Giuse Nguyễn Văn Quýnh
“Hãy thương yêu nhau
như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12)
Hy sinh trọn vẹn là tha thứ tất cả và cho đi tất cả, là không để trong lòng một chút oán hận nhỏ nhoi nào. Hy sinh trọn vẹn là không phê bình, chỉ trích nhau, ngay cả trong ý nghĩ.
Lời mở
Làm sao để có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, quả thật không dễ dàng. Biết rằng phải yêu thương nhau mới có hạnh phúc, nhưng nhiều người ngộ nhận về tình yêu. Bởi họ không phân biệt giữa tình yêu vị tha và tình yêu vị kỷ. Tình yêu vị tha là luôn nghĩ đến người mình yêu và nghĩ cho người mình yêu; tình yêu vị tha là luôn sẵn sàng tha thứ nếu người kia làm tổn thương mình. Trái lại, tình yêu vị kỷ thì chỉ nghĩ đến mình, chỉ lo cho lợi ích của bản thân mình; tình yêu vị kỷ thì không chịu tha thứ nếu người kia xúc phạm đến mình.
Chuyện kể rằng: Có một đôi vợ chồng bước vào nhà hàng sang trọng, anh kéo ghế cho chị ngồi. Họ cùng nhau chọn và gọi món, rất ăn ý. Trong bữa cơm, vợ chồng chuyện trò vui vẻ, anh đút cho chị, chị bón cho anh. Ta buột miệng khen:
- Trông hạnh phúc quá!
Người biết chuyện, nghe ta trầm trồ khen ngợi đã nói nhỏ cho ta nghe:
- Thấy vậy mà không phải vậy. Họ đang biểu diễn hạnh phúc đấy!
Thật vậy, có những cặp vợ chồng, khi ra ngoài thì tỏ vẻ đầm ấm hạnh phúc, để chứng tỏ cho mọi người thấy mình đã thành công trong đời sống hôn nhân. Nhưng khi không có đệ tam nhân chứng kiến, thì họ sống với nhau lạnh nhạt như nước ốc, dửng dưng như người xa lạ.
Đúng hơn, vợ chồng phải yêu thương nhau cách chân thật, không nên giả hình giả bộ để che mắt thiên hạ. Bí quyết giúp cho hôn nhân hạnh phúc, chính là Lời Chúa: “Các con hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12). Yêu thương như Thầy chính là yêu thương một cách nồng nàn và hy sinh một cách trọn vẹn.
1. Yêu thương nồng nàn
Yêu thương nồng nàn là luôn cảm thông trước những thiếu sót của nhau, luôn nghĩ tốt về nhau và luôn nói tốt cho nhau, luôn đối xử với nhau bằng cái tâm chân thành, không oán trách dỗi hờn; là biết nói “cảm ơn” khi nhận được một ân huệ nào đó, dù rất nhỏ bé tầm thường.
Yêu thương nồng nàn là yêu một cách “vị tha”, không phải là “vị kỷ”. Yêu một cách vị tha là yêu với tất cả con người của họ. Yêu cả nết tốt lẫn tính xấu của họ. Yêu cả hiện tại lẫn tương lai của họ, dẫu sau này họ có thế nào đi chăng nữa.
“Yêu nhau vạn sự chẳng nề,
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”.
2. Hy sinh trọn vẹn
Hy sinh trọn vẹn là tha thứ tất cả và cho đi tất cả, là không để trong lòng một chút oán hận nhỏ nhoi nào. Hy sinh trọn vẹn là không phê bình, chỉ trích nhau, ngay cả trong ý nghĩ.
Hy sinh trọn vẹn là luôn đối xử tử tế với người bạn đời, mà không mong được đền đáp. Hy sinh trọn vẹn là quảng đại bao dung, chan hoà độ lượng, cho dù phải thiệt thòi mất mát.
Chúa Giêsu đã nói: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người dám hy sinh vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Chết cho tình yêu là chuyện rất khó, nhưng sống mỗi ngày cho tình yêu còn khó hơn nhiều. Đó là biết hy sinh cho nhau từ những việc nhỏ nhặt hằng ngày trong suốt cuộc sống.
Lời kết
Sách Diệu ca viết: “Tình yêu mãnh liệt như tử thần, cơn đam mê dữ dội như âm phủ” (Dc 8,6). Quả thật, tình yêu mãnh liệt là thế, dữ dội là vậy, nhưng anh chị phải xây dựng và nuôi dưỡng tình yêu mỗi ngày, thì tình yêu mới tồn tại và sinh hoa kết quả. Muốn vậy, tình yêu mà anh chị trao hiến cho nhau phải là Tình yêu đích thực.
Tình yêu đích thực làm cho con người biết ra khỏi chính mình nhưng không phải là đánh mất chính mình; trái lại thắng vượt con người ích kỷ nhỏ nhen của mình. Tình yêu đích thực là không ngừng hy sinh bản thân mình, chấp nhận thua thiệt để mang lại hạnh phúc cho người mình yêu.
Sống được như vậy, là anh chị đang thực hiện lời Chúa Giêsu đã dạy: “Các con hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12). Chúc anh chị tràn đầy hạnh phúc trong tình yêu của Thiên Chúa và trong tình yêu trao ban cho nhau.