GIA ĐÌNH LOAN BÁO TIN MỪNG

Giuse Nguyễn Văn Quýnh

Lời mở

Gia đình loan báoTin Mừng là đáp lại lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Bí tích Hôn Phối nhắc lại bổn phận đã có từ bí tích Rửa tội và Thêm sức là phải bảo vệ và truyền bá đức tin (x. Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội, số 11). Chính bí tích Hôn phối đã làm cho gia đình Kitô hữu thành chứng nhân của Đức Kitô “cho đến tận cùng trái đất”, thành những vị “thừa sai” đích thực của tình yêu và sự sống (x. Tông Huấn Đời Sống Gia Đình, số 54).

Gia đình là “Hội Thánh tại Gia”, được tháp nhập vào mầu nhiệm Hội Thánh, nên cũng chia sẻ sứ vụ cứu độ của Hội Thánh là loan báo Tin Mừng. Vì thế, gia đình Kitô hữu ngày càng trở nên một cộng đoàn của những kẻ tin và loan báo Tin Mừng.

Bí tích Hôn Phối, tự bản chất, là loan báo trong Hội Thánh: Tin Mừng về tình yêu vợ chồng. Tình yêu này đã được Thiên Chúa biến thành dấu chỉ và nơi gặp gỡ của giao ước tình yêu giữa Thiên Chúa và con người, giữa Đức Kitô và Hiền thê của Người là Hội Thánh. Vì thế, cũng như Hội Thánh, gia đình phải là một nơi mà Tin Mừng được loan báo và từ đó Tin Mừng tỏa sáng.

Ý thức gia đình Kitô giáo là một cộng đoàn loan báo Tin Mừng, chúng ta có thể thi hành sứ vụ này trong những hoàn cảnh sau đây:

1/ Loan báo Tin Mừng cho nhau

Mọi thành viên trong gia đình sẽ loan báo Tin Mừng cho nhau. Cha mẹ không những thông truyền Tin Mừng cho con cái, nhưng họ cũng đón nhận từ con cái Tin Mừng họ đã sống cách sâu xa (x. Tông huấn Loan báo Tin Mừng, số 71). Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân, số 11 viết: “Những đôi vợ chồng Kitô giáo là những người cộng tác với ơn thánh, và là nhân chứng đức tin đối với nhau, cũng như đối với con cái và những phần tử khác trong gia đình. Chính họ là những người đầu tiên phải rao truyền và giáo dục đức tin cho con cái, bằng lời nói và gương sáng, họ huấn luyện con cái sống đời Kitô giáo và làm việc tông đồ”. Một gia đình sống như thế sẽ có sức “Tin Mừng hóa” nhiều gia đình khác và môi trường chung quanh (x. Tông Huấn Đời Sống Gia Đình, số 52).

2/ Loan báo Tin Mừng cho người không tin

Có thể ngay trong gia đình Kitô hữu cũng có người chưa có Đức tin hoặc có Đức tin nhưng lại không sống niềm tin của mình, thì những thành viên khác trong gia đình phải là những chứng nhân sống động của niềm tin, hầu thúc đẩy và nâng đỡ họ tiến tới chỗ gắn bó trọn vẹn với Đức Kitô (x. Tông Huấn Đời Sống Gia Đình, số 54). Bà thánh Monica, mẹ của thánh Augustinô là một tấm gương sáng chói cho chúng ta noi theo về lãnh vực này.

3/ Loan báo Tin Mừng “cho những kẻ ở xa”

Hội Thánh tại gia được mời gọi minh chứng cho sự hiện diện của Đức Kitô cũng như tình yêu của Người dành “cho những người ở xa”, cho gia đình chưa tin và cả cho những gia đình Kitô hữu không sống phù hợp với đức tin mà họ đã lãnh nhận. Hãy dùng “gương sáng và lời chứng” để soi sáng cho “những người đang tìm kiếm chân lý” (x. Hiến chế Tín Lý về Giáo hội, số 35; Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân, số 1). Mọi người trong gia đình hãy dùng lời nói và gương sáng để loan báo Tin Mừng. Hãy biểu lộ và làm chứng sự thánh thiện và sự bất khả phân ly của tình yêu hôn phối, bằng cách sống trung thành với nhau, yêu thương và tôn trọng nhau, ăn ở lương thiện, đạo đức và gương mẫu trong việc nuôi dạy và giáo dục con cái. Sống công bằng và yêu thương với mọi người. Đặc biệt, nêu gương tinh thần cầu nguyện được biểu lộ trong việc đọc kinh tối một cách sốt sắng, ấm cúng và hạnh phúc. Nhất là siêng năng tham dự các nghi thức Phụng vụ trong giáo xứ.

4/ Loan báo Tin Mừng ở các nơi truyền giáo

Có những đôi bạn và gia đình Kitô hữu, ít là trong một thời gian nào đó, đã đi tới miền truyền giáo để loan báo Tin Mừng bằng cách phục vụ con người cách vô vị lợi với tình yêu của Đức Kitô. Nhờ họ mà Hội Thánh sinh hoa kết trái và luôn được làm cho tươi mới (Tông Huấn Đời Sống Gia Đình, số 54).

