Thứ Sáu tuần 4 Phục sinh – Con Đường (Ga 14,1-6)

“Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống.
Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. (Ga 14,6)

BÀI ĐỌC I: Cv 13, 26-33

“Thiên Chúa đã làm trọn lời hứa khi cho Đức Giêsu sống lại”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, khi Phaolô đến Antiôkia thuộc xứ Pisiđia, ông lên tiếng trong hội đường rằng: “Thưa chư huynh, con cháu Abraham, và những người kính sợ Thiên Chúa ở giữa chư huynh, lời cứu độ đó đã được rao giảng cho chư huynh. Những người cư ngụ ở Giêrusalem và các thủ lãnh của họ đã không nhìn nhận Đức Giêsu và các lời tiên tri mà họ đọc mỗi ngày Sabbat; thế mà họ đã làm ứng nghiệm lời tiên tri khi lên án Người. Và dầu không thấy nơi Người lý do nào đáng phải chết, họ cũng xin Philatô cho giết Người. Và khi đã hoàn tất mọi điều đã chép về Người, họ đã tháo Người xuống khỏi cây thập giá và mai táng Người trong mồ. Nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết vào ngày thứ ba. Và trong nhiều ngày, Người đã hiện ra với những kẻ đã cùng với Người từ Galilêa lên Giêrusalem. Bây giờ những kẻ đó là những chứng nhân của Người trước mặt dân chúng.

“Phần chúng tôi, chúng tôi loan báo cho chư huynh hay rằng: lời hứa ban cho tổ phụ chúng ta, Thiên Chúa đã làm hoàn tất cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Đức Giêsu sống lại, như đã chép trong thánh vịnh thứ hai rằng: ‘Con là Con Cha, hôm nay Cha đã sinh ra Con’“.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 2, 6-7. 8-9. 10-11

Đáp: Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã sinh thành ra Con (c. 7).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Chính Ta đã đặt vương nhi Ta trên Sion, núi thánh của Ta. Ta sẽ tuyên rao thánh chỉ của Chúa: Chúa đã phán bảo cùng Ta: “Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã sinh thành ra Con”. – Đáp.

2) Hãy xin Cha và Cha sẽ cho Con được chư dân làm phần sản nghiệp, và cùng kiệt cõi đất làm gia tài. Con sẽ cai trị chúng bằng cây gậy sắt, như bình thợ gốm, Con đem nghiền nát chúng ra. – Đáp.

3) Giờ đây, hỡi các vua, hãy nên hiểu biết, quân vương mặt đất nên giác ngộ. Hãy kính sợ làm tôi Chúa và hân hoan mừng Người, hãy khiếp run tỏ bày sự vâng phục Chúa. – Đáp.

 

Tin mừng: Ga 14,1-6

1 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.

2 Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. 3 Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó.

4 Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi”. 5 Ông Tôma thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi ?”

6 Chúa Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Con đường duy nhất dẫn đến cuộc gặp gỡ với Chúa Cha là đi theo Đức Kitô, bởi chính Ngài đã nói: “Thầy là Đường là Sự Thật và là Sự Sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khi biết Chúa sắp về cùng Chúa Cha, các môn đệ buồn sầu xao xuyến. Các ông xao xuyến vì không biết Chúa đi đâu và con đường nào sẽ dẫn các ông đến gặp gỡ Chúa Cha trên trời. Nhưng lạy Chúa, Chúa đã mở cho các môn đệ một lối đi: “Chính Thầy là Đường là Sự Thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.

Lạy Chúa, đã rất nhiều lần con đã đi trên những con đường khác: những con đường rộng thênh thang của tiền tài, danh vọng và đam mê thế tục. Những con đường này thật quyến rũ và hứa hẹn cho con nhiều sung sướng thoải mái. Nhưng cuối cùng chúng đã dẫn con đến vực thẳm của sự trống rỗng, cô đơn, của tội lỗi, khổ đau và sự chết. Trong cuộc sống có biết bao nẻo đường đang vẫy gọi, có biết bao lối mòn con đã đi, nhưng con tin rằng chỉ có một con đường duy nhất dẫn đến sự sống đời đời. Đó là con đường Chúa đã đi.

