“Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu,
kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó”. (Ga 12,26)
BÀI ĐỌC I: Gr 31, 31-34
“Ta sẽ ký kết giao ước mới và Ta sẽ không còn nhớ tội lỗi nữa”.
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Chúa phán: “Đây tới ngày Ta ký kết giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa, giao ước này không giống như giao ước Ta đã ký kết với tổ phụ của chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dắt ra khỏi đất Ai-cập; giao ước ấy chính chúng đã phản bội, mặc dầu Ta thống trị chúng”. Chúa phán: “Đây là giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel sau những ngày đó. Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng; Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta”. Chúa phán: “Người này sẽ không còn phải dạy người nọ, anh sẽ không còn phải dạy em rằng: “Ngươi hãy nhìn biết Chúa”, vì mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Ta, vì Ta sẽ tha tội ác của chúng, và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 50, 3-4. 12-13. 14-15
Đáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch (c. 12a).
Xướng:
1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác. – Đáp.
2) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con. – Đáp.
3) Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Con sẽ dạy kẻ bất nhân đường nẻo Chúa, và người tội lỗi sẽ trở về với Ngài. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Dt 5, 7-9
“Người đã học vâng phục và đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời”.
Trích thư gởi tín hữu Do-thái.
Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Đấng có thể cứu Người khỏi chết, và vì lòng thành tín, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người.
Đó là lời Chúa.
20 Trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy-lạp. 21 Họ đến gặp ông Phi-líp-phê, người Bết-xai-đa, miền Ga-li-lê, và xin rằng: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su.”
22 Ông Phi-líp-phê đi nói với ông An-rê. Ông An-rê cùng với ông Phi-líp-phê đến thưa với Đức Giê-su. 23 Đức Giê-su trả lời: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!
24 Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.
25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.
26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy.”
27 “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây ? 28 Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha.”
Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!”
29 Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói: “Đó là tiếng sấm!” Người khác lại bảo: “Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy!”
30 Đức Giê-su đáp: “Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người.
31 Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài!
32 Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” Đức Giê-su nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.
Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B:
WHĐ (13.03.2024) – Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.
Số 606-607: Cả cuộc đời của Đức Kitô là của lễ dâng hiến Chúa Cha
Số 542, 607: Đức Kitô khao khát hiến mạng sống mình để cứu chuộc chúng ta
Số 690, 729: Chúa Thánh Thần tôn vinh Chúa Con, Chúa Con tôn vinh Chúa Cha
Số 662, 2853: Đức Kitô được giương cao trong vinh quang là chiến thắng của chúng ta
Số 56-64, 220, 715, 762, 1965: Lịch sử các giao ước
Số 606-607: Cả cuộc đời của Đức Kitô là của lễ dâng hiến Chúa Cha
606. Con Thiên Chúa, Đấng từ trời xuống, không phải để làm theo ý Người, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Người”[1], “khi vào trần gian, Người nói: ‘Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài’… theo ý đó, chúng ta được thánh hóa, nhờ Chúa Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, một lần cho mãi mãi” (Dt 10,5-10). Ngay từ phút đầu tiên Người nhập thể, Chúa Con đã gắn bó với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa trong sứ vụ cứu chuộc của mình: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Ngài” (Ga 4,34). Hy lễ của Chúa Giêsu “đền bù tội lỗi cả thế gian” (1 Ga 2,2) là sự diễn tả tình yêu hiệp thông của Người với Chúa Cha: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,17). Thế gian phải “biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 14,31).
607. Sự khao khát gắn bó với kế hoạch yêu thương cứu chuộc của Chúa Cha truyền cảm hứng cho cả cuộc đời Chúa Giêsu[2], bởi vì cuộc khổ nạn cứu chuộc của Người là lý do việc Người nhập thể: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này! Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12,27). “Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?” (Ga 18,11). Và trên thập giá, trước khi mọi sự “đã hoàn tất” (Ga 19,30), Người nói: “Tôi khát!” (Ga 19,28).
Số 542, 607: Đức Kitô khao khát hiến mạng sống mình để cứu chuộc chúng ta
542. Đức Kitô là trung tâm của cộng đồng nhân loại này trong “gia đình của Thiên Chúa”. Người triệu tập họ quanh Người bằng lời nói, bằng những dấu chỉ biểu lộ Nước Thiên Chúa, bằng việc sai phái các môn đệ của Người. Ngươi sẽ làm cho Nước Người đến, chủ yếu nhờ mầu nhiệm cao cả là cuộc Vượt Qua của Người, tức là cái Chết trên thập giá và sự Sống lại của Người. “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi ngươi lên với tôi” (Ga 12,32). Mọi người đều được mời gọi tham dự vào sự kết hợp này với Đức Kitô[3].
607. Sự khao khát gắn bó với kế hoạch yêu thương cứu chuộc của Chúa Cha truyền cảm hứng cho cả cuộc đời Chúa Giêsu[4], bởi vì cuộc khổ nạn cứu chuộc của Người là lý do việc Người nhập thể: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này! Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12,27). “Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?” (Ga 18,11). Và trên thập giá, trước khi mọi sự “đã hoàn tất” (Ga 19,30), Người nói: “Tôi khát!” (Ga 19,28).
Số 690, 729: Chúa Thánh Thần tôn vinh Chúa Con, Chúa Con tôn vinh Chúa Cha
690. Chúa Giêsu là Đức Kitô, “Đấng được xức dầu”, bởi vì Thần Khí là sự Xức dầu của Người, và mọi sự xảy ra khởi từ cuộc Nhập Thể, đều bắt nguồn từ sự sung mãn này[5]. Sau cùng, khi Đức Kitô được tôn vinh[6], đến lượt Người, Người có thể sai Thần Khí từ nơi Chúa Cha đến với những ai tin vào Người: Người truyền thông cho họ vinh quang của mình[7], nghĩa là truyền thông Chúa Thánh Thần, Đấng tôn vinh Người[8]. Từ lúc đó, sứ vụ phối hợp này được mở rộng đến những người được Chúa Cha nhận làm nghĩa tử trong thân thể của Con Ngài: sứ vụ của Thần Khí nghĩa tử sẽ là kết hợp họ với Đức Kitô và làm cho họ sống trong Người.
“Việc Xức dầu nói lên ý nghĩa là không có khoảng cách nào giữa Chúa Con và Chúa Thánh Thần; cũng như lý trí và giác quan không nhận thấy một trung gian nào giữa da thịt và dầu xức, thì sự kết hợp giữa Chúa Con và Chúa Thánh Thần cũng không thể phân chia như vậy, đến độ ai muốn tiếp xúc với Đức Kitô bằng đức tin, cần phải tiếp xúc với dầu trước đã: quả vậy, không có chi thể nào, mà không có Chúa Thánh Thần. Vì vậy, việc tuyên xưng quyền làm Chúa của Chua Con được thực hiện trong Chúa Thánh Thần do những kẻ đón nhận Chúa Con, những người này được Chúa Thánh Thần từ muôn phương đến gặp khi họ đến với Chúa Con bằng đức tin”[9].
