DẤU CHÂN ĐỊA ĐÀNG

Giuse Huỳnh Bá Song

Tiếng gào thét giọng trẻ nhỏ vang lên từng chập thảm thiết làm bà con khu phố chợ chợt tỉnh giấc. Trận mưa dông hừng sáng với những đợt mưa gió chập chùng hòa lẫn với tiếng khóc mỗi lúc một thê lương hơn, khiến mọi người đành phải bật dậy bước ra khỏi nhà, tuy cái lạnh giá ảnh hưởng của cơn bão mấy ngày qua vẫn đang tràn ngập, làm đôi lúc mọi người còn lưỡng lự, e dè, ngần ngại.

Qua ánh đèn điện vàng mờ soi nơi góc chợ, hình ảnh một thằng bé chừng 6, 7 tuổi, người gầy gò đang vừa khóc vừa lay một thân hình cứng đơ, bất động, dưới tấm chăn ướt sũng vì nước mưa, đã giúp mọi người hiểu ra…

Ông ơi! Dậy đi! Ông đừng bỏ con! Đừng bỏ con lại một mình ông ơi!…

À! Thì ra đã có việc gì xảy ra với hai ông cháu của lão ăn xin, không biết từ phương trời nào vừa phiêu dạt đến khu phố chợ này chừng vài tháng qua. Những ngọn đèn quanh khu phố được bật lên, mưa vẫn lất phất không ngừng qua xóm chợ. Mặc sấm chớp rầm ì, mọi người vẫn lao đến xúm quanh ông lão tìm cách cứu chữa cho tấm thân tiều tụy, bất động lạnh giá của ông. Rõ khổ! Chắc bị cảm lạnh mấy bữa này rồi cũng nên. Thằng bé, quần áo ngoi ngót, mắt thất thần nhìn mọi người cầu cứu.

Thím Năm vừa thay bộ đồ mới cho ông vừa than thỉ:

Tội nghiệp! Thân không cửa không nhà! Không nơi che chắn giữa cái nhà lồng chợ trống huơ trống hoác này thì thân nào mà chịu nổi  – lại thêm mấy ngày nay mưa gió rầm trời, có ai chợ búa gì đâu, bữa đói bữa no thì sức khỏe suy kiệt là phải rồi.

Mọi người nhìn nhau xót xa như nhận ra sự vô tâm của mình. Thôi! Người một tay – Bếp than hồng của cửa hàng café dì Sáu vừa nhóm xong đã được bưng qua, cố truyền nguồn hơi nóng đến từng bộ phận trên tấm thân gầy gò của ông. Chai dầu nóng mới khui của thím Ba tạp hóa được đổ tràn ra tay xoa khắp lồng ngực, tấm lưng đã tím tái, nhưng dường như tất cả mọi sự cố gắng cứu chữa của mọi người vẫn chưa đủ để xua đi được cái hơi lạnh khác thường đang phủ khắp người ông – cái hơi lạnh mang mùi tử khí.

Thầy Tám đông y cũng lụm cụm đến bên ông lão. Ông chậm rãi bắt mạch, tay xoa nhẹ đôi lần lên lồng ngực, ấn mạnh vào huyệt nơi cổ ông lão rồi thất vọng đứng lên:

Thôi bà con! Vô ích! Ông ấy đã đi rồi!

Câu nói tuy nhẹ nhàng nhưng là lưỡi dao kết thúc cho mọi hy vọng. Mọi người lặng lẽ sửa lại quần áo, dáng nằm cho ông lão, bối rối nhìn nhau xúc động trước cảnh ra đi đơn lẻ, hèn mọn của một kiếp người.

