Khôi phục mối quan hệ hiệu quả với các gia đình và các trung tâm đào tạo
Đức Thánh Cha đã chia sẻ qua tâm đầu tiên của ngài là những khó khăn to lớn do chủ nghĩa thế tục trong nhiều thập kỷ qua đã tạo ra và một số Giáo hội địa phương đang phải đối mặt: từ việc mất đi cảm giác thuộc về cộng đoàn Kitô giáo, đến sự thờ ơ đối với đức tin và nội dung đức tin. Ngài nói rằng chúng ta biết các tác động tiêu cực của nó và bây giờ là thời điểm thuận lợi để hiểu đâu là cách thức đưa ra câu trả lời hiệu quả mà chúng ta được kêu gọi trao cho các thế hệ trẻ để họ có thể phục hồi ý nghĩa của cuộc sống.
Đức Thánh không cho rằng “lời kêu gọi quyền tự chủ cá nhân”, một trong những tuyên bố của chủ nghĩa thế tục, là lời đòi độc lập khỏi Thiên Chúa, “bởi vì chính Thiên Chúa là Đấng bảo đảm quyền tự do hành động cá nhân”. Ngài đưa ra ví dụ như nền văn hóa kỹ thuật số mới, với nhiều khía cạnh thú vị cho sự tiến bộ của nhân loại, như về y học và bảo vệ công trình sáng tạo. Nó cũng đưa ra một cái nhìn về con người có vẻ có vấn đề nếu đề cập đến nhu cầu về sự thật hiện hữu trong mỗi người, kết hợp với nhu cầu tự do trong các mối quan hệ giữa các cá nhân và xã hội.
Do đó, theo Đức Thánh Cha, để vượt qua sự rạn nứt đã xảy ra trong việc truyền tải đức tin, “điều cấp thiết là phải khôi phục mối quan hệ hiệu quả với các gia đình và các trung tâm đào tạo”. “Đức tin vào Chúa phục sinh, vốn là trọng tâm của việc truyền giáo, để được truyền tải, thì nó đòi hỏi một kinh nghiệm quan trọng sống trong gia đình và trong cộng đoàn Kitô hữu như một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô Đấng làm thay đổi cuộc đời”.
Khuyến khích thừa tác vụ giáo lý viên
Về điểm này, Đức Thánh Cha đề cao vai trò của Thừa tác vụ Giáo lý viên và kêu gọi các Giám mục nuôi dưỡng và đồng hành với ơn gọi này, đặc biệt nơi người trẻ, để giảm bớt khoảng cách giữa các thế hệ và để việc truyền tải đức tin không chỉ là công việc của người cao tuổi.
Lòng thương xót
Đề tài thứ hai Đức Thánh Cha chia sẻ là linh đạo của lòng thương xót, nội dung nền tảng của công cuộc loan báo Tin Mừng. Ngài nói: “Lòng thương xót của Thiên Chúa không bao giờ mất đi và chúng ta được mời gọi làm chứng cho lòng thương xót đó và làm cho lòng thương xót đó có thể nói, lưu thông trong huyết mạch của thân thể Giáo hội”. Ngài nhắc đến các cách thế mới của lòng thương xót như chăm sóc mục vụ tại các Đền Thánh, đòi hỏi phải thấm nhuần lòng thương xót, để những ai đến những nơi đó có thể tìm thấy những ốc đảo bình an và thanh thản; các Thừa sai của Lòng Thương Xót, với sự phục vụ quảng đại của họ đối với Bí tích Hòa giải, đưa ra một chứng tá giúp tất cả các linh mục tái khám phá ân sủng và niềm vui được làm thừa tác viên của Thiên Chúa, Đấng luôn tha thứ và tha thứ không giới hạn”. Ngài khẳng định: “Khi việc loan báo Tin Mừng được thực hiện với việc xức dầu và lòng thương xót, nó sẽ nhận được sự lắng nghe nhiều hơn, và trái tim sẽ rộng mở với sự sẵn sàng hoán cải hơn”.
Tái khám phá việc cầu nguyện
Đề tài cuối cùng Đức Thánh Cha muốn chia sẻ chính là việc chuẩn bị cho Năm Thánh vào năm tới. Ngài nhắc lại rằng đây sẽ là Năm Thánh nổi bật với sức mạnh của hy vọng, điều mà Dân Chúa đang rất cần. Và ngài mời gọi tái khám phá việc cầu nguyện như kinh nghiệm về sự hiện diện của Chúa, cảm thấy được Người thấu hiểu, được đón nhận và được yêu thương. (CSR_1144_2024)