Người liền nói:
“Thầy bảo thật anh em:
bà góa nghèo này
đã bỏ vào nhiều hơn ai hết”.
(Lc 21,3)
BÀI ĐỌC I (năm I): Ðn 1, 1-6. 8-20
“Không ai bằng Ðaniel, Anania, Misael và Azaria”.
Khởi đầu sách Tiên tri Ðaniel.
Năm thứ ba triều đại vua Gioakim nước Giuđa, Nabukô-đônôsor, vua Babylon, tiến đến vây hãm Giêrusalem. Chúa trao vua Gioakim nước Giuđa và một phần đồ vật dùng trong đền thờ Chúa vào tay ông: Ông mang các đồ vật ấy về chùa thần minh của ông trong đất Sennaar và trong kho báu thần minh của ông.
Vua truyền cho quan thái giám Asphênez dẫn về hoàng cung các con cái Israel, các người thuộc hoàng tộc và gia đình quyền quý, các thiếu niên không tàn tật, tuấn tú, đầy khôn ngoan, thông minh, sáng trí, xứng đáng sống trong hoàng cung, để dạy văn chương và ngôn ngữ người Calđêa cho các cậu. Vua quy định mỗi ngày cho các cậu ăn đồ của vua ăn, và uống rượu vua uống, để sau ba năm nuôi dưỡng như vậy, các cậu có thể hầu cận trước mặt vua. Trong số các cậu thuộc dòng dõi Giuđa, có Ðaniel, Anania, Misael, và Azaria.
Ðaniel dốc lòng không để cho đồ vua ăn và rượu vua uống làm cậu ra ô uế, và xin quan thái giám đừng làm cho cậu ra ô uế. Thiên Chúa đã ban cho Ðaniel được ân huệ và lòng thương trước mặt vị tổng thái giám. Vị này bảo Ðaniel rằng: “Tôi sợ đức vua, Người đã quy định thức ăn và của uống cho các cậu rồi. Nếu Người xem thấy nét mặt các cậu xanh xao hơn đồng bạn, thế là các cậu nạp đầu tôi cho đức vua rồi”. Ðaniel nói với Malasar, kẻ được vị tổng thái giám chỉ định coi sóc Ðaniel, Anania, Misael và Azaria: “Tôi xin ông thử cho chúng tôi, là các tôi tớ ông, ăn rau và uống nước lã, rồi ông ngắm xem nét mặt chúng tôi và nét mặt những đứa dùng lương thực của đức vua; ông thấy sao, thì hãy đối xử với các tôi tớ ông như vậy”. Nghe nói thế, ông để thử chúng trong mười ngày. Sau mười ngày, nét mặt bốn cậu trở nên xinh tươi béo tốt hơn mọi thiếu niên dùng lương thực của nhà vua. Malasar cất đồ ăn và rượu uống của các cậu, rồi cho các cậu ăn rau.
Thiên Chúa ban cho các cậu này được thông minh, hiểu biết mọi sách vở và khôn ngoan; phần Ðaniel lại thông hiểu các thị kiến và chiêm bao. Ðến hết thời gian vua chỉ định, vị tổng thái giám dẫn các cậu đến trước mặt vua Nabukôđônôsor. Khi nói chuyện với các cậu, vua thấy mọi người không ai bằng Ðaniel, Anania, Misael và Azaria. Các cậu đứng trước mặt vua. Vua hỏi các cậu về sự khôn ngoan và thông minh, thì thấy các cậu giỏi hơn gấp mười lần các thuật sĩ, đồng bóng trong cả nước của vua.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Ðn 3, 52. 53. 54. 55. 56
Ðáp: Chúa đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời
Xướng: Lạy Chúa là Thiên Chúa cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời. Chúc tụng thánh danh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời.
Xướng: Chúa đáng chúc tụng trong đền thánh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.
Xướng: Chúc tụng Chúa ngự trên ngai vương quyền Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.