Thằng bé nãy giờ im lặng núp sau góc cột chợ, len lén nhìn mọi người chăm sóc ông lão với niềm hy vọng mỏng manh. Ông lão sẽ tỉnh lại, sẽ sống, để tiếp tục cận kề với nó, hai ông cháu sẽ lại cùng nhau bước đi trên bước đường lữ thứ… thì giờ đây đã hiểu ra. Ông lão đã vĩnh viễn ra đi, đã thực sự rời xa nó rồi. Nó thét lên rồi lao đến khuỵu xuống ôm chầm lấy tấm thân bất động của ông lão với những tiếng thét gào đau đớn xé lòng: “Ông ơi! Ông đừng bỏ con! Ông đi rồi con biết sống với ai đây! Ông ơi! Hu, hu…!”

Những giọt nước mắt rân rấn nơi khóe mắt của mọi người, dù họ đã rất cố gắng đè nén cảm xúc. Cơn mưa dịu dần, những người đi chợ sớm cũng đã bắt đầu xuất hiện, bu quanh, bàn tán. Ông lão mù và thằng bé ăn xin đây mà.

Mới hôm qua, còn thấy ông lặng lẽ ngồi nơi đầu chợ, chiếc thau nhôm cũ mèm, móp méo để trước mặt, đưa cái nhìn đờ đẫn của đôi mắt chỉ còn tròng trắng kiên nhẫn chờ đợi sự bố thí của mọi người, không một lời cầu xin. Thằng bé lúc thì nằm bên chân ông trên chiếc chiếu rách ngủ nướng ngon lành, lúc thì thơ thẩn đi quanh phố chợ với cái nhìn lạ lẫm, thèm thuồng trước những quầy hàng, quán ăn đầy ấp những món ngon, vật lạ. Thi thoảng, tiếng leng keng của những đồng xu, tiếng chép miệng cùng tiếng thở dài đi kèm với những tờ bạc lẻ, đã làm cho ánh mắt mờ đục của ông lão chợt sáng lên, vươn đầy sức sống. Bàn tay gầy guộc mò mẫm quét qua chiếc thau, mân mê đồng tiền rồi cẩn thận lần bỏ vào chiếc túi vải nhỏ cột chặt bên mình như sợ nó sẽ biến đi. Nguồn sống của hai ông cháu là đây!.

Riêng ngày Chúa nhật, khi tiếng chuông nhà thờ chưa đổ dứt hồi chuông thứ nhất thì ông đã có mặt nơi cổng. Khác với mọi ngày, ông lão ăn xin hôm ấy khoác lên mình một bộ đồ mới tươm tất, gương mặt đăm chiêu hướng vào nhà Chúa đượm vẻ suy tư. Lúc Thánh lễ bắt đầu cũng là lúc thằng bé cẩn thận dắt ông vào quỳ nơi hàng ghế cuối nhà thờ, thành kính lắng nghe. Tan lễ, khi mọi người lục đục ra về hết rồi, cha xứ vẫn còn thấy lão gục đầu nơi góc cuối nhà thờ dường như đang mải mê khấn nguyện.

Ông luôn là người cuối cùng rời khỏi nhà Cha. Không biết lão có đạo hay không, nhưng trước tinh thần sốt mến, tấm lòng kính Chúa của ông, mọi người cũng thấy gần gũi, thân thiết có cảm tình với hai ông cháu. Do vậy, vào những ngày Chúa nhật, những người có lòng trong xứ cũng thu xếp ít nhiều chia sẻ với ông như người anh em. Đôi lúc ngoài tiền bạc, hai ông cháu còn nhận được: khi thì những phần bánh ngon, lúc thì những chùm trái chín trong vườn, thi thoảng, những bộ quần áo thơm mùi vải mới – Đất lành, chim đậu – có lẽ với hai ông cháu, cuộc đời tha phương cầu thực đã tìm thấy bến dừng. Góc chợ tuy nhỏ bé nhưng được che kín bởi những chiếc sạp gỗ san sát, chỉ cần đôi mảnh nylon nhỏ phủ chắn lúc đêm xuống là đã có một nơi ngả lưng êm ấm, bình an. Nơi ăn, chốn ở có được như trong mơ, hai ông cháu vui sướng như đã tìm được vùng địa đàng trần gian trong cổ tích. Nơi đó, hai ông cháu đã được tận hưởng ngoài nguồn lương thực dồi dào, còn có cả thêm tình người ấm áp.

