Giuse Nguyễn Văn Quýnh
WPTTT — Trong gia đình, lời ăn tiếng nói sẽ mang lại hạnh phúc hay gây đau khổ cho các thành viên là tùy thuộc phần lớn ở người phụ nữ. Thế nên, chúng ta cần suy niệm câu Kinh Thánh sau: “Nàng khôn ngoan trong lời ăn tiếng nói, và dịu hiền khi dạy dỗ bảo ban” (Cn 31, 26).
Chuyện kể rằng, có hai vợ chồng tuổi đã cao mà vẫn cãi nhau như con nít. Một lần kia, ông giận bà quá, mất cả bình tĩnh, cầm gậy đuổi bà bán sống bán chết. Cuối cùng, bà đuối sức, nên bị dí vào chân tường. Hết đường thoát, bà liền quay lại, miệng tươi như hoa, bà hổn hển: “Thế anh định đánh em thật đấy à?” Ông phì cười, và cơn giận tan biến tức thì.
Cách ứng xử của bà cụ trong câu chuyện trên đây thật là khéo phải không các anh chị? Ông cha ta có câu: “Nói ngọt lọt đến xương”. Rất mong các cặp vợ chồng sẽ khôn khéo hơn trong lời ăn tiếng nói, để trở nên những con người dịu dàng dễ thương, để thành công trong đời sống gia đình, và được mọi người chung quanh yêu mến.
Thật vậy, Thiên Chúa đã dựng nên con người có một cái miệng và hai lỗ tai là để chúng ta “Nói ít mà nghe nhiều”. Thánh Giacôbê dạy: “Ai không sai lỗi trong lời nói, người đó là người hoàn toàn” (Gc 3,2). Một trong những kẻ thù chúng ta phải mau chóng loại trừ, đó là tật “đa ngôn”. Có những người nói nhiều đến nỗi “Không để cho miệng mọc da non”. Tiền nhân đã nhắc nhở rằng:
“Rượu lạt uống lắm cũng say,
Người khôn nói lắm, dẫu hay cũng nhàm”.
Sách Huấn ca dạy: “Đàn ông trầm lặng sống với đàn bà lắm điều, chẳng khác chi đôi chân cụ già phải leo lên đồi cát” (Hc 25,20). Vì thế, không nên nói nhiều, bởi càng nói nhiều thì càng sai nhiều.
“Khôn ngoan chẳng lọ nói nhiều,
Người khôn mới nói nửa điều đã khôn”.
Nhất là những người chuyên nói “Những lời có gai”. Người xưa có câu: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Thật vậy, lời nói chính là “Con dao hai lưỡi”, nếu biết sử dụng đúng, nó sẽ trở thành khí cụ xây dựng hòa bình. Ngược lại, nó sẽ là đao phủ, giết chết đời ta và cả những người chung quanh.
“Ăn lắm thì hết miếng ngon,
Nói lắm thì hết lời khôn hóa rồ”.
Báo Phụ Nữ có bài viết như sau: Chị Hoàng, nhân viên Bưu điện quận 4, TP.HCM phàn nàn: “Cách đây 7 năm, lần nào đi chơi với tôi, ông xã cũng giành… nói. Chia tay, vừa về đến nhà là ông gọi điện thoại. Vậy mà sau 5 năm chung sống, ông chỉ “mở máy” ở cơ quan, bàn nhậu. Còn về nhà gặp mặt tôi thì ông chỉ ừ hử cho qua chuyện”, hoặc la lên: “Nhức đầu quá, bà để tôi yên”.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên đã làm một cuộc khảo sát nhỏ: Trong 250 ông chồng được hỏi thì có tới 50 người tự nhận là về nhà ít nói vì bẩm sinh, 25% cho rằng vì bà xã nói nhiều quá, 21% do vợ chồng không đồng cảm, 28% định nói nhưng bị cách hỏi của bà xã làm mất hứng.