729. Chỉ khi đến Giờ Chúa Giêsu phải được tôn vinh, Người mới hứa rằng Chúa Thánh Thần sẽ ngự đến, vì cái Chết và sự Sống lại của Người sẽ là sự hoàn thành Lời đã hứa với các Tổ phụ[10]: Thần chân lý, Đấng Bào Chữa khác, sẽ được Chúa Cha ban nhờ lời cầu xin của Chúa Giêsu; chính Ngài sẽ được Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa Giêsu; Chúa Giêsu sẽ sai Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha mà đến, bởi vì Ngài xuất phát từ Chúa Cha. Chúa Thánh Thần sẽ đến, và chúng ta sẽ nhận biết Ngài, Ngài sẽ ở cùng chúng ta mãi mãi, Ngài sẽ cư ngụ với chúng ta; Ngài sẽ dạy dỗ chúng ta mọi sự và nhắc cho chúng ta nhớ tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói, và Ngài sẽ làm chứng cho Đức Kitô; Ngài sẽ dẫn chúng ta đến chân lý trọn vẹn và sẽ tôn vinh Đức Kitô. Còn đối với thế gian, Ngài sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính, và về việc xét xử.
Số 662, 2853: Đức Kitô được giương cao trong vinh quang là chiến thắng của chúng ta
662. “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Việc bị giương cao trên thập giá có ý chỉ và loan báo việc được đưa lên trời của mầu nhiệm Thăng Thiên. Thập giá là khởi đầu của Thăng Thiên. Chúa Giêsu Kitô, vị Thượng Tế duy nhất của Giao Ước mới và vĩnh cửu, “đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra… nhưng Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 9,24). Trên trời, Đức Kitô thực thi chức tư tế của Người một cách thường hằng, “Người hằng sống để chuyển cầu cho họ” “nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa” (Dt 7,25). Với tư cách là “Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai” (Dt 9,11), Người là trung tâm và là chủ sự của phụng vụ tôn vinh Chúa Cha trên trời[11].
2853. Cuộc chiến thắng trên “thủ lãnh thế gian này”[12] đã hoàn tất, một lần cho mãi mãi, vào Giờ Chúa Giêsu tự nguyện nộp mình chịu chết để ban cho chúng ta sự sống của Người. Đó là lúc phán xét thế gian này và thủ lãnh thế gian này “bị tống ra ngoài”[13]. Hắn “đuổi bắt người Phụ Nữ” (Kh 12,13)[14], nhưng không bắt được Bà; Bà là Evà mới, “đầy ân sủng” của Chúa Thánh Thần, được gìn giữ khỏi tội lỗi và sự hư nát của cái chết (Sự Vô nhiễm nguyên tội và Lên trời của Mẹ rất thánh của Thiên Chúa, Đức Maria trọn đời đồng trinh). “Con Mãng Xà nổi giận với người Phụ Nữ và đi giao chiến với những người còn lại trong dòng dõi bà” (Kh 12,17). Vì thế, Thần Khí và Hội Thánh cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,17.20), bởi vì khi Người ngự đến, Người sẽ giải thoát chúng ta khỏi Ác thần.
Số 56-64, 220, 715, 762, 1965: Lịch sử các giao ước
Giao ước với ông Nôê
56. Khi sự hợp nhất của nhân loại bị tội lỗi phá vỡ, Thiên Chúa lập tức có ý định cứu độ nhân loại khi can thiệp qua từng nhóm người. Giao ước với ông Nôê sau cơn lụt đại hồng thủy[15] nói lên nguyên tắc của Nhiệm cục thần linh đối với “các dân tộc”, nghĩa là đối với những người quy tụ lại “theo tiếng nói, dòng họ và dân tộc của mình” (St 10,5)[16].
57. Trật tự đa dân tộc này, vừa có tính vũ trụ, vừa có tính xã hội và tôn giáo[17], nhằm hạn chế tính kiêu căng của một nhân loại đã sa ngã, muốn đồng lòng trong sự ngoan cố của mình[18], muốn tự mình gầy dựng sự hợp nhất theo kiểu xây tháp Babel[19]. Nhưng vì tội lỗi[20], nên thuyết đa thần cũng như việc tôn thờ các ngẫu tượng là dân tộc và lãnh tụ của mình, đã không ngừng đe doạ biến Nhiệm cục tạm thời này thành sự gian tà ngoại đạo.
58. Giao ước với ông Nôê có hiệu lực trong suốt thời gian của các dân tộc[21], cho tới khi Tin Mừng được loan báo một cách phổ quát. Thánh Kinh tôn kính một số vĩ nhân của “các dân tộc”, như “Abel, người công chính”, vua tư tế Melchisêđê[22], ông này là hình bóng của Đức Kitô[23], hoặc các người công chính “Nôê, Đaniel và Job” (Ed 14,14). Như vậy Thánh Kinh nói lên mức độ thánh thiện cao vời mà những người sống theo Giao ước Nôê có thể đạt tới, đang khi mong đợi Đức Kitô “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52).
Thiên Chúa chọn ông Abraham
59. Để quy tụ loài người đang tản mác về một mối, Thiên Chúa chọn ông Abram và phán với ông: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi” (St 12,1); với ý định làm cho ông thành Abraham, nghĩa là “cha của vô số dân tộc” (St 17,5): “Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,3)[24].
60. Dân tộc phát sinh từ ông Abraham sẽ được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa với các tổ phụ, tức là dân được Ngài tuyển chọn[25], họ được gọi để chuẩn bị cho việc quy tụ trong tương lai mọi con cái Thiên Chúa trong sự duy nhất của Hội Thánh[26]; dân tộc này sẽ là gốc rễ mà các dân ngoại khi tin vào Thiên Chúa sẽ được tháp ghép vào[27].
61. Các tổ phụ, các tiên tri và những vĩ nhân khác của Cựu ước đã và sẽ luôn được tôn kính như những vị Thánh trong tất cả các truyền thống phụng vụ của Hội Thánh.
Thiên Chúa huấn luyện dân Israel của Ngài
62. Sau thời các Tổ phụ, Thiên Chúa lập Israel làm dân của Ngài khi cứu họ khỏi ách nô lệ Ai cập. Ngài lập Giao ước Sinai với dân và ban Lề Luật của Ngài cho họ qua ông Môisen, để họ nhận biết và phụng sự Ngài với tư cách là Thiên Chúa duy nhất hằng sống và chân thật, là Cha quan phòng và là thẩm phán chí công, và để họ mong đợi Đấng Cứu Độ mà Ngài đã hứa ban[28].
63. Israel là dân tư tế của Thiên Chúa[29], được “mang danh Đức Chúa” (Đnl 28,10). Đó là dân của “những người đầu tiên được nghe lời Chúa phán dạy”[30], dân của “những người làm anh” trong đức tin của tổ phụ Abraham[31].
64. Qua các tiên tri, Thiên Chúa đào tạo dân Ngài trong niềm hy vọng ơn cứu độ, trong sự mong đợi Giao ước mới và vĩnh cửu dành cho tất cả mọi người[32], Giao ước đó sẽ được ghi khắc trong các trái tim[33]. Các Tiên tri loan báo ơn cứu chuộc triệt để cho dân của Thiên Chúa, ơn thanh tẩy khỏi mọi bất trung của họ[34], và ơn cứu độ ấy sẽ bao gồm tất cả các dân tộc[35]. Đặc biệt những người nghèo khó và khiêm nhu của Chúa[36] sẽ ấp ủ niềm hy vọng này. Những phụ nữ thánh thiện như các bà Sara, Rêbecca, Rachel, Miryam, Đêbora, Anna, Juđitha và Esther, đã gìn giữ cho niềm hy vọng cứu độ ấy của Israel luôn sống động. Hình ảnh tinh tuyền nhất của niềm hy vọng này là Đức Maria[37].
