Ai thi hành ý muốn của Cha Thầy,
mới được vào Nước Trời.
Bài đọc 1: Is 26, 1-6
Một dân tộc trọn niềm trung nghĩa bước vào.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
1Ngày ấy, trong xứ Giu-đa, người ta sẽ hát bài ca này:
Chúng ta có thành trì vững chắc:
Chúa đã đặt tường trong luỹ ngoài để chở che.
2Mở cửa ra cho dân tộc công chính bước vào,
một dân tộc trọn niềm trung nghĩa.
3Lạy Chúa, Ngài quyết giữ cho dân
được an cư lạc nghiệp, vì họ tin vào Ngài.
4Đến muôn đời, hãy tin vào Đức Chúa:
chính Đức Chúa là Núi Đá bền vững ngàn năm,
5vì Người đã lật nhào dân sống ở núi cao,
thành trì kiên cố, Người đã triệt hạ,
triệt hạ cho bình địa chỉ còn là bụi đất.
6Nó sẽ bị chà đạp dưới chân,
dưới chân người cùng khổ, dưới gót kẻ yếu hèn.
Đáp ca: Tv 117, 1 và 8-9.19-21.25-27a (Đ. c.26a)
Đ.Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành
cho người tiến vào đây nhân danh Chúa.
1Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.8Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời,
thì hơn tin cậy ở người trần gian.9Cậy vào thần thế vua quan,
chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời.
Đ.Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành
cho người tiến vào đây nhân danh Chúa.
19Xin mở cửa công chính cho tôi
để tôi vào tạ ơn Đức Chúa.20Đây là cửa dẫn vào nơi Chúa ngự,
chỉ những người công chính mới được qua.21Lạy Chúa, con xin tạ ơn Ngài
vì đã đáp lời con và thương cứu độ.
Đ.Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành
cho người tiến vào đây nhân danh Chúa.
25Lạy Chúa, xin ban ơn cứu độ,
lạy Chúa, xin thương giúp thành công.26Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành
cho người tiến vào đây nhân danh Chúa.
Từ nhà Chúa, chúng tôi chúc lành cho anh em.27aĐức Chúa là Thượng Đế, Người giãi sáng trên ta.
Đ.Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành
cho người tiến vào đây nhân danh Chúa.
Tin mừng: Mt 7, 21.24-27
21 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa ! lạy Chúa !’ là sẽ được vào Nước Trời cả đâu !
Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.
24 “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá.
25 Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá.
26 Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát.
27 Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Muốn được vào Nước Trời, tuyên xưng ngoài môi miệng không đủ, nghe và tin Lời Chúa không đủ, còn phải đem Lời Chúa ra thực hành.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con là người tin Chúa, con mang danh hiệu là Kitô hữu, là môn đệ Chúa. Đã bao nhiêu lần con được nghe Lời Chúa. Đã bao nhiêu lần con đọc kinh Tin kính. Đã bao nhiêu lần con kêu cầu Danh Chúa. Điều đó thật là dễ, Chúa ơi. Tuyên bố mình là kẻ có đạo, tuyên xưng Danh Chúa, đọc hoài câu kinh, nghe hoài câu Phúc âm, đôi lúc cũng thật là khó, như hoàn cảnh các thánh tử đạo. Còn ngoài ra điều đó quá dễ, vì con nghĩ rằng nó không đòi hỏi nhiều cố gắng, và chẳng ảnh hưởng gì tới cuộc sống con. Những mẫu kinh có sẵn, con cứ đọc chẳng cần suy nghĩ, chẳng cần thay đổi cuộc sống. Lạy Chúa, quá dễ. Và điều đó ru ngủ lương tâm con và làm con ảo tưởng tự mãn.
Còn việc thực hành Lời Chúa, thì quả thực là khó. Lạy Chúa, bởi vì nó đòi hỏi con phải thay đổi cuộc sống, buộc con phải bỏ mình, hy sinh, phải từ bỏ ý riêng, tập quán xấu, những đam mê lầm lạc. Điều đó thật là khó.
Chính vì con thích dễ dãi và ngại khó khăn nên con đã trở thành kẻ khờ dại xây nhà trên cát. Lạy Chúa, con không muốn xây dựng đời mình trên sự ảo tưởng, trên sự tự mãn, để rồi cuối cùng phải chứng kiến đời mình sụp đổ tiêu tan.