***

Ông đã ra đi, một cái chết nhẹ nhàng không gây phiền lụy cho mọi người khi sống, nhưng giờ đây chính cái chết ấy đã bắt đầu gây rối rắm cho cả mọi người. Không thân nhân, không bà con ruột thịt, không mảnh đất cắm dùi. Cuộc họp bên Ủy ban xã kéo dài suốt hơn hai giờ liên tiếp, rồi cuối cùng cũng đi vào bế tắc. “Ông già hết chuyện lại nhè cái xã nghèo của mình mà đến để chết, đất đai ở đâu mà ra để chôn cất cho ông lão đây – một huyệt mộ ngoài nghĩa trang huyện bây giờ cũng hàng mươi triệu thì đào đâu ra tiền! Khổ thật!…”

Tư Trung, chủ tịch xã nửa nói, nửa than như mếu. Chợt có người mách nước:

À mà này! Tôi thấy bên nhà thờ xã mình có nghĩa trang đó! Đâu anh Bảy bí thư sang hỏi cha xứ xem có cách giúp không? Tôi thấy bên họ đạo cũng hay giúp người lắm, anh Bảy thử xem!.

Chú Bảy Thân, bí thư xã nghe lời nhắc chợt nhẹ cả người. Thế mà sao nảy giờ lại nghĩ không ra? Ông cha sở xứ này rất tốt với người nghèo, mà họ đạo thì cũng rất rộng lòng làm việc thiện. Ông lão ăn xin ở chợ này cả làng ai cũng biết, nghèo tứ cố vô thân, trường hợp này có lẽ nhà thờ sẽ giúp được đây. Nhưng không may, ông qua bên nhà xứ thì được biết ông cha xứ đã đi thường huấn ở tỉnh đến cuối tuần mới về.

Chết thật! Không có ý kiến của cha xứ thì họ đạo có giúp giải quyết được không đây? mà việc chôn cất ông lão thì phải lo ngay, vì ông đâu có thân nhân đâu mà phải chờ, phải đợi. Rồi dị nghị của bà con nữa… khổ ơi là khổ. Mọi người trong Ủy ban như ngồi trên đống lửa.

***

Phiên họp đột xuất của Ban Mục vụ Giáo xứ đã bắt đầu căng thẳng, mỗi người một ý nhưng tựu trung vẫn chưa thống nhất được với nhau. Nghĩa trang họ đạo là nơi dành cho những người có đạo trong xứ an nghỉ. Ông lão ăn xin không cùng tôn giáo, nếu đem vào thì có lời phiền trách của ai không? Ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm trước cha và cộng đoàn.

Ông chánh trương Tám Hưng ngồi chủ trì cuộc họp mà lòng ngổn ngang rối bời, nóng như lửa đốt. Người ăn xin từ phương xa đến đã đột ngột qua đời, không người thân thiết. Càng rối hơn khi bên Ủy ban cũng đã hết cách, chạy sang nhờ giáo xứ hỗ trợ giải quyết. Mà khổ nỗi, tuần này cha xứ phải đi thường huấn trên Tòa Giám mục cuối tuần mới về…

Ông suy nghĩ mông lung để rồi lặng lẽ bước đến bên bàn thờ Chúa cầu nguyện và cuối cùng bước ra tuyên bố:

Tôi hiểu ý cha xứ của mình, người Công giáo phải sống chứng nhân. Tôi chịu trách nhiệm giải quyết việc chôn cất ông lão ăn xin này. Thôi mọi người giải tán! Báo đội mai táng của xứ đến gặp tôi…

***

Chiếc huyệt vừa được đào xong bên cạnh dãy mộ của những người Kitô hữu vừa qua đời gần đây. Khi anh em chuẩn bị xúm vào khiêng chiếc quan tài hạ xuống đất thì có tin ông cha xứ về đến và đang trên đường đi ra nghĩa trang.