220. Tình yêu của Thiên Chúa “tồn tại muôn đời” (Is 54,8): “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi” (Is 54,l0). “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31,3).
715. Các bản văn tiên tri trực tiếp liên quan đến việc sai Chúa Thánh Thần đến, là những lời sấm trong đó Thiên Chúa lấy ngôn ngữ Lời hứa mà nói vào trái tim của dân Ngài, bằng cung giọng yêu thương và trung tín[38], sáng ngày lễ Ngũ Tuần, thánh Phêrô sẽ tuyên bố việc hoàn thành những điều đó[39]. Theo những lời hứa đó, trong “thời sau hết”, Thần Khí Thiên Chúa sẽ đổi mới trái tim người ta bằng cách ghi khắc Lề luật mới trong họ; Ngài sẽ quy tụ và giao hoà những dân tộc đã bị phân tán và chia rẽ; Ngài sẽ biến đổi công trình tạo dựng thứ nhất và Thiên Chúa sẽ ở đó với người ta trong hoà bình.
762. Việc chuẩn bị xa cho cuộc tập họp dân Thiên Chúa bắt đầu bằng ơn gọi của ông Abraham, Thiên Chúa hứa cho ông trở thành cha tương lai của một dân tộc vĩ đại[40]. Việc chuẩn bị gần bắt đầu bằng việc tuyển chọn Israel làm dân Thiên Chúa[41]. Nhờ việc được tuyển chọn, Israel phải là dấu chỉ cuộc tập họp trong tương lai gồm tất cả các dân tộc[42]. Nhưng các Tiên tri tố cáo Israel đã phản bội Giao ước và đã hành xử như một gái điếm[43]. Các ngài loan báo một Giao Ước mới và vĩnh cửu[44]. “Giao ước mới này, chính Đức Kitô đã thiết lập”[45].
1965. Luật mới hay Luật Tin Mừng là sự trọn hảo nơi trần thế của Luật thần linh, tự nhiên và được mạc khải. Đây là công trình của Đức Kitô, được trình bày cách đặc biệt trong Bài giảng trên núi. Đây cũng là công trình của Chúa Thánh Thần, và nhờ Ngài, nó trở thành luật nội tâm của đức mến: “Ta hoàn thành một Giao Ước Mới với nhà Israel và nhà Giuđa…. Ta sẽ ghi vào lòng trí chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng còn chúng sẽ là Dân của Ta” (Dt 8,8.10)[46].
Bài giảng Đức Thánh Cha – Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B
Đức Phanxicô:
21.03.2021 – Muốn được gặp Chúa Giêsu
18.03.2018 – Muốn biết Chúa Giêsu thì phải nhìn thập giá
22.03.2015 – Sách Tin Mừng, Thánh Giá và chứng tá
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: Ðức Giêsu dù biết chắc sứ mệnh Thiên Chúa Cha muốn Ngài thực hiện là đi con đường Thập Giá, con đường đau khổ. Nhưng vì sống kiếp con người mỏng dòn, bản tính yếu đuối. Ðức Giêsu vẫn cảm thấy xao xuyến, bối rối khi chén đắng gần kề. Trong những giây phút đó, Ðức Giêsu đã không ngừng hướng nhìn lên Cha, cầu khẩn, phó thác mọi sự trong tay Cha.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, phải chăng cuộc đời chỉ có ý nghĩa, chỉ có giá trị khi con người biết sống quên mình, biết nghĩ đến tha nhân ?
Vâng, nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không thối đi, thì nó sẽ trơ trọi một mình. Nhưng nếu nó thối đi, sẽ sinh nhiều bông hoa. Ước gì cuộc đời chúng con là hạt lúa được chôn vùi – chôn vùi chính mình, để nẩy sinh nhiều bông hạt yêu thương cho Chúa, cho tha nhân. Amen.
Ghi nhớ: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
HẠT GIỐNG NẨY MẦM.
Một đêm giông bão gió thổi mọi hướng, mưa rơi như thác đổ. Một người đàn ông đứng tuổi, cùng bà vợ ghé tới một bàn giấy một khách sạn nhở ở Philadephia. Như biện hộ cho mình, ông ta hỏi: “Xin anh làm ơn cho chúng tôi một phòng ? Mọi khách sạn lớn đều hết phòng rồi”.
– Thưa ông tất cả các phòng đã có người thuê. Người thư ký trả lời – Nhưng tôi không nỡ để ông bà đi mưa vào lúc một giờ sáng.
– Anh nói chi ?
– Ông bà có thể ngủ tại phòng tôi .
– Nhưng anh ngủ ở đâu ? Ông khách hỏi.
– Ôi, tôi sẽ tìm được – Người thư ký trả lời, đứng lo lắng về tôi.
Sáng hôm sau khi ông khách trả tiền phòng, ông nói với người thanh niên đã dành phòng cho ông khách: “Anh là một người quản lý có khả năng làm chủ một khách sạn lớn nhất Hoa Kỳ. Có thể một ngày nào đó tôi sẽ xây một cái cho anh.
Hai năm sau, người thư ký trẻ nhận được một bức thư có kèm một vé khứ hồi đi Newyork và một danh thiếp của người khách trong đêm giông bão khi xưa, mời người thư ký đến gặp ông tại thành phố lớn Newyork. Người khách năm xưa dẫn người thư ký đến góc phố giữa đại lộ số 5 và đường phố số 34. Chỉ ngôi nhà lầu cao, mới, ông nói: “Đây là khách sạn tôi đã xây để anh quan lý”. Không nói nên lời, người thanh niên Gheorge C. Boldt, ấp úng câu cám ơn. Mạnh thường quân của anh là ông William Waldorf Astoria. Khách sạn này là khách sạn chu đáo nhất thời đó, mang tên Waldorf Astoria.
Đây là một bằng chứng cảm động về điều mà đức Giêsu nói với chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay: “… Hạt giống chết đi, nó sẽ sinh nhiều hoa trái”. Heorge Boldt chôn vùi tiện nghi, ấm cúng bằng cách nhường căn phòng của anh. Sự hy sinh đó đã nẩy mầm và đem lại phần thưởng. Gheorge Boldt được quản lý một khách sạn nổi tiếng nhất thế giới.
Một hạt giống phải chết trước khi có thể sinh hoa trái, điều đó cũng đúng trên bình diện thiêng liêng. Chúng ta, những người tin theo Chúa Giêsu biết rằng: mọi cố gắng hy sinh, thống hối, từ bỏ tiện nghi sẽ sinh hoa trái, nhất là khi những cố gắng ấy được thi hành vì tình yêu đức Kitô vì tình yêu bác ái đối với đồng loại như trường hợp trong câu chuyện hôm nay.