Xướng: Chúc tụng Chúa, Ðấng nhìn thấu vực thẳm và ngự trên các Thần Vệ Binh, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.
Xướng: Chúc tụng Chúa ngự trên bầu trời, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.
1 Ngước mắt lên nhìn, Đức Giê-su thấy những người giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền. 2 Người cũng thấy một bà góa túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm.
3 Người liền nói: “Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. 4 Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Đối với Chúa, điều quan trọng không phải là số lượng, nhưng là thái độ khi ta làm việc lành. Những việc làm của ta, dù nhỏ bé, nếu được thực hiện với lòng yêu mến và tín thác nơi Chúa, Ngài sẽ vui nhận.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con vẫn hiểu rằng: khi cho đi là lúc lãnh nhận, khi quên mình là lúc gặp lại mình. Nhưng những lúc con cho đi, dù với danh nghĩa vì Chúa hay vì đồng loại, con vẫn thường cảm thấy nơi con có gì như đang mất mát, vì thế con tiếc nuối, sợ bị thiệt thòi.
Có lẽ vì thế, khi nhìn lại những tháng ngày đã qua, con thấy hầu như con đã chỉ cho người khác cái mà con dư thừa. Con cho đi bằng tay phải nhưng đã tìm cách lấy lại bằng tay trái. Con muốn quên mình, nhưng lại so đo tính toán hơn thiệt. Xét cho cùng, tình yêu của con còn quá nhỏ, lòng bác ái còn quá vụ lợi, sự dâng hiến còn quá miễn cưỡng, sự phục vụ còn quá nhỏ bé. Con chưa thật quảng đại và phó thác để dám quên mình cách triệt để, ngõ hầu tôn vinh danh Chúa và thăng tiến anh em. Do đó, đời sống đạo của con chưa thật sự đổi mới, xứ đạo và môi trường sống của con chưa phát triển tốt đẹp.
Lạy Chúa, chính Chúa nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hiến mạng sống vì người mình yêu”. Xin ban cho con tình yêu nồng nàn và lòng tín thác cao độ như bà góa dâng hết mọi đồng xu cho Chúa, để con dám vắt kiệt thời giờ, tiền của, sức lực và cả mạng sống của con vì Chúa, vì Giáo Hội, và vì anh chị em sống quanh con. Amen.
Ghi nhớ: “Người thấy một bà góa nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống…)
Gương dâng cúng của một bà goá:
– “Bà góa”: Xã hội do thái không có những quy định bảo vệ quyền lợi các góa phụ cho nên họ rất bị thiệt thòi: tài sản của chồng thì họ không được hưởng (con cái họ hưởng), gia đình cha mẹ ruột của họ cũng không còn lo lắng cho họ bao nhiêu. Vì thế, trong Thánh Kinh, bà góa, trẻ mồ côi và ngoại kiều là những hạng người xấu số nhất và nghèo nhất (x. Đnl 24,17-22).
– Bà goá nghèo này đã dâng vào hòm tiền Đền thờ “Hai đồng tiền kẽm”: nguyên ngữ là đồng tiền Kodrantes tức là loại tiền nhỏ nhất trong các loại tiền thời đó.
– Tuy số tiền là ít nhưng được Chúa Giêsu đánh giá cao hơn số tiền của những người khác, “vì mọi người kia lấy của dư thừa mà dâng cho Thiên Chúa, còn bà này túng thiếu mà đã dâng tất cả những gì bá có để nuôi sống mình”
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
1. Cho đi không phải của dư thừa mà là chính cái mình đang cần thiết. Sự cho đi như thế rất quý vì cũng là sự cho đi chính bản thân mình.
Thông thường khi có dư người ta mới cho: cho người nghèo và cho Giáo Hội.
2. Một Linh mục nọ có thói quen tốt là ghi kỹ trong nhật ký hằng ngày về những số quà nhận và số quà cho. Thỉnh thoảng kiểm lại, nếu thấy phần nhận nhiều hơn phần cho thì Linh mục ấy điều chỉnh lại để phần cho nhiều hơn.