Về cách sử dụng lời nói, sách Huấn ca đã cho chúng ta một khuôn vàng thước ngọc:
“Hãy sắm cân sắm quả cho lời lẽ của con,
Nơi miệng con hãy có cửa đóng then cài,
Hãy đề phòng kẻo sa ngã vì đầu lưỡi,
Mà lăn nhào trước mặt kẻ rình con”
(Hc 28,25-26)
Để lời nói là những cánh hoa thơm, luôn đem lại sự vui tươi mát mẻ cho mái ấm gia đình, xin tặng các anh chị 3 bí quyết sau đây:
1/ Chọn lời nói thật chính xác
Khi vợ chồng nói chuyện với nhau, hãy dùng những từ ngữ thật khéo léo như: “Vâng, em sẽ cố”, hoặc: “Có thể anh sẽ làm được”. Những lời đó ngụ ý như một lời hứa. Khi lời nói đi đôi với việc làm, sẽ đem đến cho nhau sự tin tưởng. Ca dao có câu:
“Đã nói thì giữ lấy lời,
Đừng như con bướm đậu rồi lại bay”.
Nếu không thực hiện được thì đừng hứa, kẻo đánh mất niềm tin giữa vợ chồng. Tác giả Hanson có một lời khuyên về lời hứa thật chí lý: “Không hứa bậy nên mình không phụ ai, không tin bậy nên không ai phụ mình”.
Cũng đừng nói dối để khỏi mất niềm tin. Đừng nói ác ý để khỏi làm đau lòng nhau. Đừng nói mỉa mai để khỏi bị khinh miệt.
“Lời nói đẹp làm ấm lại ba đông,
Nửa câu dối trá làm sáu tháng giá lạnh”.
Trong cuộc sống lứa đôi, có rất nhiều gia đình nhờ những câu nói đẹp mà vợ chồng yêu thương hạnh phúc. Nhưng cũng không thiếu những đôi uyên ương, chỉ vì những lời ác ý, đã làm thiêu rụi tình yêu.
2/ Làm chủ giọng nói của mình
Khi vợ chồng trò chuyện, hãy nói nhẹ nhàng, vui tươi. Điều này mang lại cảm giác êm ấm mỗi khi nghĩ về nhau. Có câu danh ngôn này: “Một lời nói đáng yêu cũng giống như một ngày xuân”.
Hãy quyết tâm chỉ nói khi đã bình tĩnh, suy nghĩ, và tìm hiểu cặn kẽ. Còn khi nóng giận, phải hoàn toàn kiềm chế. Vì khi nóng giận, lời nói rất dễ sai lầm, và một khi đã “Nhất ngôn ký xuất” thì “Tứ mã nan truy”. Một lời nói sai, một câu xúc phạm, thì tai hại thật khó lường. Có lời dạy rằng: “Không ai căng buồm lúc trời đang giông tố”.
Dù đã hết sức bình tĩnh, nhưng chưa thuận tiện, cũng đừng nói. Khi anh đang bừng bừng sát khí mà chị lại thanh minh thanh nga, thì đúng là “Thêm dầu vào lửa”. Hãy đợi cho “Sóng yên biển lặng”, rồi chị rót vào tai anh ấy những “Lời ngọt ngào” thì làm sao mà chẳng “Lọt đến xương”.
“Chim khôn kêu tiếng rảng rang,
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”.
Được như thế, chắc chắn gia đình anh chị sẽ hít thở được bầu không khí trong lành của “Trời quang mây tạnh”. Những lời ngọt ngào, lại pha chút hài hước vui tươi thì cơn giận nào mà chẳng tan đi.
“Chồng giận thì vợ làm lành,
Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì.
Thưa anh, anh giận em chi?
Muốn lấy vợ bé em thì lấy cho”.
Người ta thường nói rằng: Lúc mới cưới nhau về thì “Anh nói em nghe, em nói anh nghe”. Vài tháng sau thì “Anh nói anh nghe, em nói em nghe”. Sau cùng, cả hai vợ chồng la làng và hàng xóm phải nghe. Lúc đó, hãy nhớ lời dạy của cha ông: “Một sự nhịn là chín sự lành” thì gia đình các chị mới “Trong ấm ngoài êm” được.
