ thiếu niềm tin. Và quả thật, “Ngài đã không làm được phép lạ nào” tại quê hương mình. Thế mới biết con người có khả năng ngăn cản Thiên Chúa, con người có toàn quyền từ chối quà tặng của Thiên Chúa.
Trên con đường truyền giáo, Đức Giêsu vẫn đem các môn đệ đi theo để huấn luyện các ông. Trong việc huấn luyện cũng cần thấy sự thất bại, chứ không phải chỉ nhìn thấy thành công. Sau này trên đường truyền giáo, sự thất bại không làm cho các ông nản lòng.
Các người rao giảng Tin mừng hãy bắt chước Đức Giêsu mà đón nhận thái độ “Bụt nhà không thiêng” của những người được rao giảng. Họ có thể nghi kỵ, không ưa, hoặc chống đối chúng ta đi nữa, thì hãy vững tâm vì “chân lý sẽ thắng”. Ban đầu có thể gặp thất bại nhưng với thời gian người ta sẽ nhìn ra chân lý. Đức Giêsu đã thất bại khi còn sống nhưng đã thành công vẻ vang sau khi sống lại. Người Tông đồ cũng phải đi theo con đường ấy: phải kiên nhẫn chịu đựng, nhưng phải chịu đựng trong vui tươi với tình thương mến.
Truyện: Chú chồn Pepe LePew
Cách đây nhiều năm, các rạp chiếu bóng thường chiếu phim hoạt hoạ. Có một bộ phim được nhiều người ưa thích tên là Looney Tunes. Một vai được nhiều người hâm mộ trong phim là chú chồn lãng mạn tên là Pepe LePew. Pepe luôn luôn yêu mến mọi người, nhưng vì chú có mùi hôi, nên mọi người đều từ chối tình thương của chú. Nhưng Pepe không nản lòng. Chú vẫn tiếp tục yêu thương dù có bị từ chối nhiều lần. Pepe không bao giờ từ chối yêu thương bất cứ một ai. Đó chính là lý do tại sao rất nhiều người coi phim này càng quý mến Pepe (M. Link, Giảng lễ Chúa nhật năm B, tr 264).
Chúng ta thấy Đức Giêsu đã làm gương cho chúng ta về tình yêu thương. Ngài không khước từ ai bao giờ. Ngài vẫn tiếp tục yêu thương dù biết bao lần Ngài đã bị từ chối. Chú chồn Pepe trong phim quả rất giống Chúa Giêsu. Đây là bài học cho chúng ta rút ra được từ các bài đọc hôm nay. Chúng ta phải bắt chước cách xử sự của Đức Giêsu, chúng ta có thể bắt chước chú chồn Pepe mà yêu thương mọi người dù có bị chối từ bao nhiêu lần đi nữa.
Tóm lại, các bài đọc hôm nay dạy chúng ta hai điều: trước hết, chúng có thể tin chắc rằng chúng ta sẽ nhiều lần bị người khác khước từ phản đối giống như Đức Giêsu đã từng bị trong đời Ngài. Tuy nhiên, chúng ta cứ tiếp tục yêu thương giống như Đức Giêsu, dù bị khước từ Ngài vẫn không ngừng ban phát tình yêu của Ngài cho nhân loại.
4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
VÌ HỌ KHÔNG TIN
Nadarét thời nay khác nhiều so với thời Đức Giêsu.
Đó không còn là một ngôi làng với vài trăm người sinh sống,
với một cái giếng cung ứng nước cho cả dân làng,
với một hội đường nhỏ để cầu nguyện trong ngày sabát.
Nadarét hôm nay là nơi quy tụ của nhiều kitô hữu
thuộc những hệ phái khác nhau nhưng ở với nhau
trên phần đất mà Đức Giêsu đã sống hơn ba mươi năm.
Đức Giêsu đã lớn lên và trưởng thành ở làng Nadarét.
Dân ở đây gần gũi nhau và quen biết nhau.
Họ biết Đức Giêsu từ nhỏ, từ thiếu nhi thành thiếu niên,
thành thanh niên, rồi thành một người lớn chững chạc.
