Đại hội FABC 50 – Ngày VII – Những thực tế đang nổi lên tại châu Á (phần 3)

WHĐ (21.10.2022) – Tiếp tục với phân đoạn về “Những thực tế đang nổi lên tại châu Á”, ngày làm việc thứ bảy của Đại hội FABC 50, 19. 10. 2022, được bắt đầu với Thánh Lễ do Đức Hồng y Anthony Poola, Tổng Giám mục Hyderabad, Ấn Độ, chủ tế.

Trong bài giảng, Đức Hồng Y Poola chia sẻ với các giám mục rằng, khi được mời gọi trở thành Giám mục, các ngài đều được uỷ thác quyền quản lý. Và với tư cách là những người quản lý của Thiên Chúa, các ngài phải tiếp tục công việc của mình, mặc dù đôi khi những công việc ấy không được quan tâm, thậm chí bị xem thường.

Đức hồng y Anthony Poola

Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Kriengsak Kovithavanij – chủ toạ các phiên họp trong ngày – hướng dẫn lời cầu nguyện trang trọng xin Chúa Thánh Thần ngự đến (the Adsumus). Giờ Kinh Sáng, do Giáo hội Đài Loan phụ trách qua hình thức trực tuyến, với sự chuẩn bị của linh mục Otfried Chan.

1. Trình bày đề tài

Đề tài 1: “Tìm kiếm những lộ trình mới cho việc đào tạo, thờ phượng, và mục vụ kỹ thuật số trong kỷ nguyên hậu đại dịch” (Finding new pathways for formation, worship, and digital ministry in the post-pandemic era).

– Giáo sư Pablito Baybado Jr, giảng viên thần học tại University of Santo Tomas, Manila, đồng thời là Thư ký điều hành của the FABC Office on Education and Faith Formation (Văn phòng Giáo dục và Đào tạo Đức tin của FABC), cho thấy sự cần thiết trong việc xây dựng một thực thể bao gồm những cuộc gặp gỡ phong phú đức tin. Sử dụng cách so sánh tương đồng “dừng lại, cầu nguyện, và đi tiếp” của những người lái xe mô tô đi ngang qua Nhà thờ địa phương trên đường đi làm, và những giai thoại từ cuộc sống gia đình của mình, Giáo sư Baybado nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo đề cao tính toàn vẹn của gia đình, và sự cần thiết phải có những nhà đào tạo là những người làm vườn, kỹ sư và xây dựng, vốn là những người nhạy bén với thực tế hiện tại và có khả năng đồng hành với dân chúng.

Giáo sư Pablito Baybado Jr.

– Ông Alexander Lopez, Giám đốc Khu vực của Mạng lưới Truyền hình Lời Hằng sống (The Eternal Word Television Network-EWTN), giải thích việc sử dụng công nghệ đã trở thành tiêu chuẩn như thế nào, và nêu ra câu hỏi liệu Giáo hội có phải chịu sự kiểm duyệt, thao túng, và các công ty công nghệ lớn có kiểm soát bài vở của mình hay không. Tán thành nhu cầu xây dựng và vận hành các nền tảng an toàn đối với Giáo hội, ông Lopez khẳng khái nói rằng: "Quý vị là những người có tầm ảnh hưởng. Quý vị có thể đưa ra những câu trả lời thực tế, chứ không phải những lời hứa suông".

– Ông Brinston Carvalho, thành viên toàn thời gian của Ban Truyền thông Tổng giáo phận Bombay, làm việc tại Trung tâm Truyền thông Công giáo AMCF (The AMCF Catholic Communication Centre), nhấn mạnh việc sử dụng hiệu quả Sách Giáo lý mang tính sáng tạo trong mục vụ kỹ thuật số nhằm giúp truyền bá giáo huấn Phúc Âm, và tình yêu của Đức Kitô. Đề cập đến tầm quan trọng của việc đào tạo mục vụ trong truyền thông xã hội và truyền thông kỹ thuật số, cùng với đòi hỏi hiển nhiên là các giáo sĩ phải tham gia mạng xã hội trực tuyến, ông Carvalho nói rõ, “‘đàn chiên' đang ở trên mạng xã hội, thì những vị chủ chăn cũng phải hiện diện ở đó”.

 

Đức Giám mục Sebastian Francis

– Đức Giám mục Sebastian Francis, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Malaysia, Singapore và Brunei, lên tiếng về việc làm sao để có sự thay đổi mô hình trong việc thờ phượng và đào tạo, sang một mô hình mang tính sáng tạo, tiếp nhận và xây dựng kết nối. Đồng thời, ngài nhấn mạnh sự cần thiết đối với các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân như là những môn đệ, và giá trị của việc tham gia đối thoại với tất cả mọi người trong niềm vui, lòng thương xót và niềm hy vọng.