Nhưng con muốn đời mình vững vàng trung kiên nhờ đem Lời Chúa thực hành. Con muốn sống Lời Chúa. Xin Chúa ban cho con lòng can đảm để sống Lời Chúa, dù phải hy sinh, dù phải từ bỏ, dù phải sống khác người, dù phải lội ngược dòng. Như vậy, dẫu muôn ngàn cám dỗ khổ đau, thánh giá, hoạn nạn tấn công đời con, như phong ba bão táp trút lên căn nhà, con vẫn đứng vững trên Đá Tảng. Lạy Chúa, xin cho con sự trung tín và khôn ngoan. Amen.
Ghi nhớ: “Ai thực hiện ý Chúa Cha, sẽ được vào nước trời”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống…
Câu chủ yếu của đoạn Phúc Âm này là câu 21: “Không phải bất cứ ai thưa ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi”.
Các câu 24-27 là những hình ảnh minh hoạ cho câu trên: người nghe Lời Chúa rồi thi hành giống như người “khôn” xây nhà trên đá; kẻ nghe Lời Chúa nhưng không thi hành giống như người “ngu” xây nhà trước cát.
B. … nẩy mầm.
1. Chủ đề của bài đọc Cựu Ước, và được nhắc lại trong bài Phúc Âm là: “Dân công chính biết giữ sự trung tín, hãy tiến vào”
2. Tri phải đi đôi với hành. Nhưng đôi lúc chúng ta chẳng thực hiện theo ý đó – Ta biết là thuốc tốt nhưng không chịu uống thì cũng chẳng ích lợi gì.”Hỏa ngục được lát toàn bằng những thiện chí”: mai tôi sẽ nên thánh, mốt tôi sẽ giữ đạo. Nhưng chẳng bao giờ tôi thực hành sống đạo.
3. Chúng ta thường xây nhà trên cát, vì chúng ta xây dựng cuộc sống đạo của mình trên những luật lệ, những nghi lễ, trên những câu kinh “Lạy Chúa, lạy Chúa”. Chúng ta ít quan tâm xây dựng cuộc sống trên việc tìm và thi hành ý Chúa, cũng như trên việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa.
4. Muốn biết ngôi nhà đức tin của ta được xây trên cát hay trên đá, hãy coi những lúc “mưa sa, nước cuốn, bão táp” dập vùi xem đức tin ta có còn đứng vững hay không.
5.”Một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh Bhagavad Gita. Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sư đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng đến kiến thức uyên bác của mình để giải thích cho vua nghe. Và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi
“Bệ hạ có hiểu những gì thần vừa dẫn giải không?”.
Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả lời
– “Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã”…
Ngày nọ, giữa lúc đọc kinh, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả mọi sự đều là hão huyền. Thế là nhà sư quyết từ bỏ mọi sự và lên đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với nhà vua
“Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng hạ thần đã hiểu được”…
– Giác ngộ đích thực, hiểu biết chân lý chính là thực thi chân lý”. (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
6. “Chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời thì mới được vào Nước Trời mà thôi” (Mt 7, 21)
Có lần tôi xem được một chương trình trên tivi về những người cùng khổ trong xã hội. Họ không có lấy một chỗ dựa, không có lấy một ai nâng đỡ để hòa nhập vào cuộc sống của mọi người. Họ đang cần sự giúp đỡ của bạn, và của chính tôi. Đã bao nhiêu lần, tôi khước từ lời kêu cứu của họ. Tôi dửng dưng trước lời họ mời gọi. Và như thế, tôi cũng khước từ ý muốn của Cha. Ý muốn của Cha là “anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu anh em”, nghĩa là sẵn sàng hiến mạng sống vì anh em. Vậy, tôi phải cứu lấy những anh em tôi, phải thi hành ý muốn của Cha.
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Thứ Năm tuần 1 Mùa Vọng (Mt 7,21.24-27)
- Đức Giêsu đưa ra nguyên tắc để đo lường sự hoàn thiện của người môn đệ để xứng đáng vào Nước Trời, đó là “Thi hành ý muốn của Thiên Chúa”. Điều này chứng tỏ Đức Giêsu đòi hỏi phải sống, phải làm, phải thực hiện trong đời sống, chứ không chỉ biết, chỉ hiểu và nói suông ngoài môi miệng : lời nói phải đi đôi với việc làm.
