SO SÁNH VỚI ĐẤNG KHÔNG THỂ SO SÁNH
“Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác; hay là như tên thu thuế kia!”; “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội!”.
Một nhà giáo dục nói, “Trong tiếng Anh có 5 chữ “C” khiến bạn dễ va vấp: “Criticizing, chỉ trích”; “Comparing, so sánh”; “Complaining, càu nhàu”; “Competing, cạnh tranh”; “Correcting, chỉnh sửa”. Hãy thay chúng với “Complimenting, khen ngợi!”. Và nếu phải so sánh, thì hãy so với một chữ “C” khác, “Christ, Chúa Kitô”; nói cách khác, bạn hãy ‘so sánh với Đấng không thể so!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật thú vị, chúng ta gặp lại đề nghị của nhà giáo dục qua Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay. Người biệt phái trong Tin Mừng là một mẫu người cụ thể thích so sánh. Không thể tin được, chỉ vỏn vẹn vài phút trước mặt Chúa, nhưng anh đã phạm một loạt sai lầm khi đem mình so với người khác, với người thu thuế; lẽ ra, anh phải ‘so sánh với Đấng không thể so’, Chúa Kitô!
Trước hết, người biệt phái đã chu toàn mọi sự với một quan niệm sai lầm rằng, anh ta có thể tậu được thiên đàng; một sai lầm khác là anh nghĩ rằng, anh có thể ghi điểm cho những gì anh đã làm. Mặc dù anh đã mở đầu lời cầu bằng cách tỏ vẻ nhìn nhận Thiên Chúa, nhưng khi kết thúc, anh lại hành động như thể anh là người thực sự đáng được khen lao; và thật trớ trêu, anh xem Thiên Chúa như ‘con nợ’ của anh. Và một sai lầm khác là anh đem mình so sánh với những người khác; cụ thể với người thu thuế đang đứng xa xa tận cuối đền thờ. Lẽ ra anh phải đặt mình ‘so sánh với Đấng không thể so’, chính Thiên Chúa là Chúa của anh!
Chưa hết, anh cầu nguyện như thể là ‘anh em sinh đôi’ với Đức Mẹ, “Đấng Đầy Ân Sủng”, bởi anh đánh giá thấp cái xấu tồn tại trong cuộc sống mình; và dường như anh không biết về bất kỳ tội lỗi nào mà anh đã phạm – vì ít nhất, anh không đề cập đến bất cứ tội lỗi nào với Chúa trong khổ độc thoại của mình. Chúa Giêsu từng cho biết, một người bình thường có thể phạm tội bảy lần một ngày, vì vậy anh phải có một điều gì đó để đặt trước mặt Chúa và cầu xin sự tha thứ của Ngài. Lương tâm anh tựa hồ một cái sàng sưa, một cái sàng ‘khá dễ dãi’ nên hầu hết tội lỗi của anh đều lọt qua nó mà không cần phải nhặt chúng lên. Thật không may, dường như anh không nhận thức được bất cứ điều gì; và điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa không biết nó là gì. Nếu anh cầu xin tha thứ, Chúa sẽ ban cho, nhưng vì anh hành động như thể anh vô tội, nên tội của anh vẫn còn.
Thái độ của người thu thuế lại hoàn toàn khác. Có lẽ, ông đã đem mình ‘so sánh với Đấng không thể so’, nên thay vì tập trung vào điều tốt ít ỏi của mình, ông chú ý vào tội lỗi của chính ông. Ông xin Chúa tha thứ nó, xin Ngài bỏ qua nó; và đây là thái độ đúng đắn chúng ta cần có trước mặt Chúa. Bài đọc Huấn Ca hôm nay nói, “Lời cầu nguyện của người khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây”. Trong bài đọc hai, Phaolô cũng tỏ ra thật khiêm tốn; biết giờ ra đi của mình đã gần kề, Phaolô chỉ cậy trông vào Chúa; ngài tâm sự với Timôthê, “Chúa đã phù hộ cha và ban sức mạnh cho cha”. Thánh Vịnh đáp ca cũng có chung một tâm tình, “Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe!”.
Anh Chị em,
“Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội!”. Bạn và tôi hãy biến lời này thành lời cầu nguyện của mình. Hãy thừa nhận tội lỗi; thừa nhận nhu cầu của chúng ta đối với lòng thương xót của Thiên Chúa và để lòng thương xót đó nâng chúng ta lên trong sự công bình của Chúa. Hãy nhớ, những người vẽ ra một hình ảnh sai lệch về bản thân có thể tự đánh lừa mình và thậm chí, có thể đánh lừa người khác; nhưng họ sẽ không bao giờ lừa được Thiên Chúa và không bao giờ bình yên thực sự trong tâm hồn. Mỗi người chúng ta phải nhận ra sự thật khiêm tốn về tội lỗi và sự yếu đuối của mình, và trong nhận thức đó, cầu xin một phương thuốc duy nhất – lòng thương xót Chúa; và nếu phải so sánh thì hãy đem chính mình so với Chúa Giêsu. Hãy cứ thường xuyên ‘so sánh với Đấng không thể so’, bạn và tôi sẽ nên thánh!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con ý thức thực sự tội lỗi của con. Nếu có điều gì con không biết, giúp con xem nó là gì; và nếu muốn so sánh, xin dạy con ‘so sánh với Đấng không thể so!’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)