Chúa Giêsu đã chuẩn bị những kẻ tin theo Ngài bằng lễ hy sinh tối cao. Người n để thân mình bị nát tan trong khổ nạn và chết trên thập giá, bị chôn vùi trong mồ. Để rồi đem lại vinh quang và hoa trái phục sinh. Sự chết, sự mai táng và sự phục sinh ấy chúng ta lập lại trên bàn thờ đây, trong giờ này.
Mùa chay còn lại hai tuần nữa, chưa quá muộn để chúng ta tự “chôn vùi” mình, từ bỏ vì đức Kitô và vì anh chị em trong đức Kitô.
Bạn hãy khám phá lời của đức Kitô trong Tin Mừng hôm nay rõ ràng, xác thực cho bạn: “Hạt giống của sự hy sinh đem lại kết quả quí giá. Cùng với Chúa trong hy sinh của Người, bạn sẽ ỡ cùng với Người khi Người đemlại niềm vui và chiến thắng trong mùa Phục sinh.
Xin Chúa chúc lành bạn.
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
VINH QUANG NƠI THẬP GIÁ
A. DẪN NHẬP
Con người có nhu cầu cần phải yêu và được yêu, chỉ trừ khi chết mới hết yêu. Sống mà được yêu thương là hạnh phúc. Con người mà được Thiên Chúa yêu thương thì còn hạnh phúc nào bằng. Giao ước ký kết giữa Thiên Chúa và loài người là một giao ước tình yêu, nhưng nhiều lần loài người đã phá vỡ giao ước ấy, nghĩa là chối bỏ, không chấp nhận tình yêu ấy nữa.
Nhưng Thiên Chúa vẫn không nản lòng, Ngài đã nhờ các tiên tri loan báo cho loài người biết là Ngài sẽ ký kết một giao ước mới và vĩnh cửu. Và để cho ai nấy được rõ, Ngài đã muốn giao ước được ký trong máu Con của Ngài đổ ra trên thập giá. Chính Đức Giêsu đã nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn mối tình của kẻ chết vì người mình yêu”. Ngài đã chết cho chúng ta. Giờ khổ nạn của Chúa là giờ của tình yêu mà Ngài đã loan báo trước, đồng thời cũng là giờ Ngài được tôn vinh.
Phụng vụ hôm nay nhắc cho chúng ta phải thi hành giao ước tình yêu mà Chúa đã ký kết với chúng ta trong máu Con của Ngài trên thập giá. Đáp lại tình yêu cao vời ấy, chúng ta hãy đón nhận “giờ” của Chúa là giờ của ta chúng ta, nghĩa là chúng ta sẵn sàng đón nhận những gian nan thử thách, thi hành thánh ý Chúa, chu toàn giữ lề luật Chúa như lời Chúa nói qua miệng tiên tri: “Ta sẽ đặt lề luật Ta trong lòng chúng, Ta sẽ ghi khắc luật đó vào trái tim chúng”.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Gr 31,31-34
Khi dân Do thái thoát ách nô lệ của Ai cập, Thiên Chúa đã ký kết với dân một Giao ước ở chân núi Sinai, qua trung gian ông Maisen. Theo đó, Thiên Chúa sẽ là Chúa của họ và bảo vệ họ, còn họ là dân riêng của Ngài, họ phải trung thành phụng sự Ngài là Chúa tể duy nhất. Giao ước đó đã được khắc lên hai bia đá.
Nhưng qua thời gian, dân Chúa đã phản bội Ngài, phá bỏ Giao ước đã ký kết, và kết quả là họ bị quân địch đến tàn phá đất nước, dân chúng phải đi lưu đày ở Babylon.
Tuy thế, tiên tri Giêrêmia loan báo cho họ biết Thiên Chúa sẽ lập một giao ước mới với dân Ngài. Giao ước đó sẽ không còn ghi trên bia đá nữa, mà khắc ghi ngay trong lòng họ. Giao ước này là giao ước tình yêu. Để cho ai nấy được rõ, Ngài đã muốn cho giao ước này được ký kết trong máu của Con Ngài đổ ra trên thập giá. Giao ước mới và vĩnh cửu này nói lên tình thương lớn lao và sự tha thứ không bờ bến của Ngài: “Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lầm lỗi của chúng nữa” (Gr 31,34).
+ Bài đọc 2: Dt 5,7-9
Đức Giêsu Kitô với thân phận làm người đã hoàn toàn tuân phục thánh ý Chúa Cha, Ngài đã sẵn lòng chịu đau khổ đến mức tận cùng, để cứu chuộc loài người bằng chính máu mình đổ ra trên thập giá. Tác giả thư Do thái hiểu rằng cuộc chịu nạn của Đức Giêsu là “căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những ai tùng phục Ngài”.
+ Bài Tin mừng: Ga 12,20-33
Nhân cơ hội có sự hiện diện của mấy người ngoại giáo gốc Hy lạp muốn gặp Đức Giêsu để tìm hiểu về Ngài, hoặc muốn trình bày điều gì đó, nhân dịp này Ngài nói với họ về “Giờ của Ngài”. Giờ của Ngài tức là lúc Ngài bị treo trên thập giá, giờ mà Ngài được tôn vinh.
Nói theo ngôn ngữ người đời thì đó là một điều nghịch lý, nhưng với cái nhìn đức tin, thì đó lại là một niềm vinh dự vì qua cái nhục trong một thời gian vắn, một cái nhục vô lý, Đức Giêsu sẽ chiến thắng vẻ vang nhờ cuộc phục sinh của Ngài, cũng như hạt lúa gieo vào lòng đất phải chết đi mới sinh được nhiều hạt khác: “Phần Ta, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,33).
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA : Vinh quang trong khổ nhục
I. ĐỨC GIÊSU ĐƯỢC TÔN VINH
Đức Giêsu nói: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,22). Ngài được tôn vinh như thế nào? Đức Giêsu được tôn vinh không phải bằng sự giàu sang, danh vọng, quyền thế, vinh quang thế gian, Ngài được tôn vinh chính lúc bị treo trên thập giá, vì Ngài đã vâng theo thánh ý Cha Ngài, Ngài chiến thắng vẻ vang trong khổ nhục.
1. Giờ của Đức Giêsu
Đức Giêsu đã cầu nguyện cùng Cha: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đến”. Giờ này là giờ nào? Phải chăng là lúc ký giao ước mới trong máu của Ngài đổ ra trên thập giá? Đúng như vậy!
Lịch sử cứu độ qua các mối tương quan giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại, ta thấy có nhiều giao ước đã được thay đổi: Từ giao ước Adong (St 3,15), với Noe (St 9,1-17), với Abraham (St 17,1-27) đến lời hứa giao ước mới mà Thiên Chúa dùng tiên tri Giêrêmia loan báo (Gr 31,31-34): tất cả những lời giao ước đó đều thấy thực hiện viên mãn trong GIỜ của Đức Giêsu. Giao ước mới quả đã thực hiện lời Thiên Chúa hứa với nguyên tổ (St 3,15) đem lại chiến thắng cho con người, và tái lập tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa và loài người.
Đức Giêsu nói: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. Những lần khác, Đức Giêsu nhắc đến “Giờ chưa đến” (Ga 2,4; 7,30; 8,20), nhưng ở đây Ngài lại nói đến “Giờ đã đến”. Vậy “Giờ” ở đây không phải là giờ vinh quang cho bằng là “Giờ hiến tế” đem lại vinh quang cho Ngài: Giờ vinh quang của Con Người là giờ tử nạn và phục sinh của Ngài.