Con người thường thích nhận hơn cho; có cho thì cũng để nhận lại.
3. Trong Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu luôn luôn khuyên người ta rằng: cách sử dụng tiền của tốt nhất là cho đi, để đổi lại gia tài trên trời.
4. Cử chỉ của bà goá là một định nghĩa của lòng quảng đại: quảng đại chính là cho mà không tính toán. Xét cho cùng, quảng đại chính là trao ban chính bản thân mình. (“Mỗi ngày một tin vui”)
5. Vào một mùa đông, tại một đất nước Châu Âu, một em bé 13 tuổi nghe nhà trường thông báo đợt lạc quyên tiền bạc và phẩm vật làm quà Giáng sinh cho các trẻ em nghèo trong vùng. Em đã dành dụm mọi chi tiêu vốn ít ỏi của em trong suốt 3 tháng. Khi đã được 15 đồng, em quyết định đón xe đò từ làng lên phố. Bất ngờ, một trận bão tuyết ập đến dữ dội làm tắt nghẽn mọi hoạt động giao thông. Không chịu bỏ cuộc, em xuống xe, co ro lội bộ băng qua cánh đồng đầy ngập tuyết trắng xóa và gió lốc lạnh buốt.
Ông hiệu trưởng nghe báo có người muốn đang đợi ở phòng khách. Ông thực sự kinh ngạc sửng sốt khi nhận món tiến chia sẻ từ tay em bé, bởi vì trước mặt ông chính là một trong số những em bé nghèo mà ông và nhà trường đã đưa vào danh sách tặng quà giáng sinh năm đó. (Góp nhặt)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Hai đồng tiền nhỏ của bà góa (Lc 21,1-4)
- Đức Giêsu cùng với các môn đệ sau khi giảng dạy cho dân chúng trong Đền thờ, liền sau đó Thầy trò đi ra ngoài quan sát dân chúng dâng cúng để giúp cho Đền thờ; chính tại đây, Đức Giêsu đã giáo huấn các môn đệ về ý nghĩa và giá trị của việc dâng cúng. Khung cảnh của Tin mừng hôm nay nằm rất gần kho bạc vốn được dùng để chứa các đồ dâng cúng (x. 2V 12,10). Các thùng tiền dâng cúng được thiết kế theo hình dáng cái loa kèn và được đặt rất nhiều trong sân dành cho phụ nữ. Chính vì đặt trong địa thế như vậy, tạo điều kiện thuận lợi cho giới quan sát là chính các luật sĩ và tay chân lân cận. Đức Giêsu cùng các môn đệ dễ dàng quan sát những thùng tiền cũng như những người bỏ tiền dâng cúng vào đó.
- Trong dòng người tấp nập bỏ tiền dâng cúng Đền thờ, Đức Giêsu đặc biệt chú ý đến người đàn bà goá nghèo nàn. Bà đã âm thầm bỏ vào 2 đồng tiền kẽm với giá trị chỉ bằng ¼ đồng bạc Rôma. Bởi dân Do thái thời Đức Giêsu đang bị đế quốc Rôma thống trị. Chính vì thế, người dân phải sử dụng đồng tiền Rôma trên đó có mang hình và ký hiệu hoàng đế Rôma. Đây là loại tiền bạc, một đồng cân nặng 3,8g và tương đương với 0,875 quan vàng. Thấy được như thế, chúng ta mới thấy rằng đồng tiền mà bà góa trong Tin mừng dâng cúng vốn giá trị chẳng đáng là gì, nhưng đối với Đức Giêsu, Ngài đã khen: “Bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết”(Lc 21,3).
- Thiên Chúa ít để ý đến giá trị của dâng bề ngoài cho bằng tấm lòng nhiệt thành quảng đại của người dâng: “Thèm lòng chứ ai thèm thịt” hoặc “Cách cho quý hơn của cho”. Ý tưởng này giúp chúng ta ý thức hơn về những công việc phục vụ tha nhân, cũng như những công việc từ thiện bác ái hay dâng cúng của cải vật chất.