Họ biết Đức Giêsu là một người làm thợ như cha mình,
kiếm sống bằng lao động, bằng mồ hôi vất vả.
Ngài không phải là một người học thức thuộc giai cấp trên,
không phải là bậc thầy trong dân Israel hay tư tế.
Họ biết gia đình, và họ hàng của Đức Giêsu.
Họ có thể kể tên mẹ và các anh chị em của Ngài,
vì những người đó vẫn đang sống bên cạnh họ.
Nói chung, Đức Giêsu là một người bình thường,
có tên tuổi, quê quán, họ hàng, nghề nghiệp.
Rồi có ngày Ngài bỏ gia đình để lên đường, đi rao giảng,
kêu gọi một số bạn trẻ theo mình làm môn đệ.
Ngài được họ và dân chúng coi là một vị thầy.
Ngài hoạt động ở những vùng quanh biển hồ Galilê,
rao giảng Nước Trời đến gần rồi, chữa đủ mọi thứ bệnh,
đuổi các thần ô uế, tha tội, hoàn sinh kẻ chết…
Lời nói của Ngài có quyền uy đặc biệt,
chạm vào Ngài có thể đem lại ơn chữa lành.
Đức Giêsu đã trở nên nổi tiếng ở khắp vùng Galilê,
nhưng dân làng Nadarét vẫn chưa có cơ hội gặp Ngài.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy
lần đầu tiên Đức Giêsu trở về quê mình là Nadarét,
gặp lại những khuôn mặt thân quen trong hội đường.
Khi nghe Ngài giảng, dân làng ngỡ ngàng sửng sốt.
Họ không thể tin đây là ông thợ Giêsu, người làng mình,
và họ đặt câu hỏi về nguồn gốc của sự thay đổi khó tin đó:
“Bởi đâu ông này được như thế ?” (Mc 6, 2).
Bởi đâu ông hết sức khôn ngoan trong lời giảng dạy,
và quyền năng trong những phép lạ ông đã làm khắp nơi?
Tiếc thay, người làng Nadarét đã không tìm thấy câu trả lời,
vì họ khép kín trong hiểu biết và kinh nghiệm họ đã có.
Những lợi thế lại trở thành rào cản.
Họ không thể tin ông Giêsu có một nguồn gốc phi thường,
vì họ đã quá quen với hình ảnh ông Giêsu làm thợ.
Họ không tin làng của họ có một vị ngôn sứ, một Đấng Mêsia.
Họ càng không thể nào dám nghĩ rằng
Thiên Chúa đã chọn ngôi làng Nadarét
để sống phần lớn phận người bình thường của mình.
Tên ngôi làng ít tiếng tăm từ nay được vinh dự
gắn liền với tên của Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Nadarét.
Có thể nói, Đức Giêsu đã thất bại khi về làng,
Ngài không thể làm được những phép lạ lớn ở đó,
vì phép lạ thường diễn ra trong bầu khí đức tin.
Tin là mở lòng để Thiên Chúa tự do hoạt động.
Hôm nay, như người Nadarét ngày xưa,
chúng ta cũng được sống gần gũi với Chúa Giêsu
qua những việc đạo đức có vẻ bình thường
như cầu nguyện, tham dự thánh lễ, làm việc bác ái…
Chúng ta có cảm nhận được cái phi thường
ở trong những điều bình thường mỗi ngày không?
CẦU NGUYỆN
Lạy Thiên Chúa,
xin ban cho con sự thanh thản
để chấp nhận những điều con không thể đổi,
lòng can đảm
để đổi những điều con có thể đổi,
và óc khôn ngoan
để phân biệt đôi bên.
Con sống từng ngày một,
thưởng thức từng giây một;
chấp nhận đau khổ như con đường dẫn đến bình an.
Thế giới tội lỗi này như thế nào,
con đón nhận nó như vậy,
không đòi nó phải theo ý mình.
Con tin rằng nếu con lụy phục ý Chúa,
thì Chúa sẽ làm cho mọi sự được ổn thỏa.
Con tin rằng con có thể khá hạnh phúc ở đời này,
và vô cùng hạnh phúc với Chúa mãi mãi ở đời sau