2. Sự vâng phục của Đức Giêsu
Khi chấp nhận mục nát như hạt giống gieo vào lòng đất với cuộc Vượt Qua trên thập giá, Đức Giêsu đã sống trọn vẹn mầu nhiệm tự huỷ nơi bản thân mình. Mầu nhiệm này đã bắt đầu bằng việc Nhập thể và kéo dài trong suốt cuộc sống của Ngài. Sự tự huỷ này trước hết, hệ tại ở sự vâng phục hoàn toàn của Đức Giêsu trước thánh ý của Chúa Cha. Tâm tình tuân phục đó của Đức Giêsu cũng được tỏ lộ cách cụ thể qua lời Ngài thưa với Chúa Cha, mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng hôm nay: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin làm vinh danh Cha”.
Mặc dù luôn đặt ý Cha trên hết mọi sự, nhưng trong bản tính của một con người, đứng trước con đường thập giá, Đức Giêsu cũng không khỏi sợ hãi, xao xuyến, ngần ngại. Ngài sợ hãi vì trước mắt, thập giá chính là “một điều điên rồ đối với dân ngoại, là cớ vấp phạm cho người Do thái” (1Cr 1,23). Vì thế, khi biết rằng sắp đến “giờ” của Ngài, Đức Giêsu đã phải thốt lên: “Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này”.
Lắng nghe lời tâm sự tha thiết tự đáy lòng của Đức Giêsu, chúng ta thấy rằng: sống vâng phục không phải là một điều dễ dàng. Sự vâng phục này đòi hỏi Đức Giêsu một sự cố gắng, kiên trì để vượt qua bản thân, sẵn sàng đón nhận các biến cố vui buồn Thiên Chúa gửi đến từng ngày trong cuộc sống.
Hay nói cách khác, Đức Giêsu cũng đã phải học để có thể sống vâng phục, như lời tác giả thư Do thái viết: “Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài (Đức Giêsu) đã học vâng phục do những đau khổ Ngài chịu”. Thế nhưng, chính nhờ sự vâng phục trọn vẹn đó mà Đức Giêsu khi hoàn tất “Ngài đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những ai tùng phục Ngài”.
3. Đức Giêsu chấp nhận thập giá
Với tư cách là con người như chúng ta, Đức Giêsu cũng cảm thấy sợ hãi trước đau khổ. Trong vườn Cây Dầu Ngài cũng đã xao xuyến (x. Mt 26,38) và phải kêu xin cùng Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho Con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Theo tính tự nhiên, Đức Giêsu muốn trốn tránh sự đau khổ, nhưng Ngài lại muốn tuân theo thánh ý Cha để cho Cha định liệu. Và ý của Chúa Cha là muốn cho Con Ngài chịu chết trên thập giá để cứu chuộc nhân loại.
Bài Tin mừng hôm nay cho ta thấy rõ quan niệm của Chúa đối với đau khổ, đối với mọi thánh giá trên đời
Đức Giêsu dùng cây thánh giá như bậc thang tới vinh quang “Per crucem ad lucem”. Quan niệm đó mới nhìn qua là một nghịch lý, song Ngài đã giải thích bằng một dụ ngôn vắn tắt và đầy ý nghĩa: dụ ngôn hạt giống: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất, mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thôi đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất và ai ghét mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời” (Ga 12,24).
Cây thánh giá còn là phương tiện chinh phục. Ngài cho biết, Ngài được giương lên cao thì cũng sẽ có nhiều người cùng được lên cao với Ngài: “Phần Ta, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,32). Lịch sử đã chứng minh cho lời Chúa. Biết bao người đã tin theo Ngài vì cái chết đau thương đầy tình thương xót của Ngài. Biết bao người đã bỏ tất cả và cảm mến tấm lòng thương xót của Ngài. Thập giá Chúa đã in sâu vào trong lòng người ta.
Truyện: Ông đóng khố cởi trần
Người ta kể rằng: Tin mừng Chúa được gieo rắc tại Nhật bản từ hồi thế kỷ 16 do các vị thừa sai ngoại quốc đem đến. Giáo hội Nhật tuy còn non trẻ mà đã bị cấm cách giết hại. Các vị thừa sai, vị thì bị giết, vị thì phải trục xuất, không còn một vị thừa sai nào ở lại để tiếp tục dạy giáo lý, củng cố đức tin cho họ. Ai cũng tưởng rằng Giáo hội Nhật bản đã bị xóa sổ, vì suốt trong ba trăm năm không còn ai đến dạy dỗ họ. Nhưng không ngờ, khi các nhà thừa sai được phép truyền giáo lại ở Nhật, có người xưng mình là Kitô hữu. Khi được hỏi về giáo lý thì họ mù tịt, chẳng hiểu biết gì. Nhưng khi được hỏi là họ thờ ai, thì họ đã mạnh dạn thưa: “Thờ ông đóng khố cởi trần trên thập giá!”
II. CHÚNG TA SẼ ĐƯỢC TÔN VINH
Những người theo Đức Kitô sẽ được tôn vinh, nhưng muốn được tôn vinh thì cũng phải có điều kiện, phải nói được như thánh Phaolô: vinh quang của ta là thánh giá Đức Kitô. Chúng ta sẽ tìm được vinh quang trong sự tự huỷ, trong việc cho đi và chấp nhận thánh giá trong đời.
1. Sống theo con đường tự huỷ
Thánh Phaolô đã vinh tụng Đức Giêsu trong bài thánh ca: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).
Đức Giêsu đã tự chọn lấy cái chết để chiếm lấy sự sống. Mới nghe thì ai cũng cho là phi lý vì chết và sống trái ngược nhau, làm sao có thể dung hoà được, nhưng chết và sống không hẳn là hai điều luôn đối nghịch nhau, nhiều khi chúng liên kết hỗ trợ nhau: sự chết nuôi sự sống và sự sống có thể sống được là nhờ sự chết. Ta có thể đưa ra vài ví dụ:
– Nơi thực vật: những thứ được dùng làm phân bón phải chết đi thì mới trở thành chất bổ dưỡng cho cây.
– Nơi sinh vật: các thức ăn phải “tiêu” mới “hóa” thành lương thực.
– Trong cõi nhân sinh: những người già chết đi để nhường đất và hoa màu của đất cho các thế hệ sau dùng đó mà sống.
– Ngọn nến: sáp nến phải chảy ra và bị đốt thì ánh sáng mới bùng lên.
Đức Giêsu chết để cho con người sống. Sự chết của Ngài là nguồn sự sống cho chúng ta (Lm. Carôlô, Sợi chỉ đỏ, năm B, tr 165).
Theo như Flor McCarthy thì “Chết là một phần của sống. Chúng ta sinh ra là để chết, hầu có thể sống sung mãn hơn”. Thực vậy,
– Mỗi một hành vi khiêm tốn là một phần tính kiêu ngạo chết đi.
– Mỗi một hành vi can đảm là một phần tính hèn nhát chết đi.
– Mỗi một hành vi dịu dàng là một phần tính hung hăng chết đi.
– Mỗi một hành vi yêu thương là một phần tính ích kỷ chết đi.