Người ta hay nói: “Thia lia quen chậu, vợ chồng quen… cãi nhau”. Đó là chuyện bình thường. Nếu cặp nào mà luôn chung sống hòa bình, đấy mới là chuyện lạ. Trong ngày kỷ niệm lễ cưới vàng, cụ bà được hỏi:
– Sau bấy nhiêu năm chung sống, có khi nào cụ nghĩ đến việc ly dị người chồng khó tính của mình không?
Cụ đáp:
– Ly dị hả? Không bao giờ! Nhưng giết chết ông ấy thì nhiều lần tôi có nghĩ tới!
“Bên thẳng thì bên phải chùng,
Hai bên cùng thẳng sau cùng đứt dây”.
Chính những lời nói dịu dàng, nhỏ nhẹ của người vợ, sẽ cảm hóa người chồng trở nên hiền lành, dễ thương:
“Chồng giận thì vợ làm lành,
Cơm sôi nhỏ lửa đời nào mà khê”.
3/ Không nói những lời thừa thãi
Dù chị biết một vài điều gì đó liên quan đến anh mà không cần thiết, cũng nên bỏ vào thùng và đậy kín lại. Đừng bao giờ tỏ ra mình “Đi guốc trong bụng” anh ấy. Những lời nói đay nghiến, bẳn gắt, giận dỗi… tuyệt đối không nên thốt ra. Lỡ chân gượng được, lỡ miệng gượng không được.
“Lời nói chẳng mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Các chị hãy nói “Những lời có cánh” với anh như: “Em thấy lòng rất thanh thản khi ở bên anh”. Hoặc khi anh đưa tiền về cho chị, chị đừng im lặng mà hãy rót vào tai anh: “Anh thật vất vả vì mẹ con em, em cảm động lắm!”. Đó là cách nói để khen ngợi sức mạnh và tinh thần của đàn ông. Áp dụng chiêu này với phái mạnh có lợi lắm đấy! Đừng bao giờ nói với anh những câu đại loại như: “Nhìn bề ngoài thì thoáng nhưng thực ra anh rất ky bo”.
Chính vì “Lời nói đau hơn dao cắt” nên chúng ta hãy cẩn ngôn. Có lời khôn ngoan này: “Hãy suy nghĩ nhanh nhưng chậm nói”.
Tương truyền rằng, khi còn làm thân phận nô lệ, triết gia Esope được chủ sai đi chợ mua món ăn ngon nhất. Ông mua toàn lưỡi heo đem về làm thức ăn. Người chủ lấy làm lạ, hỏi lý do. Ông đáp:
– Lưỡi là chìa khóa tất cả những lý lẽ của sự thật, nhờ đó mà con người được địa vị cao sang, được nhiều người kính nể, trọng vọng!
Muốn thử ông lần nữa, người chủ sai ông ra chợ mua cái nào xấu nhất và dở nhất về nấu. Lần này ông cũng mua toàn lưỡi heo. Người chủ ngạc nhiên hỏi tại sao lại mua lưỡi. Ông đáp:
– Nếu nói về cái quý nhất thì không gì quý bằng lưỡi, nhưng tìm cái xấu thì không gì xấu hơn nó. Chính cái lưỡi đã khiến người ta tranh luận, gây chia rẽ, vu cáo, nói điều bất nhân bất nghĩa!
Có biết bao gia đình “Tan cửa nát nhà” cũng chỉ vì hơn thua nhau một lời nói. Nhưng cũng không thiếu những cặp vợ chồng sống với nhau đến “Đầu bạc răng long” mà vẫn nói chuyện với nhau ngọt ngào, dịu dàng như thuở mới yêu. Thật quý hóa thay!
Mong sao lời sách Huấn ca sau đây sẽ hiện thực trong gia đình anh chị: “Người vợ hiền là số tốt vận may dành cho những ai biết kính sợ Chúa. Người phụ nữ ít nói là quà Đức Chúa ban” (Hc 26,3;14).
Chúc các anh chị luôn biết khôn ngoan, sử dụng những lời nói yêu thương, dịu dàng, vui tươi, để cuộc sống gia đình anh chị mãi mãi là mùa xuân hạnh phúc.