Tấm lòng của bà góa dành cho Chúa quả là lớn lao, vì nó đụng chạm đến sự sống của bà, bà đã dâng cho Chúa không phải của dư thừa, nhưng là tất cả cái mà bà có để sống. Tinh thần bác ái đích thực là biết chia sẻ cho tha nhân một phần sự sống, tức là những sự hy sinh của mình. Cũng vậy, chúng ta tỏ lòng mến Chúa bằng cách tự nguyện dâng hiến cho Chúa điều mà chúng ta có quyền được hưởng: sự nghèo khó, lòng thanh khiết và đức vâng lời.
- Ai cũng công nhận “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, nhưng người ta thường “xem mặt mà bắt hình dong”, dựa vào hình thức bên ngoài để đánh giá phẩm chất bên trong: Tuyển nhân viên mấy ai chọn tiêu chuẩn “xấu người đẹp nết” thay vì “ưu tiên có ngoại hình” ? Lắm khi người ta đánh giá sản phẩm chỉ dựa vào mẫu mã kiểu dáng bao bì bắt mắt. Người ta cũng dễ có xu hướng thẩm định giá trị của một người dựa vào của cải, địa vị, bằng cấp v.v… Đức Giêsu thì khác, Ngài thẩm định giá trị hành vi từ đáy lòng con người. Ngài cho biết: Dù chỉ bỏ hai đồng tiền vào thùng dâng cúng, bà góa nghèo đã bỏ nhiều hơn ai hết, vì đó là tất cả gia tài của bà! Bà đã dâng tất cả những gì bà có và dâng với cả tấm lòng (5 phút Lời Chúa).
- Một linh mục nọ có thói quen hằng ngày viết trong nhật ký số quà nhận được và số quà cho đi. Thỉnh thoảng ngồi kiểm lại, nếu thấy phần nhận nhiều hơn phần cho, vị linh mục ấy điều chỉnh lại điều phần cho nhiều hơn phần nhận.
Qua câu chuyện bà góa dâng hai đồng tiền kẽm vào Đến thờ, Đức Giêsu muốn dạy chúng bài học về việc cho đi cách quảng đại, cho đi mà không tính toán hơn thiệt, cho đi bằng cả tấm lòng. Khi chúng ta quảng đại cho đi cả những gì cần thiết để duy trì mạng sống mình, là lúc chúng ta đang cho đi chính bản thân. Xét cho cùng, lòng quảng đại chính là trao tặng chính bản thân mình, dâng hiến mạng sống mình cho tha nhân.
- Truyện: Bà Oseola Mc Carthy
Báo New York Times đưa tin bà Oseola Mc Carthy: Biểu tượng “Lòng từ thiện” của nước Mỹ, vừa qua đời ngày 3/10/1999 ở tuổi 91.
Vào một ngày của tháng 7/1995, ông hiệu trưởng trường đại học phía bắc Missisipi đã vô cùng ngạc nhiên, khi có một phụ nữ xa lạ tên là Oseola Mc Carthy xin được tặng 150.000 đôla làm quỹ học bổng cho các sinh viên nghèo của trường, mà không cần được ghi danh tưởng niệm hay tuyên bố công khai. Nhà trường còn sửng sốt hơn khi biết người phụ nữ ấy làm nghề giặt ủi, và số tiền kia là tiền dành dụm cả một đời người.
Ngay khi biết câu chuyện bà Mc Carthy tặng tất cả tiền bạc mình có làm quỹ học bổng cho trường, ông tỷ phú Ted Turner, trùm ngành kinh doanh cáp truyền hình Mỹ, đã tuyên bố góp thêm một tỷ đôla cho quỹ. Ông nói: “Người phụ nữ nhỏ bé ấy đã dám ban tặng tất cả những gì bà có, thì tôi thấy mình cũng phải đóng góp phần của tôi là một tỷ đôla”.