Con người tội lỗi chết dần đi thì con người đích thực được dựng nên giống hình ảnh Chúa dần dần sống mạnh. Nói một cách cụ thể để áp dụng vào cuộc sống, chúng ta thử đưa ra vài trường hợp cho việc tự huỷ, tức là bỏ ý riêng của mình đi để theo ý Chúa:
– Giả sử cuộc hôn nhân của chúng ta bị tan vỡ và chúng ta cần sự trợ giúp ở bên ngoài, nhưng vì quá kiêu căng chúng ta không muốn yêu cầu điều ấy. Như vậy “bắt ý riêng chết đi” có nghĩa là bắt lòng kiêu ngạo của ta chết đi và sẵn sàng tìm kiếm sự trợ giúp.
– Hoặc giả như chúng ta được bạn bè thân tín cho biết chúng ta đang ngày càng bê tha rượu chè, nhưng chúng ta cứ tiếp tục không nghe dù tình trạng bê tha gia tăng rõ ràng. Như thế “chết cho ý riêng” có nghĩa là nhìn nhận vấn đề của chúng ta và tìm kiếm phương thuốc điều trị.
– Giả như một bạn bè hoặc một người thân trong gia đình xúc phạm đến chúng ta một cách nào đó, khiến chúng ta cứ giữ mãi mối ác cảm với người ấy. Thì “Chết cho ý riêng mình” có nghĩa là thật lòng tha thứ cho người ấy và lại tiếp tục dùng tình thương cử xử với y. Không ai nói rằng: Chết cho ý riêng mình là điều dễ dàng. (M. Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm B, tr 97).
2. Sống là phải biết cho đi
Với con đường tự huỷ, Đức Giêsu đã chứng minh một chân lý xem ra có vẻ nghịch lý: “Cho là nhận” và “Chết là con đường đưa tới sự sống”. Thật vậy, với kinh nghiệm thường ngày, chúng ta cũng có thể nhận ra điều này. Mỗi khi chúng ta mở bàn tay để cho là lúc chúng ta có thể nhận được, và sẽ trở nên phong phú. Còn nếu chúng ta cứ nắm bàn tay lại để giữ cho chính mình, thì cũng đồng thời, chúng ta không có thể đón nhận được bất cứ điều gì. Như thế chúng ta sẽ trở nên nghèo nàn và cô đơn.
Tương tự, một người buôn bán cứ phải bỏ tiền ra để mua hàng hoá khiến tiền bạc bị hao hụt đi, nhưng nhờ vậy có hàng bán ra để thu tiền vào và có lời, khiến tiền bạc ngày càng gia tăng và trở nên giàu có. Nếu người ấy không chịu bỏ tiền ra để đầu tư, cứ giữ khư khư số tiền mình có, thì làm sao gia tăng số tiền ấy lên được? Vậy, điều cần thiết để có là phải cho ra hay cho đi.
Cảm nghiệm sâu sắc chân lý từ mầu nhiệm tự huỷ của Đức Giêsu, thánh Phanxicô Assisi, trong lời Kinh hòa bình, đã ca lên: “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.
Truyện: Thánh Maximilien Kolbe
Cha Maximilien Kolbe làm gương cho chúng ta về cung cách sống của người môn đệ Chúa: Một buổi sáng cuối tháng 7 năm 1941 tại trại tập trung Auschwitz (gần thành phố Oswiecim) của Đức quốc xã, có một người vượt ngục, 10 người khác bị xử thay vào. Các nạn nhân run rẩy bước ra, đứng không vững, khiếp đảm, không dám kêu la, trừ một người kêu ré lên: “Ôi vợ và các con tôi”.
Hàng trăm dẫy tù nhân xếp hàng dài im thin thít, hú hồn vì chưa phải tên mình, không một ai dám cựa quậy. Bỗng từ dãy tù nhân bên trái, một người gầy guộc rời hàng bước về phía viên trại trưởng. Mọi người nín thở: chuyện chưa từng có! Viên trưởng trại đặt tay lên súng:
– Anh muốn gì?
– Tôi muốn chết thay một người trong bọn họ.
Viên trưởng trại sửng sốt. Y tưởng mình nghe lầm. Nhưng không, người kia thực sự xin được chết thay cho kẻ có vợ và các con đang đợi ở nhà. Sau mấy câu gượng gạo, viên trưởng trại nhượng bộ, chấp nhận lời yêu cầu. Kẻ tình nguyện đó chính là Maximilien Kolbe, một linh mục công giáo. Cha đã được Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II tuyên thánh ngày 10.10.1982.
3. Chấp nhận thánh giá trong đời
Đau khổ và hạnh phúc luôn gắn liền và đi đôi với nhau. Bài Tin mừng hôm nay giúp chúng ta áp dụng định luật ấy vào đời sống, vào cuộc hành trình đi đến hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu của ta. Đức Giêsu cho biết: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. Và Ngài cho biết lý do nào khiến Ngài được tôn vinh. Hay nói cách khác, Ngài phải sống hay làm thế nào mới được tôn vinh: “Thầy bảo thật anh em, nếu hạt giống gieo xuống đất…” Ngài còn diễn tả chân lý ấy theo kiểu khác: “Ai yêu quí mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”.
Qua những lời ấy, Đức Giêsu cho thấy sự sống đôi tất yếu của một cặp yếu tố trái ngược nhau: chết đi và sinh ra, hạnh phúc và đau khổ. Hạt lúa có thể chết đi mới sinh ra những hạt khác. Con người có đau khổ mới làm cho mình và người khác hạnh phúc. Thật vậy, nếu người ta cứ sống mãi không chết, làm sao thế giới có đủ chỗ và tài nguyên cho các thế hệ con cháu sinh ra sau? Do đó, chết là điều kiện tất yếu của sống, và đau khổ là điều kiện tối yếu của hạnh phúc. Thật vậy, trên đời, có hạnh phúc nào mà không được xây dựng trên đau khổ, hoặc của chính mình, hoặc của người khác? Người ta nói không sai:
Có khó mới có miếng ăn,
Không dưng ai bỗng đem phần chia cho (Ca dao)
Trong Kinh thánh có rất nhiều câu nói lên sự đi đôi giữa sống và chết, giữa đau khổ và hạnh phúc, trong đó có vài câu chúng ta thường nghe như:
“Người đi trong nước mắt, đem hạt giống gieo trên ruộng đồng,
Người về miệng vui ca, tay ôm bó lúa ngào ngạt hương” (Tv 126,6).
hoặc:
“Nếu chúng ta cùng chết với Ngài, nếu chúng ta cùng chịu đau khổ với Ngài, ta sẽ thống trị với Ngài”(2Tm 2,11-12; x. Rm 6,8; 8,17).
Truyện: Thập giá chỉ đường
Phi trường quốc tế Pennsylvania là một trong những sân bay lớn nhất, hiện đại nhất trong các sân bay của Hoa Kỳ. Cách sân bay chỉ khoảng cây số có một ngôi thánh đường nằm đúng vào hướng bay cuối một trong những phi đạo nhộn nhịp đón nhiều chuyến bay nhất.