Xin cho con luôn xác tín rằng con không thể đến với Chúa Cha nếu không đi vào con đường của Chúa, nhất là con đường thập giá. Nếu con không đến với Chúa, với Mình và Máu Thánh Chúa, nếu con không biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa, thì con sẽ không bao giờ đến được với Chúa Cha là nguồn hạnh phúc đích thực. Lạy Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, xin cho con biết chọn Chúa là gia nghiệp và lẽ sống của đời con. Amen.

Ghi nhớ: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống…)

Cũng trong khung cảnh bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đang nói cho các tông đồ những lời rất thân tình, tha thiết. Ngài báo cho họ biết Ngài sẽ ra đi, đi đến một nơi mà họ rất lạ. Nhưng Ngài hứa sẽ trở lại đón họ để cùng đưa họ đến nơi đó. Ông Tôma tò mò hỏi: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi ?”. Chúa Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. Nghĩa là: mục tiêu hành trình của mọi người là về với Thiên Chúa là Cha, Chúa Giêsu chính là người dẫn đường, hơn nữa Ngài chính là con đường đẫn ta đến đích điểm đó.

B- Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. “Sinh ký, tử quy” sống là gởi, chết là về. Đời này không phải là quê hương mà chỉ là nơi chúng ta gởi thân trong một khoảng thời gian nào đó. Khi chết, chúng ta sẽ về quê hương thật. Đó là chân lý. Nhưng nhiều người quên hẳn chân lý đó. Họ sống ở trần gian như là đang ở quê hương vĩnh viễn, không hề nghĩ tới lúc phải rời bỏ cái “Ký túc xá” này, không hề nghĩ tới nơi mình sẽ về.

2. Một người nói chuyện với bạn là một Kitô hữu đã già: “Tôi sợ rằng anh gần đất xa trời rồi”. Người kia nhẹ nhàng đáp: “Tôi biết chứ, nhưng nhân danh Chúa tôi không sợ, mà tôi còn đặt hy vọng vào đó”. (Góp nhặt).

3. Sống là hành trình, mà hành trình là phải hướng tới một điểm tới. Trong cuộc hành trình đến một nơi tôi chưa từng biết, nếu tôi tự hướng dẫn thì dễ lạc đường, tôi đi theo sự hướng dẫn của người khác thì có thể khá hơn. Nhưng không gì bảo đảm bằng hành trình theo sự hướng dẫn của Chúa Giêsu: “Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống” (Gioan 3,13).

4. Lạy Chúa, nhiều khi con lo lắng về tương lai, không biết đời con sẽ về đâu. Chúa bảo, “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1). Tương lai hãy để Chúa dẫn dắt. Chúa dẫn con dần đến cái chết ? Không! Đúng hơn là Chúa dẫn con ngày càng gần đến với Chúa Cha. Chúa dạy con hằng ngày sống như con của Cha và như anh em của mọi người. Đó là con đường mà nếu con đi thì chắc chắn con sẽ đến nhà Cha trên trời.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Các con hãy yêu thương nhau (Ga 15, 12-17)

  1. Trước khi từ biệt các môn đệ thân yêu để đi vào cuộc tử nạn. Đức Giêsu đã nói với các ông mệnh lệnh cuối cùng của Ngài, và cũng là lời trăng trối, lời di chúc của Ngài: “Đây là điều răn của Thầy, các con hãy yêu thương nhau”. Đó là câu mở đầu của bài Tin mừng, và cũng là câu cuối cùng của bài Tin mừng, Chúa nhắc lại: “Điều Thầy truyền cho các con là hãy yêu thương nhau”. Rõ ràng Đức Giêsu muôn dạy các môn đệ và chúng ta hãy yêu thương nhau.
  2. Sứ điệp lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy yêu thương nhau bằng một tình yêu không phân biệt hay loại trừ. Yêu mà không mong đền đáp, nhưng yêu một cách vô vị lợi, luôn chia sẻ, cảm thông và tha thứ với mọi hoàn cảnh. Sẵn sàng phục vụ như người tôi tớ… và cuối cùng, coi sự sống của mình là sự sống của người khác, nên nếu cần, chấp nhận hy sinh cho người khác như Đức Giêsu đã hiến mạng vì bạn hữu của mình.
  3. Tình yêu trao ban cho anh em mà Đức Giêsu muốn người môn đệ thực hành luôn mang những đặc tính tiệm tiến:

– Yêu như Chúa yêu: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con (Ga 15, 12) hoặc “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian, để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống… và sai Con Một Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1G 4, 8-11).

– Yêu đến tận cùng như Đức Giêsu dạy: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu” (Ga 15, 13). Thánh Gioan diễn tả: “Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3, 16).

