WHĐ (25.02.2024) –Theo dự kiến, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dành cho 14 phó tế chuẩn bị thụ phong linh mục của giáo phận Rôma buổi tiếp kiến riêng vào sáng thứ Bảy, ngày 24.02.2024, nhưng vì Đức Thánh Cha bị sốt nhẹ nên buổi tiếp kiến này đã bị huỷ bỏ. Thay vào đó, các phó tế đã nhận được bản văn bài diễn từ của Đức Thánh Cha để suy tư trong dịp này.
Sau đây là nội dung bài diễn từ của Đức Thánh Cha:
DIỄN TỪ ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO CÁC PHÓ TẾ CHUẨN BỊ THỤ PHONG LINH MỤC CỦA GIÁO PHẬN RÔMA
Thứ Bảy, ngày 24 tháng 02 năm 2024
Anh em thân mến,
Cảm ơn anh em đã hiện diện nơi đây. Tôi xin chào Đức Giám mục Di Tolve, và cha chào mừng từng người trong các con. Cha rất vui khi được gặp các con trong thời điểm trước khi các con thụ phong linh mục.
Nghĩ đến ngày đó, cha hình dung là các con đã “nghiên cứu” về nghi thức truyền chức rồi! Đúng vậy, câu hỏi đầu tiên mà các con sẽ được thẩm vấn về những cam kết mà các con sẽ tuyên bố sẽ đảm nhận, đó là: “Các con có muốn không ngừng chu toàn nhiệm vụ tư tế ở bậc linh mục như là cộng sự viên tốt của hàng Giám mục trong việc chăn dắt đoàn chiên Chúa theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần không?” Qua những lời này, cha dường như thấy được 3 yếu tố thiết yếu trong tác vụ: trước hết, là những cộng sự viên trung thành, tiếp đến là phục vụ Dân Chúa, và cuối cùng là theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Cha sẽ tập trung ngắn gọn vào 3 điểm này.
Những cộng sự viên trung thành. Người ta có thể có ý tưởng rằng, một khi đã trở thành linh mục, thì về cơ bản là đã đến lúc phải tự mình giải quyết vấn đề, đích thân thực hiện những gì mình mong muốn từ nhiều năm, và cuối cùng là đặt ra những tình huống theo phong cách và ý tưởng của riêng mình, vốn là những điều được yêu thích nhất theo lịch sử và hành trình cá nhân mình. Tuy nhiên, Mẹ Giáo hội trước hết không yêu cầu các con trở thành những người lãnh đạo mà là những cộng sự viên, mà theo nghĩa của từ, có nghĩa là những người “làm việc với”. Chữ “với” này rất cần thiết, bởi vì như Công đồng nhắc nhở, Giáo hội trước hết và trên hết là một mầu nhiệm hiệp thông. Và linh mục là chứng nhân cho sự hiệp thông này, vốn bao hàm tình huynh đệ, lòng trung thành, và sự ngoan nguỳ. Tóm lại, là những ca viên chứ không phải những nghệ sĩ độc tấu; là anh em trong hàng linh mục và là những linh mục cho tất cả mọi người chứ không phải cho nhóm riêng của mình; là những thừa tác viên không ngừng được đào tạo nên đừng bao giờ nghĩ đến việc tự lập và tự túc. Ngày nay, điều hết sức quan trọng là các con phải tiếp tục việc đào tạo của mình, không phải đơn độc, mà luôn liên lạc với những người được mời gọi đồng hành với các con, vốn là những người đã đi xa hơn các con trong tác vụ; và hãy làm điều đó với tâm hồn rộng mở, để không chiều theo cám dỗ tự mình quản lý cuộc sống, từ đó dễ dàng trở thành con mồi cho những cám dỗ rất đa dạng.