Đề tài 2: “Những thách thức của gia đình hiện nay và Giáo hội Á châu có thể đáp ứng một cách sáng tạo ra sao đối với việc chăm sóc mục vụ gia đình” (The challenges of the family today, and how the Church in Asia can respond creatively for the pastoral care of families).

– Ông bà Daniel và Shelley Ee, thành viên của Nhóm lãnh đạo thăng tiến hôn nhân thế giới (The Worldwide Marriage Encounter Leadership Team) và của Thánh bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, đã chia sẻ về những giá trị, thách đố của đời sống hôn nhân và vợ chồng như là trái tim của gia đình. Qua đó, hai ông bà đề xuất các bước để cải thiện việc chăm sóc mục vụ của gia đình. Một cách cụ thể, đó là việc tăng cường sự hình thành và huấn luyện; thay đổi cấu trúc nhằm tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng cùng nhau phục vụ; và các hoạt động đề cao và thăng tiến đời sống gia đình.

Ông Michael Phichit và bà Lucia Achara Sukeewat

– Ông Michael Phichit và bà Lucia Achara Sukeewat, Chủ tịch Quốc gia của Phong trào Gia đình Kitô giáo (Christian Family Movement) tại Thái Lan, trình bày về những thách đố mà các gia đình phải đối diện, thành kiến ​​xã hội, sự phai nhạt trong tương quan giữa các thế hệ, và vô số thử thách do tình trạng bấp bênh về tài chính. Hai diễn giả nhấn mạnh tầm quan trọng của Giáo hội trong việc nhận ra mối liên hệ giữa những thách đố này và nói thêm rằng "như là một Giáo hội và gia đình, chúng ta phải nhìn nhận rằng chúng ta cần chữa lành, trước khi chúng ta có thể cải thiện".

Đề tài 3: Những cơ hội Tông huấn Amoris Laetitia mang lại cho Giáo hội Á Châu để thực hiện tác vụ cách hiệu quả (The opportunities that Amoris Laetitia offers the Church in Asia for effective ministry).

– Đức Giám mục John Baptist Lee Keh-mien giáo phận Hsinchu, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đài Loan, hướng dẫn bài suy tư có chủ đề “Tông huấn Amoris Laetitia: Lời kêu gọi để yêu thương” (Amoris Laetitia: A Call to Love). Khi nêu bật những thách đố thực tế và không ngừng thay đổi đối với hôn nhân, Đức Giám mục Lee nhấn mạnh tầm quan trọng của việc huấn luyện tiền hôn nhân, cũng như các mục tiêu và bối cảnh mà Tông huấn đưa ra.

– Linh mục Vimal Tirimanna, CSsR (Sri Lanka), giáo sư the Accademia Alfonsiana ở Rôma và là thành viên của Ủy ban Thần học của ban Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục 2021-2023 (the Theological Commission of the General Secretariat for the Synod 2021-2023), khi trình bày gia đình và hôn nhân đã luôn là mối bận tâm lớn của Giáo hội như thế nào, đã nêu bật những khía cạnh và sự khác biệt của Tông huấn Amoris Laetitia. Nhấn mạnh ý nghĩa của việc chăm sóc mục vụ dành cho các cặp vợ chồng, cha Tirimanna cũng minh họa các trường hợp hôn nhân và gia đình đa dạng như là cơ hội để làm chứng và rèn luyện.

2. Thảo luận

Mỗi phiên họp được kết thúc bằng phần hỏi – đáp với các diễn giả, thảo luận nhóm, và suy tư về những gì đã lãnh hội qua các đề tài được trình bày.

Vào buổi chiều, Nhóm các giám mục bạn của Phong trào Focolare (the Bishop Friends of the Focolare Movement), khi giải thích về nguồn gốc và mục đích của phong trào Focolare, đã cho thấy phong trào tập trung vào gia đình, sự hiệp nhất, hiệp thông và đối thoại. Sau đó, các cử toạ được mời tham dự cuộc họp trực tuyến với Nhóm các giám mục này. Bên cạnh đó, một vài thành viên của Phong trào Focolare giới thiệu nhiều mảng hoạt động của Phong trào.

Ngày thứ bảy của Đại hội khép lại với Kinh Truyền Tin do Đức Hồng y Kriengsak chủ sự.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: fabc2020.org (19. 10. 2022)