5/ Loan báo Tin Mừng bằng cách vun trồng Ơn gọi nơi con cái.

Cha mẹ chính là những nhà giáo dục đầu tiên; sách giáo khoa đầu tiên chính là những quan hệ trong gia đình được bày tỏ qua: Tính thành thật, sự quên mình, tình liên đới, tinh thần hy sinh, kiên nhẫn, phục vụ… Chính những bài học đầu tiên về cầu nguyện, về mến Chúa yêu người đều được học và được dạy trong gia đình (x. Thư Chung HĐ GMVN 1998 trích TH Giáo hội tại Á châu, số 7). Vì thế, chính gia đình Kitô hữu sẽ vun trồng ơn gọi thừa sai nơi các con trai, con gái của mình bằng cách ngay từ thời thơ ấu biết nhận ra tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi người (SL Tông đồ Giáo dân, số 30). Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo, số 3 viết: “Nhất là gia đình Kitô giáo đã nhận được những ân sủng, và đòi hỏi phong phú của bí tích Hôn Phối, nên ở đó ngay từ nhỏ, trẻ em phải được dạy dỗ để nhận biết và thờ kính Thiên Chúa cùng yêu mến tha nhân, theo như đức tin chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa tội”.

Muốn thực hiện được những công việc loan báo Tin Mừng kể trên, các gia đình Kitô hữu nên:

a) Ý thức sâu sắc về vai trò và trách nhiệm loan báo Tin Mừng

Công đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Tự bản chất Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo” (TG số 2). Nếu truyền giáo đã là bản chất của Giáo Hội, thì khi Giáo hội không truyền giáo tức không còn là Giáo Hội nữa. Cũng có thể nói, tự bản chất, Kitô hữu là truyền giáo, vì Kitô hữu không những thuộc về Giáo Hội mà còn là chính Giáo Hội. Nếu gọi bản chất của Kitô hữu là truyền giáo mà người ấy không truyền giáo, thì phải hiểu là người ấy không còn là Kitô hữu nữa. Vai trò và trách nhiệm này đã được chính Thiên Chúa trao cho gia đình khi đặt gia đình là nguồn gốc và nền tảng của xã hội; hơn nữa, nhờ gia đình mà Giáo Hội thâm nhập xã hội và biến nó thành tác nhân của việc loan báo Tin Mừng.

b) Đón nhận Tin Mừng cách sâu sắc và trưởng thành trong đức tin

Muốn có năng lực để loan báo Tin Mừng, gia đình Kitô hữu cần phải đón nhận Tin Mừng cách sâu sắc và trưởng thành hơn trong đức tin. Muốn được vậy, gia đình phải là Nhà tiệc ly, noi gương các tông đồ, biết đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện với Đức Maria (Cv 1,14), được đầy Chúa Thánh Thần (Cv 2,4), và mạnh mẽ tuyên xưng Chúa Kitô Phục Sinh (Cv 2,14).

c) Sử dụng các phương thế truyền thống của Hội Thánh.

Để thành công trong việc loan báo Tin Mừng, các gia đình Kitô hữu cần sử dụng các phương thế truyền thống của Hội Thánh trong lãnh vực tâm linh, nhờ đó họ gặp gỡ được Thiên Chúa và trở nên thánh thiện. Đó là suy niệm Lời Chúa, kiểm điểm đời sống, cầu nguyện, thực tập các nhân đức, tham gia các hội đoàn, tĩnh tâm và siêng năng lãnh nhận các bí tích. Ngạn ngữ có câu: “Không ai cho cái mình không có”. Vậy muốn loan báo Tin Mừng của Chúa, trước hết chính chúng ta phải là một tin mừng cho anh em.

d) Cụ thể hóa công cuộc loan báo Tin Mừng, chúng ta phải:

– Cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng.

– Học hỏi sâu rộng giáo lý của Hội Thánh.

– Đóng góp cho việc loan báo Tin Mừng.

– Hy sinh trong đời sống thường ngày dâng cho việc loan báo Tin Mừng.

– Can đảm nói về Chúa và Tin Mừng cứu độ của Ngài cho người anh em.

– Tích cực tham gia công việc loan báo Tin Mừng khi được kêu gọi.

Lời kết

Thư Mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2003 có nêu rõ: “Chúng tôi mời gọi anh chị em hãy đáp lại lời gọi “Ra khơi” của Đức Thánh Cha, quy hướng lời cầu nguyện và hoạt động của Hội Thánh tại Việt Nam vào việc “Loan báo Tin Mừng”. Vậy các gia đình Kitô hữu hãy tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của vị cha chung và của hàng giáo phẩm Việt Nam hăng say đi loan báo Tin Mừng cho thời đại hôm nay.

Nếu mỗi gia đình Kitô hữu đều thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, thì mọi thành viên trong gia đình đều được Tin Mừng hóa, rồi cả gia đình sẽ trở thành thừa tác viên của công cuộc loan báo Tin Mừng. Được như thế, công cuộc loan báo Tin Mừng chắc chắn sẽ có kết quả nhanh chóng và sâu rộng, vì tương lai của nhân loại nằm trong tay của các gia đình biết trao ban cho thế hệ con cháu lẽ sống và niềm hy vọng.