- Muốn thực thi Lời Chúa, trước hết phải yêu mến Lời Chúa, lắng nghe, học hỏi và suy niệm: nghe Lời Chúa với tấm lòng ngưỡng mộ và đơn sơ như đám dân lành đơn sơ, chất phác theo Chúa khắp nẻo đường Palestina. Học hỏi Lời Chúa như Maria ở Bêtania, ngồi bên chân Chúa, lắng nghe để múc lấy nguồn an vui và ơn soi sáng. Suy niệm Lời Chúa như Đức Mẹ đã kính cẩn ghi nhớ và suy nghĩ trong lòng để biết thánh ý của Thiên Chúa.
- Thứ đến phải hiểu Lời Chúa, càng ăn sâu vào lòng, Lời Chúa càng phát triển và càng thêm sức mạnh cho tâm hồn. Rồi phải tin Lời Chúa, vì Lời Chúa là kho tàng sự thật, trong đó có nhiều mầu nhiệm vượt trên và ngoài lý trí cũng như sự hiểu biết của con người. Cho nên, cần phải có lòng tin mới chấp nhận được những mầu nhiệm ấy.
- Sau hết, không những phải lắng nghe, phải hiểu, phải tin mà còn phải thực hành Lời Chúa. Bởi vì Lời Chúa, dù có tốt đẹp và quý giá đến đâu mà không thực hành thì cũng vô dụng. Đức Giêsu cho chúng ta thấy điều đó qua hình ảnh của hai người xây nhà mà Chúa gọi là người khôn và người dại.
- Nhằm diễn tả giá trị của việc thực thi Lời Chúa để được vào Nước trời, và để được gọi là hoàn thiện, Đức Giêsu đã ví với việc xây nhà. Xây dựng nhà cửa là một công việc hết sức quan trọng và được tượng trưng cho việc xây dựng cuộc đời. Điều này đã được thánh Gioan diễn tả: “Và thế gian đang qua đi cùng với đam mê của nó, còn kẻ làm theo ý Thiên Chúa thì lưu tồn vạn đại” (1Ga 2,17).
Như vậy, Đức Giêsu có ý nói với thính giả vừa nghe bài giảng trên núi của Chúa để xác định rằng: người môn đệ nghe Lời Chúa giảng mà đem ra thực hành, thì xứng đáng là người khôn ngoan, biết lo cho đời sống hạnh phúc và phải coi những người như vậy là người khôn khéo, biết đặt nền móng vững chắc mà xây dựng nhà, dù mưa to gió lớn không làm đổ được toà nhà thiêng liêng ấy, vì xây trên sự thực hành giáo huấn của Chúa. Nếu chỉ nghe mà không tuân giữ thì người đó là kẻ dại dột, như kẻ xây dựng nhà cửa trên bãi cát, khi có mưa to gió lớn, tức là khi gặp thử thách, thì toà nhà thiêng liêng của họ bị sụp đổ (Mỗi ngày một tin vui).
- Trong cuộc sống phải làm sao cho tri và hành phải đi đôi với nhau như người ta thường nói: tri hành đồng nhất. Ta biết là thuốc tốt cho sức khoẻ, nhưng không chịu uống thì cũng chẳng ích lợi gì, dự án có tuyệt vời mà không thực hiện trong thực tế thì cũng kể bằng không. Lúc nào cũng hứa mai tôi sẽ nên thánh, mốt tôi sẽ giữ đạo… Nhưng chẳng bao giờ thực hành thì cũng vô ích.
- Bài Tin mừng hôm nay dạy cho ta biết thế nào là tồn tại vững chắc thật. Nếu người ta chỉ nói, chỉ hô hào, chỉ đọc kinh, chỉ la ó phản đối bất công, chỉ tố cáo giả hình thì người ta đã xây nhà trên cát. Chỉ nói suông không đủ làm nền móng vững chắc cho đời sống. Phải hành động, phải sống thực với lời cầu nguyện, phải sống công bằng và thực thi bác ái. Phải thực hiện như thế mới thực sự xây nhà trên đá.