Sợ tháp chuông có thể gây nguy hiểm cho các máy bay mỗi lần đáp xuống phi đạo, toàn thể giáo dân ở đây đã đồng lòng quyết định sẽ đặt trên đỉnh tháp chuông một bóng đèn nê-ông lớn bằng hình cây thánh giá. Từ đó, mỗi lần chuẩn bị đáp xuống phi đạo vào ban đêm, các phi công đều dựa vào ánh sáng tỏa ra từ cây thánh giá như thể đó là một ngọn hải đăng chỉ đường cho các con tàu cập bến an toàn.
“Lạy Chúa Giêsu, Thánh giá Chúa là một mầu nhiệm mà lý trí chúng con khó hiểu, và đứng trước mầu nhiệm này, tình cảm chúng con hoảng sợ và khước từ. Xin Chúa ban ánh sáng soi dẫn ý nghĩa cho chúng con. Xin ban cho chúng con nghị lực chấp nhận nó với tất cả những đòi hỏi của nó. Xin ban cho chúng con vui sống mầu nhiệm ấy với Chúa, ngõ hầu Nước Cha trị đến trong chúng con và khắp trần gian đến muôn thuở muôn đời”. Amen.
4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)
GIỜ ĐƯỢC TÔN VINH
Trong Tin Mừng Gioan, khi cuộc Khổ nạn gần kề,
Đức Giêsu nói về bình an như quà tặng cho các môn đệ.
“Thầy để lại bình an cho các con,
Thầy ban bình an của Thầy cho các con” (Ga 14,27; 16,33).
Khi phục sinh và hiện ra cho các môn đệ đang đóng cửa,
Chúa Giêsu cũng ba lần chúc họ bình an (Ga 20,19.21.26).
Bình an thì ngược với xao xuyến,
nên Đức Giêsu cũng hay dặn các môn đệ:
“Lòng anh em đừng xao xuyến hay sợ hãi!” (Ga 14,1.27).
Những lời trấn an trên đây của Đức Giêsu
dễ khiến ta tưởng Ngài suốt đời chẳng một lần xao xuyến.
Thật ra, Tin Mừng Gioan kể Đức Giêsu xao xuyến ba lần.
Ngài xao xuyến trước cái chết của Ladarô (Ga,11,33).
Ngài xao xuyến khi nói về sự phản bội của Giuđa (Ga 13,21).
Và trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài cũng xao xuyến
trước cái chết sắp đến của chính mình (Ga 12,27).
Ngài biết Giờ của Ngài đã đến (Ga 12,23).
Giờ Ngài được Cha tôn vinh
cũng là giờ Ngài được giương cao trên thập giá.
Đức Giêsu linh cảm về cách chết sắp đến của mình (Ga 12,33).
Điều đó khiến Ngài xao xuyến, đến nỗi không biết phải nói gì.
Nhưng Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan có sự khác biệt.
Ngài không xin Cha cất chén đắng để tránh cho mình cái chết.
Ngài tự đặt câu hỏi và tự trả lời:
“Con mà xin Cha cứu con khỏi Giờ này ư? Không đâu!
Bởi lẽ vì mục đích này mà Con đến với Giờ này” (Ga 12,27).
Đức Giêsu đã nhiều lần nói Giờ chưa đến (Ga 2,4; 7,30; 8,20).
Ngài mong Giờ ấy đến, và nay Giờ đã đến.
Xao xuyến và sợ hãi không làm Ngài thoái lui,
vì Ngài biết Cha là chủ của Giờ này.
Không để cái chết làm mình suy sụp, không để xao xuyến lấn át,
Đức Giêsu nhìn cuộc Khổ Nạn với cái nhìn lạc quan hy vọng.
Ngài ví mình như hạt lúa, rơi vào trong đất.
Cái chết của một hạt lúa là điều kiện để tạo ra muôn hạt khác.
Ngài chấp nhận cái chết và từ khước giữ sự toàn vẹn cho mình.
Hạt lúa giống sẽ biến đi để nhiều hạt khác xuất hiện.
Thật ra, cái chết không làm Ngài bị biến đi hay mất đi.
Trái lại, đó là cách Ngài giữ được mạng sống (Ga 12,24-25).
Ai coi thường mạng sống ở đời này, sẽ giữ được nó cho đời sau.
Đức Giêsu không coi cái chết là dấu chấm hết hay chấm than.
Ngài coi đó là cửa mở vào sự sống vĩnh cửu.
Đức Giêsu biết mình là Ánh sáng đến trong thế gian.
Khi Giờ đến, có lúc Ánh sáng ấy như mất đi (Ga 12,35-36; 9,4-5).
Satan thủ lãnh thế gian và bóng tối có vẻ thắng thế,
kỳ thực nó “không làm gì được Thầy” (Ga 14,30).
Hơn nữa, đã đến lúc nó “sắp bị tống ra ngoài” (Ga 12,31).
Cái chết nhục nhã trên thập giá là sự giương cao lên khỏi đất.
Cái chết này có sức hút mãnh liệt vì là cái chết của Ngôi Lời.
Cái chết của Con Một Thiên Chúa có sức nâng kỳ diệu,
kéo mọi người lên với Ngài chẳng trừ ai (Ga 12,32),
vì Ngài muốn những ai theo Ngài được ở bên Ngài mãi mãi.
“Thầy ở đâu, họ cũng ở đó” (Ga 12,26).
Cái chết của Đức Giêsu cho ta được ở bên Ngài trong nhà Cha.
Cuộc sống người kitô hữu không tránh khỏi những cái chết,
chết mỗi ngày như hạt lúa mục nát, nằm sâu trong đất.
Cuộc sống người kitô hữu không tránh khỏi bị xao xuyến,
khi đứng trước thế lực của bóng tối, của bạo quyền.
Nhưng Đức Giêsu cho chúng ta sự kiên định, bất khuất,
để luôn hy vọng và không bao giờ bỏ cuộc vì sợ hãi.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Giê su,
Trước khi con tìm Chúa, Chúa đã đi tìm con.
Trước khi con thấy Chúa, Chúa đã nhìn thấy con.
Trước khi con theo Chúa, Chúa đã đi theo con.
Trước khi con yêu Chúa, Chúa đã yêu mến con.
Trước khi con thuộc về Chúa, Chúa đã thuộc về con.
Trước khi con phụng sự Chúa, Chúa đã phục vụ con.
Trước khi con từ bỏ mình vì Chúa,
Chúa đã nộp mình vì con.
Trước khi con sống và chết cho Chúa,
Chúa đã sống và chết cho con.
Trước khi Chúa đòi con đặt Chúa lên trên hết,
Chúa đã coi con là hạnh phúc tuyệt vời của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu là Thầy của con,
Chúa luôn đi trước con.
Chúa làm trước khi Chúa dạy.
Con hiểu rằng mọi điều Chúa đòi hỏi nơi con
chỉ vì hạnh phúc vĩnh cửu của con thôi.
Xin cho con đón nhận những cắt tỉa của Chúa
với lòng biết ơn và rất nhiều tình yêu. Amen.
5. Suy niệm (song ngữ)
5th Sunday of Lent
Reading I: Jeremiah 31:31-34
Reading II: Hebrews 5:7-9
Chúa Nhật 5 Mùa Chay
Bài Đọc I: Giêrêmia 31:31-34
Bài Đọc II: Do Thái 5:7-9
Gospel
John 12:20-33
20 Now among those who went up to worship at the feast were some Greeks.
21 So these came to Philip, who was from Beth-sa’ida in Galilee, and said to him, “Sir, we wish to see Jesus.”
22 Philip went and told Andrew; Andrew went with Philip and they told Jesus.
23 And Jesus answered them, “The hour has come for the Son of man to be glorified.
24 Truly, truly, I say to you, unless a grain of wheat falls into the earth and dies, it remains alone; but if it dies, it bears much fruit.