Mọi người nhìn nhau bối rối. Chẳng hiểu ý của cha xứ ra sao đây! Chú Bảy bí thư và mọi người trong Ủy ban, cũng như bà con xóm chợ đến tiễn đưa ông lão, cũng băn khoăn lo sợ. Nếu ông cha không đồng ý thì sao? Lúc ấy mọi khó khăn chắc sẽ lại đổ xuống mọi người có trách nhiệm ở đây.

Ông cha xứ tất tả dựng xe bước vào cổng nghĩa trang, đám đông dạt ra thành hai hàng với cái nhìn theo lo lắng. Ông cha đã bước đến cạnh bên huyệt mộ, ông Tám Hưng quẹt nhanh dòng mồ hôi đang tuôn như tắm trên gương mặt, băn khoăn bước lên định giải thích.

May quá! Tôi về vẫn còn kịp!

Không gian im ắng lại càng vắng lặng hơn! Còn kịp nghĩa là sao? Là ngưng ngay việc chôn cất và đem quan tài đi nơi khác hay sao đây? Mọi người nhìn nhau thất vọng, nín thở nhìn ông cha xứ đang đi vòng quanh quan tài lẩm nhẩm cầu kinh. Đến bên ông chánh trương đang trân mình chờ chịu trận, ông cha xứ dừng lại khẻ gật đầu, vỗ vai ông niềm nở:

Tôi mới vừa được báo tin, anh chị em ở nhà làm đúng lắm… tôi rất vui!

Rồi quay sang mọi người cha nói tiếp:

Tất cả mọi người đều là con Chúa! Ông lão ăn xin là một người nghèo khó, là hiện thân của Chúa Giêsu Kitô, mà khi sống anh chị em đã chia sẻ chăm sóc. Tôi để ý thấy ông lão rất hạnh phúc khi mỗi lần được đến nhà Cha. Như vậy khi ông được trở về với Cha trên trời, anh chị em đã đem ông về an nghỉ trong đất họ đạo cũng là phải nghĩa thôi! Chúng ta sống chứng nhân không chỉ bằng lời nói mà còn phải bằng chính con tim, không chỉ bằng lời rao giảng suông mà phải bằng hành động thiết thực. Chúng ta phải là niềm tin, chỗ cậy của mọi người, san sẻ gánh vác mọi gánh nặng cuộc đời của tha nhân thì mọi người mới tìm thấy hình ảnh tốt đẹp của Chúa qua tình yêu và sự phục vụ quên mình của anh em.

Quay sang chú Bảy bí thư, cha xứ cúi chào:

Xin cám ơn ông bí thư và anh em trong Ủy ban đã tin tưởng bà con trong họ đạo của chúng tôi.

Bầu không khí trầm lắng nãy giờ chợt vỡ lên trong niềm vui hạnh phúc của mọi người.

Tôi đã nói rồi mà! Ông cha xứ này rất tốt và bà con trong họ đạo cũng rất rộng lượng giúp người mà!

Tư Trung vừa phụ chuẩn bị hạ huyệt, vừa hân hoan tâm sự với mọi người xung quanh. Mọi người gật đầu đồng tình với lời nhận xét.

Buổi chiều, khi mặt trời vừa nghiêng bóng thì nắm đất cuối cùng cũng đã đắp xong. Ngôi mộ mới thẳng thóm nằm ngay hàng theo thứ tự kế tiếp của hàng mộ giáo dân, duy chỉ nơi đầu mộ, thay vì là một thanh Thánh giá gỗ như mọi người thì chỉ là một khoảng không hụt hẫng. Không gian khu nghĩa trang với những hàng Thánh giá thẳng tắp đều đặn, chợt lõm xuống với ngôi mộ đất trơ trọi như một dấu chân dẫm lên khu vườn, in mình trên vùng đất bình yên – Dấu Chân Địa Đàng.

***