4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Một ngày nọ, Mẹ Têrêsa đi xuống phố, một người ăn mày chạy đến gặp mẹ và nói: “Thưa mẹ Têrêsa, mọi người đều cho mẹ tiền để giúp người bệnh tật”. Anh nói thêm với giọng hơi buồn: “Con cũng muốn cho mẹ tiền. Nhưng suốt cả ngày hôm nay, con chỉ có được ba mươi xu. Dù ít, nhưng con muốn cho mẹ số tiền ấy”. Mẹ Têrêsa suy nghĩ một lúc: “Nếu mình lấy ba mươi xu thì tối nay anh ta sẽ phải nhịn ăn; còn nếu không lấy, sẽ làm tình cảm anh ta tổn thương”. Vì thế, Mẹ đưa tay ra để lấy số tiền ấy và cám ơn anh.
Mẹ chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ thấy được niềm vui như thế trên khuôn mặt của bất cứ ai như trên khuôn mặt của người ăn mày đó khi anh ta nghĩ rằng mình cũng đã cho tiền mẹ Têrêsa làm bác ái… Số tiền thật bé nhỏ đó trở nên gấp ngàn lần bởi vì nó đã được cho với bao yêu thương của anh”. Mẹ nhấn mạnh: “Thiên Chúa nhìn thấy không phải là sự to tát của công việc, mà vào tình yêu thương qua đó công việc được hoàn thành”.
Suy niệm
Bà góa bỏ vào đền thờ phần nhỏ bé, nhưng Chúa Giêsu khen ngợi và nhấn mạnh rằng bà đã dâng lên cho Thiên Chúa tất cả tấm lòng và nêu tấm gương cho các môn đệ… Bà góa đã dâng cúng với tất cả tấm lòng thành, bằng sự mến yêu nồng nàn đối với Chúa. Bà dâng cúng hai đồng tiền kẽm, tuy nhỏ nhất nhưng đó là tất cả những gì thiết yếu cho cuộc sống của bà, như thế bà đã dâng cả mạng sống. Nhìn cung cách dâng cúng của bà, Đức Giêsu đã khen: “Bà góa nghèo khó này đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn mọi người”.
Thiên Chúa là Đấng “dò thấu lòng dạ” (Xh 2,23; x. Tv 7,10; 17,10), Ngài không quan tâm bởi những dáng vẻ bề ngoài, như lời ngôn sứ khẳng định: “Người ta nhìn bề ngoài, nhưng Thiên Chúa nhìn tận đáy lòng mỗi người (1Sm 16,7). Sau này, thánh Phaolô cũng khẳng định: “Thiên Chúa, đấng thấu suốt tâm can” (Rm 8,27). Cho nên, dù chỉ dâng hai xu kẽm, nhưng xuất phát từ tâm can yêu mến của bà góa. Qua tấm gương bà góa, Chúa Giêsu dạy chúng ta sống với Chúa cách sống đạo đơn sơ, chân thành và quảng đại với anh em trọn tấm lòng. Cho dù một tấm lòng rất nát về vật chất nhưng giàu về sự chân thành và yêu thương như hai xu kẽm của bà góa dâng tiền cho Chúa.
Xin cho chúng con một tấm lòng thành mang trọn tình yêu với Chúa với anh em, biết ý thức về sự mỏng giòn, nhỏ bé, thiếu thốn của mình mà cậy dựa vào ân sủng của Thiên Chúa, và học biết trân trọng thiện chí chân thành của anh em. Dâng cho Chúa với cả tấm lòng, khiêm tốn, ẩn kín vì như Chúa Giêsu khẳng định: “Cha các con, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho các con”(Mt 6,8).
Ý lực sống
“Khi ta trao tặng một món quà, mà nếu là một mất mát hy sinh lớn đối với ta, thì đó mới thật là món quà” (Mẹ Têrêsa Calcutta).