- Truyện: Giác ngộ đích thực
R. Khrisna, nhà thần bí Ấn độ có kể câu chuyện như sau: một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh Bagavad Gita. Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sư đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng đến kiến thức uyên bác của mình để giải thích cho vua nghe. Và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi:
– Bệ hạ có hiểu những gì thần vừa dẫn giải không?
Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả lời:
– Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã.
Ngày nọ, giữa lúc đọc kinh, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả mọi sự đều là hão huyền. Thế là nhà sư quyết từ bỏ mọi sự và lên đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với nhà vua:
– Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng, hạ thần đã hiểu được… – Giác.
4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Đầu tháng 5/2009, cơn bão Nargis đổ bộ vào châu thổ Irrawaddy của Miến Điện (Myanma) với những cơn lốc xoáy làm nước dâng lên sau bão với mức 3,5 m. Nước tràn vào khu vực đồng bằng làm cho hàng triệu ngôi nhà sụp đổ và gây ra cái chết cho 78.000 người.
Theo Đài BBC, ngày 19 tháng 5/2009, ý kiến của các chuyên gia cho rằng: Châu thổ Irrawaddy của Miến Điện có nhiều nét tương đồng với đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá dễ bị thiệt hại nặng nề trong trường hợp các cơn bão mạnh cấp 14 đổ bộ vào, châu thổ rộng lớn này đa số là nhà cửa sơ sài, tạm bợ với những mái tranh, vách đất, không có nhiều các công trình kiên cố như đổ móng, cột bê tông…
Chúng ta muốn xây nhà thì phải có nền móng, cột bê tông để nhà thêm vững chắc, trước phong ba bão tố, lụt lội có thể trụ vững… Cho nên ông bà ta có dạy: “Nhà có nền ắt phải vững” (Tục ngữ).
Lời khuyên của cha ông về nhà xây trên nền vững đưa chúng ta về với bối cảnh Tin Mừng Mt 7,21-27: “Nhà xây trên nền đá và nhà xây trên cát”. Nhà ở đây là tượng trưng cho cuộc đời, tượng trưng cho ý nghĩa nơi nương thân cả cuộc sống trong Chúa. Nếu như ngôi nhà vật chất cần được xây dựng trên nền móng bê tông bền vững như đá tảng để có thể đứng vững trước phong ba bão tố lũ lụt…, thì cuộc sống nhân sinh cũng phải được xây dựng trên nền móng đá vững chắc, nền móng đó là niềm tin, tin vào chính Thiên Chúa. Niềm tin vào Ngài là lắng nghe lời Ngài và đem ra thực hành như Chúa Giêsu đã dạy: “Ai nghe những lời Ta nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá” (Mt 7,24-25). Nghe lời Thầy đem ra thực hành là tạo nền móng vững chắc cho cuộc sống, vì thế Chúa Giêsu đã nói: “Phúc cho ai nghe lời Chúa và đem ra thực hành” (Lc 11,28).
Tin Mừng nhắc nhớ chúng ta hãy tìm lại Đức Kitô là nơi nương náu, là nền móng để chúng ta xây cuộc đời như Thánh Vịnh đã cất tiếng ca nguyện: “Xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn” (Tv 30,3b). Xây nhà của kiếp nhân sinh trên đá là khi nghe và sống Lời Chúa, chúng ta hãnh diện xác tín vào Đức Kitô – Đá tảng. Với niềm tin mà chúng ta sống khởi sắc vui tươi. Dựa trên chính Đức Kitô không thể hoài nghi là tiến bước hy vọng trong cuộc đời, không hề thất vọng trước những chờ đợi nơi Thiên Chúa
Xây cuộc sống của kiếp nhân sinh trên đá tảng đó là đứng vững trong đức tin. Tất cả những hoài nghi, ngập ngừng của niềm tin đặt vững vàng trên Đá tảng – Đức Kitô – “Người là đá tảng vững vàng, ở bên Thiên Chúa tôi hằng ẩn thân” (Tv 62,8).
Chính vì thế, chúng ta đặt nền móng đời của kiếp nhân sinh nơi Đức Kitô như Thánh Phaolô đã dạy: “Vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Ðức Giêsu Kitô” (1Cr 3,11).
Ý lực sống
“Duy Người là Đá tảng, là ơn cứu độ của tôi,
là thành luỹ chở che: tôi chẳng hề nao núng” (Tv 62,3.7).