– Tình yêu phải thể hiện trong việc làm: “Nếu các con giữ điều răn của Thầy”. Thánh Gioan diễn tả: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu nhau nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3, 16-18).

  1. Hy sinh cho người thân yêu là một đòi hỏi thường tình của tình yêu. Hy sinh cho người xa lạ là điều đáng khâm phục, và sẵn sàng hy sinh mạng sống cho người khác được sống quả là một diễn tả tuyệt vời của tình yêu.

Ai đã có dịp đọc cuốn tiểu thuyết “Anh phải sống” của Khái Hưng mới thấy thấm thía lời Đức Giêsu đã day. Nội dung cuốn tiểu thuyết nói về việc hai vợ chồng nọ quá nghèo, nên phải đi kiếm củi trên ngàn để bán lấy tiền nuôi con. Hôm đó trên đường về, họ gặp trời giông bão. Họ bị nước cuốn trôi đi. Họ bám được vào một khúc cây, nhưng khúc cây quá nhỏ chỉ đủ cho một người bám. Họ không thể kéo dài mãi tình trạng hai người cùng bám vào một khúc cây. Kéo dài thêm thì sẽ chết cả hai. Trước tình trạng đó, đòi hỏi họ có một sự lựa chọn. Người chồng bảo người vợ hãy bám vào khúc cây, vì “Em phải sống để lo cho các con”. Người vợ cũng bảo người chồng “Anh phải sống”. Cuối cùng, người vợ buông tay, tự tìm lấy cái chết cho mình, để nhường sự sống lại cho chồng và các con.

  1. Tin mừng hôm nay cũng hướng chúng ta về hình ảnh yêu thương tuyệt vời này: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người yêu”. Chúa Giêsu đã cứu thoát nhân loại bằng cách hiến mạng sống mình qua cái chết trên Thập giá, như một biểu lộ tột cùng của tình yêu. Một Thiên Chúa quyền năng có thể cứu nhân loại mà không cần phải nhập thể làm người và chết trên Thập giá. Thế nhưng, Ngài đã chọn phương thế này, vì Ngài muốn cho con người có được cảm nghiệm sâu xa về tình yêu của Ngài theo cách thế loài người, đó là hy sinh mạng sống vì người mình yêu.
  2. Tóm lại, tình yêu không thể diễn tả được hết bằng ngôn từ, nhưng là sự cảm nhận rất riêng của mỗi người trong sự rung cảm của trái tim mà không bị lệ thuộc của bất cứ ranh giới nào. Tuy nhiên, người môn đệ có một tiêu chuẩn để diễn tả tình yêu đích thật là tuân giữ điều răn yêu thương của Chúa dành cho tha nhân, yêu thương một cách vô vị lợi, không so đo tính toán hơn thiệt, mà là “yêu như Chúa đã yêu” khi sẵn sàng hy sinh cả tính mạng vì bạn hữu.
  3. Truyện: Sẵn sàng chết cho người khác

Một vị đạo sĩ kia kể rằng: Ngày nọ, ông từ trên núi cao đầy băng tuyết đi xuống với một người Tây Tạng. Dọc đường, ông gặp một người ngã quỵ trên băng tuyết, ông nói với người Tây Tạng đồng hành:

          – Chúng ta mau lại giúp đỡ người gặp nạn đó!

Nhưng người Tây Tạng trả lời:

– Không ai bắt buộc chúng ta phải giúp đỡ kẻ khác, khi mà chính mạng sống của chúng ta đang bị giá lạnh đe doạ.

Nhưng vị đạo sĩ nói:

– Dù chúng ta có phải chết vì lạnh đi nữa, thì chúng ta cũng nên chết vì đã giúp người khác, đó là điều tốt đẹp hơn.

Nói rồi, vị đạo sĩ chạy lại vác người bị nạn lên vai và khệ nệ đem người đó xuống núi, trong khi người Tây Tạng đã bỏ xuống trước. Đi được một quãng, vị đạo sĩ thấy người bạn đồng hành Tây Tạng đang nằm dài trên tuyết bất động. Thì ra, anh ta quá mệt ngồi nghỉ và bị lạnh cóng chết lúc nào không biết, còn vị đạo sĩ vì phải hết sức vác người bị nạn, nên cơ thể nóng lên thêm, nhờ đó mà ông thoát chết vì lạnh.