Khía cạnh thứ hai: phục vụ dân Chúa. Cha thích gặp các con lúc này, khi các con còn là phó tế, bởi vì người ta chẳng thể trở thành mục tử nếu trước hết chưa phải là phó tế. Chức phó tế không biến mất với chức linh mục: trái lại, chức phó tế là nền tảng mà chức linh mục dựa vào. Các con sẽ là những linh mục để phục vụ, giống như Chúa Giêsu, Đấng “đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống” (x. Mc 10,45). Do đó, cha có thể nói rằng có một nền tảng nội tại của chức linh mục cần được bảo tồn, mà chúng ta có thể gọi là “lương tâm phó tế”: giống như lương tâm là nền tảng của các quyết định, thì tinh thần phục vụ cũng là nền tảng của việc trở thành linh mục. Vì vậy, sẽ thật tốt đẹp khi mỗi buổi sáng các con cầu nguyện xin cho biết cách phục vụ: “Lạy Chúa, hôm nay xin giúp con biết phục vụ”; và mỗi buổi tối, khi tạ ơn và xét mình, hãy thân thưa: “Lạy Chúa, xin tha thứ cho con khi con nghĩ đến mình hơn là phục vụ người khác”. Các con thân mến, nhưng phục vụ là một động từ từ khước mọi sự trừu tượng: phục vụ có nghĩa là sẵn sàng, là từ bỏ việc sống theo kế hoạch riêng của mình, là sẵn sàng đón nhận những điều bất ngờ của Thiên Chúa được thể hiện qua con người, qua những biến cố không lường trước được, qua những sự thay đổi kế hoạch, và qua những tình huống không phù hợp với kế hoạch của chúng ta cũng như “tính thích đáng” của những gì mình đã nghiên cứu. Đời sống mục vụ không phải là một cuốn sổ tay, mà là một lễ vật hằng ngày; không phải là một công việc bàn giấy, mà là một “cuộc phiêu lưu Thánh Thể”. Đời sống mục vụ là lặp lại trong đời sống của mình, ở ngôi thứ nhất: “Này là mình Thày, sẽ bị nộp vì các con”. Đời sống mục vụ là một thái độ liên lỉ, được hình thành từ sự chấp nhận, lòng trắc ẩn, sự dịu dàng, một phong cách nói bằng hành động hơn là bằng lời nói, và bằng việc diễn tả ngôn ngữ gần gũi. Đời sống mục vụ không phải là việc quan tâm đến người khác vì những động cơ thầm kín, dù là những động cơ tốt lành nhất, nhưng là nhận ra nơi họ những hồng ân độc đáo và tuyệt vời mà Chúa đã ban tặng để phục vụ họ, với niềm vui và sự khiêm tốn. Đó là niềm vui của việc được đồng hành với họ, nắm tay dẫn dắt họ, với sự kiên nhẫn và phân định. Và chính trong ánh sáng này, với ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta vượt thắng nguy cơ nuôi dưỡng nơi mình sự cay đắng và bất mãn vì những điều không diễn ra như chúng ta mong muốn, khi mọi người không đáp ứng được những mong đợi của chúng ta, cũng như không chiều theo với những kỳ vọng của chúng ta.
Và bây giờ chúng ta đến khía cạnh cuối cùng: theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Điều quan trọng là luôn dành quyền ưu tiên cho Thánh Thần, Đấng sẽ ngự xuống trên các con. Nếu điều này thành hiện thực thì cuộc sống của các con, giống như cuộc sống của các Tông đồ, sẽ hướng về Chúa và vì Chúa, đồng thời các con sẽ thực sự là “những người của Thiên Chúa”. Bằng không, khi cậy dựa vào sức mình, các con sẽ có nguy cơ thấy mình trắng tay. Sống dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần: điều này có nghĩa là chuyển từ việc xức dầu của việc truyền chức sang “việc xức dầu hàng ngày”. Và Chúa Giêsu tuôn đổ trên chúng ta sự xức dầu của Thánh Thần khi chúng ta ở trước sự hiện diện của Người, khi chúng ta tôn thờ Người, và khi chúng ta gắn kết với Lời Người. Ở với Người, ở lại với Người (x. Ga 15), và rồi sự xức dầu cũng cho phép chúng ta cầu bầu trước mặt Người cho Dân Chúa, cho nhân loại, và cho những người chúng ta gặp gỡ hàng ngày. Được như thế, với một tâm hồn tìm được niềm vui từ Chúa và làm cho các mối tương quan sinh hoa kết trái trong lời cầu nguyện sẽ không đánh mất vẻ đẹp vượt thời gian của đời sống linh mục.
Các con thân mến, đây là điều cha cầu chúc cho các con, cảm ơn các con vì lời “xin vâng” với Thiên Chúa và xin các con cũng nhớ cầu nguyện cho cha mỗi ngày.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (24. 02. 2024)