25 He who loves his life loses it, and he who hates his life in this world will keep it for eternal life.
26 If any one serves me, he must follow me; and where I am, there shall my servant be also; if any one serves me, the Father will honor him.
27 “Now is my soul troubled. And what shall I say ? ‘Father, save me from this hour’ ? No, for this purpose I have come to this hour.
28 Father, glorify thy name.” Then a voice came from heaven, “I have glorified it, and I will glorify it again.”
29 The crowd standing by heard it and said that it had thundered. Others said, “An angel has spoken to him.”
30 Jesus answered, “This voice has come for your sake, not for mine.
31 Now is the judgment of this world, now shall the ruler of this world be cast out;
32 and I, when I am lifted up from the earth, will draw all men to myself.”
33 He said this to show by what death he was to die
Phúc Âm
Gioan 12,20-33
20 Trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy-lạp.
21 Họ đến gặp ông Phi-lip-phê, người Bết-xai-đa, miền Ga-li-lê, và xin rằng: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su.”
22 Ông Phi-lip-phê đi nói với ông An-rê. Ông An-rê cùng với ông Phi-lip-phê đến thưa với Đức Giê-su.
23 Đức Giê-su trả lời: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!
24 Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.
25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.
26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy.
27 “Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đẩy ? Lạy Cha xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến.
28 Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha”. Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!”
29 Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói: “Đó là tiếng sấm!” Người khác lại bảo: “Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy!”
30 Đức Giêsu đáp: “Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người.
31 Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài!
32 Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tội.”
33 Đức Giê-su nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.
Interesting Details
- This incident occurs after Jesus’ triumphal entry into Jerusalem just before the Passion. Strangers to the Jews, these men from the Hellenistic world came to Jerusalem to participate at the Pascal pilgrimage.
- (v.20) The contact of Jesus during his ministry was confined mostly to his own people. The contact with the Gentiles was exceptional. The desire of these people of Greek culture to look for a true God to worship, led them to try to meet with Jesus.
- (v.21) Philip and Andrew were the only persons having Greek names. Maybe because of Philip’s knowledge of the Greek language, they came to him asking to be introduced to Jesus.
- (v.22) The “hour” in this case means the moment of the Redemption through his death and glorification; it is also the condemnation of this “World” and its ruler (v.31).
- (v.24) “Fruit” in this context may suggest the convert of the Gentiles.
- (v.25) To hate is a Jewish way to say “love less.” We are to prefer eternal life over the earthly one.
- (v.28) God the Father bears witness to the divinity of Jesus as He did at Christ’s baptism (Mt 3:13-17) and at his Transfiguration (Mt 17:1-5).
Chi Tiết Hay
- Biến cố này xảy ra sau việc khải hoàn vào thành thánh Giê-ru-sa-lem và ngay trước cuộc Tử Nạn. Bên cạnh những người Do-Thái còn có những ngoại kiều từ Hy-lạp đến Giê-ru-sa-lem để tham dự hành hương lễ Vượt qua.
- (c.20) Trong thời kỳ rao giảng, Đức Giêsu thường chỉ tiếp xúc với những người đồng hương. Việc tiếp xúc với Dân ngoại là ngoại lệ. Những người thuộc văn hóa Hy-lạp này vì muốn tìm kiếm một Thiên Chúa đích thực để thờ phượng nên đã cố gặp cho được Đức Giêsu.
- (c.21) Phi-líp-phê và An-rê là những tông đồ có tên gọi bằng tiếng Hy-lạp. Có thể Phi-líp-phê biết tiếng Hy-lạp nên họ mới xin ông giới thiệu họ với Đức Giêsu.
- (c.22) “Giờ” ở đây có nghĩa là thời điểm cứu chuộc nhờ sự chết và vinh hiển của Đức Giêsu; nhưng cũng là thời điểm phán xét “Thế gian” và thủ lãnh của nó (c. 31).
- (c.24) “Nhiều hạt khác” theo diễn tiến câu truyện có thể hiểu là việc Dân ngoại trở lại đạo.
- (c.25) “Ghét” theo lối nói người Do-thái có nghĩa là “yêu ít hơn” (Bản dịch Việt ngữ dùng từ “coi thường”). Chúng ta phải yêu chuộng sự sống vĩnh cữu hơn là sự sống ở đời này.
- (c.28) Thiên Chúa Cha làm chứng cho thiên tính của Đức Giêsu, giống như Người đã làm khi Đức Ki-tô chịu phép rửa (Mt. 3:13-17) và khi Đức Ki-tô biến hình trên núi (Mt. 17:1-5).
One Main Point
The main part of this Gospel speaks of the necessity of the death of Jesus for universal salvation. Only by the surrender of his life could Christ bear fruit, that is to bring all people to salvation, Jews and Gentiles alike.
Một Điểm Chính
Phần chính của đoạn Tin Mừng này nói về sự cần thiết của việc Đức Giêsu phải chết để cứu chuộc thế giới. Chỉ có sẵn sàng hiến mạng sống, Đức Ki-tô mới có thể sinh nhiều hoa trái, nghĩa là đưa mọi người đến sự cứu rỗi, người Do-Thái cũng như Dân ngoại.
Reflections
- Try to put yourself at the moment when you heard what God the Father has said: “I have glorified it, and I will glorify it again (v.28)”. Jesus said that the message is intended for you. He looks at you. What do you think God the Father means to tell you ? What kind of response do you present to Him ?
- Does this Gospel passage challenge you against your present way of living ? Did you ever introduce anyone to Jesus ? What will be your response when someone told you they were wondering about the meaning of life ?
- The thought of death saddens Jesus (v.27), but He turns to the Father in prayer. Are you saddened by Jesus’ call to follow Him ? To hate your life ? And to be buried like the grain of wheat into the ground ? What is your answer to his call ?
Suy Niệm
- Cố gắng đặt mình vào lúc bạn nghe Thiên Chúa Cha phán: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa” (c.28). Đức Giêsu nói Người muốn gửi sứ điệp ấy cho chính bạn. Người nhìn bạn. Bạn nghĩ Thiên Chúa Cha muốn nói gì với bạn ? Bạn đáp lại lời gọi của Người thế nào ?
- Đoạn Tin Mừng này có đòi bạn phải thay đổi lối sống hiện thời của bạn không ? Bạn đã bao giờ giới thiệu ai cho Đức Giêsu chưa ? Bạn sẽ làm gì khi có ai nói với bạn là họ không hiểu ý nghĩa cuộc đời ?
- Ý nghĩ về sự chết làm cho Đức Ki-tô buồn (c.27), nhưng Người đã hướng về Chúa Cha trong cầu nguyện. Bạn có buồn vì lời gọi của Đức Ki-tô mời bạn hãy theo Người không ? Vì phải coi thường mạng sống ? Vì bị gieo vào lòng đất như hạt lúa. Bạn đáp lại lời gọi của Người bằng cách nào ?